Wednesday, March 4, 2015

Bốn ý nghĩa của Như Lai

Bốn ý nghĩa của Như Lai - Kinh Như Thị Thuyết - (CXII) (Cat. 13) (It. 121)

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 2 tháng 5, 2014. Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài kinh hôm nay, một bản dịch rất đẹp về phương diện ngôn ngữ từ vựng và bài kinh này là một bài kinh chúng ta có thể xử dụng như lời kinh tụng để nhớ cảm niệm xưng tán ân đức của Đức Phật. Ý nghĩa bài học ngày hôm nay chánh văn từ ngữ "Tathàgata" hay "Như Lai" một danh từ rất quen thuộc. Đôi khi chúng ta thường gặp trong kinh điẻn đó là một danh từ Đức Phật tự xưng chính Ngài. Nhưng chúng ta cũng thỉnh thoảng tìm thấy một số các bài viết được đề cập đến như ngôi thứ ba "các đấng Như Lai", chúng ta thường dịch như vậy. Và "Như Lai" là một từ vựng tương đối có nhiều ý nghĩa được tìm thấy rải rác đó đây ngay cả trong Tam Tạng kinh điển Pali, ở trong sớ giải, trong kinh điển Phật Giáo Bắc Truyền.

Trước nhất, ở đây chúng ta nói đến một chi tiết nhỏ trên phương diện ngữ pháp. Nếu chúng ta đọc trong tiếng Phạn thì chữ "Như Lai" được viết là  "Tathāgata". Ở đây ngay cả các nhà ngôn ngữ học cũng có sự phân hai khi dịch từ này. Tathāgata có thể nói là một cách kết hợp giữa hai từ Tathà-gata có nghĩa là một người đã đến như vậy và cũng có thể là từ Tathā-āgata nghĩa là một người đã đến như vậy.

Chúng ta biết ở trong tiếng Phạn thì chữ đến và đi là gacchati và agacchati và trong quá khứ phân từ viết là gata hay là agata. Thì ngay cả từ ngữ này trên phương diện văn phạm không định đặt được xác định rõ là đây là chữ Tathāgata hay  Tathā-āgata.

Trong Anh ngữ thường họ dịch phân đôi, phân đôi ở đây là "one who has thus come " (Tathā-gata) hoặc "one who has thus gone" (Tathā-āgata).  tức là người đã đến như vậy và người đã đi như vậy.

Chữ đến và đi ở đây trở thành chữ rất thú vị.

Thì cho dù rằng hai chữ này chính xác đi nữa "đến như vậy" hay "đi như vậy" đều có ý nghĩa rất đẹp.
Trong bản chữ Hán chọn chữ "đến như vậy". Như Lai chữ lai có nghĩa là đến. Thí dụ chúng ta nói vị lai là chưa đến, đương lai là đang đến. Do vậy nếu chúng ta đọc bản dịch chữ Hán Ngài Cưu Ma La Thập sau đó Ngài An Thế Cao và Ngài Huyền Trang đều dùng theo ý nghĩa là Tathā-āgata là bậc đến như vậy gọi là "Như Lai", chữ rất đẹp.

Trong kinh Tạng Pali đặc biệt phần sớ giải không có đề cập những ý nghĩa chữ "Như Lai" trên phương diện ngôn ngữ trên phương diện phân tích ngữ pháp.

Trong bản sớ giải của Trường Bộ Kinh do Ngài Buddhaghosa biên soạn ở trong đó Ngài đã nói đến 8 ý nghĩa của chữ Như Lai.

- Ý nghĩa thứ nhất nói rằng Ngài đã đến ở trong tính cách như vậy, có nghĩa hành trình dẫn đến giác ngộ của Ngài gìống y như hành trình giác ngộ của Chư Phật những vị tu tập Balamật hạnh đạt đến Nhất Thiết Chủng Trí, bởi vì Ngài đã xuất hiện giữa cuộc đời này theo đạo lộ Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều giống như vậy do đó gọi là Như Lai. Và Ngài đã hành trình như vậy, khi đến với cuộc đời này những bước đi của Ngài như vậy. Thí dụ như khi Ngài đản sanh ra đời như thế nào ở giữa bối cảnh thiêng liêng chào đời từ thai bào của Phật mẫu và cho đến những bước đi vào đời của Ngài đều có những tánh cách tương tự như Chư Phật đời quá khứ, hiện tại, vị lai do vậy Ngài được gọi là "Như Lai".

