Tuesday, May 12, 2015

Kinh Thập Thượng - Làm Cách Nào Hóa Giải Hiềm Hận

Kinh Thập Thượng - Làm Cách Nào Hóa Giải Hiềm Hận 

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhamma ngày 6-6-2013, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:  Có lẽ một câu hỏi chúng ta nêu lên hơi ngây ngô một chút: "Tại sao chúng ta giận?"

Câu trả lời thường là tại vì có ai đó làm cho mình giận. Có thể có việc gì đó làm cho mình giận nhưng việc gì đó không quan trọng bằng có ai đó làm. Bởi vì nếu việc đó là việc vô tình không có người chủ mưu có lẽ chúng ta không giận nhiều bằng có ai đó làm chúng ta giận. Đó là câu trả lời của chúng ta.

 Nhưng bây giờ nếu có câu trả lời như vầy chắc nhiều người trong chúng ta không đồng ý khi được hỏi: "Tại sao chúng ta giận?"

 Và câu trả lời: "Tại vì mình muốn giận".

  Khi nghe câu trả lời này chúng ta sẽ phản đối ầm ĩ lên. Có ai thích giận bao giờ, giận là phiền lắm, giận là nóng nảy lắm, giận là khó chịu lắm, nó là thứ phiền não cực điểm thì tại sao lại muốn.

 Nhưng trên thực tế là một phản ứng có lựa chọn và sự phản ứng đó chúng ta cho rằng hợp tình hợp lý nhất. Người xưa họ có câu " Nửa đường gặp chuyện bất bình thì rút dao tương trợ", gặp chuyện bất bình thì phải giận thôi, không giận không được nhưng có nhiều khi không lớn chuyện như vậy chúng ta vẫn thích giận bởi chúng ta muốn giận. 

Nghe như vậy có lẽ hơi phi lý một chút nhưng khi chúng ta nổi cơn giận mình nghĩ rằng việc đó sẽ cho mình cái gì đó, mình muốn chứng tỏ người khác mình không dại, mình muốn chứng tỏ cho người khác biết mình không dễ ăn hiếp dễ bị bắt nạt. Nhưng cơn giận không phải chỉ đến đơn giản là cách giải quyết ở trong xã hội mà cơn giận còn được nuôi dưỡng ở trong lòng của chúng ta âm ỉ từ ngày này sang ngày khác. 

Bây giờ mặc dầu chúng ta không đồng ý do mình muốn giận nên mình giận. Chúng ta thử đi một vòng một vài trắc nghiệm tâm lý và thử đọc lại một vài tài liệu Đức Phật thời xưa dạy và ngày hôm nay chúng ta cũng nghe các bác sĩ nói. 

Ví dụ, thời Đức Phật còn tại thế một lần Hoàng Hậu Mallika hỏi Đức Phật tại sao có những người sanh ra màu da trong sáng có người sanh ra màu da xấu xí, Đức Phật Ngài cho biết chính sân tâm ở trong nghiệp đã tạo làm cho người sanh ra da họ xấu xí  và chính tâm từ hay sự mát mẻ của tâm sanh ra làm màu da họ trong sáng.

Và rồi trong rất nhiều trường hợp chúng ta nghiệm ra một chuyện là tâm sân dẫn đến những sự sân hận và sự sân hận đó rốt cuộc dẫn đến sự hủy diệt dẫn đến chỗ thương tổn, như những cuốn phim chúng ta coi hai bên đánh nhau xử dụng rất nhiều chiêu thức nhìn rất đẹp cuốn phim rất hấp dẫn, nhưng chung kết của cuốn phim đó hai bên đều chết.

Những bi kịch của đời sống vốn dĩ đến từ những cái gì rất vô minh, nó vốn là phiền não. Những người tạo nên những cơn phong ba bão táp, tạo nên họa cho chính họ và cho người khác, những người đó luôn luôn nghĩ rằng họ rất khôn ngoan. Đôi khi có những câu Phật ngôn hết sức đơn giản, hết sức ngắn chúng ta bỏ qua. Thí dụ trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy 

"Những người thuộc bên này bên kia không ý thức được chính sự tranh chấp này sẽ dẫn đến chỗ tiêu diệt, ai nhận hiểu ra điều đó những tranh chấp tự nhiên tan biến". 

Khi hai người không đội trời chung, hai con người nghĩa là một mất một còn đánh nhau thì dẫn đến chỗ tiêu diệt, dẫn đến chỗ tự hủy, bài học đó không phải xảy ra một lần mà xảy ra rất nhiều lần ở trong đời sống của chúng ta. Thì một trắc nghiệm chúng ta làm ở tại đây như lời của Đức Phật dạy qua sự lập lại của Ngài Xá Lợi Phất là:

 "Chúng ta nên tự hỏi những điều đó có lợi ích gì?"

