Thursday, January 23, 2020

Bốn bất hành xứ hạnh - TT Giác Đẳng giảng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.19

xix) Bốn bất hành xứ hạnh


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 19 tháng 3, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay, chúng ta nói về bốn pháp thiên vị, trong nghĩa đen là bốn pháp đi vào đường sai quấy. 

Thật ra, ngũ giới trong Phật Pháp có giới không nói dối, không nói sai sự thật. 

Giới không nói dối là musāvādā, HT Minh Châu dịch là không nói sai sự thật.

 Và, trong rất nhiều đoạn kinh, Đức Phật Ngài có đưa vào chi tiết về nói sai sự thật, đó là, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Nhưng, cái có nói không, không nói có, Đức Phật Ngài dạy đó là việc làm chính ở trong những chỗ kiện tụng, ở trong chỗ pháp đình, hay trong việc phê phán người khác. Lấy một thí dụ là, mình không thích một người nào đó mình có thể nói những lời mà lời đó khiến cho người ta nghĩ xấu về người đó, gọi là nói dối, hay là, mình quá thương một người nào đó mà mình nói với người khác là người đó tốt trong khi người đó không tốt, gọi là nói dối.

Riêng, ở trong giới musāvādā - giới không nói dối của người Phật tử hàm ý nghĩa là lời nói chân thật, lời nói thật, lời nói chánh trực, lời nói ngay thẳng, không vì thương, mình nói một người xấu thành người tốt, không vì ghét, mình nói một người tốt thành người xấu, chuyện có nói không, và dĩ nhiên, không phải vì sợ, vì si mê.

Trong kinh Từ Bi Karaniya Metta Suttam, Đức Phật Ngài dạy một trong những điều kiện để một người tu tập tâm từ đó là, giữ lòng chánh trực.

 Chánh trực ở đây là giữ lòng ngay thẳng. Một người lòng không ngay thẳng và thiên vị thì người đó không thể tu tập tâm từ được. Ở đây, chúng ta phải hiểu rõ điều này, một khi, trong cuộc đời này chúng ta có khuynh hướng đối xử bất công với người khác, ví dụ như, một số người ghét người da đen, cái gì người da đen làm họ cũng nghĩ là xấu hết, thì tâm đó là tâm không có chánh trực.

 Chúng tôi sống ở Mỹ trải qua nhiều chuyện, chúng tôi phải nhận một điều rằng, người Việt Nam bên này có sự kỳ thị đối với người da đen rất lớn, và, hễ là người da đen thì mình kỳ thị bất kể người thế nào. Khi mình sống, có tiếp xúc, mình hiểu người da đen hay da trắng đều có tốt và có xấu. Lấy ví dụ như là, chuyện tội phạm, tức là phạm tội ác, thì đa số chúng ta người Việt Nam đều nghĩ người da đen phạm pháp nhiều hơn, nhưng kỳ thật, tỉ lệ phạm pháp của người da trắng nhiều hơn người da đen chứ không thấp hơn, nhưng chúng ta không thấy điều đó. 

Nói chung là, nếu chúng ta muốn giữ năm giới, hay chúng ta muốn tu tập tâm từ thì chúng ta phải sống với tâm ngay thẳng, chấp nhận sự thật, chánh trực, và không có thiên vị. Sự thiên vị, chuyện có nói không, chuyện không nói có, người tốt nói thành xấu, người xấu nói thành tốt, điều đó có nghĩa là một khi chúng ta còn mang ý nghĩ thiên vị như vậy, chúng ta không tu tập tâm từ được, và cũng không tu tập ngũ giới được. Về điểm này, nhiều người không để ý, mình nghĩ rằng chuyện mình thương, mình ghét, hay mình có khuynh hướng nặng lòng với người nào đó, nó không quan trọng lắm, quan trọng là khi lời mình nói ra, quan trọng là hành động, nhưng Đức Phật Ngài dạy rằng thiếu tâm ngay thẳng, thiếu tâm chánh trực mà có thiên vị thì nó làm hỏng đi nhiều thiện pháp trong đời sống chúng ta.

Một đặc điểm của vị Bồ Tát hành balamật hạnh, các Ngài cũng tu tập pháp  Sacca pāramī,  là, chân thật balamật, nhưng mà, thực tế thì, Sacca pāramī  cũng nói có sự vô tư đối với chúng sanh, không thiên vị đối với chúng sanh ở trong cách cư xử. 

Không thiên vị có nghĩa là:

1 - Mình không có qui lỗi cho những người mình không thích. 
2 - Mình không bỏ rơi những người mình không thích.
3 - Mình không đánh mất lợi ích của người mình không thích.
4 - Sau cùng là, nếu chúng ta phải hi sinh thì hi sinh đồng đều, chứ không phải chỉ hi sinh cho người mình biết có lợi hay không có lợi ích.

Pháp Sacca pāramī  là một pháp rất khó hiểu đối với một người học Phật khi tìm hiểu về pháp balamật, nhưng mà, nếu chúng ta nghiệm cho kỹ, chúng ta thấy rằng khi chư vị Bồ Tát hành balamật hạnh cái đối tượng mà hành đó là vì chúng sanh, lấy sự phục vụ chúng sanh làm cơ sở để phát triển balamat hạnh, nhưng mà, lấy chúng sanh làm cơ sở phát triển cho balamật mà tâm không có công bằng, tâm có thiên vị, tâm không chánh trực, thì nó làm hỏng đi balamt hạnh.

Thì như vậy, chúng ta thấy có một điều là, dầu mình giữ năm giới, hay tu Tứ Vô Lượng tâm, hoặc giả, tu balamt hạnh thì vẫn đòi hỏi tâm chánh trực. Ngay cả trong Bát Chánh Đạo thì, Chánh Ngữ cũng gói ghém trong đó như ngũ giới vậy, Chánh Ngữ cũng gói ghém tâm chánh trực. 

Đây là một pháp rất tế nhị, rất khó, và, chúng ta ít khi nhìn nhận chuyện đó, thí dụ, người ta nói là, cho dù mình thương ai rất nhiều, mình cũng nên biết khuyết điểm của người đó, và, khi mình ghét ai nhiều mình cũng nên biết cái ưu điểm của người đó. Nhưng, chuyện đó không phải dễ. Ở trong nhân gian có câu: "Khi thương, thương cả lối đi, khi ghét, ghét cả tôn chi họ hàng", chuyện đó là chuyện rất bình thường. 