- Ý nghĩa thứ ba được đề cập là con đường chứng ngộ đạo quả Vô Thượng của Ngài đến Nhất Thiết Chủng Trí là con đường tất cả Chư Phật đều đi giống nhau. Đức Phật là bậc chiến thắng với chân lý nghĩa là từ sự nhận biết nắm rõ sự thật Ngài trở thành bậc chiến thắng gọi là Như Lai. Đức Phật là vị biết rõ chân lý, chân lý ở đây hiểu là pháp nên gọi là Như Lai. Đức Phật là bậc tuyên thuyết chân lý hay là tuyên thuyết sự thật gọi là Như Lai.

- Ý nghĩa thứ bảy, ngôn ngữ hành động của Ngài là nhất quán, Người nói gì thì làm vậy và làm sao thì nói vậy nên gọi là Như Lai.

- Ý nghĩa thứ tám, Đức Thế Tôn là bậc tối thượng Y Vương tức là vị Thầy Thuốc chữa bệnh tối thượng trong đời này nên gọi là Như Lai

Đó là một đoạn chúng ta được đọc từ sớ giải của Trường Bộ Kinh.

Có một điểm rất thú vị về chữ "Như Lai". Trong truyền thống của Phật Giáo Bắc Truyền ngày nay chư tăng bên Bắc Tông ít có khi giảng về điều này nhưng lại là một định nghĩa rất gần có thể nói rằng rất tương đồng với Phật Giáo Nam Truyền đó là lời trình bày của Ngài Long Thọ trong tác phẩm Trung Quán Luận, phẩm Niết-bàn. Ở trong phẩm Niết-bàn Ngài Long Thọ nói rằng:
"Sở dĩ gọi là "Như Lai" bởi vì không thể nói Như Lai tồn tại sau khi viên tịch Niết-bàn. Không thể nói Như Lai không tồn tại sau khi viên tịch Niết-bàn. Không thể nói vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi viên tịch Niết-bàn. Và cũng không thể nói là không tồn tại và cũng không tồn tại sau khi Niết-bàn".
Chúng ta nói về tứ cú bách phi.

Ngài Long Thọ Ngài nói rằng một người đạt đến trạng thái như vậy gọi là Như Lai. Về điểm này chúng ta sẽ bàn ở trong một phương diện khác nhưng phải nói rằng từ "Như Lai" được Ngài Cưu Ma La Thập dịch và sau đó cả Ngài An Thế Cao, Ngài Huyền Trang xử dụng là một từ dịch rất đẹp  Tathā-āgata.

Ở đây chúng ta có thể tìm thấy những định nghĩa do chính Đức Thế Tôn từ kim khẩu của Ngài giảng về thế nào là ý nghĩa của Như Lai và đây là một bản dịch rất đẹp:

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A La Hán nói đến và tôi đã được nghe: Này các Tỳ Kheo,  thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác."


 "Thế giới được Như Lai Chánh Đẳng Giác" .


 Thế giới ở đây thường là nói về ba ý nghĩa:
1. Chữ thế giới được hiểu như là cảnh giới sanh tử thì có dục giới sắc giới và vô sắc giới.
2. Chữ thế giới ở đây gồm có các hội chúng thí dụ như là Samôn, Bàlamôn, Gia Chủ, Chư Thiên, Ma Thiên, Phạm Thiên tức là thế giới nói theo quan niệm cố hữu, cách sống cố hữu của chúng sanh trong đời này.
3. Chữ thế giới ở đây được hiểu như sự vận hành của nguồn máy sanh tử đó là duyên sinh duyên hệ. Thí dụ chúng ta nói về nghiệp quả và phiền não.

Thế giới đã được Như Lai Chánh Đẳng Giác.

