Thursday, June 12, 2014

Không nhiệt tâm, không ghê sợ tội lỗi thời không có giải thoát.

Hỏi: Không nhiệt tâm, không ghê sợ tội lỗi thời không có giải thoát.

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 6-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đây là một đề tài có lẽ rất hiếm khi chúng ta thấy hai pháp tàm qúi thường đi chung với nhau. Nhưng ở đây chúng ta chỉ nói đến một pháp "qúi" tức là sự ghê sợ tội lỗi, và sự sợ tội lại đi với "nhiệt tâm". Chúng ta hãy thử tìm hiểu ý nghĩa về sự liên hễ giữa hai pháp này  

Bài học ngày hôm nay trong phần pháp có 2 chi, Đức Phật Ngài đặc biệt nói đến một yếu tính đó là nếu không có nhiệt tâm và không có sự ghê sợ tội lỗi thì không có giải thoát không có chứng đắc quả vị vô thượng. Trong câu này của Đức Phật có rất nhiều điểm chúng ta cần hiểu rõ ràng.

Trước nhất, thường thường "tàm" và "qúy" tức là ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi đi một cặp với nhau. Thí dụ, thấy lửa mình sợ nóng gọi là qúy, như tay mình lỡ dính phân và mình cảm thấy rất khó chịu mình muốn rửa sạch liền mình cảm thấy áy náy thì đó là "qúy" là sợ

 Ngày xưa chúng ta có chữ "úy" đầu tiên là do các vị bên Thiên Chúa giáo dịch từ chữ chaplain là tuyên úy như là tuyên úy tôn giáo, tuyên úy Phật giáo, chúng tôi không biết ở VN sau này người ta có chữ này hay không nhưng hầu hết quân đội ở trên thế giới của phương tây đều có vai trò của các vị tuyên úy chaplain, là bầy cho người ta sợ Chúa để người ta không làm tội lỗi, thì theo bên Ky Tô Giáo bây giờ điều người ta cần sợ đó là người ta sợ Chúa để tuân giữ những điều răn. Thí dụ như họ có 10 điều răn họ muốn giữ những điều đó thì họ phải sợ chúa giống như con sợ cha mẹ thì không làm lỗi lầm, nhưng chữ tuyên úy trong Phật giáo dĩ nhiên không phải làm cho người ta sợ chúa mà chữ "úy" ở đây được hiểu là làm cho người ta thấy hậu quả của đời  sống bất thiện của phiền não của hành động sai trái để người ta tránh không làm lỗi đó, chúng ta gọi là tuyên úy theo ý nghĩa của Phật giáo. Dĩ nhiên danh từ rất là đời. 

Ở đây, chúng ta trở lại trong đề tài ngày hôm nay, Đức Phật Ngài dạy có 2 chi pháp một người tu tập nếu không có thì không thể thành tựu được sự Vô Thượng Giải Thoát, Vô Thượng Giác Ngộ và điều đó ở đây được nói đến là nhiệt tâm và ghê sợ tội lỗi.

Chữ "Tàm" thường chúng ta hiểu là mình đã làm lỗi rồi, mình đã phạm phải rồi, mà mình hổ thẹn gọi là "Tàm". Còn "Qúy" tức là mình ghê sợ mình tìm cách né tránh, giống như mình sợ con rắn hay sợ lửa mình tránh né nó. Thì ở đây nhiệt tâm và ghê sợ tội lỗi là 2 chi pháp đi chung nhau. Chúng ta có thể hiểu điều này qua 3 cách.

 1. Cách thứ nhất. Trên phương diện thí dụ "tàm" thì sự nhiệt tâm, thí dụ mình lái xe có chân ga, có chân ga thì mới có sự đi tới và "qúy" được hiểu giống như tay lái tức là mình làm sao giữ tay lái cho thẳng hay mình làm sao bẻ tay lái cho đi đúng đường nếu tay lái mình không giữ mình trợt tay lái thì xe có thể  chạy lệch đi ra khỏi đường. Thành ra chân ga và tay lái là 2 điều tạo một sự liên hệ rất mật thiết, cái sức vọt sức tăng tốc sức đẩy đi tới thì được ví dụ như sự nhiệt tâm và chữ qúy được xem như mình điều khiển tay lái. Đó là một thí dụ đầu tiên.

2. Thứ hai. Chúng ta muốn nói đến, như mình làm bất cứ chuyện gì ở trong đời sống từ một người đầu bếp nấu ăn cho đến một em nhỏ chơi game, ai làm điều gì xuất sắc thì đều có 2 điều là rất muốn làm rất hăng hái để làm cái đó được như sự nhiệt tâm. Và qúy, như mình sợ sai sợ lỗi làm mình cẩn thận, ví như mình nấu ăn không cẩn thật thì thức ăn khét, dở hoặc không tươi hay một em nhỏ chơi game điện tử nhiều khi em không cẩn thận thì game over tức là hỏng phải làm lại, em cố gắng làm sao cho tốt. Nói chung đó là cho dù ở trong việc vui chơi hay sinh hoạt hàng ngày 2 pháp này đều quan trọng để khiến cho người ta thành đạt được một cái gì đó.

