Thursday, November 28, 2019

Bốn thiền - TT Giác Đẳng giảng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.4

iv) Bốn thiền


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 4 tháng 3, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay nói về bốn thiền. Một đặc điểm trong kinh điển, Đức Phật Ngài dạy, khả năng của chúng ta phải sống tách rời khỏi sự chi phối của năm cảnh: sắc, thinh, khí, vị, xúc. 

Đối với đời sống bình thường của chúng ta, sắc, thinh, khí, vị, xúc là lạc thú, hay gọi là dục lạc. 

Như mình nghe một bản nhạc hay, ăn một món ngon, đó là những dục lạc của đời sống. Cũng giống nhiều thứ dục lạc khác trong đời sống này, nó có hai phương diện, một phương diện là sự hưởng thụ, và một phương diện là sự lệ thuộc. 

Chúng ta ăn ngon cũng là một sự hưởng thụ, nhưng bên cạnh đó, cũng có sự phiền toái của cái ăn. Ví dụ như món ăn đó, mình không có thì không được, hay hoặc giả đi đến chỗ nào thức ăn của họ hoàn toàn không giống như  chúng ta nghĩ, lúc đó chúng ta thấy một sự sai biệt rất lớn, khi mình ăn những thứ không quen miệng, không vừa miệng. Và rồi mình ngửi những thứ mình cảm thấy không có mùi thơm. Mắt mình thấy những thứ không khả ái khả ý. Thì bây giờ chúng ta sẽ thấy, mình có một sự lệ thuộc nhất định. 

Nếu muốn biết rõ điều này, chúng ta cứ thử đi xa, đi đến một nơi nào đó, mọi thứ sinh hoạt đều khác lạ, từ thời tiết, cho đến thực phẩm, thì mình thấy rằng mình có sự lệ thuộc. Và khi mình đã lệ thuộc rồi, lúc bấy giờ, cái tự nhiên của tâm chúng ta là, dính vào năm triền cái, hay là, năm triền phượt cái. Năm triền phượt cái là, sự yêu thích, sự khó chịu, sự uể oải dã dượi, sự giao động và sự phân vân. Nói theo danh từ Phật học là, tham dục, sân hận, hôn thùy, trạo hối và hoài nghi. Những trạng thái tâm này vốn là, phản ứng tự nhiên đối với năm cảnh dục, hễ mình có thích cái này, thì mình có ghét cái kia.

Các dục khi mình hưởng dục bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Giống chiếc xe chạy một hồi có lúc nó phải nghỉ. Do nó chạy một lúc nó nghỉ thành ra khả năng bị mệt mỏi nhiều. 

Ở trong kỹ thuật ngày nay người ta nói hai thứ: một thứ gọi là mechanical là về máy móc, một thứ gọi là digitization là về số hóa. 

Cái gì thuộc về máy móc (mechanical) thì dễ hư tại vì nhiều bộ phận, bộ phận này chạy cọ sát vào bộ phận kia phải có dầu có nhớt, việc chuyển tải vận hành một nguồn máy móc tương đối đòi hỏi có sự nghỉ ngơi nhiều, như máy xe chạy lâu quá nó yếu. Những cái gì thuộc về số hóa thì độ bền nó cao.

Cũng tương tự như vậy, cuộc sống này khi hưởng thụ năm cảnh bằng, sắc, thinh, khí, vị, xúc, chúng ta phải xử dụng năm thần kinh là, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và do vậy người ta dễ dàng rơi vào trạng thái buồn ngủ. Mình thích cái nào nhiều, mình thích cái này thì bực bội cái kia, đâm ra mệt mỏi, buồn ngủ và dễ bị giao động. Giao động ở đây là, tâm mình không có định tỉnh mạnh. Con người mình sống ở trong cảnh dục càng nhiều tâm dễ bị căng thẳng, dễ vui, dễ buồn, dễ nóng giận, thiếu kiên nhẫn, tại vì chúng ta quen sống với năm cảnh dục, và nó dẫn chúng ta đến chỗ là chúng ta thường bị hoài nghi lưỡng lự v.v... đó là hiện tượng tự nhiên của tâm. Thí dụ như lái xe đi đến một nơi nào đó mình không biết quẹo trái hay quẹo phải, nó sanh ra trạng thái trù trừ. Mình đi vào thành phố lạ, sự trù trừ làm cho mình ngập ngừng. Ngoại giới luôn luôn cho chúng ta nhiều sự phân vân khác với nội giới, thế giới nội tại ít phân vân hơn.