Chữ Chánh Đẳng Giác ở đây: Chữ Chánh là biết đúng. Chánh Đẳng Giác hay Chánh Biến Tri, chữ Biến Tri là biết tất cả, chữ Chánh là biết đúng, biết đúng và biết tất cả. Hay nói chung Chánh Đẳng Giác thí dụ như ở trong đời này các nhà khoa học họ cũng tìm ra được nhiều cái biết nhưng những cái biết đó không nhất thiết gọi là samma (Sammasambuddho)  nó không nhất thiết giải quyết những vấn đề cách thức của đời sống. Trong chúng ta có nhiều người học nhiều hiểu rộng nhưng cái học của họ chỉ để tán gẫu để luận bàn chỉ để khẩu chiến và cái biết của họ không mang lại giá trị thiết thực cho gia đình cho xã hội. Cái biết có thể khả dĩ đúng chỗ và có thể mang đến lợi lạc là sự thoát khổ như Đức Phật dạy rằng: "Như Lai dạy về sự Khổ và sự Diệt Khổ" Đức Phật không nói đơn giản về sự Khổ, Ngài còn dạy về Diệt Khổ nữa. Như vậy gọi là Chánh Đẳng Giác. Chữ sammasambuddho ở đây chúng ta hiểu như vậy. Thông thường Chánh Đẳng Giác không được hiểu là một động từ nhưng ở đây phải hiểu là một động từ "Thế giới được Như Lai Chánh Đẳng Giác".

"Như Lai không hệ lụy đối với đời"

Đức Phật Ngài không có bất cứ một hy cầu hay bất cứ một mảy may gì mong muốn ở cuộc đời này. Có lần Đức Phật Ngài cũng dạy trong Trung Bộ Kinh:

"Thế gian tranh luận với Như Lai, Như Lai không tranh luận với thế gian".

 Đức Phật là một bậc đối với tất cả hữu vi pháp Ngài không có một mảy may dính mắc thì đừng nói chi những chuyện thế tục như  hơn thua danh lợi nhân ngã bỉ thử, điều đó không có ở Đức Phật. Thật ra cuộc đời của Đức Thế  Tôn từ một ông Hoàng sống trong cung vàng điện ngọc Ngài trở thành một bậc Mâu Ni ẩn sĩ sống ở rừng sâu núi thẳm. Đức Thế Tôn sẵn sàng sống trong rừng sâu một mình nếu có chuyện cần thiết. Đức Thế Tôn Ngài từ bỏ những phương tiện của một ông Hoàng của những gì những người đệ tử những người đàn tín vua chúa trưởng giả cung cấp, Ngài đi với đôi chân trần của Ngài, và thậm chí đã có một lần Ngài nhặt những tấm vải cũ ở bãi tha ma để làm y. Đức Thế Tôn Ngài không có bất cứ một mong mỏi gì ở cuộc đời này "Như Lai không hệ lụy với thế gian".

"Này các Tỳ Kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh Đẳng Giác".

"Thế giới tập khởi" tức là những nguyên nhân tạo thành thế giới này được Đức Thế Tôn biết rất rõ, biết rất sâu kín, không phải đời này mà nhiều đời trước, không phải chỉ là mặt nổi ở bên ngoài mà sâu thẳm ở trong mầm móng của vô minh và ái dục, tất cả đều được Như Lai quán triệt liễu tri và trong từ ngữ chính xác nhất gọi là Chánh Đẳng Giác.

"Thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác".

