Kinh Thập Thượng - Mười Thiện Nghiệp Đạo
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 16-6-2013, Minh Hạnh chuyển biên
(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta trở lại một đề tài có lẽ trong suốt thời gian ở lớp Diệu Pháp và bây giờ là lớp Phật Pháp Buddhadhamma chúng ta được nghe nhiều lần nhưng có những điều cho dù nghe nhiều lần chúng ta cũng nên suy niệm một lần nữa và lần nữa để có thể nhìn vấn đề được từ nhiều phương diện khác nhau.
Chúng ta thường có những lời nói mang tính đại chúng rất thường nghe, rất thường được nói nhưng đi vào chi tiết thì chúng ta không thấy sự cụ thể. Ví dụ mình nói, làm sao cho đời sống mình được trong sạch được thanh tịnh. Hoặc giả mình là người tốt không làm gì xấu ác, khi nói như vậy nếu hỏi vào chi tiết đôi khi chúng ta không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là trong sạch, thế nào không trong sạch. Mình bỏ nhà bỏ cửa lên rừng chỉ ăn chuối ăn khoai gọi là trong sạch. thậm chí có nhiều Phật tử chỉ nghĩ rằng mình ăn chay ăn không ăn thịt là mình trong sạch, hay hoặc giả mình nghĩ đến chuyện sống làm sao tránh né không tiếp xúc với quần chúng, không tiếp xúc ai khác là mình trong sạch.
Những quan niệm như vậy thật ra mới nghe nó là những điều rất dễ hiểu. Nhưng riêng đối với Phật Pháp khi chúng ta đi sâu vào kinh điển Phật Pháp chúng ta thấy Đức Phật Ngài giảng dạy những điều này mang tính cụ thể rõ ràng đường nét hơn.
Ví dụ, thay vì nói đời sống thế nào là tốt đẹp là trong sạch, Đức Phật Ngài dạy một đời sống không tạo ác nghiệp và huân tập hạnh lành, thanh lọc tâm ý đó là đời sống thật sự tốt đẹp.
Bây giờ mình nói không làm việc ác, làm việc lành, thanh lọc tâm ý đi vào chi tiết như thế nào?
Đối với Đức Phật, một người muốn nhìn bản thân của mình có nhiều cách nhìn, thí dụ như mình nhìn vào ngũ uẩn, nhìn vào lục căn. Đối với ngũ uẩn chúng ta thường hay có những sở chấp, đối với lục căn thường chúng ta nói đến những phương diện chi phối, nhưng khi nói đến tạo tác Đức Phật Ngài dạy rằng chúng ta có 3 nơi để tạo tác nghiệp đó là thân, khẩu và ý.
- Thân là hành động
- Khẩu là lời nói,
- Ý là sự suy nghĩ.
Nếu chúng ta nắm 3 lãnh vực này: lời nói, hành động và ý nghĩ tương đối rất dễ để cho chúng ta thấy được đâu là nơi những nghiệp thiện và nghiệp ác phát sanh.
Chúng ta nói đến hành động, Đức Phật Ngài đơn cử rõ ràng chứ Ngài không nói mơ hồ. Khẩu nghiệp cũng vậy cũng đơn cử rõ ràng và ý nghiệp cũng vậy Ngài cũng đơn cử rõ ràng.
Về điểm này chúng ta nên biết, tại vì thông thường một số lớn trong chúng ta hoặc giả mình nói một câu đại loại mình là phàm nhân "nhân vô thập toàn". Thì nhân vô thập toàn chúng ta dĩ nhiên có làm những điều lầm lỗi, tuy vậy câu đó có vẻ giống như mình nói để an ủi, mình nói để chấp nhận lẫn nhau hơn cách nói làm thế nào để chúng ta có thể thay đổi được tự thân của mình.
Với Đức Phật xuyên qua giáo lý của Ngài, xuyên qua những gì Ngài dạy rất rõ ràng về điểm này. Giả xử, Ngài không nói thân nghiệp trong sạch nghĩa là mình phải hoàn toàn thanh tịnh hết tham sân si. Dĩ nhiên điều đó quá lý tưởng, chỉ có bậc Thánh mới không còn phiền não.
Tuy vậy, nếu trong tâm của chúng ta không nuôi dưỡng 3 thứ tham ác, sân ác, tà kiến ác thì được xem như tốt đẹp về ý nghiệp.
Lời nói thế nào là thanh tịnh? Đức Phật Ngài dạy không nói dối, không nói độc ác, không nói đâm thọc, không nói nhảm nhí vô ích như vậy là thanh tịnh.
Thì những đơn cử một cách rõ ràng này một lần nữa đưa chúng ta vào vấn đề có tánh cách cụ thể tức không nói mơ hồ, không nói chung chung, nói một cách hoàn hảo.
Về điểm này chúng ta phải lưu ý bởi vì trong sự ứng dụng Phật Pháp vào đời sống hàng ngày người Phật tử thường vấp phải một điểm chúng ta đưa ra một cái gì quá tuyệt đối quá đẹp và đôi khi không có đơn cử, không có chi tiết, không có rõ ràng thành ra vấn đề trở nên mơ hồ.
