Thursday, October 31, 2013

Đôi lúc mình có làm cho mọi người vừa lòng hết không?

Hỏi: Đôi lúc mình có làm cho mọi người vừa lòng hết không?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

 TT Giác Đẳng: Thì thật sự không có chuyện gì ở trong cuộc đời này mình có thể làm cho tất cả mọi người vừa lòng hết, chúng ta hãy vui mà thấy rằng ở trong cuộc sống này chúng ta có làm được những việc có ý nghĩa, những việc mà chúng ta nghĩ là tốt, nhưng đừng bao giờ vui mà nghĩ rằng mình đang được tất cả mọi người thương mến, thật ra thì sự thương mến dành cho chúng ta thì chỉ có một số nào đó mà thôi, có những người họ có thiện cảm với chúng ta họ không nói thì chúng ta cũng không biết được. Nhưng chắc chắn một điều rằng trên đời này không có người bị chê, ở trên đời này có một người mà ai cũng thương hết là không có. Nói như cụ Nguyễn Hiến Lê là "trên đời không có thứ quái vật đó." Thứ quái vật đó nghĩa là ở trên đời không có ai mà được tất cả mọi người bằng lòng hết, nên cái chuyện làm bằng lòng hết cả mọi người thì nó không phải cái mục đích của chúng ta. Nên thưa qúi vị chúng ta nên lấy một tâm hồn rất dung hoà, nghĩa là chấp nhận một cách tương đối đời sống. Nếu ở trong cuộc sống của mình mà trong 10 người mình thân cận chỉ có 5 người thương mình thì kể ra cũng may mắn rồi, ở trong 5 người thương mình mà có được ba người cùng chia sẻ công việc với mình cũng là may mắn, trong 3 người chia sẻ công việc mà có được một người hiểu thì cũng đã là một việc may mắn rồi.

Nên chi đối với một người tu học, nên nhắc nhở chúng ta về một thực trạng của đời sống, cuộc sống là bất toàn và cuộc sống vốn là có phần này và phần kia, có cái được và cái không được. Và với cái được và cái không được thì người trí sẽ chọn thái độ sống với những gì mình tin rằng lợi ích tốt đẹp nhất, cái gì mà mình có thể cống hiến cho cuộc đời này mà trong giá trị chúng ta thật sự tin chắc vào đó.

Ngay cả chính Đức Phật là một bậc Thiên nhân chi đạo Sư, là một bậc gọi là đại phúc đại trí ở trong cuộc đời này nhưng  không phải ai cũng thương Ngài, có những người không những là bất đồng với Ngài mà còn chống báng Ngài một cách mạnh mẽ. Chúng ta đi vào trong cuộc đời này khi sống phụng sự làm việc thì chúng ta chỉ có thể nương vào cái chúng ta nghĩ rằng ở đó là cái gì tốt nhất mà mình có thể làm được, chứ không phải là cái gì mà cuộc đời hài lòng nhất về bản thân của mình, cái số đông người hài lòng đôi lúc nó chỉ là một số đông quần chúng đang su hướng theo một trào lưu một khuynh hướng gì đó, chứ không nói lên một giá trị thật sự nào, và chúng ta phải rất là can đảm để sống chung thành với những gì mà mình nghĩ rằng thật sự là lợi lạc.

Wednesday, October 30, 2013

Một người muốn sống đời sống xuất gia nên chuẩn bị gì ?

Hỏi: Một người muốn sống đời sống xuất gia nên chuẩn bị gì ?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đối với chúng ta những người tu tập, phải nói một điều là con đường tu tập là một con đường có rất nhiều trở ngại, trở ngại lớn nhất là bản thân của mình, càng lớn tuổi, hoặc giả, càng tiếp xúc ở bên ngoài nhiều thì vào trong đạo chúng ta mang vào nhiều tập khí, tập khí đó là  chủ kiến của mình; điều này là mình nghĩ rằng mình đúng, điều kia mình nghĩ rằng sai, hơn như vậy nữa, là mình nghĩ cái này mình thích cái kia mình không thích, cái này mình thoải mái cái kia mình không thoải mái và rốt cuộc rồi đời sống xuất gia của mình chỉ là đi tìm một thứ mà mình nghĩ rằng hài lòng, những thứ mà mình thích. 

Nhưng ở trên thực tế, một cuộc sống xuất gia rất cần thiết để trải qua một thời kỳ gọi là thụ huấn và thời kỳ thụ huấn này là một thời kỳ quyết định cho quãng đời còn lại của mình, ở trong thời kỳ thụ huấn đó mình có chứng tỏ được rằng mình có khả năng tiếp nhận sự hướng dẫn, mình có khả năng để thích nghi và có khả năng để thay đổi hay không.

Ở trong kinh, Đức Phật thường dạy hình ảnh một tấm vải muốn được nhuộm và nhuộm một cách tốt đẹp một cách đều màu thì tấm vải trước nhất phải được giặt sạch, giặt sạch ở trong điều kiện cần thiết để có thể tiếp nhận màu mới và thấm nhuần màu mới, đó là hình ảnh của một tấm vải, trong kinh Bố Dụ (Trung Bộ Kinh)  Đức Phật đã giảng. 

Thì cuộc sống của chúng ta khi đi xuất gia hay đi cầu học là một trong những thái độ tiên khởi chúng ta phải có, đó là làm sao cho mình có được khả năng lãnh hội, khả năng có thể thích nghi và đây là một điểm rất tế nhị ít  người làm được như vậy, và văn hoá trào lưu của thời đại hôm nay người ta nói càng lúc càng nặng về chủ nghĩa cá nhân, về sự tự do cá nhân, về chủ kiến cá nhân, và cá nhân càng lúc càng được đề cao, cá nhân càng lúc càng được cổ võ tuyên dương, thì chúng ta lại đánh mất đi rất nhiều thứ hết sức quan trọng, một trong những điểm quan trọng đó là cái khả năng mà Ngài Ajahn Chah Ngài thường gọi là "surrender" tức là vong thân. Khi nghe tới chữ vong thân ai cũng sợ, mình sợ đánh mất chính mình, mình sợ mình không còn là mình nữa, mình sợ rằng qua một thời kỳ nào đó thì mình sẽ thay đổi đi. Nhưng nếu cuộc sống tu tập mà mình vẫn giữ lấy cái gọi là mình, và mình không thể chuyển hoá mình được và vẫn khư khư thủ đắc cái mình đã có, không thể thay đổi được, thì có giá trị gì một đời sống giáo dục như vậy.

Tại sao chúng ta cần đến sự huấn luyện, thế giới này thường rơi vào hai cực đoan: 
- Một cực đoan là, con người rất dễ bị tha hoá, chúng ta buông mình theo dòng nước mặc giòng cuồng lưu đưa đến đâu thì chúng ta hay đến đó. 
- Một cực đoan khác là, chúng ta ôm khư khư lấy tư kiến của mình một thứ tư kiến rất hạn hẹp, và chính mình trở thành nạn nhân cho mình.

Và như vậy, một người thiện trí sống khôn ngoan là phải làm hai quyết định quan trọng. 
- Quyết định thứ nhất là, tự mình phải có ý thức rằng cái gì là cái mình muốn làm, cái gì là cái mình muốn học, cái gì là cái mình muốn tu. 
- Nhưng sau cái muốn đó, sau khi đã suy xét rất cẩn thận, sau khi đã xác nhận được những gì thật sự cần thiết cho đời sống của mình thì mình phải chấp nhận một sự thụ huấn mà qua đó chúng ta đặt hết cuộc sống của mình ở dưới uống nắn của vị Thầy. 

Thế giới hôm nay sợ dĩ không được đào tạo được những tâm hồn vĩ đại về tinh thần như ngày xưa là bởi vì ngày hôm nay chúng ta thiếu những con người như vậy. Trong lịch sử của đạo Phật thì có một vài tông phái ở trong đó có Mật Tông của Tây Tạng mà thường người Trung Hoa gọi là Lạt Ma Giáo, ở trong truyền thống của Mật Tông có một hình thức giáo dục  họ không quy y Tam Bảo mà họ quy y Tứ Bảo tức là quy y cả với vị Thầy của mình, và họ quan niệm rằng vị Thầy là vị rất quan trọng. Thì  đó là cách nói của Mật Tông Tây Tạng. 

Nhưng không riêng gì Mật Tông mà ở tất cả các truyền thống của đạo Phật đều nói đến một chuyện, đó là người học trò nếu chọn được một vị Thầy và vị Thầy đó là một vị bậc trí thức có thể khai tâm cho mình thì hãy làm như là lời Đức Phật dạy nơi đây:

 "Đây không phải là một thái độ sùng bái, đây không phải là một thái độ cuồng tín, đây không phải là tinh thần tẩy não, cái công việc tẩy não mà chúng ta thường nghe, mà công việc ở đây là một thái độ hiểu biết một thiện trí và cái thiện trí đó đòi hỏi chúng ta phải sống ngoài ngã chấp của mình."

Phải nói rằng, lòng người ngày hôm nay phần đông chúng ta chỉ thích sự vuốt ve, chúng ta chỉ thích những lời ngon ngọt, chúng ta chỉ thích người khác nói rằng mình tốt mình giỏi, nhưng ít khi chúng ta chịu ngồi nghe và nghe một cách chân thành. Có những lời dạy hết sức quan trọng cho mình. Nói một cách rõ ràng thì cuộc tu là một hành trình mà qua đó chúng ta phải trực diện rất nhiều với những thói hư tật xấu của bản thân mình, và những thói hư tật xấu đó được che đậy bởi rất nhiều thứ, nào là tuổi tác, nào là địa vị, nào là lợi khẩu, nào là những lý luận, và nào là những người thân của mình, có bao nhiêu sự che đậy để rồi chúng ta không làm gì được đối với nó hết, để rồi chúng ta hoàn toàn bất lực trước những cái gúc mắc phiền lụy, trước những lầm lỗi mà do chính tự thân mình tạo nên. 

Nếu có cơ may nào đó giúp cho chúng ta vượt thoát những điều này thì đó là cần đến hình ảnh khách quan ở bên ngoài, đó là bậc thiện trí. Bậc thiện trí là bậc có thể thấy điều gì lợi và bất lợi cho chúng ta và người đó đã chỉ cho chúng ta hoàn toàn bằng thiện trí bằng lòng từ và bằng ý nghĩ lợi ích cho chúng ta, chứ không phải là vì muốn chỉ lỗi trỉ trích chúng ta hay hoặc giả là muốn chứng tỏ sự cao qúy của vị đó hay là với hậu ý gì khác.

Cuộc sống của chúng ta trong thời đại này là cuộc sống càng lúc càng nặng về cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân đó, sự sùng bái cá nhân nó cho con người độc lập hơn, nó khiến cho chúng ta bớt rụt rè run sợ, nhưng ngược lại nó lại có một điểm rất tệ hại, ngay cả những đứa trẻ còn nhỏ nó cũng rất là khó dạy đừng nói chi là người lớn, và hầu hết những người lớn chúng ta trong thời đại này, chỉ đến với đạo khi đạo đó làm hài lòng mình, đạo đó làm cho mình bằng lòng vừa ý, đến chùa thì chùa đó phải cung cấp cái gì mình thích, ở trong chùa phải có tiện nghi, ở trong chùa phải được tiếp đón nồng hậu, mình cúng một số tiền nào đó người ta phải ca ngợi công đức của mình, và đến một vị Thầy nào đó thì vị Thầy đó phải có những lời nói làm cho mình vừa tai, làm cho mình đẹp ý, làm cho mình cảm thấy rằng mình quan trọng, và chúng ta đánh mất hoàn toàn cái lợi lạc của chánh pháp, chúng ta quên rằng mỗi chúng ta đều có một hành trình và trên cuộc hành trình tâm linh đó mình phải tự mình đối diện rất nhiều với những phiền não, với những nội kết, với những  phiền lụy ở trong lòng mình, và chỉ có những bậc trí có thể chỉ cho chúng ta những thứ đó để chúng ta vượt qua thì mới có hi vọng, nếu không thì chúng ta tưởng tượng rằng tất cả những phiền não sẽ được đem giữ vào trong một cái tủ và cái tủ đó sơn son thếp vàng ở bên ngoài, chúng ta hoàn toàn không có cơ may để mặt đối mặt với những phiền não nội tại, thì đó là một điều không may trong đời sống của mình.

