Kinh Tăng Chi Bộ - Kinh Hạt Muối
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Bud dhadhamma - Paltalk ngày 4-11-2015, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng:Thông thường trong rất nhiều lãnh vực cái nhìn của loài người mang tánh cách cố định, thí dụ chúng ta có thói quen nói người có tướng như vậy là tốt, tướng như vậy là xấu, hay thành kiến của mình về người da trắng như vậy, người da đen như vậy. Ở trong lãnh vực tôn giáo và khoa học thường có những định kiến và những định kiến đó tạo nên nhiều hiểu lầm, Thí dụ một vấn đề then chốt chúng ta nói đó là vấn đề định mệnh. Định mệnh thi du mình nói ở hiền gặp lành hay tích thiện phùng thiện tích ác phùng ác. Tuy vậy, sự việc không đơn giản tại vì nó mang tính tương đối. Ở trong khoa học ngày nay người ta nói hiện tượng học - phenomenologic. thí dụ chúng ta nghĩ mở máy lạnh thì hao điện thành ra có nhiều người đi khỏi nhà họ tắt máy lạnh rồi khi trở về nhà thì mở máy lạnh, nhưng trên phương diện hiệu suất đôi khi mình giữ nhiệt độ trong nhà tương đối cao một chút nhưng để máy lạnh chạy thường ít tốn hơn tắt rồi mở. Ở đây Đức Phật Ngài cũng đề cập đến một hiệu suất khác là người ta nghĩ đến nghiệp hễ mình tạo nghiệp bất thiện mình sẽ bị quả khổ nhưng Đức Phật khẳng định rằng nếu mọi việc có tánh cách cố định như vậy chúng ta không tu tập thì không giải thoát được, tại vì sự việc nó là cái gì cố định, sở dĩ chúng ta thay đổi được cái nghiệp tại vì nó có những điều khả thi.
Và bài học hôm nay nói về tánh cách chuyển nghiệp như thế nào ở trong tính tương đối của nghiệp.
Chúng tôi mở đầu bài giảng hôm nay là Đức Phật khi Ngài giảng dạy giáo pháp Ngài dựa trên cái nhìn của một bậc giác ngộ của một bậc đại giác, Ngài không dựa trên sự suy nghĩ của một người có trí. Người có trí có thể suy luận cách này hay cách khác nhưng riêng Đức Thế Tôn Ngài giảng kinh không có suy luận thay vào đó qua sự giác ngộ của một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, điều này rất khác biệt với cái nhìn bình thường của chúng ta.
Khi chúng tôi nói điều này có nghĩa trong định luật thiên nhiên không đi theo kiến chấp một chiều, mà ở trong thiên nhiên chúng ta hiểu được có những thứ bất định. Mình có thể nói ra như vầy; cái nhìn bình thường của phàm phu chúng ta đa phần theo tánh cách cố định, thí dụ như họ nói người gầy đẹp, mập là cao sang, nhưng cái gầy và cái mập, cái đẹp, cái sang chỉ là cách nói thôi nó không hẳn là cái nhìn ở bên ngoài, có những người gầy đẹp có những người gầy không đẹp, có những người mập cao sang có những người mập không cao sang.
Thì chúng ta phải nói rằng cuộc sống có đầy dãy sự bất định. Ngay cả những người Phật tử và ngay cả trong giới tu sĩ đôi khi chúng ta cũng vướng vấp về vấn đề đó, cái vướng vấp chúng ta nói ở tại đây là chữ định mệnh, định mệnh là cái này nó như vậy thì nó phải như vậy.
Ở đây Đức Phật Ngài cho chúng ta biết 3 ý nghĩa rất quan trọng:
1. Điều thứ nhất: giữa nhân và quả có tánh cách tương đối.
2. Điều thứ hai: nếu nhân và quả hoàn toàn cố định thì đời sống tu tập không có ý nghĩa, bởi vì mỗi chúng ta sẽ phải gánh chịu tất cả nghiệp đã tạo trong quá khứ và không có cách để thay đổi. Do đó, chính vì tánh cách bất định nên sự tu tập có ý nghĩa.