Thì năm pháp: yêu thích, bực bội, dã dượi, giao động, và phân vân, năm pháp đó là
 năm căn bệnh cố hữu của người sống trong cảnh dục. Để vượt qua năm trạng thái này, Đức Phật Ngài có dạy hành giả nên huân tập năm chi thiền là, tầm, tứ, hỉ, lạc, định. 

Tầm
Tầm tức là khả năng hướng tâm, hướng một cách nhanh chóng, hướng một cách mau mắn vào đề mục thiền của mình. Thí dụ, một người quen học Phật Pháp để tâm mình hướng đến Phật Pháp rất nhanh, hay một người quen nói tiếng Anh thì nhập vào khả năng nói tiếng Anh rất nhanh. nhưng nếu làm cái gì đó mình không quen thì khả năng hướng tâm về chỗ đó không có nhanh, và chúng ta thường có tình trạng mất một ít thì giờ để có thể gom tâm.

Hướng tâm gọi là tầm.

Tứ 
Gắng bó với đối tượng gọi là tứ, chúng ta gọi là khắng khít hay gắng bó, hay áp sát tâm của mình vào. Các nhà chú giải dùng thí dụ con ong, tầm giống như con ong bay đến bông hoa, và tứ là con ong bay quanh bông hoa.

Hỉ
Hỉ là trạng thái hân hoan, hân hoan khi làm cái gì đó chúng ta cảm thấy thoải mái. Lấy ví dụ, chúng ta thích làm vườn, có một ngày đẹp trời ai kêu mình ra làm vườn, mình cảm thấy không khó chịu, và cảm thấy không mệt mỏi, mình cảm thấy rất sung sướng để làm vườn. Có nhiều thứ trong đời sống mình làm chuyện gì đó, tâm mình đặc biệt hân hoan thích làm, thì đó gọi là hỉ.

Lạc
Lạc là trạng thái hưởng cảnh. Tầm giống như con ong bay đến đóa hoa, tứ giống như con ong bay chung quanh đóa hoa. Tầm là hướng tâm đến, tứ là sự gắng bó với đối tượng. Hỉlạc hơi khó phân biệt một chút, thí dụ mình đang khát nước ai cho mình ly nước trái cây chẳng hạn, tự nhiên nhìn thấy ly nước đó ngon, thì cái mình thấy nó ngon mình hân hoan gọi là hỉ, nhưng mình uống vào thấy hết khát thì cái đó gọi là lạc, nó khác biệt hơn một chút. 

Định
Định, là khả năng bền, khả năng có thể kéo dài lâu, khả năng an trụ. Một dấu hiệu của thiếu tâm định là, chụp cái này, buông cái kia, chụp cái kia, buông cái nọ. Giống đứa trẻ nhỏ cho nó đồ chơi, ở mỗi đồ chơi nó chỉ chơi trong một khoản khắc rất ngắn, chán đồ chơi đó nó quăng đi, và đi tìm cái khác, đó là tâm của con nít. Tâm của chúng ta vốn không bền, muốn biết điều đó mình thử theo dõi hơi thở, theo dõi bước chân, hay niệm Phật, mình thấy ban đầu tâm để ý tới, nhưng trong vài ba phút thì bắt đầu sang cái khác. Cái không bền trong kinh được ví dụ như con khỉ chuyền cành, hay tâm viên ý mã, tâm giống như con khỉ chuyền cành, con khỉ không ngồi yên được, con khi chuyền từ cành này, qua cành kia, không có nghĩa là cành kia tốt hơn cành này, nhưng cái tật của nó là phải chuyền, nó nhảy tung tăng, đó không phải do nhu cầu, mà là do thói quen, thói tật nó như vậy. 

