Đề tài: Bốn Diệu Đế được giảng cho người có trí
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 23-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Bài học ngày hôm nay không đơn giản chỉ để suy tư chúng ta còn tìm thấy được nhiều qua sự thực hành. Chúng tôi chia sẻ bài giảng này từ hai điều chúng tôi đã được nghe trực tiếp: Một điều từ Ngài Payutto, bây giờ Ngài có tên là Bhramagunabhorn, chúng tôi có duyên ở với Ngài 7 ngày. Trong thời gian 7 ngày chúng tôi có thưa chuyện với Ngài về đề tài này. Và người thứ hai chúng tôi muốn nói ở tại đây là Thiền Sư U Pandita, Ngài là truyền nhân của Ngài Mahasi Sayadaw, một lần chúng tôi được nghe Ngài giảng tại tiểu bang Massachusetts về pháp hành Tứ Niệm Xứ trong đó có bài giảng này.
Do đó chúng tôi sẽ trình bày đề tài qua hai phương diện Pháp Học và Pháp Hành.
Trên phương diện Pháp Học.
Điểm thứ nhất:Trong đời sống khi nói đến trí tuệ chúng ta có thể thấy một tướng đó là sự tinh tế. Lấy ví dụ, chúng ta muốn biết một người có trí tuệ nhiều hay không có trí tuệ nhiều mình để cho người đó làm một việc gì thì ban đầu ai mới làm việc cũng lọng cọng làm không khéo. Nhưng người không có trí họ làm nhiều lần thậm chí cả đời cũng không khéo nổi, người có trí sau một vài lần làm một việc gì họ sẽ cải thiện được và họ sẽ làm tiến bộ hơn ở trong việc làm và càng lúc càng tinh tế.
Chúng tôi thấy ở những quốc gia chậm tiến một cái gì người ta chế tạo thì người ta chỉ sài cái đó cả đời, nhưng ở quốc gia tiến bộ người ta thay đổi rất nhiều, một sản phẩm được chế tạo ra mỗi năm sản phẩm mới càng tốt hơn. Thì chuyện tinh tế trong đời sống là dấu hiệu làm chúng ta cải thiện được cuộc sống. Lấy một ví dụ trong đời sống hàng ngày mình cũng nấu ăn nhưng có những người nấu hoài không ngon, có những người nấu chỉ một thời gian ngắn lại ngon. Hay mình đọc kinh điển với nhiều người cả đời đọc thì đọc để nhớ kinh đó nói như vậy thôi nhưng không cảm thấy thấm thía. Thậm chí chúng tôi có nghe một vị thầy nói với chúng tôi là có nhiều người nghĩ chuyện tụng kinh không cần phải khéo nhưng thật ra tụng kinh rất cần nhiều điều khéo léo. Có những người càng tụng thì càng hay và có những người tụng cả đời cũng vậy thôi.
Ở đây, có một điều chắc chắn chúng ta thấy sự tinh tế là dấu hiệu của một người có trí, Ngài Payutto nói trong cuộc sống của chúng ta có những sự việc lập đi lập lại và chúng ta không học được bài học đó. Lấy ví dụ, thất bại hay đau khổ. Một người không học được bài học từ sự đau khổ của mình từ sự thất bại của mình lúc nào họ cũng vấp váp cũng lập đi lập lại những lầm lỡ họ đã có. Ví dụ như mình mới ra đời người ta nói một câu nặng hay người ta chê mình thì mình buồn mình giận đó là bình thường. Nhưng nếu mình đã sống lâu đã từng trải nhiều một vài việc nhỏ cũng làm cho mình động lòng thì thật sự mình không học được từ những bài học trước, chuyện mình học được bài học trước đó là một dấu hiệu của một người có trí. Người có trí thì trong cuộc sống họ có dấu hiệu tiến bộ, dấu hiệu thay đổi. Và sự từng trải cho người ta nhận thức tốt hơn, đặc biệt đối với sự đau khổ. Đó là điểm đầu tiên.
