Friday, October 11, 2013

Hình thức cầu nguyện cho người mất siêu sinh có trong thời Đức Phật còn tại thế không?

Hỏi: Hình thức cầu nguyện cho người mất siêu sinh có trong thời Đức Phật còn tại thế không?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Câu hỏi của vị trưởng làng Asibandhakaputta với Đức Phật là, có một số những vị Balamon thờ lửa, vị Balamon chuyên tu và chuyên trì về nghi lễ, họ mang xác ra bên ngoài và xướng tên người chết rồi cầu nguyện cho người đó được vãng sinh. Hình thức này là một hình thức được ưa chuộng như là một nghi lễ để cầu nguyện cho người mất siêu sinh. Vị này đặt vấn đề với Đức Phật:

"Đức Thế Tôn là bậc Thế Tôn là bậc Alahan Chánh Đẳng Giác như vậy thì Ngài có hình thức nào tương tự hay làm gì cho người mất hay không?"

Câu hỏi này rất là tự nhiên ở hai điểm: 

- Điểm thứ nhất là, trong đời sống của chúng ta lúc hữu sự, như hôn quan tang tế, đặc biệt, khi người thân qua đời thì tang lễ là điều chúng ta suy nghĩ nhiều nhất. Ngay cả ngày hôm nay trong cộng đồng người Phật tử thì cầu siêu là một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với người Phật tử. Nhiều người bình thường đến chùa chỉ để lạy Phật, lạy một cách rất bình thường như bao nhiêu người khác nhưng khi thân nhân quá vãng thì họ làm rất nhiều thứ, như đi chùa thường xuyên và sau đó họ tổ chức rất nhiều buổi lễ cầu nguyện cho người đã mất. 

- Điểm thứ hai, trong văn hóa Ấn Độ cũng vậy, người Trung Hoa cũng vậy, và có lẽ người Trung Hoa rườm rà hơn. Trong văn hóa Ấn Độ thì người ta trông cậy vào những tu sĩ chuyên về nghi lễ chuyên về nghi thức, trong tiếng Việt của chúng ta có từ vựng gọi là thầy đám hay là thầy cúng, những vị thầy đám này chuyên đến các đám tang để cầu nguyện cho người đã mất. Hình ảnh đó vào thời xa xưa Đức Phật còn tại thế thì ít thấy ở phía Phật giáo, đó là hình ảnh của những thầy đám là hình ảnh của Balamon cầu nguyện cho người đã mất.

Ở đây, vị thôn trưởng Asibandhakaputta hỏi Đức Phật: 

- "Ở trong uy lực của một vị Phật thì Ngài làm gì cho người đã mất." 

Câu này rất hệ trọng, chúng ta nhớ một bên là nền tín ngưỡng nhân gian rất mạnh, một bên là Đức Phật, là đối tượng quy hướng của nhiều người. Đức Phật trả lời một câu đã làm cho vị thôn trưởng này phát tín tâm hoan hỉ nhưng nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng, thất vọng là bởi vì Đức Phật Ngài khuyên hãy dùng lý tính bình thường của chúng ta để hiểu vấn đề, Ngài không muốn chúng ta bị rối rắm về những vấn đề xa xôi như siêu hình hay huyền học, Ngài đặc biệt muốn chúng ta dùng cái mà người Tây Phương gọi là common sense là những sự hiểu biết thường thức của chúng ta để thẩm định vấn đề.

Bây giờ với thí dụ đầu tiên, một cục đá được quăng xuống rồi nhiều người cùng nhau cầu nguyện cho cục đá nổi thì cục đá không nổi lên được. Một người sống với thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, và ý ác hạnh khi chết đi mà mọi người vây chung quanh để cầu nguyện thì sự cầu nguyện đó không làm người này siêu thoát được. Ở trong câu chúng ta nói 'được sanh về thiên giới hoặc trở về cõi đời này' thì chữ thiên giới chỉ cho cõi trời và cõi đời này chỉ cho cõi người, tức là được sanh vào cõi chư thiên hay sanh vào cõi người thì được xem như là sanh vào cõi an lạc.

Ngược lại Đức Phật Ngài nói rằng nếu đem sữa hay dầu để vào trong cái ghè đem xuống nước, rồi đập bể cái ghè đó đi thì cái ghè chìm mà nói dầu hay sữa cũng bị chìm xuống thì dầu và sữa không thể chìm xuống vì bản chất của nó là nổi. Cái gì chìm thì chìm, cái gì nổi thì nổi, và nó chìm hay nổi là bản chất của nó chứ không phải do lời của những người chung quanh cầu nguyện cách này hay cầu nguyện cách kia.

