Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.11
XI) Bốn trí
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 11 tháng 3, năm 2019
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta học về bốn loại trí - ñāṇāni.
Chữ trí - ñāṇāni, ở đây là, hiểu biết đúng, hiểu biết chính xác.
Có bốn loại trí, ở đây, đều nhắm vào sự hiểu biết. Nói rõ hơn là hiểu bản chất thật, hay hiểu về Pháp.
Dhamme ñāṇaṃ - Pháp trí
Đầu tiên là, dhamme ñāṇaṃ - pháp trí. Theo trong bản sớ giải, pháp trí ở đây không phải là trí tuệ hiểu biết về Phật Pháp, mà pháp trí là sự nhận biết trực tiếp đối với thân và tâm của chúng ta. Nói rõ hơn đây là, trí tu của một hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ, hay một vị Giác Ngộ, mà vị đó nhìn thấy và hiểu biết được giáo lý duyên khởi trực tiếp qua thân và tâm của mình.
Về điểm này, trong truyền thống Phật Giáo, cũng giống như, đối với khoa học ngày nay, chúng ta không nghĩ trong mọi trường hợp mình biết cái gì đó do mình suy tư, mà, thay vào đó là do sự quan sát, sự thực nghiệm. Thì do mình quan sát, mình nhận thấy, ví dụ, hành giả khi quán về pháp quán Niệm Xứ, vị này sẽ đọc những đề tài như là, Tứ Đế: đây là Khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường dẫn đến diệt khổ, không phải qua sách vở, mà qua chính thân và tâm của mình. Chúng ta gọi đó là những cái biết trực tiếp, gọi là pháp trí.
Tùy trí - anvaye ñāṇaṃ
Theo trong Tương Ưng Bộ Kinh, và, trong Vô Ngại Giải Đạo, có một thứ trí thứ hai gọi là anvaye ñāṇaṃ, Ngài Tịnh Sự và HT Minh Châu dịch theo bản chữ Hán là, lập tại trí, chúng tôi muốn dịch là, tùy trí.
Tùy trí là, một thứ trí tuệ không phải do mình hiểu trực tiếp, mà do mình dựa trên pháp trí mà ra. Có hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất, một vị đắc đạo chứng quả, sau khi đắc đạo chứng quả vị này hồi quán, tức là nhìn lại, khi nhìn lại vị này hiểu được một số sự việc.
- Trường hợp thứ hai, hành giả dựa trên sự kinh nghiệm trực tiếp của mình và từ đó tạo ra những suy luận và những suy luận này giúp vị này hiểu thêm về điểm đó. Chúng tôi lấy một ví dụ, trong cuộc sống của chúng ta có nhiều sự hiểu biết do tự thân mình kinh nghiệm, mình làm rồi mình hiểu, hiểu tại chỗ, mình hiểu trực tiếp, nhưng cũng có những thứ trí tuệ gọi là anvaye ñāṇaṃ, nghĩa là, sau khi mình làm, rồi mình suy xét lại, mình nghĩ lại, và từ chỗ đó mình hiểu thêm ra. Thì đối với hành giả tu tập, về điểm này, nó rất cần thiết để chúng ta hiểu được rằng, thỉnh thoảng trong cuộc sống chúng ta có hồi quán, tức là nhìn lại, do sự nhìn lại trên kinh nghiệm thực tế của mình. Tức là, tùy trí đi theo pháp trí, nên chúng ta gọi chữ tùy là vậy. Như trong bản dịch của Tương Ưng Bộ kinh, nó là một sự hiểu biết của suy luận.
Nói một cách khác, ở trong ba loại trí, pháp trí thuộc về trí tu, và tùy trí thuộc về trí tư. Nhưng, trí tư này không đơn giản là suy luận, nó phải dựa lên trên trí tu mà ra.