Đức Thế Tôn không chỉ đơn giản Ngài quán triệt về sự sanh của thế giới Ngài còn quán triệt về sự diệt của thế giới. Không có một người nào cách đây 25 thế kỷ đã đưa ra những lời dạy mà lúc đó con người hoàn toàn không thể hiểu ra được, thí dụ núi Hy Mã Lạp Sơn đã có thời là biển và có thời kỳ biển cả là núi, thời đó kiến thức của loài người về những lục địa trôi, về hiện tượng địa chấn về sanh diệt của thế giới hoàn toàn chưa có. Ở trong giòng lịch sử tôn giáo của nhân loại hầu như tất cả đều nghĩ rằng trái đất này sẽ miên viễn có chăng là loài người đã đến trái đất này và trong cái thiện cái ác nó sẽ tạo nên thế giới này hỗn độn, đẹp, xấu. Và rồi một ngày ở trên trái đất này vườn địa đàng sẽ được thành lập và khi vườn điạ đàng thành lập thì nó sẽ miên viễn nó sẽ vĩnh hằng. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn Ngài đã nói rất rõ không phải chỉ có tấm thân của chúng ta một ngày nào đó sẽ chết đi mà tất cả những gì hiện hữu có sanh đều có diệt, sanh do duyên và diệt do duyên. Và kể cả trái đất này cho đến ngày hôm nay với sự hiểu biết về thiên văn với sự quan sát tất cả tinh cầu ở trong vũ trụ thì chúng ta thấy rằng không phải chỉ có những hành tinh như trái đất, như Thủy vương Tinh, Mộc Vương Tinh sẽ tan vỡ mà ngay cả một Thái Dương Hệ cũng sẽ bị hủy diệt, ngay cả một dãy Ngân Hà cũng sẽ hủy diệt, những Galaxy (Thiên Hà) bị tiêu diệt trong sự quan sát của những viễn vọng kính như là viễn vọng kính Hubble hay Chandra chẳng hạn. Đức Thế Tôn Ngài quán được sự sanh diệt của thế giới này.

Có những chuyện rất đơn giản khi Đức Phật Ngài dạy rằng "ba tháng nữa Như Lai sẽ viên tịch" Tôn Giả Ananda rất chấn động đã nói với tất cả xúc cảm của mình :

"Con không nghĩ rằng Đức Thế Tôn sẽ ra đi khi chưa để lại một di chúc cho Tăng chúng"

Đức Phật Ngài đã dạy Tôn Giả Ananda: "Các con còn chờ gì ở Như Lai". Sau đó trước cảm xúc mạnh mẽ lớn lao của Tôn Giả Ananda Đức Phật Ngài đã dạy:

 "Như Lai há chẳng nói cái gì có sanh thì phải có diệt".

  Bởi vì Ngài đã quán triệt được sự sanh và Ngài quán được sự diệt do vậy cái nhìn của Ngài về thế giới này rất khác với chúng ta. Mỗi chúng ta những người Phật tử khi làm việc gì từ việc chùa chiền, chuyện Giáo Hội, chuyện xa chuyện gần, chuyện bản thân hay chuyện người khác chúng ta đều nghĩ đến cái gì thật lâu dài cái gì thật là miên viễn. Nếu cái đó mình làm mà rồi nó hỏng đi thì chúng ta không chấp nhận được. Mình nghĩ đến cái gì rất là tốt, rất là bền. Mình nghĩ rằng nó phải như vậy. Nhưng kỳ thật không phải như vậy. Chúng tôi đã từng sống với một bậc danh tăng như Ngài HT Hộ Giác, Ngài có mặt, Ngài có sự đóng góp của Ngài, nhưng rồi Ngài ra đi, chúng ta khoan nói đến hình ảnh của Đức Phật, khoan nói hình ảnh của cái gì khác hon, hình ảnh của một vị trưởng lão sống gần mình, có nhiều lúc học trò đệ tử nghĩ rằng Ngài có mặt ở đó mãi mãi nhưng một lúc nào đó Ngài ra đi. Thì mới thấy rằng mình biết như vậy, mình thấy như vậy, mình vẫn còn hụt hẫn, mình vẫn còn cảm thấy bị giao động, là bởi vì sao vậy? Bởi vì tất cả quan niệm của chúng ta về thế giới này được xây dựng trên ý nghĩ rằng nếu việc đó vô thường, chỉ là tạm bợ thì không muốn làm. Hay chúng ta thường tiếc cho người đó đẹp quá sao người đó chết, giống như chỉ có những người xấu mới đáng chết người đẹp không đáng chết, người đó hiền quá sao người đó chết, giống như chỉ có người ác mới đáng chết người hiền không đáng chết, sao người đó giàu quá mà chết nhưng thật sự giàu hay nghèo gì cũng chết.

