Friday, October 11, 2019

Sáu Pháp Tưởng - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP SÁU CHI 6.7

Sáu quyết trạch phần tưởng

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 27 tháng 5, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:Hôm nay chúng ta học sáu pháp tưởng. Đối với một người học Phật có một số từ vựng tương đối cần suy tưởng nhiều bởi vì chúng ta không đơn thuần giảng dạy những bài học này trên phương diện ngôn ngữ mà phải qua những sớ giải và đặc biệt qua pháp thực hành.

Chữ saññā thường được dịch là tưởng. Có nghĩa là mình nhận thức một điều gì đó do trải nghiệm, do những gì mình đã từng trải qua. 

Riêng về chữ tưởng ở trong pháp hành có nghĩa là nhìn lại cái gì vừa xảy ra hay cái gì đã xảy ra và những việc đó chạn lại cho chúng ta một nhận thức. 

Lấy thí dụ, một cảnh hiện tại chúng ta đang thấy chỉ là một điểm của thực tại không đủ để chúng ta có được cái nhìn toàn diện sự việc. Nhìn vào những sự việc đó từ điểm sanh cho đến diệt, hay một sự việc gì xảy ra giống như chúng ta xem một cuốn phim mình không thể nào nhận định về một cuốn phim chỉ vì một tình tiết đang xảy ra đập vào mắt của mình, mà mình chỉ có thể nhận ý nghĩa và toàn bộ câu chuyện khi cuốn phim đã hoàn tất, dù mới hoàn tất hay hoàn tất đã lâu. 

Chữ tưởng ở đây có nghĩa là chúng ta nhận thức do nhớ lại chuyện gì đã xảy ra và điều đó đã hoàn tất chứ không phải cái gì đang xảy ra.

Hành giả cần có một cái nhìn tương đối rất bén nhạy về điểm này. Mỗi người trong chúng ta hàng ngày giống như một máy thâu với bộ nhớ tốt, với bộ nhớ đó mình có thể ghi nhận được rất nhiều sự việc đã xảy ra. Lấy một thí dụ, một người mình đã từng gặp 10 năm trước, rồi ngày hôm qua đi chùa dự lễ gặp lại sau 10 năm mình thấy người đó đã già đi đã thay đổi rất nhiều. Sau đó khi chúng ta trở về phòng riêng của mình hay ở nơi nào đó mình nhìn thấy chỉ 10 năm thôi, một con người đã thay đổi quá nhiều, ngoại hình cũng thay đổi, thân cũng thay đổi, tâm cũng thay đổi, cuộc sống cũng thay đổi, đúng là vô thường. Thì vô thường đó được nhận thức từ điểm A cho đến điểm B, và A đến điểm B đó phải hoàn tất nó phải xong rồi, giống như chúng ta xem một cuốn phim, sau khi cuốn phim đó đã chiếu xong chúng ta mới có thể đưa ra một nhận định nó như thế này hay như thế kia. Thì những pháp tưởng nó là một cái gì chạn lại. 

Đề tài bài pháp là "cha nibbedhabhāgiyā saññā" bản dịch là "Sáu quyết trạch phần tưởng" thì hơi khó hiểu.

Nhưng, nghĩa:

 Chữ nibbedha có nghĩa là thẩm thấu, có nghĩa là nhìn xuyên xúc 

Chữ bhāgiyā nghĩa là dẫn đến.

"Sáu pháp quyết trạch phần tưởng." Đại khái những pháp khiến cho chúng ta thẩm thấu hay nhìn xuyên xúc thực tại. Chữ nibbedha ở đây là đôi khi nó trái ngược lại với cái nhìn bình thường của chúng ta là cái nhìn không có chiều sâu, cái nhìn của chúng ta là cái nhìn hời hợt, nhìn một thoáng thôi, thí dụ như mình thấy cái gì đó, mình thấy một người đẹp thì chỉ thấy cái đẹp của họ mặc quần áo đẹp hay họ trang điểm đẹp, mái tóc đẹp, nhưng chừng đó không đủ để chúng ta nói người đó đẹp hoàn toàn, phải có cái gì đó cho chúng ta thấy chiều sâu hơn. Tương tự như câu người ta nói "trường đồ tri mã lực, cửu sự kiến hiền nhân " ở lâu thì mới biết người và đường dài mới biết sức ngựa.

