Hỏi: Những thiện pháp căn bản để làm cho chúng ta được sống thọ
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên
TT Tuệ Siêu: Khi thực hành thiện pháp có ba tác nghiệm lớn:
1. - Thứ nhất là khi thực hành thiện pháp, sống trong thiện pháp thì những phiền não không sanh khởi. Thí dụ người hay sát sanh thì tâm sân sanh khởi, mà tâm sân sanh khởi để làm việc sát sanh chính tâm sân đó làm cho khí huyết của họ trở thành một độc tố dễ sanh ra bệnh hoạn và chết yểu. Người ta làm một thử nghiệm cho thấy rằng khi nộ khí sanh khởi thì máu huyết sẽ thành máu độc, một kẻ tử tù trước hết người ta xét nghiệm máu của anh ta rất bình thường nhưng khi tuyên án tử hình thì tâm của anh ta hốt hoảng sợ hãi, người ta lấy một mẩu máu đem xét nghiệm thì thấy trong máu bị nhiễm độc rất mạnh có nồng độ ngộ độc rất mạnh. Đó là lý do chúng ta nên hiểu tại sao khi con người sống an trú trong thiện pháp được sống lâu là như vậy. Một người sống có tâm tánh hiền thiện lúc nào cũng cởi mở cũng bình thản an lành thì máu huyết của họ không trở thành độc. Một người sống với tâm tham tâm sân với sự ngã mạn tà kiến thì những người đó cơ thể họ hay bị biến chứng bởi vì việc bất thiện sanh ra những độc tố mà chúng ta gọi theo Vi Diệu Pháp là Cittasamutthāna rūpam tức là sắc tâm do tâm tạo. Tâm thiện thì tạo ra một sắc tâm tươi nhuận còn tâm bất thiện thì tạo ra sắc tâm bầm dập.
Chúng ta lấy ví dụ rất dễ hiểu: một người bình thường rất đẹp rất duyên dáng với căn tánh hiền thiện cởi mở vui vẻ thì sắc mặt của họ hồng hào tươi trẻ nhưng một khi giận dữ lên thì nét mặt của họ thay đổi liền nhìn thấy xấu, hoặc là một người sống trong sự âu lo phiền muộn thì bắt đầu mặt của họ sẽ bị nám hoặc bị nổi mụn v.v... trong trường hợp đó chúng ta cũng nên biết rằng tâm ảnh hưởng sắc tâm rất nhiều, ngay cả khi chúng ta sống bằng tâm bất thiện pháp, sống trong sự lo âu sợ hãi hoặc trong sự thù oán, lúc đó chúng ta ăn cũng không thấy ngon, ngủ cũng không thấy yên giấc. Chỉ một chuyện đơn giản như vậy chúng ta cũng thấy tâm tốt hay tâm xấu ảnh hưởng đến sắc pháp này rất nhiều.