Do vậy, một người đi xuất gia là vị này cố gắng tìm một định hướng, cái nào cần làm, nên làm cho đời sống. Cũng có nhiều trường hợp Đức Phật Ngài cho chúng ta thấy, chúng ta phải có định hướng rõ ràng, biết chỗ nào là chỗ để tập trung đúng, để hướng tâm và để hướng năng lực của mình.

Tuesday, October 29, 2013

Ý nghĩa kinh hành trong kinh Phật và ý nghĩa chữ Namo Buddhaya

Hỏi : Ý nghĩa kinh hành trong kinh Phật và ý nghĩa chữ Namo Buddhaya

. (Giảng trong đêm tu học thọ hạnh đầu đà lễ Thượng Nguyên tại chùa Pháp Luân ngày 7 tháng 2 năm 2009 - Minh Hạnh chuyển biên )

TT Giác Đẳng: Bây giờ chúng tôi  giải thích ba ý nghĩa của sự đi kinh hành trong kinh Phật.

Ý nghĩa đầu tiên. Tất cả chúng ta sống trong cuộc đời thường nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ và thế giới này phải xoay chung quanh mình, giống như mình là một định tinh là mặt trời tất cả những hành tinh phải đi chung quanh mình, điều đó khổ lắm, tại vì ai làm gì, ai nói việc gì, cũng phải nghĩ đến mình, phải đề cao mình, phải tâng bốc mình, phải làm cho mình được thoải mãn tự ái thì mới hạnh phúc, tại vì mình là trung tâm của vũ trụ. Thì người Ấn Độ có một văn hoá rất đặc biệt là khi mình kính trọng người nào thật sự kính trọng thì mình không còn là trung tâm vũ trụ nữa mà mình đặt để người đó là trung tâm vũ trụ, tức là thay vì mình nghĩ người đó phải đi chung quanh mình thì bây giờ mình đi chung quanh người đó, và không phải chỉ là người Ấn Độ mà Chư Thiên cũng vậy. Chư Thiên khi đến lạy Đức Phật thì cũng đi ba vòng chung quanh Đức Phật, ba vòng chung quanh Đức Phật là hình ảnh rất đẹp, sự quan trọng không phải là ở mình mà sự quan trọng ở Đức Phật. Qúi vị thấy rằng qúi vị là cha mẹ, qúi vị cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, và khi qúi vị là con thì qúi vị cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, là vợ cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, chồng cũng muốn là trung tâm của vũ trụ. Bây giờ đối với Đức Phật thì có một lần nào đó trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta tưởng nghĩ về Đức Phật là Ngài mới chính là quan trọng hơn chúng ta, do vậy chúng ta đi chung quanh Ngài.

Ý nghĩa thứ hai. Chúng ta đi nhiễu Phật là nhắc lại hình ảnh rất đẹp và rất khả kính của Tôn Giả Ananda, Tôn Giả Ananda là một thị giả trong 25 năm cuối đời của Đức Phật, không có một buổi tối nào mà Tôn Giả Ananda không làm một việc đó là một tay cầm đuốc và một tay cầm cây gậy đi chung quanh am thất của Đức Phật ba vòng, đi xem có cái gì cần phải làm mà chưa làm và đi xem cũng để nói lên sự quan tâm của mình đối với Đức Phật. Ở trong sớ giải có ghi một hình ảnh rất đẹp là năm Tôn Giả Ananda 80 tuổi và lúc đó Đức Từ Phụ của chúng ta vừa viên tịch ở tại Kusinagar sau khi hoả táng xong, sau khi xá lợi của Ngài đã được chia cho các quốc gia thì Tôn Giả Ananda một mình lên đường trở về thành xá vệ và khi Ngài về thành Xá Vệ thì Ngài đến đảnh lễ hương thất nơi Đức Phật đã từng cư ngụ rất nhiều năm trong cuộc đời của Ngài, mặc dầu bây giờ Đức Phật Ngài đã viên tịch nhưng Tôn Giả Ananda cũng làm một việc giống như ngày xưa khi Đức Phật còn tại tiền, Tôn Giả thay nước rửa sạch lu và đổ nước đầy lu, cái giếng Tôn Giả lấy nước ngày hôm nay vẫn còn, tôn giả quét dọn ở trong ở ngoài và buổi tối Tôn Giả đi ba vòng cốc của Đức Thế Tôn, sau đó Ngài đi nghỉ. Ngài ở đó hai ba ngày rồi Ngài mới lên đường đi về Vương Xá để dự pháp hội kết tập Tam Tạng. Ngày hôm nay chúng ta có dịp nào đó để đi chung quanh Đức Phật để chúng ta cảm nhận rằng Đức Phật đã cho chúng ta thật nhiều và cho dù chúng ta là người sanh sau đẻ muộn không cùng thời với Đức Phật nhưng cũng có nghĩa cử để cảm niệm Đức Phật.

Ý nghĩa thứ ba. Ý nghĩa này cũng thuộc về kinh hành nhưng lại liên quan đến sự thực tập thiền định, theo những vị thiền sư và tất cả những người tu tập thiền định không phải là chỉ tu tập ở trong thế tĩnh tức là ngồi mà còn tu tập ở trong thế động nữa tức là đi kinh hành. Do vậy chúng ta sẽ đi kinh hành theo chiều kim đồng hồ ở đây, bắt đầu từ điểm này chúng ta cùng đi và chúng ta đi hết vòng này, đi sau lưng Đức Phật và đi trở lại, đi ba vòng. 
Và ngày hôm nay khi chúng ta đi kinh hành để cảm niệm Đức Phật thì chúng ta chỉ niệm một câu niệm Phật, câu niệm Phật này là một câu ở trong chữ Hán cũng có và tương đương với câu Pali mà chúng tôi muốn qúi vị cùng đọc.

Thường thường trong chữ Hán có Namo Phật Đà Gia, Namo Đạt Nạ Gia, Namo Tăng Già Gia. Namo Phật Đà Gia là con xin đảnh lễ Phật, hôm nay chúng ta chỉ đọc một câu là Namo Buddhaya tức là Namo Phật Đà Gia. 
Chữ Namo. Na tức là nước, Mo là đất, khi đất và nước hoà nguyện với nhau là điều kiện cho những chủng tử lành tăng trưởng. Nói theo kinh điển của Bắc Truyền là "Năng lễ sở lễ tánh không tận" tức là cảm ứng giữa năng lễ và sở lễ gặp nhau thì tạo rất nhiều cái đẹp. Năng lễ sở lễ là ý nghĩa của chữ namo.

Buddha là Đức Phật, Buddhaya là hướng về Đức Phật trong chỉ định cách. Do đó chúng ta niệm Namo Phật Đà Gia bằng tiếng Phạn là Namo Buddhaya.

Giải thích chữ Namo. Ở trong cách dịch, tất cả những khuôn mặt lớn trong giới dịch thuật Trung Hoa kể cả Ngài Cưu Ma La Thập không phải là người Trung Hoa, Ngài An Thế Cao, Ngài Huyền Trang đều gặp phải một vấn đề giống nhau là có nhiều chữ không dịch được hết mà các Ngài chỉ âm thôi thí dụ như chữ Namo thì thường thường tạm dịch là đảnh lễ, là nhất tâm đảnh lễ, nhưng dịch như vậy không gói ghém được hết nghĩa do đó các Ngài thay vì chữ Namo các Ngài dịch là đảnh lễ thì các Ngài để là Namo.

Chữ Namo có hai phần, chữ "Na" chỉ cho nguyên ngữ "Nước," chữ "Mo" chỉ cho đất. Đất và nước mà hoà nguyện với nhau là nền tảng cho những chủng tử lành được sanh sôi nảy nở.

Hồi nãy chúng tôi có nói rằng ở trong kinh điển chữ Hán có câu mà nhiều vị Phật tử thường tụng là "Năng lễ sở lễ tánh không tận." Thì năng lễ là tấm lòng của mình sở lễ là Đức Phật, năng lễ sở lễ là tâm của mình và Đức Phật giống như đất với nước hoà với nhau, ở đó cây công đức được đâm chồi nảy lộc, thành ra chúng ta có chữ Namo và chữ đó các vị không dịch các vị để âm thôi, ở trong tiếng Phạn là Namo.

Thật ra trước khi Đạo Phật dùng chữ này thì người Ấn Độ họ có một chữ khác mà họ hay sài mà chúng ta thường không dùng đó là chữ Om giống như chữ Om Ma Ni Bát Ni Hum, và ở trong chữ Hán là Án Ma Ni Bát Di Hồng. Chữ Om có nghĩa là hợp nhất hay là nhất thể, hợp nhất có nghĩa là cũng nói "năng lễ và sở lễ " đó là tâm của mình và Thượng Đế là hợp nhất với nhau, chúng ta có chữ hiệp thông hay chữ hiệp nhất thì chữ đó là chữ Om, nhưng Đạo Phật không sài chữ Om mà Đạo Phật sài chữ Namo.

Namo chỉ cho một sự kết hợp giữa năng lễ và sở lễ.

Monday, October 28, 2013

Pháp quán thân bất tịnh đắc dụng trong trường hợp nào?

Hỏi. Pháp quán thân bất tịnh đắc dụng trong trường hợp nào? 

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Khi chúng ta đề cập đến pháp quán bất tịnh thì cũng giống như những pháp tu thiền khác: Thứ nhất là cái gì hợp với căn tánh của mình thì điều đó tốt cho chúng ta hơn là cái gì không phù hợp với căn tính của mình.  Có những người thí dụ nặng tánh về sân, tánh họ hay phiền muộn hay giận dữ thì đề mục quán bất tịnh không hợp với họ nhiều.  Tuy nhiên ở đây chúng ta nói rằng đề mục quán thân bất tịnh, hay quán tử thi hài cốt rất có lợi cho những hành giả đang tu tập phải vận dụng tâm tư của mình để đương đầu với những ham muốn về nhục dục, hơn thế nữa cách quán thân bất tịnh hay quán tử thi quán hài cốt v.v... rất lợi trong trường hợp chúng ta nặng về ngã tính hay nặng về sự dính mắc sắc thân của mình.  Có nhiều người rất trọng về sắc đẹp của họ, họ rất trọng hình tướng ngoại hình của họ.  Có những người rất dính mắc vào bản thân của họ.  Như Ngài Na Tiên dạy rằng cái gọi là một chiếc xe long xa (xe vua) thì nó là kết cấu của nhiều bộ phận.  Cũng như vậy, thân thể của chúng ta, cái gọi là anh A anh B, vua Milanda, tỳ kheo Nagasena vẫn là tất cả do kết cấu của nhiều bộ phận của nhiều cơ thể. 

