Thursday, January 28, 2016

Người bệnh - Tăng Chi Bộ Kinh - Phẩm Người

Kinh Người bệnh - Tăng Chi Bộ Kinh - Chương 2

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Budhadhamma, ngày 30-6-2015 Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đôi khi trong nhiều lãnh vực đặc biệt trên phương diện đạo giáo, trên phương diện tôn giáo tín ngưỡng chúng ta nói điều gì thường hay nói một cách tuyệt đối. Thí dụ,  chúng ta có niềm tin vào một ngôi chùa, một pho tượng, hay một đấng thiêng liêng nào chúng ta luôn luôn nói nếu ai tin mà tin một cách tuyệt đối thì họ sẽ được. Nhưng trong thực tế, ngay cả những người rất sùng tín cũng có những người được, có những người không, chứ không phải ai cũng được hết. Và ở trong đời sống chúng ta hàng ngày  nói đến thuốc quảng cáo thuốc mình nói cách đó là tốt nhứt. Hầu như đối với chúng ta là tốt tuyệt đối, lúc nào chúng ta cũng nói tốt. 

Đức Phật Ngài qua bài kinh này cho chúng ta biết rằng có 3 trường hợp: 

- 1. Trường hợp có người bệnh dù được uống thuốc cách nào, dù được chăm sóc cách nào cũng không khỏi bệnh. Chuyện đó có chứ không phải không có, nhưng nếu người nào đó họ lấy thí dụ này để đem áp dụng cho mọi trường hợp thì sai. 

Chúng tôi có quen với một vị Sư cũng lớn tuổi, Sư không hút thuốc nhưng khi nghe bác sĩ hay người khác nói về sự nguy hiểm của hút thuốc, Sư hay dẫn chứng: không biết bác sĩ họ nói sao chứ tôi thấy ở VN có mấy ông cụ hút thuốc cả đời, ngày nào cũng hút thuốc nhưng sống 7, 8 chục tuổi. Điều đó cũng có chứ không phải không có, cũng có một vài cá nhân hút thuốc cả đời không sao hết nhưng cũng có những người hút thuốc bị ung thư phổi, bị những bịnh này bịnh kia.

Thì ở đây, Đức Phật Ngài cho chúng ta biết không thể lấy một trường hợp đơn cử để áp dụng cho tất cả.

 - 2. Trường hợp thứ hai, có những người bịnh không cần chữa trị không cần thuốc men, nói cách khác người này bịnh nhưng rồi tự hết, không cần tới những việc chăm sóc chữa trị. Điều này cũng có xảy ra chứ không phải không xảy ra. Bên VN chúng ta có câu: "Trời đẻ trời nuôi" hay "Trời sanh voi sanh cỏ". Có nhiều người bị bệnh không ai chăm sóc nhất là những người nghèo, những cô nhi v.v... bệnh thì ráng chịu đựng rồi cũng qua. Điều này có chứ không phải không.

- 3. Trường hợp thứ ba: Một người bệnh được chăm sóc được uống thuốc và nhờ chăm sóc uống thuốc khỏi bệnh. Đức Phật Ngài dạy chính vì người này, chính hạng người thứ ba này nên chúng ta nên chăm sóc, nên cho uống thuốc, nên tìm cách chữa trị cho những người bệnh. 

Hai hạng người đầu được tính là ngoại lệ:

- Hạng người bệnh  nan y thầy thuốc chạy, vô phương cứu chữa thì hạng người đó có chữa đến đâu cũng không hết thì không nên dùng những người đó làm thí dụ.

- Hạng người thứ hai, hạng người không cần chữa không cần uống thuốc cũng hết thì cũng không nên làm thí dụ. 

- Và chính hạng người thứ ba này, do đó khi chúng ta bệnh chúng ta nên uống thuốc, nên được chăm sóc, nên được chữa trị.

Đức Phật Ngài dạy việc trị liệu cũng giống như việc hoằng pháp. Có những người Phật Pháp có nói đến đâu đi nữa họ cũng không thay đổi. 

Chúng tôi nhớ, cách đây vài năm có một vị nha sĩ quen với một người quen chúng tôi, đến gặp chúng tôi. Vị này có người vợ rất thương và người vợ chết. Vị nha sĩ đến với chúng tôi đặt vấn đề: "Thầy có biết là vợ con tái sanh ở đâu không?"

Chúng tôi trả lời thành thật là chúng tôi không biết. Và vị này hỏi:
- "Vậy làm sao con biết vợ con sanh ở đâu?"

Chúng tôi trả lời: "ở trong Phật Pháp không nói điều đó, những người tu hành có đắc đạo chứng quả có nhãn thông có khi họ có thể biết được, nhưng mình không biết được điều đó". Thì vị này rất thất vọng và vị này gặp được một số người nói có một ông Thầy có thể soi kiếp, có thể biết được kiếp trước kiếp sau, và ông nha sĩ đi tới ông Thầy đó. 

Chúng tôi biết  có những người nói họ thấy được người này sanh cõi này, người sanh cõi kia, thì thật sự chúng tôi phải nói riêng trong trường hợp này chúng tôi biết người này tự xưng như vậy chứ họ không thật sự biết, bởi vì chúng tôi biết rõ vị đó, nhưng ông nha sĩ này rất tin và rốt cuộc ông theo làm đệ tử người đó. 

Đối với chúng tôi vấn đề không phải người ta có đi chùa hay không đi chùa, theo mình hay không theo mình. Vấn đề là có những trường hợp ở trong cuộc sống chúng ta không giải thích được, có những trường hợp trong cuộc sống chúng ta không tìm ra một giải pháp nào hết, người đó căn tính họ như vậy mình đành chịu, rất khó để chúng ta có thể thay đổi. Giống như một người bị bệnh nan y cho dù nhiều thuốc bao nhiêu chữa trị bao nhiêu thì cái chết cũng đến. Trường hợp này có ở đời, trường hợp này vẫn thường xảy ra trong đời sống của chúng ta, chúng ta không có nên đặt vấn đề mình phải làm được tất cả và mình có sức mạnh vạn năng làm được tất cả, và thậm chí cũng không nên vỗ ngực để xưng  thuốc của mình có thể trị tất cả bệnh, vị giáo chủ của mình rất  linh ứng có thể mang pháp mầu cho tất cả. 

Ở thế gian này không biết bao nhiêu người đã từng tự xưng tự nêu cao tính toàn năng. Nhưng Đức Phật Ngài dạy không có trường hợp đó, nếu có một đấng nào đó một phương pháp nào đó gọi là toàn năng thì thế giới này đã thay đổi rồi, thế giới này vận hành theo  nghiệp của chúng sinh, lịch sử nhân loại từ thuở bình minh của nền văn minh cho đến ngày hôm nay trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm và chúng sanh ngày hôm nay vẫn chịu nhiều đau khổ.

Chúng tôi biết có một số tông phái Phật Giáo rất ưa chuộng sự thậm xưng này, nói ra câu gì thì câu đó là được tất cả, tốt tất cả, làm được tất cả. Nhưng mà không, chúng ta nên nhìn nhận sự thật, ngày nay ngay cả những thuốc được xem như tốt, thuốc được xem công hiệu, ví dụ như một số thuốc trụ sinh thì nó cũng có chừng mực nào đó, nó chữa được một số bệnh cho một số người nhưng không chữa được tất cả. 

Nhưng mà rồi người bệnh có chứng bệnh có thể chữa được, có những bệnh không chữa được, không phải bệnh nào cũng chữa được. Thì trong trường hợp này việc trị liệu thuốc men chăm sóc người đó thì không có thật sự kết quả.

Ở trường hợp thứ hai có những trường hợp người bệnh không cần thuốc.

Ở chùa chúng tôi có một Phật tử là bác Ba, bác Ba lớn hơn HT Hộ Giác một tuổi, năm nay bác 91 tuổi, bác đặc biệt ghét đi bệnh viện, ghét bác sĩ, ở trong đời bác không uống thuốc do nhờ phước, bị bệnh rồi tự nó qua. Trong khi cô Ba vợ của Bác hễ có đụng chuyện là thuốc men đủ thứ. Mỗi lần nghe chúng tôi bệnh cô Ba  mang đến rất nhiều thuốc. Thật sự chúng tôi biết bác Ba biết tánh rất ghét uống thuốc và chúng tôi cũng biết bác sống cho đến ngày này 91 tuổi không đụng tới thuốc và không phải đi gặp bác sĩ là do phước của bác. Nhưng trường hợp của bác không nên là trường hợp đem áp dụng cho tất cả mọi người. Khẳng định là như vậy. Nếu mỗi lần ai bịnh mà nói "oh! uống thuốc làm gì bác Ba không có uống thuốc mà bác cũng hết bệnh" điều đó không thể áp dụng cho mọi người được. Đôi khi có những trường hợp một người có đặc biệt gì đó, có ngoại lệ gì đó như vị Tỳ Kheo Bakkula suốt cả đời sống đến 160 tuổi không có bệnh, suốt cả đời sống đến 160 tuổi không đụng đến thuốc, nhưng đó gọi là một vị vi tằng hữu, vị rất hiếm hoi do phước chứ không thể nào chúng ta đem một người thí dụ cho tất cả mọi người được.