3. Điều thứ ba: qua lời dạy này của Đức Phật cho chúng ta thấy một điều nghiệp có thể chuyển được, nó không chắc chắn là hoàn toàn, dĩ nhiên cái gì cũng có tánh cách tương đối nhưng nó có thể chuyển được.
- 1 . Điểm đầu tiên Đức Phật Ngài dạy nghiệp có tánh cách bất định là chúng ta nói đến sự đắp đổi của nghiệp quá khứ và hiện tại, chúng ta nói lên sự đắp đổi sự hòa trộn giữa thiện nghiệp và bất thiện nghiệp do một người làm.
Chúng tôi lấy một thí dụ, ở đây không phải muốn nói không tốt về một bậc cao tăng nhưng chúng tôi chỉ muốn đưa ra một thí dụ là Ngài HT Hộ Tông, Ngài là người được biết tánh hay rày chư vị Tăng Ni Phật tử. Ví dụ như đôi khi Chư Tăng lên gặp đảnh lễ Ngài, Ngài hỏi:
- " đi đâu vậy?"
Chư Tăng hay Phật tử trả lời:
- "Dạ, tụi con lên thăm Ngài"
Thì Ngài nói:
- "Tôi đâu bịnh đâu mà thăm"
Hay hoặc giả là:
-"Sao ở chùa không lo tu, đi đâu vậy?"
Thì với một người không biết Ngài họ xem đó là một cách nói không gây thiện cảm. Nhưng cũng cách nói của Ngài rất nhiều Phật tử thương kính, chư Tăng thương kính Ngài. Thương và kính Ngài không phải vì cách nói không cảm tình của Ngài, thương và kính Ngài là vì đức tu của Ngài, giới hạnh của Ngài, người ta biết rõ Ngài là người giữ giới rất trong sạch, người ta biết rõ Ngài là người có lòng từ, nhưng tại vì cách nói của Ngài là như vậy. Bây giờ có một người nào khác thí dụ một vị Sư nào khác thấy Ngài nói chuyện kiểu đó cũng bắt chước cách Ngài nói, Phật tử đến chùa hỏi;
- "Đi đâu vậy?"
- Nói - " đi thăm Sư".
- "Tôi đâu có bịnh gì đâu mà thăm".
Thì người ta bất mãn, chúng ta có thể nói đôi khi bất mãn rất nặng nề, tại vì cũng câu nói đó mà nói từ Ngài Hộ Tông thì khác, cũng câu nói đó nói từ một vị Sư khác thì nó khác. .
Tại vì sao vậy? Tại vì đức tu không giống nhau . Hay hoặc giả, một người nào đó làm sai nhưng cũng cùng câu nói khuyên mà người khác khuyên thì người ta nghe mình khuyên người ta giận, hay mình khuyên người ta nghe mà người khác khuyên thì người ta giận, tại vì cũng phải coi tình cảm của người đó đối với mình như thế nào. Chúng tôi lấy một thí dụ, chúng tôi làm việc với Ngài HT Hộ Giác, sống với Ngài bao nhiêu năm và hiểu tình thương Ngài đối với cá nhân chúng tôi như thế nào, nhiều khi Ngài rày chúng tôi về việc gì đó thì lời Ngài trách móc không làm chúng tôi phiền mà trái lại chúng tôi rất cảm kích điều đó, nhưng cũng người khác thấy Ngài nói như vậy thì bắt chước Ngài trách móc chúng tôi về việc gì đó, thì chuyện đó lại khác là tại vì người đó không có tư cách để nói với chúng tôi về việc như vậy.
Ở đây, Đức Phật Ngài dạy một quả của nghiệp thành tựu do nhiều yếu tố, cũng giống gieo một hạt giống, hạt giống chỉ là một yếu tố, còn cần phân, đất và thời tiết. Thí dụ, trong đời sống của chúng ta, chúng ta không phải là người toàn hảo, thỉnh thoảng mình có những lời nói không đẹp, không hay, nhưng nếu bình thường mình tu tập nhiều, bình thường mình có nhiều đức tu thì lời nói của chúng ta lại được nhận thức trên phương diện khác.
