Friday, January 3, 2014

Làm sao để vượt qua góc tối của nội tâm?

Hỏi: Làm sao để vượt qua góc tối của  nội tâm?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Chúng ta thường nghĩ rằng có những điều mà trên phương diện tâm lý có sức thuyết phục rất lớn, ví dụ như cái đó nó hay, nó lạ, nó đẹp, nghe cao siêu, nghe huyền diệu nhưng thường thường chúng ta nghe chỉ để tán thưởng chứ chúng ta không làm gì khác hơn mãi cho đến về sau này có nhân duyên xảy ra thì lúc bấy giờ chúng ta mới thật sự là tỉnh ngộ.

Ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ lên chùa Giác Quang ở Sàigòn có nghe một câu chuyện từ một vị Sư kể lại và vị Sư này có một lịch sử rất đặc biệt. Sư này làm việc cho cảnh sát chìm của dưới thời Tổng Thống Diệm với nhiệm vụ là theo dõi các hoạt động của Chư Tăng ở trong chùa, bởi vì là cảnh sát chìm do đó vị này nghe pháp rất nhiều, mỗi lần Chư Tăng thuyết pháp thì vị này lắng nghe và vị này nghe thì cảm thấy hay cảm thấy rất mến mộ Phật Pháp. Nhưng dù sao đi nữa vị này cũng khẳng định một điều rằng mình là một cảnh sát chìm và những điều đó mình nghe cho có nghe chứ không nên dự vào. Nhưng rồi tới một ngày do sự chà trộn, do sự thân cận vị này biết một chuyện là có một vị sư lớn tuổi ở trong chùa Giác Quang bị bịnh cần ăn cháo vào buổi chiều, khi Phật tử mang cháo lên thì vị Sư bị bịnh nói không ăn, thì Phật tử hỏi tại sao, thì Sư mới nói rằng nếu mình ăn như vậy làm thành tiền lệ sau này cứ bày biện việc ăn uống trong chùa vào buổi chiều nó không đẹp, do đó vị này không ăn và chỉ uống một chút sữa rồi thôi. Thì anh cảnh sát chìm lúc đó ở trong chùa chứng kiến việc đó anh cảm thấy sự cố gắng đó rất cảm động và do sự cảm động mà một vài tuần sau anh xin được qui y và khi chế độ của ông Diệm sụp đổ thì anh bỏ vai trò cảnh sát chìm của mình để xin vào chùa xuất gia và sau này trở thành một vị tăng cũng ở trong chùa Giác Quang.

Đó là chuyện mà chúng tôi được nghe, mình hiểu được tâm tư của con người trong sự nhận thức và thay đổi nó là cái gì rất phức tạp rất khó nói. Chuyện tướng cướp Angulimala vốn có một sự mê chấp sai lầm mà giết người chặt ngón tay kết làm tràng hoa để mong luyện phép siêu nhân, khi gặp Đức Phật, rượt theo Đức Phật, kêu Đức Phật dừng lại và nghe Đức Phật nói rằng "Như Lai đã dừng lại chính ngươi mới là người chạy theo khát vọng điên cuồng" thì câu nói đó làm Ngài Angulimala buông đao lập địa thành Phật, bỏ đao trượng xuống và quy y theo Đức Phật.

Nhưng cũng có những người không dễ dàng như vậy, chuyện này không phải do người học nhiều học ít, hay chuyện đó không phải là do người trí người mê, không phải người ở trong giai cấp này hay trong giai cấp khác, nhưng chúng ta phải nói rằng tâm tư của chúng ta mà được chuyển là một chuyện rất là khó.

Chúng ta đọc rất nhiều câu chuyện và những câu chuyện này là câu chuyện nói về những con người giận hờn nhau, thí dụ như  con giận cha mẹ giận nhiều năm vì nghĩ rằng cha mẹ không tốt với mình nhưng rồi cuối cùng trải qua cảnh ngộ gì đó, chợt một giây phút nào đó thì người con này bừng tâm tỉnh ngộ thương cha mẹ và không còn có sự mê chấp như trước kia nữa.