Thì, đối với chúng ta không có cẩn thận, chúng ta không có quan trọng, thương ghét, có chuyện gì mà phải quan trọng, khi nào mình cướp của giết người mới quan trọng. Nhưng, từ chỗ thương ghét nó dẫn đến chỗ bất công, chỗ thương ghét dẫn đến chiến tranh, thương ghét nó dẫn đến sự làm hỏng đi những căn bản của thiện pháp. 

Nói một cách khác, nếu chúng ta không tập tu hạnh chánh trực, lúc nào đó chúng ta nói xấu người khác thì, nói xấu đoạn mạng, và, khi khen người khác thì, khen tận mây xanh. Đó là cách chúng ta làm hỏng đi thiện pháp trong đời sống của chúng ta.

Trong cuộc sống sinh hoạt, đặc biệt trải qua nhiều thăng trầm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chúng tôi kinh nghiệm một điều rằng, đối với những người mà trong cái nhìn của họ khi thương thì thương quá độ, và, khi ghét thì ghét quá đà, những người đó không bao giờ có thể nắm được sự thật mà làm việc trung thực được. 
Tại vì sao? Tại bản chất của họ cực đoan, bản chất của họ là không có nhìn nhận ra sự thật, bản chất của họ là không chấp nhận lẽ phải của sự chánh trực.

Lẽ phải của sự chánh trực quan trọng lắm, khi nào mình muốn kết tội người khác điều gì, mình phải có đủ bằng chứng, đủ cơ sở, mình hãy nói. Khi mình tán thán một người về điều gì, mình cũng không thể quên đi những khuyết điểm, những sai lầm của người đó.

Thì, những người mà khen thì khen tận mây xanh, đội lên như một vị thánh, khi chà đạp thì chà đạp xuống tận đáy bùn, thật ra những người đó suốt cuộc đời họ dù văn hay, dù chữ tốt, dù họ là người có tài đi nữa, họ vẫn không thể nào đạt đến thái độ trung thực. Trung thực trong cách nhìn, trung thực trong cách nghĩ, ngay thẳng ở trong thái độ, và công bằng đối với người khác.

Và, khi chúng ta không đến gần được với sự trung thực thì, chúng ta không đến gần được với sự thực. Khi chúng ta không có chánh trực được thì, những thiện pháp khác bị tổn giảm, có thể nó không sanh khởi được, nhất là tu tập tâm từ. 

Và, khi chúng ta không thể công bằng được với mọi người, công bằng đối với tất cả chúng sanh thì, rất khó để tu tập tâm từ, rất khó để tu tập Ba la mật, rất khó để tu tập Bát Chánh Đạo, và, rất khó để tu tập Ngũ giới. Nhiều người xem thường chuyện đó, cho là, không có chuyện gì hết, bất quá sự bất công, bất quá thái độ không ngay thẳng, ở trong lòng của chúng ta thôi. 

Vì vậy, một người hiểu Phật Pháp, có sự tu tập, trước nhất mình phải có thái độ khoan hoà, tức là, một thái độ tương đối từ tốn nhẹ nhàng, không vội tin, không vội bỏ, không bộp chộp, không nóng nảy, không cực đoan. Những người nóng nảy cực đoan thường rơi vào tình trạng thiên vị, và, tình trạng thiên vị đó, trước nhất làm hỏng thiện pháp của mình. 

Ở đây, Đức Phật Ngài dạy có bốn sự thiên vị, bốn sự thiên vị đó khiến chúng ta làm hỏng các thiện pháp, đó là:

- Thiên vị vì thương, 
- Thiên vị vì ghét, 
- Thiên vị vì si mê, 
- Thiên vị vì nể sợ. 

Ở trong cuộc đời này, mình thương một người nào đó thì khi thương thương cả lối đi, mà ghét người nào đó thì ghét cả tông chi họ hàng, cái thương cái ghét làm bóp méo cái nhìn của chúng ta về lẽ phải. 

Vì sợ, vì si mê, tức là không đủ trí, không đủ cơ sở lý luận vững chắc, mình thu thập không đủ dữ kiện, đó là vì si mê. Nhiều sự bất công đến từ sự si mê là do mình không nắm được vấn dề, khi mình nắm được vấn đề thì mình sẽ thấy sự việc nó khác đi.
Vì vậy, trong thế giới ngày nay, người ta phải xử dụng các dữ kiện (data). Những dữ kiện cho chúng ta biết một cách chính xác về điều gì đó mà chúng ta muốn biết, hơn là, chúng ta chỉ biết do cảm tính, do thương ghét của mình, do sự u mê của mình. Hầu hết, những quốc gia, những xã hội phát triển, người ta rất trọng những dữ kiện trung thực. Những tài liệu nghiên cứu xác thực trong xã hội cho chúng ta biết một cách chính xác. Nếu chúng ta không đủ dữ kiện thì chúng ta lập luận không có vững, suy nghĩ không có sáng suốt, chúng ta sẽ rơi vào trong tình trạng là moha, là si mê, u mê.

Vì sợ, cũng là một vấn đề khiến cho cuộc sống chúng ta không có được trung thực. Về điểm này, chúng ta biết rất rõ rằng, những quốc gia phát triển thật sự thì chính phủ làm sao cho người dân được thoải mái, được suy nghĩ một cách tự do mà không có nghĩ rằng mình phải né điều này, tránh điều kia, tại vì mình còn sợ nên mình không dám nói sự thật, không nói lên sự công bình. 

Tại những quốc gia độc tài đảng trị, họ đều rơi vào trong tình trạng là đàn áp thẳng tay, tức là, nếu người nào không nói động đến chính quyền, không nói lên tiếng nói sự thật thì chính quyền để yên, mà nói lên thì chính quyền sẽ trù dập, sẽ dùng mọi biện pháp để đàn áp. Và do vậy, khi chúng ta gặp những người dân sống trong những xứ bị đàn áp thì có những phần trong đời sống họ không dám nói, đó là, đụng chạm đến chính quyền, đụng chạm đến nhà cầm quyền, họ không dám nói, và cái không dám nói đó cũng tạo nên một tình trạng bất công lớn ở trong xã hội, tại vì sao, tại vì tốt hơn hết là im lặng để không bị tai bay họa gửi.

