Kinh Kiêu Mạn - Phẩm Sứ Giả Của Trời - Tăng Chi Bộ
Bài giảng trong Lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 29-7-2015, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Ngày nay trong sự tu học chúng ta thường đề cập đến pháp môn, đến tông phái, đến các bộ kinh . Nhưng ở một môi trường nào đó, thí dụ như trong trường thiền hoặc giả trong đời sống cá nhân hoàn toàn thì sự việc nằm ở tâm lý của chúng ta. Về phương diện này Đức Phật Ngài soi sáng cho chúng ta rất nhiều điều.
Hôm nay chúng ta nói về hai trọng điểm:
1) Một người làm ác qua thân khẩu ý do sự say sưa trong kiêu mạn.
2) Và một vị tỳ kheo từ bỏ đời sống phạm hạnh để hoàn tục trở về đời sống thế tục cũng phát xuất từ sự say sưa trong kiêu mạn.
Dĩ nhiên sự kiêu mạn ở đây không giống như sự kiêu mạn bình thường. Một người muốn chứng tỏ cho người khác thấy mình giàu, chúng ta nghe chuyện một số người ở Trung Quốc bỗng nhiên rất giàu, khi giàu như vậy họ chơi ngông để chứng tỏ mình giàu, thí dụ họ đốt tiền hoặc chiếc xe hơi loại đắc tiền họ dùng cây gậy bóng chày (baseball) đập vào xe. Hoặc giả một người vỗ ngực nói rằng tôi có học vị tiến sĩ những người khác không có. Đó là sự kiêu mạn mình có thể thấy ở bên ngoài.
Nhưng sự kiêu mạn ở đây không biểu hiện trong hình thức kiêu căng ở bên ngoài, mà ở đây biểu hiện với hình thức ỉ lại, đôi khi nó không cần tới ai chỉ một mình thôi, mình quá ỉ lại. Ví dụ như bây giờ chúng ta lo chơi không lo tu tập, tại vì ẩn tàng trong tâm ý chúng ta mình không chết ngày mai, mình không chết năm tới và mình còn sống mấy chục năm nữa. Nếu ngày mai mình biết sẽ chết thì ngày hôm nay mình sẽ tập trung vào làm việc gì đó. Nhưng thật sự chuyện khẳng định mình còn sống mấy chục năm nữa vốn không có cơ sở, không có gì chắc chắn mình sống mấy chục năm nữa, không có. Đó là một sự say sưa hay một sự kiêu mạn.
Thật ra, chữ kiêu mạn ở đây dùng cũng một phần nhưng chúng ta nói ở đây là sự ỉ lại, mình có vẻ mạnh mẽ ở trong sự ỉ lại đó, đoan chắc trong sự ỉ lại đó và sự đoan chắc trong sự ỉ lại đó có thể nói trong ngôn ngữ khác là "say sưa trong kiêu mạn". Giả sử một người làm việc ác, đi cướp nhà băng chẳng hạn, thì nếu họ nghĩ khi cướp nhà băng cảnh sát sẽ tới bao vây và bắt họ bỏ tù, hoặc giả trong lúc đấu súng với cảnh sát họ sẽ chết thì khi nghĩ chuyện đó họ không đi cướp nhà băng, đâu có ai muốn từ đời sống tự do bên ngoài mà bước vào nhà tù hay phải bị chết. Nhưng ngay lúc họ đi cướp nhà băng họ có một sự ỉ lại là mình làm nhanh mình sẽ rời khỏi nhà băng với một số tiền lớn cho dù cảnh sát truy nã mình lợi dụng đám đông để chạy thoát với số tiền lớn mình sẽ làm việc này việc kia. Đó chúng ta gọi là chủ quan. Khi mình chủ quan thì mình suy nghĩ việc gì đó một chiều thôi, mình chủ quan là mình đoan chắc việc gì đó vốn nó không có cơ sở rõ ràng. Cũng giống như chúng tôi thường gặp một sự việc, có những người cách đây một năm họ rất tốt nhưng bây giờ tự nhiên họ bị tai biến mạch máu não phải đưa vào bệnh viện hay họ bị ung thư và sớm ra đi. Thì mình ngồi nhìn lại cách đây một năm họ không biết họ sẽ bị chuyện đó, bản thân chúng ta không ai nghĩ như vậy, khi chúng ta khỏe mạnh chúng ta nghĩ mình sẽ sống lâu, mình sẽ thế này thế kia. Chúng ta gọi đó là sự kiêu mạn của sự sống.