 3. Thứ ba. Chúng ta muốn nói ở tại đây nhiệt tâm và ghê sợ tội lỗi đặc biệt trong khuôn khổ của người hành thiền. Người hành thiền phải có hai điều, nếu mình chỉ có ghê sợ mà mình không có nhiệt tâm thì thật ra một hành  giả lúc nào cũng cảm thấy sợ lầm lỗi này sợ lầm lỗi kia, cái sợ lầm lỗi này sợ lầm lỗi kia làm cho tu thiền không được. Ví dụ như có những người nói không muốn thọ bát quan trai sợ tu không được thì có tội, không muốn thọ đầu đà tại làm không được làm thì có tội. Với một người tu thiền hay một người đi chùa tu cái gì cũng sợ thì đời sống con người mình co cụm lại, đời sống con người mình không có ý nghĩa gì hết. Giống như mình đi vào chỗ nguy hiểm lúc nào cũng lấm lét sợ. Sự hăng hái cho chúng ta cái nhìn tích cực, nhưng  trong cái nhìn tích cực hăng hái rất muốn làm có pháp dục tức là có ý muốn làm thì chúng ta cũng phải cẩn thận để mình làm sao cho đúng. 

Ở đây là một sự đắp đỗi giữa hai thái độ; một thái độ hồi nãy chúng tôi nói muốn đi tới là cái chân ga và một thái độ làm sao để tránh những chướng ngại tránh những chuyện sai trái  nó giống như tay lái và chân ga thì rất cần. Khi một hành giả bước vào trong khoá thiền hành giả phải nuôi đâu đó sự nhiệt tâm của mình, sự nhiệt tâm đó đến rất nhiều cách trong sự tu tập, thí dụ mình thấy đời sống hàng ngày vô vị quá mình cứ đi làm rồi về rồi làm việc nhà quanh quẩn tới lui những chuyện thị phi chuyện này chuyện kia không có ý nghĩa bây giờ mình vào tu thiền thử sống với chính mình, sống với Phật Pháp, mình sống đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư, những điều đó làm cho mình trở lên hăng hái. Nhưng sự ghê sợ ở tại đây là mình phải biết né tránh những phiền não như là buồn ngủ, chẳng lẽ mình vô đây ngủ, chẳng lẽ mình vô ngồi thiền mình ngồi với sự hôn trầm, mình làm theo hôn trầm rồi mình làm hỏng đi nỗ lực mình bỏ công bỏ sức đến đây. Hễ một hành giả vào trong trường thiền cố gắng tu tập ở trong lúc cố gắng tu tập mà mình buông tay mình buông suôi ngủ một giấc không sao hết và khi đó mình không còn thấy sự cố gắng có giá trị nữa thì mình sẽ bị nó lôi kéo lui sụp làm hỏng đi nỗ lực của mình. 

Thì cũng vậy, nếu một người Phật tử hiểu chuyện  lúc đi chùa nghĩ rằng mình bỏ thì giờ cả ngày Chủ Nhật đến chùa chẳng lẽ để nhận chuyện phiền não thì mình nên tận dụng đến chùa để tụng kinh nghe pháp, mình né những chuyện phiền hà thị phi sau đó mình đi về. Thì đó là giữa hai cái là nhiệt tâm tức là mình mong muốn được cái gì tốt đẹp và ghê sợ tội lỗi, ghê sợ làm lỗi tức là mình cảm thấy những phiền não cảm thấy những sự dải đãi cảm thấy những sự buông thả cảm thấy những chướng ngại đó là điều cần phải tránh. Tại vì sao? Tại vì không tránh thì nó làm hỏng mình đi. 

Chúng tôi nhớ là hồi mới qua Mỹ học lái xe, xe cộ bên Mỹ rất nhiều và luật lệ nhiều và mình phải hiểu biết nhiều. Có nhiều người họ rất sợ, họ sợ mình không biết tiếng Anh, mình ra ngoài lỡ chuyện này chuyện kia, ở trên xa lộ xe cộ chạy nhiều quá, rồi ruốt cuộc họ không muốn học. Nhưng mà rồi, mình cũng phải thấy có một sự dung hoà, tuy rằng mình hiểu là phải cẩn thận không thể xem thường, tuy rằng ở ngoài có nhiều sự nguy hiểm nhưng nếu mình không học lái xe ai đưa mình đi đó đi đây, mình không học lái xe thì làm sao mình sinh hoạt được, thành ra bắt buộc mình phải học lái xe. Cái ý muốn, sự nhiệt thành để lái xe và có ý thức về sự nguy hiểm, ý thức về những chuyện mình phải cẩn thận hai điều đó có thể đi chung được.

 Chúng ta thường có khuynh hướng chỉ nặng về một cái thôi, chúng ta thường có khuynh hướng  hễ mình nhiệt tâm thì mình bất chấp nói sao cũng được mình không sợ. Nhưng khuynh hướng sợ, chúng ta sợ quá đến nỗi chúng ta mất  nhuệ khí, chúng ta cẩn thận quá đến nỗi chúng ta không làm được gì hết. Có những người làm gì cả đời cũng sợ, đứng ra nói trước mặt mọi người sợ người ta chê mình không hay, nói như vậy là dở, người ta cười thành ra mình nín thinh, mình làm chuyện gì mình làm một mình thì mình có ăn nhưng mình làm chuyện gì thiên hạ sẽ chửi mình rồi mình sẽ mang hoạ vào thân, thành ra mình sống cầu an.

