Monday, October 7, 2013

Ý nghĩa của từ "Phạm Trú" là gì?

Hỏi: Ý nghĩa của từ "Phạm Trú" là gì?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT GiácĐẳng: Tất cả những vui buồn thương ghét hỉ nộ ái ố, những cảm giác trong lòng của chúng ta có thể được phân làm hai loại, một loại gọi là hữu hạn, và một loại gọi là vô hạn hay nói theo Phật học gọi là vô lượng. Thí dụ như bây giờ qúi vị có tâm sân. Tâm sân nghĩa là gì? Tâm sân nghĩa là bực bội khó chịu, thì tâm sân đó là tâm hữu hạn. Tại vì sao vậy? Đối tượng của tâm sân là đối tượng nào đó như ghét ai đó hay không thích vật gì thì gọi là hữu hạn. Nếu tâm của chúng ta nghĩ đến đối tượng nào mà đối tượng đó hữu hạn, có giới hạn nhỏ thì tâm của chúng ta gọi là tâm hẹp. Và tâm của chúng ta nghĩ rộng thì gọi là tâm quảng đại. Đối tượng rất là quan trọng.

Cũng như vậy, chúng ta đang ngồi tất cả tại đây, nếu có người nào đó ngồi gần mà vô tình họ đụng chúng ta, chúng ta lấy chuyện đó làm phiền phức, thì phiền phức đó chỉ nhắm vào một công việc duy nhất, nhắm vào đối tượng duy nhất là có ai đó đã đụng mình làm mình phiền, và chuyện đó làm chúng ta phiền não, đó gọi là cách nghĩ hẹp hòi. Nhưng cách nghĩ rộng lớn là chúng ta nghĩ rằng; "À, đông người thì không ít thì nhiều có người này làm phiền người kia, chúng ta đến đây chỉ để học Phật pháp thôi." Thì như vậy trong cách nhìn của đời sống có cái nhìn rộng và cái nhìn hẹp, cái nhìn càng rộng thì chúng ta càng an lạc, cái nhìn càng hẹp thì chúng ta càng phiền toái. Tại vì sao vậy? Tâm của chúng ta giống như con cá, nếu con cá để trong cái chén hay trong một ly nhỏ thì nó khó chịu, nhưng thả trong biển khơi thì nó rất là hoan hỉ. Như vậy thì điểm đó, hướng tâm đó Đức Phật gọi là an trú. An trú có nghĩa là gì là đặt tâm mình vào đối tượng nào đó, và khi đặt tâm vào đối tượng hẹp thì tâm của chúng ta trở nên bực bội, và đặt đối tượng rộng thì trở nên an lạc.

Và cái rộng và hẹp thì có rất nhiều ví dụ, như trường hợp có những người chỉ đầu tư hết tất cả thì giờ và tâm trí vào những việc làm cho bản thân của họ mà thôi, và khi họ đặt tất cả thì giờ tâm trí vào bản thân của họ thì những gì họ nghĩ chỉ chung quanh họ chừng một thước tây, và nếu họ nghĩ đến những người thân trong gia đình họ thì hơi rộng một chút, nghĩ đến láng giềng rộng hơn một chút, hay là có những ý tưởng, ví dụ giống như nghĩ tới chuyện phục sự Phật Pháp, hay phụng sự quốc gia chẳng hạn thì chiều rộng của nó chúng ta không nghĩ được.

Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng ở trong đời này có những trạng thái tâm khi chúng ta an trú vào đó thì tâm của chúng ta sẽ rộng và không bị giới hạn lại, và có tất cả bốn trạng thái như vậy, bốn trạng thái đó gọi là "Từ, Bi, Hỉ, Xả".

Khi chúng ta an trú vào bốn trạng thái này có ba kết quả: Thứ nhất sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trở nên thanh tịnh. Điểm thứ hai là tâm hồn của chúng ta trở lên rộng lớn. Điểm thứ ba là những ác pháp nó sẽ bị chiều rộng lớn này từ từ làm giảm thiểu đi. Và từ đó có chữ mà chúng ta gọi là Brahman vihara.

Chữ Brahman ở đây là chữ chúng ta không thể dịch được, do đó từ chữ "Brahma" ngày xưa bên Ấn Độ người Trung Hoa âm là chữ phạm. Ở đây có vị nào có nghe chữ "Phạm hạnh" chưa? có vị nào có nghe chữ "Phạm thiên" chưa? chữ "Phạm" đó là âm của chữ "Brahma" hay nói cho đủ là Brahman. Chữ Brahman có nghĩa là thanh tịnh, trong sạch, tốt đẹp, rộng lớn, như Chư Thiên do phước báu sanh về cõi trời như bố thí, trì giới thì những người đó gọi là Devas là những người do tâm từ tâm bi và an trụ vào tâm đó để sanh về cõi trời thì người đó gọi là Brahman là Phạm Thiên.

Do vậy thời Đức Phật còn tại thế chữ Brahman được dùng để mô tả một sự thành tựu cao trong xã hội, mô tả sự chứng đắc và tốt đẹp nhất của đời sống và như đời sống tu tập Đức Phật gọi là đời sống phạm hạnh, chữ "Phạm" có nghĩa là trong sạch còn có nghĩ là "Vô lượng". Do vậy khi nói đến những trạng thái này thì họ gọi là "Brahma-Vihara" dịch là "Phạm trú" có nghĩa là an trú vào sự trong sạch, an trú vào sự tốt đẹp, an trú vào vô lượng mà cũng dịch là "Vô lượng tâm". Tứ Vô Lượng Tâm là tâm không bị giới hạn. Thì như vậy chữ "Phạm trú" nói một cách tóm tắt là có những thứ trong đời khi chúng ta nghĩ đến tâm của chúng ta hẹp hòi, có những thứ chúng ta nghĩ tới tâm của chúng ta rộng lớn, có những thứ nghĩ đến tâm của chúng ta được trong sạch, và có những thứ nghĩ tới tâm của chúng ta không được trong sạch. Thì ở đây chữ "Phạm trú" là những trạng thái tâm khi chúng ta an trụ vào tâm hồn của chúng ta trở lên rộng lớn và trở nên trong sạch do đó chúng ta gọi là "Brahma-Vihara" hay là "Phạm trú". Chữ "Phạm trú" còn được nói là "Vô lượng tâm".

No comments:

Post a Comment