 Chúng tôi nhớ khi sang Hoa Kỳ ở chùa Pháp Vân, thời đó tại thành phố Mona có một chung cư người VN ở gần nhau, có 5, 6 gia đình. Những gia đình này cha mẹ lo lắng con cái hư nên dạy con rất cẩn thận, ngăn đầu này cản đầu kia. Có sự dong rủi là ở trong chung cư đó có một anh thanh niên đi vượt biên 2 anh em, khi qua bên Mỹ người em về ở với bà dì còn anh thanh niên này ở chia phòng với một gia đình người Việt Nam khác. Anh thanh niên này thật ra không tệ lắm nhưng sống theo tiêu chuẩn người Mỹ, có bạn gái người Mexico, anh đi motorcycle-xe gắn máy, người VN lúc bấy giờ nhìn người đi xe gắng máy rất là mạo hiểm, anh chơi trong một băng nhạc để kiếm thêm tiền. Anh là một người với tuổi đời 18, 19 nhưng có cuộc sống người ta ăn chơi kiểu gì thì mình cũng ăn chơi kiểu đó. Những người ở chung quanh chung cư có con nhỏ ai cũng ghét anh này và những người Phật tử đến chùa Pháp Vân nói với chúng tôi là họ rất sợ hình ảnh anh này làm hư mấy đứa con trong nhà, tại vì thanh niên VN mà lái xe gắn máy rồi có bạn gái người Mễ rồi đi chơi băng nhạc rồi đi sớm về khuya một mình, hình ảnh đó có thể dạy hư mấy đứa nhỏ. Về sau này khi chúng tôi về Texas chúng tôi biết anh này vừa đi làm vừa đi học mất nhiều năm sau ra trường là vị bác sĩ về tim. Trong lúc đó thì những đứa con ở trong những gia đình chung quanh cũng nhiều năm có đứa thì học tới nơi, có đứa dang dở, cũng có đứa tốt có đứa xấu. Thì nói chung, chúng tôi biết một điều là anh thanh niên trẻ đó có một điểm rất đáng qui đó là sống một mình và từng trải đủ điều nhưng không hư ruốt cuộc lại hoàn tất việc học của mình một cách vẻ vang, còn nhiều em nhỏ nhiều bạn trẻ ở chung quanh cha mẹ gìn giữ nghiêm ngặt nhưng ruốt cuộc việc học bỏ dang dở lại hư hỏng, thậm chí có một em sau này  nhập bọn đi ăn cướp. 

Chúng tôi kể chuyện này với ý  không phải mình lấy hình ảnh một người để chứng minh con cái không cần cha mẹ dạy, có đứa sống một mình vẫn nên người thí dụ anh thanh niên đó chẳng hạn, chúng ta không thể lấy ví dụ này được. Có là đúng là có. Có những trường hợp những người họ giống như hoa sen sống dưới bùn không bị ô nhiễm, có những người sống trong cảnh tương đối buông thả họ không trụy lạc họ không trác táng. Nhưng điều đó không phải là tất cả, và điều đó cũng không nên là thí dụ cho tất cả, vì nó có ngoại lệ. 

Ở đây Đức Phật Ngài đặc biệt đề cập đến trường hợp có những người bệnh được uống thuốc được chăm sóc trị liệu và nhờ vậy người đó hết bịnh và do vậy Ngài nói trường hợp này nên là trường hợp đểáp dụng chung, tức là có bệnh thì nên trị. Hai trường hợp đầu mang tính ngoại lệ. Đó là lý do tại sao chúng ta có bệnh viện, chúng ta có nhà thuốc, mỗi lần thấy ai bệnh chúng ta tìm cách để trị là tại vì dù thế nào đi nữa thì việc trị liệu cũng là việc nên làm, không thể lấy một hai ngoại lệ đầu hay lấy người mà chúng ta nói rằng uống bao nhiêu thuốc cũng không hết hay là không cần thuốc cũng hết, cái đó mình không thể áp dụng được. 

Điều Đức Phật nói ở đây 3 thí dụ này Ngài căn dặn chúng ta nên dùng common sense dùng quan niệm hiểu biết thường thức của chúng ta để nhìn vấn đề.

Để trị bịnh cũng vậy, Phật Pháp cũng vậy, không hẳn Phật Pháp tốt cho tất cả mọi người, có những người mình nói đến đâu đi nữa cũng không lợi ích gì hết, cũng như trường hợp chúng ta có người uống thuốc bao nhiêu cũng không hết nhưng cũng có những người không cần uống thuốc cũng hết, Đức Phật Ngài gọi là có những người tốt tự nhiên, tức là họ không học Phật Pháp, họ không nghe pháp nhưng đời sống họ tốt, chúng tôi cũng gặp nhiều người như vậy, họ không biết Phật Pháp gì hết nhưng họ sống rất tốt rất lương hảo nhưng cũng có đa số người là nhờ vào Phật Pháp mà sự suy nghĩ hiền thiện hơn, đời sống tốt đẹp hơn, và biết đối diện với phiền não một cách khôn khéo hơn nhờ Phật Pháp, vì lý do hạng người thứ ba này mà chúng ta hoằng pháp, chúng ta duy trì Phật Pháp, chúng ta đem Phật Pháp vào đời và mong những người đó được hưởng lợi lạc.

Ba thí dụ  được áp dụng với 3 trường hợp này liên quan đến Phật Pháp cho chúng ta thấy có 3 điểm: 

1. Điểm thứ nhất: chúng ta sống  nên biết, điểm đầu tiên chúng tôi muốn nói có những cái thường lệ và có những cái ngoại lệ. Cái thường lệ ở đây là cái gì thường xảy ra thì chúng ta nên biết và chúng ta sẽ áp dụng. Lấy ví dụ  mình lái xe mình nên cẩn thận, không phải nói ai cẩn thận  cũng không bị phạt, lái xe cẩn thận không bị tai nạn nhưng cẩn thận vẫn tốt hơn. Cũng có những người lái xe không cẩn thận nhưng họ không bị tai nạn thì mình cũng không thể nói  mình đâu cần lái xe cẩn thận có những người lái xe đâu cẩn thận đâu giỏi nhưng họ cũng bình yên. Do vậy chúng ta gọi là có nhiều khi cuộc đời có những cái biệt lệ, hay có những ngoại lệ, và có những cái mang tính thường lệ hay là lệ thường.

2. Điều thứ hai, chúng ta nên niệm  cho dù có những giá trị lớn nhưng tất cả chỉ  tương đối không nên nghĩ tới tuyệt đối. Nếu chúng ta nghĩ mọi sự vật đều  tuyệt đối thì nhiều khi chúng ta có những chê bai công kích, thí du mình bị bịnh một người nào  nói uống  thuốc tylenol  trị được bịnh, rồi mình uống không hết thì mình đả phá thuốc tylenol, thì không phải, có thể nó không hiệu nghiệm với người này nhưng nó hiệu nghiệm với người kia, hiệu nghiệm với trường hợp này nhưng không hiệu nghiệm với trường hợp kia, và có khi dùng thuốc  đúng liều lượng thì tốt, khi thuốc không đủ liều lượng thì không tốt và nó không có hiệu quả, thì điều đó chúng ta phải rất cẩn thận. Ngày hôm nay người Mỹ họ có những nghiên cứu sâu rộng hơn chúng ta  tại vì để xác định giá trị của một món thuốc người ta phải thí nghiệm rất nhiều lần chứ không phải chỉ thông qua một vài người mà được, và chúng ta nên biết rằng mọi giá trị đều mang tánh cách tương đối, nếu  tốt  50% hay 60%  cũng là tốt  chứ không thể tính  100% được.