2. - Thứ hai nữa là khi một người sống bằng tâm bất thiện thì có thể là nguyên nhân khiến cho họ bị đột quị có thể chết khi quá căng thẳng, lúc bấy giờ có thể đứt gân máu rồi chết, hoặc là nộ khí có nhiều khi họ giận dữ lên thì đứng tim rồi chết, còn đối với người có tâm thiện sống trong tâm thiện thì họ tránh được những đột quị đó, áp huyết của họ bình thường không cao không thấp thình lình và thần kinh của họ bao giờ cũng được thư giãn do vậy họ mới sống thọ không chết yểu. Chúng tôi đọc trong một bài báo nói về một trang trại ở nước ngoài có rất nhiều chuột, chúng vào ăn thóc hay ăn hạt của người ta, nếu dùng bẫy để bẫy chuột thì những con chuột khôn ngoan không đi vào trong bãy, còn nếu dùng thuốc cho chúng chết thì đôi khi chúng ăn xong không chết tại chỗ mà chạy vào trong xó kẹt chết ở đó sẽ tạo ra hôi thối và làm ô nhiễm không khí, cho nên người ta nghĩ cách là làm cho chúng sợ hãi rồi bỏ đi hay không sanh sản nữa. Người ta gắn những chuông điện chung quanh kho cất trữ những bao hạt hoặc những bao thóc, cứ cách khoảng 1 giờ 2 giờ thì chuông reo đồng loạt và tiếng chuông kêu rất to. Có những tiếng chuông người ta sản xuất ra kêu như tiếng đờn nhè nhẹ thanh thanh ít làm giựt mình, còn tiếng chuông do cái cây ở bên trong khua lớn làm cho chúng ta giựt mình, và khi tâm giựt mình hốt hoảng như thế thì làm tâm khó chịu đó là tâm sân, và khi tâm sân có mặt thì lúc bấy giờ người này không an giấc được, không có thư giãn được. Cũng vậy những con chuột này khi nghe tiếng chuông đột ngột như thế chúng bị căng thẳng thần kinh và do đó hệ hormone của chúng không phát triển nên chúng bị tuyệt tự không sanh sản được do vậy số chuột giảm dần, những con chuột khác cảm thấy ở chỗ này không yên ổn nên bỏ đi, sau đó người ta mới phát hiện rằng do những tiếng chuông đột ngột làm cho con chuột khó chịu phải bỏ đi nơi khác hoặc không sinh sản nữa. Chúng ta dựa theo đó mới thấy rằng hệ thần kinh của chúng ta ảnh hưởng tình trạng tâm lý rất mạnh, bởi tâm lý của chúng ta vui tươi thì hệ thần kinh của chúng ta được thư giãn nhẹ nhàng thoải mái, còn hễ tâm bất thiện sanh khởi thì hệ thần kinh của chúng ta nặng nề căng thẳng và dễ sanh ra sự đột quị. Cho nên một người sống trong pháp thiện trong sự vô tư thì người này sẽ sống trường thọ. Đó là lý do thứ hai.
3. - Lý do thứ ba là trong những thiện pháp đặc biệt là thiện pháp không sát sanh. Trong bài kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Kinh Cula-kammavibhanga) Đức Phật Ngài dạy rằng là khi thanh niên Subha Todeyyaputta đến hỏi Đức Thế Tôn rằng:
- "Bạch Đức Thế Tôn, tại sao ở giữa cõi người mà có người lại sống lâu có người lại yểu thọ?"
Thì Đức Phật Ngài đã thuyết về pháp hành dẫn đến cho chúng sanh bị yểu thọ hay dẫn đến sự trường thọ. Đức Phật dạy rằng:
- "Này Subha Todeyyaputta những người nam nữ nào trong đời này không có tâm ác độc, không giết hại những chúng sanh khác, không đoạt mạng của chúng sanh khác thời do nghiệp này sau khi mệnh chung được sanh về cõi trời nếu sanh trở lại làm người thời người đó sẽ được trường thọ, nhưng nếu những người sống với ác tâm và giết hại chúng sanh khác thì sau khi mệnh chung do nghiệp này phải sanh xuống địa ngục nếu trở lại làm người thì người đó sẽ sống yểu thọ tức là chết tuổi thanh xuân."
Không chỉ là do thiện nghiệp không sát sanh mà còn những thiện nghiệp khác thí dụ như bố thí cũng là nguyên nhân giúp cho sống thọ. Trong một bài kinh Đức Phật Ngài dạy rằng:
-"Này các gia chủ, những người bố thí vật thực là những người đem lại cho người thọ thí sự sống lâu, an vui chúng sanh và sức mạnh, và vì rằng khi họ thí thực họ đem lại sự sống lâu an vui sức mạnh cho người thọ thí, bởi vậy họ được quả báo là họ sẽ được sống lâu được sắc đẹp được an vui được khỏe mạnh."