 Tương tự như vậy, tất cả những cái gọi là sanh những cái chạn lại những cái nhận thức do chạn lại này dẫn chúng ta đến nhìn sự việc có chiều sâu, nhìn sự việc có thẩm thấu. 

1. Vô thường tưởng - aniccasaññā,

Và cái mấu chốt đầu tiên chúng ta nhìn đó là những sự vô thường của năm uẩn là 

- Sự vô thường của thân gọi là sự vô thường của sắc uẩn.

-  Sự vô thường của thọ như  sự thay đổi của khổ lạc ưu hỉ xả.

-  Sự vô thường của tưởng như là trí nhớ, sự nhận thức, sự suy nghĩ trước khi hành động và quan điểm.

- Sự vô thường của thức là của các giác quan thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. 

Nếu chúng ta nhìn cuộc sống là năm uẩn chúng ta cũng thấy tất cả những hiện tượng dù vật chất hay tâm thức, dù sắc thuộc về vật chất hay thọ, tưởng, hành, thức, đều có một đặc tính, một là không nằm yên một chỗ, hai là nó có sanh thì có diệt, nó không nằm một chỗ. 

Ví dụ như chúng ta thường vật vã, thường khó chịu, thường phản ứng với vui buồn của mình. Nhưng nếu một người có tu tập và có hiểu biết Phật Pháp thì ngay cả cái vui, cái buồn, mình không làm gì hết nó cũng không nằm một chỗ.  Chúng ta cứ tưởng tượng như vầy, mình cắt một cánh hoa cắm vào trong bình, cho dù mình thêm nước vào và người ta chỉ mình thêm aspirin vào trong nước hoa để lâu hơn, nhưng cánh hoa đó có nở thì có tàn, có tươi thì sẽ héo, nó không nằm im một chỗ. 

Ngay cả cảm giác mình thích thú với điều gì đó, đôi khi mình thích một chiếc xe, thích một cái nhà, mình thích một người bạn, thích một món ăn, thích một bản nhạc, tất cả thích thú đó chúng ta cũng nên hiểu nó không nằm yên tại đó, nó sẽ thay đổi. Một điều 10 năm về trước, 3 năm trước chúng ta rất tha thiết, chúng ta rất thích thú bây giờ đối với chúng ta thật sự là vô nghĩa. Một điều chúng ta cảm thấy rất quan trọng trước đây, bây giờ nó không còn quan trọng nữa, thì đó là sự vô thường, đó là sự đổi thay.

Một người có thể nhìn thấy biểu thị của vô thường là nhìn thấy cái chưa có bây giờ nó có đó là sanh, và nó có bây giờ nó biến mất là diệt. Nó là một sự đắp đổi. Khi mình nhìn thấy bọt nước trời mưa xuống, hay bọt nước ở trên giòng suối nhìn cho có kỹ thì nó là một sự chợt sanh chợt diệt của các bọt nước, nó không nằm yên, không có bọt nước nào nằm yên, ở trong đó mình nhìn kỹ là cái này vỡ ra rồi cái kia sanh lên, sanh rồi diệt, sanh rồi diệt.

Đặc tính của vô thường là gì? là nó thay đổi không nằm yên, chúng ta muốn người đó mình thương thì người đó phải như vậy không thay đổi, núi đó mình thích thì nó phải như vậy không thay đổi, con đường đó không thay đổi, cảnh đó không thay đổi. Cũng như một đóa hoa rất đẹp chúng ta muốn giữ nó ở nguyên trạng như vậy trong nhiều ngày, và thậm chí nghĩ nó mãi mãi. Nhưng không có gì đứng yên mà không thay đổi hết, ngay cả ý thức, sự hoan hỉ của mình cũng không nằm yên thì lấy gì cảnh nằm yên. 

Chúng tôi nhớ có một vị Hòa Thượng, nhân khi có sự xáo trộn ở qúi Thầy với nhau, HT viết một câu rất dễ thương: 

- "Tâm đã là không cảnh có gì, nồi da xáo thịt để mà chi.