Ví dụ, mình nói với nhau: tôi là người có cuộc sống thanh tịnh, vị này sống thanh tịnh, vị kia sống không thanh tịnh, rồi rốt cuộc chúng ta lại nói câu làm người không ai hoàn hảo hết như vậy lâu ngày làm chúng ta có cảm giác chuyện tốt đẹp là chuyện bất khả thi, chuyện tốt đẹp là chuyện không thể làm được, và chuyện tốt đẹp của mình thường là do người khác phê phán, ví dụ như người khác họ phê phán mình thế này thế kia, nhưng điều quan trọng nhất là mình có hiểu mình hay không, nhiều khi qua con mắt của người khác mình là người rất tốt nhưng nếu mình hiểu Phật Pháp thì mình lại không được tốt như mình nghĩ. Do vậy khi chúng ta học về những điểm này là những điểm rất có lợi cho chúng ta.
Điểm đầu tiên chúng tôi muốn nói với qúi vị là thứ nhất bây giờ chúng ta nói ở đây có 3 điểm chúng tôi vừa đề cập
- Thứ nhất, chúng ta phải nhìn cuộc sống một cách toàn diện. Một hồ nước chỉ cần một lỗ mồi nhỏ dù lỗ mồi ở hướng đông tây nam bắc không thành vấn đề, nhưng một lỗ mồi nhỏ cũng có vấn đề. Con người chúng ta nếu phạm vào ác nghiệp dù chỉ là ác nghiệp nhỏ thôi thì ác nghiệp đó có thể chi phối cả cuộc sống của chúng ta, về điều này chúng ta nên để ý.
- Điểm thứ hai, muốn gọi là thanh tịnh tốt đẹp mình nên nhìn vào 3 cửa ngõ, qua 3 cửa ngõ đó khiến cho chúng ta xác định mình có thể nhìn biết về hạnh nghiệp hay sự tạo tác của mình. Ba cửa ngõ đó là thân, khẩu, và ý. Và khi chúng ta nói thân khẩu ý thì không nói mơ hồ chung chung, Đức Phật Ngài dạy:
- Thân nghiệp có 3 điều nên tránh.
- Khẩu nghiệp có 4 điều nên tránh.
- Ý nghiệp có 3 điều nên tránh.
Như vậy, Đức Thế Tôn Ngài cho chúng ta một hình ảnh cụ thể chi tiết đơn cử rõ ràng, chứ không nói mơ hồ.
- Điểm thứ ba, trong một câu kinh Pháp Cú Đức Phật dạy "không làm tất cả các điều ác, tu tập hạnh lành, thanh lọc tâm ý. Đó là lời dạy của Chư Phật".
Chúng tôi có đem điều này để thảo luận với 3, 4 vị cao Tăng, các vị đều nói một điều là cả 3 pháp đó mình thấy nó là 3 nhưng thật sự nó liên hệ với nhau rất mật thiết. Lấy ví dụ, mình không nói dối đó là không làm điều ác, nhưng trong cái không nói dối chúng ta còn phải có tâm nói lên sự thật, tôn trọng sự thật.
Sự tôn trọng sự thật và nói sự thật là điều lành nhưng thanh lọc tâm ý ở chỗ nào?
Thấy người ta nói dối, dầu nói dối để nói chơi mình cũng không hoan hỉ, thấy người ta nói dối mình không khen, thấy người ta nói dối mình ngăn và mình không dạy người khác nói dối không làm theo. Nhưng quan trọng nhất là tâm mình không vui theo sự nói dối đó. Hay không chửi rủa người khác, không dùng lời độc ác để chửi rủa người khác nhưng khi mình thấy ai dùng lời độc ác chửi rủa người khác mình vỗ tay khen, mình mừng mình vui thì như vậy tâm mình không thanh tịnh. Mình làm nghiệp đó nó cũng có vấn đề, mình vui theo nghiệp đó mình cũng có vấn đề.
Thành ra khi các Ngài nói thanh lọc tâm ý không đơn giản chỉ ngồi thiền là thanh lọc tâm ý nó còn có ý nghĩa mình làm thế nào đối với những pháp bất thiện này tâm mình không tùy thuận, tâm mình không hoan hỉ, tâm mình không chấp nhận, cái đó được xem như một phần mình giữ tâm thanh tịnh, điều này khó lắm.
Khi chúng ta nhìn vào 10 pháp này chúng ta thường hay nhìn 2 khía cạnh: Khía cạnh thứ nhất là không làm. Không làm ở đây là, thân ác không làm, khẩu ác không làm, ý ác không làm. Nhưng nếu chúng ta chỉ không làm ác nó chỉ là phân nửa câu chuyện thôi. Ở đây chúng ta gọi 10 thiện nghiệp đạo thì 10 thiện nghiệp đạo đó liên hệ đến một thái độ tích cực năng động chứ không phải một thái độ tiêu cực thụ động.