Kiêu mạn sức khỏe, chúng ta nói ở một người luôn luôn tự tin vào đôi tay của mình, mình làm cái gì cũng lanh lẹ, mình làm cái gì cũng mạnh mẽ, mình làm cái gì cũng có sự hơn người về thể lực.
Kiêu mạn về tuổi trẻ, khi mình còn trẻ, không phải chỉ đẹp chỉ khỏe, sự trẻ trung làm cho mình cảm thấy kiêu hãnh tự tin là cuộc đời mình còn dài rất dài chưa vội vã để chuẩn bị sự ra đi.
Sự thật nếu chúng ta đọc vào trong kho tàng kinh điển Phật Pháp chúng ta thấy những pháp môn như quán tưởng về Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, quán tưởng về sự Chết, những điều đó có hàm tàng một ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta khiêm tốn hơn, để chúng ta chấp nhận một thực tế gọi là vô định, để chúng ta không đinh ninh rồi nó sẽ như vậy như vậy.
Sự đinh ninh đó tương tự như một người đi vào rừng với đôi chân rất khỏe nghĩ rằng mình khỏe khoắn đi trong rừng không sợ gì hết. Nhưng kỳ thật những nguy hiểm đang chờ mình ở trong rừng nó không hẳn chỉ dựa trên sức khỏe của mình mà còn dựa trên những yếu tố khác nữa, thí dụ bị một con rắn cắn hay bị một cơn gió độc hay bị một con mãnh thú tấn công. Thì sự vô định của khu rừng không thể được trả lời bằng một vài yếu tố như sức khỏe của mình hay sự nhanh nhẹn của mình mà chúng ta cũng phải cẩn thận những việc khác nữa.
Ở Mỹ người ta thường ỉ lại vào bảo hiểm, lý do các công ty bảo hiểm làm ra tiền vì họ bán cho người ta sự yên lòng. Thí dụ, nếu xây nhà ở bờ biển mình chịu tốn thêm ít tiền mua bảo hiểm lỡ có bão đến làm sập thì sẽ có hãng bảo hiểm đền, nếu mình chết đi thì bảo hiểm nhân thọ sẽ mang một số tiền lớn cho người thân của mình v.v... và v.v... Chuyện đó cũng có thể xảy ra nhưng thú thật mà nói mọi sự vật không có đơn thuần là chúng ta có thể đoan chắc, có thể ỉ lại, có thể đinh ninh ở người thân của mình, ở bảo hiểm ở sức khỏe, ở tuổi trẻ .
Và ở đây nói lên một yếu tính của người tu tập và người không tu tập. Người không tu tập thì cứ nói: "Mặc dầu mình không nói ra lời nhưng trong lòng mình nghĩ những chuyện như vậy sao có thể xảy ra được". Nhưng một người có tu tập hiểu cái gì cũng có thể xảy ra được và điểm này khó chứ không phải dễ để suy nghĩ.
Lấy một ví dụ chúng tôi thường đi máy bay. Tâm lý của những người đi máy bay thường suy nghĩ: "Máy bay của Mỹ với sự quản trị dòm ngó của FAA là cơ quan hàng không của liên bang thì vấn đề bảo trì tiêu chuẩn rất cao và họ xử dụng một ê kíp thợ máy rất tốt những đồ phụ tùng rất tốt, quản trị thật tốt, và có rất nhiều năm hàng không của Hoa Kỳ mặt dầu có hàng bao nhiêu chuyến bay hàng bao nhiêu triệu người đi nhưng rất an toàn họ dựa trên những sự thống kê và từ chỗ đó họ nói rằng ở Mỹ đi máy bay an toàn không có gì phải lo". Thì cũng có thể nghĩ như vậy để yên tâm nhưng thật ra thì nếu nói đi máy bay hoàn toàn không có gì để lo vì lý do máy bay của Mỹ v.v ... và v.v... Thật sự lịch sử hàng không của Mỹ cũng có nhiều tai nạn chứ không phải là không có. Hoặc giả hãng Malaysia Airline bị mất tích một chiếc và một chiếc bị bắn hai điều đó không liên quan đến máy móc và chúng ta cũng chưa biết ra sao nhưng có thể nói một chiếc bị hoả tiễn bắn và chiếc máy bay MH370 do sự điều khiển sao đó cho đến giờ này người ta cũng chỉ biết nó đổi lộ trình bay và cuối cùng rớt ở đâu đó.