 Một bài học lớn chúng ta học được ở xã hội  Phương Tây là phải nhìn nhận rằng người da trắng rất mạo hiểm, chúng ta thấy những môn thể thao của họ và những phát minh của họ khi  họ chế máy bay và nếu họ nghĩ rằng đi máy bay mà an toàn 100% mới đi thì ngày hôm nay chúng ta cũng có máy bay tối tân như vậy, thật ra thời gian đầu chế máy bay có nhiều nguy hiểm, thời gian đầu chiếc máy bay có thể nói rằng chuyện nguy hiểm nằm trong gang tất, có nhiều người đã chết nhưng họ dám làm phải nhìn nhận là người da trắng họ đã đi trước rất nhiều ở trong những phát kiến về khoa học là tại vì họ dám làm, trong sự dám làm đó nói lên sự nhiệt tâm. Nhưng  điều đó không có nghĩa lúc nào họ cũng mạo hiểm, hễ họ cảm thấy chuyện đó không ổn thì họ phải coi lại. Như máy bay boeing 787 mới chế tạo, chúng tôi có đọc một bài báo cách đây không lâu là người ta tìm thấy có một vết nức bằng cọng tóc, vết nức ở trên một bộ phận của máy bay và người ta ra lệnh tất cả chiếc máy bay 787 đều phải ngưng lại và phải tìm cách để cải thiện sửa chữa, bởi vì người ta biết rằng hệ quả rất lớn.

Thì ở đây, chúng ta nói đến trong khuynh hướng của xã hội hay khuynh hướng cá nhân cũng vậy nếu chúng ta không có cẩn thận chúng ta không có sợ những lầm lỗi thì chúng ta sẽ dễ bị mang hoạ nhưng cái gì mình cũng không nên sợ quá đỗi để  mất đi nhuệ khí mất đi nhiệt thành của chúng ta thì chúng ta cũng không đi về đâu hết, lúc nào cũng sợ. Thì ở đây phải có sự kết hợp giữa hai thứ vừa là nhiệt thành dám dấn thân dám hành động dám nhập cuộc nhưng đồng thời trong sự dám dấn thân dám nhập cuộc đó không phải là liều lĩnh. Cái chữ liều lĩnh không phải có nhiều người suốt đời họ không dám mạo hiểm, suốt đời họ không dám khám phá thế giới xa lạ,  họ rất là nhát nhưng lại có những người quá liều, họ đi về phía xa lạ mà họ bất kể họ thí đi mạng của họ, thì chuyện đó cũng không nên. 

Khi một hành giả bắt đầu tu tập thì có nhiều thứ hành giả phải chấp nhận. Chúng tôi lấy một ví dụ, phần đông mọi người nghe nói khóa thiền thì rất sợ, khóa thiền 10 ngày không biết mình tu được hay không nếu bỏ dở nửa chừng thì kỳ quá, mà phải nói rằng nhiều khi đến chùa hành thiền 1 giờ đã thấy lâu rồi bây giờ bỏ ra hành thiền 10 ngày thì sợ quá. Nhưng thật ra 10 ngày không có dễ sợ như vậy. Nếu chúng ta thật sự có đủ hoan hỉ đủ khao khát. Thật ra tất cả chúng ta đều nên tập tham dự những khoá thiền cho dù 10 ngày hay một tháng để thấy rằng mình có làm được nhiều việc. Khóa thiền thứ nhất nó không thể bằng khoá thiền thứ hai nếu chúng ta đã có kinh nghiệm rồi. Những ngày đầu trong khóa thiền đôi khi rất vô nghĩa nhưng thật sự nó rất cần thiết. Những ngày đầu chúng ta cảm thấy xáo trộn cảm thấy khó tập trung nhưng sau một vài ngày tự nhiên mình bắt đầu tuân phục, người ta làm sao mình làm vậy, người ta ngồi mình cũng ngồi, và ngồi 1 giờ đồng hồ cảm thấy khó khăn nhưng mình ráng ngồi thì ngồi vẫn được.

 Cách của người tu tập là dám đi vào thế giới mới. Ở bên các quốc gia Phật Giáo như Miến Điện hay Thái Lan, đặc biệt ở tại Thái Lan có truyền thống Lâm Tăng - Forest Monasteries những tu viện Wat Pah thì chỗ ở tu tập của hành giả đôi khi cho ấn tượng khó chịu, nhất là một người mới đến ở cảm thấy rất khó chịu. Chúng tôi nhớ khi chúng tôi tham dự khóa an cư tại chùa Wat Nong Pah Pong của Ngài Ajahn Chah khoảng 6 tháng mấy, lúc đó có Ngài Giác Minh ở bên Pháp chùa Phật Bảo ghé chùa và gặp chúng tôi tại đó, thì không biết Sư về Sư thuật lại cho ai đó ở Bangkok Thái Lan, thì có người Phật tử nghe nói ở chùa Ngài Ajahn Chah có chúng tôi, vị đó là Phật tử cũng quen với chúng tôi trước kia thành ra cũng xuống ở một vài hôm. Khi vị đó xuống tìm gặp chúng tôi, gặp lại người Phật tử này chúng tôi cũng hoan hỉ cũng mừng lắm. 

