Friday, January 17, 2014

Hãy như là chiếc chuông bể

Hỏi: Hãy như là chiếc chuông bể

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Ngày nay, chiến tranh và hòa bình là một vấn đề lớn của nhân loại mãi mãi như vậy, loài người khao khát hòa bình, nhưng chỉ khi nào chiến tranh làm chúng ta cảm thấy điêu đứng, dĩ nhiên chúng ta cảm thấy chán ngán, nhưng khi chiến tranh chưa xảy ra thì con người muốn chiến tranh nhiều hơn hòa bình.

Nói như vậy nghe rất kỳ, ai trong chúng ta không sợ chiến tranh, thân nhân ly tán, nhà cửa nát tan, cái sống cái chết gần kề, phải nói rằng đối với những người thấp cổ bé miệng, những người đến từ nước nhược tiểu chúng ta luôn luôn sợ chiến tranh. Nhưng những người có binh hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân và đặc biệt có một ngân sách khổng lồ thường người ta hay nghĩ đến chiến tranh như một giải pháp giải quyết của nhiều vấn đề bế tắc, kể cả bế tắc về chính trị.

Nhưng, điều nguy hiểm hơn hết đó là chiến tranh đến từ hận thù, và giữa con người với con người chiến tranh phát xuất phần lớn từ những ý tưởng mà Đức Phật nói là "không khéo suy nghĩ hay không khéo tác ý". Không ai trên cuộc đời này mà không bị tấn công, không bị xúc phạm kể cả Ðức Phật cũng bị kẻ khác xúc phạm, nhưng người ta xúc phạm đến Ðức Phật và xúc phạm đến vị Thánh thì chuyện gì sẽ xảy ra, các Ngài xem đó là chuyện xảy ra nhưng các Ngài không đặt để ở đó bất cứ một lý do gì để cho những bực dọc, những oán ghét tồn tại, bởi vì các Ngài nghĩ khác chúng ta.

Chiến tranh được hiểu ở đây không phải chỉ có anh A đánh anh B, đánh vì tự vệ, đánh vì thứ này thứ khác.
Christomofree có một lần ông nói rằng:- Vấn đề chính không phải ở thể chế quân chủ hay dân chủ, vấn đề chính không phải ở giàu ở nghèo, mà vấn đề chính là ở tâm ý của con người.

Câu nói đó cũng trùng với ý nghĩa Ðức Phật Ngài dạy là, ai cũng bị xúc phạm hết, ai cũng bị tổn thương hết, nhưng nếu đặt mình vào cuộc phiêu lưu, đặt mình vào cuộc tranh chấp, nó đến thường là do cách chúng ta nghĩ về cuộc đời, cách chúng ta nghĩ ở trong lòng.

 Trong kinh, Ðức Phật Ngài dạy về một câu chuyện của hai vị đạo sĩ cùng tá túc ở trong một ngôi nhà của một người cư sĩ, người cư sĩ đó không có chỗ riêng, mà chỉ có nhà chứa cỏ và cả hai vị đạo sĩ đều đồng ý vào tá túc trong ngôi nhà chứa cỏ đó, một vị đến trước và một vị đến sau.

Ngôi nhà chứa cỏ đó không có cửa sổ và chỉ có một cửa duy nhất để đi ra vào, một vị đầu hôm có lẽ trời nóng nực nên nằm ngủ hướng đầu ra gần cửa ra vào để thanh khí ban đêm làm cho mình mát mẻ dễ chịu. Vị kia thì rất ôn nhu có ý tứ, buổi tối trước khi đi ngủ thấy vị đạo sĩ đến trước mình nằm ngủ hướng đầu ra bên ngoài cửa, để ý như vậy để tối tránh không đi ngang đầu vị đó. Nhưng chỉ được một lát, vị đạo sĩ nằm ngủ đưa đầu ra ngoài cửa nghĩ rằng mình để đầu gần cửa lở tối vị kia có vấn đề cá nhân phải đi ra ngoài chắc phải bước ngang đầu mình, nên vị này tự xoay mình đưa chân ra ngoài và đưa đầu vào bên trong.