Điều chúng tôi muốn nói tại đây trên phương diện tâm lý ở trong cuộc sống của chúng ta có những trấn an có những điều làm chúng ta an lòng. Như chúng tôi nói mình lên máy bay mình nghĩ những con số thống kê, thật ra đi đó đi đây bằng máy bay an toàn nhất, an toàn hơn cả xe hơi, xe hơi lái trên xa lộ mình thấy mình đang ở dưới đất nhưng tai nạn đụng xe chết nhiều hơn máy bay. Hay hoặc giả 6 tháng 1 năm mình đi khám tổng quát một lần bác sĩ nói sức khỏe tốt mình yên tâm sống thoải mái sống vui vẻ. Nhưng kỳ thật khi chúng ta yên tâm sống vui vẻ thì ở trong đó có một manh nha của một điều gì mình không biết là do sự ỉ lại. Chúng ta không có thực sự nỗ lực làm lành lánh dữ, chúng ta không có nỗ lực để đi theo con đường các bậc Thánh gọi là chuyên chú nỗ lực, chúng ta rơi vào trạng thái dễ ngươi thành ra cẩu thả tại vì mình ỉ lại. Lấy trường hợp mình làm cái gì người khác cũng chỉ trích mình thì làm rất tốt, cân nhắc cẩn thận, nhưng khi mình nghĩ bây giờ mình làm vua một cõi rồi hay những người chung quanh toàn người thân mình chắc chắn không ai chỉ trích mình thì đâm ra buông thả, cái buông thả đó thành dễ nguơi và cái dễ người đó kéo theo nhiều ác pháp.
Vấn đề đơn giản của một người làm ác như hồi nãy chúng tôi nói với qúi vị những người cầm súng đi cướp nhà băng thật ra cơ hội họ thoát khỏi luật pháp rất ít, tính ra trong 10 vụ cướp nhà băng chỉ có 3 lần người ta thoát khỏi nhưng sau đó cũng bị bắt trở lại, nhưng 7 lần hoặc không chết vì đấu súng với cảnh sát thì cũng bị bắt bỏ vào tù. Nhưng khi một người đi cướp nhà băng họ chỉ nghĩ đến một chuyện là mình sẽ thoát, cứ nghĩ đến chuyện là mình sẽ thoát là họ ỉ vào sức khỏe của họ, ỉ vào tài trí của họ, ỉ vào sự lanh lẹ của họ.
Đức Phật Ngài là bậc đạo sư, Ngài soi sáng cho chúng ta một góc tối của nội tâm mình, cái góc tối đó là sống bằng sự đinh ninh, sống bằng sự ỉ lại, ở đây trong ngôn ngữ của bài kinh này gọi "say sưa trong kiêu mạn", đoan chắc là như vậy, đời là như vậy, mình còn trẻ mà sợ gì, mình đang sống vui sống khỏe mà sợ gì. Sống vui, sống khỏe, sống trẻ trung không có nghĩa bảo đảm mình không bị cái chết đến, không có nghĩa mình có thể nắm chắc được vận mạng trong tay.
Chúng ta thích được mơn trớn, được ru ngủ. Chúng tôi nói điều này có thể có vài vị hơi phật lòng nhưng vì trong nội dung bài kinh chúng ta cũng phải nói: Nhiều khi sự thờ phượng của phần lớn số người thí dụ thờ Thần Tài, thờ Quan Công, thờ bà Mẹ sanh, thờ Đức Thế Âm Bồ Tát, thờ Phật, thờ Chúa trong nhà chẳng hạn, chuyện thờ phượng đó không phải vì niềm tin mà sự thờ phượng đó chỉ mong mang lại cho mình sự bình an, và sự bình an đó cho dù có thật hay không có thật đi nữa đôi khi mình nghĩ có trời Phật gia hộ, có thần thánh gia hộ, có thần linh gia hộ ít nhất mình cũng yên lòng hơn là không có.