Khi chúng ta nhìn thấy được vấn đề Như Lai quán triệt sự tập khởi của thế giới, sự đoạn diệt của thế giới nó không đơn giản. Khi nói chuyện về sự tập khởi của thế giới Ngài nói do cái này có cái kia có, vô minh duyên cho hành, hành duyên cho thức, thức duyên cho sắc, sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Thì những cái nhìn đó là những cái nhìn rất kỳ vĩ, nó không đơn thuần thấy đến thấy đi. Đức Thế Tôn quán triệt được nguyên nhân sâu xa của sanh và diệt.

 "Này các Tỳ Kheo, con đường đi đến thế giới đoạn diệt được Như Lai Chánh Đẳng Giác"

 Không phải chỉ thấy được sự đoạn diệt Ngài thấy được con đường đi đến sự đoạn diệt. Điều này đơn giản, đó là hữu vi pháp có nghĩa là pháp tập khởi, sanh khởi do duyên cũng phải do duyên diệt.

"Này các Tỳ Kheo, trong toàn thế giới, Thiên giới, ma giới, Phạm Thiên giới cùng với quần chúng Samôn, Bàlamôn, Chư Thiên và loài người được thấy được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai Chánh Đẳng Giác do vậy được gọi là Như Lai.

 Chữ Loka là Thế Giới được nhận thức, ở đây có ý nghĩa:
 - Cảnh giới sanh tử khi chúng ta nói về dục giới, sắc giới, vô sắc giới nhưng chúng ta còn nói một phương diện khác về thế giới này, thế giới đó là một thế giới sinh động bao gồm sự sống, khuynh hướng cố hữu, hành động cố hữu, nhận thức cố hữu, thì ở đây là điều Đức Phật giảng về thế giới đó.
 - Thiên giới là thế giới của chúng sanh có rất nhiều phước.
 - Ma giới là thế giới của chúng sanh có nhiều uy lực ảnh hưởng chi phối đến chúng sanh khác, sự chi phối này nó tạo thành những nghiệt ngã của đời sống.
 - Phạm Thiên giới là những chúng sanh đạt đến chỗ thuần tịnh của thiền định.
- Quần chúng Samôn là quần chúng của những người tu tập bản thân, Bà la môn là những người cổ xúy hiển giáo tín ngưỡng.
-  Chư Thiên ở đây hiểu là chúng sanh sanh ra do phước, là người hiểu được chúng sanh sanh ra có phước một cách tương đối và có sự phấn đấu rất anh hùng trong thế gian này.

"được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được tư sát" tức là ở đây chúng ta nói về "thấy, nghe, quan niệm, kinh nghiệm, trải nghiệm, sự nhận thức, sự truy cầu hướng đi điều đó đều được Như Lai Chánh Đẳng Giác do vậy gọi là Như Lai".

Như vậy ý nghĩa đầu tiên của từ "Như Lai" nói về Phật trí, nói về tầm hiểu biết của Chư Phật, nói về cảnh giới hiểu biết của Chư Phật mênh mông vô lượng. Đây là chúng ta nói về nhiều điểm từ câu  "sự sanh sự diệt hay thế giới tập khởi thế giới đoạn diệt" rồi sau đó nói đến "con đường dẫn đến thế giới đoạn diệt", nói đến "khuynh hướng hiểu biết của chúng sanh trong đời này, tất cả đều được Như Lai Chánh Đẳng Giác do vậy Như Lai không hệ lụy với cuộc đời và Như Lai gọi là Như Lai".

Ở một điểm khác:

-  "Này các Tỷ-kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết-bàn không có dư y trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy Ngài được gọi là Như Lai".