"Tâm đã là không cảnh có gì" tức là cảnh đó mình thấy nó vô thường rồi, nhưng chưa, còn cái tâm mình. Một bản nhạc mình nghe rất hay, mình nghĩ bản nhạc này bất hủ,  thật ra những chuyện đó lừa đảo mình, "tâm vốn là không cảnh có gì", cảnh đó có hay đi nữa thì tâm của chúng ta không phải lúc nào mình cũng thích nó, có những thứ người ta rất thích nhưng theo thời gian không còn thích nữa, bởi vì "tâm là không cảnh có gì" dầu là trên phương diện chủ thể hay khách thể. 

Chúng ta cũng nhìn thấy sự việc ở một điểm khác đó là sanh và diệt, cái sanh và diệt cũng tạo cho chúng ta một số các chi phối. Ví dụ như mình đang ở trong một căn nhà hay ở một nơi nào đó mình cứ mong muốn nó bình lặng như vậy hoài, bỗng nhiên có một người nào đó, một ai đó xuất hiện chợt đến họ làm xáo trộn đời sống mình. Cái xáo trộn đó cũng có tính nhất thời, nhưng nó làm xáo trộn đời sống đó là sanh, một người rất thân với chúng ta bây giờ họ ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại, cái đó là từ cái có trở về không. Cái không trở về cái có, cái có trở về cái không, đó là sanh và diệt, nó cũng làm cho chúng ta bị điên đảo vật vã bởi những thứ đó. Thành ra nếu chúng ta chịu khó nhìn thì chúng ta thấy thế giới này đúng là bọt nổi, đúng là vô thường.
Chúng tôi sống ở thành phố Houston, trong 40 năm sống tại Mỹ thì 35 năm sống ở thành phố Houston, khi lái xe ra đường chúng tôi thấy không biết bao nhiêu sự thay đổi, từ đường xá, thành phố, con người, bây giờ nhớ lại tất cả đúng là phù ảo, sanh đó diệt đó, mươi năm về trước có bao nhiêu sự việc, bao nhiêu con người, bao nhiêu vui buồn hơn thua thương ghét v.v.... và bây giờ những thứ đó chỉ là một thoáng. Khi mình nhìn thấy sự vô thường lúc đó chúng ta mới thấy sự phù ảo của cuộc sống, và sự vô thường đó phải được nhìn lại với những gì được chạn lại như một câu chuyện đã được kể, một cuốn phim đã được chiếu xong, chữ "End" ở đó là kết thúc, khi nó kết thúc rồi thì chúng ta nhìn lại bằng saññā - tưởng, bằng sự chạn lại. 

2 - Khổ tưởng trên vô thường - anicce dukkhasaññā.

Và rồi chúng ta nói đến nhìn thấy khổ trong vô thường. Nếu chúng ta để ý ở trong mạch văn Đức Phật Ngài dạy, Ngài có gợi ý cho chúng ta khi nhìn cuộc sống cố gắng nhìn ở trong một khuôn khổ, ở trong một ngữ cảnh nào đó và từ chỗ đó chúng ta dễ hiểu hơn.

Bây giờ chúng ta nói cuộc sống là vô thường, Đức Phật Ngài hỏi:

"Này Chư Tỳ Kheo, cái gì vô thường thì cái đó khổ hay vui?"

Và câu hỏi của Đức Phật là câu hỏi tất cả chúng ta đôi lúc cần tự trả lời với chính mình "cái gì vô thường là khổ hay vui?"

Chữ khổ - dukkha trong kinh dạy không phải chữ khổ đơn thuần như chúng ta nói "tôi buồn quá, tôi khổ quá" kể lể thảm thiết. Không phải như vậy. Cái đó chỉ là một phần của khổ thôi, chỉ là một phần của cái gọi là khổ khổ -dukkha dukkha. Nó còn có sự rỗng không, sự rỗng không đó là cái gì đó nó là vô thường, tại vì sao vậy? tại vì nó đến nó đi bây giờ nó chỉ là một ký ức nhạt nhoà một dĩ vãng nhiều khi người ta không muốn nhắc đến nó nữa, tại vì sao vậy, tại vì mọi vật nó vô thường.