 Người Việt mình có một từ vựng là "con ông, cháu cha". Tại sao không có "con cha, cháu ông" mà có "con ông, cháu cha". Con ông là, con những ông lớn, cháu cha là, cháu các vị linh mục, các vị cha bên Thiên Chúa giáo, những ông lớn và những vị linh mục rất có thế lực ở tại VN, thành ra, hễ "con ông, cháu cha" là những người mình không nên đụng chạm đến, và, trong xã hội chuyện đó là chuyện mặc nhiên người ta chấp nhận như là một sự thật, đó là, hễ "con ông, cháu cha" thì không được đụng đến tại vì thế lực của những người này rất lớn. Đó là xu thế của xã hội VN, một xu thế trong rất nhiều trường hợp, ở trong cuộc sống mình, mình chỉ có thể nói và đề cập đến chuyện văn nghệ, chuyện phù phiếm đời sống hàng ngày, nhưng, nói một cách toàn bộ của xã hội thì có những mảng mình nên tránh, thí dụ, về môi sinh, về vấn đề y tế sức khỏe, vấn đề giáo dục, nhà nước đưa ra sao thì đều phải chấp nhận là đúng, là tốt. Lâu ngày làm cho chúng ta ở trong tình trạng sống trong sự sợ hãi. Chánh sách "ngu dân", chánh sách đàn áp dân chúng làm cho khập khễnh sự phát triển của đất nước.

Trong đời sống của chúng ta cũng tương tự như vậy, một người có sự trưởng thành đầy đủ là người biết sống với tinh thần vô úy, dám nói trung thực. Một khi, chúng ta hèn nhát, không có đảm lược thì chúng ta rất sợ, sợ mình nói ra người ta chỉ trích, sợ mình nói ra người ta bắt bẻ, sợ mình nói ra thì mình sẽ bị mang họa vào thân.

 Trạng thái im lặng để cầu an qua ngày, trở thành một thực tế ở trong nhiều xã hội, nhiều quốc gia. Điều đó làm chúng ta lâu ngày tạo thành bản chất là sự sợ hãi, sự lo lắng. Nói thẳng ra là, sự hèn nhát, nó làm cho chúng ta trở thành một người không dám nói ra sự thật.

Thì ở đây, bốn pháp thiên vị, thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì u mê, thiên vị vì sợ hãi, mới nghe mình nghĩ, đó đơn thuần chỉ là một cá tính yếu đuối, hay cá tính không ngay thẳng của một người, nhưng mà kỳ thực qua kinh điển chúng ta hiểu một điều rằng, nếu một người sống với những cá tính đó thì người đó không thể nào tu tập tâm từ, không thể nào tu tập Bát Chánh Đạo, không thể nào tu tập Balamật hạnh, không thể nào tu tập Ngũ giới.

Hành xử đúng trong ngũ giới là, một người đến chỗ pháp đình hay đến những chỗ sinh hoạt đông người, không vì thương, không vì ghét, không vì sợ, không vì si mê, mà hành xử, không với, chuyện có nói không, không với, chuyện không nói có, không làm chứng những điều sai quấy. 

Nếu chúng ta không có đủ sự can đảm để nói sự thật thì chúng ta sẽ bóp méo sự thật, nói uốn nắn sự thật theo ý của những người mình sợ, mình thương, mình ghét, và những chuyện nói uốn nắn sai sự thật khiến chúng ta ngũ giới không giữ được. 

Trong Từ Bi kinh, một người vào buổi sáng trong phòng riêng của mình ngồi xuống tu tập tâm từ, Đức Phật gọi người đó là một người ngay thẳng chính trực. Tại sao là ngay thẳng chánh trực? Tại vì, người đó có tâm công bình chan hoà với tất cả chúng sanh, người đó dám nhìn nhận rằng trong những người của mình, trong gia đình mình, trong phe nhóm của mình, thì vẫn có người tốt kẻ xấu, ở trong những người không thuộc phe nhóm của mình vẫn có người tốt kẻ xấu, do vậy, người đó có tâm công bình để chan hòa với tất cả chúng sanh.

Thái độ bạn với thù quá khích là, thí dụ, mình theo tôn giáo này mình chửi tôn giáo khác hoàn toàn xấu, mình theo nhóm này mình chửi nhóm khác hoàn toàn xấu, mình theo tông phái này mình chửi tông phái khác hoàn toàn xấu. Mới nghe thì có vẻ rất mạnh, nhưng mà, kỳ thật, nó chỉ nói lên một sự phiến diện, nó chỉ nói lên sự mê mờ. Tại vì sao vậy? Tại vì, ở trong đời cái tốt và cái xấu có nhiều.

 Có một lần, một Phật tử hỏi chúng tôi về một câu viết trong kinh Lăng Già Tâm Ấn của Bắc Truyền, câu đó nói rằng: "những chúng sanh nào không ăn chay thì đều là con của ma Ba-tuần".  Các vị hỏi chúng tôi thì chúng tôi có đề cập như vầy là, thật ra, chúng tôi có cơ sở để nói rằng lời nói đó là lời nói rất là sai, và đó không là lời dạy của Đức Phật, tại vì mình sống trong cuộc đời này không phải chỉ có những người ăn chay mới là những người tốt, người tử tế. Chúng ta đi, chúng ta sống, đối với những người không ăn chay, những người khác đạo, những người khác văn hóa mình, họ vẫn có những người rất tử tế. Ở những xã hội như ở Bắc Âu, các quốc gia Nauy, Thụy Điển chúng tôi đã có dịp gặp những người đời sống họ không biết gì là ăn chay mà tâm họ thì rất tử tế, tâm họ rất hiền, thậm chí, tại những quốc gia này ra những bộ luật, những đạo luật để làm sao khi những trại chăn nuôi như nuôi heo, nuôi bò, không có hành hạ mà để những con vật đó sống theo tự nhiên, như vậy, ít nhất là họ cũng có tâm từ của họ. Do vậy khi mình nói tu Phật mình phải ăn chay, những người không ăn chay là con của ma Ba-tuần, thì lời nói đó nó hơi nặng.

 Và, ở trong cuộc đời này, cái nhìn của chúng ta là làm thế nào để nó dung dị. Mình biết rằng Phật Giáo, mình là người Phật tử theo đạo Phật, mình thương người Phật tử là đúng rồi, nhưng không hẳn những người ở các đạo giáo khác đều xấu hết. Chúng tôi nói điều này có lẽ quí vị rất ngạc nhiên là, nhiều vị rất ghét người hồi giáo, nhưng vào thế kỷ thứ 15, thế kỷ 16 thì, trong những xã hội hồi giáo là xã hội có trình độ văn minh rất cao, về khoa học, về y học, và những quyển sách do những vị  tu sĩ sa mạc (tu sĩ sa mạc gọi là sufi) họ có những nguồn minh triết rất thú vị rất ích lợi để đọc, chúng tôi vẫn đọc những quyển sách đó, chúng tôi lấy một ví dụ như quyển một ngàn lẻ một đêm là một quyển truyện rất hấp dẫn tuổi thơ của chúng ta, nó đến từ xứ Iran (Ba Tư).