Điều này sẽ làm một số chúng ta thất vọng, bởi vì thường thì chúng ta tin mạnh mẽ vào những nghi thức. Có cái gì rất là tế nhị khi Đức Phật Ngài dạy chúng ta làm cho người mất. Thật ra Đức Phật Ngài có đưa ra một vài điều rõ ràng như trong bổn phận người con đối với cha mẹ, thì có năm bổn phẩn khi cha mẹ quá vãng, mình nên tạo phước hồi hướng. Đức Phật dạy chúng ta nên tạo phước rồi hồi hướng phước cho người quá vãng, nhưng điều đó rất khác với việc chúng ta nói ở tại đây là lời cầu nguyện. Mặc dầu ai cũng nói rằng tâm thành là chính, mình cầu nguyện thành tâm là được, nhưng lời cầu nguyện đó giống như một lời nói mà chúng ta cầu cho đá phải nổi hay dầu phải chìm, chúng ta đang làm một việc nghịch lý bởi vì ở trong đó nó không khế hợp với lý nhân quả. Ở trên phương diện vật lý, cái gì nhẹ thì nổi, cái gì nặng thì chìm. Chúng ta nói về luật chìm nổi trong vật lý thì đó là một định luật thiên nhiên.

Thì trên phương diện nghiệp báo nó là một thứ định luật thiên nhiên khác, cái thiên nhiên này có nhân quả, có luật định, có tác động riêng, có hành tướng riêng, không thể nào mà nói rằng những thứ đó phải đi theo lời cầu nguyện của mình.

Đây là một điểm mà nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái bởi vì trong không khí của đạo giáo chúng ta thường đặt nặng vấn đề cầu nguyện. Cầu nguyện cho người mất và cầu nguyện cho người còn ở lại. Chúng tôi có rất là nhiều lần đi tụng kinh cầu siêu cho những người mà cái di thể nằm đó là chồng, là cha, là mẹ, là anh chị em, là người rất thân, bây giờ bỗng nhiên vì một tai nạn nào đó mà người đó ra đi, một sự ra đi vĩnh viễn. Chúng tôi rất hiểu tâm sự đó bởi vì bản thân của chúng tôi khi ở tuổi mới vào đời thì mất cha, tuổi đó bắt đầu chúng tôi vừa đủ lớn, vừa đủ hiểu, vừa đủ cảm thấy sự mất mát lớn, và một người thân mà ra đi vĩnh viễn, mình không thể tin là người đó đi và mong người đó có thể trở về. Cái chuyện hụt hẫn, cái chuyện cảm thấy trong một lúc đột biến người thân ra đi vĩnh viễn mà không biết phải làm gì, lúc đó chúng ta trông cậy vào tôn giáo, chúng ta trông cậy vào sự cầu nguyện.

Chúng tôi biết rằng có rất nhiều Phật tử bình thường thì tỉnh táo nhưng lúc người thân nằm xuống rồi thì ai bày sao cũng làm hết, nào là đặt nặng về ngày giờ, đặt nặng về địa lý coi phong thủy, rồi đặt nặng nghi lễ, làm bất cái gì cũng làm, có nhiều khi mình không biết chuyện đó làm sao nhưng người ta bày thì mình cứ làm, thà là mình làm hơn là không làm.

Cái nhìn của Đức Phật thì có khác hơn, Ngài khuyên chúng ta nên hiểu cái chúng ta làm. Và để hiểu cái gì chúng ta làm không nhất thiết là chúng ta phải có tri kiến hay thật sự hiểu biết cái gì xảy ra ở thế giới bên kia, hay cái gì xảy ra sau khi chết, mà chúng ta cứ dùng kiến văn thường thức của mình, cục đá nặng thì nó phải chìm, dầu nhẹ thì phải nổi, cái chìm của đá cái nổi của dầu nó đi theo một nguyên lý tự nhiên, chúng ta có nói bao nhiêu lời, chúng ta cầu nguyện bao nhiêu, chúng ta cũng không có làm ngược lại điểu đó được. Thì như vậy Đức Phật nhắc tất cả mỗi người chúng ta trong đời sống hàng ngày nên làm cái gì cụ thể hơn là chúng ta chỉ mong mỏi cầu nguyện.

Trong những cuộc thăm dò cho thấy, ở nơi nào người ta quá nặng về sự cúng kính cầu nguyện thì phẩm hạnh của những người sống ở tại nơi đó hơi kém, họ làm nhiều những tội ác như sát sanh hay buôn cần sa ma túy .v.v.... tại vì sao, tại lý do đơn giản là họ nghĩ rằng sau hết bằng niềm tin và bằng lời cầu nguyện họ có thể chuyển bại thành thắng chuyển nghịch thành thuận và tốc xả mê độ để được vãng sanh về cõi an lạc nhờ vào sự cầu nguyện.