 Chúng tôi đã từng đến thành phố San Jose năm 1992, lúc đó có một đại hội Phật Giáo rất lớn, từ đại hội đó trải qua một quá trình không biết bao nhiêu thăng trầm, làm việc trong những tổ chức cũng như phong trào và bây giờ nhìn lại thì đúng là vô thường, đúng là tất cả đã trôi về quá khứ, thì quá khứ đó nó trống rỗng, ngay lúc chúng ta đang đối diện với cái gì, thí dụ như ngày hôm nay có người nào đó viết bài báo chửi mình cảm thấy phải phản ứng, mình cảm thấy chuyện đó quan trọng vô cùng, nhưng rồi năm năm, mười năm nữa nhìn lại thì thật sự nó không có gì, rất là vô nghĩa. 

Ngài Trungpa Rinpoche, một nhà Sư Tây Tạng viết một cuốn sách nói về đời sống vật chất mang tính tinh thần, vị này đặc biệt nói ngày xưa khi sống ở Tây Tạng thì cái gì ở Tây Tạng cũng quan trọng đối với mình, quan trọng đến đỗi sanh tử, sau đó đi tị nạn bên Ấn Độ thì lúc ở Ấn Độ thấy cái gì ở Ấn Độ cũng quan trọng, rồi từ Ấn Độ qua Anh cũng cảm giác như vậy, rồi qua Mỹ cũng như vậy, giờ nhìn lại thấy lúc mình sống ở đâu đó, một thời điểm nào đó, ở một nơi nào đó, thiếu điều muốn sống muốn chết, thấy chuyện đó to lớn vĩ đại nhưng khi nó đã qua rồi thì tất cả chỉ là hư ảo, tất cả chỉ là phù du. Chúng ta tự gạt lấy chính mình khi chúng ta nghĩ rằng vấn đề đó nó mãi  phải là quan trọng, mãi mãi là đau thương, mãi mãi là hạnh phúc. Không có gì là mãi mãi, nó chỉ là nhất thời, nó chỉ là giai đoạn, và do nó nhất thời, nó giai đoạn, do đó nó rỗng không, cái rỗng không đó đạo Phật gọi là dukkha thấy cái khổ ở trong cái vô thường.

3. vô ngã tưởng trên khổ - dukkhe anattasaññā.

Hàn quốc có một cuốn phim, cuốn phim đó nếu chúng tôi dịch theo nghĩa đen là "xuân, hạ, thu, đông, rồi xuân", nhưng có nhiều người dịch là "xuân đến xuân lại đi", trong tuần hoàn có mùa thu, có mùa đông, nó thay đổi, đối với chúng ta thì dầu chúng ta muốn giữ nó lại cũng không được, mà nó đi mình níu lại cũng không được, mà mình từ chối nó cũng tới, và lúc đó có thể mình làm lớn chuyện vì những thứ đó, nhưng sau một thời gian nhìn lại đã bao nhiêu mùa xuân, bao nhiêu mùa hạ, bao nhiêu mùa thu, bao nhiêu mùa đông nó đã đến và đi trong cuộc đời này, thậm chí chúng ta không còn nhớ nữa, thậm chí nó không còn là cái gì đó để chúng ta đau đáo phải nghĩ hoài, phải nhớ hoài và phải đòi hỏi nó phải thế này thế kia, tại vì cái bản chất của nó là như vậy, cái đó trong kinh Phật gọi là mình thấy cái vô ngã ở trong cái khổ, thấy cái khổ trong cái vô thường. 

Chúng ta tự nhận đó là "Ta", đó là "của Ta" là "tự ngã của ta", nhưng nó chỉ là sự lạm bàn, chỉ là sự mạo nhận thôi không là thật. Ví dụ, chúng tôi đang đi một chuyến máy bay chúng tôi gọi điện thoại cho ai đó nói: "chiếc máy bay của tôi đi đẹp quá" nhưng chiếc máy bay đang đi đẹp mà nói "chiếc máy bay của tôi" thì chữ "của tôi" thì không đúng, mình mua vé mình lên ngồi cái ghế, mình hãnh diện là mình ngồi cái ghế đó đẹp, chiếc máy bay đó đẹp nhưng sự hãnh diện đó nó phù ảo, nó chỉ là một cái gì hư ngụy không có thật, thậm chí nhiều người lên chuyến xe bus dành nhau chỗ ngồi và thiếu điều muốn đánh nhau vì chỗ ngồi, giận hờn nhau vì chỗ ngồi, nhưng khoẳng khắc rồi xuống xe thì chỗ ngồi đó không thuộc về của ai hết, xe bus vẫn tiếp tục đi, chỗ ngồi đó nhiều người khác sẽ đến ngồi. 