Thì nói chung, trong cuộc đời này chúng tôi biết là, đạo nào, chủng tộc nào, thành phần nào, cũng có người tốt và người xấu, nhưng mà, phải nhìn nhận một điều, chúng ta từ chuyện ghét một người hay thương một người, ghét một nhóm, thương một nhóm, thì, tâm của chúng ta rất khó trung thực, và, khi nào thái độ chúng ta còn cực đoan và thiếu trung thực thì chúng ta rất khó tu tập tâm từ.

 Một trong những cái khó của một vị Bồ Tát khi hành Balamật hạnh đó là thực hành Sacca pāramī - chân thật ba la mật.  Chân thật balamật là, chuyện đúng chấp nhận là đúng, sai nhận là sai, dù, chuyện đúng hay sai đó từ người thân hay từ kẻ thù của mình, nếu kẻ thù của mình họ làm chuyện đúng thì mình chấp nhận là đúng, kẻ thù làm sai chấp nhận là sai. 

Chưa có tâm trung thực thì chúng ta không thể đối xử một cách công bằng, mình chưa đối xử một cách công bằng thì mình chưa đạt được yếu tính của Balamật hạnh, đây là một điểm khó trong cuộc sống, cái chuyện mình bố thí, tri giới, lạy Phật, dễ ở chỗ là người Phật tử mình dễ phát tâm, mình dễ có khuynh hướng nghiên về làm phước, nhưng mà, để tâm xử sự một cách trung thực không nặng về cảm tình, không thiên vị, là một chuyện không dễ dàng. Và, chúng ta nhớ một điều, ngay trong kinh Từ Bi  Đức Phật Ngài nhấn mạnh rằng: một ở trong điều kiện của một người tu tập tâm từ là tâm phải chánh trực. Chánh trực ở đây tâm phải công bằng, không thiên vị, không rơi vào 4 pháp thiên vị này. 

Và, vì vậy, khi chúng ta nói về bốn pháp thiên vị nó không phải để phê phán bất cứ ai, mà bốn pháp thiên vị này là một sự nhắc nhở đối với chúng ta.

Có một lần chúng tôi ngồi với HT Tịnh Sự, có một ông bác bên hàng xóm qua mượn cái búa tài sồi bên chùa, thấy Ngài, ông cụ đến nói chuyện, ông biết là Ngài giỏi chữ nho, ông hỏi Ngài: 

"Đạo Nho nói nhiều về đạo của người quân tử, không biết đạo Phật có trình bày nào rõ ràng thế nào là một người quân tử không?"

Ngài Tịnh Sự khi nghe ông hỏi câu đó, chúng tôi nhớ rất rõ hình ảnh của Ngài Tịnh Sự lúc đó, buổi trưa trời nắng Ngài không mặc y vai trái mà Ngài ôm y trong người, Ngài nói: 

- "Chèn ơi, trong kinh điển Phật Pháp thì có nhiều lắm, bây giờ mà để Sư kể hết thì mất nhiều thì giờ, nhưng mà, thôi thì Sư nói như vầy là, Đức Phật Ngài dạy có bốn pháp, một người tu tập, một người thiện trí không nên có, hoàn toàn không nên có đó là, thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, và thiên vị vì sợ hãi."

Và, Ngài HT Tịnh Sự giảng giải về bốn pháp đó, Ngài nói rằng:

- Nếu một người trong cuộc sống đối xử với mọi người một cách công bằng, không có thiên vị vì thương, không có thiên vị vì ghét, không thiên vị vì si mê, không thiên vị vì sợ hãi, thì ông nghĩ người đó có được gọi là quân tử không? 

Ông cụ đó đồng ý người đó là người quân tử. Xong rồi, tới khi ông cụ ra về ông cụ nói: 

- Trời, đọc sách vở thánh hiền học cực quá, mà nghe Sư Ông giảng về đạo người quân tử có bốn pháp không thiên vị sao nghe dễ quá.

Ngài cười và nói rằng: Nghe thì dễ mà hành thì không có dễ chút nào để mà thực hành.

Để chúng ta có thể đạt được trạng thái giảm thiểu những khuynh hướng thiên vị này, chúng ta cần nỗ lực chứ không phải đơn giản, tại vì chúng ta nên ý thức một điều rằng tâm của chúng ta có khuynh hướng thiên vị. Tâm chúng ta có khuynh hướng thiên vị là điều rất bình thường. Mình muốn biết sự thiên vị đó mình thấy một điều rằng, hễ gặp một người mình có thiện cảm thì mình thấy người đó cái gì cũng tốt hết, mà người nào mình không có cảm tình thì thấy người đó cái gì cũng xấu hết. Thành ra trong cuộc sống, nếu chúng ta gặp một người nào đó mà mình cứ ca ngợi người đó tốt, cái gì cũng tốt hết thì mình phải coi chừng, tại vì, người đó cũng có những điều xấu chứ không phải hoàn toàn là tốt.

Nếu gặp người nào đó mình có thiện cảm mà mình luôn nghĩ người đó là tốt, hay người mình không có cảm tình mình luôn nghĩ người đó xấu thì lúc đó mình biết tâm mình không trung thực. Tại vì, một người mình mới gặp họ đầu hôm sớm mai, mình không biết gì về họ mà nghĩ tốt hay xấu, có thiện cảm thì cứ để đó, không có thiện cảm thì cũng để đó. Hiểu như vậy, giống như tu tập Tứ Niệm Xứ. Tu tập Tứ Niệm Xứ là, tâm tham thì biết là tham, tâm sân thì biết là sân, tâm có định biết là có định, tâm hoan hỉ biết tâm có hoan hỉ, biết rồi để đó, khoan chạy theo nó, khoan tin nó, cứ ghi nhận nó như vậy.

Chúng ta cũng nên học hỏi một điều mà người ta nói là :"Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm", nghĩa là, "đường dài mới biết sức ngựa, ở lâu mới biết người tốt người xấu". Không phải chúng ta nghi ngờ, nghi ngờ là thái độ gặp ai mình cũng nghĩ, không biết người đó có xấu hay không, chúng ta khoan nghi ngờ, nhưng, khoan quá thần tượng về người đó, khoan nghĩ quá tốt về người đó. Chúng ta nên giữ tâm bình thản.