Chữ tiêu cực, tích cực ở đây chúng tôi không nói là xấu. Ví dụ, mình nói mình không sát sanh, như vậy không sát sanh là mình tốt rồi. Nhưng ngoài ý nghĩa không sát sanh còn có ý nghĩa tôn trọng sự sống, trân trọng đối với sự sống, và làm sao cho cuộc sống được vui được đẹp được khỏe, tức là mình qúi sự sống, qúi sự an lạc. Lấy ví dụ ngoài sự không sát sanh chúng ta có những thái độ làm sao để mang lại sự sống tốt đẹp cho người khác nhất là về phương diện sức khỏe.
Đôi khi quét dọn nhà vệ sinh chúng ta nghĩ những người khác đi vào xử dụng nhà vệ sinh họ sẽ thoải mái, sạch sẽ ,không bị ô nhiễm, tốt cho sức khỏe của họ, thì đó cũng là một thái độ một tinh thần của chúng ta gọi là có ý thức về giá trị của sự sống.
Hay hoặc giả mình thường mong cho chúng sanh khác được vô bịnh được an lạc, đó cũng là tinh thần tích cực. Một người luôn luôn mong cho chúng sanh khác được thiểu bịnh được an lạc người đó hoàn toàn không có ý tưởng đoạn mạng chúng sanh khác.
Hoặc giả mình phát nguyện không nói lời chia rẽ. Nhưng không nói lời chia rẽ chỉ là phân nửa câu chuyện thôi, đó là không làm điều ác. Nhưng làm các việc lành ở đây còn có nghĩa chúng ta nói lời hoà hợp.
Chúng tôi ở gần Ngài Hộ Giác, chúng tôi thấy có rất nhiều trường hợp, kể cả Chư Tăng, kể cả vị cư sĩ thường đến gặp HT để than phiền về người này và người kia. Ví dụ như thầy A không ưa thầy B, hay Phật tử A không ưa Phật tử B, và khi họ than phiền họ có kỳ vọng: thứ nhất là họ bực quá thì họ nói làm sao cho hả giận, và thứ hai để mong Ngài ủng hộ họ. Thí dụ như thầy A nói "con đến chùa mà thầy B nói năng như vậy làm phiền phức, làm cho con, thầy bực quá".
Nếu là chúng ta thường thường có 2 thái độ: một là nếu chúng ta có thiện cảm với một người nào liên quan chúng ta sẽ cực lực binh vực người đó, hay hoặc giả, nếu chúng ta không ưa người đó hoặc chúng ta và người đó không quen biết nhưng muốn đổ dầu thêm lửa chúng ta hay nói vào là "anh đó chị đó làm như vậy là không có đúng, thầy đó nói vậy là sai", ý nói sao cho vừa lòng người đối diện với mình. Nhưng cách nói đó thường đào thêm cái hố, tạo thêm sự chia rẽ, và chúng ta thường làm cái lỗi đó mà chúng ta không để ý là chúng ta thường biến mình trở thành nạn nhân của những sự chia rẽ, và đồng thời chúng ta cũng tạo sự chia rẽ trầm trọng thêm.
Ngài HT Hộ Giác Ngài có một cách phản ứng chúng tôi nghĩ mỗi người chúng ta có thể học được điều này cũng hay. Chúng tôi lấy ví dụ bây giờ chúng tôi làm trụ trì có một cái phiền phức người nào đó chúng tôi lên trình bày với Ngài và nếu khi chúng tôi trình bày đến mức độ bực quá mình giận quá mình nói phiền người đó thì Ngài nói: "Thấy vậy chứ không phải vậy đâu". Thì Ngài nói để làm mình nguội xuống để mình bớt đi cái giận. Tại vì khi mình giận ai mình hay nghĩ quá đáng về người đó, mình hay nói phóng đại về người đó, họ làm lỗi có một mình nói đến 10, hay họ chỉ xấu một phương diện mình đổ hết cho người đó xấu hoàn toàn. Thành ra Ngài nói "Thấy vậy chứ không phải vậy đâu". Ngài nói một câu rất ngắn, nghe nó chung chung thôi nhưng tương đối trong câu nói ngắn chung chung đó giúp cho mình tỉnh táo lại một chút, mình không có nói quá nặng về một người .
Hay hoặc giả, khi nào chuyện đó quá hiển nhiên quá rõ ràng, quá hiển nhiên quá rõ ràng là thí dụ như ở trong ngày lễ một người nào đó họ làm rất sai mình bực bội và đến nói với Ngài "Sư đó làm như vậy là sai, bạch Ngài, con cảm thấy rất là phiền". Chúng tôi vẫn còn nhớ lời của Ngài, Ngài nói nhẹ nhàng, Ngài nói "Thì bởi". Ngài chỉ nói vậy thôi, Ngài không nói cách đổ dầu thêm lửa Ngài nói một câu "thì bởi" (thì nó như vậy, bởi nó như vậy, thành ra nó mới ra nông nỗi như vậy thôi). Ngài không nói thêm và Ngài tìm cách để làm sao cho mình giảm bớt đi sự phiền não.
Thì chúng ta chỉ không nói lời chia rẽ mà chúng ta cố gắng nói lời kết hợp, lời hoà ái làm sao cho người ta bớt phân hóa bớt chia rẽ. Tại vì nói lời hoà hợp tức chúng ta làm điều lành. Không làm điều ác nhưng cũng phải làm điều lành nữa.