Ở trong văn hóa của người Trung Hoa ảnh hưởng người Việt Nam cũng nhiều, người ta đặc biệt rất tin vào một số những yếu tính của phong thủy, ví dụ như năm đó tuổi đó đeo xâu chuỗi màu đó bằng loại đá màu đó thì mình sẽ bình an sẽ may mắn, và khi người ta mua xâu chuỗi đó mặc dầu hơi mắc tiền một chút nhưng đeo vào họ cảm thấy làm ăn may mắn. Đó là sự tự kỷ ám thị, đó là tâm lý, chúng tôi lấy ví dụ họ có một loại chuỗi ngọc bội bằng đá qúi có hột lớn hột nhỏ và có ai đó nói rằng năm nay anh hay chị cần mang chuỗi bằng loại đá như vậy an toàn may mắn, mình đi mua xâu chuỗi về đeo có cảm giác mình đang tự bảo vệ chính mình. Ở trong phong thủy là như vậy, nó cho mình một ít vị ngọt, vị ngọt của nó là một vị ngọt của sự trấn an, vị ngọt của nó là sự bảo đảm. Nhưng nếu có ai nói với chúng ta buổi tối đi ngủ buổi sáng thức dậy mình nhớ biết vô thường đến bất cứ lúc nào thì mình nản lòng lắm. Tại vì tại sao mình sống phải nghĩ đến chuyện bấp bênh vô định như vậy? Nhưng ở trên thực tế thì cái chết là một điều chắc chắn, sự vô thường là một điều chắc chắn, sự bất định là điều chắc chắn. Chúng ta không thích nghe điều này, bởi vậy Đức Phật Ngài dạy Phật Pháp dành cho người có trí chứ không phải dành cho người không có trí.
Chúng tôi muốn nói ở đây một thứ cảm giác mà người ta cho mình cảm thấy yên lòng mình cảm thấy sung sướng tương tựa như có nhiều người nói một số người họ sống trong tình yêu bằng tai họ thích nghe những lời ngọt ngào, họ nghe lời ngọt ngào họ cảm thấy yên tâm nhưng cái đó không có gì bảo đảm chắc chắn hết, không ai dùng lời nói ngọt ngào hứa hẹn với người này người kia suốt cuộc đời nói như vậy nhưng mà họ vẫn thích nghe. Trong cuộc sống của chúng ta tại sao chúng ta thường hay bị mê hoặc bởi những chính trị gia là bởi vì khi họ ứng cử họ vẽ lên một bức tranh thật đẹp, họ hứa có những thay đổi, họ lên họ sẽ làm thế này thế kia, do vậy bao nhiêu người bỏ phiếu cho người đó tại vì họ thấy có sự hứa hẹn.
Đức Phật Ngài muốn nhắc chúng ta một yếu tính rất nhỏ: từ sự đinh ninh đó, từ sự đoan chắc đó cảm giác hầu như chắc chắn thì chúng ta sống buông thả, sống buông thả như một công tử lớn lên ở trong gia đình có nhiều tiền bạc không tha thiết mình nên có nghề phòng thân, mình nên để dành tiền bạc bởi vì cha mẹ không lột da sống đời hoài với mình, và nếu cha mẹ nằm xuống rồi thì mình không còn gì nữa. Ngay cả chúng tôi làm việc trong một tổ chức như giáo hội chẳng hạn, người ta sẵn sàng để đập đổ nhau, người ta sẵn sàng tranh đoạt nhau, người ta sẵn sàng bêu xấu nhau nhưng không bao giờ họ nghĩ ảnh hưởng đến uy tín của giáo hội, ảnh hưởng đến Phật giáo là ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Tại vì chúng ta không thấy điều đó chúng ta chỉ thấy mình phải đạt được cái gì mình muốn.