 Ở đây, nói đến sự nhất quán và về điểm này có sự tranh luận rất lớn của Phật giáo Bắc Truyền. Phật giáo Bắc Truyền cho rằng Đức Thế Tôn Ngài đã do phương tiện giảng giải có Đại Thừa, Tiểu Thừa và về sau này thời kỳ Bát Nhã, thời kỳ Pháp Hoa thì có khi Ngài đồng ý có khi Ngài phủ nhận. Thậm chí ngày nay cũng có người nói rằng giáo lý Tiểu Thừa là giáo lý do Đức Phật giảng nhưng sau đó Đức Phật Ngài lại chỉ trích nặng nề giáo lý Tiểu Thừa. Thật ra điều đó hoàn toàn không có trong Tam Tạng Pali . Trong Tam Tạng Pali giáo thuyết giáo lý của Đức Phật mang tính nhứt quán. "Từ đêm Như Lai thành đạo và từ thời điểm chuyển Pháp Luân cho đến khi Ngài viên tịch Niết-bàn những gì Ngài tuyên bố, những gì Ngài dạy là nhất quán là tỏ rõ không có gì khác được đều là giáo lý Tứ Đế được Như Lai giảng giải ở trong kinh chuyển Pháp Luân hay là tam học Giới Định Tuệ, ở trong những giờ phút sắp viên tịch Niết-bàn đều là nhất quán như vậy gọi là Như Lai, tức là nhất quán trong lời dạy.

Một điểm khác:

 "Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên Ngài được gọi Như Lai".

  Chữ "Như Lai" ở đây chúng ta nói y hành hợp nhất, cái biết và hành động, lời nói và hành động nhất quán, Ngài là bậc Minh Hạnh Túc tức cái biết và sở hành của Ngài cũng nhất quán. Đặc biệt trong cuộc đời này có một người mà hành động không thể khác hơn với lời nói đó là Đức Phật. Lấy ví dụ, tất cả chúng ta đều  ca ngợi chữ hiếu nhưng chưa chắc chúng ta đã làm giống như chúng ta nói, chúng ta ca ngợi sự thanh tịnh nhưng chúng ta không thể sống thanh tịnh như chúng ta nói, chúng ta nói về sự dấn thân, sự hy sinh cho cuộc đời nhưng chúng ta cũng không làm được một phần nhỏ cái chúng ta nói. Thường những gì chúng ta ca ngợi chúng ta nói có chất lý tưởng nhiều hơn. Tại vì sức của chúng ta không vươn tới đó. Và có thể phiền não của chúng ta còn lại nó khiến cho chúng ta sống không như những gì chúng ta nói. Nhưng với Đức Phật Ngài là một bậc đại lực đại trí cái biết của Ngài và khả năng của Ngài cuộc sống của Ngài luôn luôn nhất quán.

  Một điểm nữa:

"Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy Ngài được gọi là Như Lai".

 Không ai có thể đoạt mạng của vị Chánh Đẳng Giác, không ai có thể làm cho vị Chánh Đẳng Giác bị bắt bí không thể trả lời, không ai có thể làm gì để khiến Đức Phật bậc Chánh Đẳng Giác trở thành một người chiến bại.

  Ma vương đã từng đến dành cội bồ đoàn với Đức Phật và cuối cùng ở tại cội Bồ Đề đó Đức Thế Tôn đã an nhiên ngồi ở trên bản toạ của Ngài.

  Dạ xoa Alavaka đã từng nói: "Nếu Đức Thế Tôn không trả lời những câu hỏi của Dạ xoa Alavaka thì Dạ xoa Alavaka sẽ xé xác Đức Thế Tôn quăng qua bên kia sông Hằng.

  Đức Phật đã ung dung trả lời: "nếu người hỏi thì Như Lai sẽ trả lời nhưng không ai có thể xé xác Như Lai quăng sang bên kia bờ sông Hằng được".

Và Saccaka là một người cao ngạo biện tài đã từng tuyên bố sẽ làm cho Đức Thế Tôn run rảy với khả năng biện luận của mình và cuối cùng đã trở nên câm nín khi đứng trước Đức Phật.

   Sundarì đã từng vu cáo Đức Phật và trong sự an nhiên chánh định Đức Thế Tôn đã làm sáng tỏ sự thật.

Con voi cuồng Nàlàgiri bị phục rượu uống say đã từng tấn công Đức Thế Tôn và bằng từ tâm vô lượng Đức Thế Tôn đã chuyển hóa được voi điên.

Và nhiều câu chuyện cho chúng ta hiểu về Đức Phật là bậc chiến thắng.
 
   Thì toàn bộ ý nghĩa "Như Lai" được giảng tại đây là những ý nghĩa rất đẹp.
 