Cách đây vài hôm chúng tôi có đến thăm một ngôi chùa trước kia do vị sư Bà rất nổi tiếng ở Bắc California xây dựng trong thời kỳ khai sơn rất khó khăn, lúc đó người Việt ở đây mới nhập cư đi làm tiền bạc khó kiếm, Sư Bà chắc chiu từng chai nước, đi lượm từng ký giấy để gây qũy xây dựng ngôi chùa rất lớn, xây ngôi chùa xong Sư Bà ra đi, bây giờ nhìn lại ngôi chùa đó không thuộc về ai hết. Chúng tôi nhớ có đọc một bài báo nói năm 1937 tại California có 270 ngôi chùa của người Trung Hoa và về sau này cách nay khoảng 20 năm thì chỉ còn lại 25 ngôi chùa thôi, tức là còn lại 1 phần 10, bao nhiêu ngôi chùa đã không có Chư Tăng Ni ở tự giải tán, không duy trì được v.v...  Chúng ta thì luôn mong muốn cái gì đó gọi là ăn đời ở kiếp để xây dựng cái gì đó cho nó miên viễn cho nó mãi mãi. Nhưng mà rồi khi chúng ta đọc lại những điều đó chúng ta thấy rõ ràng tất cả đều vô thường. Đi hành hương cũng vậy, ở trên những vùng đất xưa kia từng là thời hoàng kim của Phật Giáo, từng có bao nhiêu ngôi chùa vĩ đại, từng có bao nhiêu bậc Thánh nhân ra đời, những con người để lại trong lịch sử những dấu ấn hết sức quan trọng, bây giờ tất cả chỉ là di tích còn lại một cách rất hờ hững với thời gian với một ít gạch đá, như vậy thôi . 

Thì khi chúng ta nhìn thấy mọi việc vô thường và trong cái vô thường đó mình hiểu rằng nó có tính rỗng không. Tính rỗng không đạo Phật gọi là dukkha khổ. Và cái gì vô thường là khổ, như lời Đức Phật dạy là không nên coi đó là "của ta" là "ta", là "tự ngã của ta". 

4. đoạn tưởng - pahānasaññā.

Và rồi có một thứ khác mà chúng ta gọi là  quán tưởng về đoạn diệt.

Trong kinh nói quán tưởng về pahāna đoạn diệt, ở đây là sự dứt khoát của chúng ta đối với dục tư duy, đối với sân tư duy và đối với hại tư duy.

Dục tư duy là cái gì đó mình quá ham muốn.

Sân tư duy là mình quá bực bội.

Hại tư duy là dẫn đến chuyện mang tánh cách cá nhân, đó là hận thù, oán thù.

Những điều đó nó ám ảnh, nhưng một khi mình nhìn ở khía cạnh khác, thí dụ như con người mình từ nhỏ tới lớn chỉ nghĩ tới hận thù, ai làm cái gì mình không vừa lòng thì mình rất bực bội, mình oán trách tức tối, nhưng lâu lâu mình nhìn lại một cái gì đó mà mình có khả năng buông, không dính mắc, một cái gì đó mình có khả năng đối xử nhẹ nhàng hơn là không có sân, một ai đó mà mình oán trách gọi là hại tư duy thù oán mà mình dứt bỏ được thì trong lòng mình cảm thấy nhẹ nhàng, cảm thấy hạnh phúc.