Đời sống của chúng ta cũng vậy, tâm của chúng ta không trụ lâu, khó trụ lâu, trừ khi có cái gì đặc biệt, chúng ta mới gắng bó, bình thường nó chạy từ nơi này sang nơi khác. Nhiều người nói ngày hôm nay mình dùng Ipad để  coi phim cả giờ đồng hồ, hay mình có thể vào internet cả giờ đồng hồ, như vậy là mình có trụ tâm, không phải, cứ tưởng tượng là mình xem phim, hết cuốn phim này đến cuốn phim khác, chứ mình không coi một thứ. Vào internet cũng vậy, không một màn ảnh internet nào mình coi quá 5 hay 10 phút, mình coi cái này, rồi lại đi qua cái khác. Do vậy tâm của chúng ta không có độ bền đối với sự việc, cái bền bỉ cho chúng ta có thể an lạc tâm tư lâu hơn.

Năm pháp tầm, tứ, hỉ, lạc, định đối trị lại năm pháp là:
 
Tầm (Vitakka): Có tác dụng đối trị hôn trầm, và thụy miên, trạng thái buồn ngủ, dã dượi của tâm.

Tứ (Vicāra): Đối trị hoài nghi, trạng thái lưởng lự phân vân.

Hỷ (Pīti): Đối trị sân, trạng thái buồn bực khó chịu.

Lạc (Sukha): Đối trị trạng thái phóng dật, trạng thái tán loạn, lao chao.

Ðịnh (Ekaggatā): Đối trị sự tham dục, trạng thái ái nhiểm, vọng mống.

 Mỗi chi thiền như vậy đối trị với một pháp cái. Một vị thành thạo năm pháp cái để đối trị năm chi phần, đầu tiên, vị đó hưởng thụ: 

 - Một là,  trạng thái hỉ, lạc do ly dục sân, trạng thái hỉ, lạc ở đây là, cảm thấy hân hoan, thoải mái, do tâm không còn bị chi phối bởi dục. Có tầmtứ tức là có đủ năm chi thiền, tầm, tứ, hỉ, lạc, định

 - Rồi, nếu vị đó thuần thục trạng thái thiền một thời gian thì không còn cần hướng tâm, không còn cần quán sát tâm nữa, vị ấy có thể bắt tay ngay vào việc. Lấy ví dụ, khi đã thạo việc gì, mình thể nhập vào công việc rất nhanh, khi chưa thạo việc, mình phải làm nóng máy. Tức là, tầmtứ là hướng tâm, áp sát tâm, rồi mình mới có thể có khả năng để hân hoan, để hưởng cảnh. Nhưng, trong trường hợp một người đã thuần thục, họ bớt tầm, tứ, chỉ còn hỉ, lạcđịnh, gọi là nhị thiền.

 - Sau một thời gian, do sự thuần thục, vị này không còn trạng thái hân hoan, hân hoan cái gì mới, hân hoan cái gì chưa có vừa mới có. Một khi đã đạt đến chỗ thành thạo rồi thì thể nhập ngay lập tức, hưởng cảnh ngay lập tức gọi là lạc, không có hỉ. Trạng thái này gọi là tam thiền, tức là chỉ có lạcđịnh.

 - Và một khi đã gắng bó nhiều, thuần thục nhiều, đã quen với cảnh rồi, thì lúc đó nó trả mình về với tâm điềm đạm nhiên nhiên gọi là, định xả, gọi là tứ thiền.

Thì ở đây:

 Ban đầu rời bỏ cảnh giới của dục, rời bỏ năm pháp cái, hành giả chứng và trú trạng thái sơ thiền, có năm chi thiền tầm, tứ, hỉ, lạc, định đầy đủ. 