Ở trong một số tai nạn xảy ra trên thế giới đôi khi gây chết người không phải hàng chục mà hàng trăm người. Đôi khi sự việc xảy ra tại một nơi đông đảo người, chẳng hạn nơi hành hương có vài ngàn người họ tập trung bỗng nhiên có người kêu cầu sập hay lửa cháy thì tất cả mọi người lo thoát hiểm, nếu người ta không hoảng hốt bình tỉnh từ từ rút lui sẽ không tạo ra nhiều cái chết nhưng trong lúc hỗn loạn người ta đạp lên nhau để chạy tạo ra rất nhiều cái chết, chết một cách oan uổng, rồi sau khi trở lại bình thường có hàng mấy trăm người chết vì bị dẫm đạp như vậy. Cũng không thể bắt lỗi ai được, những sự việc đó xảy ra thường do sự ỉ lại.
Chúng tôi đã có mặt ở vài quốc gia như Ấn Độ chúng tôi luôn luôn tránh để cho bản thân của mình và phái đoàn không có mặt ở những chỗ quá đông người, tại vì mình đã sống ở Mỹ mình hiểu cảnh sát của Ấn Độ nhà chức trách của Ấn Độ không chuẩn bị tốt cho những trường hợp có những biến cố bất ngờ xảy ra. Thí dụ, tại Mỹ người ta làm sân khấu đòi hỏi nhiều điều luật phải tuân theo, như vấn đề chữa lửa chẳng hạn, về cửa thoát hiểm, cửa đó không được mở vô mà phải mở ra, khi điện bị cúp người ta vẫn còn có những ngọn đèn gọi là đèn back up, ngọn đèn ít nhất sáng trong thời gian nào đó để người ta nhìn thấy lối đi. Họ đòi hỏi rất nhiều thứ, và khi chúng ta nghe họ đòi hỏi mình hoàn toàn chán ngấy mình không thích chút nào hết. Nhưng kỳ thật những luật lệ đó giống như lời Đức Phật dạy là để cho chúng ta có sự dự phòng những biến cố xảy ra trong đời ngoài sự kiểm soát của mình.
Ở Houston ngôi chùa Liên Hoa có xây một hội trường rất lớn, xây xong cho đến ngày nay vẫn chưa được giấy phép xử dụng, có lần chúng tôi đến thấy từ sân khấu cho đến những yêu cầu về vấn đề an toàn thật sự vượt xa cái nghĩ của mình, ví dụ như hệ thống chữa lửa gọi là sprinkler một khi có hoả hoạn nó tự động phun nước, thì mình thấy hệ thống đó giữa hội trường mênh mông ít có bao giờ mình nghĩ đến trường hợp hỏa hoạn xảy ra nó phun nước xuống như vậy. Cách suy nghĩ của chúng ta phải thay đổi. Ở những quán cafe, quán bar đôi khi chúng ta nghe nói khi hỏa hoạn xảy ra không có lối thoát mang đến cái chết hàng mấy chục người. Đúng là mình quá xem thường nguyên tắc an toàn. Hay hoặc giả chúng ta nghe nói những chiếc phà bị chìm khi họ điều tra ra nguyên nhân do nguyên tắc an toàn bị coi thường.
Ở đây chúng tôi muốn nói một điều, Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên coi chừng sự ỉ lại của mình, những lúc nguy hiểm mình ít làm những sai lầm, ở trong cơn phong ba bão tố con người thường rất cẩn trọng và do sự cẩn trọng đó khả năng vượt qua những khó khăn đó dễ dàng. Kinh nghiệm làm việc cho thấy càng đối diện với những khó khăn càng gặp phải những hoạn nạn con người càng cẩn trọng. Mình chết không phải lúc hoạn nạn mà mình chết là lúc mình đang thành công. Tại vì sao? Tại vì lúc đó mình chễnh mãng, mình dễ ngươi, mình dễ tạo ra nhiều kẽ hở để lộ ra nhiều khuyết điểm và từ chỗ đó dẫn mình đến nhiều sự việc mình tự tạo cái họa cho chính mình.
Đức Phật Ngài nhắc chúng ta say sưa trong sự kiêu mạn là một trạng thái đinh ninh, một trạng thái chủ quan, mình còn trẻ, mình còn khỏe, mình sống với nhiều phương tiện, mình đang sống trẻ, sống khỏe, sống vui thì đâu có chuyện gì phải lo. Thật ra, không có việc gì bảo đảm mình trẻ, mình khỏe, mình vui là mình sẽ hoàn toàn sống tốt. Và còn tệ hơn nữa Đức Phật dạy rằng chính vì thái độ đó chúng ta tạo ra nhiều ác nghiệp. Những người tạo ác nghiệp nếu họ có nghĩ đến điều này thì họ không tạo ác nghiệp.