Tha tâm trí - pariye ñāṇaṃ
Trí tuệ thứ ba, Tha tâm trí - pariye ñāṇaṃ, có thể hiểu là, "một sự hiểu biết có tánh cách mượn", ví dụ, những vị đắc đạo chứng quả có tha tâm thông, khi các vị nói chuyện với một ai các vị có thể đọc được tâm của người đó, do đó, các vị có thể xử dụng được ngôn ngữ của người đó, và hiểu được nhiều sự hiểu biết của người đó. Đây là một chuyện chúng tôi nói như chuyện đùa thôi, ví dụ, TT Tuệ Siêu là vị biết rất nhiều về Phạn ngữ Pali, nếu vị nào có được tha tâm thông thì có thể đọc qua sự suy tư của TT Tuệ Siêu về tiếng Pali, qua đó, người này cũng có thể hiểu tiếng Pali được, nhưng, hiểu đó không là hiểu trực tiếp, hiểu do chúng ta đọc qua tâm người khác. Vì vậy, có một số trường hợp các vị Thánh Đệ Tử Phật, các Ngài giỏi về ngôn ngữ, các Ngài giỏi về tri kiến, giỏi về nhiều thứ là do đọc tâm của người khác, mà những người đó phải là người có kiến thức rộng, kiến thức sâu. Trong kinh cũng ghi, có một vài trường hợp Chư vị Phạm Thiên có khả năng đọc tâm của Đức Phật, hay đọc tâm của các vị Alahán, thì các vị hiểu được một số điều, không phải là hiểu hết, chỉ hiểu một số điều, hiểu đó chúng ta gọi là, tha tâm trí.
Nói một cách khác, không phải Chư vị Thánh biết được tất cả mọi việc, nhưng đối với những vị có tha tâm thông, trong một số trường hợp khi các vị đối thoại với một người nào đó, hay khi bàn luận với ai đó, do năng lực của tha tâm thông vị này đọc được từ người đó, về kiến văn, về ngôn ngữ, về sự hiểu biết v.v... cái đó chúng ta gọi là, tha tâm trí.
Thế trí - sammutiyā ñāṇaṃ
Trí tuệ thứ tư, Thế trí - sammutiyā ñāṇaṃ, dịch là thế trí thì tương đối thoáng. Chữ sammutiyā đúng ra là nói về quy ước, ở đây là, mình học qua các môn học, ví dụ, ở trong rơom Phật Pháp Buddhadhamma khi chúng ta học về Tứ Diệu Đế, khổ, tập, diệt, đạo, cái học của chúng ta, ở đây, không phải là sự hiểu biết của pháp trí, cũng không phải là sự hiểu biết của tùy trí, nó cũng không phải là sự hiểu biết của tha tâm trí, mà sự hiểu biết của chúng ta ở đây là qua quy ước của ngôn ngữ, qua quy ước của trình bày, thì chúng ta cũng hiểu về Tứ Diệu Đế. Như là, chúng tôi nói với qúi vị về vô thường, khổ, tập, diệt, đạo v.v... , chúng ta hiểu, nhưng cái hiểu của chúng ta dựa trên quy ướt, một môn học, một sự trình bày, sự quảng diễn, như vậy, thì chúng ta hiểu.
Bốn cách hiểu này, hai cách hiểu đầu tiên là, pháp trí và tùy trí, đó là, sự hiểu biết chân tướng của các pháp.
- Pháp trí thì, hiểu trực tiếp, hiểu của tuệ giác, nhìn thẳng được thấu suốt,
- Tùy trí là, dựa trên pháp trí vị này hiểu xa, hiểu sâu thêm.
và hai cái sau là, tha tâm trí và thế trí.
- Tha tâm trí là, mình hiểu một điều gì đó do mình đọc tâm của một người, người mà mình đọc tâm là người có kiến thức trong lãnh vực nào đó, tức là mình vay mượn kiến thức đó. Ví dụ, trường hợp chúng tôi không rành làm vườn, chúng tôi hỏi một người chuyên về làm vườn, người đó cho chúng tôi biết chính xác về việc chúng tôi muốn biết, nhưng điều biết này là do chúng tôi hỏi. Còn trường hợp tha tâm trí thì không cần hỏi, chỉ đọc tâm của người đó là mình biết được.
- Thế trí, ở đây, chữ sammutiyā ñāṇaṃ dịch là thế trí, chúng tôi nói là dịch tạm thôi, nó là một sự hiểu biết có tánh cách quy ướt, có tánh cách môn học, như là, mình biết đọc sách, hay mình trình bày có một bố cục dễ hiểu, rồi người khác nghe họ hiểu. Nói một cách khác, sammutiyā ñāṇaṃ - thế trí này nghiêng về trí văn, trí do chúng ta nghe ở bên ngoài, và cái nghe bên ngoài dĩ nhiên không phải là không có giá trị, nó cũng có giá trị của nó, nhưng, cái trí này nó không khác với trí tư và trí tu.
