Monday, October 20, 2014

Đời sống tu tập là đời sống từ bỏ dễ hay khó?

 Hỏi:Đời sống tu tập là đời sống từ bỏ dễ hay khó? 

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 7-10-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Có một điều ngày nay khi đề cập đến sự tu tập chúng ta tự làm khó chính mình rất nhiều. Nhiều vị xuất gia chúng tôi được tiếp xúc sau một thời gian dài chán nản đời sống  thế tục các vị muốn đi xuất gia. Nhưng trước khi đi xuất gia các vị phải chuẩn bị rất nhiều kể cả một nơi an ổn, một nơi lý tưởng, kể cả điều kiện vị này hoàn toàn nghĩ rằng thích hợp cho sự tu tập. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại hình ảnh của Đức Thế Tôn, nhìn lại hình ảnh của chư vị đệ tử Đức Thế Tôn thời Đức Phật còn tại thế thì chúng ta thấy rằng đời sống đi xuất gia khởi đầu là sự buông bỏ .  Và khi nói sự buông bỏ thì sự từ bỏ không phải ai cũng buông bỏ được, đi tìm cái gì để mình có thì dễ nhưng khi từ bỏ địa vị, danh vọng xem ra là khó. Đặc biệt ngay trong đời sống tu tập không phải là chúng ta phải có thêm cái gì, có cái này, có cái kia, mà trái lại trong đời sống tu tập là chúng ta từ bỏ. 

Thì ở đây cái khó và dễ nó nằm trong hai chiều: 
- Có những thứ dễ về phương diện ở bên ngoài thí dụ như từ chỗ mình có đến chỗ không có thì dễ.
- Nhưng cái khó đó là chúng ta có chịu bỏ hay không? Đây là vấn đề. 

Do vậy khi chúng ta nói "cái dễ,  cái khó" thì phải nói từ một vị vua bỏ ngai vàng để làm vị Samôn thì chuyện đó dễ. Và nếu một vị Samôn, nếu một người bình thường muốn được ngai vàng thì chuyện đó khó.

 Nhưng, ngược lại khi mình đã có nhiều rồi bây giờ mình buông bỏ để có đời sống nhẹ như mây bay trên trời, một đời sống rộng thênh thang, một đời sống không vướng  bận thì ở trong lòng mình đôi khi chính do cái phiền não, do sự chấp thủ, do ngã, ngã sở và mạn tùy miên khiến chúng ta không thể nào từ bỏ được những điều đó. Do đó thật sự là khó. 

Vì vậy cái khó và cái dễ ở tại đây chúng ta nên đặt lại vấn đề là nhìn nó  như thế nào để chúng ta thấy rõ dễ chỗ nào và khó chỗ nào.

 Ngay cả đối với phiền não, đối với dục lạc khi mình buông bỏ thật sự đúng là khó, và khó là do thói quen của mình nhưng bởi vì ở đây là vấn đề từ bỏ chứ không phải là vấn đề mình thêm được cái gì. Thành ra, hành giả nếu tu tập điều đó cũng là một điều khác đi.

 Chúng ta đọc lại những hình ảnh hành trình của những bậc cổ đức những người đã ra đi và làm một cuộc khướt từ vĩ đại thì chúng ta thấy rằng những vị đó đều có đặc điểm là các vị thấy được sự nguy hiểm của các dục các vị thấy được là tại sao mình cần phải làm cái gì khác hơn.