. Điều thứ ba,  trong sinh hoạt cuộc sống chúng ta vẫn làm vẫn thuyết pháp vẫn đem những điều hay tốt đẹp đến cho mọi người nhưng  việc đó có kết quả hay không  là một chuyện khác. Chúng ta khác với Đức Phật, Đức Phật là một vị Thiên Nhân Chi Đạo Sư Ngài biết được cái gì Ngài làm,  có kết quả như thế nào, do đó Ngài làm, còn chúng ta  chúng tôi tạm dùng chữ đôi khi cũng như cầu may, mình thuyết pháp có người nghe có lợi ích có người nghe không lợi ích. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không làm, nhưng khi chúng ta làm  chúng ta không có nên kỳ vọng  phải có kết quả tuyệt đối. Chúng tôi tin vào sự kiên nhẫn vào năm tháng ví dụ như  có nhiều người nhiều vị Chư Tăng nói với chúng tôi  tại sao mỗi ngày phải vào trong paltalk để tốn 2 tiếng đồng hồ, 2 tiếng đồng hồ đó mình có thể làm nhiều việc khác, ở trong rơom  chỉ có chừng đó người mấy chục người họ nghe pháp thì lợi lạc gì. Nhưng  kỳ thật chúng tôi  nghĩ khác, có nhiều lần chúng tôi tâm sự với qúi vị việc sinh hoạt Phật Pháp ở tại đây đối với chúng tôi cũng giống như việc tụng kinh hay  việc tu học, thì thật sự  buổi sáng  vô paltalk đọc câu Phật ngôn như ngày hôm nay  câu Phật ngôn này chúng tôi cũng đã từng đọc rồi nhưng hôm nay nói lại  đối với chúng tôi cũng là một điều nhắc nhở, mỗi ngày được nghe lời Đức Phật dạy đối với chúng tôi điều đó là điều rất có phước, và thứ nữa năm dài tháng rộng chúng tôi thấy có một số Phật tử nhờ sinh hoạt ở trong rơom vào nghe pháp nghe tụng kinh nghe thảo luận  đối với chúng tôi điều đó là điều rất an lạc, và thật tình mà nói  cũng có một số các vị  trước kia không tha thiết với Phật Pháp lắm, đi chùa nhiều năm mà không thấy gì nhưng vào rơom sinh hoạt bây giờ  lâu lâu các vị gọi chúng tôi để hỏi Phật Pháp, chúng tôi thấy nhờ nghe pháp  các vị này thật sự để tâm vào Phật Pháp nhiều hơn thì đối với chúng tôi như vậy là tốt, như vậy là có phần thưởng và như vậy là đủ để chúng ta cố gắng hàng ngày.

 Khi chúng ta làm việc  mà  nghĩ  mình thuyết pháp  có 50 người vào tham dự  50 người đó có thay đổi hoàn toàn thì điều đó giống như mình mua bán mình tính lời tính lỗ, có 50 khách hàng vào  mình phải có 50 số lợi nhuận, thì không có trường hợp đó. Chúng tôi nhớ một nhà thơ nói một câu rất dễ thương:

 "Mang óc con buôn đừng làm cách mạng, cuộc dấn thân này đâu có chuyện hơn thua, đường đi danh vọng nhất định là phải sáng, để ý làm chi những con gió sang mùa",

Mang óc con buôn tức là khi mình buôn bán mình tính lời tính lỗ, ở trong việc  hoằng pháp chúng ta không tính lời lỗ, chúng ta nhắc lời Đức Phật dạy để cho người và cũng để cho mình, và  chuyện người ta nghe lợi ích như thế nào đó là tùy vào căn tính, có những người nghe Phật Pháp  giống như  mình ăn một bữa cơm,  ăn bữa cơm gọi là bổ dưỡng ra sao thì thật ra mình khó nói lắm nhưng có bữa cơm thì  đỡ đói, một bữa có bửa cơm  nuôi cơ thể một bữa, và điều đó khi nó thẩm thấu vào trong cơ thể mình  tạo ra những dinh dưỡng,  việc đó là việc  chúng ta có thể chiêm nghiệm và không nhất thiết chúng ta phải  ăn vô thấy nó bổ liền hay mình ăn vô thấy đời sống mình thay đổi liền v.v... chúng tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta nên kiên nhẫn với việc hoằng pháp từ năm này sang tháng khác, từ thời gian này qua thời gian khác chúng ta cứ tiếp tục và tiếp tục rồi sẽ có kết quả. Chúng ta không nên tin vào cái gì bạo phát bạo tàn.

Hôm Chủ Nhật chúng tôi được mời đi dự một lễ 76 năm khai đạo của Đức Hùynh Giáo Chủ bên Phật Giáo Hòa Hảo.  Cư sĩ Nguyễn Anh Dũng là một người chúng tôi rất qúi, anh là hội trưởng của Phật Giáo Hòa Hảo tại Houston, do đó chúng tôi đến dự và trong buổi tham dự này thì có chuyện  có thể là kỷ niệm trong đời chúng tôi. 

 Trong buổi lễ họ đề cử  20 người  đã học xong chương trình giáo lý Hòa Hảo, họ mời một số quan khách lên trao chứng chỉ trong số đó có chúng tôi  lên để trao chứng chỉ. Điều cắc cớ , chúng tôi là người trao chứng chỉ cho hai người Phật tử đã từng đi chùa Pháp Luân chừng hai mươi mấy năm về trước, lúc đó họ gặp chuyện buồn khổ trong gia đình rồi họ đi chùa Pháp Luân. Bây giờ không biết dong rủi sao họ đi theo đạo Cao Đài và người phát chứng chỉ lại là chúng tôi. Đối với  chúng tôi hoàn toàn không có vấn đề gì vì mỗi người có  duyên của mình có sự đưa đẩy riêng. Nhưng chúng tôi kể chuyện này  để qúi vị thấy  cuộc sống có muôn ngàn thứ có thể xảy ra, và  cô Phật tử nhận  chứng chỉ lại đeo bảng tên pháp danh của cô là Từ Nghiêm thì pháp danh đó ngày xưa cô qui y với Ngài Hộ Giác và chúng tôi là người đặt pháp danh cho cô. 

 Thì chúng tôi thấy một điều như vầy, cuộc sống của thế gian này không phải có người nào đó họ đi chùa nghe pháp rồi thấm nhuần Phật pháp trở thành người Phật tử thuần thành. Cuộc đời đưa chúng ta về muôn vạn nẻo khác nhau, rất nhiều, chúng ta nên hiểu  tánh tương đối, dù thế nào đi nữa chúng ta cũng nghĩ đến chuyện một câu Phật ngôn được nói ra và nếu có vị nào đó cảm nhận được hưởng được  giá trị của Phật ngôn đó thì ở trong khoản khắc đó  cũng quá đủ quá tốt để chúng ta nói chứ chúng ta đừng nghĩ rằng mình giảng bài pháp là có những người họ phải qui y  trở thành Phật tử phải thế này phải thế kia. Mình đừng nghĩ như vậy, cuộc sống không có chuyện gì phải nghĩ, chúng ta nên nhẹ nhàng về việc đó.

Đức Thế Tôn Ngài đã từng đi đó đây ở trong châu thổ  sông Hằng suốt 45 năm, từ quốc độ này sang quốc độ khác, có những người đệ tử rất trác tuyệt như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Ca Diếp, Ngài Ananda v.v... cũng có những người rất tầm thường và có những người cũng thay đổi như Devadatta. Nói chung, chúng ta gọi  hữu duyên. Và dĩ nhiên Đức Phật bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thì có một số lớn các vị vua chúa, một số lớn những bậc trí thức, người hảo tâm theo trở thành đệ tử Phật đã tạo nên giòng lịch sử rạng rỡ cho Phật Giáo ở Ấn Độ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả, cũng có nhiều người rất hờ hững như một người đồ tể ở gần chùa Kỳ Viên ở gần kế bên Phật nhưng  suốt đời  họ làm đồ tể cho đến lúc chết vẫn vậy, có những người như vua Thiện Giác là thân phụ của công chúa Yasodhara và là thân phụ của Đề Bà Đạt Đa nhưng rồi cũng chết vì sự việc một thái độ bất kính đối với Đức Phật.

 Thì thưa qúi vị, cả thế giới này cả cuộc đời này khi chúng ta sống, chúng ta làm, chúng ta đi, chúng ta dấn thân, chúng ta hành động không bao giờ  nghĩ rằng tất cả đều phải có kết quả, tất cả đều phải thế này phải thế kia. 
 Vì sao vậy? 
 Tại vì có những người bệnh uống thuốc bao nhiêu cũng không hết.
 Có những người không cần uống thuốc mà cũng hết.
 Và cũng có rất nhiều người nhờ uống thuốc mà hết. 