 Phải nhìn theo truyền thống mà chúng ta gọi là phân tích tông.  Phân tích tông là truyền thống có thể chia chẻ, biện biện thay vì nhìn một cách đại lượt thì chúng ta nhìn vào từng chi tiết và trong chi tiết đó có thể có khả năng xoá những ảo giác cho chúng ta về tôi về ta về tự ngã.  Và trường hợp quán thân bất tịnh, trong trường hợp quán tử thi quán hài cốt giúp cho chúng ta rất nhiều.  Không những chỉ có sự ham muốn về sắc dục mà chúng ta còn tìm thấy ở đó những hiệu năng rất lớn để giảm thiểu những tính nặng về ngoại hình, nặng về tôi về ta, điều đó cũng giúp chúng ta rất nhiều.  Phải nói rằng những phương pháp này không phải dễ dàng để ứng dụng, một người thực tập phương pháp này nên tiếp xúc với một vị Thầy có nhiều kinh nghiệm.

Ngài Tangpulu Sayadaw.  Ngài là vị bổn sư truyền tỳ kheo giới cho chúng tôi.  Ngài là một vị thiền sư, Ngài chuyên môn về pháp quán 32 thể trược (pháp quán bất tịnh).  Những lần bên cạnh Ngài nghe thuyết về pháp quán bất tịnh thì chúng ta mới thấy rằng pháp quán đó để nhập tâm để đem vào trong đời sống của chúng ta, không phải là chuyện đơn giản như đọc trong sách, mà nó đòi hỏi một số những thủ thuật cần thiết mà chúng ta có thể gắng chặt tâm tư của chúng ta vào đề mục ./.

Sunday, October 27, 2013

Tại sao người làm thiện gặp quả đắng cay sau đó?