Đức Phật Ngài dạy chúng ta đừng nói lời độc ác nhưng không nói lời độc ác không đơn giản là chúng ta chỉ tránh không rủa xả người khác là không nói lời độc ác mà chúng ta còn nói với tâm từ nhất là ở trong những trường hợp giận dữ hay phiền phức.
Chúng tôi để ý như vậy, trong một hội chúng hay một gia đình hay một nhóm người nào mà người ta cố gắng cho nhau những lời có tôn trọng, người ta cố gắng cho nhau lời hoà ái thì đỡ, còn nếu ở trong lòng của chúng ta sẵn sàng chỉ trích gọi là có dao búa ở trong miệng (trong ngôn ngữ Ấn Độ họ hay nói có dao búa trong miệng), thật sự là chúng ta sẵn sàng chỉ trích, sẵn sàng thóa mạ, sẵn sàng nói nặng và nhất là trong những trường hợp người ta làm lỗi thật sự.
Ở trong luật pháp của Tây Phương nói như vầy "luật pháp không phải chỉ để trừng trị kẻ xấu mà còn bảo vệ kẻ xấu không để bị trừng trị một cách quá đáng". Điểm này chúng ta phải nhớ tại vì khi người có làm lỗi chúng ta hay nghĩ đến chuyện trừng phạt họ trừ khi người thân hay cha mẹ mình xót ruột mình ráng che chở được chừng nào hay chừng đó, phần lớn khi ngưòi nào xấu là thiếu điều mình muốn đem người đó bầm họ ra, khi mình giận người nào hay thấy người nào làm sai có thể mình viết bản án tử hình hay lưu đầy biệt xứ hay không đội trời chung với người đó. Không phải vậy. Nó có mức độ vừa chừng.
Thành ra khi chúng ta không nói lời độc ác cũng còn có nghĩa chúng ta nói bằng lời hoà nhã chúng ta nói với tâm từ, chúng ta nói sao mang lại một chút vị ngọt cho cuộc đời, chúng ta nói sao cho mọi người thật sự an lạc.
Về điểm này, chúng tôi có một kinh nghiệm nhiều khi chúng tôi không can được những người thân của mình. Đó là có nhiều khi những lúc bất hoà chúng ta hay đem ra bàn, đem ra nói, đem ra hội họp, ví dụ như có chuyện lộn xộn đem ra bàn, trong những trường hợp đó chúng tôi cảm thấy họ găng quá chúng tôi thường khuyên khoan nói đã, lúc mình đang giận thì mình cho phép mình có được một hai ngày, trong một hai ngày đó làm cho con người mình nguội xuống một chút cho tỉnh táo một chút rồi mình nói trong sự thông cảm trong sự hòa nhã như vậy mình không hối hận. Đa số những chuyện bất hoà không phải đến từ một nguyên nhân nguyên gốc nó như vậy mà nó đến từ chuyện là sào đi sào lại nói qua nói lại của chúng ta, cái nói qua nói lại nó tạo ra lỗi. Một người có trí, một người sống hiểu đạo không làm cho tình trạng tệ hơn bằng cách chúng ta tránh đi. Cách sống của chúng ta không đơn giản chỉ không nói lời độc ác mà chúng ta còn nói lời hòa ái.
Hay hoặc giả không nên nói lời ỷ ngữ hay lời nhảm nhí vô ích, và chúng ta nói cái gì tốt,cần thiết, có lợi lạc cho người khác, một câu chuyện hay, một ý tưởng hay, hoặc giả những lời nói có tánh cách tích cực giúp cho chúng ta rất nhiều. Thường thường chúng ta hay phí nhiều thì giờ trong đời sống, trong bữa ăn, hay trong câu chuyện hàng ngày chúng ta nói toàn những chuyện phiếm, chúng ta không cho nhau những lời nói lợi lạc. Do vậy, khi chúng ta không làm điều ác ở trong đó cũng có nghĩa chúng ta không nói lời nhảm nhí vô ích, nhưng khi làm điều lành chúng ta cũng nói lời mang lại lợi lạc. Ví dụ như vào trong buổi sinh hoạt hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây mình cũng có thể nói đủ các thứ chuyện đôi khi chúng ta nói chuyện rất vui, lâu lâu nói một câu vui thì được nhưng bình thường chúng ta cố gắng tận dụng thì giờ để nghe pháp để suy niệm và để nhớ biết về Phật Pháp như vậy là sự an lạc của đời sống, tức là thái độ tích cực, Nhưng nếu chúng ta vào đây chỉ để cho vui để nói cho hết giờ thật sự rất đáng buồn, tại vì chúng ta đang phí thì giờ của mình và những người chung quanh mình.
Như vậy quan niệm không làm điều ác và làm điều lành nhiều khi mình lầm lẫn, phải nói nó không khác nhau nhưng thật sự nó khác nhau rất nhiều. Đôi lúc có nhiều người nói tôi đâu có làm hại ai đâu. Cái chuyện mình không làm hại ai chỉ là một chuyện thôi nhưng bên cạnh nó còn cần một thái độ tích cực nữa.