 Thì khi chúng ta cho thuốc người khác chúng ta chăm sóc người khác  chúng ta nghĩ về hạng người thứ ba. Có nhiều người nhờ chăm sóc mà hết nên chúng ta cứ chăm sóc. Nhưng nếu chăm sóc không hết thì chúng ta phải nên chấp nhận. 

 Chúng tôi thích  kinh điển  Đức Phật dạy chúng ta những bài học về sự suy tư trong việc làm, và những điều đó lợi lạc, những điều đó giúp cho chúng ta rất nhiều. Và chính cái nhìn lệch lạc khiến chúng ta đặt để vấn đề quá nặng nề ./.  

Sunday, January 3, 2016

10 Phát Nguyện Trong Ngày Đầu Năm

 Lời phát nguyện 10 điều trong ngày đầu năm của một Phật tử người Mỹ Mac Valentine. TT Giác Đẳng việt dịch.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:Trong văn hóa của người Tây Phương ngày Tết Dương Lịch không phải một ngày thật sự vui, dĩ nhiên họ có một vài chương trình thí dụ như đếm ngược hay tụ tập một nơi nào đó có tiệc tùng nhưng mà đa phần không khí tưng bừng và sự hào hứng đã bị ngày Noel của Ki tô giáo hay là Hanukkah của Do Thái giáo đã làm cho ngày Tết Dương Lịch giống như ở tại quốc gia nền văn hóa khác khi bắt đầu ngày đầu năm. 

Nhưng dù sao đi nữa thì sống nhiều năm ở Hoa Kỳ chúng tôi thấy có một phong tục tương đối đẹp, người ta có lời phát nguyện hay lời tự hứa (resolution) cho năm mới. Điều này người ta thường làm trong hai dịp: một là ngày sinh nhật của mình, 2 là ngày đầu năm. Và thường ngày đầu năm người ta thường hay có suy tư như vậy.

Một người Phật tử Mỹ, anh Mac Valentine đã viết những tâm nguyện nhân ngày đầu năm có 10 điều và điều này một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa Tây Phương và truyền thống Phật giáo. 

Chúng tôi xin đọc sơ 10 điều này để chia sẻ với qúi Phật tử : 

1 - Điều đầu tiên : Nhân năm mới mong mỏi rằng anh sẽ chăm sóc về thân mình nhiều hơn bằng cách mỗi ngày buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy anh dùng sự chú ý của mình để quét toàn thân của mình từ đỉnh đầu cho đến chân để mình có thể cảm nhận và ghi nhớ rằng thân của mình cần được chăm sóc bằng cách tiết chế trong sự ăn uống, thân của mình là một phương tiện rất tốt để cho mình tu tập, mình phải bảo quản tốt. Và thân của mình có những sự thay đổi có thể già đi mà mình không thể đòi hỏi rằng thân mình lúc nào cũng như vậy. Đó là điều anh mong được làm trong năm mới.

2 - Anh cũng mong một điều rằng ở trong năm mới anh có thường thể bỏ thì giờ để tu tập tâm từ bi. Tâm từ bi theo anh là anh có những thời giờ để anh cảm nhận được tình thương của những người chung quanh nhiều hơn và anh nghĩ rằng nếu mà mình không cảm nhận được tình thương của người khác thì mình không thể biết được thế nào là chất liệu thật sự của yêu thương để cho người khác, ví dụ mình đi đâu đó về bà mẹ nấu một bữa cơm rất tươm tất cho mình ăn, bữa cơm đó hoàn toàn là do tình thương và mình phải cảm nhận và mình không nên coi thường, hay hoặc giả là trong những lúc chúng ta bịnh có người nào đó bỏ thì giờ đến để nấu cho chúng ta một món súp hay một món cháo thì thay vì chúng ta chỉ nhận ăn món súp món cháo đó thôi thì chúng ta có ít thì giờ để cảm nhận rằng đó là tình thương .
Rồi anh cũng phát nguyện năm mới chúng ta cũng ban bố tình thương của mình, chia sẻ tình thương của mình với người khác, có những người họ cũng cần đến tình thương cần đến sự quan tâm và chúng ta có thể cho họ được cảm nhận một điều rằng họ được thương họ được qúi họ được quan tâm.

3 - Điều thứ ba anh phát nguyện là sự tha thứ hay sự bao dung. Anh mong khởi đầu năm anh có những giờ phút có thể cảm nhận được nỗi đau của oan kết, nỗi đau của hận thù. Và anh hiểu trọn vẹn nỗi đau đó là bi kịch tự nhiên của kiếp nhân sinh. Anh mong rằng mọi người tha thứ cho mình cũng như mong mình có thể tha thứ cho cuộc đời. 

4 - Điều thứ tư: Anh mong mỏi mình sẽ sống với sự trở về. Trở về theo điều Đức Phật dạy là vùng đất của tổ phụ vùng đất của thân quen. Đời sống chúng ta luôn luôn dõi mắt về vùng trời xa xăm và luôn luôn trôi dạt luôn luôn bị lôi kéo bởi nhiều thứ. Nhưng một thứ có thể nói rất tốt rất bền chặt là chúng ta trở về với thân tâm mình. Anh mong rằng anh có được những giờ phút để ngồi ngưng lại tất cả công việc để nhìn vào hơi thở nhẹ nhàng sâu lắng và cảm nhận rằng giây phút mình đang sống ở đây giây phút cần được ý thức cần được quán chiếu chánh niệm một cách trọn vẹn về sự hiện hữu của mình ở trong giờ phút này, không phải là chuyện nghĩ quá nhiều về những cái đã qua hay mơ mộng nhiều về chuyện sắp đến. Và bây giờ nhìn vào hơi thở, hơi thở ra hơi thở vào để cảm nhận được sự hiện hữu của mình trong giờ phút này, đem sự chú ý trở về với hiện tại. Và trên mảnh đất hiện tại đó điều Đức Phật dạy đó là vùng đất của tổ phụ vùng đất thân quen, vùng đất thân quen đó đủ cho chúng ta có đủ minh triết biết về cuộc sống của chính mình đi đâu về đâu.

5 - Điều phát nguyện thứ 5 ở trong năm mới: sẽ nói những lời nói chánh ngữ, những lời nói cẩn trọng, không để lời nói mình trở thành lời chia rẽ, không để lời nói mình làm đau khổ người khác, không để lời nói mình sai sự thật, và cũng không để lời nói mình trở thành vô ích.

6 - Điều thứ 7 : Anh cũng phát nguyện rằng không phải gìn giữ lời nói theo cách chánh ngữ mà anh sẽ cố gắng tập nghe nhiều hơn. Lắng nghe là một cách sống, một cách hưởng thụ, một cách học hỏi. Anh sẽ trở lại những nơi có những bài nói chuyện lợi ích để lắng nghe. Anh sẽ nghe bằng tâm thư thới, thỉnh thoảng trở lại với hơi thở ra vào và sau đó tiếp tục lắng nghe, và lắng nghe với sự tôn trọng người nói thì điều đó là chánh niệm ở trong sự lắng nghe.

7 - Điều thứ 7 anh muốn phát nguyện để có một ý thức minh mẫn về con đường đi của mình, thế nào là đạo. Anh là một Phật tử anh muốn có ý thức rõ hơn về con đường Đức Phật dạy. Anh là một người sống trên trái đất này và không hủy diệt, không làm phương hại, không làm ô nhiễm trái đất. Anh là người tin Phật, anh muốn làm sao đời sống hàng ngày có làm cái gì đó theo lời Đức Phật dạy dù nhỏ dù lớn.

8 - Điều thứ 8: Anh phát nguyện sẽ chánh niệm đối với cảm xúc của mình. Anh phát nguyện ở trong sự giận dữ, ở trong sự buồn nản, ở trong sự bực bội thay vì phản ứng mạnh mẽ, thay vì chửi mắng, thay vì công kích, thay vì nói những lời để tự vệ thì anh phát nguyện sẽ ngồi xuống trong sự yên lặng, ngồi xuống giữa cơn bão để cảm nhận trọn vẹn cái bực bội cái khó chịu cái khổ đau cái tức tối trong lòng và tập nhìn như Đức Phật dạy Thọ Quán Niệm Xứ và anh sẽ tìm ra một phương pháp để chữa trị những cảm xúc vui buồn bằng chánh niệm của mình hơn là đòi hỏi người khác phải thoả mãn cho mình.
9 - Lời phát nguyện thứ 9: Anh muốn phát nguyện ở trong năm tới anh tập lắng tâm nhìn vào thói tật, nhìn vào sự dính mắc, nhìn vào hệ lụy của bản thân mình. Có những cái không đáng mà mình quá thích, có những cái không tốt mà mình quá dính mắc, có những cái không an lạc mà mình không buông bỏ được. Thì anh xin nhìn vào điều đó, nhìn để tháo gỡ đi những dính mắc.