Chúng ta nghĩ về bản thân của mình đã đang và sẽ bị hại, chúng ta nghĩ những người thân của mình đã đang và sẽ bị tổn thương, chúng ta nghĩ về những người không thân của mình đã và đang bị và sẽ bị tổn thương, chúng ta thường nghĩ rằng nó có lợi ích chứ, lấy ví dụ như bây giờ mình nói kẻ thù đánh mình mà mình không biết thì mình bị chết, kẻ thù đánh mình mà mình đứng làm thinh thì mình dại, kẻ thù chửi mình mà mình nín thinh thì họ nói mình hèn thì như vậy ít nhất sự giận dữ của mình, ít nhất sự tức tối của mình cũng cho người ta thấy rằng mình cũng khôn. Nhưng tự thử đặt câu hỏi lại nếu mình chửi lại mình có khôn không.

 Sống trong chùa và sinh hoạt trong cộng đồng cũng như trong giáo hội chúng tôi chưa bao giờ thấy có một cá nhân nào dùng những danh từ phạm thượng xúc xiểm nặng nề chửi người này chửi người kia đời sống của họ tự họ an lạc và cuối cùng đời sống họ khá, chúng tôi chưa thấy. Những hình ảnh đẹp nhất những chung cuộc tốt nhất đều đến với những người biết tự chế biết sống trong sự hoà ái, biết sự tương nhượng kính trọng lẫn nhau. Những người hung hăng những người nói lời chửi bới thì một thời buổi rồi thôi nhưng đời sống của người đó ở cuối cuộc đời rất khổ.

Trong giới tu hành có một hạng người khẩu nghiệp của họ rất bất tịnh, chúng tôi dùng chữ bất tịnh ở đây là nhẹ nhưng khẩu nghiệp của họ rất bất thiện, rất ác. Tại vì sao vậy? Tại vì trên phương diện tâm lý khi người ta có thể làm được điều này, có thể làm được điều kia, người ta có thể có được những thành tựu trong cuộc sống thì người ta không thích phí hơi phí sức phí lời. Nhưng có những người ở trong cuộc đời họ không có cái gì để họ sống an lạc, không có gì để họ vui họ quay sang họ nói và khi họ nói thì họ không có khả năng nói hay tại vì nếu họ muốn nói hay tâm họ phải tốt mới nói hay được, tâm họ không tốt thường họ nói sai nói bậy nói quấy, và nói như vậy họ nghĩ họ hay họ giỏi nhưng thật sự không phải vậy, họ  tối ngày chỉ trích người này công kích người kia đả kích người nọ, đó là cái tật, đó là  tiền khiên nghiệp, đó là thói quen, và đó là con đường đi chỗ ác thú đọa lạc của họ. Không ai cản họ được, cản họ không phải là chuyện dễ dàng tại vì nó là một phần lớn của đời sống họ. Qúi vị thỉnh thoảng gặp những vị tu sĩ suốt ngày cứ chỉ trích người này chỉ trích người khác, thật ra thì những vị đó bản chất không quá tệ nhưng đó là thói quen không nói thì buồn, rảnh quá thì ngồi nói chuyện người này người kia.

Nên chi chúng ta hãy cẩn thận, cẩn thận ở một điểm là thói quen chỉ trích, thói quen xử dụng những lời ỷ ngữ ác khẩu, thói quen nói những lời cao ngạo, nói những lời bôi bác, những lời bài xích những điều đó đôi khi đến từ tâm tư của con người bệnh hoạn, tâm tư con người không có lẽ sống an lạc. Nhiều khi chúng ta phải đặt vấn đề tại sao mình thường chỉ trích người khác, cần phê bình người khác, tại vì mình không có lẽ sống an lạc, nếu mình có lẽ sống an lạc  mình sẽ không phí thì giờ như vậy. 

Chúng ta thử hỏi một điều, nếu nhà chúng ta có vườn cảnh đẹp, nhà đẹp chúng ta đâu mất thì giờ chạy qua than phiền hàng xóm, phải không ? Chúng ta chỉ trích hàng xóm tại sao trồng bông hoa xấu, tại sao cây kiểng không đẹp, tại sao không có nghệ thuật v.v... Chúng ta chỉ trích người khác bởi vì chúng ta rảnh quá hay đời sống chúng ta trống rỗng không có cái gì để an lạc, nếu đời sống chúng ta an lạc thì đã không bơi móc không để ý đến chuyện người khác như vậy, thì giờ để mình sống cho mình thì giờ mình làm lợi ích cho mình không hết lấy đâu có thì giờ để đi xoi bói người khác. Bởi vậy, người ta nói những người bận rộn với công việc không đáng sợ, nhưng những người rảnh rỗi quá là những người đáng sợ, có câu "nhàn cư vi bất thiện". Nhưng quả thật chúng ta hiểu một điều là một khi chúng ta thường sân hận, thường chỉ trích, thường bài kích người khác chúng ta phải hiểu chính bản thân của chúng ta, chính trong cõi lòng của chúng ta không có chất sống, không có sự an lạc không có một cái gì đó làm cho chúng ta cảm thấy tự hoan hỉ được. Không có chất liệu của sự an lạc thì đó là vấn đề, 

 Đức Phật Ngài dạy chúng ta một điều rất đơn giản: "chúng ta hãy tự đặt ra là mình nghĩ như vậy, mình nuôi hiềm hận như vậy, mình nuôi sân tâm như vậy có lợi ích gì không ?"