Một câu chuyện ở bên Thái Lan, có một nhà sư đi xuất gia gọi là bán xuất gia, ở trong chùa vị này chuyên tâm tu tập và ở gần Thiền Sư Ajahn Mun là vị thiền sư rất nổi tiếng của Thái Lan trong lịch sử cận đại. Nhưng vị này tu tập thì có cố gắng mà bị cứ thối chuyển hoài. Đến một ngày vị sư này lên đảnh lễ Ngài Ajahn Mun xin Ngài chỉ điểm thì Ngài Ajahn Mun nói rằng:

- "Cái gì đi xuất gia mà còn mang theo thì con nên bỏ đi"

Thì vị này toát mô hôi. Lý do là trước khi vị sư này xuất gia thì vốn là một người đánh box rất giỏi. Đánh box là đánh quyền của Thái và cách đánh quyền rất đặc biệt đó là họ đánh bằng tay bằng chân, khi họ lên võ đài như vậy thì không khí rộn ràng phấn khởi như người ta đánh võ quyền anh trong các trận boxing mà chúng ta thấy hay là những trận đấu quyền của Nhật. Tại Thái Lan thì đây là một môn thể thao người Thái rất thích, người nổi tiếng thì được nhiều người hâm mộ. Thì vị Sư này trước khi xuất gia là một võ sĩ đã từng thượng đài đánh rất nhiều trận. Đến khi đi xuất gia thì bỏ hết tất cả giao tài sản lại cho vợ con, chia đất đai ra một phần hiến cho cha mẹ, một phần cúng vô chùa, một phần để cho vợ con. Nhưng ngày đi xuất gia thì vị này lại cảm thấy tiếc nuối không thể bỏ được một tấm hình, tấm hình đó ghi lại một lần đấu võ vị này thắng và được một giải thưởng một cái cup rất lớn và do được cái cup rất lớn vị này giữ tấm hình đó như một thời oanh liệt vàng son, giữ tấm hình mang theo đi tu rồi nhưng lâu lâu buồn đời thì mở tấm hình ra xem. Ngài Ajahn Mun thì tuy Ngài không hỏi nhưng theo lời vị đó viết lại thì dường như là Ngài đọc được tâm Ngài biết được nên Ngài biểu "cái gì đi xuất gia mà còn mang theo từ nhà thì phải bỏ đi" thì quả thật khi vị này xé tấm hình đó thì sau này tu hành tiến bộ.

Có những bóng tối của nội tâm, có những gì sâu kín trong tâm hồn mình, có những uẩn khúc nếu đó là chuyện buồn nhưng có những riêng tư mà những riêng tư đó thì đôi khi mình không nói "cả đời sống để bụng chết mang theo" không ai biết hết. Nhưng những kỷ niệm nhỏ đôi khi lại là một sự ngăn ngại cho sự tu tập của mình và chuyện đó mình không biết. Thì nếu chúng ta hữu duyên may mắn gặp được một vị thiền sư đọc được tâm tư của mình chỉ thẳng thì quả thật là người ta nói "một lời như mở tấc lòng ra" làm cho chúng ta thấy rằng có người thấy được tim đen của mình, nói theo ngôn ngữ Việt Nam thì thấy được tim đen của mình và khai mở được.

Do vậy, riêng về đời sống nội tâm riêng về khả năng để lắng nghe, khả năng để lãnh hội, khả năng để nhận thức, khả năng để thắp sáng tuệ giác không phải ở trong trường hợp nào cũng giống nhau và chúng ta phải dành cho mình những cơ hội, chúng ta cũng hiểu rằng những tư kiến, những thành kiến, những định kiến, những biên kiến, nó luôn luôn ngăn ngại chúng ta ở trong một cách này hay cách khác và nó làm chúng ta không có thấy biết được.

Thì chúng ta mới thấy rằng cái mê chấp, cái kiến chấp, cái định kiến của chúng ta trong lòng quả thật dễ sợ chứ không đơn giản. 

Những câu chuyện này làm cho chúng ta suy nghĩ ở trong cách học Phật Pháp, cách nghe pháp. Và chúng ta cũng suy nghĩ về một chuyện đó là có thể rằng mỗi chúng ta có một góc tối ở trong lòng, có một cái hạt sạn ở trong giầy, có một sự ngăn ngại gì đó đối với trí tuệ mà chúng ta không có khẻ được, chúng ta chưa có vượt qua được, khiến chúng ta trì trệ đứng một chỗ không đi tới. Và chính điểm này chúng ta có hai con đường:

- Một là chúng ta phải ra khơi, phải làm rất nhiều chuyện để tự mình giác ngộ như Đức Phật, như Chư Phật Toàn Giác đã xuất hiện trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai.

- Còn nếu chúng ta không làm được một hành trình đại hùng đại lực như Chư Phật Toàn Giác thì chúng ta nên nguyện để đời này đời sau chúng ta có được thiện duyên gặp được Đức Phật, gặp được các bậc thiện trí. Tại vì sự trợ duyên của Đức Phật và các bậc thiện trí giúp cho chúng ta rất nhiều "chuyện người thì sáng chuyện mình thì quáng" đôi khi cái góc tối trong lòng mình nó lại là một chỗ rất là khó để chúng ta soi sáng./.

No comments:

Post a Comment