Kinh Thập Thượng - Bảy tài sản (Thất Thánh Tài)
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 12-5-2013, Minh Hạnh chuyển biên
(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Bài học ngày hôm nay chúng ta nói về 7 pháp có nhiều tác dụng hay 7 tài sản, trong kinh đôi khi dùng chử Thánh sản tức là tài sản của bậc Thánh.
Rất đơn giản, khi nghĩ đến một điều có 2 người chúng ta gặp ở ngoài chợ hay gặp ở một nơi nào đó, mới vừa gặp mới vừa nhìn chúng ta thấy bình thường, thấy không có gì khác biệt. và cũng có thể một người ăn mặc bảnh bao thậm chí lái xe đẹp có tiền. Tuy vậy ở trong 2 con người đó có những sự khác biệt to lớn về nhân cách, về kiến thức, về kinh nghiệm sống, về đời sống nội tâm.
Khi nói đến những điều đó chúng ta thường nhầm lẫn. Thí dụ như mình nhìn một người rất khó để biết ai là người thật sự có nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến văn hay có đức tính cao qúi nào đó, chúng ta rất khó biết, nhưng chính những sở đắc, chính những đức tính là một phần luôn luôn sống bên trong người đó. Vật đổi sao dời ở bên ngoài thay đổi nhiều nhưng đời sống nội tại phải nói là con người ý thức rất sớm. Do vậy chúng ta thường thấy những bậc cha mẹ thương con thường đầu tư để con mình lớn lên đi vào trong cuộc đời có được những hành trang có được những sở đắc không đong đo bằng tiền, không đong đo bằng những vật chất bên ngoài mà là cuộc sống nội tại. Không may cho chúng ta về điều này chúng ta thường hay quên đi.
Riêng đối với Đức Phật khi Ngài dạy về 7 tài sản ở tại đây chúng ta còn hiểu thêm một số nữa là không phải chỉ có kiến thức, không phải chỉ có kinh nghiệm, hay kiến văn mà còn có một số những nền tảng của thiện pháp và những thiện pháp đó đã ăn sâu và trở thành một phần của đời sống thì người đó quả thật là diễm phúc là hữu duyên hữu hạnh
Khi chúng ta nhìn vào danh sách 7 Thánh tài sản này, một điều chúng ta nên đặt câu hỏi: qua 7 Thánh tài sản được đề cập đến tại đây có những thông điệp gì có những ý nghĩa gì Đức Phật Ngài khuyên nhắc chúng ta.
Chúng ta thấy rõ 7 tài sản này đều là những thành tố liên hệ đến nội tâm hơn vật chất. Điều đó chúng ta thấy rõ: Niềm Tin, Giới Hạnh, Tàm Qúi, Kiến Văn, Xả bỏ, và Trí Tuệ là những thứ đều mang đến nội tại.
Và hơn thế nữa một lý tính thứ hai cho chúng ta thấy những tài sản này phải mang những đặc tính của thiện pháp. Một điểm khác chúng ta nhìn thấy ở đây một thái độ sống rất tích cực, nó không đơn giản như mình nói làm người thiện thì mình ngồi đó không làm chuyện gì hết đó gọi là thiện, nhưng rõ ràng khi chúng ta nhìn vào danh sách này chúng ta thấy một cá nhân một chúng sanh sống đời sống thiện một cách giàu có phong phú về thiện pháp thì vị đó rất tích cực. Và quả thật những thứ này làm chúng ta trở nên giàu có về mặt thiện pháp.
Pháp thứ nhất, Tín (Saddhādhana)
Pháp đầu tiên được đề cập đến là tín hay đức tin. Đức tin là một thứ tài sản.
Chữ Saddhà dịch đức tin là một từ thông thường chúng ta hay nhầm lẫn với niềm tin có tánh cách bị cuốn hút, niềm tin có tánh cách là bị thuyết phục như chúng ta gọi là cả tin chẳng hạn, niềm tin đó không được dùng chữ Saddhà.
Niềm tin chúng ta nói ở tại đây là một thái độ xác tín, một thái độ mạnh mẽ rất khó diễn tả nếu chúng ta không trải qua kinh nghiệm này. Thí dụ, một người khi gặp khổ người này trở nên hoang mang cầu nguyện lo lắng và không biết phải làm gì, ai bày làm gì cũng làm thì người đó niềm tin không vững chắc. Nhưng nếu một người có được niềm tin vững chắc ở Tam Bảo, ở thiện pháp, ở phước lành chính mình, người đó có thể kham nhẫn với sự khổ, kham nhẫn với sự thăng trầm trong nhứt thời để vững tay chèo vững lòng tiếp tục đi tới không bị chao đảo. Sự vững lòng đó chúng ta gọi là Saddhà. Sự vững lòng gọi là tín là cái gì khó định nghĩa.