Do năng lực bố thí, người ta đang bịnh yếu mà mình cho họ vật thực để họ ăn vào họ khỏe, hoặc bố thí thuốc men cho họ uống vào họ được khỏe, họ không bị chết, họ được sống lâu, vì quả thiện đó mà chúng ta được sống lâu, như tiền thân của Ngài Bakkula là một vị tỳ kheo mà Đức Phật Ngài tuyên dương giữa chúng tăng là tối thắng trong các đệ tử Như Lai về thiểu bịnh, tức là từ nhỏ cho đến 80 tuổi không hề uống thuốc và khi xuất gia rồi trong 80 năm xuất gia cũng không hề uống thuốc không hề bị bịnh do nguyên nhân đời quá khứ làm thầy thuốc trong thời kỳ Đức Phật Kappa đã chăm sóc sức khỏe Đức Phật và chư tăng, do nguyên nhân này mà phước phát sanh ít bịnh hoạn và được sống lâu đó cũng là nguyên nhân gọi là bố thí đưa đến sự sống lâu. Rồi lại nữa ở trong kinh Pháp Cú nói một câu chuyện về một người Balamon có đứa con trai rất thương yêu một hôm ông ta cúng dường cho một vị đạo sĩ và nguyện cho đứa bé được sống lâu được trường thọ. Vị đạo sĩ đó biết rõ đứa bé này sẽ chết cho nên không nói lời phúc chúc, ông Balamon hỏi tại sao thì vị đạo sĩ đó mới nói rằng hãy đi đến hỏi Samon Gotama cách như thế nào thì hãy làm như vậy để cho đứa con được sống lâu. Lúc bấy giờ ông Balamon đó liền tìm đến Đức Phật đảnh lễ Đức Thế Tôn:
-"Bạch Đức Thế Tôn, đứa con trai duy nhất rất là thương, con cầu mong cho nó được sống lâu, xin Đức Thế Tôn làm phép như thế nào để cho nó sống lâu."
Đức Phật Ngài dạy rằng:
- "Người thường kính nể các bậc trưởng thượng những bậc có giới đức, do sự kính nể đó người này được tăng trưởng bốn pháp sống lâu sắc đẹp an vui sức mạnh."
Ông Balamon nghe nói như vậy ông thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về nhà để cúng dường cho đứa con trai nhỏ của ông ta, thật ra để diện kiến Chư Tăng và dạy cho cách cung kính Chư Tăng, và lúc bấy giờ Chư Tăng ngồi ở chung quanh đứa bé được đặt ở giữa Chư Tăng. Chư Tăng an trú trong thiện pháp, an trú ở trong pháp thiền định và phúc chúc cho đứa bé đến ngày thứ bảy thì Đức Thế Tôn đích thân Ngài đi đến và Ngài đã chúc phúc cho đứa bé. Nguyên nhân đứa bé sẽ chết yểu là vì có sự oan trái với một con dạ xoa và con dạ xoa đó sau khi phục vụ cho Đức Vua Tứ Thiên Vương xong thì đi tìm đứa bé để giết, nhưng khi dạ xoa đến thì bị các vị Chư Thiên dùng uy lực ngăn lại không cho đến gần Đức Phật và Chư Thánh Alahan. Dạ xoa đứng chờ qua hết bảy ngày thì phải về phục vụ cho Đức Vua Tứ Thiên Vương thành thử mạng sống của đứa bé được giữ lại. Cũng vậy, trong thành ngữ Việt Nam cũng có câu "kính lão đắc thọ" tức là kính trọng các bậc trưởng thượng nhất là bậc có giới hạnh thì sẽ phát sanh trường thọ.
Ba nguyên nhân chúng tôi vừa trình bày đó là những thiện pháp căn bản để làm cho chúng ta được sống thọ.
Nói tóm lại là người sống nhiều thiện pháp sẽ tạo nên uy lực để quả phát sanh lên khiến cho người này sống được thọ và trong những nguyên nhân phát sanh trường thọ ở đây chúng ta có rất nhiều nhưng chỉ kể ba nguyên nhân chính:
-1 là do giữ giới không sát sanh, không đã thương chúng sanh khác, không làm cho chúng sanh bị mất mạng.
- 2 là năng bố thí vật thực để giúp cho người ta sống được an vui sống trường thọ duy trì được mạng sống do phước bố thí vật thực đó mà quả phát sanh được sự sống lâu.