 Tại Hoa Kỳ người ta làm một thống kê có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết, như bệnh tim hay bệnh áp huyết là một ở trong những nguyên nhân chết của rất nhiều người, những bệnh đó đều liên hệ đến một thứ gọi là stress hay căng thẳng. Sự căng thẳng của đời sống quả thật làm hại chúng ta nhiều. Nên chi có một câu thần chú chúng ta thường nên đọc đi đọc lại "giận người thì khổ cho mình" , khi nào chúng ta hay nói lập đi lập lại "giận người khổ cho mình" thì cũng đỡ phần nào tại vì lúc mình giận người ta mình nghĩ mình giận như vậy là đã nư mình nói như vậy là đã tức nói như vậy là thỏa mãn. Nhưng thật ra chúng ta đang khổ.

 Vẻ đẹp của Phật Pháp là: Phật Pháp nói đây là tham, đây là sân, đây là si, và tham sân si là phiền não.

 Chữ phiền não đôi khi chúng ta phải đem ra nhai đi nhai lại để chúng ta tiêu hóa. Tại sao những thứ đó là phiền não? Phiền não là cái gì làm chúng ta không được an lạc, phiền não là cái gì làm cho chúng ta ray rứt  phiền não là cái gì làm cho chúng ta đứng ngồi không yên, phiền não là cái gì đốt nóng chúng ta.

 Nếu mình có thể nhận ra được như vậy thật sự chúng ta có thấm nhuần Phật Pháp. 

Sự thấm nhuần Phật Pháp là gì? 

Đối với chúng tôi nghĩ một ở trong dấu hiệu thấm nhuần Phật Pháp là chúng ta chợt nhận ra đây là phiền não và phiền não là điều đốt cháy mình dù đó là tham sân si. Còn bình thường nếu không tu tập  chúng ta thấy phiền não không phải là phiền não mà chúng ta thấy phiền não đó là sức mạnh, phiền não đó là niềm tự hào, phiền não đó là  vốn liếng là nội lực của chúng ta. 

Nhưng thật ra phiền não không phải nội lực, phiền não là cái gì làm cho chúng ta tê tái, làm chúng ta chết đứng, làm chúng ta kiệt quệ, làm chúng ta bị thiêu đốt, nó là phiền, là não, và phiền não là một thứ lửa. Nếu chúng ta thường thấy điều đó thì chúng ta phải đến gần Phật Pháp một chút. 

Hồi nhỏ chúng tôi có đọc một tập tài liệu do Ngài Nanada nhờ một vị bác sĩ Việt Nam tên là BS Nguyễn Trực Thiện. Bác sĩ Nguyễn Trực Thiện là con của cư sĩ Trùng Quang Nguyễn Văn Hiểu. Vì là bác sĩ nên ông có nghiên cứu về y học. Tập tài liệu nói về ảnh hưởng của sân tâm đối với cơ thể chúng ta như thế nào và ảnh hưởng tâm từ đối với cơ thể chúng ta như thế nào. Khi đọc bài viết đó chúng ta thấy rõ ràng chưa nói đến Phật học, chưa nói đến học A Tỳ Đàm nói về sắc tâm, chưa nói đến đoạn kinh sâu xa trong kinh điển, chúng ta chỉ mới đọc tài liệu thì chúng ta thấy rõ ràng ngay trước mắt đó là "giận người thì khổ cho mình", khổ lắm, nó khổ không phải một ngày một bữa mà những chất axit là một độc tố được tiết ra từ trong cơ thể do sân tâm sanh ra làm cho cuộc sống chúng ta đi đến chỗ tàn tạ hệ lụy

Thật tình mà nói chúng ta đã hoang phí rất nhiều thì giờ của cuộc sống, chúng ta đang gây tổn hại cho mình rất nhiều bằng cách ngâm tẩm tâm tư của mình trong phiền não, ngâm tẩm tâm tư của mình trong hận thù. Một khả năng lớn nhất của chúng ta là phải vượt ra ngoài điều đó. 