Hồi xưa khi chúng tôi còn nhỏ có hai người mỗi lần chúng tôi bịnh thì hầu như chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ về khả năng chữa trị, đó là thân mẫu của chúng tôi và cô Bảy Vĩnh Phúc. Khi chúng tôi còn nhỏ ở nhà thường bị sốt, thân mẫu có những cách trị liệu có tác dụng và chúng tôi thấy bịnh hết, là mẹ nuôi một đàn con tự nhiên hiểu cái gì cần làm và chính chúng tôi phải nhìn nhận là thân mẫu chúng tôi không có học về thuốc nhưng rất khéo nuôi con. Người thứ hai, cô Bảy Vĩnh Phúc, cô là một học trò của Ngài Tịnh Sự và cô là một vị trong những vị uyên bác về A Tỳ Đàm cô lại có kiến thức về Tây y, chúng tôi nhớ hồi nhỏ mỗi lần bệnh vào Sàigòn và mỗi lần gặp cô Vĩnh Phúc thì thật sự trong lòng chúng tôi thấy tin tưởng bởi vì cô chữa bịnh cho nhiều Chư Tăng và riêng cá nhân chúng tôi cũng có nhiều lần được cô giúp đỡ. Chúng tôi có thể cảm nhận được khi mình bịnh mình ở gần một người mà người đó cho mình được vững lòng cho mình sự tin tưởng. Và sự tin tưởng đó không phải tin tưởng suông thì chúng ta giảm bớt đi nhiều sự hoang mang, tinh thần của chúng ta ổn định và có được như vậy chúng ta lấy được sự thăng bằng ở trong cơn giông bão nếu chúng ta có được sự vững lòng.
Có nhiều người ở trong cuộc sống xem nhẹ việc này nhất là một số bạn trẻ hôm nay nghĩ mình sống không nhất thiết phải có niềm tin. Nhưng không có cơ sở này bình thường ai cũng giống nhau. Đến lúc hữu sự lúc đời sống chúng ta chao đảo chính là lúc chúng ta nhìn thấy rõ ràng được sự khác biệt giữa người có niềm tin và người không có niềm tin.
Sự may mắn lớn trong đời sống của chúng tôi được ở gần những bậc Thầy và các Ngài đều có niềm tin rất kiên cố. Chúng tôi lấy ví dụ như Ngài Tịnh Sự khi chúng tôi còn nhỏ ở gần Ngài chúng tôi đã thấy được kiến thức của Ngài như vậy, sự tu tập của Ngài như vậy, nhưng có những việc làm ở trong đời sống thể hiện niềm tin của Ngài rõ ràng như trường hợp Ngài tin vào sự xây cất chùa cho tứ phương Tăng là một đại dương đại phúc lớn lao. Việc đó chúng ta thấy rõ, và ở gần những vị như vậy hun đúc niềm tin của chúng ta. Và nếu chúng ta hỏi có gì khác biệt giữa một người trưởng thành và một người không trưởng thành trong giáo pháp chúng ta phải nói người có đức tin hay người không có đức tin.
Pháp thứ hai, Giới (Sīladhana)
Tài sản thứ hai là tài sản về giới. Chữ giới ở đây chúng ta được hiểu một con người sống có những chuẩn mực có những nguyên tắc nhất định và những chuẩn mực những nguyên tắc này do Đức Phật Ngài chế định chúng ta học theo đó thực hành để chúng ta biết có những thứ khuôn khổ chúng ta không đi quá xa khuôn khổ đó.
