Hỏi: Quán tưởng về sự vô thường dựa trên những kinh nghiệm đã trải qua trong cuộc đời của mình.
(Bài giảng trong lớp tu học đêm đầu đà tại chùa Pháp Luân, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ của mình trải qua những cơn bệnh thì chúng ta không có quá kiêu căng tự hào rằng cuộc sống của mình là cuộc sống hoàn hảo đâu, chúng ta đúng là ổ bệnh tật, có nhiều khi bệnh đó chưa trổ ra thôi chứ nó trổ thì chúng ta thấy đủ thứ bệnh. Có một lần chúng tôi ít có khi nào mà nghĩ đến chuyện HT phải uống bao nhiêu thuốc, chúng tôi thấy HT uống một nắm thuốc ở trong đó đủ các thứ thuốc thì chúng tôi mới hỏi HT "Bạch Hoà Thượng, sao Ngài uống nhiều thuốc vậy?" thì Ngài nói rằng "thì mình nhiều bệnh thì phải uống nhiều thuốc," rồi Ngài nói tiếp "khi mình già thì sanh ra nhiều thứ bệnh nên phải uống nhiều thuốc như vậy." Nhưng mà rồi khi chúng ta nhìn lại thấy Đức Phật Ngài dạy rằng đôi khi mình phải nhìn lại cuộc đời của mình ở trong cái nhìn khách quan hơn, mình khoan nói mình thích hay không thích, cứ nói một cách thành thật thân của mình là ổ bệnh tật thì chúng ta cứ nhìn nó là ổ bệnh tật.
Lời Đức Phật dạy là một người tu tập một vị hành giả đi vào một nơi trống vắng như ở trong khu rừng, ở trong một ngôi nhà trống, ở chỗ không có người để ngồi xuống,ngồi một cách rất là yên lặng thanh thản, và trầm tư lời Đức Phật Ngài dạy chúng ta trong đời sống có những sự sợ hãi có nhiều việc mà có một lần nào đó trong cuộc đời của mình được ngồi xuống và đối diện với nó và nếu chúng ta có thể chấp nhận được nó và có thể đối diện nó một cách rất là tỉnh táo thì chúng ta sẽ an lành.
Trước nhất chúng ta hãy quán tưởng về sự vô thường dựa trên những kinh nghiệm đã trải qua trong cuộc đời của mình.
- Đức Phật dạy sắc uẩn là vô thường có nghĩa là thân của chúng ta không đứng một chỗ mà luôn thay đổi, có thời nào đó chúng ta rất trẻ trung nhiều sức sống, và cũng có lúc chúng ta mệt mỏi già nua, có lúc chúng ta khỏe mạnh nhưng cũng có khi bệnh hoạn ốm đau, sắc uẩn là vô thường.
- Đức Phật dạy thọ uẩn là vô thường, những cảm xúc vui buồn bình thản ở trong đời sống luôn thay đổi theo thời gian, chúng ta muốn giữ lại một cảm giác mãi mãi nhưng không làm được, trải qua trong cuộc đời có bao nhiêu lần vui bao nhiêu lần buồn và những vui buồn đó sanh rồi diệt, do vậy Đức Phật dạy thọ uẩn là vô thường.
- Đức Phật dạy hãy tưởng về sự vô thường của tưởng uẩn tức là ký ức trí nhớ những hoài niệm hay là dĩ vãng ở trong lòng của chúng ta có khi nó in hằn thật đậm thật sâu những điều nào đó nhưng mà rồi lại phôi pha mờ nhạt theo năm tháng, chúng ta không thể giữ lại quá khứ, và quá khứ tuy rằng đã qua rồi nhưng nó không đứng yên trong lòng của chúng ta có khi rất là tỏ rõ có khi rất là mờ nhạt. Đức Phật dạy tưởng uẩn là vô thường.
- Chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự vô thường của hành uẩn những quan niệm về thiện ác, những chủ trương về đúng sai phải quấy, những điều mà chúng ta đã sống qua trong cuộc đời, có một thời gian nào đó một tuổi nào đó những điều đó gần như là chân lý bất diệt, qua một giai đoạn khác thì những thứ đó hầu như vô nghĩa. Đức Phật dạy hành uẩn là vô thường.
- Chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự vô thường của thức uẩn, thị giác hay là nhãn thức, thính giác hay là nhĩ thức, khứu giác hay là tỷ thức, vị giác hay là thiệt thức, xúc giác hay là thân thức, suy nghĩ hay là ý thức, dù là thấy dù là nghe dù là ngửi dù là nếm, dù là đụng, dù là suy tư tất cả đều đi qua trong cuộc sống này, cái đẹp nhất muốn giữ lại cũng không được, cái xấu nhất mà cho dù chúng ta có đóng đinh với nó thì nó cũng qua đi. Đức Phật dạy thức uẩn là vô thường.
-Như vậy một hành giả an tịnh tâm tư khi tưởng nghĩ đến việc gì đã trải qua trong cuộc sống, thấy được biết được và tự mình xác chứng với chính mình là sắc là thọ là tưởng hành thức tất cả đều vô thường.
Chúng ta hãy tưởng nghĩ về ý nghĩa của vô ngã là sự bất lực, sự không có làm chủ đối với cuộc sống này, cuộc sống của chúng ta là sự hoạt động của mắt của tai của mũi của lưỡi của thân của ý, cho dù là mắt cho dù là cảnh sắc hay nhãn thức thì chúng ta không làm chủ được hoàn toàn, những điều trông thấy mà đau đớn lòng, có những điều mình không muốn thấy nhưng vẫn phải thấy, có những điều không muốn nghe nhưng mình cũng nghe, có những điều mình muốn nó mãi mãi như vậy nhưng mà chúng ta không thể sống hoài với một mùi hương, ăn hoài một món ăn, suy nghĩ hoài một thứ. Vì vậy Đức Phật dạy rằng chúng ta không làm chủ được bởi vì có cái là do mình tạo nên, có cái do cuộc đời cho mình, chúng ta muốn cái gì đó mãi mãi như vậy cũng không được, tại vì nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, tùy thuộc vào sự phát tâm, tùy thuộc vào nhân duyên, và do vậy đối với mắt, đối với tai, đối với mũi, đối với lưỡi, đối với thân, đối với ý, nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhiều nhân duyên, không phải chỉ một yếu tố duy nhất nên chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự vô ngã của các pháp qua sự nhớ biết về sự vô ngã của sáu thức.
- Chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự bất tịnh của cuộc sống, không có cái gì mà mình qúi hơn là thân của mình, và không có cái gì mà chúng ta đam mê như những gì liên quan đến thể xác, nhưng Đức Phật dạy rằng thân của chúng ta giống như một chiếc bao da ở trong đó chứa đầy những bất tịnh, có những bất tịnh thể đặc như là thịt xương gân, có những bất tịnh thể loãng như mật đàm mủ máu, và có nhiều thứ bất tịnh khác kết lại thành thân của chúng ta, nếu chúng ta có thể nhìn thấy một lần nào đó ở trong cuộc đời đã trải qua hình ảnh của vết thương, hình ảnh của mổ xẻ, hình ảnh của cơ thể thì chúng ta hiểu rằng thân của chúng ta vốn tạo thành bởi những thứ bất tịnh, chúng ta hãy nghĩ tưởng về sự bất tịnh như là một điều tất nhiên của điều mà Đức Phật dạy rằng thân này và cũng giống như tất cả xác thân đều mang tính bất tịnh.
- Chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự hệ lụy của đời sống trải qua trong cuộc đời này không phải chỉ có màu xanh và cũng không phải.chỉ có sự thuận buồm suôi gió mà chính trong thân trong tâm của chúng ta cũng chứa đựng bao nhiêu gút mắc khổ đau. Tấm thân này Đức Phật đã dạy rằng là một ổ bệnh tật nhiều bệnh nhiều tật, từ bệnh mà chúng ta thấy rất bình thường như là cảm mạo phong hàn cho đến những bệnh chỉ có những người chuyên môn mới có thể thấy được, bao nhiêu là hệ lụy cuộc sống chúng ta có tự hào và hãnh diện chăng chỉ là những giờ phút lãng quên, nếu mà chúng ta nhớ được thân là một ổ hệ lụy thì chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn, điềm đạm hơn, và xin cho chúng ta đừng quên rằng thân của mỗi người vốn dĩ là một ổ chứa đầy những bệnh tật và cuộc sống không hoàn toàn như ý mà chúng ta mong muốn.
Như vậy gọi là quán tưởng hệ lụy, xin tất cả chúng ta ghi nhớ điều này như tâm niệm ở trong sự tu tập.
No comments:
Post a Comment