Ngay cả một vị Tăng sĩ, một vị tu sĩ rời bỏ học Phật Pháp hoàn tục trở về đời sống bình thường tại vì họ cũng quá tin vào sức khỏe, quá tin vào sự tháo vát của bàn tay mình.
Khi chúng tôi đi vượt biên lúc đó còn là một vị Sadi lên đảo gặp vị Sư tu được 18 hạ. Lúc mới lên trại tị nạn chúng tôi xin vị này truyền giới lại bởi vì trên đường đi vượt biên, chúng tôi xem như vị này như Thầy cho tu Sadi. Sư là vị sư người Việt gốc Miên sống ở Sóc Trăng. Vị này rất giỏi, rất kiên trì làm việc chỉ trong vòng 7 năm cất được 3 ngôi chùa ở ba thành phố San Diego, Long Beach, Riverside, hầu như một tuần chạy tới chạy lui và làm được rất nhiều việc. Chúng tôi rất mừng, chúng tôi rất vui thấy vị này qua Mỹ làm việc với cộng đồng người Campuchia tốt như vậy. Đến một ngày chúng tôi nhận được tin là vị này hoàn tục. Người Campuchia như người Thái Lan họ có phong tục tu gieo duyên, đối với một vị Sư hay vị Sư Cả hoàn tục là chuyện bình thường dù Phật tử có buồn nhưng họ chấp nhận. Câu chuyện rất đơn giản, vị này trong một chuyến đi về Campuchia gặp một người phụ nữ trẻ mới có trên dưới 30 tuổi trong khi vị này đã 65 tuổi nhưng rồi thương rồi hoàn tục ra đời. Và bây giờ chúng tôi gặp lại vị này trên 70 tuổi, đời sống rất khổ, con thì nhỏ, vợ ly dị bỏ đi lấy chồng khác, đời sống vị này ra ngoài đời buồn hẩm hiu. Vị này nói với chúng tôi: "Sư Giác Đẳng, Sư ráng cố gắng tu, ở ngoài đời giây phút nào đó mình yếu lòng mình nghĩ nó vui nhưng có trăm cay ngàn đắng". Chúng tôi nghĩ vị đó nói với chúng tôi bằng tất cả sự chân thành của mình, chúng tôi hoàn toàn hiểu một vị trên 60 tuổi tạo lập 3 ngôi chùa phải có nhiều khả năng tự tin lắm, tự tin mình có khả năng và đủ điều kiện để xây dựng cuộc sống, mình làm việc mệt mỏi quá bây giờ mình gặp người mình thương thì mình bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng cuộc sống không phải như vậy, tại vì cái già nó đến, rồi cuộc đời ở bên ngoài đâu phải là mình thương người đó rồi mình có thể đáp ứng được tất cả, rồi nó ra bao nhiêu thứ, thêm con cái hai đứa cũng nheo nhóc mà bản thân của mình cũng khổ sở thì tự nhiên chúng tôi lại nhớ đến bài kinh Đức Phật dạy chúng ta đọc ngày hôm nay, đôi khi mình làm một cái quyết định gì đó tại vì mình quá tin tưởng vào việc đó, mình quá tự hào vào việc đó, mình quá hãnh diện vào việc đó hay mình quá đinh ninh là chuyện đó xảy ra như mình sắp xếp, nó như vậy như vậy, thật ra cuộc đời không phải như vậy, chúng ta sống chúng ta cảm tưởng như mình còn mấy chục năm nữa để sống và mình chắc chắn sẽ khỏe hoài và sống như mình sẽ trẻ hoài không già, nhưng kỳ thực không phải như vậy.