Một thí dụ đơn giản, một người lái xe. Chúng tôi sống bên Mỹ trong chuyến đi với qúi Phật tử chúng tôi sống với cảm giác có những người luôn luôn tuân thủ những luật lệ không bao giờ muốn vượt xa điều đó. Trên con đường ở một địa phương vắng cảnh sát ghi vận tốc tối đa được lái bao nhiêu thì cho dù một ngày rất đẹp trời ngó tới ngó lui không có cảnh sát ở trên con đường rất tốt nhưng vị này vẫn cố gắng chạy ở mức độ vừa phải không vượt quá xa vận tốc được cho phép. Nhưng ngược lại cũng có những người khác chỗ nào thấy có cảnh sát thì cẩn thận nhưng không có cảnh sát thì chạy tối đa chạy vượt ngoài vận tốc giới hạn. Chúng ta phải nói rằng dĩ nhiên việc chạy quá tốc độ đôi lúc chúng ta vô ý hay chúng ta bất cẩn nhưng có những trường hợp những người thích vượt ra ngoài khỏi những qui định, qui định về sự an toàn, qui định về những điều nên làm. Và ngược lại có những người luôn luôn tuân thủ qui định, thì đó là một đức tánh, đức tánh tuân thủ những nguyên tắc đó là làm cho đời sống chúng ta đàng hoàng, sống trong khuôn khổ.
Đức Phật Ngài dạy chúng ta những phương tiện như Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, Sadi Giới, Tỳ Kheo Giới, hay hoặc giả Ngài dạy về Thập Thiện Thập Ác. Có những người luôn luôn thực hành 10 thiện pháp thập thiện. Hoặc giả chúng tôi nhớ một điều Ngài HT Hộ Giác hồi sinh tiền có khi Ngài nói: "Chuyện thị phi thấy vậy chứ không phải ai cũng giống nhau, có người thích gây chuyện thị phi và vì vậy họ hay vướng vào những chuyện thị phi, nếu chúng ta nghe những chuyện thị phi chúng ta có thái độ rõ ràng mình không muốn nghe chuyện thị phi mình dứt khoát nghĩ chuyện khác thì chúng ta lại càng bớt đi chuyện thị phi". Thưa qúi vị, đó là một đức tính giúp cho chúng ta luôn luôn thoải mái ở trong những khuôn khổ, đó là đức tính giúp cho chúng ta cảm thấy cuộc sống mình có tánh cách đàng hoàng cần thiết. Thời bây giờ cũng có những chuyện mỗi chúng ta có thể học được ở trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như 4 ác nghiệp của miệng: cố ý nói sai sự thật, nói lời chia rẽ, nói lời độc ác, nói nhảm nhí vô ích, 4 điều đó là ác nghiệp của khẩu nghiệp. Và khi Đức Phật Ngài dạy như vậy chúng ta phát nguyện sẽ tuân thủ về khẩu nghiệp không rơi vào 4 điều đó cũng là một thái độ của giới, đó là một thái độ và nếu chúng ta thoải mái với điều đó có nghĩa là chúng ta lớn mạnh với giới tài.
Có nhiều thứ, đa phần những nguyên tắc của chúng ta không được hoàn thiện những điều chúng ta chấp trị nhiều khi không được tốt do vậy chúng ta y cứ trên lời dạy của Đức Phật, chúng ta dựa trên những gì Ngài đã dạy về giới chúng ta thực hành và khi thực hành trở thành một thói quen thành một cái gì thoải mái trở thành một phần của đời sống chúng ta thì nó là giởi.
Pháp thứ ba và bốn, Tàm (Hiridhana) và Qúi tài (Ottappadhana)
Chữ tàm ở đây là hổ thẹn. Sau pháp tàm có pháp qúi là ghê sợ và hổ thẹn là một cặp bài trùng và hai thiện pháp này đi chung với nhau. Chữ tàm chỉ cho sự hổ thẹn, ở đây là đối với một số những ác pháp những bất thiện pháp người này thấy xấu hổ khi mình vươn vào. Ví dụ, một người quen ở sạch sẽ bây giờ lỡ mình dính phải cái gì dơ bẩn mình đâm ra khó chịu áy náy mình phải làm sao rửa sạch đi. Sự áy náy khó chịu khi vương phải bất thiện pháp chúng ta gọi là tàm. Còn qúi là sự ghê sợ, nó mang tánh cách mình ý thức được cái hại, ví dụ một người có tiền bạn bè rủ đi casino chơi bài thì thật ra nếu chúng ta có một chút sợ mình vướng vào trong đó mang họa, sợ vướng vào trong đó gỡ không ra, sợ mình vướng vào trong đó tán gia bại sản. Cái sợ đó là mình có ý thức được những đe dọa cho mình, đó gọi là qúi.