Một lần chúng tôi có dịp sang nước Nam Phi đến thành phố Cape Town rất đẹp. Ngoài khơi thành phố Cape town là hòn đảo Rocky Island nơi ngày xưa người ta đã giam giữ ông Nelson Mandela.   Ở ngoài đó người ta có để lại một số bút tích lá thư ông đã viết gửi cho những người đồng sự của ông khi ông còn bị giam cầm nhiều năm. Trong thời gian ông bị giam cầm nhiều năm ông bị hành hạ rất nhiều, như buổi chiều trời ngoài đảo rất lạnh họ bắt ông đi ra ngoài bãi biển để cào những rong biển và với chiếc áo tù thì rất lạnh, khi trời nắng chói chang buổi trưa họ bắt ông đi đập đá, do vậy sau này mắt ông bị hư là tại vì ánh sáng nhiều quá buổi trưa chói vào mắt ông. Tại sao người ta bắt ông phải làm công việc lao công như vậy, tại vì sự lao công khổ sai ở trong tù sẽ làm kiệt quệ đi sức lực của tù nhân và nhờ như vậy tù nhân không chống đối. Riêng trường hợp của ông Nelson Mandela lúc đó chính phủ Nam Phi theo chánh sách Apartheid (kỳ thị chủng tộc) họ xem ông như một trong những nhà lãnh đạo nguy hiểm nhất thành ra họ không giết ông nhưng họ làm cho ông bị mòn mỏi trong tù. 

Ông đã viết những giòng chữ rất đẹp từ nơi chốn ngục tù này ông nhắc những người đồng sự của ông là "chúng ta tranh đấu cho một đất nước Nam Phi được tự do bình đẳng, không phải chỉ riêng người da đen mà cho tất cả mọi màu da mọi chủng tộc" và ông cũng nói lên một điều là một trong những điều ông cố gắng ông muốn truyền đạt đến những người đồng sự với ông là mình tranh đấu vì một lý tưởng cao cả chứ không phải tranh đấu vì lý tưởng hận thù. 

Khi chúng tôi đọc những giòng chữ đó chúng tôi rất chua xót cho quê hương dân tộc Việt Nam, ngay trong bản quốc ca của chúng ta, quốc ca thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa và ngay cả quốc ca bây giờ mang màu sắc của hận thù, chúng ta ảnh hưởng truyền thống văn hóa của Pháp ảnh hưởng truyền thống văn hóa Marxist (Marxism). Và do ảnh hưởng như vậy nên chúng ta đã không có được  tâm thái khai phóng nhẹ nhàng mặc dù nền văn hóa của Việt Nam có những giai đoạn lịch sử rất đẹp, ví dụ như đời Lý, vua Lý Thái Tông đến thăm những người tù cảm thấy xót xa vì trời lạnh lẽo Vua sai đem mền đến cho người đó còn nói nhà vua thương dân giống thương con ngay cả những người tù có tội. Hay đời nhà Trần chúng ta biết có những vị tướng nhà Trần khi quân Nguyên đến họ đi theo quân Nguyên vì tham sinh qúi tử nhưng đến khi vua nhà Trần đã đánh đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi thay vì truy tố những người đó thì đã đem đốt hết tất cả những tờ biểu dâng lên nói về tên họ của những người đã thỏa hiệp đã đi theo ngoại bang chống lại quê hương dân tộc của mình. Họ đã làm một cuộc mà chúng ta gọi là cuộc khoan dung một cuộc khoan hồng hiếm có hiếm thấy ở trong lịch sử. Thật ra, người Việt Nam chúng ta không phải là dân tộc tàn bạo hung hăng nhưng chúng ta phải nói rằng một số những nhà lãnh đạo đương đại ảnh hưởng văn hóa của Tây Phương nặng quá nhất là văn hóa  Mác-xít (Marxism) rất bạo tàn. Chúng ta cứ nghe hoặc đọc những lời trong quốc ca, quốc ca của người Việt quốc gia ngày xưa cũng như của cộng sản sau này trong đó có những câu rất hận thù, tất cả các bài quốc ca của VN khi chúng ta đọc những điều đó  chúng ta mới cảm thấy là nhìn lại những bức thư nhìn lại tinh thần ông Nelson Mandela  ông đã đề xướng ở trong một quá trình rất dài trong lao tù tranh đấu chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc Nam Phi, chủ nghĩa Apartheid là một chủ nghĩa bạo tàn nhất thế giới. Chánh sách Apartheid đã khủng bố tiêu diệt giết chết không biết bao nhiêu người.

Một cách khác, khi chúng ta có dịp cân phân thì chúng ta thấy điểm đầu tiên đối với cuộc sống đó là ở trong lòng của chúng ta có khả năng để hóa giải hiềm hận hay không? Nếu có cái gì đó chúng ta có thể làm đẹp cho cuộc đời, nếu cái gì đó chúng ta có thể làm đẹp cho cuộc sống của mình, thì đầu tiên chúng ta cần đến một cõi lòng thanh thản, một cõi lòng ít phiền não, một cõi lòng không hận thù. Cuộc sống dễ dẫn đến hận thù, dễ dẫn đến đụng chạm, chung quanh chúng ta hàng ngày có trăm ngàn thứ làm cho chúng ta bực bội, giận dữ, hận thù. 