Hỏi: Tại sao người làm thiện gặp quả đắng cay sau đó?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Siêu: Có một vấn đề, đó là một chân lý một sự thật là giữa hai trạng thái nghiệp thiện và nghiệp ác. Mặc dù có những người  ngộ nhận đôi lúc làm thiện xong tâm lại có sự đau khổ, ray rức. Còn đối với những người làm ác có khi họ được an vui, được hân hoan. Nhưng ở đây,  Đức Phật đã khẳng định một điều, việc làm thiện là việc làm mà sau khi làm xong không có sự ăn năn, ray rứt và đến khi hưởng quả dị thục, tâm thỏa thích hân hoan là một điều hiển nhiên vậy.
Trưởng hoa hườn đắc hoa
Trưởng đậu hườn đắc đậu
Chúng ta trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Điều này không thể phủ nhận được. Trong A-tỳ-đàm quả dị thục của tâm thiện (kusala citta) phải là những trạng thái tâm tốt đẹp, những trạng thái tâm quả đưa đến sự hạnh phúc,  an vui cho chúng sanh. Chứ không khi nào tâm thiện lại đưa đến tình trạng bất ổn, đau khổ. Danh từ Pali gọi là  kammam kataṃ sādhu, chữ sādhu là sự tốt đẹp, tốt lành, chữ  kammaṃ sādhu tức là nghiệp được làm gọi là tốt. Nghiệp này tức là hành động do thân, do khẩu hoặc do ý được thực hiện bằng tâm đại thiện hay tâm thiện dục giới.
Chỉ nói trên phương diện tâm đại thiện, chúng ta chưa đề cập đến tâm thiện thuộc về sắc giới vô sắc giới, đó là những tâm thiền và những tâm thiện siêu thế, tức là những tâm đạo sát trừ phiền não, tỏ ngộ niết-bàn. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến tâm đại thiện hay tâm thiện dục giới là khi chúng ta làm một việc lành, việc đó sẽ mang lại sự hạnh phúc, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại là sau khi làm xong chúng ta không có sự ăn năn ray rứt. Trong Trung bộ kinh, bài kinh Hiền ngu  Bàlapandita Sutta,  Đức Thế Tôn dạy rằng tùy vào hành động người trí có một đặc tướng, có một dấu hiệu là làm những điều thiện, nói những điều thiện và suy nghĩ điều thiện. Người trí khi làm, nói và suy nghĩ điều thiện như vậy thì người trí ngay trong hiện tại được sự an lạc. Khi nằm ngồi  hoặc đi hoặc đứng bất cứ chỗ nào vị đó cũng được sự an lạc yên vui, không bị đè nặng, bị hối tiếc, ăn năn ray rứt. Khi vị đó đi đến chỗ hội chúng với tâm dạn dĩ và khi vị đó (người làm thiện) thấy những người khác bị quả báo khổ đau như tù tội v.v…người làm thiện sẽ yên tâm nghĩ  rằng, “ Vì ta không làm điều ác cho nên ta sẽ không bị như vậy.”
Ngược lại đối với người ngu si thiểu trí khi làm làm điều ác, khi nói nói điều ác,  suy nghĩ những điều ác và do sự làm ác như vậy nên luôn luôn họ bị cảm thọ khổ đau ngay trong hiện tại, dầu đi, đứng, nằm, ngồi ở bất cứ một nơi nào họ cũng bị treo nặng bởi sự cắn rứt lương tâm. Họ bị mặc cảm về tội lỗi, họ có cảm giác như là có một tảng đá treo trên đầu vậy. Đừng nói người làm thiện có đôi lúc phải rơi nước mắt, có đôi lúc họ phải sầu muộn . Nói như thế đó chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tại nhưng chúng ta không hiểu rõ tâm lý tận cùng bên trong và chúng ta không thấy được tương lai. Thật ra người làm thiện, sỡ dĩ họ gặp quả đắng cay sau đó. Quả đắng cay này không phải do điều thiện mang lại, mà quả đắng cay này là do ảnh hưởng do nghiệp lực nghiệp bất thiện trong quá khứ chi phối mà nghiệp thiện ngay trong hiện tại họ làm chưa đủ sức mạnh đẩy lùi ác nghiệp quá khứ. Vì vậy cho nên người đời chỉ nhìn thấy rằng người này làm thiện nhưng người đó vẫn gặp đau khổ với nước mắt đầy mặt. Ở đây chúng ta cần phải hiểu lại là không bao giờ có tình trạng đó, vì người làm việc lành sau đó họ yên tâm khi nghĩ đến điều thiện họ làm nên không hề sợ hãi. Còn những sự kiện khác xảy ra trong đời sống họ phải có sự phiền toái, phiền lụy ưu tư, thì đây là một lẽ khác chứ không phải họ ray rứt ăn năn với điều thiện mà họ đã làm.
Và cũng ảnh hưởng do sự thuần thục hay không thuần thục trong sự tu tập của người đó nữa. Chẳng hạn như ngày xưa Đức Phật Ngài kể lại tiền thân của ông triệu phú tại thành Savatthi. Nói rằng hiện tại ngay  trong thời Đức Phật ông ta là một nhà đại triệu phú, dẫu rằng có nhiều tài sản nhưng ông ta sống như một người nghèo khổ, dẫu rằng ông ta có những kho lẫm chứa đầy  gạo thơm ngon nhưng ông ta luôn luôn phải ăn những thức ăn thừa , thức ăn cặn bã còn dư lại của ngày hôm qua. Khi ông chết, tài sản của ông bị sung vào quốc khố. Vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) đem chuyện đó bạch cùng Đức Phật vì duyên nghiệp gì tạo nên như thế.
Đức Phật giải thích rằng, thời quá khứ tiền thân của ông triệu phú này là một Bà-la-môn rất bỏn xẻn, ông ta chưa hề bố thí cho ai, chưa từng cúng dường cho các vị sa-môn, Bà-la-môn. Vào thời đó có chư Phật độc giác xuất hiện, ông ta cũng chưa một lần cúng dường cho các vị này. Cho đến một hôm đẹp trời, tâm ông sảng khoái, khi ông ta bước ra khỏi nhà để đi một vài việc cần thiết gì đó, gặp Đức Phật độc giác đang ôm bình bát đi khất thực. Ông trở vào nhà bảo người vợ chuẩn bị một chút ít gì đó để bát cho vị sa-môn đang đi khất thực phía trước cửa nhà. Người vợ nghe vậy rất hoan hỷ, nghĩ rằng hôm nay ông chồng của mình khởi lên một thiện tâm như vậy thật quý giá. Bà chuẩn bị vật thực loại cứng loại mềm thượng vị thành kính để bát cho Đức Phật độc giác, xong bà đảnh lễ và đi vào nhà. Nói về ông bà-la-môn bỏn xẻn kia, khi xong việc trở về đi ngang qua Đức Phật độc giác ông nghĩ rằng. “ Lúc nãy ta bảo vợ ta để bát cúng dường cho vị này, không biết bà để món gì đây” Ông ta đi đến Đức Phật độc giác chận đường Ngài lại giở nắp bát ra, ông nhìn thấy trong bát chứa đầy những vật thực thượng vị loại cứng loại mềm. Ông chợt khởi lên tâm hối tiếc. Ông nghĩ rằng nếu những vật thực này để cho ta hay vợ con ta ăn sẽ ngon hơn hay để nuôi dưỡng cho những tôi trai tớ gái để họ giúp việc cho mình có lẽ sẽ tốt đẹp hơn cúng dường cho các vị sa môn, Bà- la- môn này. Khi ông khởi lên tâm hối tiếc như vậy thì đó là trạng thái bất thiện pháp (Macchariya), đây là trạng thái tâm sở thuộc về sân phần. Với trạng thái khó chịu như thế, ông đậy nắp bát lại bỏ đi về nhà với tâm buồn bực. Vì rằng lúc đầu ông khởi lên tâm thiện với sự bằng lòng hoan hỷ để bát cúng dường cho Đức Phật độc giác, do thiện nghiệp đó về đời sau này ông ta tái sanh lại cõi người, ông luôn luôn có đầy đủ tài sản. Nhưng sau đó ông hối tiếc, do tâm hối tiếc bỏn xẻn đó mà đời sau này ông ta phát sanh lên hậu quả là dầu có tài sản nhưng ông ta không bao giờ hưởng được một cách đầy đủ ngon lành no nê, thỏa mãn.
Câu chuyện gợi ý lên rằng, việc có những người làm thiện rồi sau đó tâm họ ăn năn ray rứt, ở đây không phải là tác dụng của tâm thiện, không phải là hậu quả của tâm thiện để lại, mà chính vì sự tu tập không thuần thục của chúng sanh đó. Với người này vì không quen làm thiện nên ác bất thiện pháp sanh trưởng mạnh hơn. Do đó cho nên mỗi khi người đó khởi lên tâm thiện thực hiện một điều gì chẳng hạn như bố thí cho người khác một chút gì, sau đó khởi lên tâm ân hận hối tiếc. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng sự ân hận hối tiếc và sự bỏn xẻn này do nơi tâm của người đó không khéo tác ý, không khéo tu tập cho nên khởi lên ác bất thiện pháp như thế.
Đức Thế Tôn dạy rằng, một người làm việc lành, tạo một nghiệp tốt đẹp sẽ sống với tâm hoan hỷ, với tâm hân hoan, không có sự hối tiếc. Vì chính ngay trong một trạng thái tâm thiện sanh khởi bao giờ cũng có những tâm sở tịnh hảo gọi là sobhana cetasika hay chúng ta gọi là những khía cạnh tốt đẹp hay những chất liệu để tạo nên những tâm thức tốt. Những chất liệu đó hoàn toàn tốt cho nên tâm thiện không bao giờ để lại một hậu quả sau khi làm xong mà có sự ăn năn hối tiếc.
Chúng ta hiểu theo trong A-tỳ-đàm giải thích rõ điều này, kusalo dhammo kusalassa dhammassa ārammana paccayena paccayo. Thiện pháp vẫn có thể làm cảnh cho bất thiện sanh khởi bằng cảnh duyên. Tức là có một số chúng sanh vì do nghiệp bất thiện hay những phiền não của họ mạnh mẽ trong quá khứ, họ không thường xuyên quân tập về thiện pháp, cho nên bây giờ hễ khi họ làm thiện pháp, chính thiện pháp đó lại trợ cho tâm bất thiện sanh khởi. Có những trường hợp, một người bố thí nhưng sau khi bố thí được người khác tán dương khen ngợi, họ khởi lên tâm ngã mạn, đó cũng là trường hợp thiện trợ cho bất thiện sanh khởi nhưng bằng thường cận y duyên. Hay khi làm thiện xong họ khởi lên kiêu mạn, như vậy ngã mạn của họ là một loại phiền não và phiền não này bắt tâm thiện để làm cảnh. Trong trường hợp đó là về mặt tinh thần của người đó, chứ không phải do hậu quả của thiện để lại.
Như trường hợp ông Bà-la-môn bỏn xẻn kia, khi ông bố thí cúng dường cho Đức Phật độc giác, sau đó ông khởi lên tâm hối tiếc, thì sự hối tiếc này không phải là một sự dằn vặt của tâm thiện  mà sự hối tiếc này chính do tâm bỏn xẻn Macchariya của ông ta, vì ông đã từng quen sự bỏn xẻn, cái gì cũng chấp thủ về mình chứ không muốn buông bỏ ra, không muốn xả tài xả thí cho người khác, không muốn để cho người khác phải chia sớt phần lợi lộc của mình . Như vậy đó là lỗi lầm của tinh thần của ông ta  không khéo điêu luyện không khéo tu tập chứ không phải là hậu quả của tâm thiện để lại.
Đức Phật xác định một khi đã làm thiện thì tâm không thối hóa, tức là không có sự ray rứt, không ăn năn. Khi chúng ta làm việc thiện tùy theo cấp độ của mỗi mỗi người khác nhau, bởi vậy có những người sau khi làm thiện  họ hoan hỷ suốt ngày đêm, họ bất chấp hoàn cảnh cuộc đời như thế nào, hễ khi nghĩ đến điều thiện là họ hoan hỷ. Còn có những người sau khi làm thiện xong tại sao họ có sự ăn năn ray rứt. 
Chúng ta làm thiện có ba khía cạnh.
1-Có người làm thiện bằng tâm thọ hỷ somanassasahagatam tức là tâm hân hoan, tâm hỷ với phỉ lạc. Người làm thiện với cảm giác tâm như vậy sau đó khó sanh khởi tâm hối tiếc, bỏn xẻn vì trong khi làm họ có sự hoan hỷ.
2- Người làm thiện bằng tâm thọ xả Upekkhāsahagatam tức là trạng thái tâm không vui cũng không buồn, làm một cách thờ ơ lãnh đạm hay làm với cảm giác tự nhiên mà làm chứ không có sự thỏa thích, không có sự hân hoan.
Đối với hạng người này có hai trường hợp, tức là người làm thiện bằng tâm thọ xả, nhưng không phải vì cảm giác họ không quen làm thiện mà trái lại họ làm với tâm thuần thục quen rồi, cho nên khi làm thiện  vì một lý do nào đó, có thể trong thân thể họ bất an do bệnh hoạn chi phối chẳng hạn, nên trong trường hợp này họ không có tâm hoan hỷ nhưng dầu với tâm thọ xả như thế nhưng tâm thiện của họ cũng rất vững chắc.
Khía cạnh làm thiện thứ hai là hợp trí hay ly trí, chúng ta gọi là Nànasampayuttam ly trí gọi là Nànavippayuttam. Người làm thiện bằng tâm hợp trí tức là có tri tuệ suy tư cân nhắc đắn đo và có trí tuệ can thiệp vào việc đó. Như vậy việc thiện này có tính cách bảo đảm hơn. Vì người làm thiện với tâm hợp trí trước khi làm có sự suy nghĩ tác ý đến lý nghiệp báo nhân quả, họ biết chúng sanh ở đời này được an vui, hạnh phúc, được nhiều tài sản, được thạnh lợi trong cuộc sống này là do nơi thiện nghiệp, phước báu. Còn những chúng sanh bị đau khổ là do nơi thiếu phước báu và làm các ác nghiệp. Khi tác ý như vậy, họ mới tích cực làm điều thiện. Đó gọi là tương ưng trí, hợp trí trong việc làm thiện. Lại nữa có những người làm việc thiện, vì họ khởi nên niềm tin đối với Đức Phật, với Giáo Pháp, với Tăng chúng và họ nghĩ rằng với thiện pháp này là con đường đi của bậc Thánh nhân, là sở hành của bậc thanh tịnh của bậc cao quý như Đức Phật. Vì vậy cho nên họ tích cực hoan hỷ làm điều thiện. Họ nghĩ rằng, “ Ta sẽ đi theo con đường, noi gương  hạnh của Chư Phật hay của Tăng chúng”. Như vậy cũng là tương ưng trí.
Một tương ưng trí nữa, đó là người làm thiện có liên hệ đến mục đích giải thoát , làm việc thiện có nhìn về tương lai, trong kinh nói rằng có nhìn về tương lai. Thế nào là có nhìn về tương lai, tức là người làm việc thiện có mục đích giải thoát . Những người làm việc thiện để mong tương lai sanh về cõi trời, có đầy đủ tài sản hoặc làm người xinh đẹp v.v…thì họ cũng nhìn về tương lai nhưng cách nhìn này không được hoan nghênh lắm, bởi vì đó chỉ là quả hữu lậu. Những người làm việc thiện có mục đích giải thoát, sỡ dĩ chư vị Bồ tát tích cực hành thiện, không biết nó trong thiện pháp và luôn luôn bất thối chuyển trong thiện pháp, trong việc tinh cần là bởi vì Ngài nhìn mục đích trong tương lai. Ngài nghĩ rằng thế gian này thật đáng chán, có rồi không, được rồi mất, thân này đây phải chịu sự già, sự bệnh sự chết. Dầu cho con người có đại phước khi chết tài sản cũng phải bỏ lại, như vậy tất cả đều là giả tạm, cho đến khi nào thành tựu cứu cánh giải thoát tức là đắc Niết bàn, diệt trừ mọi phiền não tham sân si , nghiệp chướng. Lúc bấy giờ mới thật sự an vui tuyệt đối. Muốn được như vậy thì người đó phải có đầy đủ phước ba-la-mật. Khi tác ý đến chỗ đó người này tích cực làm việc thiện, không thối chuyển trong việc thiện.
Nếu người làm việc với sự suy nghĩ về mục đích tương lai  như vậy, người này làm việc thiện với tâm hợp trí hay tâm tương ưng trí. Khi người làm việc thiện với tâm tương ưng trí như theo ba cách chúng tôi vừa trình bày, rõ ràng người này có một tâm lực mạnh mẽ trong việc làm thiện, có sự chủ ý làm thiện chứ không phải làm một cách vô tình, ngẫu nhiên hay bồng bột, tùy hứng như trường hợp ông bà-la-môn bỏn xẻn trong câu chuyện chúng tôi vừa kể. Người làm việc thiện bằng tâm tương ưng trí như vậy, sau đó người này không ăn năn hối tiếc, nghĩa là không có tâm bỏn xẻn ăn năn ray rứt. Người đã thuần trong việc thiện rồi, sau khi làm thiện xong họ bằng mọi cách ngăn chận các phiền não không cho nó sanh khởi để hối tiếc.
Thí dụ người Phật tử làm thiện, có những người làm thiện tương ưng trí như cúng dường chư Tăng hoặc bố thí cho những hội từ thiện  hoặc nuôi trẻ mồ côi. Họ bỏ ra một món tiền lớn. nhưng sau khi làm xong trở về nhà cảm thấy hối tiếc, họ cảm thấy nếu số tiền đó còn thì trong gia đình không phải thiếu thốn như vậy. Nhưng khi suy nghĩ như thế, với tâm tương ưng trí khi bố thí, với tâm hợp trí đó trí tuệ sẽ sanh khởi lên, họ sẽ suy nghĩ lại, “ Không sao cả, cái gì mình cho ra rồi cái đó là của mình.” Họ suy nghĩ như vậy, cho nên họ cảm thấy yên tâm. Lại nữa người này mới suy nghĩ rằng, “ Nếu có giữ lại đi chăng nữa thì ăn xài một thời gian sẽ hết. Sau khi mệnh chung rồi sanh lại cảnh giới khác mình sẽ không được tài sản gì cả hay không có thiện nghiệp để góp phần đưa đến tuệ căn giải thoát trong tương lai.” Họ suy nghĩ như vậy nên dẹp bỏ trạng thái tâm hối tiếc. Cũng có thể trạng thái tâm hối tiếc có thể sanh khởi cho người làm thiện tương ưng trí nhưng chỉ thoáng qua thôi, rồi sau đó người đó khéo tác ý suy nghĩ lại và họ tiếp tục hoan hỷ trong thiện pháp.
Người làm thiện bất tương ưng trí hay ly trí , điều này hết sức nguy hiểm. Tức là người làm việc thiện nhưng làm một cách thờ ơ , tình cờ ngẫu nhiên và không có sự suy tư. Vì làm việc thiện không có sự suy tư như vậy, chỉ cảm hứng mà làm, cho nên cũng là tâm thiện nhưng đó là tâm thiện ly trí, tâm thiện không có trí tuệ phối hợp, không có sự đắn đo suy nghĩ. Đối với người này rất dễ sau đó khởi lên trạng thái bất thiện hoặc quên lãng những thiện pháp họ đã làm. Đây là điều chúng ta phải chú ý để khi làm thiện chúng ta phải làm bằng tâm hợp trí đừng làm thiện bằng tâm ly trí.
Khía cạnh thứ ba của thiện pháp, đó là khía cạnh tác động của tâm sanh, gọi là sankhàrika tức là nói đến khía cạnh tâm thiện sanh khởi có hai trường hợp gọi là sasankhàrika hữu trợ và asankhàrika là vô trợ. Tâm thiện hữu trợ  tức là tâm thiện phát sanh lên có thể do ba trường hợp.
- Một là người này vì trước khi làm việc gì họ có thói quen hay đắn đo suy nghĩ cân nhắc có nên làm bây giờ hay không, làm có hợp thời hay không hợp thời. Sau khi cân nhắc xong họ mới khởi lên tâm thiện để làm. Như vậy tâm thiện hữu  trợ đó không có lỗi lầm, khuyết điểm  gì cả  mà thiện hữu trợ đó bất quá chỉ đưa đến quả chậm trong tương tương lai. Tức là trong tương lai khi tài sản phát sanh đến họ thì tài sản đó phát sanh một cách trình tự thứ lớp và đến từ từ chứ không thể nào phát sanh một cách nhanh chóng, chỉ có khuyết điểm là hậu quả như thế đó.
- Nhưng hai cách hữu trợ về sau này mới là hai cách hữu trợ làm thiện có nhiều khuyết điểm. Hữu trợ theo cách thứ hai tức là người này vì lý do phiền não sanh khởi hoặc lý do thân của họ đang có sự bệnh đau chi phối. Khi thân tâm bất an, lúc bấy giờ họ cũng khó khởi lên tâm thiện, cố gắng lắm mới khởi lên tâm thiện được. Tâm thiện lúc bấy giờ gọi là tâm thiện hữu trợ, tâm thiện hữu trợ này cũng không đến nỗi như trường hợp hữu trợ trong trạng thái thứ ba tức là phải đợi người khác nhắc nhở, đôn đốc, xúi bảo. Khi người khác đôn đốc xúi bảo người đó mới làm thiện thì lúc bấy giờ tâm thiện đó cũng là tâm thiện hữu trợ nhưng tâm thiện hữu trợ này  lại do động cơ thúc đẩy từ bên ngoài. Trường hợp này cũng ví như một em bé không biết gì, nhờ cha mẹ dẫn đi chùa, dạy cho cách lạy Phật. “ Lạy Phật cho có phước. Lạy Phật như vậy con sẽ được trí tuệ thông minh, được học giỏi”. Đứa con nghe cha mẹ nói như vậy quỳ xuống đảnh lễ Phật. Tâm thiện của đứa bé lúc đó gọi tâm thiện hữu trợ. Hay khi cha mẹ dẫn đi đến chùa cho đứa con  vật thực hay tiền bạc để bát cúng dường đến chư Tăng, đây cũng gọi là tâm thiện hữu trợ, nhưng tâm thiện hữu trợ đó không đến nỗi nào bằng tâm thiện do người khác thúc đẩy làm. Tại vì do không quen làm thiện nên mình không thích nhưng do có người xúi bảo đôn đốc nên mình mới làm.. .
Quả thật khi chúng ta làm điều thiện, tâm thiện đó phải do chính quyết định của mình và khi chúng ta có sự dứt khoát, với tâm lực mạnh sanh khởi như chúng tôi đã nói, tức là chúng ta làm việc thiện bằng tâm thọ hỷ, làm việc thiện bằng tâm hợp trí có trí tuệ suy tư và chúng ta làm thiện bằng tâm vô trợ tức là không cần sự đôn đốc nhắc bảo hay là cũng có trường hợp chúng ta khởi lên tâm thiện do sự suy tư rồi sau đó chúng ta mới quyết định làm. Vấn đề hữu trợ hay vô trợ ở đây không phải là một khuyết điểm của tâm thiện nhưng điều này ảnh hưởng đến quả trong tương lai.
Thật ra có những người khi làm việc thiện, nếu họ làm việc thiện với sự thờ ơ, không có mục đích rõ ràng trong tương lai, không có trí tuệ phối hợp trong tâm thiện đang sanh. Như vậy tâm thiện  người này quá yếu,  có thể sau khi làm xong họ suy nghĩ lại cảm thấy có sự mất mát, có sự phung phí thời gian, phung phí công sức, sau đó có sự hối hận. Có nhiều tấm gương như tấm gương của người nông dân Sumana, trống hoa cho Đức vua Pasenadi vua Ba-Tư-Nặc. Ông ta đã nhìn thấy được đối tượng khả kính là Đức Phật, ông đã tự nguyện có sự quyết định dứt khoát cúng dường đến Đức Phật. Ông tìm thấy tâm thiện của ông đối với Đức Phật, với lòng thành kính đó ông cảm thấy an ổn, yên tâm và xem sự chết nhẹ như lông hồng, ông không sợ hãi không hốt hoảng. Đó là thái độ làm thiện chúng ta cần nên học hỏi.
Và thái độ làm thiện khác của ông Cấp-Cô-Độc. Khi chúng ta tự ý làm điều thiện , có sự quyết định dứt khoát, cho dù rằng ông ta phải hao tài sản, đem tất cả tài sản để cúng dường Tam Bảo. Lúc bấy giờ dầu lâm vào tình trạng nghèo khổ nhưng ông không  hề thối chuyển. Chúng ta làm sao có thể so sánh được với tâm của một Thánh cư sĩ, một vị Thánh nhập lưu Tu-Đà-Hườn như ông Cấp-Cô-Độc được. Nhưng chúng ta cũng phải biết lấy gương của người nông dân Sumana, chúng ta thấy rõ khi làm việc thiện với tâm ý như vậy thì sau đó tâm mới an lạc, không có sự ăn năn hối tiếc. Điều này không khó khăn gì đối với ai cả, chỉ do nơi tâm lực của chúng ta có mạnh hay không. Thật ra không phải người xưa khác người nay. Trong bất kỳ một thời kỳ nào, dầu thời kỳ hưng thịnh pháp hay thời kỳ giáo pháp bị mai một như thời hiện tại này. Nếu chúng ta đã phát tâm bồ đề, có đại nguyện Bồ tát và chúng ta làm việc để hướng đến mục đích giải thoát, quả thật điều đó không có nghĩa là chúng ta không làm được.
Ở đây có một điều quý vị cũng nên lưu ý, tâm thiện chúng ta đã làm, chính thiện pháp đó sẽ không phải là nỗi ám ảnh tinh thần chúng ta ngay trong giấc ngủ hay những lúc sau đó. Đức Phật đã xác định một cách rõ ràng 
Một việc làm chánh thiện
Làm rồi không ăn năn 
Chúng ta nên biết rằng sau khi chúng ta làm điều thiện xong tâm chúng ta không có sự ray rứt bởi vì thiện nghiệp đó chi phối. Lại nữa khi chúng ta hưởng quả dị thục, chắc chắn đó là quả dị thục đưa đến trạng thái tâm an lạc. Bất luận là ngày hay đêm, lúc nào chúng ta khởi lên tâm thiện thì lúc đó chúng ta sống trong  sự an ổn, sự an lạc. Ngày nào chúng ta còn khởi lên tâm thiện thì ngày đó là ngày tốt đẹp đối với bậc thiện trí ở đời này, nhất là đối với hạng chúng sanh có tâm đại nhân hạnh nguyện bồ tát thì việc thiện đối với họ như những món ăn tinh thần và thiếu việc thiện họ cảm thấy như ngày hôm đó có sự thiếu sót. Khi đã làm được điều thiện họ có cảm giác như có một hàng rào che chắn chung quanh và họ không cảm thấy sợ hãi trong việc hiểm nguy. 