Chúng tôi biết rằng nói điều này có nhiều Phật tử không thích bởi vì trong lòng qúi vị nghĩ chuyện khác. Khi Đức Thế Tôn lớn tuổi có lần tôn giả Ananda xoa tay chân cho Đức Thế Tôn, Tôn Giả nói lên cảm xúc bồi hồi "Đức Thế Tôn đã già quá rồi". Bởi vì, Đức Thế Tôn Ngài là một vị có hảo tướng, 32 đại trượng phu tướng và khi Ngài còn khỏe Ngài thật sự đẹp tướng hảo quang minh, nhưng ngũ uẩn của Ngài theo thời gian cũng già đi. Dĩ nhiên qúi vị không tin Đức Phật già, chúng ta thấy ngay cả hôm nay người ta vẽ hình Đức Thế Tôn lúc viên tịch còn trẻ trung không phải hình ảnh của một người lớn tuổi, chúng tôi chưa thấy ai vẽ hình ảnh Đức Thế Tôn lúc viên tịch già, tại vì chúng ta nghĩ rằng Đức Thế Tôn là một vị Phật, Ngài luôn sống với 32 đại trượng phu tướng, tướng hảo quang minh như vậy. Nhưng chúng ta có bao giờ nghe Đức Phật Ngài dạy: "Này Ananda, thân của Như Lai giống như chiếc xe vua đã cũ, chiếc long xa cũ" và Đức Phật Ngài luôn luôn nhắc thân ngũ uẩn của chúng ta là vô thường. Thật ra chúng ta không muốn nghĩ đến hình ảnh của Đức Phật bị già và bản thân của mình cũng không muốn nghĩ đến, nhưng thật sự nó có già.
Một hình ảnh khác, chúng tôi muốn nói Ngài HT Hộ Giác khi còn trẻ Ngài là người có hảo tướng, cũng có thể nói Ngài có một dáng dấp rất đường bệ nhưng khi Ngài lớn tuổi Ngài bệnh có nhiều khi Ngài nói với chúng tôi: "Hồi xưa mình nói cái khổ của sanh lão bệnh tử, cái khổ sanh mình hình dung được, cái khổ bệnh mình hình dung được, cái khổ của chết mình chưa hình dung ra sao, nhưng cái khổ của già thì mình không hình dung được, khi mình già rồi nhiều khi tay chân của mình muốn đi bên này thì nó lại đi bên kia, đôi khi bắp thịt mình bị chuột rút, bị nhức mỏi sáng ngủ dậy nó bị đau bị nhức không có đoán trước được". Rồi ví dụ như chuyện đi đó đi đây đôi khi nó bất tiện ở trong chuyện vệ sinh cá nhân chẳng hạn. Có những lần chúng tôi đi với Ngài máy bay sắp cất cánh mà Ngài phải đi vào toilet, thật ra mình cũng nóng ruột sợ họ đóng cửa lại nhưng người lớn tuổi thì phải như vậy đi vệ sinh khó khăn, Ngài là một người rất lịch sự, Ngài là người ít có làm phiền ai chuyện này nhưng sức khỏe cũng không cho phép mình làm mọi thứ mà tốt. Nhiều lúc Chư Tăng thỉnh mời Ngài đi đâu Ngài tâm sự Ngài nói rằng "tôi đi nhưng buổi tối về rất mệt". Cũng may Ngài có học Phật Pháp Ngài nhìn tuổi già nó đến là một bản chất tự nhiên nhưng với nhiều người chúng ta lúc đó chúng ta mới thấm thía được là chúng ta không thể đinh ninh hoài được, không ỉ lại hoài được.
Nên chi sống giữa cuộc đời này tâm lý để chúng ta tinh tấn, tâm lý để chúng ta làm thiện, tâm lý để chúng ta phấn đấu phải dựa lên trên sự nhận thức vô thường đến bất cứ lúc nào và không có gì chắc chắn.