10 - Và sau cùng anh phát nguyện sẽ sống nhìn thấy thế giới này là một sự kết hợp của nhiều nhân, nhiều duyên, nhiều yếu tố. Mình không làm chủ tất cả do đó mình không đòi hỏi cuộc đời phải thế này thế khác, nhưng mình hiểu lời nói hành động ý nghĩ của mình ảnh hưởng đến chung quanh, nó là một phần sẽ ảnh hưởng, do đó mình sống có trách nhiệm.

Thì 10 điều phát nguyện mà anh Mac Valentine viết ở trong bài viết này nhân đầu năm không nhắc chữ nào đến chữ Phật, không nhắc chữ nào đến chữ Phật Pháp, nhưng đó là những phát nguyện rất là đẹp, chúng ta sống có chánh niệm và hướng sự chánh niệm đó vào trong thân của mình vào trong cảm xúc của mình vào sự phát huy những sức mạnh nội tại và ý thức rõ ràng về sự có mặt màu nhiệm của chúng ta ở giữa cuộc đời này. Mỗi chúng ta đều có những ưu tiên khác nhau trong cuộc sống nhưng mà nếu trong năm mới chúng ta nhìn lại và định đặt cho mình những giá trị tốt đẹp thì nói như lời Đức Phật dạy ở trong bài Kinh Thắng Hạnh ngày nào thân hiền thiện, khẩu hiền thiện, ý hiền thiện đó là ngày cát tường đó là giờ phút hanh thông, đó là thời khắc thịnh đạt ./. 

Friday, January 1, 2016

Kinh Hạt Muối - Tăng Chi Bộ

Kinh Tăng Chi Bộ - Kinh Hạt Muối 

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Bud dhadhamma - Paltalk ngày 4-11-2015, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:Thông thường trong rất nhiều lãnh vực cái nhìn của loài người mang tánh cách cố định, thí dụ chúng ta có thói quen nói người có tướng như vậy là tốt, tướng như vậy là xấu, hay thành kiến của mình về người da trắng như vậy, người da đen như vậy. Ở trong lãnh vực tôn giáo và khoa học thường có những định kiến và những định kiến đó tạo nên nhiều hiểu lầm, Thí dụ một vấn đề then chốt chúng ta nói đó là vấn đề định mệnh. Định mệnh thi du  mình nói ở hiền gặp lành hay tích thiện phùng thiện tích ác phùng ác. Tuy vậy, sự việc không đơn giản tại vì nó mang tính tương đối. Ở trong khoa học ngày nay người ta nói hiện tượng học - phenomenologic. thí dụ chúng ta nghĩ mở máy lạnh thì hao điện thành ra có nhiều người đi khỏi nhà họ tắt máy lạnh rồi khi trở về nhà thì mở máy lạnh, nhưng trên phương diện hiu sut đôi khi mình giữ nhiệt độ trong nhà tương đối cao một chút nhưng để máy lạnh chạy thường ít tốn hơn tắt rồi mở. Ở đây Đức Phật Ngài cũng đề cập đến một hiu sut khác là người ta nghĩ đến nghiệp  hễ mình tạo nghiệp bất thiện  mình sẽ bị quả khổ nhưng Đức Phật khẳng định rằng nếu mọi việc có tánh cách cố định như vậy  chúng ta không tu tập thì không  giải thoát được, tại vì sự việc nó là cái gì cố định, sở dĩ chúng ta thay đổi được cái nghiệp tại vì nó có những điều khả thi. 

Và bài học hôm nay nói về tánh cách chuyển nghiệp như thế nào ở trong tính tương đối của nghiệp. 

Chúng tôi mở đầu bài giảng hôm nay là Đức Phật khi Ngài giảng dạy giáo pháp Ngài dựa trên cái nhìn của một bậc giác ngộ của một bậc đại giác, Ngài không dựa trên sự suy nghĩ của một người có trí. Người có trí có thể suy luận cách này hay cách khác nhưng riêng Đức Thế Tôn Ngài giảng kinh không có suy luận  thay vào đó qua sự giác ngộ của một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, điều này rất khác biệt với cái nhìn bình thường của chúng ta. 

Khi chúng tôi nói điều này có nghĩa trong định luật thiên nhiên  không đi theo kiến chấp một chiều, mà ở trong thiên nhiên chúng ta hiểu được có những thứ bất định. Mình có thể nói ra như vầy; cái nhìn bình thường của phàm phu chúng ta đa phần theo tánh cách cố định, thí dụ như họ nói người gầy đẹp, mập là cao sang, nhưng cái gầy và cái mập, cái đẹp, cái sang chỉ là cách nói thôi nó không hẳn là cái nhìn ở bên ngoài, có những người gầy đẹp có những người gầy không đẹp, có những người mập cao sang có những người mập không cao sang.

Thì chúng ta phải nói rằng cuộc sống có đầy dãy sự bất định. Ngay cả những người Phật tử và ngay cả trong giới tu sĩ đôi khi chúng ta cũng vướng vấp về vấn đề đó, cái vướng vấp chúng ta nói ở tại đây là chữ định mệnh, định mệnh là cái này nó như vậy thì nó phải như vậy. 

Ở đây Đức Phật Ngài cho chúng ta biết 3 ý nghĩa rất quan trọng:

1. Điều thứ nhất: giữa nhân và quả có tánh cách tương đối.

2. Điều thứ hai: nếu nhân và quả hoàn toàn cố định thì đời sống tu tập không có ý nghĩa, bởi vì mỗi chúng ta sẽ phải gánh chịu tất cả nghiệp đã tạo trong quá khứ và không có cách để thay đổi. Do đó, chính vì tánh cách bất định nên sự tu tập có ý nghĩa. 

3. Điều thứ ba: qua lời dạy này của Đức Phật cho chúng ta thấy một điều nghiệp có thể chuyển được, nó không chắc chắn là hoàn toàn, dĩ nhiên cái gì cũng có tánh cách tương đối nhưng nó có thể chuyển được.

- 1 . Điểm đầu tiên Đức Phật Ngài dạy nghiệp có tánh cách bất định là chúng ta nói đến sự đắp đổi của nghiệp quá khứ và hiện tại, chúng ta nói lên sự đắp đổi sự hòa trộn giữa thiện nghiệp và bất thiện nghiệp do một người làm. 

Chúng tôi lấy một thí dụ, ở đây không phải muốn nói không tốt về một bậc cao tăng nhưng chúng tôi chỉ muốn đưa ra một thí dụ là Ngài HT Hộ Tông, Ngài là người được biết tánh hay rày chư vị Tăng Ni Phật tử. Ví dụ như đôi khi Chư Tăng lên gặp đảnh lễ Ngài, Ngài hỏi:

- " đi đâu vậy?" 

Chư Tăng hay Phật tử trả lời:

- "Dạ, tụi con lên thăm Ngài"

Thì Ngài nói:

- "Tôi đâu bịnh đâu mà thăm"

Hay hoặc giả là:

-"Sao ở chùa không lo tu, đi đâu vậy?"

Thì với một người không biết Ngài họ xem đó là một cách nói không gây thiện cảm. Nhưng cũng cách nói của Ngài rất nhiều Phật tử thương kính, chư Tăng thương kính Ngài. Thương và kính Ngài không phải vì cách nói không cảm tình của Ngài, thương và kính Ngài là vì đức tu của Ngài, giới hạnh của Ngài, người ta biết rõ Ngài là người giữ giới rất trong sạch, người ta biết rõ Ngài là người có lòng từ, nhưng tại vì cách nói của Ngài là như vậy. Bây giờ có một người nào khác thí dụ một vị Sư nào khác thấy Ngài nói chuyện kiểu đó cũng bắt chước cách Ngài nói, Phật tử đến chùa hỏi;

- "Đi đâu vậy?" 

- Nói - " đi thăm Sư".

- "Tôi đâu có bịnh gì đâu mà thăm".

Thì người ta bất mãn, chúng ta có thể nói đôi khi bất mãn rất nặng nề, tại vì cũng câu nói đó mà nói từ Ngài Hộ Tông thì khác, cũng câu nói đó nói từ một vị Sư khác thì nó khác. .