Một câu kinh Pháp Cú trong phẩm Song Yếu : 
"Nó đánh tôi, nó mắng tôi,
 nó hại tôi, nó cướp tôi. 
Ai ôm ấp niềm hận ấy
 hận thù không thể nguôi"

Bởi vì chúng ta cứ nghĩ chúng ta bị xúc phạm, chúng ta bị tổn thương, rồi từ chỗ đó chúng ta có lý do chánh đáng để nuôi dưỡng hận thù. Bài học này không phải dễ nuốt, nó rất khó nuốt, mỗi chúng ta đều phải tự mình đối diện, mình tự mình tiêu hóa được điều này.

Chúng tôi nhớ nhiều năm về trước khi Paltalk mới ra đời một trong những điểm khổ tâm cho chúng tôi khi cung thỉnh Chư Tăng vào rơom thuyết pháp thời đó có một số người vào phá hoại mấy rơom Phật Pháp, người ta vào chửi nói rất nặng nề. Và Chư Tăng, chúng tôi nói điều này không phải chúng tôi không kính trọng Chư Tăng ở VN, nhưng Chư Tăng thì quen thuyết pháp ở trong bối cảnh chùa chiền rất thanh tịnh rất tốt đẹp, Chư Tăng lên pháp tọa rồi Phật tử đọc thỉnh Pháp Sư, rồi thấy thuận nhân thuận duyên Chư Tăng thuyết pháp, đó là Chư Tăng quen như vậy. Rồi vô trong Paltalk ngồi nói chuyện với một số người mình không biết họ là ai và thỉnh thoảng họ chat lên những câu nó không ra gì những câu lộn xộn hay những câu chửi mắng xúc phạm đến mình tự nhiên Chư Tăng cảm thấy khó chấp nhận, đôi khi các vị bị sock. Tại vì sao vậy? Tại vì hội chúng không thanh tịnh tại sao mình thuyết pháp.

 Nhưng năm dài tháng rộng Chư Tăng làm việc trong rơom đã quen bây giờ chúng tôi có cảm tưởng như tất cả Chư Tăng khi gặp khủng bố hay phá hoại thì bình thường thôi, mình vẫn tiếp tục chương trình. Tại vì sao vậy? Tại vì chúng ta hiểu rằng đây là một thế giới nó là như vậy, cuộc đời nó là như vậy, paltalk là như vậy, tự paltalk là như vậy thì cái gì nó đến thì nó đến, khi nó đi thì nó đi. Ngài Ajahn Chah gọi là "Mặt hồ tĩnh lặng", hình ảnh đó rất dễ thương, có một cái hồ nằm trong rừng sâu rồi những con vật đến uống nước khuấy động mặt hồ và khi nó ra đi rồi mặt hồ không giận, mặt hồ không tiếp tục giữ lại sự khuấy động đó, mặt hồ trở lại sự bình lặng. Khả năng trở về nguyên vị an tịnh của mình trở về trạng thái không bị chi phối của mình đó là khả năng tuyệt vời. Chúng ta rất dễ dàng để lại những vết thương lòng, chúng ta rất dễ dàng để lưu lại những phiền não. 

Trong bài kinh này, Ngài Xá Lợi Phất Ngài nhắc đến câu Phật ngôn: "Khi mình muốn giữ sự hận thù mình nên hỏi nuôi dưỡng sự hận thù như vậy có lợi ích gì?" 

Chúng tôi lại không nghĩ như vậy, thí dụ có một người nào làm chúng tôi giận, chúng tôi nghĩ : "giận thì mình cứ giận, nhưng thứ nhất mình hỏi rằng mình nuôi giận như vậy được bao lâu?  và giận như vậy  có lợi gì cho mình? Mình giỏi lắm nuôi giận được 2 ngày, 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày và nó cũng biến mất. Nhưng trong 2 ngày, 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày như vậy thì mình khổ. Không phải chúng tôi không, đôi khi qúi Phật tử còn trách móc chúng tôi, thí dụ như  qúi Phật tử bực bội ai đó đem nói chuyện với chúng tôi muốn chúng tôi giận nhưng qúi vị muốn chúng tôi giận không phải một bữa mà là giận suốt đời luôn, có nhiều vị nói rằng tại sao Sư chỉ nói rồi sau đó Sư lại quên chuyện giận đó. Không phải chúng tôi quên, nhưng chúng tôi nhớ một chuyện, ví dụ như hôm nay chúng tôi đang ngồi nói chuyện với qúi vị ở đây sinh hoạt thay vì chúng tôi có được một giờ rất an lạc để ngồi nói chuyện với Chư Tăng Phật tử vào một buổi sáng, nếu trong lòng chúng tôi nuôi hận thù giận dữ ai đó thì thật sự chúng tôi không có an lạc được. Thành ra mình mất mát rất nhiều, khi mình giận mất mát rất nhiều. Người Trung Hoa nói một câu có nhiều người tâm đắc "Quân tử báo thù 10 năm chưa muộn" thành ra họ thường nói hận thù ôm ấp cả một đời người, hận thù ôm ấp cả 10 năm, hận thù ôm ấp giai đoạn dài, mới nghe thì có vẻ hay ho nhưng thật sự không biết hay cái gì nhưng chúng ta có tuổi trẻ khoảng chừng 20 năm hay 10 năm, trong 10 năm 20 năm đó chúng ta ngâm tẩm trong độc tố của hận thù thì thật sự  chẳng đẹp gì hết chẳng có hay gì hết.

