Monday, February 10, 2014

Có nhiều đề mục tu thiền. Vậy hơi thở có gì đặc biệt hơn những đề mục khác?

Hỏi: Có nhiều đề mục tu thiền. Vậy hơi thở có gì đặc biệt hơn những đề mục khác? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 2-9-2013, Từ Minh chuyển biên)

TT Pháp Tân: Như chúng ta biết, quả thật, có rất nhiều đề mục tu thiền của Phật giáo nguyên thuỷ, gồm hai loại thiền chỉ và thiền quán. Ở đây, chúng ta không bàn đến những dòng thiền của người Trung Hoa hay Phật giáo Bắc truyền. 

Trong thiền chỉ, cũng có đề mục niệm về hơi thở. Khi nói đến sự sống hay khi còn sống trong cuộc đời này, hơi thở luôn gắn liền với mạng sống. Tâm thức vẫn còn nương tựa vào thân của mình. Mọi tri giác trong cuộc đời cũng bắt nguồn từ ở tâm mình. Trong thiền quán, có đề mục niệm hay quán thân gồm niệm về hơi thở ra, vào và về các tiểu oai nghi như chớp mắt, lắc đầu, co tay, duỗi chân và đại oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi. Tâm nương tựa nơi thân của mình.

Như đã nói, đề mục hơi thở gắn liền với đời sống của mình rất nhiều. Một điều đáng lưu ý, khi tâm của mình bồn chồn, lo âu, hơi thở không ghi nhận được. Khi mình đã làm chủ được hơi thở của mình, như các vị tiền bối đã nói, quả thật là người đặc biệt. Trong tiểu sử hay cuộc đời của Đức Phật, khi Bồ Tát chúng ta mới bảy tuổi và còn là một vị hoàng tử rất bé, Ngài đi ra ngoài đồng và ngồi ở dưới gốc Trâm, nhân dịp lễ Hạ Điền, tức lễ Ra Đồng của người Ấn Độ xưa. Trong khi những người tuỳ tùng và mọi người đều lo chú tâm đến lễ hội, Bồ Tát chỉ mới bảy tuổi ngồi dưới gốc cây Trâm nhập đề mục hơi thở. Nhờ đó, Ngài chứng được sơ thiền. Ngay từ lúc bảy tuổi, Bồ Tát đã chứng sơ thiền từ nơi đề mục hơi thở. Đến khi Đức Bồ Tát giác ngộ dưới cội cây Bồ Đề để thành Bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác trong cuộc đời này như trong bài kinh cư sĩ chúng ta thường tụng, "Đức Phật tham thiền về sổ tức quan, ngồi trên bồ đoàn, dưới bóng cây Bồ Đề..." Ở đây, Đức Phật niệm về số tức, tức là niệm về hơi thở. Cái gì chúng ta biết được hơi thở? Đó là nhờ vào chánh niệm và tỉnh giác. Vì vậy, người theo dõi hơi thở, biết hơi thở của mình ra, vào, lên, xuống, mạnh, yếu, ... Từ đó, mình tập trung hơi thở của mình do sự chánh niệm đi đôi với tỉnh giác. Chánh niệm là sự ghi nhận. Tỉnh giác là sự biết rõ. Ghi nhận và biết rõ hơi thở ra, vào, lên, xuống, mạnh, yếu, ... Ban đầu, ta nghe các vị thiền sư có kinh nghiệm về thiền dạy, hơi thở lấy sự đếm từ 1. Hít vào thở ra là 1. Hít vào đếm 1, 2. Thở ra đếm 1, 2. Hít vào đếm 1, 2 3. Thở ra đếm 1, 2, 3. Hít vào đếm 1, 2 3, 4. Thở ra đếm 1, 2, 3, 4. Hít vào đếm 1, 2 3, 4, 5. Thở ra đếm 1, 2, 3, 4, 5. Như vậy, đếm đến 5 hay 6, chúng ta ngưng và sẽ đếm ngược lại từ 6, 5, 4, 3, 2, 1, bởi vì dài quá sẽ làm tâm chúng ta khó tập trung hơn. Đó là buổi ban đầu, các vị thiền sư tập chúng ta về hơi thở. Đếm chẳng qua là niệm của mình để có niệm ghi nhận về hơi thở. Nhờ chánh niệm và tỉnh giác giúp cho chúng ta có được thành tựu trên phương diện tu tập thiền.

Trong thiền chỉ Phật giáo nguyên thuỷ, cũng có đề mục niệm về hơi thở. Chúng ta muốn chứng thiền dù đề mục hơi thở đạt đến ở tầng thiền thứ mấy. Trong đó, các ngài còn giải thích đề mục tuỳ niệm chỉ đạt đến cận định. Các đề mục khác, có những đề mục đạt đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ... Đề mục niệm hơi thở trong thiền chỉ đạt đến bậc thiền cao trong thiền sắc giới và không đơn giản.

Trong thiền quán, nói đến niệm thân có niệm hay quán về hơi thở. Việc tập cho mình có chánh niệm và tỉnh giác một cách lâu dài qua việc theo dõi hơi thở, tối thiểu sẽ đạt đến an lạc nội tâm nếu có sự thuần thục. Xa hơn nữa, có thể đắc định được hoặc thành tựu chứng ở một mức độ nào đó, tâm của chúng ta sẽ thành tựu được quả vị. Như vậy, khi nhắc đến cuộc đời Đức Phật khi còn là Thái Tử mới bảy tuổi, Ngài cũng chứng sơ thiền qua đề mục hơi thở. Lúc Đức Phật ngồi ở cội cây Bồ Đề chứng thành quả Chánh Đẳng, Chánh Giác, Ngài cũng niệm về hơi thở. Điều đó chứng tỏ đề mục hơi thở rất quan trọng. Đặc biệt, chúng tôi có nghe các vị thiền sư đương thời đã nói đến sự đặc biệt và giá trị lợi ích của việc một người niệm về hơi thở. Vì vậy, việc niệm về hơi thở là một đề mục tu tập dễ nắm bắt và thực hành hơn. Hơn nữa, hơi thở gần gũi với mạng sống của mình. Khi còn sống, hơi thở còn ra, vào, ta biết ta có sự tu tập chánh niệm và tỉnh giác. Ta có thể thành tựu điều đó. Cũng như nói rằng, một người làm chủ hơi thở của mình sẽ có nhiều lợi ích, thành tựu lớn. Nói cách khác, một người đạt được nhiều thắng lợi lớn do làm chủ được hơi thở của mình. Như vậy, sự chứng đắc thiền hay chứng đắc đạo quả cũng từ đó. Bởi vì người chứng thiền cũng là nền tảng để đạt được đạo quả. Mặc dù, tu tập để chứng đắc đạo quả, cần phải tu tập thiền quán để đoạn trừ những phiền não trong nội tâm. Nhưng ít nhiều phải nương tựa ở hơi thở này vì nó rất quan trọng và gắn liền mạng sống của mình. Dù ở trong phương diện thiền quán hay thiền chỉ đều có đề mục niệm hay quán về hơi thở. Mặc dù còn nhiều ý nữa, qua hiểu biết của mình, chúng tôi xin chia sẽ một vài ý ở đây cùng với đại chúng.

No comments:

Post a Comment