- Điểm thứ hai. Ở đây có một chuyện hơi khó tin người có trí khác với người không trí đó là người có trí khi mình có vấn đề như mình bị bịnh mình biết mình bị bịnh, mình có vấn đề mình biết mình có vấn đề. Trong kinh có một câu Đức Phật dạy "Người ngu biết mình ngu nhờ vậy thành người trí, người ngu tưởng mình trí thì người ấy thật là trí ngu". Tức là, mình không có đủ trí tuệ mình không có sự sáng suốt nhưng mình cứ nghĩ rằng mình khôn, mình hay mình giỏi thì thật ra mình chưa thấy được vấn đề. Bởi vậy ai nhìn thấy được tình trạng của đời sống, tình trạng bản thân của mình thì chuyện đó không dễ.
Trong kinh Thánh Cầu, có đoạn nói: Khi Đức Thế Tôn còn là một vị hoàng tử sống trong cung vàng điện ngọc Ngài tự suy nghĩ :
"Tại sao mình bị sanh già đau chết chi phối mình lại đi tìm cái bị sanh già đau chết chi phối".
Thì cũng vậy thôi, mình đang bị sanh già đau chết chi phối đi tìm cái cũng bị sanh già đau chết chi phối thì mình tìm để làm gì?. Nhưng nếu câu đó mình đọc cho thật kỹ thì mình thấy rằng không phải ai cũng vậy, tất cả chúng ta đều có những cái khổ. Lấy ví dụ, mình thường khổ sở về mất mát tổn hại tài sản nhưng chúng ta vẫn tạo thêm tài sản. Tại vì sao? Tại vì chúng ta chưa sợ sự mất mát đó.
Có lần Đức Phật Ngài thấy bà Visakha buồn vì một người cháu rất yêu thương bị chết thì Ngài hỏi :
- "Visakha con có muốn đông đảo con cháu không?"
Bà Visakha nói:
-"Bạch Đức Thế Tôn, Con rất muốn, con rất thương con cháu, thậm chí đông đảo cả thành Xá Vệ này con cũng hoan hỉ".
Thì Đức Phật dạy:
"Trong thành Xá Vệ ngày nào cũng có người chết nếu con có con cháu đông cả thành Xá Vệ thì ngày nào cũng phải khóc cho những đứa cháu thương yêu của mình"
Lời Đức Phật dạy rất đơn giản nhưng cho chúng ta thấy một người sống trong chỗ đau khổ mà nghĩ đến chuyện mình hết đau khổ là chuyện không dễ. Thành ra khi nói pháp Tứ Đế: Đây Là Khổ, Đây Là Nhân Sanh Khổ, đây là Sự Diệt Khổ, đây là Con Đường Dẫn Đến Sự Diệt Khổ, Đức Phật dạy pháp này dạy cho người có trí.
Điều thứ ba: Ngài Payutto đề cập đến sự nhận thức trên phương diện nhân quả. Sự nhận thức đó là nhận thức của người có trí tuệ. Chúng ta thấy trong xã hội người ta càng ít học Phật Pháp người ta càng mê tín, người ta chỉ nghĩ đến chuyện đơn giản mình rời đổi phong thủy, mình đổi chữ ký hay mình làm cái này làm cái kia cuộc đời mình sẽ khá hơn. Nhưng kỳ thật, một người hiểu lý nhân quả tin rằng chính hành động của mình, chính chuyện thiện, bất thiện của mình sẽ là yếu tổ để hoán chuyển cuộc sống. Đối với Đức Phật không có chuyện gì sanh ra do ngẫu nhiên, nó đều có nhân có duyên. Hạnh phúc và khổ đau đều tương tự như vậy. Khi nói đến hạnh phúc nói đến khổ đau chúng ta đều biết có nhân có duyên. Một lúc nào đó tự nhiên mình buồn, tự nhiên mình cảm thấy trống trải, thay vì sự trống trải buồn nản đó mình nghĩ không biết tại sao mình buồn, nhưng thật ra nếu mình hiểu nguyên nhân của nó mình sẽ thấy có nguyên nhân chứ không phải là không có nguyên nhân. Và biết được cuộc sống trên phương diện nhân quả Đức Phật dạy rằng đó là cái nhìn của người có trí.