Sau đó vị này nói với chúng tôi xin với Ngài Cả cho ở lại vài hôm. Chúng tôi hỏi; vài hôm là bao lâu? Thì vị đó nói rằng: xin ở khoản 10 ngày hay 2 tuần cũng được và nếu thấy ở được con ở luôn 3 tháng hạ.  Chúng tôi cũng hoan hỉ lên thưa với Ngài và Ngài cho. Người Phật tử này nguyên ngày xưa ở bên Thụy Sĩ rồi qua Pháp gặp Ngài Giác Minh rồi qua Thái. Thì người Phật tử này chỉ ở một ngày rồi ngày hôm sau vị đó tìm chúng tôi nói rằng: con xin Sư lên xin lỗi Ngài Cả con không ở được. Sau đó chúng tôi nói chuyện hỏi ra mới biết rằng vị đó cảm thấy rất sợ bởi vì chỗ am thất người ta cho ở tuốt phía sau cuối khuôn viên chùa và chung quanh toàn cây cao và thỉnh thoảng gặp rắn gặp rít, ở một mình gặp rắn đã sợ rồi lại còn sợ ma nữa. Còn một điểm rất nản đó là ở trong những am thất lại không có điện, họ cất am thất tương đối rất tốt nghĩa là bằng gỗ cao và ở trong đó chỉ có cái sàn, mình xuống phước xá mang gối, mùng, chiếu về trải nằm ngủ. Thì sự thanh vắng yên tịnh đó lẽ ra là một điều rất tốt cho vị này nhưng vị này lần đầu tiên đến nên cảm thấy rất sợ và khi sợ như vậy thì vị này muốn bỏ cuộc. Chúng tôi thấy vị này vậy nên khuyên là tất cả mọi người đến đây tu tập đều có vấn đề, họ có nhiều vấn đề lắm, vấn đề của đạo hữu cũng là vấn đề bình thường thôi, sao đạo hữu không gặp Ngài Thiền Sư. 

Sau đó vị đạo hữu này lên gặp vị Thiền Sư Ngài nói rằng: "àh cái sợ đó cái nản đó cũng là một đề mục để tu" rồi Ngài mỉm cười Ngài bảo ráng vài bữa. Chúng tôi thấy sau khi vị đó ráng được 3, 4 bữa thì vị đó quen với đời sống yên tịnh đó, về sau này chúng tôi có được biết khi chúng tôi rời  Wat Nong Pah Pong thì vị này có qua trở lại ở đó 3 tháng. 

Thì chúng ta làm bất cứ việc gì trong đời sống và đặc biệt đối với việc tu sự nhiệt tâm rất cần, sự nhiệt tâm nói lên năng nổ của chúng ta. Hồi nãy chúng tôi lấy ví dụ sự nhiệt tâm giống như chân ga, chiếc xe chạy mà không có sức dọt (tăng tốc độ nhanh) thì thật sự nản lắm. Qúi vị nào lái xe mà xe nó chạy ì ì chậm thì nản tại vì nó không tăng tốc được. Còn một người sống trong cuộc đời mà không có nhiệt tâm thì thật ra chúng tôi phải nói rằng đời sống rất nản. Người ta làm chuyện gì cũng được với điều kiện phải có sự hăng hái, phải có nhiệt tâm, phải cảm thấy mình làm tha thiết. Nhiều khi HT Hộ Giác Ngài nói: "con người làm cái gì cũng phải có tâm hồn gói ghém vào trong đó".  Tâm hồn ở đây, ý của Ngài nói là mình phải có sự gắng bó, phải có sự tha thiết đạo phật gọi là có chanda có nhiệt thần túc, có ý muốn, có sự tha thiết, nói nặng giống như ông Steven Jobs nói rằng trong đời sống của ông có một điều ông muốn chia sẻ là "Dám đam mê, dám dại khờ".  Nhiều khi mình phải rất tha thiết đến đỗi người ta nghĩ rằng mình là một người khùng hay là người không có bình thường. Nhưng thật ra sự ưa thích rất là quan trọng.  Chúng tôi thấy tất cả những vị từ chuyện học cho đến chuyện tu, có nhiều vị chưa bao giờ đặt chân đến trường đại học, nhưng học Tam Tạng, học Pali rất giỏi tại vì tha thiết, đời sống của người tha thiết hễ mình bước vào ngưỡng cửa tu nhất là đặc biệt tu thiền cái quan trọng đầu tiên là mình phải tha thiết với việc đó.

Nói tha thiết, có nhiều cách, nhiều khi vì mình dính liền với hình ảnh vị Thiền Sư, thí dụ như chúng tôi gặp một vài vị Phật tử Đài Loan họ đọc vài tác phẩm của Ngài Ajahn Chah họ thích quá, họ qua gặp Ngài Ajahn Chah, Ngài Mahashi để tu. Nhưng cũng có những người họ tha thiết việc tu là tại vì đời sống họ khổ quá. Chúng tôi có gặp một Phật tử nói với chúng tôi một câu là hồi còn con gái cha mẹ bắt đi lấy chồng rất sớm, rồi tới tuổi 30, 40 thì nuôi một bày con 8, 9 đứa, rồi bày con lớn lên chúng nó làm khổ mình, rồi bên nhà chồng làm khổ đủ thứ chuyện thành ra đến khi vào trong trường thiền tu thiền được thì trong đời hạnh phúc làm sao, chưa bao giờ  mình có những giờ phút trong đời mà mình cảm thấy sống cho chính mình, lâu nay mình cứ sống cho cái gì đó mà cảm thấy rất là vô nghĩa, sống cho bên chồng thì bên chồng cũng không cảm kích, mà nuôi con, con lớn lên ngỗ nghịch, sống với chồng thì cũng hết lòng nhưng chồng cũng không thương, bây giờ sống cho chính mình thì thấy hạnh phúc quá. Thì đôi khi cái khổ của đời sống nó là chất liệu. Cái khổ thật ra có rất nhiều đệ tử Phật tìm thấy ở trên nỗi đau khổ của cuộc sống cho mình sự tha thiết rất mãnh liệt để mình tu để mình học để mình làm việc gì đó. 