Saturday, October 26, 2013

Như thế nào là người trí?

Hỏi: Như thế nào là người trí?

(Thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Người trí là người có thân trong sạch, khẩu trong sạch và ý trong sạch, thay vì nói người trí là người có bằng cấp học vị cao thì Đức Phật Ngài nói rằng người trí là người có hành vi của thân khẩu ý trong sạch, không hại người không hại mình, thì Đức Phật gọi đó là người trí. Như vậy chữ người trí Đức Phật định nghĩa hoàn toàn khác với cái hiểu của chúng ta do vậy điểm này chúng ta phải rất là cẩn trọng. 
Nhưng nếu qúi vị đã hỏi về chữ "Ngu nhân" ở đây thì chúng tôi xin được bày tỏ ý nghĩ cá nhân của mình, chúng tôi tin rằng chữ "Ngu nhân" ở đây chỉ cho một người không có lãnh hội được diệu pháp, tức là không tìm ra được một phương lương dược để trị những căn bệnh của mình, không tìm ra được giải pháp cho những bế tắc của mình. Có những lúc chúng ta đối diện với những khó khăn của kiếp người và những khó khăn đó hoàn toàn tuyệt vọng, chúng ta không biết phải làm gì và chỉ có thể im lặng chờ đợi và sự chờ đợi này dài đến đỗi chúng ta chán nản mệt mỏi. Theo một thống kê của những công ty chế tạo những máy video thì họ thấy rằng những nút bấm mà người ta sài nhiều nhất đó là nút "forwarding" tức là nút làm cho nó chạy nhanh hơn, khi coi một cuộn phim hay theo dõi một thứ gì đó trong băng video có đôi lúc chúng ta không muốn nhìn thấy những cảnh tượng đó và chúng ta muốn cho nó đi qua thật nhanh.
Đời sống thì cũng tương tựa như vậy, nhưng không may là chúng ta không làm cho nó nhanh như chúng ta muốn được. Hồi chúng tôi còn nhỏ có kinh nghiệm sau này ngồi nhớ lại thì có một chút vui chút buồn pha lẫn với nhau. Có một lần chúng tôi được Ngài Tịnh Sự giao cho trách nhiệm đi mua một cuốn tự điển ở trong Chợ Lớn, chúng tôi đi vào buổi trưa và cô Bảy Vĩnh Phúc một người đàn tín của Ngài HT Tịnh Sự thấy chúng tôi rời chùa vào buổi trưa như vậy mới mượn cây dù của Ngài để chúng tôi mang theo để che nắng, tuổi còn trẻ mà tánh lại lơ đễnh, chúng tôi đến chỉ lo tập trung vào chuyện mua sách, thấy sách thì vô cùng thích thú và khi ra về trả tiền xong thì quên bẳng cây dù ở tiệm sách, và thưa qúi vị, chúng tôi cũng không nhớ là mình đã quên cây dù lúc nào nhưng khi trở về giảng đường Phú Định gặp Ngài HT Tịnh Sự thì chúng tôi chỉ trình và đưa cho Ngài những cuốn sách mà Ngài muốn mua. Và dĩ nhiên là trong tay chúng tôi có vài quyển sách mua cho chính mình, chúng tôi hết sức hí hửng mang những cuốn sách đó về phòng riêng để đọc và hoàn toàn không nghĩ đến cây dù cho đến tối hôm đó khoảng chừng 11 giờ bỗng nhiên chúng tôi lại nhớ đến cây dù và tự hỏi rằng không biết mình đã để đâu, không nhớ rằng mình đã để đâu nhưng biết một điều chắc chắn rằng mình đã không mang về để trả cho Ngài. Lúc đó chúng tôi lo lắng lắm, lo lắng bởi nhiều lý do, lý do là vì còn nhỏ nếu chúng tôi muốn tìm mua cây dù thì không biết mua ở đâu, và cây dù này là một loại dù may bằng vải nylon vàng, cây dù đó thì thật sự rất khó tìm, và chúng tôi nghĩ rằng chỉ có trường hợp may đặc biệt cho Ngài hay là đi tìm chỗ nào đó khó tìm lắm mới tìm được cho Ngài HT, và thật sự thì chúng tôi không biết giá cây dù là bao nhiêu nhưng phải nói rằng rất là lo lắng, lo đến đỗi chúng tôi trằn trọc cả đêm không ngủ được. Sáng hôm sau chúng tôi trở lại tiệm sách và rất là may mắn khi vừa bước vào trong tiệm gặp ông chủ tiệm, ông chủ tiệm gặp chúng tôi mỉm cười và nói "Có phải Thầy quên cây dù không?" lúc nghe câu hỏi đó chúng tôi nghe như là gánh nặng ngàn cân được đặt xuống và chúng tôi cảm ơn ông rối rít, sau đó cầm cây dù đi một hơi trở về giao lại cho Ngài và tự nguyện trong tương lai không bao giờ mượn cây dù để đi đâu hết.
Thì thưa qúi vị có những tâm trạng ở trong cuộc đời tuy rằng rất là trẻ con, tuy rằng nó chỉ là một kỷ niệm nhưng nó lại nhắc cho chúng ta một ý điều rất quan trọng ở trong cuộc sống, đó là có những giây phút mà đối với chúng ta nó dài lắm. "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại." Những người ở tù thì họ nói rằng một ngày ở trong tù thì dài như cả trăm năm cả ngàn năm khi sống tự do ở bên ngoài, quả thật đúng, chúng tôi đã có những tháng ngày phập phồng lo sợ, đã có những tháng ngày trải qua giai đoạn chỉ mong muốn thời gian trôi qua mau thôi, và không may cho chúng ta những lúc mà chúng ta nghĩ rằng thời gian là một liều thuốc nhiệm màu, thì những lúc đó thời gian lại trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi, và nỗi ám ảnh đó là một nỗi ám ảnh đau thương nhất của đời sống mỗi chúng ta, vì vậy dựa trên tâm trạng này cho chúng ta hiểu rằng tại sao chánh trí, tại sao diệu pháp lại có một giá trị lớn ở trong đời sống của mình.
Chúng tôi muốn trở lại một việc rất là bình dị một việc rất là gần với đời sống của chúng ta mà chúng tôi muốn nhắc đi nhắc lại ở tại đây đó là theo giáo lý của Đức Phật đa số những nỗi khổ đau của chúng ta trong đời sống nó đến từ cái nhìn không có xác thực của mình, nó đến từ cái nhìn lầm lẫn của mình, và do cái nhìn lầm lẫn đó chúng ta đi từ sự thương đau này đến nỗi đau thương khác, bởi vì chúng ta không tìm ra lối thoát. Nói một cách rõ hơn là nếu cuộc sống thay đổi mà chúng ta muốn nó không thay đổi thì chúng ta phải làm một công việc là bất khả, và trong công việc bất khả đó chúng ta chỉ tạo sự căng thẳng cho mình, như là giòng sông đang chảy ngang trước mặt chúng ta mà chúng ta muốn dùng đôi tay nhỏ bé của mình để chận lại nước chảy của giòng sông thì chúng ta đang làm một công việc mà tự mình khiến cho mình mệt mỏi thêm thôi.
Chúng ta lại có một quan niệm khác là chúng ta phải vật lộn với đời sống, và trong sự vật lộn này bỏ rơi rất nhiều tâm sức để tìm ra một sinh lộ tìm ra một giải pháp, nhưng tất cả đều chỉ làm cho chúng ta càng lúc càng mệt mỏi, và càng lúc càng chán nản chỉ muốn ngồi im lặng mong cho thì giờ qua, mong cho tuổi tác qua, và khi tuổi già đến, khi cái chết đến thì chúng ta lại tiếc nuối thời son trẻ. Đời sống của con người là như vậy, kiếp nhân sinh là vậy.
Và thưa qúi vị chúng ta hãy làm lại, hãy làm lại bằng cách nào, bằng cách tạo cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, làm cho diệu pháp được thấm nhuần trong chúng ta, làm sao cho chúng ta thấy được ánh sáng để cuộc sống của chúng ta không rơi vào tuyệt vọng, không rơi vào sự chán chường. Có thể nói rằng, cho cả một kiếp người còn lại, chúng ta có thể nào tìm được một ý nghĩa tìm một ánh sáng và tìm một lẽ sống mà lẽ sống đó làm cho chúng ta thấy rằng đời sống này quả thật là qúi giá, kiếp người quả thật là ngắn ngủi và mình phải làm cái gì đó để tận dụng được hết cái kiếp người ngắn ngủi này. Không phải ai cũng thấy kiếp người ngắn ngủi, cuộc sống nhiều lắm là một trăm năm với một số người thì không đủ để làm những công việc đáng làm đáng sống, nhưng có những kiếp người thì phải dùng chữ gọi là lê lết kiếp trăm năm, lê lết kiếp trăm năm là trong một kiếp vài ba mươi năm thật sự sống của cuộc đời họ cảm thấy đời sống quá dài, chỉ mong muốn rằng thời gian trôi qua mau và mình có thể rời khỏi kiếp này như là trút đi một gánh nặng, bởi vì người đó không tìm thấy một lẽ sống chân thực của kiếp người./.

