Hỏi: Làm thế nào chúng ta giải thoát được khổ đau tạo nên do lòng ái dục không biết thoả mãn và lòng tham mù quáng?
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên ngày 11-25-2014)
TT Giác Đẳng: Về điểm này, trước nhất chúng ta nên theo tinh thần của Đạo Phật: chúng ta nhận chân ra một chân lý đó là không ai có thể thoả mãn được lòng tham của mình. Bởi vì lòng tham tự nó nếu nó thoả mãn, nếu nó bằng lòng thì nó không tham nữa, nếu biết đủ rồi không ham muốn thì không sanh lòng tham nữa, đã là lòng tham có nghĩa là một sự hi cầu một sự tìm kiếm và bản chất tìm kiếm đó không phải vì nó đạt được những gì muốn nó sẽ bằng lòng nằm ở tại đó. Dĩ nhiên, chúng ta rất dễ bị nó gạt, chúng ta nghĩ rằng nếu mình có một chiếc xe như vậy, có một ngôi nhà như vậy, mình được sống với một người như vậy thì mình cảm thấy đầy đủ và không bao giờ mình đòi hỏi thêm cái gì nữa hết. Nhưng bản chất của tham ái thì nó vốn không như vậy.
Thứ hai, ái dục là một trong những căn để phiền não mà căn để phiền não đó có thể nói rằng về sức chi phối đời sống không thua gì vô minh. Có nghĩa vô minh và ái dục là hai tác năng rất lớn ở trong việc chi phối cả sự hiện hữu của chúng sanh ở trong cuộc đời này. Do vậy, không phải thứ phiền não thường như ham ăn mê ngủ, nó có thể xuất hiện với rất nhiều tướng trạng khác nhau từ trong một con người hết sức thô thiển. Thí dụ như nhậu nhẹt, cờ bạc v.v... cho đến ngay cả một vị có tâm hướng cầu vào trong cảnh giới hết sức tế nhị như muốn sanh về cõi phạm thiên Đức Phật gọi là dục ái, hữu ái, và phi hữu ái. Thì hữu ái và phi hữu ái nằm ở mức độ rất tế nhị, tế nhị đến đỗi một người bình thường chúng ta không nhận ra.
Nên chi trong câu hỏi làm thế nào mình giải thoát khổ đau tạo nên do lòng ái dục?
Trong quan niệm bình thường của chúng ta, chúng ta chỉ nhìn nếu mình thương anh A, hay thương cô B, bây giờ anh A hay cô B đó chết đi hay không sống với mình nữa thì mình khổ, cái đó là khổ ái dục thường thức.
Nhưng chữ "ái dục" đạo Phật đề cập đến là cả một sự đi tìm kiếm. Chúng ta có mặt chuyện đó không ai có thể làm chúng ta không có mặt được. Nhưng có mặt thì chúng ta phải đi tới cũng như người ta nói sống phải có hi vọng. Thì con người đi tới là phải truy tìm ở tương lai cái gì đó.
Dù đó là dục ái, hữu ái hay phi hữu ái, thì ái dục hiện hữu với hình thức hết sức tế nhị như một người tha thiết để ăn một chiếc bánh kẹp ngon miệng. Hay một người rất say mê một câu thơ. Hoặc giả một người rất sung sướng tìm ở trong nét bút thư pháp của mình có thể trong thư pháp của mình làm vài đường nét rất mãn nguyện. Ba cảnh giới đó hầu như ba cảnh giới khác biệt và có cái thô có cái tế. Nhưng cả ba đều có sự dính mắc của ái dục.
Nói như vậy để thấy rằng: khi hỏi làm thế nào chúng ta giải thoát được khổ đau của ái dục? Nó tương đương với sự giải thoát sanh tử sự chứng ngộ đạo quả.
Ngay trong đời sống này, nói đến một cảm giác đam mê hay một sự dính mắc làm cho mình đau khổ. Một trong những cách làm giảm bớt sự đau khổ đó là chúng ta biết sự vừa chừng. Sự vừa chừng này có ý nghĩa rất hay thông thường chúng ta thường bỏ qua.
Trong đạo Phật có chữ "Upekkha" một chữ nói về khả năng quân bình giữa vui và khổ, người ta thường dịch là "Xả" có nghĩa trạng thái thản nhiên. Chữ Từ, Bi, Hỉ, Xả không có ý nghĩa như vậy. Chữ "Hỉ Xả" trong đạo Phật có nghĩa một trạng thái tâm quân bình không có chênh lệch. Ở trong sớ giải ví dụ chữ "Upekkha" giống như một người đánh xe người đó phải điều khiển hai con ngựa song hành không có con nào vượt trội quá. Nếu trong đời sống này chúng ta có được những niềm vui và những điềm vui rất lớn thì trong lúc vui chúng ta cứ vui không có sao nhưng chúng ta cũng nhớ rằng niềm vui này rồi cũng sẽ đi qua và nếu chúng ta quá vui với điều đó có nghĩa lúc chúng ta khổ chúng ta sẽ khổ nhiều. Nói một cách đơn giản, người ta khen mình mình sung sướng bao nhiêu khi người ta chê mình mình khổ bấy nhiêu, không có ai khi người ta khen mình mình sung sướng và khi người ta chê mình thì lại thản nhiên được.
Do vậy, khi mình vui với cái chúng ta cảm thấy hân hoan với hạnh phúc chúng ta cũng nhớ rằng cái giá phải trả cho cảm xúc đó là gặp những trái ý nghịch lòng chúng ta lại khổ hơn. Sự quân bình ở đây rất cần thiết để làm giảm bớt sự đau khổ. Có thể nói trong suốt cả đời người của chúng ta, chúng ta giống như quả lắc của đồng hồ nó từ bên phía bên này đưa qua phía bên kia, từ phía bên kia nó trở lại phía bên này, và nó không bao giờ đưa qua phía bên trái và trở lại phía giữa nằm yên hay đưa bên phải rồi trở về nằm yên ở giữa, nó càng kéo qua bên phải nhiều thì nó sẽ đưa về bên trái nhiều chừng đó, nó đưa về bên trái nhiều bao nhiêu thì nó đưa về bên phải nhiều chừng đó. Đó là luật tự nhiên của đời sống.
Vì vậy, thỉnh thoảng chúng ta nên tự nhắc mình để chúng ta tìm được sự điềm đạm, tìm được sự quân bình trong cảm xúc để rồi chúng ta không để tâm của mình phiêu lưu quá xa đến đỗi chúng ta quá vui với cái gì đó rồi khi buồn lên thì buồn da diết buồn đến đỗi không có thể cứu được, đó là điều không may chúng ta đã không hiểu được cảm xúc của mình và chúng ta đã để cho nó được bộc phát mà hoàn toàn không có một sự tu tập, không có như lý tác ý và chúng ta phải trả giá rất đắc cho điều đó./.
No comments:
Post a Comment