Một yếu tố khác, Ngài Payutto đề cập pháp cho con người có trí là người có trí luôn luôn hiểu rằng để thật sự thay đổi mình phải áp dụng cái gì đó, thực hành cái gì đó chứ không thể nào một sự mơ mộng hảo mà nó đạt cho mình một cái gì hết. Ở trong đời sống mình có thể ngồi mơ và mình tin rằng mình mơ mộng thì mình sẽ đạt được nhưng trên thực tế mình phải làm cái gì đó.
Thì trong giáo lý Bát Chánh Đạo hay là giáo lý Tứ Diệu Đế nói về Đạo Đế rất đơn giản đó là để mình có được khả năng khắc chế đối với khát ái mình phải huân tập Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Những sự huân tập đó vốn chỉ tự nhiên. Một người có trí phải thấy rằng nếu mình đạt được điều gì đó mình phải làm việc đó đúng cách, đúng phương pháp. Có nhiều người bây giờ họ thích dùng chữ hên xui, lâu lâu chúng tôi cũng nói đùa là hên xui. Nhưng thật ra trong đạo Phật không có chữ hên xui, ở trong đạo Phật dạy mình làm đúng phương pháp thì mình đạt được thành tựu, mình làm không đúng phương pháp thì mình không thành tựu được. Thành ra pháp tứ đế là pháp của người có trí.
Pháp Tứ Đế cũng hé mở cho chúng ta một ý niệm tương đối rất khó hiểu rất xa xôi. Ví dụ, Đức Phật Ngài từng suy nghĩ nếu có một cái sanh, già, đau, chết chi phối thì nhất định phải có một cái không bị sanh, không bị già, không bị đau, không bị chết chi phối. Có bế tắc thì phải có sự khai thông. Có vấn đề bên này phải có vấn đề bên kia. Sự đánh động đó, sự khẳng định đó là thái độ của người có trí. Việc này không dễ. Chúng ta thấy một số người quá tuyệt vọng về chuyện gì đó mà tự tử, một số người luôn bi quan nghĩ cuộc đời không có gì. Nhưng thật ra cái gì cũng có giải pháp, cái gì cũng có lối thoát của nó.
Bên Mỹ có một nghề rất lạ, thông thường người ta làm nghề đòi nợ, nhưng những người này không làm nghề đòi nợ mà làm nghề đi khất nợ. Ví dụ, có một người làm ăn buôn bán lúc đang được thời, buôn bán đang lên họ vay tiền nhà băng rất nhiều, tới khi kinh tế xuống họ nợ chồng chất, có nhiều người phải khai phá sản và phải đến toà án xin khai Chapter 11 (là Bộ Luật Phá Sản Hoa Kỳ) để tái tổ chức cơ sở thương mại, họ được bảo vệ bởi toà án, tại vì nếu toà án không bảo vệ họ thì những chủ nợ đến xiết nợ họ và khi xiết nợ họ thì họ không làm được gì hết. Thông thường những người này có nhiều người tuyệt vọng vì khai phá sản, có nhiều người tuyệt vọng đến nỗi tự tử, có nhiều người tuyệt vọng cảm thấy cuộc đời không còn gì hết. Nhưng cũng có những người đến tìm những người đi khất nợ cho họ, thì những chuyên gia khất nợ này là những người dựa trên hồ sơ của người thiếu nợ, họ đến ngân hàng đến những chỗ cho vay tiền thuyết phục những người đó rằng: "anh này thiếu nợ như vậy bây giờ qúi vị xiết quá thì anh ta không làm được gì hết, chẳng những vậy qúi vị mất luôn chì lẫn chài thì thôi qúi vị hãy soạn ít thì giờ và anh có thể cầm cố cái gì đó hay anh có thể cam kết cái gì đó nhưng ít nhất qúi vị còn vớt vát được" chẳng hạn . Thông thường những người làm thủ tục Chapter 11 được tái bố trí thì họ được cái lợi là họ có thời gian không phải trả nợ hay trả nợ rất ít để họ có thời gian tái bố trí lại cơ sở làm ăn của họ. Người Mỹ rất tin mình làm việc gì gặp khó khăn đều có giải pháp để giải quyết, nếu mình khôn khéo tìm được giải pháp.