Do vậy, trong bốn loại trí này, bình thường một người Phật tử hay một vị tu sĩ học Phật Pháp, học qua kinh điển, qua giáo lý, những cái hiểu biết tri kiến của chúng ta thuộc về thế trí biện thông. Thuộc về thế trí có nghĩa là, chúng ta dựa trên ngôn ngữ, dựa trên lý luận, dựa trên phương thức giảng giải mà chúng ta hiểu được vấn đề, như chúng ta đang trình bày ở trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma này, gọi là sammutiyā ñāṇaṃ, dịch là quy ướt, do quy ướt, do cách trình bày. Nhưng, chúng ta không tính trường hợp của tha tâm trí, tại vì tha tâm trí là trường hợp đặc biệt do một vị có khả năng đọc tâm của người khác, do họ có khả năng đọc tâm người khác nên họ có thể hiểu được nhiều điều mà chúng ta bình thường không có.
Hai pháp đầu, chúng ta nên hiểu pháp trí là một thứ trí tu, do kinh nghiệm thực chứng, do thực nghiệm. Và tùy trí là trí tư, nhưng trí tư này, dựa trên trí tu tức là tùy trí, sự hiểu biết dựa trên pháp trí. Về điều này, cho chúng ta một đào sâu một suy tư khác về khả năng nhận hiểu trong đời sống.
Bây giờ, chúng tôi trở về một khía cạnh liên quan đến bốn loại trí này.
Có rất nhiều trường hợp, trong cuộc sống của chúng ta, mình quan niệm rằng mình muốn hiểu điều gì, mình phải nghe, phải học nhiều, lý luận nhiều, giỏi về ngôn ngữ, thật ra tất cả những gì chúng ta nghe, chúng ta học ở bên ngoài điều đó nói theo chữ Hán là thế trí biện thông, tức là sự hiểu biết mang tánh cách thường thức, mang tánh cách lý luận, mang tánh cách ngôn từ ở bên ngoài, và cho dù chúng ta nói thế nào đi nữa thì điều đó chỉ là một sự quy ướt của ngôn ngữ. Nói theo kinh Phật thì đó thuộc về trí văn.
Nhưng mà rồi, chúng ta có một sai lầm khác, mình nghĩ khi muốn hiểu điều gì mình phải suy nghĩ thật nhiều, thật lung, gọi là trí tư. Thật sự mà nói, suy tư cũng là một chuyện tốt, nhưng không hẳn lúc nào suy tư cũng giúp chúng ta biết đích xác, thí dụ, chúng tôi đang băng ngang qua tiểu bang Arkansas để đi đến Missouri, chúng tôi có thể kể cho qúi vị nghe ở trên đường đi có hoa như vậy, có cây, có rừng như vậy, có thế này, thế kia, chúng tôi diễn tả, và qúi vị có thể suy tư rất nhiều để có thể tưởng tượng ra, nhưng sự tưởng tượng đó không giống như chính chúng ta thể nghiệm, chính chúng ta đang ngồi trên xe đi ngang qua. Hay là, chúng tôi ăn một món gì đó, chúng tôi diễn tả cho qúi vị nghe món đó ngọt như vậy, ngon như vậy, nhưng qúi vị nghe qúi vị có thể suy tư ra, thì suy tư đó chỉ ở một mức độ chừng mực nào đó thôi.
Do vậy, tuệ giác trong kinh Phật phải là một thứ trí gọi là trí tu, ở đây, dùng chữ pháp trí là, thực chứng, biết một cách trực tiếp.
Lý do đó nên, từ ngàn xưa trong truyền thống Phật Giáo, mặc dầu có khuyến khích chúng ta học pháp, nghe pháp, nhưng mà lại, khuyến khích chúng ta một việc khác là, chúng ta phải tự thân thực hành.
Một khi hành giả, quán sát những hiện tượng sanh và diệt ở thân và tâm của mình, và tự mình thể nghiệm, tự mình quán sát, thấy được sự hiện hữu cuộc sống là giòng chảy, nó đắp đỗi bởi sanh và diệt, thì cảm giác nó hoàn toàn khác với cái chúng ta ngồi suy diễn, hay là, chúng ta tưởng tượng. Mình nên nhớ ở đây cái chúng ta gọi là tùy trí, hay là, anvaye ñāṇaṃ, nó phải dựa trên pháp trí, nếu mà trí tư không dựa trên trí tu, thì trí tư đó chỉ là sự suy tư mông lung mà thôi.