Quả thật đến nửa đêm vị đạo sĩ nằm ở bên trong muốn đi vệ sinh thức dậy và đi ra bên ngoài, vẫn với hình ảnh đinh ninh rằng vị kia nằm ngủ đưa đầu ra bên ngoài, do đó vị này cố tình đi về phía chân, nhưng không may vị kia đã trở mình rồi nên vị này lại đạp nhằm búi tóc của vị kia, đó là một sự hiểu lầm, rồi xin lỗi đi ra ngoài, lát sau trở vào thì vị này cứ nhớ hướng lúc nãy mình đạp đầu vị kia chỗ nào, không ngờ vị kia cũng đã trở mình lại để tránh lại bị đạp đầu một lần nữa, hai bên đều cố tránh né, nhưng vì cả hai bên đều tránh né nên hai bên đều đụng nhau. 

Nhưng câu chuyện rõ ràng nguyên ủy không vị nào có ác ý gì hết chỉ là sự hiểu lầm mà nên. Người Ấn Ðộ họ rất coi trọng cái đầu và nửa đêm người ta đạp đầu mình, đạp búi tóc mình thì thật sự bực bội lắm, mà đạp hai lần như vậy, khiến vị này nổi giận và có những lời quyền rủa.

Qua câu chuyện đó Ngài cho chúng ta thấy rằng có nhiều trường hợp trong đời sống của chúng ta bởi vì hiểu lầm, bởi vì thế này và thế khác nên chúng ta bị vương vào vòng oan trái, và đầu mối của oan trái đó, một đầu nó nằm ở hoàn cảnh, một đầu nằm trong lòng chúng ta, và cái nội kết mới là điều đáng nói, chúng ta đã bị dự phần, đã bị cột vào trong đó như thế nào.

Cứ mỗi lần ở trong đời sống của chúng ta phải phiền phải giận ai, chúng ta hãy suy nghĩ rằng chúng ta đang tự lấy giây cột mình và cột người đó lại, cột với cái mình không ưa, cột với cái mình không thích. Và ngày nào chúng ta còn ý nghĩ như vậy, ý nghĩ rằng họ đã xúc phạm mình, họ đánh mình, họ chửi mình, họ lấy đi những cái của mình và họ đánh bại mình v.v... Những điều đó sẽ làm chúng ta tự chuốt đau khổ, tiếp tục hận thù oan trái.

Bài học này rất cổ điển, lật lại giòng lịch sử của nhân loại, đã bao nhiêu cuộc chiến, bao nhiêu sinh mạng phải hy sinh oan uổng, bao nhiêu máu và nước mắt đổ xuống, nó chỉ đơn giản bắt nguồn từ một cái nhìn hiềm hận, cho rằng có lý do đi, cho rằng có thật sự xảy ra đi, thì cái lý do đó quả thật quá nhỏ so với những hệ lụy, so với những khổ đau của cuộc chiến mang lại. Nhưng con người đã không nghĩ như vậy, con người nghĩ rằng mình muốn hoà bình nhưng mình vẫn tưới tẩm hận thù và muốn đem dầu vào lửa, con người muốn được bình an, nhưng luôn luôn tạo nên những biến động và nuôi dưỡng mầm mống của biến động.

Thậm chí có lần Ðức Phật Ngài dạy rằng một bậc thánh giải thoát có thể sống ở giữa cuộc đời này như một chiếc chuông bể, tiếng chuông bể đó không còn ngân được, đánh vào một tiếng thì nó chỉ kêu lên một tiếng rất ngắn, và sau đó tất cả mọi thứ sẽ chìm vào trong hư không, một cái chuông bể thì không xá gì mà phải ngân vang.

Ông bà chúng ta nói một cách nôm na là “một câu nhịn thì chín câu lành,” câu nói đó giống như là lời dạy của một bà mẹ quê rất hiền, rất nhút nhát dạy đứa con của mình, nhưng thật sự không phải như vậy, nó chứa đựng cả một cái kho tàng khôn ngoan, cứ thử tưởng tượng trong đời chúng ta cái gì cũng trả đủa, cái gì cũng oan trái hết, ăn miếng trả miếng, bất cứ mỗi sự đụng chạm, mỗi sự xúc phạm nào người khác mang đến cho mình, mình đều trả đũa thì chúng ta sẽ coi như chúng ta phiêu lưu trong cuộc đời, bao nhiêu hận thù nuôi dưỡng trong cuộc sống, rốt cuộc mình được cái gì, mình sẽ đi từ hận thù này đến hận thù kia.

Một người có trí tuệ biết trong cuộc đời này có nhiều ưu tiên hơn, cái gì làm lợi cho mình, làm lợi cho cuộc đời, đem an lạc cho mình an lạc cho cuộc đời, còn lời qua tiếng lại hơn thua, hơn thua chỉ là hơn thua xá chi mình phải để ý./.

No comments:

Post a Comment