Có một thời gian dài người ta muốn cả một dân tộc, cả một thế hệ đều lớn lên ở trong sự thù hận, người ta khởi dạy lòng căm phẫn, căm phẫn đối với giai cấp, căm phẫn đối với thế lực này đối với thế lực khác, rốt cuộc bây giờ những thế hệ đi qua chúng ta nhìn lại rất tội nghiệp, những thế hệ đó đã tàn tạ trong hận thù, quê hương chúng ta trải qua thời kỳ như vậy. Trong khi chúng ta đi đến những dân tộc khác thì tuổi trẻ họ lớn lên trong sự hồn nhiên họ có thể hấp thụ được nền giáo dục tương đối tốt và họ có thể lựa chọn một con đường tương lai đẹp cho họ, mà đẹp cho họ cũng có nghĩa là đẹp cho cuộc đời, đôi khi chúng ta phải đặt lại vấn đề. 

 Chúng tôi đọc một đoạn hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê về sau này đoạn hồi ký đó cho chúng tôi thấy là một câu chuyện rất thú vị.

 Cụ là một người rất yêu nước. Đất nước chúng ta với thân phận nhược tiểu bị người Pháp cai trị cụ nuôi tâm hận do vậy khi cụ có đứa con trai đầu lòng cụ đặt tên Nguyễn Nhật Đức. 

 Tại sao đặt tên con là Nguyễn Nhật Đức? Nguyễn là họ của cụ, Nhật và Đức là nước Nhật và nước Đức. Cụ thấy sau thời Đệ Nhất Thế Chiến nước Đức một nước chiến bại bị đồng minh áp chế đủ điều nhưng chỉ trong vòng mươi năm họ đã vươn lên và trở thành một cường quốc. Nhật Bản một quốc gia Á Đông và thời đó cả Á Châu chỉ có Nhật Bản đứng lên sánh vai các nước Tây Phương do vậy cụ đặt tên cho con là Nguyễn Nhật Đức.

  Nhưng sau Đệ Nhị Thế Chiến cụ ân hận là cụ đã sùng bái hai quốc gia theo chủ nghĩa phát xít (Fascism). Cả hai quốc gia Nhật Đức theo chế độ quân phiệt phát xít (Fascism). Với sự hận thù và tham mộng cực đoan Đức quốc xã đã nhồi nhét vào trong lòng người Đức. Cũng như chế độ quân phiệt tại Nhật Bản đã phá hủy nền văn hóa đẹp của họ, đã phá hủy sự hoà bình của thế giới trong một giai đoạn nào đó và nó làm bao nhiêu thế hệ bị ảnh hưởng. 
  
  Điều đó chẳng lợi ích gì cho ai hết, người ta ở một giai đoạn nào đó họ rất ưng họ rất thích nhưng nếu nghĩ lại cho kỹ những bài học lịch sử chúng ta mới thấy đúng như lời Đức Phật dạy là không có lợi ích gì hết. 

Một người trẻ tuổi lớn lên nên dành cho họ một món quà, món quà đó là gì, món quà đó là sự hồn nhiên vô tư.
  
   Đôi khi chúng tôi cũng không biết là nên nói như thế nào. Ở chùa có một số Phật tử những vị này luôn nghĩ họ rất hay rất giỏi, khi có Phật tử nào khác đến họ cũng ráng để truyền đạt nhồi nhét những phức tạp những lộn xộn, chuyện ông này bà kia, vì họ nghĩ họ cung cấp tin tức cho những người này nhưng thật sự họ đang làm cho những người này phiền não. 
   