Có lẽ nhiều Phật tử làm việc trong rơom cũng biết TT Tuệ Siêu thỉnh thoảng cũng rày, không phải chỉ rày Phật tử trong rơom, TT còn rày chư Tăng các vị giảng sư nữa, thí dụ vị nào thuyết pháp TT nghe không được TT rày. Thì TT Tuệ Siêu rày tự nhiên lúc đó qúi vị cũng phiền não nhưng một phần thương một phần kính vì biết TT là người có đức tu nên không phiền não nhiều. Nhưng cũng lời nói đó vị khác nói chúng tôi nghĩ là sanh chuyện. Tại vì sao vậy? Vì chư Tăng các vị giảng sư của rơom ở Việt Nam coi TT Tuệ Siêu là Thầy và cũng biết TT nói như vậy nhưng không có ác ý, TT không có mục đích bôi nhọ, TT chỉ thấy việc đó không được nên nói thôi. Do vậy người ta nói mình không phải bậc Thánh thì đừng bắt chước bậc Thánh. Với chuyện người khác làm được mình làm không được, sự việc này nói lên tánh tương đối của sự việc không mang tánh cách cố định. Chúng ta phải hiểu tánh tương đối này không mang một kiến chấp cố định.
Ở đây Đức Phật Ngài dùng hình ảnh ví dụ muối và nước, một nắm muối bỏ vào trong chén rất mặn nhưng một nắm muối bỏ xuống giòng sông không hề hấn gì.
Tương tự như vậy, mỗi chúng ta trong vòng luân hồi có tạo những nghiệp nhỏ hay nghiệp lớn nhưng trong nghiệp nhỏ nghiệp lớn quả còn tùy yếu tố là trên phương diện thiện pháp chúng ta làm điều gì. Đức Phật Ngài dạy rất rõ về tánh tương đối, nếu chúng ta tu tập và tu tập thật sự, ví dụ Ngài Angulimala từng là một người cuống sát giết rất nhiều người, 999 người và mỗi người giết xong lấy một ngón tay lấy xương của ngón tay đó kết lại làm tràng chuỗi nhưng bởi vì túc duyên đầy đủ Ngài chứng Thánh quả thì cái nghiệp Ngài trả rất nhẹ, rất mảy may so với ác nghiệp Ngài đã làm và Ngài viên tịch Niết-Bàn. Nhưng cũng nghiệp đó một người không có tu tập chỉ cần làm bị thương một người thôi hay giết một người thôi cũng có thể bị nghiệp rất nặng là xử tử. Mình không lấy chuyện người này so sánh với chuyện người kia được.
Ở bên Mỹ người ta thường than phiền một điều là có những người hối lộ cảnh sát rồi khi hối lộ như vậy họ bị phạt 3 năm tù vì chính phủ có luật rất gắt gao trong việc hối lộ, nhưng có những người người quyền cao chức trọng làm việc trong quốc hội chẳng hạn, đôi khi họ có những cách chạy tội nên dù tội họ nặng hơn nhưng họ không bị ngồi tù họ chỉ bị tù treo hay bị cảnh cáo thôi tùy vào địa vị chức quyền của họ. Có những người đánh lộn nhưng gặp luật sư giỏi cãi cho họ thì họ không hề bị gì nhưng có những người chỉ ăn cắp một cây cà rem nhỏ thôi lại bị vào tù và ghi hồ sơ xấu. Mình không thể đem trường hợp này so sánh với trường hợp khác được, điều đó gọi là hiệu năng tức là tánh cách bất định của sự việc và tánh cách bất định này nên được nhận thức ngay trong đời sống chúng ta đó là sự tương đối. Cũng thời quên ngày sinh nhật của một người thân nhưng nếu chúng ta là người sống rất có tình và thường làm những việc tốt thì việc quên sinh nhật đó chỉ làm người ta giận ít thôi nhưng có những người trong đời sống hàng ngày vì quên sinh nhật của người thân của mình mà làm đổ vỡ một quan hệ. Như vậy vấn đề không đơn giản chỉ quên hay nhớ ngày sinh nhật mà vấn đề là cuộc sống mình bình thường như thế nào,
Ở đây, Đức Phật Ngài cho chúng ta một tia hy vọng, tánh cách bất định của nghiệp và do vậy nỗ lực phạm hạnh có ý nghĩa. Ví dụ, có thể một người có thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện, ý nghiệp bất thiện nhưng bên cạnh đó họ chuyên tâm tu tập giới, tu tập định, tu tập tuệ, ở trong sự tu tập đôi khi giận họ có thể nói nặng nhẹ với người khác nhưng chuyện đó không có nghĩa kết quả giống người bình thường, tại vì người đó có tu tập.