Một điểm khác giúp chúng ta tu tập tâm không thiên vị là, nếu trong đời chúng ta có những kẻ thù, có những người không thân thiện với chúng ta thì, mình nên đặt câu hỏi rằng, trong lúc ở một mình, mình nghĩ về người đó mình có nuôi cái ác tâm không, có nuôi tâm sân hận người đó hay không, và mình có thể nào trong một giây phút nào đó, mình mong cho người đó được an lạc. Khi mình mong cho kẻ thù được an lạc bằng tâm từ của mình, cũng là cách để mình bớt đi sự thiên vị, hay, một người thân, rất thân của mình, mình nghĩ họ rất thân, mình ngồi xuống, niệm, mỗi chúng sanh có nghiệp riêng người đó, có nhân quả riêng của người đó, cũng là một cách để chúng ta giữ tâm không thiên vị.

Và rồi, chúng ta nên thường tâm niệm một điều rằng, một pháp giúp cho chúng ta tu hành tinh tiến là, thấy được sự thật, mà muốn thấy được sự thật tâm của chúng ta phải trung thực, cái kiếng đã bị mờ thì nó không thể nào phản ảnh hình ảnh ở bên ngoài một cách trung thực được, hay là, cặp mắt kiếng của chúng ta đeo là kiếng màu hay kiếng mờ thì không bao giờ thấy trung thực. 

Thì, chúng ta trong cuộc sống này rất cần con đường đạt đến giác ngộ giải thoát, nhiều lúc chúng ta phải đứng ngoài những cái thương ghét, những cái hơn thua, những tranh chấp. Để chúng ta có tâm được trung thực.

Bởi vậy, trong kinh khuyến khích người tu tập nên sống một mình, "đây là nhà trống, kia là cội cây, các con hãy tu tập thiền định", đó là lời Đức Phật dạy. 

Tại sao phải ở trong nhà trống, nơi cội cây? Đó là chỗ chúng ta không có tranh danh đoạt lợi, không có hơi thua, chúng ta chỉ tu tập và trong sự tu tập đó ít nhất cho phép chúng ta những giờ phút sống trung thực. Thật ra sống trung thực khó lắm, đối với chuyện nhân ngã bỉ thử là chúng ta đã thiên vị rồi, đối với lòng tự ái, đối với vị ngã chúng ta cũng đã bị bóp méo rồi, và ngay cả chúng ta sống trung thực mà chúng ta không có trí tuệ, sự u mê cũng khiến chúng ta thiên vị được. 

Chúng tôi nói điều này ra có lẽ là qúi Phật tử rất khó chấp nhận, ví dụ, phần lớn chúng ta sợ con rắn, và mình nghĩ rằng con rắn rất là độc, nhưng qúi vị biết rằng, đa số rắn không có độc, chỉ có một thiểu số rắn rất độc. Và, nói về độc thì con người chúng ta độc hơn con rắn nhiều, chúng ta giết rắn nhiều chứ con rắn giết người rất là ít, sống ở trong rừng mình hiểu một điều là đa số con rắn là mình đạp nhầm nó, mình tấn công nó thôi, chứ thường thường nó tránh mình, nhưng đối với chúng ta nghĩ thì con rắn nó độc hơn, cái đó chúng ta cũng không công bằng. 

Vì vậy, nếu chúng ta có thể tu tập, có thể có những suy xét, có những quán tưởng, tâm của chúng ta tương đối khả dĩ sẽ đến gần với tâm trung thực. Chỉ có tâm trung thực thì mới thấy được sự thật, mới có thái độ ngay thẳng, và mới cư xử công bằng được cuộc đời, như vậy tâm từ tâm bi mới thật sự phát triển được ./. 

Saturday, January 4, 2020

Bốn trí - TT Giác Đẳng giảng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.11

XI) Bốn trí


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 11 tháng 3, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta học về  bốn loại trí - ñāṇāni.

Chữ trí - ñāṇāni, ở đây là, hiểu biết đúng, hiểu biết chính xác. 

Có bốn loại trí, ở đây, đều nhắm vào sự hiểu biết. Nói rõ hơn là hiểu bản chất thật, hay hiểu về Pháp.

Dhamme ñāṇaṃ - Pháp trí

Đầu tiên là,  dhamme ñāṇaṃ - pháp trí. Theo trong bản sớ giải, pháp trí ở đây không phải là trí tuệ hiểu biết về Phật Pháp, mà pháp trí là sự nhận biết trực tiếp đối với thân và tâm của chúng ta. Nói rõ hơn đây là, trí tu của một  hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ, hay một vị Giác Ngộ, mà vị đó nhìn thấy và hiểu biết được giáo lý duyên khởi trực tiếp qua thân và tâm của mình. 

Về điểm này, trong truyền thống Phật Giáo, cũng giống như, đối với khoa học ngày nay, chúng ta không nghĩ trong mọi trường hợp mình biết cái gì đó do mình suy tư, mà, thay vào đó là do sự quan sát, sự thực nghiệm. Thì do mình quan sát, mình nhận thấy, ví dụ, hành giả khi quán về pháp quán Niệm Xứ, vị này sẽ đọc những đề tài như là, Tứ Đế: đây là Khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường dẫn đến diệt khổ, không phải qua sách vở, mà qua chính thân và tâm của mình. Chúng ta gọi đó là những cái biết trực tiếp, gọi là pháp trí.

Tùy trí - anvaye ñāṇaṃ

Theo trong Tương Ưng Bộ Kinh, và, trong Vô Ngại Giải Đạo, có một thứ trí thứ hai gọi là anvaye ñāṇaṃ, Ngài Tịnh Sự và HT Minh Châu dịch theo bản chữ Hán là, lập tại trí, chúng tôi muốn dịch là, tùy trí.

Tùy trí là, một thứ trí tuệ không phải do mình hiểu trực tiếp, mà do mình dựa trên pháp trí mà ra. Có hai trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất, một vị đắc đạo chứng quả, sau khi đắc đạo chứng quả vị này hồi quán, tức là nhìn lại, khi nhìn lại vị này hiểu được một số sự việc.