Nhưng, sau đó do sự thuần thục hành giả chứng nhị thiền, một trạng thái hỉ, lạc, xả, và không tầm, không tứ

Qua trạng thái tam thiền, hỉ không còn, chỉ còn lại lạcđịnh.

Qua trạng thái tứ thiền, lạc cũng biến mất, nhường chỗ lại cho xả

Với năm chi thiền này, được ví dụ với cảnh giới của nội tâm của chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày. 

Khi đọc những chi thiền này, có thể mình nói "oh, mấy chi thiền này là, những thiền chứng xa xôi với đời sống lắm". Nhưng, nếu mình nhìn lại đời sống, qua những mô tả các thiền chứng này, mình hiểu được trạng thái của nội tâm. Ví dụ, tại sao tâm chúng ta thường căng thẳng, tại sao chúng ta thường bực bội, tại sao chúng ta thường không an lạc, những câu hỏi đó đối với người đời thì họ thường đổ thừa, mình không an lạc là do vợ, do chồng, do người này, người kia, do lý do này, lý do khác. Nhưng, với một người có hiểu Phật Pháp, có tu tập, thì hiểu đơn giản là, tại vì nội tâm của chúng ta không được tu tập đúng, không được tôi luyện đúng. Hễ nó không được tôi luyện đúng, thì nó gặp cái cảnh đó, cảnh đó dẫn đến chi phối, làm cho tâm bị rơi vào trong năm triền cái, do vậy mình không có an lạc.

Khi mình nói về bốn thiền của kinh tạng, chúng ta nên nhớ trong Vi-Diệu-Pháp chia làm năm thiền, như một đoạn trước, chúng ta học là, ở trong kinh tạng chia làm bốn thiền, bởi vì sơ thiền là đủ năm chi thiền. Bước qua nhị thiền thì không có tầm, không có tứ. Nhưng, riêng đối với Vi-Diệu-Pháp hay A-Tỳ-Đàm thì sơ thiền là có đủ năm chi thiền, nhị thiền là có tứ mà không có tầm, tam thiền là không có tầm không có tứ, và tứ thiền là có lạc có định, và ngũ thiền là chỉ có định và xả. 

Có nghĩa là, dù bốn hay năm thiền theo Vi Diệu Pháp hay A Tỳ Đàm cũng dựa trên năm chi thiền tầm, tứ, hỉ, lạc, định. Tuy nhiên đối với Vi-Diệu-Pháp li chi hơn, có phân biệt là có tứ mà không có tầm. Điều này, ở trong bài kinh Thập Thượng cũng có nhìn nhận, có đề cập đến, và trong kinh tạng nhiều chỗ cũng đề cập đến. Nhưng, cách phân biệt bình thường chỉ có bốn thiền. Thật ra, cũng không có khác biệt gì lớn.

Khi chúng ta đề cập đến bốn thiền này, mình hiểu đó là một cảnh giới rất cao của Samadhi, gọi là tam muội. Hành giả xử dụng một đề mục như đất, nước, lửa, gió, để tập trung vào đó phát hiện tâm ý. 

Nhưng, năm chi thiền này cũng có thể hiểu, và áp dụng trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Ví dụ, tầm là sự hướng tâm, cái gì mình thường hướng tâm, thường nghĩ tới, thì sự hướng tâm đó, chúng ta nhanh chóng để chú ý, nhanh chóng nhập cuộc. Người không có tầm mạnh, làm việc gì cũng lớ ngớ, cũng bỡ ngỡ, và làm cái gì cũng bắt đầu chậm chạp, bởi vì nó mất thời gian dài để chúng ta có thể thể nhập được. 