Ngoài con đường thiền định phải chăng không có phương pháp nào để diệt trừ tam độc tham sân si để có sự giải thoát trong đạo Phật ?

Hỏi : Ngoài con đường thiền định phải chăng không có phương pháp nào để diệt trừ tam độc tham sân si để có sự giải thoát trong đạo Phật ? Kính mong quí Giảng Sư chỉ dạy thêm cho con, kính cảm ơn.

(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp , Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu  : Nếu chúng ta nói chữ thiền định, chữ thiền Chana hay gọi là thiền na là chúng ta nói theo nghĩa chung,là ý nghĩa rất thoáng, như là tư tưởng thiền, hành thiền thì như vậy, ngoài phương pháp thiền định sẽ không cọ̀n con đường nào khác để diệt trừ tham sân si đưa đến sự giải thoát cả, nhưng nếu ở đây nếu ta dùng ý nghĩa thiền với một ý niệm là sự tu tập thiền chỉ, tu tập thiền quán, thì chúng ta chỉ giới hạn trong việc tu tập thiền định bằng những án sứ, bằng những thiền án Tứ Niệm xứ, hoặc là những công án thuộc về nghiệp xứ, như mười đề mục Kasina chẳng hạn.

Thì khi chúng ta giới hạn chữ thiền định trong những đề mục như thế, chúng ta có thể nói rằng ngoài con đường thiền định này, vẫn có thể với một phương pháp khác, với một pháp môn khác để chúng ta có thể diệt trừ phiền não tam độc tham sân si đưa đến sự giải thoát, điều này chúng ta có thể đọc qua bài kinh Sabbàsava sutta kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc ở Trung Bộ Kinh quyển một.

Ở đây những phiền não lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng bảy cách, tức là đoạn trừ bằng tri kiến, tức là không tác ý đến chuyện không đáng tác ý, mà chỉ tác ý đến những gì cần tác ý. Một người có trí tuệ tri kiến chân chánh, không phải bận rộn, không phải tác ý đến những vấn đề không đáng, như là suy nghĩ về có tự ngã hay không có tự ngã v.v... trong trường hợp đó với tri kiến thẳng tiến như vậy, thì người này có thể đoạn trừ được các lậu hoặc phiền não, trong các lậu hoặc phiền não đó thì tham si là chủ yếu.

Chúng ta có thể đoạn trừ phiền não bằng sự pḥòng hộ tức là gìn giữ chánh niệm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
Có thể đoạn trừ phiền não lậu hoặc bằng cách thọ dụng, nghĩa là khi thọ dụng bốn món vật dụng ăn mặc ở bịnh thì có sự chi túc, và có sự quán tưởng một cách đúng pháp. 
Có thể đọan trừ phiền não lậu hoặc bằng sự kham nhẫn, tức là khi gặp hoàn cảnh trái ý nghịch ḷòng, cảm giác khó chịu về thân tâm thì có sự chịu đựng có sự kham nhẫn, điều này cũng có thể giúp cho đọan trừ được các lậu hoặc phiền não. 
Hay là đọan trừ bằng cách tránh né, tức là những nguyên nhân nào, những điều kiện nào, những môi trường nào có thể gây cho ác bất thiện pháp sanh khởi thì mình né tránh đi, như vậy thì mình cũng có thể đoạn trừ được những lậu hoặc phiền não. 
Hoặc là có thể đọan trừ bằng cách là trừ diệt, có nghĩa là không chấp nhận cho những dục niệm, sân niệm, hại niệm, tức là không cho ba tà tư duy sanh khởi, diệt trừ chúng ngay trong mầm móng, tức là vừa khi khởi lên, hay là có một mầm móng sắp sanh khởi thì phải đoạn trừ đi, như vậy nhờ đó các lậu hoặc phiền não được đoạn trừ.
Và đến phương pháp thứ bảy, pháp môn thứ bẩy mới là đoạn trừ bằng sự để tu tập. Có nghĩa là tu tập theo bảy giác chi, bảy giác chi đó là tánh chất hay phẩm cách của thiền định và khi tâm tu tập như vậy sẽ làm các phiền não lậu hoặc được đoạn trừ. Ở đây thưa quí vị, pháp môn Đức Thế Tôn thuyết giảng có rất nhiều, và khi chúng ta tu tập trong giáo pháp này, thì chuyện tu tập này ở tùy theo vị trí nào, tùy theo căn cơ chứng đạt được, Khi một vị Tỳ kheo Ni nhìn thấy những giọt nước rơi từ trên tay vị ấy rửa mặt và những giọt nước đó rơi xuống giòng nước và tan biến, vị này cảm nhận được tánh cách vô thường cũng có thể chứng ALaHán được. Khi một vị Tỳ Kheo thấy đám lửa cháy và hễ lửa đi tới đâu thì càng quét và thiêu sạch cây cỏ lớn nhỏ, thì vị Tỳ Kheo này suy xét thấy được như vậy, khởi lên tri kiến chân chánh và đoạn trừ những kiết sử lậu hoặc lớn nhỏ và chứng AlaHán. Hay nàng Tỳ Kheo Ni Tisa Gotami khi nhìn thấy ngọn nến chập chờn, ngọn lửa chập chờn trên đầu cây nến và vị này đem tâm quán xét thấy sự bấp bênh, sự tạm bợ, sự mỏng manh của kiếp sống này và vị đó chứng được quả AlaHán v.v.. có những trường hợp như vậy.

Cho nên chúng ta không thể nào bỏ qua những chi tiết đó, có như vậy thì chúng ta mới yên tâm được trong việc tu tập. "Đường nào cũng đến La Mã cả, nếu chúng ta đi" đó là một câu châm ngôn của phương Tây. Thì chúng ta nên biết rằng, chúng ta ở góc độ nào ta sẽ hành theo góc độ đó, có đôi khi phải sử dụng chi kiến để đoạn trừ, chỉ tri kiến chúng ta đoạn trừ cũng được, hay bằng sự kham nhẫn, bằng sự né tránh, bằng sự tìm diệt cũng được, bằng sự tu tập, bằng sự pḥòng hộ, bằng sự thọ dụng cách nào chúng ta cũng diệt trừ được. Nhưng khi chúng ta thực hành, thì tất cả đều phải nói rằng, chúng ta nên tập trung vào một lý duy nhất là tư tưởng thiền quán, tư tưởng thiền quán đó là quan trọng , bởi vì khi chúng ta né tránh, hay chúng ta có chánh niệm, hay là chúng ta phọ̀ng hộ , hoặc chúng ta thọ dụng, chúng ta cũng phải đều sử dụng tâm thiện và tác ý một cách chân chánh vào đề tài và khởi lên trí tuệ. Trí tuệ tu tập như thế sẽ thành tựu sự giải thoát.

Ở đây chúng ta nói như vậy để chúng ta có một lối thoáng, thoáng một chút là trong con đường chúng ta đi, chúng ta không phải lo sợ là phải đi qua cổng rào, một cửa ngõ rồi mới đi được, mà chúng ta có thể đi bằng những ngõ ngách nào cũng ra được con đường cái, thì ở đây chúng tôi chỉ xin được góp ý kiến như vậy và chắc chắn là có một điều quí vị sẽ cọ̀n có sự thắc mắc nữa, nhưng và ở đây chúng tôi không có thời gian để trình bày, đó là điều Đức Thế Tôn tuyên bố về Tứ Niệm Xứ,và Ngài tuyên bố rằng đây là con đường duy nhất để dẫn đến Niết-bàn, để dẫn đến sự giải thoát, đoạn tận khổ ưu, đọan tận tham ái ưu bi ở đời.

Thì khi chúng ta nghe nói như vậy, mà chúng tôi lại trình bày cách này quí vị sẽ có một sự nghi vấn khác, chúng tôi biết rõ là như vậy. Nhưng điều đó không sao cả khi nào có dịp thì chúng tôi sẽ trình bày trên tinh thần học hỏi và làm sáng tỏ những vấn đề thuộc về pháp, đó là một điều mà chúng tôi hết sức là hoan hỷ, và chúng tôi sẽ hẹn với quí vị một dịp nào cùng với Chư Tôn Đức để giải lý vấn đề này cho quí vị. Và bây giờ chúng tôi xin kết thúc câu trả lời ở đây. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

Wednesday, October 23, 2013

Ba nghiệp lành của người cư sĩ là gì ?