- Trường hợp thứ hai, hành giả dựa trên sự kinh nghiệm trực tiếp của mình và từ đó tạo ra những suy luận và những suy luận này giúp vị này hiểu thêm về điểm đó. Chúng tôi lấy một ví dụ, trong cuộc sống của chúng ta có nhiều sự hiểu biết do tự thân mình kinh nghiệm, mình làm rồi mình hiểu, hiểu tại chỗ, mình hiểu trực tiếp, nhưng cũng có những thứ trí tuệ gọi là anvaye ñāṇaṃ, nghĩa là, sau khi mình làm, rồi mình suy xét lại, mình nghĩ lại, và từ chỗ đó mình hiểu thêm ra. Thì đối với hành giả tu tập, về điểm này, nó rất cần thiết để chúng ta hiểu được rằng, thỉnh thoảng trong cuộc sống chúng ta có hồi quán, tức là nhìn lại, do sự nhìn lại trên kinh nghiệm thực tế của mình. Tức là, tùy trí đi theo pháp trí, nên chúng ta gọi chữ tùy là vậy. Như trong bản dịch của Tương Ưng Bộ kinh, nó là một sự hiểu biết của suy luận. 

Nói một cách khác, ở trong ba loại trí, pháp trí thuộc về trí tu, và tùy trí thuộc về trí tư. Nhưng, trí tư này không đơn giản là suy luận, nó phải dựa lên trên trí tu mà ra.

Tha tâm trí - pariye ñāṇaṃ

Trí tuệ thứ ba, Tha tâm trí - pariye ñāṇaṃ, có thể hiểu là, "một sự hiểu biết có tánh cách mượn", ví dụ, những vị đắc đạo chứng quả có tha tâm thông, khi các vị nói chuyện với một ai các vị có thể đọc được tâm của người đó, do đó, các vị có thể xử dụng được ngôn ngữ của người đó, và hiểu được nhiều sự hiểu biết của người đó. Đây là một chuyện chúng tôi nói như chuyện đùa thôi, ví dụ, TT Tuệ Siêu là vị biết rất nhiều về Phạn ngữ Pali, nếu vị nào có được tha tâm thông thì có thể đọc qua sự suy tư của TT Tuệ Siêu về tiếng Pali, qua đó, người này cũng có thể hiểu tiếng Pali được, nhưng, hiểu đó không là hiểu trực tiếp, hiểu do chúng ta đọc qua tâm người khác. Vì vậy, có một số trường hợp các vị Thánh Đệ Tử Phật, các Ngài giỏi về ngôn ngữ, các Ngài giỏi về tri kiến, giỏi về nhiều thứ là do đọc tâm của người khác, mà những người đó phải là người có kiến thức rộng, kiến thức sâu. Trong kinh cũng ghi, có một vài trường hợp Chư vị Phạm Thiên có khả năng đọc tâm của Đức Phật, hay đọc tâm của các vị Alahán, thì các vị hiểu được một số điều, không phải là hiểu hết, chỉ hiểu một số điều, hiểu đó chúng ta gọi là, tha tâm trí

Nói một cách khác, không phải Chư vị Thánh biết được tất cả mọi việc, nhưng đối với những vị có tha tâm thông, trong một số trường hợp khi các vị đối thoại với một người nào đó, hay khi bàn luận với ai đó, do năng lực của tha tâm thông vị này đọc được từ người đó, về kiến văn, về ngôn ngữ, về sự hiểu biết v.v... cái đó chúng ta gọi là, tha tâm trí

Thế trí - sammutiyā ñāṇaṃ

Trí tuệ thứ tư, Thế trí - sammutiyā ñāṇaṃ, dịch là thế trí thì tương đối thoáng. Chữ sammutiyā đúng ra là nói về quy ước, ở đây là, mình học qua các môn học, ví dụ, ở trong rơom Phật Pháp Buddhadhamma khi chúng ta học về Tứ Diệu Đế, khổ, tập, diệt, đạo, cái học của chúng ta, ở đây, không phải là sự hiểu biết của pháp trí, cũng không phải là sự hiểu biết của tùy trí, nó cũng không phải là sự hiểu biết của tha tâm trí, mà sự hiểu biết của chúng ta ở đây là qua quy ước của ngôn ngữ, qua quy ước của trình bày, thì chúng ta cũng hiểu về Tứ Diệu Đế. Như là, chúng tôi nói với qúi vị về  vô thường, khổ, tập, diệt, đạo v.v... , chúng ta hiểu, nhưng cái hiểu của chúng ta dựa trên quy ướt, một môn học, một sự trình bày, sự quảng diễn, như vậy, thì chúng ta hiểu. 

Bốn cách hiểu này, hai cách hiểu đầu tiên là, pháp trítùy trí, đó là, sự hiểu biết chân tướng của các pháp. 

- Pháp trí thì, hiểu trực tiếp, hiểu của tuệ giác, nhìn thẳng được thấu suốt,

- Tùy trí là, dựa trên pháp trí vị này hiểu xa, hiểu sâu thêm.

 và hai cái sau là, tha tâm tríthế trí.

- Tha tâm trí là, mình hiểu một điều gì đó do mình đọc tâm của một người, người mà mình đọc tâm là người có kiến thức trong lãnh vực nào đó, tức là mình vay mượn kiến thức đó. Ví dụ, trường hợp chúng tôi không rành làm vườn, chúng tôi hỏi một người chuyên về làm vườn, người đó cho chúng tôi biết chính xác về việc chúng tôi muốn biết, nhưng điều biết này là do chúng tôi hỏi. Còn trường hợp tha tâm trí thì không cần hỏi, chỉ đọc tâm của người đó là mình biết được.

- Thế trí, ở đây, chữ sammutiyā ñāṇaṃ dịch là thế trí, chúng tôi nói là dịch tạm thôi, nó là một sự hiểu biết có tánh cách quy ướt, có tánh cách môn học, như là, mình biết đọc sách, hay mình trình bày có một bố cục dễ hiểu, rồi người khác nghe họ hiểu. Nói một cách khác, sammutiyā ñāṇaṃ - thế trí này nghiêng về trí văn, trí do chúng ta nghe ở bên ngoài, và cái nghe bên ngoài dĩ nhiên không phải là không có giá trị, nó cũng có giá trị của nó, nhưng, cái trí này nó không khác với trí tưtrí tu.