Tháí độ tích cực đó là một thái độ khả dĩ chúng ta làm chuyện tốt đẹp, chẳng hạn như:
- Về khẩu nghiệp thì mình không nói dối rồi nhưng mình tích cực mình nói sự thật.
- Hoặc mình không nói lời độc ác rồi nhưng mình còn nói lời hoà ái.
- Mình không nói lời chia rẽ đã đành rồi mình còn nói lời làm cho người ta hoà hài với nhau.
- Mình không nói lời nhảm nhí vô ích mình nói những lời làm cho mang lại lợi ích cho người khác.
Thì khi nói về 10 thiện nghiệp đạo nó không đơn thuần chúng ta chỉ tránh không làm điều đó như:
- Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh.
- Khẩu không nói dối, không nói độc ác không nói chia rẽ, không nói lời vô ích.
- Ý không tham ác không sân ác, không tà kiến ác.
Dựa trên 10 điều này còn có tánh cách tạo nghiệp lành như nãy giờ chúng tôi nói,
Và rồi chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều bản chất của chúng ta thường làm những ác nghiệp do đó khi chúng ta có chủ tâm để từ bỏ 10 điều này thì tự nó là thiện nhưng mình nên hiểu yếu tánh của điều đó, ví dụ như yếu tính của điều thiện và điều ác trong Phật Pháp là cái gì hại người, hại mình, hoặc hại cả hai thì đó là điều bất thiện. Cái gì lợi cho người ,lợi cho mình, lợi cả hai đó là điều thiện.
Khi mình nói hại người, hại mình, thì cái hại người đó có nhiều điều để hại người:
- Thí dụ như đoạt mạng sống của chúng sanh gọi là hại chúng sanh. Mình lấy mất vật sở hữu chúng sanh khác thí dụ người ta có tài sản họ có cái gì đó mình lấy đi cái đó gọi là trộm cắp. Hay mình phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác, cái đó là một chuyện mà mình lấy đi, hoặc giả mình làm cho người khác hiểu sai sự thật, đó là hại chúng sanh. Hoặc giả mình nói những lời đay nghiến để làm cho người khác không thể có cuộc sống bình thường mà đời sống của họ phải điêu đứng đó là mình đang hại người đó. Hay mình chia rẽ đó là mình đang hại người. Hoặc giả mình làm cho người khác phải mất thì giờ về những lời nói vô ích vô bổ của mình, đó là mình hại người.
Ý tưởng về tham ác, là mình muốn một cái gì đó bất chấp sự đau khổ của chúng sanh khác, cái đó gọi là tham ác. Chúng tôi lấy một ví dụ như ở Việt Nam bây giờ người ta có khuynh hướng ăn mà ăn cách bình thường họ không cảm thấy ngon họ ăn phải cách ác mới thấy là ngon, tức là con vật không phải chết bình thường mà phải đánh đập cho chết rồi mới ăn, đó đúng là tham ác.
Sân ác cũng vậy, ngày xưa ở trong cung có những sự ghen tức giữa các bà hoàng hậu, hoàng phi, hoàng thái hậu v.v... và khi họ đem một cung tần được vua sủng ái ra giết thì họ không giết một cách bình thường mà họ chặt tay chặt chân và họ để vào hũ làm cho người đó dở sống dở chết, tức là ghét người đó nhưng ghét một cách rất ác độc, cái đó gọi là sân ác.
Tà kiến ác là tà kiến mang lại khổ ải cho chúng sanh khác, chúng tôi lấy ví dụ như người Đức họ có quan niệm về tôn giáo, họ đem người Do Thái nhốt vào trại tập trung rồi tiêu diệt một cách tàn bạo mình không tưởng được, đó chúng ta có thể gọi là tà kiến ác.
Khi nói đến các ác nghiệp mình thấy rõ ràng và 10 ác nghiệp này từ sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói độc ác, nói chia rẽ, nói vô ích, tham ác, sân ác, tà kiến ác đều mang tính cách hại chúng sanh khác. Cái hại này Đức Phật gọi là bất thiện tại vì nó gây ra đau khổ thương tổn cho chúng sanh khác. Đức Phật Ngài dạy làm chuyện gì miễn sao đừng hại người, hại mình, hại cả hai, cái gì hại cho người thì cũng như hại cho mình, không có điều gì hại cho người mà không hại cho mình.
Ví dụ như mình sát sanh hại chúng sanh khác nhưng điều đó cũng hại cho mình vì mình đang tạo ác nghiệp. Mình nói lời chia rẽ mình cũng là nạn nhân vì mình tạo ác nghiệp, đó là hại người hại mình, chúng ta phải nhớ.
Và Đức Phật Ngài dạy lợi cho mình lợi cho người là mình không sát sanh mình tôn trọng sự sống của chúng sanh, chẳng những tôn trọng sự sống chúng sanh mà mình còn cho chúng sanh được sự khỏe mạnh. Có những đoạn kinh Đức Phật Ngài dạy cho vật thực là cho sức mạnh, cho đèn là cho mắt, cho xe thuyền hay phương tiện di chuyển là cho sự an vui. Khi mình cho những thứ đó mình nghĩ đến cho sự an vui thì nó lại nằm trong cách mình qúi sự sống, mình mang lại lợi ích đến chúng sanh.