Không phải Đức Phật Ngài khuyên chúng ta đối với người đã mất không làm gì hết nhưng cách tạo phước và hồi hướng của người Phật tử có khác với cầu nguyện suông bình thường, cách tạo phước hồi hướng là một sự thể hiện của thiện hạnh và một gợi ý của thiện hạnh một sự truyền đạt niềm hoan hỉ trong thiện hạnh cho người đã mất và người đã mất mà họ tùy hỉ với điều đó thì họ được siêu sinh, việc tạo phước hồi hướng có khác rất lớn với sự cầu nguyện đơn thuần.

 Chúng tôi nhớ kỳ rồi đi Ấn Độ khi đến thăm hai động thạch khắc Ajanta và Ellora, chúng tôi thấy qúi Phật tử rất vui và rất thán phục công trình của cổ nhân để lại nhưng khi nghe chúng tôi nói về sự việc Phật giáo bị biến mất ở tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 12 trở đi thì có nhiều người đặt ra một câu hỏi là tại sao số phận của Phật giáo như vậy trong lúc Ấn Giáo cũng giống như Phật Giáo cũng bị Hồi giáo kỳ thị và tiêu diệt. Thật ra trên phương diện tiêu diệt thì Ấn giáo bị tiêu diệt không kém Phật giáo. Chúng tôi trả lời với nhiều lý do và một ở trong lý do đó là sự tồn tại của Ấn giáo là sự tồn tại của giai cấp và của một nền tín ngưỡng nhân gian, nó không tùy thuộc vào tăng lữ tức là hàng xuất gia. Nhưng đó là Ấn giáo. Còn phía Phật giáo thì chúng ta phải nhìn nhận một cách công tâm là khi đạo Phật càng về sau này thì càng pha lẫn niềm tin của Balamon, càng pha lẫn tín ngưỡng nhân gian những cái gì mà nó không gần với Phật Pháp. Và do vậy nếu chúng ta nhìn vào sự sinh hoạt của một ngôi chùa, đời sống của tu sĩ đối với quần chúng ngày nay, thì chúng tôi nói điều này ra có lẽ là qúi Phật tử cảm thấy rất buồn hay không hài lòng, nếu xét kỹ thì chúng ta giống Balamon giáo nhiều hơn là giống Phật giáo thời nguyên thủy. Ví dụ, khi chúng ta đọc đoạn kinh về câu hỏi của thôn trưởng Asibandhakaputta y thì hình ảnh của những vị tu sĩ Balamon cầu nguyện cho người chết có thể cái nghi thức mà chúng ta làm ngày nay có hơi khác một chút, nhưng chúng ta làm giống như vậy nhiều hơn là cuộc sống mà được thể hiện như là lời dạy của Đức Phật tại đây.

Do vậy, thỉnh thoảng rất cần đọc lại những bài kinh này để chúng ta tự đặt cho mình một câu hỏi là khi Đức Thế Tôn còn tại thế lời của Đức Thế Tôn dạy đã tạo ra một bối cảnh đạo Phật như thế nào và chúng ta ngày nay ở trong đời sống hành trì có bao nhiêu phần gần với Đức Phật và bao nhiêu phần xa với Đức Phật. Chúng tôi rất tin một điều là cho dù chúng ta không hoàn toàn giống như là một đạo Phật nguyên thủy, một đạo Phật khi Đức Thế Tôn còn tại thế, nhưng nếu chúng ta thường đọc những bài kinh này thì tinh thần nguyên nguyên, tinh thần căn bản Phật Pháp còn đó thì chúng ta còn khả dĩ giữ lại được phần nào cái đạo hơn là chúng ta chỉ xây chùa đúc tượng đơn giản chỉ đáp ứng thị hiếu tín ngưỡng của quần chúng.

Do vậy tóm lại, chúng ta nói ba điểm:

1. Điểm thứ nhất là, ở trong chuyện sanh tử con người thường nghiêng về tôn giáo nghiêng về tín ngưỡng nhân gian để làm gì, một phần cho người chết một phần để cho người sống an tâm thấy rằng mình có làm cái gì đó cho người mất.

2. Điểm thứ hai là, khi nghĩ đến những người mất thì người ta thường nặng về niềm tin tôn giáo nhưng người ta quên đi định luật nhân quả.

3. Điểm thứ ba là, cho dù chúng ta không hiểu nhiều về thế giới bên kia, về cái gì xảy ra sau khi chết, nhưng lấy tri kiến hàng ngày thì cũng đủ cho chúng ta có một nhận thức sát đáng về việc nên làm cái gì và không nên làm cái gì cho một người thân quá vãng

No comments:

Post a Comment