   Phật tử niệm Phật thường niệm  tên của vị Phật này tên vị Phật khác nhưng đúng ra khi chúng ta niệm Phật chúng ta niệm ân đức của Phật, niệm Phật, cảm Phật chi đức. Nhưng mỗi người đều có một cái duyên với một ân đức Phật khác nhau, có người thì rất tiến bộ khi niệm Arahan, có người rất tiến bộ khi niệm Buddho. Nhưng phải nói rằng riêng đối với bản thân của chúng tôi thì chúng tôi rất thích đọan kinh hôm nay, đoạn kinh đó trở thành một tâm kinh trở thành một điều chúng tôi thường tụng niệm khi chúng tôi đi về chiêm bái các Thánh tích Phật Giáo. Đoạn kinh này đã trở thành một điều chúng tôi thường tụng đọc khi chúng tôi đến những đền tháp những pho tượng Phật trên hành trình đi thăm viếng các quốc gia Phật Giáo. Không hiểu sao đối với chúng tôi những điều này là cái gì đi vào lòng và đọc đến thì trong lòng rất phấn khởi, rất hân hoan và cảm nhận như một giòng nước mát chảy vào lòng. Vì vậy ý nghĩa của "Như Lai" này nếu qúi Phật tử có duyên qúi vị thường trì tụng qúi vị cũng cảm thấy rất thấm thía. Chúng tôi nói rằng mỗi người có cái duyên riêng không hẳn là qúi vị hoan hỉ với đoạn kinh này mà có thể qúi vị hoan hỉ với đoạn kinh khác, nhưng riêng với đoạn kinh định nghĩa về Như Lai này đối với cá nhân chúng tôi là một khung trời cao rộng là điều gì đó rất là thấm thía

"Này các Tỷ-kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các Tỷ-kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh đẳng giác; thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các Tỷ-kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt Như Lai đã tu tập.


Cái gì này các Tỷ-kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Mạ giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các Tỷ-kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết-bàn không có dư y trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy Ngài được gọi là Như Lai.



Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên Ngài được gọi Như Lai.



Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy Ngài được gọi là Như Lai.



Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến:



Thắng tri mọi thế giới,

Mọi thế giới như thật,
Ly hệ mọi thế giới,
Không giống mọi thế giới.
Thắng tất cả bậc trí,
Giải thoát mọi buộc ràng.
Cảm thọ tối thắng tịnh,
Niết-bàn, không sợ hãi,
Vị này đoạn lậu hoặc,
Bậc giác ngộ trí giả,
Không dao động nhiễu loạn,
Nghi ngờ được chặt đứt,
Ðạt diệt tận mọi nghiệp
Giải thoát diệt sanh y,
Là Thế Tôn, là Phật
Bậc Sư tử vô thượng,
Trong thế giới thiên giới
Chuyển bánh xe Phạm luân.
Như vậy loài Trời, Người,
Ðến quy y đức Phật,
Gặp nhau, đảnh lễ Ngài,
Vĩ đại không sanh hữu,
Ðiều phục, bậc Tối thượng,
Trong người được điều phục
An tịnh, bậc ẩn sĩ,
Những người được an tịnh.
Giải thoát bậc tối thượng,
Những người được giải thoát
Vượt qua bậc tối thắng,
Những người được vượt qua.
Như vậy họ lễ Ngài
Vĩ đại, không sanh hữu,
Thiên giới, thế giới này,
Không ai được bằng Ngài.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe."



Đó là vài  điểm chúng ta chiêm nghiệm về ý nghĩa của từ vựng "Như Lai". Đây là một ở trong những đoạn kinh rất hiếm hoi chúng ta tìm thấy ở trong Tam Tạng kinh điển cho chúng ta rõ nét về ý nghĩa của từ vựng chúng ta nghe rất thường, một danh từ Đức Phật tự dùng để nói về Ngài "Này các Tỳ Kheo, Như Lai đã dạy cho các con điều này Như Lai há chẳng nói điều kia". Hoặc giả, khi chúng ta đọc chữ "Như Lai" thì chúng ta biết rằng từ vựng đó đặc biệt đề cập đến Đức Phật "Tathàgata" hay " Như Lai".


Và thưa qúi vị, bài giảng đến đây xin được kết thúc./.  

No comments:

Post a Comment