Và khi người thấm nhuần lý Tứ Đế thì hiểu có cái bị sanh, bị già, bị đau, bị chết, chi phối thì nhất định phải có cái không sanh, không già, không chết (Điều này thực sự là khó hiểu) Nhưng đúng là có một chuyện ở trên đời là mình phải nghĩ đến Niết-bàn phải nghĩ đến giải pháp giải thoát.
Cũng nói về trên phương diện Pháp Học đề cập đến giáo lý Tứ Đế sở dĩ Đức Phật gọi là giáo lý của người bậc trí, giáo lý này giống như một giáo lý bao trùm nói trên ngôn ngữ của Ngài Xá Lợi Phất giống như dấu chân tượng (dấu chân con voi) tất cả loài thú khác trong rừng đều đặt chân mình trong lòng chân tượng thì giáo lý Tứ Diệu Đế cũng vậy, giáo lý Tứ Diệu Đế rộng lớn bao trùm giáo pháp của Đức Phật và phải có trí mới hiểu được điều này.
Những điều chúng tôi vừa mới chia sẻ với qúi Phật tử thuần trên phương diện Pháp Học. Tức là một người học hiểu về Tứ Đế người đó phải nhận thức được vấn đề của mình, người đó phải nhận thức vấn đề theo lý nhân quả, người đó phải nhận thức vấn đề ở mức độ mình chưa bao giờ nhận thức được. Ví dụ như có vấn đề khó khăn thì phải có giải pháp, có bề mặt thì phải có bề trái, có cái này thì phải có cái kia. Điều đó phải là người có trí mới nhận ra được. Và chẳng những nhận ra vấn đề mà còn nhận ra giải pháp đó cần đến phương pháp. Mình làm cái gì mình phải làm đúng phương pháp đúng cách chứ không phải nhờ vào hên xui. Như vậy là điều Đức Phật dạy giáo lý Tứ Đế là giáo lý dành cho người có trí.
Bây giờ chúng ta nói qua Pháp Hành.
Về điểm này, trong Tam Tạng kinh điển có hai bài kinh về Tứ Niệm Xứ; một trong Trường Bộ Kinh và một ở Trung Bộ Kinh. Bài trong Trường Bộ Kinh rất dài và đầy đủ, trong đó đặc biệt đề cập đến những pháp như Tứ Diệu Đế hay Thất Giác Chi là những đề tài của pháp quán Niệm Xứ. Như chúng ta hiểu pháp quán Niệm Xứ là mình nhận thức được thực tại qua những đề tài đã được Đức Phật Ngài giảng dạy trong kinh như 5 uẩn, 12 xứ, như Tứ Đế, Thất Giác Chi hay 5 Triền Cái chẳng hạn. Những đề tài đó thay vì từ trước đến giờ mình chỉ được nghe giảng bây giờ mình phải nhìn thấy đề tài này chính ngay trong đời sống của mình.
Chúng ta nói về sự nhận thức của Tứ Đế trong pháp hành, lấy ví dụ Đức Phật Ngài dạy:
- "Ham muốn sanh lo âu, ham muốn sanh sầu muộn, không ham muốn thì lấy đâu âu lo sầu muộn".
Với một người hành thiền, câu nói đó phải là câu nói được thấy ngay trên thân tâm của mình. Nếu nói "ham muốn sanh lo âu" thì chúng ta phải thấy mặt mũi của nó.
Tại sao có nhiều người hay có tật khúm núm với người nào đó, sợ hãi với người nào đó, là tại vì mình kỳ vọng, mình mong muốn điều gì đó từ người đó. Mình mong muốn từ người đó nên mình sợ người đó, mình sợ mích lòng, sợ đụng chạm, mình sợ người đó là tại vì mình cầu cạnh người đó cái gì đó.
Hay trong đời sống mình có cái gì đó mình quá muốn, mình sợ mất, mình sợ người ta lấy đi, mình sợ thế này thế kia. Sự sợ hãi, sự bất an đến từ sự quá dính mắc với điều gì đó. Và điều đó phải được nhận thấy ngay trong đời sống, nhận thấy trong thân và tâm của mình. Và lúc đó mình thấm thía là tại sao Đức Phật dạy: "Ham muốn sanh lo âu, ham muốn sanh sầu muộn".