Nhiều khi trong cuộc sống mình đã thử nhiều thứ mà cái nào cũng không có ý nghĩa. Chúng tôi biết có nhiều khi mình tha thiết với công việc, mình tha thiết với việc học, mình tha thiết việc này việc khác nhưng nó cứ trầy trật, ban đầu thì mình rất thích nhưng thời gian tự nhiên cũng nản, ban đầu không có thì mình nghĩ là nó tốt rồi sau này có mình cũng nản, như Ngài Jasa sanh ra trong gia đình rất giàu có, cái gì Ngài cũng có đến nỗi  Ngài thấy có thì cũng vậy thôi. Rồi cho đến một ngày Ngài nản những thứ đó và Ngài bỏ ra đi  gặp Đức Phật, nghe Đức Phật thuyết pháp để Ngài tìm thấy ý nghĩa chân thật của đời sống.

Thì con người chúng ta  bí quyết rất quan trọng của cuộc sống này là gì? là nếu mình muốn làm được nhiều việc, muốn làm thành công, mình muốn làm một cách tới nơi tới chốn thì mình phải có tha thiết, ở ngoài đời gọi là đam mê, ở trong đạo gọi là sự nhiệt tâm. Hễ mình không khơi dậy cái đó trong lòng mình thì thật sự khó có ai mà cõng mà lôi mà kéo mà trì. Chúng tôi thấy một người mà đã làm biếng rồi thì thật ra bây giờ ông thầy có nhắc bạn bè có lôi kéo đi nữa thì cũng không được. Có những người họ nói là làm biếng rồi thì mình đầu hàng.

Nên trong cuộc sống của mình quan trọng nhất là gì? là mình phải có một lẽ sống, phải có lý tưởng, mình phải có sự thành tâm, phải có sự hăng hái nhiệt tâm, và nếu chúng ta có được điều đó thì rất may mắn, may mắn vô cùng, may mắn trong việc tu, may mắn trong việc học, may mắn trong việc làm tại vì chính điều đó như Đức Phật Ngài nói rằng: "người trí như tuấn mã bỏ sau đám ngựa què, tinh cần không phóng dật, tỉnh thức giữa rừng mê." Người trí như tuấn mã bỏ sau đám ngựa hèn. Tất cả những người trong đời này làm việc mà thiếu tinh tấn thiếu nhiệt tâm thiếu tha thiết thì Đức Phật Ngài gọi người đó giống như những con ngựa  què, luôn luôn là những con tuấn mã nó bỏ lại sau lưng. 

Vì sao vậy? Cái nhiệt tâm là cái cần thiết. Khi vào tu tập mình phải hiểu rằng điều đó rất cần thiết, mình phải có điều đó và điều đó nói lên sự trưởng thành của mình. Một đứa nhỏ thức dậy cũng phải cha mẹ nhắc, đến trường cũng phải cha mẹ nhắc, học bài cũng phải cha mẹ nhắc, nhưng một người lớn lên một người trưởng thành mình có thể làm những chuyện học, mình có thể làm chuyện quét nhà, rửa chén mình có thể làm giúp đỡ người khác mà không cần ai nhắc tại vì mình có sự nhiệt thành. Thì một hành giả khi ngồi thiền, khi mình đã ngồi xuống khép mắt lại và ngồi kiết già không ai làm gì được cho mình hết, thỉnh thoảng những vị hướng dẫn nhắc một vài câu, nhưng mình hướng tâm vào trong hơi thở, mình chung thành với chánh niệm, mình chung thành với đề mục, và tâm mình có thể lôi kéo trở lại với đề mục hay không tất cả đều là do chính mình, tất cả đều do sự nhiệt thành của chính mình. 

Ngài Ajahn Jagaro một vị Thiền Sư Ngài nói "Đôi khi ngồi xuống mình muốn làm cái này mình muốn làm cái kia ngay lúc đó mình phải nói chính mình là ở trong giờ phút này không có ai trong thế gian này làm cho mình hạnh phúc hơn là chính mình, không có việc nào quan trọng hơn đó là tập trung vào hơi thở và mình phải nhắc đi nhắc lại." Khi mình đã ngồi xuống, ngồi một mình hay trong một khóa thiền 100 người, 200 người thì lúc mình ngồi xuống khép mắt lại là chính bản thân của mỗi người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự tinh tấn của mình không ai làm gì được, không ai lôi kéo, không ai làm gì được hết. Bởi vậy đạo Phật thường nhắc một điều: Con người của mình sự tự giác rất quan trọng. Mình làm việc là do sự bắt buộc không bằng mình làm việc do tự ý mình muốn làm, mà tự ý muốn làm không bằng mình nghĩ và mình tha thiết làm.  Và Đức Phật Ngài cũng dạy rõ ở trong Bốn Thần Túc thì Dục Thần Túc đi đầu.

 Do vậy bí quyết sống trong cuộc sống là khi mình nhập cuộc, khi mình dấn thân, khi mình bắt tay vào việc thì mình hỏi lực của mình nó bao nhiêu? cái lực đó là gì? Đó là sự tha thiết, đó là cái nghĩa khí, đó là sự gắng bó, đó là cái quyết chí của mình. Những cái đó là điều hành giả phải làm. Thật ra, trong một khóa thiền ở trong một khóa tu vị thầy hướng dẫn chỉ đưa chúng ta đến mức độ nào đó thôi nhưng khả năng hấp thụ, khả năng nhập cuộc, khả năng thể nhập vào những gì mình học mình hành là do bản thân của mình hết, do đó sự tha thiết là một điều rất  quan trọng.