Hồi xưa khi máy bay cất cánh hạ cánh người ta cấm sài tất cả điện thoại, máy vi tính nhưng bây giờ người ta chỉ nói mình tắt computer và tắt mạng liên kết điện thoại nhưng ipad mình vẫn sài được cho dù cất cánh hạ cánh miễn không nối kết với đường giây điện thoại. Thật sự đối với cá nhân chúng tôi đó là một điều rất hoan hỉ vì lúc nào cũng sài ipad được, trong lúc ngồi chờ ở cổng máy bay ra phi đạo để cất cánh sài ipad được và mình có thể mua những tờ báo Times, Newsweek, National Geographic để trong ipad để đọc, hình ảnh rất là đẹp rất là tiện và không tốn nhiều tiền. Chúng tôi có thói quen thích đọc báo, các tờ nhật báo, tạp chí và bây giờ tạp chí có thể đọc trong ipad được trong lúc máy bay đang chờ ở cổng hay đang cất cánh mình đọc. Nhưng một lần xem trên đài TV nói có 2 thời điểm máy bay dễ bị tai nạn, đó là thời điểm cất cánh và hạ cánh và những người phi công họ nói khi đang bay ở trên độ cao như 30,000 feet chẳng hạn cho dù có turbulent tức là tầng không khí bị loãng tạo nên những cú dằn cú sóc làm những người ở trên máy bay sợ nhưng thật ra nó không đáng sợ bằng lúc máy bay cất cánh và hạ cánh. Trên phương diện máy móc thì 7/10 các tai nạn máy bay xảy ra trong lúc cất cánh và hạ cánh. Chúng tôi nghĩ đến chuyện nếu mình đọc báo lúc máy bay cất cánh mà chuyện tai nạn xảy ra lúc đó thì tâm mình ra sao, ngày xưa khi máy bay sắp cất cánh hạ cánh họ nói mình tắt hết tất cả máy móc chúng tôi tắt hết, chúng tôi thường ngồi yên lặng để niệm hơi thở hay niệm tâm từ lúc đó chúng tôi cảm thấy thoải mái nhưng bây giờ lúc cất cánh lúc đó lỡ tai nạn xảy ra mình đang đọc bài viết đó đang suy nghĩ chuyện đó rồi vô thường xảy ra thì tâm mình thế nào. Sau này chúng tôi đổi lại không đọc báo nữa, mình cứ làm như cũ là cất cái ipad, lúc đó mình tận dụng thì giờ để chuẩn bị nội tâm của mình được an tịnh.
Nói tóm lại, ở trong cuộc sống của chúng ta có cái nhìn chủ quan. Chủ quan ở đây chúng tôi nói là sự say xưa trong kiêu mạn, sự ỷ lại sự đinh ninh khiến người ta ngây thơ tin rằng mình biết được tất cả mình an bày được tất cả và mình có thể đoan chắc nó xảy ra như vậy, nhưng với Phật Pháp thì nó chỉ là sự đinh ninh không có cơ sở, bất cứ cái gì có thể xảy ra, bệnh hoạn, tai họa, thị phi nhiễu nhương, chúng ta không có thể kiểm soát cả thế giới này.
Sự an lạc thật sự nằm ở chỗ chúng ta chấp nhận sự vô thường, chấp nhận sự bất định, chấp nhận cuộc sống không nằm theo ý muốn của chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận được điều đó, chúng ta nhai, chúng ta nuốt được điều đó, chúng ta tiêu hóa được điều đó thì chúng ta rất an lạc. Nhưng điều này là điều rất khó, chúng ta không chấp nhận và đôi khi chúng ta có mặt cảm về điều đó. Một khi chúng ta vượt qua được mặc cảm rồi thì chúng ta thấy những pháp như Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Khi chúng ta thấy được những pháp như niệm về Sự Chết quả thật rất tốt cho chúng ta. Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta làm gì chúng ta còn nhớ một điểm cái chết chắc chắn nó sẽ đến, cuộc sống nó là vô thường. Mình nhớ không có gì làm cho chúng ta được thoả mãn, chúng ta nhớ mình không làm chủ được tất cả thì những điều đó mới nghe không có thoải mái nhưng về lâu về dài nó sẽ cho chúng ta một sự thanh thản thật sự một sự an lạc thật sự.
Và chúng tôi cũng mong với bài kinh này chúng ta luôn luôn tự nhắc tự soi sáng việc mình tạo ác nghiệp, việc mình lui sụt trong sự tu tập đa số xuất phát từ sự say xưa trong kiêu mạn, say xưa trong sự sống trẻ, sống khỏe, sống vui, sống lâu và những kiêu mạn những chủ quan đó không có cơ sở, nó chỉ là ảo giác của chúng ta.
Đó là vài điều chúng tôi xin được chia sẻ trong pháp thoại hôm nay
No comments:
Post a Comment