Monday, January 13, 2014

Trước khi hành thiền hành giả với tác ý hành thiền không ngoài mục đích trợ duyên cho pháp Ba-la-mật, vậy khi ấy hành thiền có phải duyên do vô minh không?

Hỏi: Trước khi hành thiền hành giả với tác ý hành thiền không ngoài mục đích trợ duyên cho pháp Ba-la-mật, vậy khi ấy hành thiền có phải duyên do vô minh không?
(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp , ngày 28 tháng 01 năm 2007, Chánh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu giảng : Thật ra trong vấn đề vô minh duyên hành, và hành động nào là hành động của vô minh. Vấn đề đó có một ý nghĩa rất sâu. Không phải bất cứ một hành động, một việc làm nào thuộc về thiện đều do vô minh chi phối cả. Ở đây chúng ta có thể khẳng định được điều đó. Một hành động được gọi là hành do vô minh tức là hành động đó cho dù rằng nó là phúc hành hay bất động hành thuộc về thiện đi nữa nhưng nó nhằm vào mục đích hay khuynh hướng chấp thủ quả dị thục, chấp thủ đời này đời sau. Như vậy thiện nghiệp đó mới gọi là hành do vô minh.

Còn có những trường hợp trong đời sống của chúng ta, có tâm thiện sanh khởi không phải duyên do vô minh. Ví dụ như trường hợp trong diễn trình tâm đắc đạo quả, khi mà chúng ta khởi lên tâm chuẩn bị, cân hành, thuận thứ, chuyển tộc để đưa đến sau đó là tâm đạo và tâm quả siêu thế, thì một loạt những tâm Parikamma (chuẩn bị), Upacàra (cận hành), Anuloma (thuận thứ), Gotrabhù (chuyển tộc) hay Godana. Lúc bấy giờ thưa quý vị những tâm này thuộc về tâm thiện dục giới và tâm thiện dục giới đó khởi lên trong 4 sát-na và sau đó khởi lên sát-na tâm đạo, sát-na tâm quả. Trong trường hợp này chúng ta không thể nói những sát-na tâm thiện đó khởi lên do vô minh, hay là quả của vô minh. Không phải như vậy. Trong trường hợp này khi một người đắc đạo quả thì ngay lúc đó cho dù rằng tâm thiện dục giới nhưng trong tâm thiện dục giới lúc bấy giờ trong lộ trình đang bắt cảnh đề mục là Niết-bàn và trước đó tâm chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc đề mục là tam tướng phổ thông với danh mục sắc. Rõ ràng trong trường hợp này đặc biệt không thể gọi đó là hành do duyên vô minh.

Và còn nhiều trường hợp khác nữa một cách đơn giản ví dụ như người mà vị Bồ tát thường họ bố thí hoặc trì giới không chấp thủ quả sanh y ở đời sau. Vị đó bố thí với tác 1ý là để trang nghiêm tâm, để làm cho tâm được thanh tịnh. Giữ giới cũng với tác ý như vậy, tham thiền cũng với tác ý như vậy và hướng đến mục đích viễn ly phiền não, hướng đến mục đích giải thoát. Đó là trường hợp thiện pháp chúng ta không gọi là hành do duyên vô minh. Đây là vấn đề chúng ta cần phải chú ý.

Do vậy nếu nói rằng vô minh có duyên được cho phúc hành, bất động hành là những thiện nghiệp đưa đến quả luân hồi hay không? 
Xin trả lời “có” 
Nhưng bây giờ chúng ta đặt trở lại vấn đề là,
“ Có phải chăng những pháp thiện sanh khởi đều do duyên vô minh?” 
Trả lời “không, không hẳn là như vậy cũng tùy trường hợp, tùy theo tác ý tùy theo mục đích”.

Cho nên ở đây trong vấn đề này, nếu như hành giả ngay trong lúc hành thiền, chánh niệm với đề mục bằng với sự tác ý là để đoạn trừ diệt phiền não, ngăn chặn những phiền não không để cho nó sanh khởi. Bằng cách đó lúc bấy giờ sự thực hành thiện pháp này không phải là do duyên vô minh. Chỉ trừ ra một người hành thiền khi họ nghĩ tưởng đến sự an lạc, họ thích thú hoan hỷ trong trạng thái an lạc của thiền và họ chấp thủ về đời sống tương lai ở những cảnh giới Phạm Thiên. Trường hợp này mới thực sự hành động thiền của họ thuộc về phúc hành hay bất động hành do duyên vô minh.

Cho nên trong vấn đề này chúng ta hãy yên tâm khi làm các việc thiện, Chúng ta tu tập, chúng ta có thể làm, mà không sợ rằng những việc đó chúng ta bị duyên do vô minh. Nếu quý vị có đọc qua kinh điển sẽ thấy rất rõ ràng. Ví dụ như Đức phật có nói đến tám nguyên nhân cho người bố thí. Một trong những nguyên nhân đó vì muốn được khen, muốn được sanh cõi trời, muốn được quả báo v.v…Hành động bố thí đó là do duyên vô minh. Nếu trường hợp bố thí để làm trang nghiêm tâm, thanh tịnh tâm thì không phải do duyên vô minh.

No comments:

Post a Comment