Chư Phật và Chư vị Thánh Đệ Tử, khi các Ngài thắp sáng tuệ giác, chứng Niết-bàn, sau đó các Ngài hồi quán tức là suy niệm lại những gì các Ngài trải qua, thì những gì các Ngài suy niệm không phải do trí tưởng tượng tạo nên, mà do tuệ giác lấy được từ những kinh nghiệm đã từng trải qua.
Nên trong bốn loại trí này, chúng ta đặc biệt không nhấn mạnh nhiều về tha tâm trí, một khả năng mà tương đối ít người chúng ta có được, khả năng đó chỉ có những vị tu tập về thiền định có tha tâm trí thôi, nhưng, pháp trí, tùy trí, và thế trí là ba phương diện hiểu biết của chúng ta, nhận thức của chúng ta đối với sự việc.
- Pháp trí, có thể nói tương tựa như trí tu là, hiểu biết thực tại một cách trực tiếp.
- Tùy trí là trí tư, sự suy tư nhưng dựa trên pháp trí. Ở đây, không phải là sự suy tư mông lung, mà dựa trên pháp trí là dựa trên kinh nghiệm trải qua.
- Thế trí. Khi chúng ta nói thế trí, ở đây, không phải là trí tuệ của thế gian bên ngoài, nhiều khi chúng ta hiểu do mình học về văn học nghệ thuật v.v... mà ở đây, khi nói đến sammutiyā ñāṇaṃ, cũng là trí tuệ hiểu biết về, vô thường, khổ, vô ngã, nhưng do kinh điển, do bài giảng qua sự trình bày của ngôn từ, của lý luận, của thường thức. Chúng ta tạm gọi là trí tuệ dựa trên quy ướt.
Trong bốn loại trí này, ở đây, Đức Phật Ngài dạy không có nghĩa chúng ta chỉ dùng một thứ và bỏ những thứ khác, dĩ nhiên, sự hiểu biết của chúng ta có những cái do sự thể nghiệm có chiều sâu, và có những thứ do suy tư, có những thứ do nghe lại, tất cả đều có lợi lạc. Nếu chúng ta học trong những bài học sắp tới nói về các chi phần của một vị dự lưu, ở trong đó, có cái gọi là nghe diệu pháp, thì nghe diệu pháp cũng thuộc về sammutiyā ñāṇaṃ. Đức Phật Ngài không phủ nhận giá trị về điều này, Ngài dạy tuệ giác mà đích thực là pháp trí, thì pháp trí đó là do bản thân của chúng ta thể nghiệm, bản thân của chúng ta thực chứng ở trên kinh nghiệm cụ thể.
Trong kinh Niệm Xứ, có dịp thì chúng ta trở lại những tuệ của thiền minh xác, mới thấy được khả năng thấu triệt thấy biết vấn đề một cách trực tiếp là một mãnh lực rất mạnh mẽ cho chúng ta một cái nhìn khác đi. Ngày nay, nền tân giáo dục khác thời xưa ở một điểm là, thời xưa dựa trên ngôn ngữ, dựa trên sách vở, ngày nay người ta dựa trên sự thực hành, dựa trên sự trải nghiệm cụ thể, do sự thực hành đó người ta nắm bắt được vấn đề thì nó lại khác, đó là, chúng ta nói về những môn học của thế gian. Còn đòi hỏi sự thực nghiệm thì đối với học Phật Pháp, sự thực nghiệm rất quan trọng, thí dụ như là, bây giờ chúng hay nói thiện ác do mình, đó là cách nói của thường thức, dĩ nhiên, mình nói thiện ác do mình, nhưng mà, khi một hành giả đi vào trong thế giới của quán niệm, đọc trong kinh Vô Ngã Tướng, nói rằng:
- Này Chư Tỳ Kheo, hành uẩn là vô ngã, hành uẩn không phải là của ta, nếu hành uẩn là của ta thì người đời có thể nói rằng xin cho hành uẩn của ta như thế này, đừng như thế kia, bởi vì hành uẩn là vô ngã, nên người đời không có thể nói xin cho hành uẩn như thế này và đừng như thế kia.
- Rồi này Chư Tỳ Kheo, các con cho hành uẩn là thường hay vô thường?
- Bạch Đức Thế Tôn, hành uẩn là vô thường.
- Những gì vô thường điều đó là khổ hay vui?