Đức Phật Ngài dạy chúng ta một việc, đó là nếu việc thiện mình đang làm, làm đủ mạnh, đủ lớn, đủ sự nổi trội nó sẽ lấn lướt lấn át đi. Chúng ta phải tin điều đó. Ví dụ, buổi tối đi ngủ niệm tâm từ, buổi sáng thức dạy niệm tâm từ, thường nghĩ tưởng đến giới hạnh mình tu trì, thường nghĩ tưởng đến ân lành của Tam Bảo, thường hồi hướng phước đến Chư Thiên thì nghiệp của mình nó khác ở trong những lúc khó khăn hữu sự những phước đó có thể che chở cho mình. Ví dụ, bình thường mình không làm phước gì, mình không tu tập, mình không làm việc thiện gì thì nhiều khi nghiệp mảy may nó cũng đủ sức vùi dập mình.
Người Phật tử không phủ nhận nghiệp của quá khứ, mà mình tin rằng ở quá khứ mình có tạo nghiệp, nhưng không tin nó là một định mệnh hoàn toàn, mà mình tin vào hiện tại sự nỗ lực của mình làm thiện vẫn có ý nghĩa nó vẫn thay đổi sự việc
.
Do vậy chúng ta không bao giờ nói mình tu tập Giới, Định, Huệ đời sống mình thay đổi hoàn toàn mình không lãnh nghiệp quá khứ, không phải như vậy. Nhưng rõ ràng là giữa sự tu tập lớn lao của mình và những nghiệp trong quá khứ nó có sự áp đảo với nhau. Định luật muôn thuở đó là cái mạnh luôn luôn lấn cái yếu, cái lớn luôn luôn lấn cái nhỏ và nếu một người thường tu tập tâm từ thì những oan trái trong quá khứ nó ít trổ quả, nhưng nếu mình không tu tập tâm từ thì cái oan trái mảy may trong quá khứ nó cũng lớn chuyện
Cái nhìn của một người không hiểu Phật Pháp khi có chuyện va chạm thì nghĩ đến chuyện làm sao mình thắng làm sao mình hơn người đó nhưng khi hiểu Phật pháp rồi điều quan trọng nhất mình có nuôi được tâm từ và tâm từ có đủ mạnh đủ rõ ở trong lòng chúng ta, buổi sáng thức dạy buổi tối đi ngủ với tâm thái như thế nào? Ở trong giờ phút đó mình có nghĩ đến chuyện hơn thua nghĩ với người này người khác hay ở những giờ phút đó mình đem tâm lành nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc. Thật ra cái nhìn của một người hiểu đạo và người không hiểu đạo chỉ khác nhau ở mảy may, người hiểu đạo tin vào điều thiện, tin vào tâm thiện, tin vào tâm lành, người không hiểu đạo họ không tin vào thiện tâm không tin vào thiện hạnh. Chúng ta phải đủ niềm tin rằng có thể mình không thủ đoạn bằng người khác, có thể mình không có những mánh lới như người khác nhưng mình phải tin một điều rằng mình thức dạy với tâm từ mình đi ngủ với tâm từ, sinh hoạt hàng ngày với tâm từ, mình phải đủ khả năng để mình tin vào thiện pháp.