- 3 là do sự kính lão bậc trưởng thượng nhất là bậc có giới hạnh bậc có ân đức cao qúi như Đức Phật và chư vị Alahan kính trọng các vị ấy thì chúng ta sẽ được sống thọ. Đó là nguyên nhân sống thọ.
Một đoạn kinh khác cũng nói về yếu tố khiến cho được sống thọ, và ở đây chúng ta cũng nên chú ý và suy ngẫm để chúng ta thực hành. Theo trong chú giải thì chúng sanh sống thọ cũng có nhiều nguyên nhân:
- Một là bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi được điều hòa, không nằm nhiều quá, không đi nhiều quá, không đứng nhiều quá, đi đứng nằm ngồi bốn oai nghi trong một ngày thay đổi cho điều đặng điều hòa thì đó là nguyên nhân sống thọ.
- Hai là làm việc hợp thời tức là giờ nào làm việc là làm việc, giờ nào nghỉ ngơi là nghỉ ngơi, để cho thân này có lúc hoạt động nhưng cũng có lúc cho nghỉ dưỡng chứ không phải như cái máy kia mà cho chạy liên tục xử dụng công xuất nhiều thì máy lâu ngày cũng sẽ bị hư, thì thân này cũng vậy, mình làm việc mà làm việc liên tục, làm việc không hợp thời, thay vì sau khi ăn xong chúng ta phải có thời gian trong khoản 10 phút yên lặng thư giãn để cho tiêu hóa vật thực, rồi ta mới làm việc tiếp, đằng này chúng ta lại làm việc liền khiến cho hệ tuần hoàn không tiêu hóa được vật thực thì chúng ta sanh ra bịnh rồi chết yểu.
- Ba là khi ẩm thực biết chọn những thức ăn uống dễ tiêu hóa thích hợp với cơ thể mình đó là nguyên nhân để phát sanh sống thọ.
- Một nguyên nhân nữa là sống không bị phiền não chi phối, người sống bị nhiều phiền não chi phối như tham sân si chẳng hạn thì như vậy cũng sẽ bị chết yểu, còn sống biết chế ngự được phiền não, không để phiền não sanh khởi thì đó là nguyên nhân sanh trường thọ.
- sống không hưởng dục quá nhiều, không phí sức nhiều, không trác tác thì cũng sẽ là nguyên nhân làm cho sống thọ.
Đó là trong chú giải ghi thêm những nguyên nhân như vậy.
Ở đây, khi chúng tôi trình bày về vấn đề sống trường thọ thì chúng ta thấy những thiện pháp có uy lực rất lớn, thiện pháp giữ giới không sát sanh, những thiện pháp bố thí vật thực, cúng dường Chư Tăng và giúp đỡ cho những người khác miếng ăn để họ tồn tại cũng là nguyên nhân để sống thọ, rồi chúng ta có sự kính trọng kính nể các bậc trưởng thượng các bậc có giới đức thì cũng là nguyên nhân làm sống thọ.
Chúng ta sống trong thiện pháp thì; một là nó sẽ đưa đến quả tốt đẹp, hai là thiện pháp làm cho chúng ta tránh được bệnh như bệnh đột qụi, và thứ ba là thiện pháp làm cho tâm của chúng ta không bị bầm dập nó tốt đẹp mà một người có được sắc tâm tốt đẹp hay không có những chứng bịnh đột quị hoặc là không có quả dị thục ác nghiệp thì không bị chết yểu mà chết là do hết tuổi thọ chứ không chết do nghiệp ác làm đoản thọ. Đó là những điều chúng tôi cố gắng trình bày cho qúi vị nghe và hiểu sau khi nghe và hiểu rồi thì chúng ta nếu muốn giữ mạng sống cho được lâu dài được trường thọ thì chúng ta cũng nên làm như vậy:
1 - chúng ta sống trong thiện pháp.
2 - biết tiết chế trong vật thực.
3 - biết giữ oai nghi cho điều hòa.
4- đừng để phiền não phát sanh nhiều trong một ngày đừng sống nhiều với phiền não quá./.
No comments:
Post a Comment