Bây giờ chúng ta nói đến chi pháp ghê sợ tội lỗi: nãy giờ chúng ta nói đến chân ga đến khả năng tăng tốc thì chúng ta cũng hiểu một điều rằng tay lái rất quan trọng, nếu mình lái xe tay lái không có được quân bình nó lệch bên này lệch bên kia rất nguy hiểm và tay lái không tốt thì rất nguy hiểm.

Nói một lần nữa là chúng ta nói đến một khía cạnh rất tế nhị. Mình tha thiết là một chuyện tốt nhưng trong sự tha thiết đó phải được thấy những trở lực thấy những cái gì mình nên tránh. Lấy ví dụ, chúng ta có bịnh thích nói chuyện, có những điều qúi Phật tử bên ngoài nghĩ rằng nó không có hại như chuyện tụm năm tụm ba để tán gẫu nói chuyện nhưng trong trường thiền thì chúng tôi biết là tất cả những trường thiền nếu hành giả vào tu tập mà tập hợp lại để nói chuyện tán gẫu thì lập tức bị đuổi ra khỏi trường thiền. Tại vì mình đang làm hỏng sự tu tập của người khác và mình cũng đang làm phí thì giờ chính mình, và không có ai bỏ thì giờ ra để giúp cho mình làm chuyện phí đó. Do vậy chúng ta khi hành thiền thì hiểu một điều rằng cho dù mình tin tấn một tiếng đồng hồ nhưng mình ra mình nói chơi nói chuyện đùa nói chuyện lông bông nửa giờ, 5 phút, 15 phút là sự chánh niệm đó tan biến, giống chúng ta trèo lên một chút rồi chúng ta tuộc xuống, trèo lên chút lại tuộc xuống thì chúng ta không bao giờ lên tới cao điểm của nó, chúng ta không bao giờ có được sự tiến bộ và lúc đó chúng ta phải thấy cái đó là chúng ta sợ. 

Chúng tôi có lần kể qúi vị nghe câu chuyện về một người Thái đánh boxing. Ở Thái Lan có môn thể thao gọi là Thái boxing tức là loại đánh box của người Thái. Đánh box quyền Anh người ta không dùng chân nhưng đánh box của Thái thì người ta dùng tay chân những thế đòn những thế võ và nếu người nào thích thì rất đam mê, và tại Thái Lan những người đánh Thái boxing nổi tiếng có rất nhiều người hâm mộ được nhiều tiền giàu có. Và ông Dune trước khi đi tu ông là một người rất nổi tiếng ở trong tỉnh Sisaket, ông không phải là người nổi tiếng cả Thái Lan nhưng trong tỉnh thì ông được xem là đệ nhất, ông lên võ đài thắng rất nhiều trận rất là oai hùng và trong những lần thắng trận như vậy người ta chụp những tấm ảnh ông nhận những cup vàng hay tấm ảnh ông được tuyên dương đó là niềm hãnh diện. Rồi có một ngày ông đánh người đối thủ bị thương rất nặng và lúc ông đánh xong thì ông thắng trận vẻ vang nhưng về trong lòng ông không vui tại vì ông cũng là người Phật tử và ông thấy rằng mình chiến thắng mà đánh người ta bị vỡ đầu chảy máu miệng, máu mũi, như vậy tạo nhiều ác nghiệp do đó ông lên chùa hỏi Ngài Cả trong chùa làng thì Ngài Cả nói rằng nếu vì sinh sống thì nên tìm cái nghề khác và còn nếu vì đam mê thì cũng không nên vì dù đó là hợp pháp dù đó được xã hội cho phép và thậm chí người ta hâm mộ nhưng mình đánh người khác như vậy thì cái nghiệp không tốt. 

Không biết Ngài Cả nói thế nào mà ông tự nhiên ông nản không theo nghề đánh box nữa mà đi xuất gia. Được biết rằng ông đến tu tập với Ngài Ajahn Maha Boowa một thời gian dài, ông rất tinh tấn, rất cố gắng, sống ở trong rừng và trở thành vị tỳ kheo rất gương mẫu về nhiều thứ. Nhưng có một điều là sự tu tập của ông không tiến bộ, có một lần ông lên trình bày với Ngài Ajahn Maha Boowa, Ngài nhìn ông và hỏi rằng: "khi đi xuất gia Sư đã bỏ hết mọi thứ lại và chỉ vào chùa tu phải không?" thì vị này thành thật trả lời: "dạ con bỏ hết tất cả tiền bạc tài sản đều giao lại cho vợ cho con hết con không mang theo cái gì hết". Ngài Ajahn Maha Boowa im lặng. Nhưng sau đó vị này lại thưa với Ngài: "xin thú thật với Ngài là con có mang theo những tấm ảnh mà lâu lâu con buồn con đem ra để nhớ thời oanh liệt của mình". Thì Ngài Ajahn Maha Boowa kêu đem lên Ngài coi. Vị này trở lại cốc của mình đem mấy tấm hình hồi còn là võ sĩ thượng võ đài đánh thắng vinh quang nổi tiếng được nhiều người hâm mộ đem lên trình cho Ngài, Ngài Ajahn Maha  Boowa  nói: "Nếu muốn tu tiến bộ thì nên đốt bỏ những tấm hình này tại vì cái đó là trở ngại". Thì qủa thật, sau này vị này tức là Ajahn Dune  kể lại thì mới biết là từ đó trở đi vị này tu tập khá  hơn. 