Do vậy, trong bốn loại trí này, bình thường một người Phật tử hay một vị tu sĩ học Phật Pháp, học qua kinh điển, qua giáo lý, những cái hiểu biết tri kiến của chúng ta thuộc về thế trí biện thông. Thuộc về thế trí có nghĩa là, chúng ta dựa trên ngôn ngữ, dựa trên lý luận, dựa trên phương thức giảng giải mà chúng ta hiểu được vấn đề, như chúng ta đang trình bày ở trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma này, gọi là sammutiyā ñāṇaṃ, dịch là quy ướt, do quy ướt, do cách trình bày. Nhưng, chúng ta không tính trường hợp của tha tâm trí, tại vì tha tâm trí là trường hợp đặc biệt do một vị có khả năng đọc tâm của người khác, do họ có khả năng đọc tâm người khác nên họ có thể hiểu được nhiều điều mà chúng ta bình thường không có. 

Hai pháp đầu, chúng ta nên hiểu pháp trí là một thứ trí tu, do kinh nghiệm thực chứng, do thực nghiệm. Và tùy trí trí tư, nhưng trí tư này, dựa trên trí tu tức là tùy trí, sự hiểu biết dựa trên pháp trí. Về điều này, cho chúng ta một đào sâu một suy tư khác về khả năng nhận hiểu trong đời sống.

Bây giờ, chúng tôi trở về một khía cạnh liên quan đến bốn loại trí này. 

Có rất nhiều trường hợp, trong cuộc sống của chúng ta, mình quan niệm rằng mình muốn hiểu điều gì, mình phải nghe, phải học nhiều, lý luận nhiều, giỏi về ngôn ngữ, thật ra tất cả những gì chúng ta nghe, chúng ta học ở bên ngoài điều đó nói theo chữ Hán là thế trí biện thông, tức là sự hiểu biết mang tánh cách thường thức, mang tánh cách lý luận, mang tánh cách ngôn từ ở bên ngoài, và cho dù chúng ta nói thế nào đi nữa thì điều đó chỉ là một sự quy ướt của ngôn ngữ. Nói theo kinh Phật thì đó thuộc về trí văn.

Nhưng mà rồi, chúng ta có một sai lầm khác, mình nghĩ khi muốn hiểu điều gì mình phải suy nghĩ thật nhiều, thật lung, gọi là trí tư. Thật sự mà nói, suy tư cũng là một chuyện tốt, nhưng không hẳn lúc nào suy tư cũng giúp chúng ta biết đích xác, thí dụ, chúng tôi đang băng ngang qua tiểu bang Arkansas để đi đến Missouri, chúng tôi có thể kể cho qúi vị nghe ở trên đường đi có hoa như vậy, có cây, có rừng như vậy, có thế này, thế kia, chúng tôi diễn tả, và qúi vị có thể suy tư rất nhiều để có thể tưởng tượng ra, nhưng sự tưởng tượng đó không giống như chính chúng ta thể nghiệm, chính chúng ta đang ngồi trên xe đi ngang qua. Hay là, chúng tôi ăn một món gì đó, chúng tôi diễn tả cho qúi vị nghe món đó ngọt như vậy, ngon như vậy, nhưng qúi vị nghe qúi vị có thể suy tư ra, thì  suy tư đó chỉ ở một mức độ chừng mực nào đó thôi.

 Do vậy, tuệ giác trong kinh Phật phải là một thứ trí gọi là trí tu, ở đây, dùng chữ pháp trí là, thực chứng, biết một cách trực tiếp.

Lý do đó nên, từ ngàn xưa trong truyền thống Phật Giáo, mặc dầu có khuyến khích chúng ta học pháp, nghe pháp, nhưng mà lại, khuyến khích chúng ta một việc khác là, chúng ta phải tự thân thực hành. 

Một khi hành giả, quán sát những hiện tượng sanh và diệt ở thân và tâm của mình, và tự mình thể nghiệm, tự mình quán sát, thấy được sự hiện hữu cuộc sống là giòng chảy, nó đắp đỗi bởi sanh và diệt, thì cảm giác nó hoàn toàn khác với cái chúng ta ngồi suy diễn, hay là, chúng ta tưởng tượng. Mình nên nhớ ở đây cái chúng ta gọi là tùy trí, hay là, anvaye ñāṇaṃ, nó phải dựa trên pháp trí, nếu mà trí tư không dựa trên trí tu, thì trí tư đó chỉ là sự suy tư mông lung mà thôi. 

Chư Phật và Chư vị Thánh Đệ Tử, khi các Ngài thắp sáng tuệ giác, chứng Niết-bàn, sau đó các Ngài hồi quán tức là suy niệm lại những gì các Ngài trải qua, thì những gì các Ngài suy niệm không phải do trí tưởng tượng tạo nên, mà do tuệ giác lấy được từ những kinh nghiệm đã từng trải qua.

Nên trong bốn loại trí này, chúng ta đặc biệt không nhấn mạnh nhiều về tha tâm trí, một khả năng mà tương đối ít người chúng ta có được, khả năng đó chỉ có những vị tu tập về thiền định có tha tâm trí thôi, nhưng, pháp trí,  tùy trí, và thế trí  là ba phương diện hiểu biết của chúng ta, nhận thức của chúng ta đối với sự việc.

 - Pháp trí, có thể nói tương tựa như trí tu là, hiểu biết thực tại một cách trực tiếp.

- Tùy trí trí tư, sự suy tư nhưng dựa trên pháp trí. Ở đây, không phải là sự suy tư mông lung, mà dựa trên pháp trí là dựa trên kinh nghiệm trải qua.

- Thế trí. Khi chúng ta nói thế trí, ở đây, không phải là trí tuệ của thế gian bên ngoài, nhiều khi chúng ta hiểu do mình học về văn học nghệ thuật v.v... mà ở đây, khi nói đến sammutiyā ñāṇaṃ, cũng là trí tuệ hiểu biết về, vô thường, khổ, vô ngã, nhưng do kinh điển, do bài giảng qua sự trình bày của ngôn từ, của lý luận, của thường thức. Chúng ta tạm gọi là trí tuệ dựa trên quy ướt.

Trong bốn loại trí này, ở đây, Đức Phật Ngài dạy không có nghĩa chúng ta chỉ dùng một thứ và bỏ những thứ khác, dĩ nhiên, sự hiểu biết của chúng ta có những cái do sự thể nghiệm có chiều sâu, và có những thứ do suy tư, có những thứ do nghe lại, tất cả đều có lợi lạc. Nếu chúng ta học trong những bài học sắp tới nói về các chi phần của một vị dự lưu, ở trong đó, có cái gọi là nghe diệu pháp, thì nghe diệu pháp cũng thuộc về sammutiyā ñāṇaṃ.  Đức Phật Ngài không phủ nhận giá trị về điều này, Ngài dạy tuệ giác mà đích thực là pháp trí, thì pháp trí đó là do bản thân của chúng ta thể nghiệm, bản thân của chúng ta thực chứng ở trên kinh nghiệm cụ thể.