Hỏi: Ba nghiệp lành của người cư sĩ là gì ?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đức Phật  dạy về ba nghiệp lành. Ba nghiệp lành mới nghe thì dường như chúng ta không thấy rằng việc đó không phải xa lạ gì với chúng ta trong đời sống hàng ngày:

1) Một người có thể nói thật ở trong hoàn cảnh rất khó nói và chỉ nói thật thôi.
2) Một người sống hạnh nhẫn nại, nhẫn nại ở đây không phải là dời non lấp biển, nhẫn nại ở đây là thay vì việc đó chúng ta phẫn nộ, nhưng chúng ta dằn lòng và cố gắng làm tròn bổn phận của mình.
3) Một người có thể bố thí, có thể cho,có thể ban tặng, dù sự ban tặng đó rất nhỏ nhoi trong sự khả năng nghèo khó của mình.

Nhưng cả ba điều đó là điều có kết quả rất to lớn, kết quả to lớn này không phải là sự khen thưởng của Ðức Phật, không phải vì Ðức Phật cố ý khuyến khích chúng ta, mà kết quả to lớn này là kết quả tự nhiên của nghiệp. Và qua sự so sánh của Ðức Phật thì chúng ta học được bài học rất thú vị, bài học đó là thiện pháp, là những điều tốt lành có thể thể hiện trong đời sống này, mà không phải mang một nhãn hiệu của tôn giáo hoặc giả sự cổ võ rầm rộ nào mà nó có thể đến từ một trạng thái, trạng thái đó rất riêng tư và thậm trí có đôi khi tự mình mới hiểu được chính mình, không ai có thể hiểu được chuyện đó. Nhưng lại có một phần thưởng rất lớn, và chính về điểm này là một Phật tử tin vào lý nhân quả nghiệp báo. Một người Phật tử tin ở lời dạy của Ðức Phật, chúng ta không thể có nhận định hời hợt về những gì được tìm thấy ở trong đạo tâm, ở trong thiện trí mà chúng ta có thể tìm thấy ở những người chung quanh mình, hay hoặc giả ở chính mình.

- Nói thật ở trong hoàn cảnh rất khó nói và chỉ nói thật thôi.

Không có thời đại nào mà chúng ta bị ảnh hưởng đến sự quảng cáo như thời đại này, và khi nói đến quảng cáo người ta thường bị chi phối và bị lôi cuốn bởi những khuôn mặt lớn, bởi những con người nổi danh, trong lúc đó thì càng ngày người ta càng bị cuốn hút vào cái gì màu mè, cái gì hoa mỹ, cái gì mà khua chuông đánh trống. Ví dụ như để quảng cáo một thức uống như là Pesi chẳng hạn, thì người ta phải thuê nhũng người nổi tiếng chẳng hạn như danh ca Michael Jackson, những người đó đem tên tuổi của họ, đem tiếng tăm của họ khiến chúng ta cảm thấy thích thú nên chúng ta uống.

Và ngược lại văn hóa của Ðạo Phật thì rất lạ, không quảng cáo rầm rộ như vậy, và văn hóa này cho chúng ta thấy được rằng chúng ta trong cuộc sống hàng ngày thể hiện được rất nhiều thiện sự, và những thiện sự này có kết quả lớn nhưng nó lại là những thiện sự hết sức âm thầm, âm thầm đến đỗi chúng ta không thể được cảm nhận bởi những người ở chung quanh mình. Chữ gọi là thiện trí nó không phải là danh từ chuyên môn của Phật học, trong Phật Pháp thì chúng ta gọi là đạo tâm, hay tâm trong sạch hay là tâm thiện. Nhưng chữ thiện trí nó lại rất hay, chúng có thể dùng ở tại đây, giả sử như một việc thiện sự nào đó rất khó làm nhưng một người đã cố gắng làm và thái độ cố gắng đó chúng ta ghi nhận đó là một thiện trí .

Một người khổ đến gặp chúng ta, chúng ta không làm nhiều được cho người đó, nhưng chúng ta có thể chia sẻ cái gì mà mình chia sẻ được, kể cả một ít cơm bánh mình đang có mà mình chia sẻ được, cái đó là một thiện trí rất lớn.

Chúng ta có thể đứng lên và nói với mọi người rằng:

- Tôi cũng là một con người, tôi cần một sự bình đẳng, và ở trong một xả hội hôm nay, không ai phải chiều lụy ai hết và nếu tôi bị xúc phạm tôi sẻ phản ứng ngay lập tức chứ không có từ nan một điều gì.

Chúng ta có thể nói như vậy và hoàn toàn chuyện đó hợp tình hợp lý, nhưng nếu chúng ta có thể kham nhẫn, một sự kham nhẫn tuy là không có ai biết nhiều nhưng mà sự kham nhẫn đó, sự im lặng hoặc giả là trả lời một cách từ tốn, nó nói lên một thiện trí , và thiện trí này là một trong những điểm son, một trong những cái đẹp, là một trong những nhân lành mà Ðức Phật Ngài nhắc đến.

Ðức Phật, Ngài không phải là người định đặt ra nguồn máy của thế gian này, mà trong cái nhìn của vị giác ngộ Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy được cái nhân cái quả, và nhân quả đó không thể nói được việc thiện nào lớn việc thiện nào nhỏ được. Nó tương tự như có một vài lần khi chúng tôi còn thơ ấu đi ra ngoài ruộng với ông ngoại, và ông ngọai chúng tôi chỉ vài loại cỏ dại ở bên đường, ông ngọai chúng tôi nói rằng loại cỏ này thấy nó nhiều và tuy là nó nhỏ như vậy nhưng đừng coi thường, nó có thể cầm máu được, lúc bị đứt tay có nó thì tốt lắm. Hay một vài thứ cỏ khác ông ngoại chúng tôi đã nói rằng có đôi khi người ta bị bón có thể đem nó về luột ăn thì sẽ trị hết bón, mặc dù người khác coi nó rất là tầm thường.

Một người mà biết về thuốc thì ngay cả trên cánh đồng hoang dại với những loài rau cỏ bị người đời không để ý đến, nhưng không phải vì nó là cây đại thụ mới đáng cho chúng ta chú ý, không phải là vì nó là loài hoa mang đầy hương sắc mới làm cho chúng ta tán thưởng , và với một con người biết và con người có mắt thì chỉ một thứ cỏ dại rất tầm thường, nhưng nếu nó có tánh dược lợi ích cho sức khoẻ thì loại cỏ đó cũng đáng được trân trọng. Thì tương tự như vậy với Ðức Phật là một vị Giác Ngộ, Ngài thấy và Ngài biết được rằng trong cuộc sống hàng ngày, con người không phải triệu phú mới có thể xây chùa đúc tượng, mới có thể làm việc thiện được, cũng không phải chúng ta làm công việc dời non lắp biển mới là đáng nói, và cũng không phải chỉ có những chuyện mà nhân thế cho là to tát mới là chiếc xe đưa chúng ta đến những cõi an lạc.

Quan niệm về thiện nghiệp ở trong Ðạo Phật là quan niệm rất rộng, không phải một người phải là tín đồ Phật Giáo hay là tín đồ của một đạo giáo nào khác mới có khả năng làm chuyện tốt lành, làm chuyện phước đức, cái gọi là tốt trong cuộc đời này chúng ta có thể tìm thấy trong nhiều nơi, “ Hoa khai bất tận bần gia địa, tiết chứng lai thời viên mãn khai”, hoa nở thì không lựa đất nhà nghèo, nhà giàu, ở nơi nào đúng mùa, đúng tiết, đúng điều kiện thì hoa nở, đó là một cái nhìn về đạo, là một cái nhìn về chữ thiện, là một cái nhìn tốt lành không mang màu sắc hay mang nhãn hiệu của tôn giáo.

Rất tiếc ngày hôm nay chúng ta tin Phật, dĩ nhiên là đa phần Phật tử vẫn còn thừa hưởng một cái gia tài rất khóang đạt của Ðức Phật, nhưng bên cạnh đó một con số không nhỏ những người Phật tử đã nhìn Ðức Phật càng lúc càng hạn hẹp đi, trong cái nhìn đó chúng ta lại phủ nhận đi cái giá trị của những cái đẹp khác ở cuộc sống từ những người họ không cùng tông phái với mình, họ không cùng đạo với mình, họ không cùng nhãn hiệu với mình, và nếu chúng ta không nhìn thấy cái đẹp cái hay ở trong những con người đó, thì có chắc gì chúng ta nhìn thấy cái đẹp cái hay của những người ở chung quanh mình, một người có mắt phải là một người có trí mới cảm nhận được cái đẹp đó. Chúng tôi nhớ là đã có rất nhiều lần những ngừơi Phật tử ở xa về thành phố Houston, chúng tôi đưa đi thăm viếng những ngôi chùa và rồi chúng tôi học được rất nhiều trong những chuyến đi này. Có khi đến ngôi chùa rất đẹp, họ không cảm nhận được cái đẹp của ngôi chùa đó, dù là hòn non bộ rất nghệ thuật hay một vườn thiền rất ý vị, hoặc giả mái chùa rất nên thơ rất VN, mà chúng ta nghe những lời phê bình, hoặc giả có những ngôi chùa nào đó người ta chỉ phê bình chỗ đậu xe, người ta chỉ phê bình các phòng khách, người ta không tìm thấy được cái đẹp của một ngôi chùa.

Có thể nói rằng tất cả những nơi chúng ta đi qua thì ít nhiều gì chúng ta cũng cảm nhận được cái đẹp ở nơi đó, có những người chúng ta giao tiếp, những người đó có thể thích hay không thích đối với chúng ta, thì thưa quí vị chúng ta cũng bắt gặp được ít nhiều thiện trí của những người đó, nếu chúng ta không thấy, hoặc không chịu thấy, hoặc không muốn thấy là bởi vì chúng ta quá nặng thành kiến hoặc giả là chúng ta không học được như Ðức Phật, chúng ta không thấy được như Ðức Phật là tìm thấy cái đẹp giữa cuộc đời này.

Chúng ta sống cuộc sống hàng ngày với một vài thói quen. Một lần, có một Phật tử họ xin được cùng đi với chúng tôi từ miền Nam lên miền bắc lúc đó chúng tôi đi để gặp Ngài Tangpula Sayadaw, Ngài là bổn sư đã trao truyền Tỳ Kheo giới cho chúng tôi, thì vị Phật tử đó là người lạ, chúng tôi thấy Phật tử đó xin cùng đi thì cũng nhận cho cùng đi, nhưng phải nói rằng chúng tôi nhận cho đi rất miễn cưỡng. Miễn cưỡng là bởi vì Phật tử đó có mặt ở trên xe mình xuốt 8 tiếng đồng hồ như vậy là điểm không có thoải mái. Sau đó chúng tôi nói chuyện riêng với vị Trưởng Lão ở trong chùa, Ngài là vị Thiền Sư nhưng là bán thế xuất gia, Ngài là một vị chúng tôi hết sức kính trọng, Ngài ôn tồn nói :

- Mình đừng có nghĩ thoải mái hay không thoải mái, nếu trên đường đi mà mình nói đạo, mình có thể giải thích Phật Pháp cho người đó thì cũng có lợi ích, chứ nếu ai cũng nghĩ tới thỏai mái như vậy thì chúng ta sẽ bỏ quên đi rất nhiều.