Hai pháp tàm và qúi được xem như hai pháp hộ trì trên thế gian này, hai pháp khiến cho một người có trưởng thành trong thiện pháp khác với một người không có trưởng thành trong thiện pháp. Chúng ta thường nghe câu trong chuyện Kiều "Ma đưa lối, quỉ đưa đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi" bị đưa đẩy trôi dạt ở trong cuộc đời khiến chúng ta làm những quyết định hại cho mình và về sau chúng ta không biết tại sao "ma đưa lối qủi đưa đường" làm chúng ta quyết định như vậy. Nhưng với hai pháp khiến cho chúng ta tránh đó là tàm và qúi trong cuộc sống. Pháp tàm và qúi tự nhiên cho chúng ta một thái độ tỏ rõ đây là thiện đây là bất thiện. Và khi thái độ tỏ rõ như vậy sẽ bảo vệ mình, như một thứ rào chắn, như một thái độ cho chúng ta sống trong khuôn khổ cần thiết và khi chúng ta bị vướng mắc hay chúng ta đối diện với những bất thiện chúng ta tương đối có được một thái độ thích hợp. Thì đối với Đức Phật hai pháp tàm và qúi này giúp hộ trì bản thân, giúp chúng ta tránh được những trường hợp gọi là "ma đưa lối qủi đưa đường".
Pháp thứ năm, văn tài. (Sutadhana)
Chữ văn ở đây là một khái niệm người Ấn Độ đã giới thiệu vào trong nhiều nền văn hóa kể cả nền văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt Nam của chúng ta. Chữ văn có nghĩa là nghe. Khi nói đến kiến văn chúng ta nói thấy và nghe hay chúng ta nói người đa văn quảng kiến tức nghe nhiều học rộng. Nói một cách khác ,chữ văn ở đây đồng nghĩa với chữ lắng nghe hấp thụ được, truyền đạt được học hiểu. Không ai trong chúng ta sanh ra đời tự nhiên khôn và biết mọi thứ . Chúng ta sống có hiểu biết nhờ học, học từ sách vở, học từ Thầy Tổ bạn bè, từ cuộc sống. Nhưng một người có kiến văn là người có khả năng tiêu thụ, mình nghe điều đó mình thấy điều đó và mình tiêu hóa để trở thành phần tri kiến của đời sống, chúng ta gọi là kiến văn.
Nhân loại hôm nay đi qua giai đoạn đặc biệt khác hơn lịch sử là chúng ta có ý thức rất lớn về vai trò của kiến thức ở trong đời sống, chẳng những vậy chúng ta còn có phương tiện để thu thập những kiến thức đó như trường học qua sách vở, dĩ nhiên bên cạnh trường học trường lớp đào tạo chúng ta có sách vở chúng ta có những phương tiện thông thường.
Mình đang sinh hoạt trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma là một ví dụ cụ thể nhất. Ở đây nhờ mỗi ngày chúng ta vào lớp chịu khó lắng nghe, đi qua từng chi pháp những điều được đề cập đến trong kinh, nghe các vị giảng sư nói, nghe các vị giảng sư thảo luận và chúng ta ôn nhắc lại thì lâu ngày Phật Pháp trở thành một phần của đời sống, lâu ngày Phật Pháp trở thành cái gì đó thân thiết, rõ nét ở trong cuộc sống của mỗi người, như vậy là lợi lạc, có lợi ich rất lớn. Những điều đó không thuộc về sách vở, không thuộc về người khác mà nó đã là một phần cuộc sống của mình.
Về điểm này cũng phải nói khả năng hấp thụ để học hiểu và sự tiêu hóa đúng mức cho chúng ta nội hàm cho chúng ta có tri kiến. Mình phải để ý một điều ngày nay chúng ta có máy vi tính, chúng ta có thư viện, chúng ta có những tủ sách. Đành rằng những điều đó là những phương tiện rất tốt . Nhưng chúng ta tuyệt đối không nên trông cậy và giao hết những thứ đó cho sách vở. Mình nghĩ rằng những kinh sách mình để trong máy vi tính, mình để trong tủ sách của mình. Nhưng mà chưa, chúng ta có thể xử dụng những thứ đó nó chỉ là một phần của câu chuyện, một pần nửa câu chuyện đó là mình phải có được cơ hội để thâm nhập thật sự vào trong tâm của mình mới là kiến thức của mình.