Thì mỗi chúng ta đều có những trở ngại trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có những vấn đề đôi khi cũng thấy được, thì mình nghĩ rằng chuyện đó vô hại mình nghĩ nó bình thường nhưng mà nó lại gây trở ngại nên khi chúng ta nói chữ  octappa ở đây tức là mình làm việc gì mà mình thấy  chính việc đó là điểm làm thối thất làm cho mình hỏng. Như hồi nãy chúng tôi nói với qúi vị là mình ráng tập trung tu tập chánh niệm trong 1 giờ nhưng sau 1 giờ mình buông ra mình tán gẫu 15 phút thì 1 giờ cố gắng kia bị xoá. Tại vì ở đây nó cho chúng ta thấy có sự dải đãi. Hay hoặc giả mình tu tập tinh tấn được 5, 7 bữa rồi tự nhiên có buổi sáng mình nói thôi bữa nay mình ngủ trễ một bữa không sao, mình nói là mình bịnh mình không tin tấn ngồi thiền nữa thì thật ra sự dãi đãi trong một buổi làm hỏng đi rất nhiều sự cố gắng mà một hành giả phải thấy được vấn đề nên tránh như thế nào.

 Thì bài học ngày hôm nay nói về một ý nghĩa của hai pháp gọi là nhiệt tâm và sự ghê sợ tội lỗi ghê sợ lỗi lầm, chúng tôi thí dụ nhiệt tâm giống như chân ga và sự ghê sợ lầm lỗi giống như tay lái. Chúng tôi nhiều lần nói chuyện với Ngài Payutto thì có một lần chúng tôi hỏi Ngài: "trong sự tu tập điều Đức Phật gọi là thiện xảo gọi là khéo thì cái khéo đó là gì?". Thì rất là bất ngờ rất thú vị Ngài nói với chúng tôi: "chữ khéo là sự kết hợp được cả hai thứ nhiệt tâm và ghê sợ tội lỗi, nhiệt tâm tức là tha thiết muốn làm ghê sợ tức là mình tránh được những lầm lỗi tránh được những cái gì có thể làm hỏng của mình đi và hai cái đó kết hợp với nhau thì gọi là khéo". 

Thì thật ra, nó rất khó hiểu ở một điểm như vầy là có nhiều người rất nhiệt tâm nhưng họ mạo hiểm họ liều, ví dụ như làm ăn có bao nhiêu tiền họ nhảy ra làm đến nỗi họ phá sản thì gọi là nhiệt tâm mà không cẩn thận. Cũng có những người sống cẩn thận quá đến nỗi suốt đời họ không làm việc gì hết, cẩn thận quá lúc nào họ cũng co ro cấp đấp họ cũng co cụm lại họ không có chịu dấn thân nhập cuộc thì cái đó cũng là không khéo. Mình làm thế nào đó mình can đảm nhưng không có liều mạng, làm thế nào đó mình tha thiết nhưng mình không có bất chấp, có nhiều người tha thiết mà bất chấp, có những người can đảm mà liều mạng hay là mình làm thế nào mà mình có sự cân nhắc nhưng mình không phải là một người lúc nào cũng sợ sệt cân nhắc quá đáng giống như người ta nói rằng "Thủy thái thanh tắc vô ngư, nhân thái cẩn tắc vô trí" dịch là "nước quá trong thì không có cá, người quá lo lắng thì không có trí", tức là con người lúc nào cũng lo sợ thì đó là hỏng đi vấn để.

 Ở trong lịch sử đương đại của nhân loại người ta có 2 trường hợp đã tạo ra rất nhiều tai họa  đó là; chúng ta phải nói rằng tại Âu Châu có một giai đoạn của lịch sử trước Đệ Nhị Thế Chiến thì xu thế thời thượng lúc đó những người trí thức họ đưa ra một quan niệm chính trị rất lãng mạn và lúc đó Âu Châu giống như một vườn hoa trăm hoa đua nở như thời kỳ  bách gia tranh minh thời Chiến Quốc ở bên Trung Hoa, những người chính trị gia họ ra quán cafe ngồi luận bàn về xã hội bàn về thế này thế kia. Thì khi những người trí thức là những người dám suy nghĩ họ suy nghĩ điều này suy nghĩ điều kia nhưng họ không dám hành động, cái suy nghĩ mà không dám hành động thì làm cho một xã hội mà sau này người Việt Nam chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều qua văn hóa của Pháp tức là một thứ chính trị lãng mạn. Nhưng mà rồi, khi cuộc cách mạng Bolshevik 1917 ở bên Nga xảy ra thì người ta làm một khuynh hướng ngược lại là người ta khai thác sự đấu tranh giai cấp của những người nông dân những người này là những thành phần nông nô bất mãn và những người này chỉ muốn san bằng tất cả những thứ này và thứ khác. Thì những người này họ lại đi vào cực đoan khác là họ phủ nhận vai trò của những người trí thức. Thì chúng ta thấy những người lao động những người nghèo họ lại dám làm, họ dám làm nhưng họ không đủ trí tuệ để họ suy nghĩ đến mức độ mà họ mang lại cái họa cho chính họ. Và những người trí thức thì dám suy nghĩ lại không dám làm thì bây giờ chúng ta nói là nó mất của nhân loại một thế kỷ để điều chỉnh chuyện đó, tức là một nhóm là dám suy nghĩ mà không dám làm, một khuynh hướng là dám làm mà không suy nghĩ. 