Lời dạy của Ngài tuy ngắn, nhưng lời dạy đó là sự khuyến khích hơn là la rày, chúng tôi có cảm nhận ở đó là với một vị có thiện trí. 

Chúng tôi có gặp nhiều người ở trong cuộc đời này, có những con người sanh ra họ không quen nói dối, trong trường hợp nào họ nói sự thật mà tạo ra sự phiền phức thì họ cảm thấy hết sức khó khăn, tuy nhiên họ vẫn phải nói thật dù họ phải trả giá cho sự nói thật đó.

Chúng ta thường hay cổ võ về tu nên ráng niệm Phật, chúng ta cổ võ tu phải ráng làm thiện, nhưng sự cổ võ đó đôi lúc chúng ta quên đi những thiện pháp trong đời sống, khi làm nó không phải đơn giản mà chúng ta phải bỏ ra rất nhiều thiện trí, như trường hợp này "nói sự thật", can đảm lên mà nói đó là một thiện trí rất là lớn. Chúng tôi nghĩ rằng không phải dài dòng hoa mỹ để nói tại sao một người nói lên sự thật là người đó có nhiều thiện trí.

- Bây giờ chúng ta lại nói đến vấn đề thứ hai. Sống hạnh nhẫn nại

Trường hợp người ta làm mình giận, họ xúc phạm đến mình, đáng lẽ mình nổi cạu, đáng lẽ mình phiền toái, nhưng mình dằn lòng được, mình tiếp tục có mặt ở trong cuộc đời này với tất cả thiện trí của mình, mình có mặt ở trong cuộc đời này với tất cả sự kham nhẫn của mình, thì sự chịu đựng đó là một thiện trí lớn và thiện trí này cũng là cái nguyên nhân dẫn đến sanh thiên giới.

Ðức Phật không phải vì muốn phủ dụ chúng ta hay Ngài muốn làm đẹp lòng chúng ta mà Ngài nói như vậy, chúng ta nhớ trong trường hợp này Ðức Phật Ngài chỉ nói dựa lên trên câu chuyện Tôn Giả Mục Kiền Liên đã thuật lại, và dựa lên trên những gì đã thuật lại, Ngài xác nhận rằng những người biết kềm sự phẫn nộ của mình, biết kềm sự tức giận của mình, đáng lẽ trong trường hợp mà mình phải mạt sát, mình phải phản ứng mạnh mẽ mạ lỵ người khác, nhưng không, chúng ta nuốt bồ hòn, chúng ta ngậm mật đắng đem tất cả cái chua cay vào trong lòng của mình và để tiếp tục cuộc sống này, để tiếp tục sống mà không gây thêm phiền lụy, không đổ dầu vào lửa, không gây bao nhiêu phiền phức cho người khác 

Nếu lời nói của mình đang nói, mà lời nói đó tạo thêm nghiệp não cho cuộc đời , tạo nên sự nóng nảy cho người khác, hay tạo ra sự bực bội cho người khác , thì chúng ta bằng tất cả thiện trí của mình sẽ im lặng, dù sự im lặng đó dễ chịu hay là khó chịu, thì với Ðức Phật đó là một thiện trí và thiện trí này ở trong phương diện nghiệp báo là một nhân để sanh vào thiên giới.

- Pháp thứ ba được đề cập ở tại đây.  Bố thí

Mình tuy nghèo, tuy khả năng hạn chế nhưng biết cho thì vẫn đẹp, nó vẫn quí và cũng là phước sanh thiên giới , có nhiều người họ cảm thấy xấu hổ là khi mình làm chuyện gì nó phải lớn chuyện mới làm. 
Chúng tôi có nghe nhiều Phật tử nói rằng :

- “ Tụi con mà trúng số thì tụi con sẽ giúp cho Thầy điều này điều khác , tụi con mà trúng số thì tụi con sẽ giúp cho chùa, tụi con mà trúng số thì tụi con sẽ làm việc từ thiện xã hội .

Thì một người mà nói như vậy, chúng tôi cũng ghi nhận tấm lòng, nếu ở trong cuộc đời này mà có người nói như vậy là đã có tình lắm rồi. Chúng ta không chê trách những người đó, nhưng không phải mình trúng số thì mình mới có thể làm lên việc thiện, không phải đợi đến lúc đó thì chúng ta mới có thể làm, mới thể hiện được, Ngài Ajahn Chah Ngài thường nói rằng: "Một người thở được thì có thể tu thiền được", và dựa trên tinh thần đó thì chúng ta cũng có thể nói là: Ai trong cuộc đời này cũng chia sẻ được,cũng có thể ban tặng được, cũng có thể dành cho người khác cái thiện trí của mình được, dù rằng một bữa cơm mà mình đang ăn. Đó là một hình ảnh rất là đẹp.

Chúng tôi nhớ hoài khi chúng tôi sống ở Việt Nam, đất nước của chúng ta không giàu có, nhưng mà phải nhận ra rằng có những cái nhìn mà ngày xưa người ta sống hết sức là thuần khẩu. Ví dụ như khách đến nhà trong lúc chúng ta đang ăn cơm, thì thêm một đôi đủa một cái chén, nếu trong nhà 5 người thêm một đôi đũa một cái chén nữa cho 6 người ăn thì cũng không ai nói phiền hà gì, đó là cái đẹp của văn hóa. Chúng tôi còn nhớ đến sự việc là có một buổi tiếp tân ở Washington DC, ở trong buổi tiếp tân đó đã được đặc trước 34 phần ăn cho Chư Tăng và Phật tử, rồi sau đó có phái đoàn đến, phái đoàn này chỉ có 3 người thôi, nhưng mà nhà ăn đó đã từ chối không nhận vào là bởi vì họ chỉ chuẩn bị có 34 phần ăn do đó 3 vị đó được gửi đến một nơi khác, mà ban tổ chức phải xắp sếp cho 3 vị đó ăn trong khách sạn. Chúng tôi hiểu rằng cách làm việc nguyên tắc đó là cách làm việc có lề lối ở trên đất Mỹ này, nhưng khi nhìn thấy 3 vi đó được gửi đến một nơi khác, thì chúng tôi nghĩ nếu mà ở Việt Nam thì dễ quá, 34 phần ăn đây chỉ thêm 3 đôi đũa 3 cái chén cho 3 người ăn nữa, thì đó không phải là chuyện lớn . Nhưng ở nơi đây đã nói đến cái gì bình đẳng rõ ràng, cái gì ở đâu nó ra đó, do vậy đôi lúc người ta không có cho được nữa.

Văn hóa của chúng ta có những cái rất đẹp, và đẹp nhứt có thể nói rằng những gì mà mình có ở trong cuôc đời này để chia sẻ cho người khác, có nhiều lắm, kể cả thì giờ, kể cả sự có mặt của mình, và kể cả lời nói rất có ích của mình. Người Phật tử so với tôn giáo khác thì chúng ta nói nhiều đến tinh thần tự giác, nhưng đa số Phật tử thì lại không chịu khó để đem Phật Pháp phổ biến cho người khác, chúng ta hà tiện lời nói, chúng ta rất là tiếc kiệm Phật Pháp, ít khi chúng ta đem Phật Pháp nói cho người khác, dường như năm thuở mười thì chúng ta mới chịu khó mở miệng, còn phần lớn chỉ cười hoặc giả là im lặng, thì sự chia sẻ Phật Pháp cũng là sự chia sẻ, nó cũng là sự ban tặng và chúng ta càng cố gắng chia sẻ thì đó cũng là thiện trí lớn, và thiện trí đó vẫn thường được Ðức Phật tán thán, cái gì chúng ta có cho dù ít đến đâu, nhưng hễ có thì vẫn có thể chia sẻ được, ở trong đời này chúng tôi tin rằng ai cũng có thể chia sẻ được.

Trong một thời đại mà con người vốn có nhiều nhưng khả năng để cho ra rất ít và thiện trí lại ít hơn, chúng ta định đặt ra những điều kiện cho nó to lớn, và những điều kiện to lớn này nó đã trở thành hàng rào khiến cho chúng ta không thể thể hiện được thiện pháp. Với một người có trí và một người hiểu đạo thì thiện pháp có thể được làm, có thể thực hiện ở trong một điều kiện như là chúng ta thở, như là chúng ta cười, như là chúng ta nói, như là chúng ta ăn. Chúng ta ăn cơm uống nước không phải là chuyện to lớn lắm, như là chúng ta thở và lúc nào chúng ta cũng thở được .

Thì trong ba pháp này, chúng ta có thể nhận ra được rằng tất cả đều là thiện trí, một con người mà biết cho, mặc dù khả năng hết sức hạn hữu của mình, một con người biết dằn lòng xuống không nổi cơn thịnh nộ không giận hờn cho dù đó là điều đáng giận, đáng buồn, một con người biết can đảm nói sự thật, cả ba thứ đều là thiện trí, và trong ba thiện trí này nó đều giúp cho chúng ta khơi dạy cái nguồn thiện tâm của mình hết .
Chúng tôi nhớ ở trong Thánh kinh của Ấn Ðộ có một câu nói, nói ra thì giống như là một câu nói đạo đức, nhưng trên thực tế thì nó là một bài học lớn, ý nhị cho mỗi chúng ta,

Đoạn Thánh kinh nói rằng:

-- Ở trong cuộc đời này cái khó khăn, cái khó là đối với một số người là trở ngại, nhưng mà đối với một số người khác là một cơ hội. Nếu không có cái khó khăn, nếu không có cái khó làm, thì lấy ở đâu mà chúng ta nói là thiện trí, lấy ở đâu mà chúng ta nói rằng có cố gắng, lấy ở đâu mà chúng ta nói rằng ở đó có một cái gì đẹp. Cái đẹp là chỗ khó khăn, khó làm.

Do vậy, lời dạy này của Ðức Phật tuy rằng rất ngắn và những lời dạy này, những người Phật tử nói rằng. “một người nói sự thật, một người biết nhẫn nại nhẫn nhục không nổi giận, một con người biết tìm khả năng bố thí , những việc đó không phải những pháp cao siêu vi diệu, và không có gì để chúng ta quan tâm”. Nhưng trên thực tế thì chúng ta phải hiểu được lý lẽ cùng tận mà Ðức Phật dạy cho chúng ta là thiện trí, để tìm thấy được ở trong cái gì rất là mảy may nhỏ bé của cuộc đời, và không chừng trong cái mảy may nhỏ bé đó chúng ta có thể gặt hái được nhiều kết quả to lớn, và kết quả to lớn kể cả con đường sanh về thiên giới như Ðức Phật Ngài đã dạy cho tất cả chúng ta.

Nên chi một con người thật sự hiểu đạo thì không cần phải nên non, không cần phải đi hành hương sang đất Phật, và không cần phải đào xâu trong kinh điển. Ngay cả ở trong giây phút này chúng ta không thích làm việc đó, chúng ta không muốn gần người đó, chúng ta cảm thấy không có thỏai mái để nói như vậy, nhưng bằng tất cả sự hiểu biết, bằng tất cả thiện trí của mình, mình ráng một chút, mình chịu đựng một chút, và mình hy sinh một chút, cái một chút đó không phải là mình phí công, cái một chút đó không phải là không đáng kể, một người Phật tử hiểu đạo thì thấy rằng cái một chút đỉnh không đáng quan tâm đó lại là nhân duyên lành lớn, và ở đó nói như ông bà chúng ta là có thể huân tập được âm đức của mình, và có thể tạo được cái thiện căn của mình, tại sao chúng ta phải đặt vấn đề quá lớn để chúng ta không làm được, trong khi những cái rất nhỏ mà mình có thể làm được mà không chịu làm.