Đôi khi chúng tôi thấy qúi Phật tử, riêng về chuyên Phật pháp nhiều khi mình đinh ninh mình có ông Thầy giỏi là được, mình đinh ninh kinh điển đó mình đã có trong tủ sách, mình đã có để trong máy vi tính. Nhưng thật ra đó cũng chưa là một phần của mình. Nó chỉ một phần của mình khi nào mình có dịp ngồi xuống đọc, nghe thảo luận và đem vào trong lòng. Quá trình tiêu hóa như vậy, thẩm thấu như vậy biến những tri kiến trở thành của mình. Nếu chúng ta để trong sách vở, để trong máy vi tính nó chỉ là một phần thôi và có những tri kiến như vậy được thâm nhập được rõ ràng ở trong lòng thì chúng ta sẽ có thành tựu. Sự thành tựu ở tại đây là sự thành tựu chúng ta nói đến hàng bao nhiêu sinh viên bao nhiêu người mỗi năm được tốt nghiệp được ra trường. Và bao nhiêu người của chúng ta không nói đến chuyện học đường chuyện bằng cấp nhưng nhờ thấy và nhờ biết và cuộc sống của chúng ta thay đổi hoàn toàn. Đời cũng vậy đạo cũng vậy. Đối với chúng ta sự tu tập, đối với chúng ta sự phục vụ ở trong đạo không thể đơn thuần chỉ có niềm tin mà chúng ta cần đến Phật Pháp, Phật pháp ở đây không phải chỉ người khác họ nói sao mình nghe vậy, chúng ta còn có được sự cân nhắc, còn có được sự đối chiếu, còn có được sự tỉ giảo so sánh giữa pháp này và pháp khác ở trong Kinh và Luật nói như thế nào. Về điều này cần phải có tri kiến và chúng ta nên biết hoan hỉ, chúng ta nên biết tha thiết đối với những kiến văn Phật Pháp.
Pháp thứ sáu, thí tài. (Cāgadhana)
Chữ thí tài (Cāga) là khả năng buông xả, khả năng xả tài, đôi khi dịch là xả tài hay thí tài tức là mình biết cho. Con người chúng ta có một bịnh muôn thưở là sự ích kỷ, ích kỷ dẫn đến thủ đắc, dẫn đến sự gom góp muốn nhận vào không muốn cho ra.
Một ở trong những yếu tính đặc biệt lợi lạc cho tất cả chúng ta trong cuộc sống tâm biết buông bỏ, xả bỏ những gì mình gọi là tư hữu tài sản hay cái gì mình có, đó là sự chia sẻ. Ví dụ như có một món ngon có người khác đến mình không ăn một mình mà mình chia cho, đó là một trong những hình thái chia sẻ gọi là san sớt san sẻ, đại khái là ở mức độ bình thường. Đi xa hơn nữa, ở trong đời sống không phải chỉ tri cốt mà mình biết góp phần, cuộc đời cho mình nhiều quá bây giờ mỗi lần thấy có nhu cầu có chuyện cần mình biết chia sớt như một sự đóng góp của mình đối với người khác. Đức Phật gọi Cāga hay sự xả bỏ
Chúng ta cũng nói thêm một điểm nữa ở tại đây, đối với rất nhiều người Phật tử quan niệm bố thí là cách tạo phước. Tạo phước ở đây tức chúng ta tạo thêm cái gì mình đang có. Nhưng thật sự chữ Cāga ở đây không đơn thuần tạo thêm cho mình có mà nó còn có nghĩa là mình giảm bớt đi sự ích kỷ, một sự tom góp, chúng ta gọi chỉ biết có phần mình không.
Về điểm này rất thú vị. Nếu chúng ta suy nghĩ lại tuy là một pháp Cāga nhưng chúng ta có thể có cách hiểu trái chiều với nhau. Một trái chiều là có người nghĩ bố thí có nghĩa mình tạo thêm để mình được giàu thêm, để mình có thêm nhiều do phước bố thí. Nhưng ngược lại, có một thái độ khác, mình bố thí có nghĩa mình bớt đi tâm ích kỷ tâm bỏn xẻn lúc nào cũng chỉ biết có mình thôi. Cũng cùng việc làm đó nhưng khác nhau trong đường tơ kẻ tóc và chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta rất dễ bị lẫn lộn việc này.