Đức Phật Ngài dạy thiện pháp hiện tại nếu được tu tập đủ sự lớn mạnh nó áp đảo được nghiệp quá khứ của mình. Nếu không tu tập khi mình bị người khác làm phiền mình đáp trả bằng những nghiệp bất thiện thì thật sự chỉ đi từ tệ hại đến chỗ tệ hại. Nhưng nếu dùng thiện nghiệp của mình, dùng được thiện pháp của mình, dùng được thiện tâm của mình nhất là lòng từ thì Đức Phật dạy điều đó có tánh cách lấn áp, có tánh cách áp đảo được nghiệp bất thiện.
Phật tử hỏi chúng ta có thể chuyển nghiệp được không? Không phải chúng ta có thể chuyển nghiệp được hoàn toàn nhưng nghiệp thiện càng lớn, nghiệp thiện càng mạnh, tâm mình càng lành, tâm từ càng nhiều, lấy ví dụ nước của một thau nước nhiều hơn nước trong một chén nước, nếu có người bốc một nắm muối bỏ vào chén nước thì rất mặn nhưng bỏ nắm muối đó vào một thau nước vị mặn bớt đi, nếu bỏ vào một sông lớn hồ nước lớn vị mặn hóa giải được. Vấn đề của chúng ta hiện tại khi mình tu tập trong sự tu tập mình cũng sống với định lực của tự nhiên, định lực tự nhiên đó là nghiệp trổ sanh cũng dựa lên trên thiện nghiệp và bất thiện nghiệp mình đang làm, nếu hiện tại mình không tu tập thiện nghiệp thì quả nghiệp quá khứ đó dù nó mảy may nhỏ thôi nó cũng có thể làm cho mình điên đảo, nhưng nếu hiện nay thiện nghiệp mình tốt đủ mạnh thì nghiệp quá khứ có thể giảm đi rất nhiều và chúng ta phải tin vào điều đó.
Thì bây giờ chúng ta thấy một điều nếu hiểu nghiệp như một định mệnh như cái gì cố định thì hiểu đó là hiểu sai không đúng không chính xác, nghiệp vẫn mang tánh cách bất định của nó. Và thứ hai là chính vì nghiệp mang tánh cách bất định. nên sự tu tập mới có ý nghĩa là tại vì nếu tất cả đều là định mệnh hết thì mọi thứ đã được an bày thì chúng ta không thay đổi được. Ở một bài kinh trước chúng ta học có đề cập đến điều đó
Điều thứ ba: nghiệp có thể chuyển được.
Nghiệp có thể chuyển được, do vậy chúng ta phải tinh tấn, phải cố gắng ở trong đời sống. Sự tinh tấn cố gắng, ví dụ, chúng ta thường an trú tâm trong ân lành Tam Bảo. Chúng tôi nhớ Ngài Ajahn Sumedho một người Mỹ xuất gia, Ngài kể trong cuộc đời khi Ngài ở trong rừng sâu nghe tiếng gầm của các loài mãnh thú sư tử cọp beo Ngài niệm con nương tựa Phật, con nương tựa Pháp, con nương tựa Tăng, khi Ngài đi hoằng pháp Ngài cũng nghĩ con nương tựa Phật, con nương tựa Pháp, con nương tựa Tăng. Đó là điểm rất đặc biệt của một người có trí và là một người có sức mạnh chứ không phải không có nhưng Ngài thấm nhuần được ân đức Phật Pháp Tăng. Hay hoặc giả Ngài Ajăan Chah Ngài kể chuyện Ngài đi trong rừng gặp chó sói nó muốn tấn công Ngài thì Ngài nghĩ đến chuyện an trú vào từ tâm, Ngài nghĩ đơn giản là mình sợ thì mình cũng chết mà mình niệm tâm từ thì mình cũng chết mà nếu chết khi niệm tâm từ thì được sanh về cõi an lạc do đó Ngài an trú vào từ tâm.
.Chúng ta cứ nghĩ trong đời sống những người ác giống như những mãnh thú có thể tấn công chúng ta, nhưng khi họ tấn công mà chúng ta nuôi thù chuốt oán tìm cách phỉ nhổ hay tìm cách hại họ thì thật sự chưa chắc có lợi gì. Những lúc đó chúng ta phải vững lòng với từ tâm của mình nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc, nguyện cho tất cả chúng sanh dứt trừ mọi oan kết, mình mong cho mình được an lạc thì mong cho những chúng sanh khác cũng được an lạc.
