Tuesday, October 8, 2013

Năm tiềm lực căn bản nội tại của một người tu tập là gì?

Hỏi: Năm tiềm lực căn bản nội tại của một người tu tập là gì?

(Bài giảng tại đêm tu học chùa Pháp Luân, Minh Hạnh chuyển biên)

TT GiácĐẳng: Ở đây có năm năng lực, Đức Phật gọi là năm tiềm lực căn bản nội tại của bất cứ một người nào trên con đường tu tập. Năm nguồn năng lực đó là: năng lực của đức tin, năng lực của nghị lực, năng lực của sự tỉnh thức, năng lực của sự tập trung, và năng lực của sự mẫn tiệp. Chúng ta gọi là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và huệ lực.
- Đức Tin. Dĩ nhiên, mỗi người trong chúng ta đều hoặc ít hoặc nhiều năm thứ năng lực này, nhưng có người nặng về một thứ gì đó. Ví dụ như, có những Phật tử rất chuyên về niềm tin, niềm tin làm cho vị đó cảm thấy an lạc, niềm tin làm cho vị đó cảm thấy vững lòng. Giả xử như một người thường thắp nhang lễ Phật, niệm Phật, thì khi gặp những tai biến ở trong gia đình, khi gặp những xáo trộn của xã hội, chỉ cần thắp một nén nhang, chỉ cần nghĩ đến hình ảnh của Đức Phật, chỉ cần một chuyến đi hành hương thì người đó có thể làm trổi dậy năng lực mạnh mẽ trong lòng của mình, và năng lực này khiến cho người này có thể đối diện và vượt qua những khó khăn, chúng ta gọi là năng lực của đức tin.
- Tấn Lực. Và dĩ nhiên có những người thật sự là nghiêng nặng về đức tin. Thì có những người họ rất nặng về sự tinh tấn và nỗ lực. Chúng tôi lấy một ví dụ, ở trong chùa chúng tôi gặp rất nhiều Phật tử, khi đi chùa thì rất thường làm công quả, siêng năng làm công quả, dù sáng, dù tối, dù nắng, dù mưa, hễ có làm là có thể hiện được sự cố gắng của mình, thì những vị này có được sự an lạc, chính sự nỗ lực làm cho chúng ta thấy rằng cuộc sống vốn cho chúng ta cơ hội để đóng góp, để phục sự, và để phát huy sức mạnh của nghị lực. Do vậy có những người rất nặng về điều mà Đức Phật gọi là tấn lực, tức là sức mạnh của sự tinh tấn.
- Niệm Lực. Một thứ năng lực khác, Đức Phật cũng dạy đó là sức mạnh của niệm, chữ niệm ở đây không phải là chúng ta lập đi lập lại một danh hiệu, chữ niệm ở đây được hiểu là khả năng tỉnh táo, khả năng tỉnh thức, thấy biết rõ, ghi nhận rõ những gì đang xảy ra đối với thân, đối với tâm của mình. Người có chánh niệm đầy đủ, có niệm lực đầy đủ thì người này không để cho mình đi quá đà, cái gì cũng vừa chừng. Chúng tôi lấy một ví dụ, ở trong một căn nhà hay một cơ sở, sở dĩ chúng ta duy trì được là tại vì chúng ta có để mắt biết về một cái gì đang xảy ra. Ở đây chúng ta hiểu rằng một căn nhà, sáu, bảy tháng trời không ai ngó ngàng tới thì nó sẽ rơi vào tình trạng hoang phế có nhiều cái hư hỏng. Chuyện chúng ta để mắt, để biết, để thấy, để ghi nhận những gì đã xảy ra - đạo Phật gọi đó là niệm lực, sự tỉnh thức. Hay hoặc giả là chúng tôi có đưa ra nhiều lần, thí dụ một người lái xe trên đường, người đó hoàn toàn biết rõ vị trí của mình, những gì ở chung quanh mình, xe nào gần, xe nào xa - sự tỉnh táo đó chúng ta gọi là niệm lực. Thì có những người từ sự tỉnh thức mà giúp cho mình không bị rơi vào những cảm xúc quá độ - chúng ta gọi là sức mạnh của niệm lực.
- Định Lực. Có một khả năng khác là sức mạnh của định lực. Nói một cách nôm na theo danh từ thường là sức mạnh của khả năng bám trụ. Bám trụ có nghĩa là chúng ta không để bị chi phối, không để bị trôi dạt. Ngay cả một tài công đang lái tàu ở trên một hải trình nhất định thì vị đó phải luôn luôn vững tay lái để làm sao hướng đi của mình không bị lệch lạc, nhắm vào một hướng và tiếp tục theo hướng đó, hướng đó không bị gió, không bị nước cuốn, không bị thủy lưu làm trôi dạt đi. Cái khả năng không để bị trôi dạt không để bị trao đảo chúng ta gọi là khả năng tập trú. Khả năng tập trú trong đạo Phật gọi là định lực. 
- Huệ Lực. Một nội lực sau cùng trong ngũ lực chúng ta gọi là huệ lực, tức là mẫn lực của trí tuệ. Ông bà chúng ta thường có câu nói rằng; có nhiều vấn đề xem ra bế tắc, nhưng nếu mình nghĩ thông suốt thì mọi việc sẽ khác đi. Khả năng nghĩ thông suốt, có nhân có quả. Khả năng nghĩ thông suốt mà biết, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội, tri độ, đó là khả năng của trí tuệ. Ở đâu có ánh sáng của trí tuệ thì bóng tối sua tan, ánh sáng của trí tuệ mang lại cho chúng ta rất nhiều thứ. Thì năm năng lực này là năng lực của tín, tấn, niệm, định, huệ, làm sao để phát huy? Chúng ta có nghe có biết, nhưng mà làm sao để phát huy? 
Do vậy chúng ta hãy tu tập trong tinh thần những người con Phật. Đã có rất nhiều lần chúng ta đi chùa chộn rộn với những hình thức bên ngoài, có rất nhiều lần chúng ta đi chùa nặng lòng đối với những xã giao, với những giao thiệp. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy rằng ở Đức Phật, ở gia tài vô giá Ngài để lại cho chúng ta, mỗi chúng ta là những người con của Ngài có thể hưởng, có thể thừa tiếp được gì hay chúng ta chỉ đứng xa dõi mắt nhìn thôi. Về điểm này thật sự đó là kinh nghiệm rất qúi báu. Do vậy, dù  thế giới mà chúng ta đang sống có đầy những bi kịch, những điều phiền muộn, phiền muộn vì danh lợi được mất, nhưng chúng ta làm sao để trong lòng của chúng ta được trong sáng, được ấm, được thoáng. Cái đó là cái khéo của mỗi người, đó là thiện xảo của mỗi chúng ta, đó là nội lực của mỗi người Phật tử tu tập.

No comments:

Post a Comment