Chúng tôi kể qúi vị nghe một tâm sự cũng là điều đôi khi chúng tôi muốn qúi Phật tử biết. Đó là hồi còn nhỏ chúng tôi và TT Tuệ Siêu sống trong chùa. Nhiều Chư Tăng ở trong lớp này sống trong chùa vào thời kỳ rất nhỏ tuổi và thời kỳ sống trong chùa thì biết được cái đói biết được cái thiếu của Chư Tăng, nhất là trong chùa đông Chư Tăng, Phật tử vào chùa cúng dường họ cúng những vị lớn chứ ít có ai để ý những vị nhỏ thành ra đôi khi mình sống thiếu thốn. Thật tình mà nói, TT Tuệ Siêu và chúng tôi không đến đỗi lắm tại vì chúng tôi mười mấy tuổi đã được đi dạy học thành ra cũng tương đối đỡ, nhưng sống trong chùa có những năm khón khó nên biết cái khổ của Chư Tăng.
Khi chúng tôi sang bên Miến Điện một trong những điều chúng tôi thích làm nhất đó là chúng tôi thích đi về Phật học viện và đa số là những vị sadi nhỏ và những vị này một ngày học nhiều giờ, các vị này thiếu đủ thứ, thiếu tập vở, thiếu tiền để mua những thứ như đường hay thức uống cho buổi chiều thậm chí bị bịnh ghẻ thiếu thuốc để trị ghẻ bị mục nhọt v.v...Khi chúng tôi đi sang các ngôi chùa đó chúng tôi thích đi bộ thật chậm và đi ngang các giảng đường, thường thường Chư Tăng buổi sáng từ 9 giờ cho đến 11 giờ học trong các giảng đường rồi buổi chiều Chư Tăng cũng có thời học như vậy, các vị ngồi học kinh điển chúng tôi đi ngang nghe các vị Sadi đọc kinh điển chúng tôi mường tượng những vị Sadi này đang học Phật Pháp, những vị Sadi này sống ở trong điều kiện rất thiếu thốn về nhiều thứ và nếu ngày mai này mình làm một buổi lễ trai tăng, mình cúng dường vị này có được bữa ăn tương đối ngon tương đối đầy đủ bổ dưỡng, rồi có được tứ sự ,có được tiền, có được những vật dụng, có được thuốc men để sài nữa thì các vị sẽ có niềm vui. Khi chúng tôi nghĩ đến điều đó, thật sự chúng tôi rất hoan hỉ, tâm rất mạnh để nghĩ đến chuyện mình có thể làm được chuyện đó dù chỉ một ngày nó chỉ là một mảy may, tại vì thường thường làm tốn tiền lắm, như ở trong một ngôi chùa có 1000 vị tiền thực phẩm tiền tứ sự cúng dường cũng lên đến 4, 5 ngàn cũng lớn chuyện chứ không nhỏ. Nhưng khi nghĩ đến chuyện mang lại một chút an lạc cho các vị đó, mang an vui rồi mang lại sức khỏe cho các vị đó thì nhớ câu Đức Phật Ngài dạy cho vật thực là cho sức mạnh, cho đèn là cho mắt, cho phương tiện di chuyển là cho sự an lạc cho sự an vui, mình làm chuyện đó mình thấy nó hoan hỉ thấy thích ở trong lòng thật sự rất hoan hỉ để làm những việc này.
Thì như vậy, trong cuộc sống của chúng ta không đơn thuần là mình không sát sanh mà mình còn tôn trọng sự sống, không phải chúng ta tôn trọng sự sống chúng ta còn tìm cách để vun bồi để bồi đắp cho sự sống cho sức mạnh cho sự an lạc cho một phương tiện gì đó để cuộc sống được tốt hơn.
Vì vậy có khi Đức Phật Ngài nói dài là Ngài đơn cử nhiều như không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không nói lời độc ác, không nói lời chia rẽ, không nói nhảm nhí vô ích, không tham ác, không sân ác, không tà kiến ác, nhưng có nhiều khi Ngài nói Ngài dạy ngắn mình làm cái gì đó lợi cho người lợi cho mình thì nên làm, cái gì hại cho người hại cho mình hại cả hai thì đừng làm, chuyện đó rõ ràng.
Nhiều khi Đức Phật Ngài dạy rõ nhưng chúng ta bị cái bịnh thích nghe những điều mơ hồ. Chúng tôi nói điều này qúi Phật tử nghe buồn, nhiều khi qúi vị Phật tử tin lông bông quá rồi chúng tôi cũng cảm thấy không muốn nói nữa, ai muốn làm gì thì làm. Tại vì sao vậy, Phật Pháp thì nói rõ ràng lắm mà không chịu học lại đi học cái gì đó nó lộn xộn, nó không rõ ràng, úp úp mở mở thì người ta lại thích học, người ta lại thích theo, đó thật sự là cái nghiệp của mình.