Thật ra đó là thượng sách Đức Phật Ngài dạy chúng ta phải tin vào điều thiện, sống với điều thiện, an trú vào điều thiện, làm cho điều thiện lớn mạnh, làm cho điều thiện vững chãi, như vậy thiện nghiệp có tánh cách áp đảo và người nào không hiểu định luật về nghiệp mang tánh cách bất định này thường nản lòng, thường buông tay.
Nhưng trong đời sống này phần thưởng lớn nhất của cuộc sống là dành cho những người biết phấn đấu, ở trong hoàn cảnh nào cũng phấn đấu, không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ tuyệt vọng, sự tuyệt vọng chỉ nói lên chúng ta quan niệm rằng việc đó như vậy rồi mình không làm được gì hết, Đức Phật gọi là đời sống phạm hạnh không có ý nghĩa, đời sống tu tập không có ý nghĩa, nỗ lực không có ý nghĩa.
Phật Pháp thì chúng ta thấy tất cả nỗ lực lớn nhỏ đều có ý nghĩa, đều có giá trị, buổi sáng thức dậy từ trên giường ngồi đảnh lễ Phật, đảnh lễ Pháp, đảnh lễ Tăng, nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng, mong cho tất cả chúng sanh được an lạc, mong cho chúng sanh dứt trừ mọi oan kết và hồi hướng những công đức tốt đẹp cho Chư Thiên, ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng làm như vậy và mạnh mẽ tin tưởng điều đó, nếu chúng ta tin vào điều thiện vẫn tốt hơn tin vào điều bất thiện, cái khổ của chúng ta là chúng ta thường tin vào những điều bất thiện và càng nhúng xâu vào chuyện bất thiện thì cuộc đời mình càng khổ, tâm mình càng có nhiều hệ lụy, nó không có lợi ích gì hết, thấy như vậy chứ nó không lợi ích gì hết.
Bây giờ chúng ta đọc lại đọan Đức Phật dạy ngày hôm nay từ đọan một:
"1. - Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt."
Hai câu này nó khác nhau ở điểm nào? Ở chỗ nói về sự bất định về quả dị thục. Sự sát sanh, đoạn mạng sống chúng sanh khác thì quả dị thục của nghiệp đó nếu nó trổ thì người đó bị yểu mạng. Chửi cha mắng mẹ đời sau sanh ra làm người bần tiện nếu nghiệp trổ. Điều đó nói như vậy là đúng. Nhưng nói điều đó chắc chắn sẽ trổ thì cũng phải tùy vào đời sống, lối sống, sự tu tập và các thiện nghiệp khác nữa. Gieo hột cam thì ra cây cam, gieo hột mè ra cây mè, "chưởng hoa hoàn đắc hoa, chưởng đậu hoàn đắc đậu" nói như vậy là đúng, nhưng nói rằng hột cam chắc chắn sẽ ra cây cam thì không hẳn như vậy, hột mè chắc chắn sẽ ra cây mè thì phải tùy coi duyên nó như thế nào, hột không gieo đúng nó không có đủ điều kiện cũng không thể trồng được, nhưng nếu hột cam lớn lên thì cây cam không thể trở thành cây quít được, hột mè không thể trở thành cây cải được.
Hai đoạn đó thật ra Đức Phật Ngài dạy về quả dị thục có sự tương đương giữa nhân và quả, nếu nó trổ quả thì nó phải trổ quả nhất định như vậy "chưởng hoa hoàn đắc hoa, chưởng đậu hoàn đắc đậu", nhưng cái quả có trổ hay không thì lại là chuyện khác nữa.
- "Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều."
Cũng cùng nghiệp đó có những người làm lớn chuyện, cũng cùng nghiệp đó ở người khác thì nhỏ, chúng tôi lấy ví dụ như cũng thời rày la người khác nhưng nếu Ngài Hộ Tông nói thì ảnh hưởng khác còn một vị sư không có đức mà nói như Ngài thì quả lại khác.