    Một món quà tốt nhất chúng ta dành cho nhau là một nụ cười thân thiện và một tấm lòng thanh thản chứ không phải một món quà tặng cho cuộc đời bao nhiêu rác rưởi, bao nhiêu những bẩn thỉu, bao nhiêu những phiền toái mình trút lên người bạn của mình. Nhưng nhiều khi chúng ta không thấy được điều đó, do đó câu Đức Phật đặt ra là "mình phải đặt câu hỏi cái đó có lợi ích gì cho mình" và cũng đặt câu hỏi "cái gì làm lợi ích cho người khác". 
Nhiều người không bao giờ nghĩ rằng những gì họ nói những gì họ truyền đạt có hại ra sao cho mọi người. Khi chúng tôi còn nhỏ ở trong nhà có một phép lịch sự cha mẹ dạy là khi mình ăn cơm trong lúc ăn mình không nói những chuyện không sạch sẽ thí dụ như đi nhà vệ sinh, chuyện xác chết v.v... tại vì mình nói như vậy người ta ăn cơm không ngon. Chuyện đó cũng có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng tôi thưa qúi vị, giả xử bây giờ chúng ta có 2 tiếng gặp nhau ở tại đây và thay vì chúng ta ngồi bàn chuyện Phật Pháp chúng ta bàn chuyện ông này bà kia, chuyện người này người kia có lẽ chúng ta không an lạc. Qúi vị đồng ý không? Thì tại sao chúng ta không tặng cho nhau món quà đẹp nhất tốt nhất ? Chúng ta tặng cho nhau tối thiểu là sự bình an yên tĩnh, tối thiểu là cái đẹp của cuộc sống. 
Chúng ta chịu khó lắng nghe lời Đức Phật dạy. Ngài Hộ Giác Ngài có nói một câu Ngài nói "mình không có khôn hơn Đức Phật". Đôi khi mình nghĩ mình khôn hơn Đức Phật mình đem điều này điều khác nhưng nếu mình nghĩ mình không khôn hơn Đức Phật thì ráng chịu khó lắng nghe lời Ngài dạy, ráng chịu khó thử một lần để mình làm coi có được không.
Giả xử như Đức Phật dạy chuyện đó là chuyện phiền não mình ráng nghe thật kỹ và mình nghĩ đó là phiền não, phiền não là cái gì phiền phức, cái gì thiêu đốt, cái gì làm cho mình phiền lụy, thì mình thử xem chuyện đó nó ra sao, bởi vì sống ở trong cuộc đời này đôi khi mình nhìn lại những người Phật tử nhất là chúng ta ở trong mùa lễ Vesak Tam Hợp Khánh Đản chúng ta nên mừng ít nhất con người chúng ta còn có duyên, có phước, được sống, được lắng nghe, được hít thở lời dạy của Đức Phật. 
 
Đức Phật Ngài có dạy những điều rất đẹp những lời dạy đó tuy rằng rất xa xưa hơn 2500 năm về trước nhưng cho đến hôm nay vẫn đẹp, nếu chúng ta chịu khó lắng nghe, chịu khó đọc cho kỹ thì chúng ta thấy rằng Đức Phật Ngài đưa chúng ta trở về với một vấn đề căn bản đó là vấn đề nội tại thay vì để ý chuyện người khác quá mình tự vấn tự hỏi chính trong lòng mình như thế nào, chẳng những vậy Đức Phật đưa chúng ta trở về vấn đề căn bản là chuyện đó có lợi ích hay không lợi ích, nó mang lại an lạc hay mang lại khổ đau. Những chuyện đó hàng ngày chúng ta không chịu suy xét. Mình nghĩ mình là người ưu thời mẫn thế, là người có đầu óc kinh bang tế thế, là người nghĩ đến chuyện lớn của thiên hạ. Nhưng chúng ta không làm chuyện lớn, chúng ta chỉ làm lớn chuyện thôi. 
 
Tại vì sao vậy? Chuyện đơn giản là chúng ta trở về đặt vấn đề mình nghĩ như vậy, mình làm như vậy, mình nói như vậy có lợi hay không có lợi. Chỉ đơn giản vậy thôi. Và chúng ta cũng không cần phải nói chuyện xa xôi, một buổi sáng thức dậy mình làm cái gì, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ mình làm cái gì, và vì vậy ở trong rất nhiều trường hợp chúng tôi thấy rằng những câu tự vấn đặc biệt ở trong kinh đề cập đến đem lại cho chúng ta một khung trời rộng mở.

 Bây giờ chúng ta trở lại bài học. Thật ra bài học này đã được trình bày ngày hôm qua ở một phương diện tiêu cực tức là những nguyên nhân làm cho sanh khởi sân tâm sanh khởi oán thù, hôm nay chúng ta học ngược lại làm cách nào để chúng ta hóa giải điều đó. Câu hỏi tiên quyết đặt ra ở đây chúng ta hỏi điều đó có lợi ích gì cho chúng ta. Chúng ta nói chữ lợi ích ở đây là có làm cho chúng ta an lạc hơn không, có làm cho những người chung quanh chúng ta an lạc hơn không, có làm cho chúng ta sáng suốt hơn hay làm cho chúng ta mê tối hơn, có làm cho chúng ta thanh thản hay làm cho chúng ta căn thẳng hơn? Những câu hỏi như vậy đưa chúng ta trở về với những vấn đề rất căn bản. Đôi khi chúng ta quên đi những vấn đề căn bản đó.