Tại vì sao vậy? Tại vì đức tu không giống nhau . Hay hoặc giả, một người nào đó làm sai nhưng cũng cùng câu nói khuyên mà người khác khuyên thì người ta nghe mình khuyên người ta giận, hay mình khuyên người ta nghe mà người khác khuyên thì người ta giận, tại vì cũng phải coi tình cảm của người đó đối với mình như thế nào. Chúng tôi lấy một thí dụ, chúng tôi làm việc với Ngài HT Hộ Giác, sống với Ngài bao nhiêu năm và hiểu tình thương Ngài đối với cá nhân chúng tôi như thế nào, nhiều khi Ngài rày chúng tôi về việc gì đó thì lời Ngài trách móc không làm chúng tôi phiền mà trái lại chúng tôi rất cảm kích điều đó, nhưng cũng người khác thấy Ngài nói như vậy thì bắt chước Ngài trách móc chúng tôi về việc gì đó, thì chuyện đó lại khác là tại vì người đó không có tư cách để  nói với chúng tôi về việc như vậy.

Ở đây, Đức Phật Ngài dạy một quả của nghiệp thành tựu do nhiều yếu tố, cũng giống gieo một hạt giống, hạt giống chỉ là một yếu tố, còn cần phân, đất và thời tiết. Thí dụ, trong đời sống của chúng ta, chúng ta không phải là người toàn hảo, thỉnh thoảng mình có những lời nói không đẹp, không hay, nhưng nếu bình thường mình tu tập nhiều, bình thường mình có nhiều đức tu thì lời nói của chúng ta lại được nhận thức trên phương diện khác.

Có lẽ nhiều Phật tử làm việc trong rơom cũng biết TT Tuệ Siêu thỉnh thoảng cũng rày, không phải chỉ rày Phật tử trong rơom, TT còn rày chư Tăng các vị giảng sư nữa, thí dụ vị nào thuyết pháp TT nghe không được TT rày. Thì TT Tuệ Siêu rày tự nhiên lúc đó qúi vị cũng phiền não nhưng một phần thương một phần kính vì biết TT là người có đức tu nên không phiền não nhiều. Nhưng cũng lời nói đó vị khác nói chúng tôi nghĩ là sanh chuyện. Tại vì sao vậy? Vì chư Tăng các vị giảng sư của rơom ở Việt Nam coi TT Tuệ Siêu là Thầy và cũng biết TT nói như vậy nhưng không có ác ý, TT không có mục đích bôi nhọ, TT chỉ thấy việc đó không được nên nói thôi. Do vậy người ta nói mình không phải bậc Thánh thì đừng bắt chước bậc Thánh. Với chuyện người khác làm được mình làm không được, sự việc này nói lên tánh tương đối của sự việc không mang tánh cách cố định. Chúng ta phải hiểu tánh tương đối này không mang một kiến chấp cố định.

 Ở đây Đức Phật Ngài dùng hình ảnh ví dụ muối và nước, một nắm muối bỏ vào trong chén rất mặn nhưng một nắm muối bỏ xuống giòng sông không hề hấn gì.

Tương tự như vậy, mỗi chúng ta trong vòng luân hồi có tạo những nghiệp nhỏ hay nghiệp lớn nhưng trong nghiệp nhỏ nghiệp lớn quả còn tùy yếu tố là trên phương diện thiện pháp chúng ta làm điều gì. Đức Phật Ngài dạy rất rõ về tánh tương đối, nếu chúng ta tu tập và tu tập thật sự, ví dụ Ngài Angulimala từng là một người cuống sát giết rất nhiều người, 999 người và mỗi người giết xong lấy một ngón tay lấy xương của ngón tay đó kết lại làm tràng chuỗi nhưng bởi vì túc duyên đầy đủ Ngài chứng Thánh quả thì cái nghiệp Ngài trả rất nhẹ, rất mảy may so với ác nghiệp Ngài đã làm và Ngài viên tịch Niết-Bàn. Nhưng cũng nghiệp đó một người không có tu tập chỉ cần làm bị thương một người thôi hay giết một người thôi cũng có thể bị nghiệp rất nặng là xử tử. Mình không lấy chuyện người này so sánh với chuyện người kia được.

 Ở bên Mỹ người ta thường than phiền một điều là có những người hối lộ cảnh sát rồi khi hối lộ như vậy họ bị phạt 3 năm tù  vì chính phủ có luật rất gắt gao trong việc hối lộ, nhưng có những người người quyền cao chức trọng làm việc trong quốc hội chẳng hạn, đôi khi họ có những cách chạy tội nên dù tội họ nặng hơn nhưng họ không bị ngồi tù họ chỉ bị tù treo hay bị cảnh cáo thôi tùy vào địa vị chức quyền của họ. Có những người đánh lộn nhưng gặp luật sư giỏi cãi cho họ thì họ không hề bị gì nhưng có những người chỉ ăn cắp một cây cà rem nhỏ thôi lại bị vào tù và ghi hồ sơ xấu. Mình không thể đem trường hợp này so sánh với trường hợp khác được, điều đó gọi là hiệu năng tức là tánh cách bất định của sự việc và tánh cách bất định này nên được nhận thức ngay trong đời sống chúng ta đó là sự tương đối. Cũng thời quên ngày sinh nhật của một người thân nhưng nếu chúng ta là người  sống rất có tình và thường làm những việc tốt thì việc quên sinh nhật đó chỉ làm người ta giận ít thôi nhưng có những người trong đời sống hàng ngày vì quên sinh nhật của người thân của mình mà làm đổ vỡ một quan hệ. Như vậy vấn đề không đơn giản chỉ quên hay nhớ ngày sinh nhật mà vấn đề là cuộc sống mình bình thường như thế nào,

Ở đây, Đức Phật Ngài cho chúng ta một tia hy vọng, tánh cách bất định của nghiệp và do vậy nỗ lực phạm hạnh có ý nghĩa. Ví dụ, có thể một người có thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện, ý nghiệp bất thiện nhưng bên cạnh đó họ chuyên tâm tu tập giới, tu tập định, tu tập tuệ, ở trong sự tu tập đôi khi giận họ có thể nói nặng nhẹ với người khác nhưng chuyện đó không có nghĩa kết quả giống người bình thường, tại vì người đó có tu tập. 

Đức Phật Ngài dạy chúng ta một việc, đó là nếu việc thiện mình đang làm, làm đủ mạnh, đủ lớn, đủ sự nổi trội nó sẽ lấn lướt lấn át đi. Chúng ta phải tin điều đó. Ví dụ, buổi tối đi ngủ niệm tâm từ, buổi sáng thức dạy niệm tâm từ, thường nghĩ tưởng đến giới hạnh mình tu trì, thường nghĩ tưởng đến ân lành của Tam Bảo, thường hồi hướng phước đến Chư Thiên thì nghiệp của mình nó khác ở trong những lúc khó khăn hữu sự những phước đó có thể che chở cho mình. Ví dụ, bình thường mình không làm phước gì, mình không tu tập, mình không làm việc thiện gì thì nhiều khi nghiệp mảy may nó cũng đủ sức vùi dập mình. 

 Người Phật tử không  phủ nhận nghiệp của quá khứ, mà mình tin rằng ở quá khứ mình có tạo nghiệp, nhưng không tin nó là một định mệnh hoàn toàn, mà mình tin vào hiện tại sự nỗ lực của mình làm thiện vẫn có ý nghĩa nó vẫn thay đổi sự việc
Do vậy chúng ta không bao giờ nói mình tu tập Giới, Định, Huệ đời sống mình thay đổi hoàn toàn mình không lãnh nghiệp quá khứ, không phải như vậy. Nhưng rõ ràng là giữa sự tu tập lớn lao của mình và những nghiệp trong quá khứ nó có sự áp đảo với nhau. Định luật muôn thuở đó là cái mạnh luôn luôn lấn cái yếu, cái lớn luôn luôn lấn cái nhỏ và nếu một người thường tu tập tâm từ thì những oan trái trong quá khứ nó ít trổ quả, nhưng nếu mình không tu tập tâm từ thì cái oan trái mảy may trong quá khứ nó cũng lớn chuyện 

 Cái nhìn của một người không hiểu Phật Pháp khi có chuyện va chạm thì nghĩ đến chuyện làm sao mình thắng làm sao mình hơn người đó nhưng khi hiểu Phật pháp rồi điều quan trọng nhất mình có nuôi được tâm từ và tâm từ có đủ mạnh đủ rõ ở trong lòng chúng ta, buổi sáng thức dạy buổi tối đi ngủ với tâm thái như thế nào? Ở trong giờ phút đó mình có nghĩ đến chuyện  hơn thua nghĩ với người này người khác hay ở những giờ phút đó mình đem tâm lành nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc. Thật ra cái nhìn của một người hiểu đạo và người không hiểu đạo chỉ khác nhau ở mảy may, người hiểu đạo tin vào điều thiện, tin vào tâm thiện, tin vào tâm lành, người không hiểu đạo họ không tin vào thiện tâm không tin vào thiện hạnh. Chúng ta phải đủ niềm tin rằng có thể mình không thủ đoạn bằng người khác, có thể mình không có những mánh lới như người khác nhưng mình phải tin một điều rằng mình thức dạy với tâm từ mình đi ngủ với tâm từ, sinh hoạt hàng ngày với tâm từ, mình phải đủ khả năng để mình tin vào thiện pháp.