Đức Phật dạy rõ thêm là:
-"2. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục?"
- "Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục."
Đối với người sống không có thiện tâm, không có tâm hướng thượng, không làm việc tốt, không làm việc giúp ai, trái tim người ấy rất nhỏ, đời sống người đó rất hẹp thì việc ác nhỏ đủ dẫn người đó vào trong địa ngục. Tại vì sao? Tại vì không có nghiệp thiện lớn nào lấn áp mà chỉ việc ác nhỏ dẫn đi thôi.
- "Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều?"
- "3. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?"
- "Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được".
Ở đây Đức Phật dạy một người đời sống của họ nhỏ hẹp giống như chén nước bỏ nắm muối vào dĩ nhiên là mặn. Qúi vị thấy một điểm đó là cũng một chuyện thị phi nhưng người tâm hẹp sự thị phi làm họ điên đảo khổ, nhưng nếu cũng sự thị phi nếu tâm chúng ta lớn thì đỡ hơn.
- "Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?"
- "Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, nước trở thành mặn và không uống được."
Thí dụ này rất rõ, một nắm muối bỏ vào chén nước một nắm muối bỏ xuống sông Hằng thì nắm muối đó không thể làm nước sông Hằng trở lên mặn nhưng nắm muối đó có thể làm cho chén nước mặn và không uống được. Việc mình làm có nhỏ có lớn một lẽ nhưng cuộc sống của mình, cái tâm địa của mình, cái giới hạnh của mình, cái đức tu của mình nó lại là một yếu tố khác để nói lên cái nghiệp có quả hay không.
- "4. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, nói gì là nhiều."
- "5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền."
Ngày nay nếu chúng ta nhìn thấy luật pháp thì chúng ta thấy rõ là vấn đề không phải nửa đồng hay một đồng hay một trăm đồng mà vấn đề người đó là ai.
- "Như thế nào, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền."
Mình nghèo quá đi trộm cắp lấy được một đồng tiền người ta cũng bắt bỏ tù tại vì họ nói người này nghèo rồi tham lam ăn cắp.
- "Như thế nào, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người giàu có, có tiền của lớn, có tài sản lớn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền."
"Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều."
Đức Phật Ngài lập lại thí dụ này và Ngài cũng có một cái thí dụ khác mà ở đoạn số 7
- "7. Ví dụ một người đồ tể hay người giết dê, này các Tỷ-kheo, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết hay trói, hay tịch thu tài sản, hay làm như ý muốn. Ðối với một số người cũng đánh cắp dê, không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn."
Ngài nói rằng người nghèo ăn cắp một con dê thì người đồ tể có thể đánh đập, thậm chí có thể tịch thu tài sản người đó. Nhưng đối với người giàu có thì người đồ tể đó phải đến xin lại con dê đó, không thể trói không thể tịch thu tài sản mà người đó còn phải cầu xin là "xin Ngài cho con lại con dê". Ở đây thì chuyện này chúng ta cũng thấy rõ ràng như vậy.
Ở trong đoạn 8 Đức Phật Ngài dạy rằng
- "8. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục".
- "Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều."
- "Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ (quả) như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, có ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt."
Không có đời sống phạm hạnh tức là nếu cái gì có tánh cách cố định thì đời sống tu tập không có ý nghĩa mà ở đây gọi là đau khổ được chân chánh đoạn diệt.
Thế nào là đau khổ chân chánh đoạn diệt? Là một người dùng thiện nghiệp lớn để áp đảo ác nghiệp nhỏ để ngăn ngừa quả đó gọi là được chân chánh đoạn diệt. Một người dùng trí tuệ, dùng sự tu tập để đọan diệt đó gọi là đau khổ được chân chánh đoạn diệt.
Còn đau khổ không được chân chánh đoạn diệt tức là mình có khổ nhưng mình lại xử dụng mánh khóe, xử dụng thủ đoạn thì mình tự mình làm khổ mình thôi, tự mình mình gây ra hệ lụy thêm cho mình, và do vậy cái đó gọi là đau khổ không được chân chánh đoạn diệt.