  Cái đẹp của Phật Pháp là Đức Phật dạy về sự khổ  và sự diệt khổ. Và sự khổ nó rộng lắm nhưng cái khổ do phiền não mang lại thì có rất nhiều trong đời sống nếu chúng ta hiểu được điều đó, hiểu được một phần nào thì nó giúp ích cho chúng ta phần đó, luôn luôn là như vậy, tất cả những vấn đề của đời sống đối với người tu tập đối với hành giả luôn luôn được đề cập đến từ ở trong thế giới nội tại từ trong lòng của mình hơn là ở bên ngoài. 
  
  Bây giờ mình gặp bao nhiêu chuyện rắc rối có phiền não gì thì ngồi xuống tự hỏi ở trong giờ phút này tâm tư mình như thế nào. 

Ngài HT Hộ Giác Ngài thường nói một câu, Ngài nói rằng:

 "Mình làm việc đôi khi mình không nên đặt quá nhiều vấn đề chuyện đó sẽ thành công lớn thành công nhỏ hay thất bại mà nên đặt vấn đề tâm mình có lòng thành hay không,  chúng ta có lòng thành hay không?"

 Hồi chúng tôi mới gặp Ngài nghe Ngài nói như vậy chúng tôi không để ý nhưng lâu ngày cảm thấy rất thấm thía điều đó. Tâm thành ở đây tức tâm của chúng ta có đủ sự tha thiết, đủ sự thành tâm, đủ sự nhiệt thành, đủ sự gắng bó. 

Mình tự hỏi tâm mình khi mình đặt vấn đề là "tâm mình có lòng thành hay không" thì tương tựa như câu nói là chúng ta phải tự hỏi là: "điều đó có lợi ích gì hay không?". 

Tại vì sao vậy? Nó đưa chúng ta trở về vấn đề rất căn bản thiết thực ở trong lòng của chúng ta, đôi khi, chúng ta nên nhớ rằng người làm khổ mình nhiều nhất đó là chính mình, người làm khổ mình làm cho mình bị mê mờ phiền não nhất đó chính bản thân của chính mình, tại vì mình cho phép phiền não, mình nuôi dưỡng phiền não và mình có hàng trăm hàng ngàn lý do để mình nói cái phiền não như vậy là đúng  và chánh đáng. 

Nhưng nên đặt trở lại là "điều đó có lợi ích gì cho mình nó có làm cho mình khổ thêm hay không" Và lấy cái vui cái khổ để chúng ta có thể bắt mạch chúng ta có thể dùng nó như những tín hiệu cho chúng ta biết giữa đúng hay sai. 

Chúng ta đọc bài kinh Kalama Đức Phật Ngài dạy những người Kalama  làm thế nào để nhìn sự việc để phán đoán sự việc trong đó có những câu như "việc đó là việc có làm tăng trưởng lòng tham sân si. Lợi người lợi mình hay lợi cả hai. Hại người hại mình hay hại cả hai. Và quả của nó có an lạc hay quả dẫn đến đau khổ".

 Khi chúng ta đọc những điều đó đôi khi người ta dùng danh từ thực dụng, đạo Phật rất thực dụng. Nhưng thật sự thì tinh thần của đạo Phật là chúng ta nên nhớ cái kh, bài học về khổ là lớn, cái khổ mà do cái nhìn tà vại, cái khổ do phiền não, cái khổ đó là những cái khổ chúng ta có thể vượt qua được có thể tránh được, khổ đó không cần thiết.

Một cách tóm tắt. Khi nào chúng ta có những chuyện rất bực bội chúng ta thử ngồi đọc lại bài kinh này đọc một cách rất thú vị, đó cũng là một cách tu, đem ra để ngay trước mặt, chúng ta vừa đọc bài kinh này và vừa đem vào trong lòng để hỏi rằng mình giận như vậy, mình bực bội như vậy, mình hận thù như vậy có lợi cho mình cái gì, có làm cho mình bổ bề ngang bổ bề dọc. có làm cho mình có một ngày an lạc hay không,  có làm cho mình sáng sủa hơn hay không,  có làm cho đời sống mình vui hơn hay không? Mình tự đặt câu hỏi chúng ta sẽ thấy rằng những điều gì Đức Phật dạy chúng ta ở đây có một giá trị lớn để mang lại hạnh phúc thật sự cho mình  ./. 


No comments:

Post a Comment