Thì bây giờ, chúng ta nói nhiệt tâm là sự tha thiết mà không có cẩn thận chỉ là nhiệt tâm mà  không có octappa tức là không có cân nhắc. Tha thiết mà không có cân nhắc thì hết sức nguy hiểm. Hay cân nhắc quá đến nỗi sợ hãi sợ cái này sợ cái kia là một thứ trí thức sa lông cầu an không dám làm gì hết thì thật sự cũng không đi đến đâu hết. Nói chung, đối với một người tu tập cái gọi là khéo là sự kết hợp giữa nhiệt tâm và sự cẩn thận, nhiệt tâm mà không cẩn thận thì quá liều lĩnh mà cẩn thận nhưng không nhiệt tâm thì chúng ta trở thành một người sợ hãi vô trí là người quá dè xẻn không có làm được gì hết.

Thì về việc này khi chúng ta kết hợp hai thứ thì Ngài Payutto Ngài nói đó là cái thiện xảo, hai cái gọi là cái khéo của chúng ta. Cái khéo làm sao mà chúng ta ứng dụng những sức mạnh của nội tại cái này nó không có đẩy cái kia ra bên ngoài. Đó là một chuyện ngày hôm nay trong nghệ thuật về quản trị người ta phải có hai người, một người director và một người manager, người directer phải sáng tạo còn người maneger phải làm sao để giữ kỷ cương. Nếu chúng ta cái gì cũng buông quá thì chúng ta mất đi khả năng quản lý tốt, mà quản lý chặt chẽ quá cái gì cũng chỉ đạo thì mất đi khả năng sáng tạo, hai cái đó là hai cái trong nền quản trị của Tây Phương họ làm được tại vì quốc gia họ rất phát triển họ rất thành công về phương diện tổ chức những công ty hay tổ chức những công xưởng đến đỗi chúng ta nghe nói lợi tức của những hãng như là Samsung hay Apple lợi tức hàng năm bằng cả tổng sản lượng quốc gia Việt Nam chúng ta. Thì chúng ta hiểu một điều đó là sự kết hợp rất khéo giữa điều chúng ta gọi là khuynh hướng này khuynh hướng kia đó là khuynh hướng nội tại. 

Thật ra, với một người tu tập khi chúng ta ngồi xuống để nhìn vào hơi thở để tập thiền hay chúng ta bước vào khóa học hay trong đời sống, trong tất cả khóa tu học ở trong đời sống thì một người vận dụng được cả hai tha thiết và sự cẩn thận ở đây Đức Phật gọi là sự nhiệt tâm và sự ghê sợ đối với lầm lỗi, cả hai điều đó sẽ giúp cho chúng ta đi tới nhưng không có gây ra tai nạn, cái chân ga là sự tăng tốc là sức đẩy chiếc xe đi tới nhưng nó chưa đủ nó phải có tay lái để chúng ta tránh né những điều cần tránh né và nếu cần phải thêm cái thắng nữa. Thì nói chung là đây là một sự kết hợp của rất nhiều cái khéo, chúng ta tạm dùng chữ bên hệ Hán tạng họ dùng là "lý sự viên dung", thì thật ra ở đây chúng ta dùng hai pháp phải viên dung tức là nó phải được cân bằng với nhau, nó phải bổ túc lẫn nhau, nó hổ trợ lẫn nhau để cái này nó giúp cái kia trở nên xuất sắc và cái kia giúp cho cái này trở nên hoàn hảo.

Điều sau cùng chúng tôi muốn nói ở tại đây: Đức Phật Ngài dùng chữ Vô Thượng chữ Sambodhi là Vô Thượng Giác Ngộ. Chúng tôi đọc trong sớ giải thì ở đây cũng là một chữ rất thú vị,  

Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền chỉ khi nào trở thành vị Phật Toàn Giác như Đức Phật Thích Ca thì mới gọi là vị chứng Vô Thượng Chánh Giác - Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. 

Nhưng trong kinh trong sớ giải khi đề cập đến chữ Chánh Đẳng Giác Vô Thượng ở đây thì không có ý như vậy. Chánh Đẳng Giác Vô Thượng được chỉ cho sự giác ngộ viên mãn tức là tất cả những bậc Ứng Cúng dầu là vị Thinh Văn, Alahan hay vị Độc Giác, Toàn Giác đều là sự Giác Ngộ Vô Thượng.

Tức là ở đây Đức Phật dạy rằng không có một vị nào đạt đến quả vị rốt ráo giải thoát giác ngộ, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chỉ sự rốt ráo giải thoát mà không có hai pháp Nhiệt Tâm và Ghê Sợ Tội Lỗi



 Và ở trong bản sớ giải cũng đề cập đến tất cả là 7 pháp mà nó ảnh hưởng bởi 2 điều này khi mình không có tức là người mà không có nhiệt tâm không sợ hãi thì người đó biếng nhác thiếu sự tinh tấn hôn trầm thụy miên không biết xấu hổ không có lòng tôn kính và một người có 7 pháp đó là người có nhiệt tâm và ghê sợ tội lỗi thì dẫn đến quả vị giải thoát giác ngộ./.

No comments:

Post a Comment