Một người quen nấu ăn, chỉ cần bước vào trong bếp, với một ít rau cải, một ít thực phẩm, họ nghĩ ngay đến nấu món ăn. Một người không quen nấu ăn, ngồi suy nghĩ hoài, về món ăn nào thích hợp để nấu. Hay một người làm thơ thành thạo, đi vào thế giới của thơ rất nhanh, còn người không thạo về làm thơ, để có cảm hứng, để có thể tuông ra những giòng thơ, giòng thi tứ, thì thật sự mất thời gian rất nhiều. Thành ra tầmtứ quan trọng ở chỗ mình làm thường, mình thành thuần thục. Tầm là hướng tâm, tứ là sự gắng bó, hướng tâm nhiều, gắng bó nhiều, chúng ta mau chóng thể nhập.

Hỉ, lạc. Trong đời sống này hỉ là hân hoan, lạc là sự hưởng cảnh. Hân hoan ở đây nghĩa là niềm vui, cái gì làm mình có vui thì mình làm nhanh và thoải mái, cái gì mình làm mà không vui thì thật sự giống như mình bị bắt buộc, hay gọi là trả nợ quỉ thần. Chúng tôi lấy ví dụ, qúi vị học Phật Pháp ở đây là do qúi vị thích vào học, thích nghe pháp, thì qúi vị hân hoan. Sự hân hoan làm cho qúi vị dễ nghe pháp. Ngồi thiền cũng vậy, tụng kinh cũng vậy, bất cứ cái gì mình làm mà ở đó có sự hân hoan, ở đó có sự yêu thích, thì gọi là pháp hỉ, mình làm có thoải mái. Người không có hân hoan thì làm nó cho có, người ta gọi là "vui là vui gượng kẻo là". Làm cho có vậy thì mệt lắm, cực khổ lắm. Như cũng thời tụng kinh có người tụng kinh họ rất là vui, rất là thoải mái, có người tụng kinh rất khó khăn, cái quan trọng là có hân hoan hay không hân hoan. Làm vườn cũng vậy, học Phật Pháp cũng vậy, bất cứ việc gì. Cái pháp hỉ, cái niềm vui, nó làm cho chúng ta làm việc chơn chu, nhẹ nhàng, không có nặng nề.

Định là nước bền, định là sự bền bỉ, các Thiền Sư thường hay ví dụ, ánh sáng mặt trời nếu dùng kính lúp gom ánh sáng vào sẽ tạo ra sức nóng, ra lửa, tương tự như vậy tâm của chúng ta hàng ngày nó bàng bạc ở khắp nơi, miên man hết nhảy qua bên này, nó nhảy qua bên kia, nó không tạo được tâm lực, sức mạnh của tâm. Nếu tâm của chúng ta tập trú thật sâu, thật mạnh, thật bền, vào một cái gì đó sẽ tạo ra màu nhiệm, phép màu nhiệm đó chúng ta không tưởng được. Chúng tôi thấy trong đời sống hàng ngày, làm việc gì mình tập trung hoài, nó tạo ra trí tuệ, tạo ra niềm an lạc, tạo nhiều thứ. Nhưng đặc biệt, người càng trưởng thành, người càng giỏi ở lãnh vực gì đó, thì khả năng định tâm, khả năng bền bỉ trong chuyện đó luôn luôn phải có. Người sống hời hợt, thường không tập trung, không tập trung thì khó bao giờ họ đi chỗ nào cho xuyên thấu, cho thấu triệt được. Nên sự bền bỉ giúp chúng ta đạt đến sự thuần thục. Do vậy, tam muội định là, năng lực tập trung, và nó tạo ra năng lực màu nhiệm, tạo ra rất nhiều điều đáng để chúng ta hoan hỉ trong cuộc sống này.

Năm chi thiền này không phải là những gì khó hiểu, nhưng chúng ta cần phải nhớ. Và năm chi thiền này tạo nền tảng giúp chúng ta vượt thoát khỏi các chi phối của năm dục: sắc, thinh, khí, vị, xúc. Ở đây là, nói về một phần tự nhiên của đời sống chúng ta ./.

No comments:

Post a Comment