Bên Mỹ có cuộc sống thiếu nợ, người ta mua xe hơi cũng thiếu nợ, mua nhà cũng thiếu nợ, thậm trí mua bàn ghế cũng thiếu nợ, lúc mới mua mình rất mong người ta cho mình vay tiền, như mình thấy chiếc xe mới, mình mong muốn có nhà băng nào đó, có cơ quan tài chánh nào đó chịu cho mình vay tiền, và đơn vay tiền của mình được chấp thuận thì mình mừng lắm, cái mừng đó kéo theo những tháng ngày mệt mỏi mỗi tháng thấy có hóa đơn gửi về, hóa đơn cần phải thanh toán nợ. Có những người Phật tử đến gặp chúng tôi nói "hôm nay tụi con trả hết tiền xe mỗi tháng trả sáu bảy trăm", hoặc  "hôm nay trả hết tiền nhà". Chúng ta cứ so sánh hai trạng thái tâm lý lúc mình nộp đơn xin vay tiền để mua nhà mua xe người ta chấp thuận mình vui, nhưng sau đó những tháng ngày dài trĩu nặng rất buồn phiền, bây giờ khi không còn gánh nặng nữa mình cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái. Mình thử so sánh hai trạng thái, một trạng thái là đơn vay tiền được chấp thuận và mình tiếp tục trả nợ trong nhiều tháng nhiều năm sau đó, và một trạng thái khác là chúng ta trả hết nợ mình cảm thấy trả hết nợ thì cảm thấy khoan khoái. 

Bây giờ trong tâm chúng ta cũng vậy, sự dính mắc, sự bực bội hay sự thù oán, những điều đó khi mới xảy ra mình cảm tưởng nó là lẽ sống, nó là sức sống, nó có ý nghĩa. Con người thích hận thù, cái hận thù đó làm cho ngưởi ta khoái trá, hận thù làm cho người ta cảm thấy người ta có ý nghĩa. Nhưng mặt khác, mình đang bực đang hiềm hận với ai mà mình dứt được thì tự nhiên trong lòng nhẹ đi, trong Đạo Phật gọi là đoạn diệt sân tư duy, đoạn diệt được sân mình mới thấy hạnh phúc. 

Chúng ta nghĩ đến điều hơi khó nghĩ đó là ly thamđoạn diệt. Thật ra ly thamđoạn diệt là hai từ chỉ cho Niết-bàn, chỉ cho sự giải thoát.

 5. Vô tham tưởng - virāgasaññā.

Chúng ta vốn dĩ là quen với sự hạnh phúc của thủ đắc, hạnh phúc của dính mắc. Hạnh phúc thủ đắc là "làm sao để tôi có" "làm sao để tôi được". Nhưng cái có, cái được một thời gian sau mình thấy nó là gánh nặng nó là phiền phức, một khi mình không dính mắc nữa, một khi những điều đó không có, giống như mình đang nhức răng đi nha sĩ nhổ cái răng đó tự nhiên thấy nhẹ tênh, cảm thấy thoải mái. 

6. Diệt tưởng - nirodhasaññā.

Chúng ta chỉ thật sự cảm kích hạnh phúc của giải thoát khi nào mình nhìn thấy gánh nặng của đau khổ. Bởi vì đặc biệt Phật Giáo là một tôn giáo rất khác với những tôn giáo khác ở điểm này, cái điểm mà chúng ta nói ở đây là Phật Pháp dạy chúng ta  học hiểu sự hạnh phúc xuyên qua ngưỡng cửa của đau khổ, đau khổ là một thực tại, đau khổ là cái gì đó trần trụi, cụ thể, hiển nhiên trước mặt chúng ta thấy được nó, cái khổ của sáng nắng chiều mưa, cái khổ của thị phi, của vui buồn thương ghét, cái khổ của đói của khát, những cái khổ đó nó hiện thực rõ ràng. Nếu chúng ta học được bài học từ cái khổ đó và xuyên qua cái khổ đó chúng ta thấy được hạnh phúc thì lúc đó chúng ta mới thấy thế nào là giải thoát, thế nào là Niết-bàn.

 Ở đây dĩ nhiên, đa số chúng ta nghĩ phải chứng Niết-bàn mới hiểu được giá trị của Niết-bàn, không phải như vậy. Dĩ nhiên, bậc Thánh là bậc chứng Niết-bàn và các Ngài hoàn toàn thấy, hoàn toàn thấm thía, hoàn toàn an lạc với Niết-bàn, nhưng một người tu tập cũng có thể cảm nhận phần nào hạnh phúc của Niết-bàn. Như ở đây, Đức Phật không dùng chữ Niết-bàn mà Ngài dùng chữ ly tham Ngài dùng chữ đoạn diệt, chữ nirodha là chữ nói với chúng ta về sự chấm dứt những cột trói, chấm dứt những phiền não giống như mình bệnh mà được hết bệnh, mình thiếu nợ giờ mình không còn nợ nữa, mình đang bị cột trói bây giờ cắt giây cột trói ra, những điều đó cho chúng ta một cảm khái, một nhận thức Niết-bàn thật sự là hạnh phúc.