 Trong lịch sử đương đại của Phật giáo Việt Nam có Ngài HT Hộ Tông, Ngài là một vị bán thế  xuất gia.  Khi còn là cư sĩ, Ngài là vị bác sĩ thú y của Pháp ở Nam Vang và địa vị đó thời bấy giờ được người ta trọng vọng và cũng được xem như là một người có cuộc sống tương đối rất tốt đẹp về vật chất ở bên ngoài. Năm Ngài trên bốn mươi, một lần Ngài ngồi ở trong nhà nhìn thấy người vợ của Ngài đang mang bầu có hơi nặng nề thì Ngài ngồi  suy nghĩ rằng "không biết chuyện vợ chồng mình mang lại cho người vợ được cái gì nhưng nó bao nhiêu là trở ngại nhọc nhằn về thể xác lẫn tinh thần, bà vợ phải lo lắng cho mình làm bổn phận người vợ rồi phải mang nặng đẻ đau" và lúc đó Ngài nghĩ rằng "tại sao mình lại sống như vậy sao không sống đời sống khác hơn",   và Ngài quyết định từ bỏ gia đình đi xuất gia. Khi Ngài quyết định đi xuất gia thì người vợ và sau này là bà bạn của Ngài đã tìm mọi cách ngăn cản, bà vào chùa khóc lóc  năn nỉ khổ sở đủ thứ. Thì lúc Ngài ở trong chùa bà bạn vào năn nỉ khóc lóc thì tự nhiên Ngài suy nghĩ  "lúc mình còn là vị cư sĩ mình làm cho người phụ nữ này khổ bao nhiêu thứ nhưng người này vẫn muốn như vậy và bây giờ cũng mong cầu như vậy, đúng là khổ ải."  Và Ngài đã dứt khoát tiếp tục đời sống xuất gia. 

Chúng ta  thấy một điều là tâm trạng của con người và hình ảnh ghi lại Ngài nhìn thấy người bạn đời người vợ đang mang thai khổ ải như vậy rồi Ngài thấy rằng cuộc sống vợ chồng mang lại vui và hạnh phúc cho nhau không bao nhiêu nhưng ngược lại mang đến cho nhau đủ thứ vấn đề khó khăn khổ ải thì Ngài đã khởi lên một suy nghĩ và suy nghĩ đó vốn là suy nghĩ của một người xuất gia thấy rằng đời sống như vậy tự mình làm khổ mình và làm khổ người khác vui thì ít khổ thì nhiều, nguy hiểm lại nhiều hơn, rồi Ngài từ bỏ điều đó và sống đời sống giải thoát đời sống thoát tục. Và về sau này thì chính Ngài là người đã làm một nhân tố rất quan trọng đến đỗi người sau này kêu Ngài là vị Sơ Tổ đã mang Phật giáo Nam Tông về Việt Nam. Đó chính là Ngài HT Hộ Tông.

Thì mỗi một người sống trong cuộc đời này đều có nhiều nhận thức khác nhau đối với cuộc  sống của mình nhưng một động lực khiến người ta lên đường  để làm cuộc sống khác đi đó là thấy được  vòng luẩn quẩn của đời sống hiện tại. 

Trong một bài kinh khác liên quan đến cuộc đời sống xuất gia chúng tôi đọc rất là hoan hỉ, đó là Kinh Thánh Cầu ở trong Trung Bộ Kinh. Bài kinh đó kể tâm trạng của Thái Tử Sĩ Đạt Đa khi Ngài còn ở trong hoàng cung Ngài thấy rằng chính Ngài bị bao phủ bởi sanh già đau chết, bị sanh già đau chết chi phối và cuộc sống mà Ngài đang hướng đến là ngai vàng là đế nghiệp thì cái đó nó cũng bị sanh già đau chết chi phối rồi Ngài tự hỏi một câu rằng nay ta bị sanh già đau chết chi phối tại sao ta không đi tìm cái không bị sanh già đau chết chi phối rồi từ đó Đức Thế Tôn Ngài đã lên đường làm một cuộc từ khướt vĩ đại không tiền khoáng hậu được lịch sử nhân loại ghi lại.

Chúng tôi muốn trở lại với một ý niệm khác về đời sống xuất gia bằng một câu chuyện. Đó là sau khi vua Bình Sa Vương gặp Đức Thế Tôn lúc bấy giờ Ngài là vị tu sĩ trẻ ở tại thành Vương Xá. Vua Bình Sa Vương được biết Ngài là một vị được xuất thân từ giòng dõi Sát-Đế-Lỵ từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình trở thành một vị Samôn thì vua Bình Sa Vương đã làm một việc ít có ai làm đó là khẩn khoản mời Ngài ở lại để cùng với nhà vua cai trị vương quốc Ma Kiệt Đà, có nghĩa là chia đôi giang sơn. Khi Đức Phật Ngài nghe lời đề nghị như vậy thì Ngài đã từ tốn từ chối bởi vì đời sống của Ngài không là đời sống hướng cầu ngai vàng đế nghiệp. Và vua Bình Sa Vương không biết phải làm gì nên đã cung thỉnh "Đức Thế Tôn khi nào Ngài thành tựu được đạo quả vô thượng xin Ngài trở về để tế độ cho trẫm". Và lời thỉnh mời đó là một sự thỉnh mời đã rất đặc biệt. 

Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, và sau khi Ngài Chuyển Pháp Luân  Ngài về  Uruvela độ 1000 vị đạo sĩ xong thì Đức Thế Tôn đã vào thành Vương Xá gặp lại vua lần đầu tiên. Sau khi trở thành đệ tử Phật, vua Bình Sa Vương đã cúng dường đến Đức Phật ngôi chùa Trúc Lâm cũng là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo. Tại ngôi chùa này nhiều sự kiện quan trọng  của lịch sử được ghi nhận. Chúng ta có thể nói rằng vua Bình Sa Vương nhỏ tuổi hơn Đức Thế Tôn và đây là những vị xuất thân từ gia cấp Sát-Đế-Lỵ đều là những vị rất khác biệt về tài năng, về trí tuệ, và đặc biệt vua Bình Sa Vương lại là một vị Thánh đệ tử Phật. 

Hai hình ảnh rất tương phản của một vị vua trẻ và một vị Samôn trẻ, khi Đức Thế Tôn trở về thành Vương Xá thì Ngài mới 36 tuổi còn rất trẻ được vua Bình Sa Vương chưa tới 30 tuổi, một bên là một vị Samôn một vị Đại Giác, một bên là một vị vua trị vì một vương quốc  hùng mạnh cho chúng ta thấy hai hình ảnh tương phản. Nhưng đặc biệt ở tại đây là vua Bình Sa Vương đã qui y Phật trở thành đệ tử Phật là một người đã đem ánh sáng của đạo chia sẻ cho người khác. Và trong kinh kể rằng vua Bình Sa Vương bản thân là một Phật tử rất ít khi làm phiền Đức Phật, hầu như nhà vua chỉ làm những gì Đức Phật dạy như là một học trò, ít khi nào lui tới làm rộn ràng Đức Phật việc này việc khác như  vua Ba Tư Nặc.

Tại Vương Xá thành ở xứ Ma Kiệt Đà ở trong giai đoạn sơ thời của Phật giáo đã có nhiều vị xuất gia trở thành để tự Phật như Ngài Mahà Kasapa - Ngài Đại-Ca-Diếp về sau này là vị thủ tọa của lần kết tập Tam Tạng lịch sử đầu tiên,  như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên và những thanh niên Balamôn trí thức những vị này đã đến với Đức Phật đã là đệ tử của ngài trở thành những vị thượng thủ Thinh Văn xuất sắc và có nhiều vị xuất gia trở thành Tăng sĩ tại Ma Kiệt Đà và đến nỗi về sau này người ta có cảm tưởng như  nhắc đến Vương Xá là nhắc đến Ma Kiệt Đà nhắc đến một thời kỳ cực thịnh hoàng kim của đạo Phật mà đó đây không biết bao nhiêu chùa, không biết bao nhiêu tăng sĩ mà ngày hôm nay qúi vị Phật tử về khu vực này họ gọi là Vira tên của tỉnh bang Vihara nghĩa là chùa Phật giáo hay là tịnh xá, sở dĩ xứ Ma Kiết Đà gọi là Viha là tại vì đã có thời đã có quá nhiều chùa chiền. Điều đó cho thấy rằng sự buông bỏ để sống đời sống xuất gia thời Đức Phật còn tại thế đã được ưa chuộng

Do vậy  cái khó và cái dễ ở tại đây là tùy chúng ta nhìn vấn đề  như thế nào để chúng ta thấy rõ dễ chỗ nào và khó chỗ nào.

No comments:

Post a Comment