Nên trong cuộc sống một trong những cái may của người Phật tử những người con Phật hiểu đạo là chúng ta thích làm chuyện bố thí, chúng ta thích xả tài, chúng ta thích làm được một cái gì đó. Bây giờ thay vì tiền đó chúng ta đi mua một cây trồng trong vườn nhà mình, bây giờ chúng ta mua cây trồng ở chỗ nào cho đại chúng được hưởng dụng chung thay vì những thứ đó chúng ta hưởng hết. Hoăc thí dụ, có một bình trà ngon chúng ta có thể uống hết bây giờ chúng ta chia sẻ cho người khác, sự chia sẻ như vậy làm giảm bớt lòng ích kỷ giảm bớt sự bỏn xẻn và đời sống của chúng ta đưa đến khung trời cao rộng. Thật ra những người sống lúc nào cũng chỉ biết tom góp thôi chỉ biết gom vào cho mình không cho người khác và mình nghĩ rằng họ rất khôn ngoan và họ biết giữ riêng cho họ. Nhưng người thật sự cố gắng chia sẻ là có suy nghĩ mình đến với cuộc đời cái gì cuộc đời cho mình của trần gian thì rốt cuộc chúng ta cũng phải trả lại cho đời không có cái gì chúng ta giữ hoài, không có cái gì chúng ta mang theo hoài. Do vậy, chúng ta sống nên biết san sẻ chúng ta nên biết thỉnh thoảng làm một cái gì đó cho cuộc sống có ý nghĩa.
Pháp sau cùng là Trí Tuệ. (Paññādhana)
Hồi nãy chúng ta nói đến văn tài tức là kiến thức và chúng ta nói đến sự hấp thụ. Hấp thụ là nghe nhiều hiểu rộng học hỏi có kiến thức, chúng ta đừng lầm lẫn đối với trí tuệ.
Trí tuệ ở đây là khả năng nhìn vấn đề qua tính cách nhân quả, đây là Nhân Sanh Khổ, đây là sự Diệt Khổ, đây là Con Đường Dẫn Đến sự Diệt Khổ, đây là Thiện, đây là quả của Thiện, đây là ác pháp đây là quả của ác pháp. Khi chúng ta nhìn thấy vấn đề có tánh cách logic, có tánh cách hợp tình hợp lý, có tánh cách có một cái nhìn thông đạt thấu suốt dựa trên nhân quả chúng ta gọi là trí tuệ, cái nhìn đó là một thứ tài sản lớn trong cuộc sống.
Theo trong kinh điển của Phật Giáo chúng ta đọc được Đức Phật Ngài nhấn mạnh rất nhiều vai trò của trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày ở trên hành trình tu tập và ở cứu cánh tu tập chúng ta gọi giác ngộ giải thoát, tất cả những điều đó đều nằm ở trong phạm vi của trí tuệ. Nên người Phật tử khi học Phật Pháp chúng ta thường nói đến nhân quả, chúng ta nói đến duyên, nói đến nghiệp, chúng ta nói đến duyên sinh duyên hệ, chúng ta nói nhiều thứ. Nghĩ lại cho cùng, những pháp nhân quả năng sở đều mang tánh cách tương tác nhân này cho quả kia, quả này do nhân nào, và nhân này dẫn đến quả nào, cái đó là sự mài dũa trí tuệ của chúng ta. Trí tuệ sắc bén nhờ nhân quả từ trong phòng thí nghiệm cho đến công việc ở ngoài đời, cho đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Mình sống tại sao mình bịnh mình phải biết nguyên nhân của nó.
Chúng ta ngày nay thường nói "hên xui" nghe nhiều khi cũng có lý nhưng thật sự người ta thường lạm dụng chữ hên xui, cái gì cũng hên xui, hên xui nhiều quá mình không có để ý mình không cân nhắc đến nhân quả. Kỳ thật, không phải ai trong chúng ta cũng biết hết mọi nguyên nhân của vấn đề, mọi quả của của cái gì mình đang tạo. Nhưng ở chừng mực nào đó chúng ta cũng có khái niệm. Chúng tôi lấy ví dụ buổi sáng thức dậy bằng tâm tư thanh thản thái độ tích cực thì ảnh hưởng nguyên ngày, chúng ta thấy nhân quả rõ ràng. Hay hoặc giả mình có những lời nói đụng chạm những lời nói mang lại khổ đau phiền não cho người khác, những điều đó nếu một người hiểu biết nhân quả thì ý thức được điều này mang đến cho chúng ta những phiền lụy, điều đó gọi là nhận thức qua lý nhân quả.
Thì 7 thiện pháp này là 7 thiện pháp nếu một người khéo sẽ trở thành một phần của đời sống, và khi là một phần của đời sống thì là một thứ tài sản và tài sản đó có trong đời này mang theo trong đời sau và ảnh hưởng một cách tốt đẹp khiến chúng ta thay đổi được thói quen thói tật của chúng ta ./.
a di đà phật. rất hay. vậy là con đã có đủ 7 tài sản quí báu này.
ReplyDeletethe gian chay theo dong tien , bat chap tat ca, that la ac doc va ngu si
ReplyDelete