Trong kinh kể rằng: Có lần Chư Tỳ Kheo đi khất thực ở trong thành vương xá, thấy cảnh có nhiều người lính áp tải một tội nhân đang bị cột trói bằng sợt giây xích sắt, có lẽ đưa ra pháp trường. Thời xưa người Ấn Độ rất tiến bộ về luyện kim, họ làm những mắc xích giây sắt, thậm chí những giây lòi tói bằng kim loại để không có gươm dao nào có thể chặt được để cột trói tù nhân. Chư Tỳ Kheo về chùa sau khi dùng cơm xong thì bàn với nhau về hình ảnh con người bị cột trói bằng giây xích sắt, có lẽ thời đó xích sắc không có nhiều, thấy giây xích trói cũng là chuyện hiếm thấy. Chư Tỳ Kheo nói lên như vậy và lúc đó Đức Phật Ngài mới dạy:

- "sự cột trói của kiết xử còn bền chặt hơn xích sắt"

 Thì cho đến khi nào chúng ta nhìn thấy những tham, những sân, những oán thù, những phiền lụy trong cuộc sống là những sợi giây cột trói, và những sợi giây cột trói đó làm chúng ta bị phiền phức, làm chúng ta bị khổ, những giây cột trói làm chúng ta nặng nề, thì chúng ta mới có thể cảm nhận được cái đối ngược lại trạng thái tương phản đó là không có cột trói, không có gánh nặng, không có khổ đau, thì lúc đó mới thật sự hạnh phúc. 

Về điều này, khi còn nhỏ chúng ta ít có hiểu, hay lúc chúng ta mới sơ cơ chúng ta ít hiểu được, mình quan niệm hạnh phúc là tôi được ăn ngon, quần áo đẹp, được người ta khen là hạnh phúc, nhưng đến tuổi nào đó sự trưởng thành mình hiểu hạnh phúc là không vướng bận, hạnh phúc là không buộc ràng, hạnh phúc là không có khổ, hạnh phúc là không nợ nần, hạnh phúc là không có tội vạ, mình sống như vậy mới thật sự là hạnh phúc, buổi sáng mình đi vào chợ rồi đi ra mình không bị phiền não cảm thấy nhẹ nhàng đó là hạnh phúc. Thì thật sự cảm nhận về hạnh phúc, cảm nhận về an lạc nó thay đổi theo thời gian nhưng nó dựa trên kinh nghiệm thực tế của mình, không phải ai trong chúng ta cũng nhìn hạnh phúc từ một góc cạnh nhất định.

Kết luận

Bài học hôm nay chúng ta học về sáu pháp tưởng tức là chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra, đã kết thúc, đã hoàn tất để chúng ta có thể có một nhận thức về thực tại. Trong sáu nhận thức này: ba cái liên quan đến thực tại của thế gian  thực tại của vô thường, khổ, vô ngã, và ba cái sau liên hệ đến giải thoát đến Niết-bàn

Không phải chỉ có sáu pháp tưởng này, thật ra còn những pháp tưởng khác, như trong kinh Girimananda có mười pháp tưởng, và trong chương bảy pháp thì chúng ta sẽ có bảy pháp tưởng. Nói chung thì có nhiều phép tưởng, thỉnh thoảng ở trong mỗi mạch văn Đức Phật Ngài nói đến, ví dụ như Ngài giảng về tưởng sự bất tịnh, hay tưởng về không hoan hỉ đối với thế giới này, chúng ta nên nhớ như vậy, đại khái đây là những trang bị cho hành giả tu tập.