Chúng ta trở lại với ý nghĩa bài học hôm nay.
Bài học này chúng tôi nhớ một lần chúng tôi sang bên Ấn Độ hành hương trên xe có một anh đi theo phụ anh hướng dẫn viên (Tour guide), người này nói tiếng Anh rất giỏi và là sinh viên đại học Varanasi một trường đại học rất nổi tiếng về Phật giáo nói về luân hồi nói đến Niết-bàn nhưng không hẳn hai cái hoàn toàn giống nhau, và chúng tôi đã trình bày bài kinh ngày hôm nay chúng tôi nói ở trong tôn giáo Hindu thường tin vào định mệnh hay tin vào thiên mệnh tin vào sự an bày nhưng Phật giáo qua lời dạy của Đức Phật thì có nghiệp quá khứ nhưng cũng có nghiệp hiện tại, có những nghiệp lớn có những nghiệp nhỏ, và nghiệp này có áp đảo nghiệp kia thành ra nghiệp có tánh cách bất định. Và khi chúng tôi giới thiệu đoạn kinh này cho anh đọc anh rất hoan hỉ và ngày hôm sau anh nói với chúng tôi biết buổi tối trở về anh có vào trong internet đọc anh cảm thấy rất thích thú Đức Phật Ngài đã dạy những điều ban đầu anh nhìn ở bên ngoài thì giống như đạo Hindu như ngũ nghịch đại tội chẳng hạn nó có tánh cách là nhất định nhưng đa số nghiệp có tánh cách bất định.
Và khi chúng tôi ở gần Ngài HT Hộ Giác khi gặp những chuyện phiền hà gặp những chuyện hệ lụy thay vì mình ngồi mình bàn hay mình nói đi nói lại về chuyện đó thì niệm tâm từ nhiều một chút hay tụng kinh nhiều một chút, Chuyện tụng kinh như vậy sẽ nhắc nhở chúng ta về thiện pháp và do có thiện pháp thiện tâm giúp chúng ta vượt qua những khó khăn. Đôi khi chúng ta quên đi điểm này, chúng ta quá tin vào sự khôn ngoan, quá tin vào tài trí của mình. Nhưng thật ra thông minh tài trí nhiều lắm chỉ là cái này đối đầu với cái kia thôi nhưng chất của thiện nó phải rộng, cái chất của thiện nó phải lớn, cái chất của thiện nó phải vô lượng thì như vậy nó mới có khả năng áp đảo cái mà chúng ta gọi là bất thiện nghiệp và chúng ta phải tin vào điều đó.
Thì thưa qúi Phật tử, đối với bài kinh này thì một lần nữa chúng ta nhắc lên điều Đức Phật trong cái nhìn của bậc đại Giác một vị Giác Ngộ Ngài soi sáng cho chúng ta thấy một điểm rằng ở trong thiên nhiên ở trong thế giới của tự nhiên có một thứ đó là sự giao hữu hay là cộng hưởng của các yếu tố nhà Phật gọi là nhân duyên, và sự cộng hưởng này nó không đơn giản như chúng ta thường suy nghĩ mà nó vốn là do nhiều yếu tố mà thành. Cụ Nguyễn Du có viết một câu trong chuyện Kiều rất có ý nghĩa là "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", ở đây chúng ta hiểu cách đại khái đó là nhiều lúc nó không hẳn là tài năng mà chúng ta có thể vượt thắng được những khó khăn mà chính là cái tâm, cái tâm ở đây chúng ta nói chất thiện, chúng ta nói đến sự tu tập.
Và Đức Phật Ngài thường nhắc đi nhắc lại nếu cái gì mang tánh cách cố định thì sự tu tập đó không có ý nghĩa, không có giá trị. Chính vì cuộc sống có thể chuyển hóa được cuộc sống có thể cải thiện được và chúng ta có thể áp đảo được cái nghiệp quá khứ thậm chí chúng ta có thể đoạn được nghiệp do vậy Đức Phật dạy rằng sự tu tập có giá trị ./.
No comments:
Post a Comment