Rồi chúng ta cũng nhận thức Tứ Đế trong Pháp Hành bằng tánh cách là Nhân Quả.
Lấy ví dụ, bà Thiền Sư Ajahn Naeb, bà thường nói về danh và sắc trong đời sống. Bây giờ mình đang ngồi tự nhiên thèm uống một ly cafe rồi mình đứng dậy đi lấy ly cafe. Một người hành thiền ngay lúc đó nên nhận thức tác động giữa ý muốn và sau đó cả một quá trình của thân trên ý muốn uống cafe. Rồi chúng ta đứng dậy đi pha nhưng với một người hành thiền thì thấy rằng đó là sự liên hệ của chủ tâm của ý định và của thể hiện hành động. Khi chúng ta đọc lâu vào điểm như vậy mình thấy rằng ái dục chi phối chúng ta nhiều. Có người nghĩ rằng mình ham muốn thì nó vô thưởng vô phạt mà thật ra sự ham muốn tạo ra căng thẳng, mình gọi stress (VN gọi là xì trét) tức là khi nào mình bị căng thẳng cái gì quá là mình tại vì mình quá mong mỏi điều đó, tại vì mình quá chờ đợi, quá hi vọng cái đó nên mình khổ. Đó cũng là cách mình hiểu giáo lý Tứ Đế.
Trong cuộc sống khi một người tu tập đạt đến chỗ yên lặng tịch tịnh thì mình bỏ ngoài tai rất nhiều điều phiền lụy, bớt đi nhiều điều phiền muộn. Điểm đó chúng ta sẽ thấy được trong ý nghĩa được Đức Phật Ngài đề cập trong giáo lý Bát Chánh Đạo khi được thực hành sẽ cho chúng ta được nhẹ nhàng thanh thản và chúng ta sẽ cảm nhận được cái ý nghĩa của sự tịch tịnh như thế nào.
Trong pháp hành có hai pháp đều liên hệ đến Tứ Đế và hai pháp này ở trong pháp hành đều là biểu trưng của Tứ Đế của người có trí.
1. - Pháp thứ nhất, bình thường của một người hành giả tu tập chúng ta gọi là Yonisomanasikara tức là Như Lý Tác Ý hay Chánh Tư Niệm. Ví dụ, mình bước ra bên ngoài nói chuyện có người nào đó chê mình một câu hay họ nói anh A anh B nói xấu mình, tự nhiên mình buồn, nhưng nếu mình có Chánh Tư Niệm mình có Yonisomanasikara tức là mình có suy nghĩ sáng suốt. Mình suy nghĩ "Chuyện khen chê là chuyện bình thường, ai cũng có bị khen chê hết", hay nghĩ là "Người ta nghe rồi người ta nói chưa chắc chính xác" hay hoặc giả nghĩ: "chắc kiếp trước mình nói xấu người ta bây giờ người ta nói xấu mình chẳng hạn". Mình không lấy chuyện đó làm chuyện bồng bột giận dữ tại sao và tại sao thì đó gọi là Chánh Tư Niệm nó cũng là một cách nhìn lấy trí tuệ nhìn Tứ Diệu Đế .