Khi tu tập đối tượng chúng ta phải đương đầu không phải miếng cơm manh áo, không phải là người này người kia, đối tượng hành giả phải đương đầu đó là phiền não nội tại tham, sân, hận thù, si mê, nghi hoặc, đối tượng hành giả phải đương đầu là vô minh. Thì chính những pháp tưởng khiến người hành giả tỉnh táo, chính những pháp tưởng này hành giả đặt lại vấn đề, chính những pháp tưởng cho hành giả nhìn thấy thực tại ở một góc độ khác, và khiến cho hành giả trưởng thành hơn, nhận sự việc một cách khôn ngoan hơn. Thì không có một vị nào tu tập ở trong các trường thiền, ở trong những trung tâm tu học thiếu những trang bị này mà cảm thấy an lạc lâu dài. Giống như chúng ta đến một vùng đất xa lạ mình phải có những trang bị cho mình về ngôn ngữ hay về sự hiểu biết ở địa phương về xã hội đó, có trang bị thì mình mới thoải mái sống được. Thì đời sống của chúng ta nếu chúng ta không có đủ trang bị cho mình về những cái nhìn qua góc cạnh vô thường, bất lạc, qua vô ngã, qua góc cạnh đoạn tận của ly tham, của đoạn diệt thì hành giả thật sự rất điêu đứng với cái gì xảy ra.

Trước kia khi những người Tây Phương, những người Âu Mỹ chưa đến tu tại các trường thiền với các vị Thiền Sư, đa số những Thiền sinh những vị tu tập ít có ghi lại những kinh nghiệm họ trải qua. Sau này, khi những người Tây Phương đến xuất gia với vị Thiền Sư như Ngài Ajahn Sumedho, Ngài Ajahn Amaro, Ajahn Brahmavamso thì thói quen của người Tây Phương là khi họ làm gì họ viết lại, cũng giống như ngày hôm nay đi khách sạn hay đi ăn tại các nhà hàng thì theo văn hóa Tây Phương dạy người ta là thức ăn nhà hàng đó ngon mình phải ghi lại để người sau họ biết nhà hàng đó như thế nào, ngon hay dở, món nào ngon v.v... thì những nhà Sư Tây Phương đến tu học và họ ghi lại cho chúng ta những bài học rất quan trọng, là khi chúng ta đến một trung tâm tu học một trường thiền việc lấn cấn đầu tiên là việc lấn cấn với chính mình, đây là thân, đây là tâm, đây là vui, đây là buồn, đây là cái mình thích, cái mình không thích v.v... các người ghi lại, chúng ta thấy rằng khi mình chưa có được những trang bị tốt thì mình nhìn chính mình nó lấn cấn. 

Có một lần chúng tôi đọc bài viết của một thiền sinh viết về những ngày đầu tu tập, vị đó nói: "bình thường không thấy gì nhưng lúc ngồi thiền tay mình cũng dư, chân mình cũng dư, tay dư không biết để đâu cho được, chân mình dư nó làm cho mình nhức mỏi v.v..." . Thì bình thường mình thấy tay chân cần thiết nhưng khi ngồi xuống kiết già đan tay lại và lúc đó cảm thấy cái tay cái chân mình thấy nó dư, và lúc đó mình thấy quả thật là để sống với chính mình nó là một nghệ thuật biết sống một mình, sống với thân với tâm và với phiền não của mình. Và những cách chúng ta tu tập về Vô thường tưởng, khổ tưởng trên vô thường, vô ngã tưởng trên khổ, đoạn tưởng, vô tham tưởng, diệt tưởng, sáu pháp tưởng đó giúp cho hành giả vượt qua những trở ngại về tâm lý rất lớn.

Một ngày nào đó chúng ta phải làm hòa với dĩ vãng, một ngày nào đó chúng ta phải nhìn lại quá khứ với một cõi lòng thanh thản và đó là một công án lớn của một kiếp người, chúng ta đi và chúng ta sống cuộc đời này bao nhiêu năm chồng chất cái dĩ vãng nó chồng chất, cái quá khứ đó là một nỗi đau hay là một cái gì đó làm cho chúng ta chua chát khi nghĩ về nó, chúng ta phải làm hoà, và một cách tốt nhất để chúng ta làm hòa với quá khứ với dĩ vãng với mình, đó là các pháp tưởng./.

No comments:

Post a Comment