Đức Phật Ngài dạy thiện pháp hiện tại nếu được tu tập đủ sự lớn mạnh nó áp đảo được nghiệp quá khứ của mình. Nếu không tu tập khi mình bị người khác làm phiền mình đáp trả bằng những nghiệp bất thiện thì thật sự chỉ đi từ tệ hại đến chỗ tệ hại. Nhưng nếu dùng thiện nghiệp của mình, dùng được thiện pháp của mình, dùng được thiện tâm của mình nhất là lòng từ thì Đức Phật dạy điều đó có tánh cách lấn áp, có tánh cách áp đảo được nghiệp bất thiện. 

Phật tử hỏi chúng ta có thể chuyển nghiệp được không? Không phải chúng ta có thể chuyển nghiệp được hoàn toàn nhưng nghiệp thiện càng lớn, nghiệp thiện càng mạnh, tâm mình càng lành, tâm từ càng nhiều, lấy ví dụ nước của một thau nước nhiều hơn nước trong một chén nước, nếu có người bốc một nắm muối bỏ vào chén nước thì rất mặn nhưng bỏ nắm muối đó vào một thau nước vị mặn bớt đi, nếu bỏ vào một sông lớn hồ nước lớn vị mặn hóa giải được. Vấn đề của chúng ta hiện tại khi mình tu tập trong sự tu tập mình cũng sống với định lực của tự nhiên, định lực tự nhiên đó là nghiệp trổ sanh cũng dựa lên trên thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mình đang làm, nếu hiện tại mình không tu tập thiện nghiệp thì quả nghiệp quá khứ đó dù nó mảy may nhỏ thôi nó cũng có thể làm cho mình điên đảo, nhưng nếu hiện nay thiện nghiệp mình tốt đủ mạnh thì nghiệp quá khứ có thể giảm đi rất nhiều và chúng ta phải tin vào điều đó. 

Thì bây giờ chúng ta thấy một điều nếu hiểu nghiệp như một định mệnh như cái gì cố định thì hiểu đó là hiểu sai không đúng không chính xác, nghiệp vẫn mang tánh cách bất định của nó. Và thứ hai là chính vì nghiệp mang tánh cách bất định. nên sự tu tập mới có ý nghĩa là tại vì nếu tất cả đều là định mệnh hết thì mọi thứ đã được an bày thì chúng ta không thay đổi được. Ở một bài kinh trước chúng ta học có đề cập đến điều đó

Điều thứ ba:  nghiệp có thể chuyển được. 

Nghiệp có thể chuyển được, do vậy chúng ta phải tinh tấn, phải cố gắng ở trong đời sống. Sự tinh tấn cố gắng, ví dụ, chúng ta thường an trú tâm trong ân lành Tam Bảo. Chúng tôi nhớ Ngài Ajahn Sumedho một người Mỹ xuất gia, Ngài kể trong cuộc đời khi Ngài ở trong rừng sâu nghe tiếng gầm của các loài mãnh thú sư tử cọp beo Ngài niệm con nương tựa Phật, con nương tựa Pháp, con nương tựa Tăng, khi Ngài đi hoằng pháp Ngài cũng nghĩ con nương tựa Phật, con nương tựa Pháp, con nương tựa Tăng. Đó là điểm rất đặc biệt của một người có trí và là một người có sức mạnh chứ không phải không có nhưng Ngài thấm nhuần được ân đức Phật Pháp Tăng. Hay hoặc giả Ngài Ajăan Chah Ngài kể chuyện Ngài đi trong rừng gặp chó sói nó muốn tấn công Ngài thì Ngài nghĩ đến chuyện an trú vào từ tâm, Ngài nghĩ đơn giản là mình sợ thì mình cũng chết mà mình niệm tâm từ thì mình cũng chết mà nếu chết khi niệm tâm từ thì được sanh về cõi an lạc do đó Ngài an trú vào từ tâm.

.Chúng ta cứ nghĩ trong đời sống những người ác giống như những mãnh thú có thể tấn công chúng ta, nhưng khi họ tấn công mà chúng ta nuôi thù chuốt oán tìm cách phỉ nhổ hay tìm cách hại họ thì thật sự chưa chắc có lợi gì. Những lúc đó chúng ta phải vững lòng với từ tâm của mình nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc, nguyện cho tất cả chúng sanh dứt trừ mọi oan kết, mình mong cho mình được an lạc thì mong cho những chúng sanh khác cũng được an lạc.

Thật ra đó là thượng sách Đức Phật Ngài dạy chúng ta phải tin vào điều thiện, sống với điều thiện, an trú vào điều thiện, làm cho điều thiện lớn mạnh, làm cho điều thiện vững chãi, như vậy thiện nghiệp có tánh cách áp đảo và người nào không hiểu định luật về nghiệp mang tánh cách bất định này thường nản lòng, thường buông tay. 

Nhưng trong đời sống này phần thưởng lớn nhất của cuộc sống là dành cho những người biết phấn đấu, ở trong hoàn cảnh nào cũng phấn đấu, không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ tuyệt vọng, sự tuyệt vọng chỉ nói lên chúng ta quan niệm rằng việc đó như vậy rồi mình không làm được gì hết, Đức Phật gọi là đời sống phạm hạnh không có ý nghĩa, đời sống tu tập không có ý nghĩa, nỗ lực không có ý nghĩa. 

Phật Pháp thì chúng ta thấy tất cả nỗ lực lớn nhỏ đều có ý nghĩa, đều có giá trị, buổi sáng thức dậy từ trên giường ngồi đảnh lễ Phật, đảnh lễ Pháp, đảnh lễ Tăng, nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng, mong cho tất cả chúng sanh được an lạc, mong cho chúng sanh dứt trừ mọi oan kết và hồi hướng những công đức tốt đẹp cho Chư Thiên, ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng làm như vậy và mạnh mẽ tin tưởng điều đó, nếu chúng ta tin vào điều thiện vẫn tốt hơn tin vào điều bất thiện, cái khổ của chúng ta là chúng ta thường tin vào những điều bất thiện và càng nhúng xâu vào chuyện bất thiện thì cuộc đời mình càng khổ, tâm mình càng có nhiều hệ lụy, nó không có lợi ích gì hết, thấy như vậy chứ nó không lợi ích gì hết. 

Bây giờ chúng ta đọc lại đọan Đức Phật dạy ngày hôm nay từ đọan một:

"1. - Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt."

Hai câu này nó khác nhau ở điểm nào? Ở chỗ nói về sự bất định về quả dị thục. Sự sát sanh, đoạn mạng sống chúng sanh khác thì quả dị thục của nghiệp đó nếu nó trổ thì người đó bị yểu mạng. Chửi cha mắng mẹ đời sau sanh ra làm người bần tiện nếu nghiệp trổ. Điều đó nói như vậy là đúng. Nhưng nói điều đó chắc chắn sẽ trổ thì cũng phải tùy vào đời sống, lối sống, sự tu tập và các thiện nghiệp khác nữa. Gieo hột cam thì ra cây cam, gieo hột mè ra cây mè, "chưởng hoa hoàn đắc hoa, chưởng đậu hoàn đắc đậu" nói như vậy là đúng, nhưng nói rằng hột cam chắc chắn sẽ ra cây cam thì không hẳn như vậy, hột mè chắc chắn sẽ ra cây mè thì phải tùy coi duyên nó như thế nào, hột không gieo đúng nó không có đủ điều kiện cũng không thể trồng được, nhưng nếu hột cam lớn lên thì cây cam không thể trở thành cây quít được, hột mè không thể trở thành cây cải được.