Trong kinh Niệm Xứ, có dịp thì chúng ta trở lại những tuệ của thiền minh xác, mới thấy được khả năng thấu triệt thấy biết vấn đề một cách trực tiếp là một mãnh lực rất mạnh mẽ cho chúng ta một cái nhìn khác đi. Ngày nay, nền tân giáo dục khác thời xưa ở một điểm là, thời xưa dựa trên ngôn ngữ, dựa trên sách vở, ngày nay người ta dựa trên sự thực hành, dựa trên sự trải nghiệm cụ thể, do sự thực hành đó người ta nắm bắt được vấn đề thì nó lại khác, đó là, chúng ta nói về những môn học của thế gian. Còn đòi hỏi sự thực nghiệm thì đối với học Phật Pháp, sự thực nghiệm rất quan trọng, thí dụ như là, bây giờ chúng hay nói thiện ác do mình, đó là cách nói của thường thức, dĩ nhiên, mình nói thiện ác do mình, nhưng mà, khi một hành giả đi vào trong thế giới của quán niệm, đọc trong kinh Vô Ngã Tướng, nói rằng: 

- Này Chư Tỳ Kheo, hành uẩn là vô ngã, hành uẩn không phải là của ta, nếu hành uẩn là của ta thì người đời có thể nói rằng xin cho hành uẩn của ta như thế này, đừng như thế kia, bởi vì hành uẩn là vô ngã, nên người đời không có thể nói xin cho hành uẩn như thế này và đừng như thế kia.

 - Rồi này Chư Tỳ Kheo, các con cho hành uẩn là thường hay vô thường? 

- Bạch Đức Thế Tôn, hành uẩn là vô thường.

- Những gì vô thường điều đó là khổ hay vui?

- Bạch Đức Thế Tôn, là khổ

- Những gì vô thường là khổ, có sự biến hoại theo lẽ thường, thì có nên cho đó là của ta, là ta, và tự ngã của ta chăng?

- Bạch Đức Thế Tôn, chẳng nên.

Khi đọc đoạn kinh trên, không đơn giản để chúng ta hiểu về hành uẩn, một khi hành Tứ Niệm Xứ, mới thấy quan niệm về thiện ác, hành động về thiện ác của chúng ta không có lúc nào cũng như ý chúng ta, lấy ví dụ là, mình đồng ý tập thể dục là tốt, mình đồng ý đi chùa là tốt, đồng ý tụng kinh là tốt, nhưng ở một thời lúc nào đó, mình thấy nó là tốt, nhưng lúc khác tự nhiên ý tưởng đó không đủ mạnh, không đủ quyết đoán để cho chúng ta thực hành điều đó, bởi vì chúng ta làm việc gì cũng phải có cái ý muốn, phải có sự tha thiết, nhưng ngay cả khi hành Tứ Niệm Xứ thì mình thấy cái ý muốn, cái tha thiết của chúng ta có hạn chế, có khi nó có, có khi nó sanh, có khi nó diệt, bởi vậy, chúng ta gọi hành uẩn là vô ngã, có lúc như thế này, có lúc như thế kia, mình không có làm chủ nó được hoàn toàn,

 Sự thấy, sắc uẩn là vô ngã, thọ uẩn là vô ngã, tưởng uẩn là vô ngã, hành uẩn là vô ngã, thức uẩn là vô ngã, đó là trên phương diện lý thuyết, chúng ta không hiểu, cho đến khi nào thực hành Tứ Niệm Xứ, mình thấy rõ tại sao cái cảm giác vui đó khi mình không muốn nó đến nó vẫn đến, khi nó đi mình không níu nó lại được. Bây giờ, chúng ta nói về tưởng uẩn, mình học ngôn ngữ chẳng hạn, mình học tiếng Anh, tiếng Pháp, tại sao có lúc mình nhớ, có lúc mình quên, có lúc mình cảm thấy chữ đó mình không muốn nhớ nó lại hiện về, lúc mình muốn nhớ, mình suy nghĩ, lại quên chữ đó đi. Thì cái chợt nhớ, chợt quên đó, cũng là đặc tính vô ngã nằm ở trong tưởng uẩn, thì chúng ta hiểu tưởng uẩn như vậy. Một khi hành giả sống thường xuyên với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bấy giờ hành giả mới thấy rằng những thứ này nó hoàn toàn không có theo ý của mình.

Thì ở đây, trong bốn loại trí, pháp trí, tùy trí, tha tâm trí, và thế trí thì chúng ta không có đặt sâu vào tâm, cái trí mà nó hời hợt ở bên ngoài nhất đó là thế trí, nó tương tự như trí văn, tương tự trong cách nói bình thường của chúng ta tức là trí do nghe, do cái trình bày, do cái lý luận. Trí tư là do suy niệm dựa trên pháp trí gọi là tùy trí.

Đọc những đề tài pháp, Tứ Diệu Đế, Thất Giác Chi trên thân và tâm của mình, về điểm này, chúng tôi phải nói trong các vị thiền sư, một vị mà chúng tôi thấy dạy về pháp quán niệm xứ có rất nhiều lợi lạc cho chúng ta và chúng ta rất là nên đọc, đó là, Ngài Ajhan Chaa, Ngài đặc biệt dạy những đệ tử quán Tứ Diệu Đế dựa trong đời sống hàng ngày, nếu qúi vị nghe kỹ, qúi vị cảm thấy những điều đó rất là lợi lạc. Dĩ nhiên, mình không thể đọc những đề tài Pháp trong kinh được, không thể nghe qua những bài giảng được, nhưng, đọc những đề tài pháp đó ngay trên cuộc sống hàng ngày, chính bản thân của mình, nó có một ảnh hưởng rất lớn, và dĩ nhiên, pháp trí ở đây chúng ta nói đến sự tỉnh giác đến từ sự thực hành Tứ Niệm Xứ mà ra.

Hôm nay, chúng ta nói về bốn trí này, bốn tri kiến hiểu biết chơn thực, ngoại trừ tha tâm trí còn ba trí kia, tương đối gần giống như ý nghĩa chúng ta nói về trí tu, trí tư, và trí văn, tức là, văn huệ, tu huệ, và tư huệ./.