Đức Phật giống như ông cha, Ngài không dạy mình một cách khó hiểu, cầu kỳ, đến đỗi mình phải vò đầu bức trán, Ngài chỉ cho mình rất rõ, những gì Ngài dạy rõ ràng. Bây giờ mình nói Đức Phật để lại cho mình một tài sản mình phải đi vào trong núi giống như đi tìm kho báu thì thật sự không có, những gì tài sản của Đức Phật như một quyển sách rộng mở cho tất cả mọi người.
Chúng ta cứ bắt đầu như vầy:
- Ngài nói thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thiện là cái gì lợi người, lợi mình, lợi cả hai. Điều bất thiện là hại người, hại mình, hại cả hai.
Thế nào là hại người hại mình?
- Thân, sát sanh, trộm cắp, tà hạnh.
- Khẩu, nói dối, nói đâm thọc, nói nhảm nhí, nói lời vô ích.
- Ý, tham ác, sân ác, tà kiến ác.
Là hại người và cũng hại mình. Điều đó rõ ràng, rất ư là rõ ràng.
Và thế nào là lợi người, thế nào là lợi mình?
Thay vì mình sát sanh thì làm lợi cho mình là không sát sanh, mình tôn trọng sự sống, mình mang lại sự an lạc và sức khỏe cho người khác đó là không sát sanh.
Mình không trộm cắp là mình tôn trọng sự sở hữu của người khác, mình tôn trọng tài sản của người khác và làm sao để tránh những sự mất mát cho người khác. Đó là mình làm thiện làm điều tốt.
Thì nói chung, những điều này được Đức Phật Ngài dạy và Ngài phơi bày trước mắt chúng ta. Chúng ta hay quen nói người này xấu người, kia tốt, tôi trong sạch hay tôi không trong sạch. Những câu nói đó có tánh cách chung chung mơ hồ và thật ra nó không mang lại cái gì cụ thể.
Những điều Đức Phật dạy ở đây là những điều rất cụ thể, rất rõ ràng, bởi vì khi chúng ta nói không làm các tất cả điều ác và tu tập những hạnh lành, thanh lọc tâm ý thì ở trong một trường hợp như sát sanh chẳng hạn nó đều có thể có cả 3 phương diện. Chúng tôi nói như vầy bây giờ mình lấy ví dụ trong 10 nghiệp này có điều nói lời chia rẽ, mình cự tuyệt không bao giờ đem chuyện người này nói cho người kia, làm cho người này phân hóa người kia, đó là mình không làm điều ác là không nói lời chia rẽ, nhưng làm điều lành là nói sao cho người ta hòa thuận, không đổ dầu vô lửa, thay vì nói làm cho tệ thêm thì mình làm sao nói cho người ta thấy nhẹ nhàng.
Chúng tôi nhớ hoài lời nói của Ngài HT. Khi mình giận ai điều gì đó mình nói về người đó làm điều này điều kia Ngài chỉ nói: "Thấy vậy chứ nó không đến đỗi như vậy đâu". Câu nói "thấy vậy chứ không đến nỗi vậy đâu" mang hàm ý rất lớn là đừng có đào thêm nữa, đừng có phóng đại thêm cho nó trở thành trầm trọng nữa, mà làm sao để mình tìm cách nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn. Đó là cách không nói lời chia rẽ mà còn làm sao cho có sự hoà hài.
Giữ tâm thanh tịnh không phải mình không làm điều ác, không phải mình làm điều lành mà ngay cả thấy người ta làm điều ác mình không vui theo. Thí dụ chúng ta không nói lời chia rẽ nhưng thấy anh A thọc gậy bánh xe làm cho anh B và anh C ghét nhau thì mình đừng có vui theo điều đó.
Chúng ta thường bị bịnh phe đảng, bịnh thành kiến. Do vậy mình thấy ai làm điều ác với chúng sanh nào mình ghét thì mình thích lắm. Nếu như mình ghét người đó mình thấy người đó bị chửi bới bị nói nặng mình thích lắm. Nhưng mà đừng. Mình ghét người đó mình không ưa người đó nhưng thấy người khác chửi người đó mình vui tức là mình vui theo lời nói độc ác, mình vui theo lời nói độc ác đó cũng là một nghiệp bất thiện. Do đó mình phải giữ tâm mình thanh tịnh. Việc giữ tâm thanh tịnh là cái gì rất khó.
Đôi khi chúng tôi tâm sự với Chư Tăng là thời bây giờ mình tạo nhiều ác nghiệp mà mình không hay. Có một vị Thầy nói với chúng tôi là vị Thầy này ghét mấy ông Hồi Giáo cực đoan thành ra khi thấy chính phủ Mỹ dùng những chiếc máy bay không người lái bắn lãnh tụ al-Qaeda hay bắn một nhóm khủng bố đăng trên báo vị này nói "sao mình nghe thấy thích quá". Điều đó suy nghĩ mình phải biết dù những người đó là người khủng bố, dù đó là ai đi nữa, là chúng sanh nào đi nữa thấy họ bị sát hại mình vui thì cái vui mừng hí hửng coi chừng đó là ác nghiệp. Không có gì để vui theo hành động sát sanh. Dĩ nhiên, về điều này rất khó tiêu hóa. Trong xã hội Tây Phương người ta thích vỗ tay đối với cái gì mà họ vui mừng.