2. -Một trạng thái thứ hai thường đi chung với chánh niệm gọi là Sampajañña. Sati là ghi nhận. Sampajañña là sự rõ ràng nhận thức trong sáng rõ ràng về cái gì đang xảy ra mà không lẫn lộn. Chúng tôi lấy ví dụ như là mình bước nhanh có vấn đề hoặc mình bước chậm có vấn đề thì người hành Tứ Niệm Xứ phải biết cái đó. Hay hoặc giả, mình không muốn ngồi thiền nữa vì cảm thấy buồn ngủ cảm thấy mệt mà đáng lẽ ra phải tinh tấn thì ngay lúc đó mình không tuân phục với sự buồn ngủ làm biếng, mình bắt đầu vận dụng trí của mình để rồi đem cái làm biếng cái dã dượi đó vào trong tầm nhìn của Sampajañña, đây là lười biếng, đây là hôn trầm thụy miên, đây là triền cái v.v... Những điều đó được hành giả thấy rõ trong đời sống. Chúng ta không hành thiền thì đối với chúng ta cuộc sống bên ngoài bất quá chỉ là điểm tô, cuộc sống bên ngoài nhiều lắm là chuyện thị phi, chuyện thù tạc, nhưng với một người hành Tứ Niệm Xứ thì dầu cái đẹp cái xấu, cái hay cái dở tất cả đều là đối tượng của chánh niệm và chánh niệm rõ ràng, chánh niệm làm cho sự việc càng lúc càng rõ ràng. Cái rõ ràng đó tương tựa như một người làm việc gì quen tay rồi thảo việc, khi thảo việc làm không bị lọng cọng nữa. Ý thức biết rõ ràng gọi là Sampajañña hay sự nhận thức phân biệt rõ. Sự nhận thức rõ ràng đó cũng là hình thức có trí. Thật ra Sampajañña là một thứ trí tuệ sơ đẳng của tuệ Minh Sát và Yonisomanasikara là một hình dạng trí tuệ nhận thức sự việc một cách chính xác không để mình nhận thức phiền não, cả hai cái đều là trí tuệ.
Bàn về điểm này cũng hơi thừa, tại vì chúng ta đã nói rất nhiều, nói đi nói lại, mà phải nhận rằng nếu chúng ta học pháp chỉ học bằng đức tin không có trí tuệ thì chúng ta thiệt thòi nhiều, vấp váp nhiều, pháp học cũng vậy, pháp hành cũng vậy cái nào cũng cần có trí tuệ, những điều đó rất là tốt cho chúng ta.
Mấy ngày nay sự việc chuyến máy bay của Mã Lai có thể nói là một trong những bí mật lớn trong lịch sử nhân loại, chiếc boeing 777 tự nhiên biến mất. Chúng tôi có đọc một vài bài người ta đưa ra giả thuyết nó bị những người hành tinh khác đem đi hay hoặc giả bị khủng bố bắt. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết nhưng chưa ai xác nhận rõ ràng nó ra sao. Điều chúng tôi muốn nói tại đây cái nhìn của chúng ta sự việc như thế nào? chúng ta tò mò tại vì chuyện lạ, chúng ta có động tâm rung động trong nỗi khổ của thân nhân những người trên máy bay đó hay không? Chúng ta có thể thấy sự việc bằng tâm hờ hững, chúng ta có nhìn sự việc đó vói thái độ quan tâm nhiều. Thì cho dù chúng ta thấy thế nào đi nữa nhưng nếu có một người học về Tứ Đế sẽ thấy nhiều bài về Tứ Đế áp dụng ở trên câu chuyện của chiếc máy bay đó, nhiều giáo lý Tứ Đế áp dụng được.
Từ bài học ngoại thân chúng ta hiểu nội thân của mình. Có những người luôn luôn khổ, luôn luôn oán trách, luôn luôn bi quan, luôn luôn tiêu cực thì với một người hành thiền hay một người hiểu lý Tứ Đế nhìn sự việc khác đi. Người không hiểu giáo lý Tứ Đế nhìn thấy khổ thì rơi nước mắt, nhưng người hiểu giáo lý Tứ Đế thì khổ cũng là một đối tượng để quán chiếu, khổ để biết. Và chúng ta có thể thấy Tứ Đế ở khắp nơi ở trong mọi trường hợp, từ cái vui cái buồn, từ trong công sở, từ trong nhà, ở chùa, từ chuyện mình nằm ngủ một vai ý nghĩ manh nha của chúng ta trong tâm cho đến những công việc chúng ta hoạt náo bên ngoài nhất nhất những điều đó đều có thể nhìn thấy qua lăng kính của Tứ Đế.
Chúng tôi hy vọng lời của Đức Phật dạy ở đây một lần nữa nhắc nhở chúng ta thấy một điều đây là giáo lý dạy cho người có trí chứ không phải giáo lý dành cho người không có trí tuệ.
Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẽ với qúi vị nhân bài học ngày hôm nay./.
No comments:
Post a Comment