Hai đoạn đó thật ra Đức Phật Ngài dạy về quả dị thục có sự tương đương giữa nhân và quả, nếu nó trổ quả thì nó phải trổ quả nhất định như vậy "chưởng hoa hoàn đắc hoa, chưởng đậu hoàn đắc đậu", nhưng cái quả có trổ hay không thì lại là chuyện khác nữa.

- "Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều."

Cũng cùng nghiệp đó có những người làm lớn chuyện, cũng cùng nghiệp đó ở người khác thì nhỏ, chúng tôi lấy ví dụ như cũng thời rày la người khác nhưng nếu Ngài Hộ Tông nói thì ảnh hưởng khác còn một vị sư không có đức mà nói như Ngài thì quả lại khác.

Đức Phật dạy rõ thêm là:

-"2. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục?"

- "Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục."

Đối với người sống không có thiện tâm, không có tâm hướng thượng, không làm việc tốt, không làm việc giúp ai, trái tim người ấy rất nhỏ, đời sống người đó rất hẹp thì việc ác nhỏ đủ dẫn người đó vào trong địa ngục. Tại vì sao? Tại vì không có nghiệp thiện lớn nào lấn áp mà chỉ việc ác nhỏ dẫn đi thôi.

- "Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều?"

- "3. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?"

- "Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được".

Ở đây Đức Phật dạy một người đời sống của họ nhỏ hẹp giống như chén nước bỏ nắm muối vào dĩ nhiên là mặn. Qúi vị thấy một điểm đó là cũng một chuyện thị phi nhưng người tâm hẹp sự thị phi làm họ điên đảo khổ, nhưng nếu cũng sự thị phi nếu tâm chúng ta lớn thì đỡ hơn. 

- "Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?"

- "Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, nước trở thành mặn và không uống được."

Thí dụ này rất rõ, một nắm muối bỏ vào chén nước một nắm muối bỏ xuống sông Hằng thì nắm muối đó không thể làm nước sông Hằng trở lên mặn nhưng nắm muối đó có thể làm cho chén nước mặn và không uống được. Việc mình làm có nhỏ có lớn một lẽ nhưng cuộc sống của mình, cái tâm địa của mình, cái giới hạnh của mình, cái đức tu của mình nó lại là một yếu tố khác để nói lên cái nghiệp có quả hay không.

- "4. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, nói gì là nhiều."

- "5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền."

Ngày nay nếu chúng ta nhìn thấy luật pháp thì chúng ta thấy rõ là vấn đề không phải nửa đồng hay một đồng hay một trăm đồng mà vấn đề người đó là ai.

- "Như thế nào, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền."
Mình nghèo quá đi trộm cắp lấy được một đồng tiền người ta cũng bắt bỏ tù tại vì họ nói người này nghèo rồi tham lam ăn cắp.

- "Như thế nào, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người giàu có, có tiền của lớn, có tài sản lớn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền."

"Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều."

Đức Phật Ngài lập lại thí dụ này và Ngài cũng có một cái thí dụ khác mà ở đoạn số 7  

- "7. Ví dụ một người đồ tể hay người giết dê, này các Tỷ-kheo, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết hay trói, hay tịch thu tài sản, hay làm như ý muốn. Ðối với một số người cũng đánh cắp dê, không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn."

Ngài nói rằng người nghèo  ăn cắp một con dê thì người đồ tể có thể đánh đập, thậm chí có thể tịch thu tài sản người đó. Nhưng đối với người giàu có thì người đồ tể đó phải đến xin lại con dê đó, không thể trói không thể tịch thu tài sản  mà người đó còn phải cầu xin là "xin Ngài cho con lại con dê". Ở đây thì chuyện này chúng ta cũng thấy rõ   ràng như vậy.

Ở trong đoạn 8 Đức Phật Ngài dạy rằng

- "8. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục".

- "Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều."

- "Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ (quả) như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, có ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt."

Không có đời sống phạm hạnh tức là nếu cái gì có tánh cách cố định thì đời sống tu tập không có ý nghĩa mà ở đây gọi là đau khổ được chân chánh đoạn diệt. 

Thế nào là đau khổ chân chánh đoạn diệt? Là một người dùng thiện nghiệp lớn để áp đảo ác nghiệp nhỏ để ngăn ngừa quả đó gọi là được chân chánh đoạn diệt. Một người dùng trí tuệ, dùng sự tu tập để đọan diệt đó gọi là đau khổ được chân chánh đoạn diệt.

Còn đau khổ không được chân chánh đoạn diệt tức là mình có khổ nhưng mình lại xử dụng mánh khóe, xử dụng thủ đoạn thì mình tự mình làm khổ mình thôi, tự mình mình gây ra hệ lụy thêm cho mình, và do vậy cái đó gọi là đau khổ không được chân chánh đoạn diệt. 

Chúng ta trở lại với ý nghĩa bài học hôm nay. 

Bài học này chúng tôi nhớ một lần chúng tôi sang bên Ấn Độ hành hương trên xe có một anh đi theo phụ anh hướng dẫn viên (Tour guide), người này nói tiếng Anh rất giỏi và là sinh viên đại học Varanasi một trường đại học rất nổi tiếng về Phật giáo nói về luân hồi nói đến Niết-bàn nhưng không hẳn hai cái hoàn toàn giống nhau, và chúng tôi đã trình bày bài kinh ngày hôm nay chúng tôi nói ở trong tôn giáo Hindu thường tin vào định mệnh hay tin vào thiên mệnh tin vào sự an bày nhưng Phật giáo qua lời dạy của Đức Phật thì có nghiệp quá khứ nhưng cũng có nghiệp hiện tại, có những nghiệp lớn có những nghiệp nhỏ, và nghiệp này có áp đảo nghiệp kia thành ra nghiệp có tánh cách bất định. Và khi chúng tôi giới thiệu đoạn kinh này cho anh đọc anh rất hoan hỉ và ngày hôm sau anh nói với chúng tôi biết buổi tối trở về anh có vào trong internet đọc anh cảm thấy rất thích thú Đức Phật Ngài đã dạy những điều ban đầu anh nhìn ở bên ngoài thì giống như đạo Hindu như ngũ nghịch đại tội chẳng hạn nó có tánh cách là nhất định nhưng đa số nghiệp có tánh cách bất định.

Và khi chúng tôi ở gần Ngài HT Hộ Giác khi gặp những chuyện phiền hà gặp những chuyện hệ lụy thay vì mình ngồi mình bàn hay mình nói đi nói lại về chuyện đó thì niệm tâm từ nhiều một chút hay tụng kinh nhiều một chút, Chuyện tụng kinh như vậy sẽ nhắc nhở chúng ta về thiện pháp và do có thiện pháp thiện tâm giúp chúng ta vượt qua những khó khăn. Đôi khi chúng ta quên đi điểm này, chúng ta quá tin vào sự khôn ngoan, quá tin vào tài trí của mình. Nhưng thật ra thông minh tài trí nhiều lắm chỉ là cái này đối đầu với cái kia thôi nhưng chất của thiện nó phải rộng, cái chất của thiện nó phải lớn, cái chất của thiện nó phải vô lượng thì như vậy nó mới có khả năng áp đảo cái mà chúng ta gọi là bất thiện nghiệp và chúng ta phải tin vào điều đó. 

Thì thưa qúi Phật tử, đối với bài kinh này thì một lần nữa chúng ta nhắc lên điều Đức Phật trong cái nhìn của bậc đại Giác một vị Giác Ngộ Ngài soi sáng cho chúng ta thấy một điểm rằng ở trong thiên nhiên ở trong thế giới của tự nhiên có một thứ đó là sự giao hữu hay là cộng hưởng của các yếu tố nhà Phật gọi là nhân duyên, và sự cộng hưởng này nó không đơn giản như chúng ta thường suy nghĩ mà nó vốn là do nhiều yếu tố mà thành. Cụ Nguyễn Du có viết một câu trong chuyện Kiều rất có ý nghĩa là "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", ở đây chúng ta hiểu cách đại khái đó là nhiều lúc nó không hẳn là tài năng mà chúng ta có thể vượt thắng được những khó khăn mà chính là cái tâm, cái tâm ở đây chúng ta nói chất thiện, chúng ta nói đến sự tu tập. 

Và Đức Phật Ngài thường nhắc đi nhắc lại nếu cái gì mang tánh cách cố định thì sự tu tập đó không có ý nghĩa, không có giá trị. Chính vì cuộc sống có thể chuyển hóa được cuộc sống có thể cải thiện được và chúng ta có thể áp đảo được cái nghiệp quá khứ thậm chí chúng ta có thể đoạn được nghiệp do vậy Đức Phật dạy rằng sự tu tập có giá trị ./.