- Bạch Đức Thế Tôn, là khổ
- Những gì vô thường là khổ, có sự biến hoại theo lẽ thường, thì có nên cho đó là của ta, là ta, và tự ngã của ta chăng?
- Bạch Đức Thế Tôn, chẳng nên.
Khi đọc đoạn kinh trên, không đơn giản để chúng ta hiểu về hành uẩn, một khi hành Tứ Niệm Xứ, mới thấy quan niệm về thiện ác, hành động về thiện ác của chúng ta không có lúc nào cũng như ý chúng ta, lấy ví dụ là, mình đồng ý tập thể dục là tốt, mình đồng ý đi chùa là tốt, đồng ý tụng kinh là tốt, nhưng ở một thời lúc nào đó, mình thấy nó là tốt, nhưng lúc khác tự nhiên ý tưởng đó không đủ mạnh, không đủ quyết đoán để cho chúng ta thực hành điều đó, bởi vì chúng ta làm việc gì cũng phải có cái ý muốn, phải có sự tha thiết, nhưng ngay cả khi hành Tứ Niệm Xứ thì mình thấy cái ý muốn, cái tha thiết của chúng ta có hạn chế, có khi nó có, có khi nó sanh, có khi nó diệt, bởi vậy, chúng ta gọi hành uẩn là vô ngã, có lúc như thế này, có lúc như thế kia, mình không có làm chủ nó được hoàn toàn,
Sự thấy, sắc uẩn là vô ngã, thọ uẩn là vô ngã, tưởng uẩn là vô ngã, hành uẩn là vô ngã, thức uẩn là vô ngã, đó là trên phương diện lý thuyết, chúng ta không hiểu, cho đến khi nào thực hành Tứ Niệm Xứ, mình thấy rõ tại sao cái cảm giác vui đó khi mình không muốn nó đến nó vẫn đến, khi nó đi mình không níu nó lại được. Bây giờ, chúng ta nói về tưởng uẩn, mình học ngôn ngữ chẳng hạn, mình học tiếng Anh, tiếng Pháp, tại sao có lúc mình nhớ, có lúc mình quên, có lúc mình cảm thấy chữ đó mình không muốn nhớ nó lại hiện về, lúc mình muốn nhớ, mình suy nghĩ, lại quên chữ đó đi. Thì cái chợt nhớ, chợt quên đó, cũng là đặc tính vô ngã nằm ở trong tưởng uẩn, thì chúng ta hiểu tưởng uẩn như vậy. Một khi hành giả sống thường xuyên với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bấy giờ hành giả mới thấy rằng những thứ này nó hoàn toàn không có theo ý của mình.
Thì ở đây, trong bốn loại trí, pháp trí, tùy trí, tha tâm trí, và thế trí thì chúng ta không có đặt sâu vào tâm, cái trí mà nó hời hợt ở bên ngoài nhất đó là thế trí, nó tương tự như trí văn, tương tự trong cách nói bình thường của chúng ta tức là trí do nghe, do cái trình bày, do cái lý luận. Trí tư là do suy niệm dựa trên pháp trí gọi là tùy trí.
Đọc những đề tài pháp, Tứ Diệu Đế, Thất Giác Chi trên thân và tâm của mình, về điểm này, chúng tôi phải nói trong các vị thiền sư, một vị mà chúng tôi thấy dạy về pháp quán niệm xứ có rất nhiều lợi lạc cho chúng ta và chúng ta rất là nên đọc, đó là, Ngài Ajhan Chaa, Ngài đặc biệt dạy những đệ tử quán Tứ Diệu Đế dựa trong đời sống hàng ngày, nếu qúi vị nghe kỹ, qúi vị cảm thấy những điều đó rất là lợi lạc. Dĩ nhiên, mình không thể đọc những đề tài Pháp trong kinh được, không thể nghe qua những bài giảng được, nhưng, đọc những đề tài pháp đó ngay trên cuộc sống hàng ngày, chính bản thân của mình, nó có một ảnh hưởng rất lớn, và dĩ nhiên, pháp trí ở đây chúng ta nói đến sự tỉnh giác đến từ sự thực hành Tứ Niệm Xứ mà ra.
Hôm nay, chúng ta nói về bốn trí này, bốn tri kiến hiểu biết chơn thực, ngoại trừ tha tâm trí còn ba trí kia, tương đối gần giống như ý nghĩa chúng ta nói về trí tu, trí tư, và trí văn, tức là, văn huệ, tu huệ, và tư huệ./.
No comments:
Post a Comment