Hỏi: Nếu một người có bịnh nhưng bác sĩ không tìm ra vậy có phải đó là do nghiệp báo đến không?
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng trả lời : Về điểm này thì chúng ta nên nói một cách rất cẩn thận. Người Việt Nam của chúng ta nói chung là những người Phật tử, khi chúng ta đề cập đến nghiệp thì giống như một chuyện mà chúng ta phải bó tay. Ðúng theo ở trong kinh thì thật ra không phải cái gì là nghiệp thì chúng ta cũng thúc thủ hết. Ví dụ, một người sinh ra từ trong một hoàn cảnh rất khó khăn, rất nghèo, rất hàn vi, người đó cũng là do nghiệp. Nhưng không phải vì cái nghiệp đó mà chúng ta sẽ không phấn đấu. Và tất cả sự phấn đấu đều có phần thưởng của nó hết.
Chúng ta sống ở trong cuộc đời này bịnh hoạn là một điều đương nhiên, bởi vì chủng loại của chúng ta là vậy, loài người có cái thân thì phải chịu ốm đau tật nguyền, chúng ta không thể nào sống lúc nào cũng khỏe mạnh. Chủng loại của chúng ta là như vậy, cái bản chất của cơ thể chúng ta là như vậy. Dĩ nhiên, cũng có những người có phước về sức khỏe nghĩa là họ có một sức khỏe rất đặc biệt, chúng tôi đã gặp một vài người 7,8 mươi tuổi tóc vẫn còn đen và rồi có những người 8, 9 chục tuổi mà sức khỏe vẫn còn rất là tráng kiện, giọng nói san sản và có rất là nhiều sức sống.
Thật ra cái câu hỏi rằng: Mình bịnh có phải là do cái nghiệp hay không? Thì phải trả lời là, cho dù nó là nghiệp, hay không phải là nghiệp đi nữa, thì không phải vấn đề ở tại đây, người ta có nói rằng khi nào còn nước thì còn tát, ngay cả bịnh ung thư căn bịnh trầm kha, có những bịnh rất là nặng mà rồi chúng ta cũng phải chạy chữa đến kỳ cùng.
Do đó, thật ra khi mình nói rằng bịnh là do nghiệp. Thì câu trả lời là, thật ra có bịnh do nghiệp, có bịnh không do nghiệp, có bịnh do điều kiện tự nhiên, bịnh như thế này và bịnh thế khác. Cho dù lý do gì đi nữa thì nó không phải là điều quan trọng để mà mình bàn ở đây, quan trọng là hễ đối với bản thân của mình thì lúc nào chạy chữa được thì cứ chạy chữa.
Và việc này cũng là một việc tế nhị là ngày hôm nay ở tại các quốc gia, một người họ bị một chứng bịnh hết sức khổ sở hành thân hành xác, bây giờ mà chúng ta tiếp tục cho họ sống, họ vẫn sống được, nhưng họ sống rất khổ và do vậy người ta đồng ý cho người này được chết đi, cái quyền được chết là cái quyền của con người, mặc dù ở một vài quốc gia khác thì họ cho rằng khi con người bị bịnh thì dễ sinh ra bi quan, và trong sự bi quan thì cái quyết định trở lên sai lầm.
Nhưng phần đông chúng ta rất phấn đấu và cái câu nói "mình bịnh là do nghiệp" là một câu nói phải rất là cẩn thận.
Nói chung thì chúng ta hiểu rằng do có thức, do có nhân duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, sắc duyên lục nhập, thì dầu bất cứ cảm thọ gì nó cũng có dây mơ rễ má với quá khứ, và nói thẳng ra nó đều có dây mơ rễ má với vô minh và ái dục hết, nếu mà chúng ta nói một cách cùng tận, thì nghiệp nó chi phối bởi yếu tố sanh ra làm con người, thì chúng ta đã sanh ra bằng cái nghiệp, và như vậy chúng ta sống như một con người có thân của con người, thì chúng ta đã mang cái nghiệp rồi, và đáng lẽ ở đây nó không được đặt ra là quan trọng, mà quan trọng là chúng ta nên có thái độ như thế nào,.
Và ở đây rất là cân nhắc về một đỉểm chúng ta nhắc lại ba lần rồi, đó là khi chúng ta nói:
"Bịnh là do nghiệp".
Sau đó chúng ta lại thêm một câu:
"Bởi vì do cái nghiệp nên chúng ta phải chấp nhận".
Thì cái câu sau có vấn đề. Vấn đề đó thật sự rất là trầm trọng. Người Phật tử không thể nào nói, "nó là do cái nghiệp rồi chúng ta không làm gì hết", nếu mà do cái nghiệp chúng ta không làm gì hết, thì có lẽ là chúng ta hoàn toàn không nên làm cái gì hết, từ việc tu, từ việc ăn uống, từ việc này và việc khác. Bởi vì sao, bởi vì tất cả do nghiệp nó an bày rồi
Nhưng, ở trên thực tế Đức Phật Ngài đã từng nhấn mạnh cho chúng ta biết rằng: một người tu không thể sống bằng quan điểm tiền định được, không thể sống bằng quan điểm rằng số mệnh đã an bày được, mà chúng ta phải sống bằng sự phấn đấu của mình./.
No comments:
Post a Comment