Nhưng thật sự ở trong Phật Pháp ai vui theo sự sát sanh, ai vui trong sự trộm cắp, ai hoan hỉ với tà hạnh, ai hoan hỉ với lời nói dối, ai hoan hỉ với lời nói độc ác, ai vui với lời nói chia rẽ, ai vui với lời nói nhảm nhí, ai vui với tham ác, sân ác, tà kiến ác thì cái vui đó đều tạo bất thiện nghiệp.
Do vậy, mình phải thanh lọc tâm mình, mình tu mình phải hiểu là bây giờ mình không thể không vui được nhưng mình giảm bớt đi, mình ý thức được cái vui đó cũng không tốt. Tại vì sao? Tại vì cái vui đó đi vào trong tâm khảm của mình lâu ngày mình chấp nhận chuyện đó. Vì vậy mình phải cẩn thận khi mình nói rằng không sát sanh, rồi không dạy người khác sát sanh, rồi không ca ngợi sự sát sanh, rồi không vui với sự sát sanh có nhiều phương diện chứ không phải là một phương diện, nên để ý.
Chúng tôi muốn nói tóm lại điều này là chúng tôi không muốn dùng chữ tích cực hay tiêu cực. Một người quyết định không làm 10 ác nghiệp đó là thái độ rất tích cực, mình không thể nói tiêu cực. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói chuyện tu có những điều không làm và có những điều nên làm và có những điều nên tránh.
Cái không làm ở đây tức là chủ tâm khẳng định rất mạnh mẽ là:
cái gì mà đoạn đi mạng sống chúng sanh khác,
cái gì mà làm đánh mất đi vật sở hữu của người khác,
cái gì mà làm mất đi hạnh phúc của người khác,
cái gì làm cho người khác hiểu sai quấy,
cái gì làm cho người khác bị đau lòng xót dạ,
cái gì lời nói làm cho người khác chia rẽ,
cái gì làm cho người khác mất thì giờ thì chúng ta không làm.
Cái không làm đó cũng là một thái độ tích cực, nhưng tích cực bằng cách không làm, bên cạnh tích cực không làm đó nó lại có điều nên làm.
Như hồi nãy chúng tôi nói:
Mình không sát sanh nhưng mình bố thí vật thực là mình đem cho sức mạnh thì mình nên làm.
Mình không nói lời chia rẽ nhưng mình cố gắng nói lời hoà hợp đó là điều mình cần làm.
Có những điều cần tránh là coi chừng ý tưởng ý thức của mình, ý tưởng ý thức là cái gì nó phản bội mình, mình nói ồ cái đó mình không làm mà người khác làm mình vui. Thí dụ như mình không sát sanh nhưng mình đi ra biển thấy người ta câu con cá lớn mình cảm thấy vui thấy hấp dẫn thì đó là thói quen của chúng ta hồi còn nhỏ, Lâu lâu chúng tôi đi bộ ở ngoài bờ biển thấy những người họ câu được con cá rồi những vị khác hoan hỉ khen con cá lớn quá v.v... mấy cái đó chúng ta phải coi chừng. Tại vì mình không có làm nhưng mình vui theo điều đó thì thật sự nó cũng tạo nghiệp, phải rất là cẩn thận. Thì cái cẩn thận này nó giúp cho chúng ta thanh lọc tâm ý của mình.
Thì nói tóm lại, đây là một đề tài chúng ta có nhiều điều để suy nghĩ từ góc này sang góc cạnh khác, từ khía cạnh này sang khía cạnh khác là chúng ta luôn luôn nhớ lời của Đức Phật:
- Cái gì hại cho người, hại cho mình, hại cả hai cái đó là bất thiện, đó là việc không nên làm.
- Cái gì lợi cho người, lợi cho mình, hay lợi cả hai cái đó là thiện nên làm.
Thật ra như vậy chúng ta nên nhìn cho thật kỹ 10 pháp bất thiện nghiệp. Qua 10 pháp này:
- 3 điều thuộc về thân
- 4 điều thuộc về khẩu
- 3 điều thuộc về ý.
Ba điều về ý chúng ta thấy rõ và mong rằng sự trong sáng, sự rõ ràng, tính cô đọng ở trong lời dạy của Đức Phật sẽ mang lại những khẳng định ở trong lòng mỗi chúng ta. Chúng ta là người Phật tử đúng nghĩa là người con Phật, đúng nghĩa là người hành trì lời Đức Phật dạy "Cái gì hại cho chúng sanh khác, cái gì hại cho mình, cái gì hại cả hai không làm. Cái gì lợi cho cuộc đời, lợi cho mình, lợi cả hai thì mình nên làm". Nhớ như vậy mình gần với lời Phật dạy mình được an lạc.
Chúng tôi xin được kết thúc bài học ở đây ./.
No comments:
Post a Comment