Hỏi: Cũng là một cái biết lại được gọi là liễu tri và tưởng tri, Như vậy hai tri này cái nào giúp ích cho sự giải thoát?
Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên ngày 4-12-2014
TT Giác Đẳng: Theo truyền thống, gọi là biết của chúng ta thường được phân loại làm ba, đó là cái biết của "tưởng tri", cái biết của "thức tri", và cái biết của "thắng tri". Chữ "thắng tri" ở đây là một từ khác của từ "liễu tri".
Lát nữa chúng ta sẽ nói vì sao có danh từ "liễu tri" và "thắng tri".
- Cái biết của "thức tri" là một cái biết bằng giác quan của chúng ta. Ví dụ cái biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Cái biết này tương đối đơn thuần trực tiếp. Ví dụ như qua cái biết của con mắt thì chúng ta ghi nhận được hình ảnh màu sắc như vuông, tròn, dài, ngắn, xanh, vàng, trắng, đỏ v.v... và cái biết này thuần túy là cơ năng của đời sống tức cái biết của mắt, cái biết của tai, cái biết của mũi, của thân.
- Cái biết của "tưởng tri" thì đi xa hơn một chút, "tưởng tri" ở đây là kinh nghiệm cái gì chúng ta đã trải qua trong cuộc đời này. Và "tưởng tri" đó cho chúng ta một cái nhìn về cuộc sống khác biệt giữa người này và người khác. Lấy ví dụ như trong trường hợp chúng ta cũng nhìn một đóa hoa tường vi nhưng có một số người thấy đóa hoa tường vi nó đẹp nó có cảm xúc khác với những người khác nhìn thấy chỉ để mà nhìn thấy thôi. Sở dĩ có cái nhìn khác biệt giữa hai người cùng trong một đóa hoa như vậy mặc dù cùng màu sắc và cùng bối cảnh nhưng sự khác biệt đó là khác biệt của "tưởng tri". Tưởng là cái gì chúng ta đã trải qua, nó là kinh nghiệm, nó là sự hấp thụ, và nó là sự giáo dục mà "tưởng tri" đó nó cho chúng ta một vốn liếng của sự biết và từ đó chúng ta lượng định đánh giá hay chúng ta có một thái độ khác. Lấy ví dụ khác nữa là có một lần nào đó có một người mặc một chiếc áo màu vàng và người đó làm việc gì đó làm cho chúng ta rất hoan hỉ về sau chúng ta gặp một người mặc áo màu vàng tự nhiên trong tâm hồn có một cảm giác rất thân thiện, thì điều đó cũng là một hình thức "tưởng tri" nhưng căn bản "tưởng tri" tức là cái gì mình trải qua kể cả ý tính, kể cả sự giáo dục, kể cả kinh nghiệm.
- Sau cùng "thắng tri" là một cái biết nó ra sao thì nhận nó như vậy không thêm cũng không bớt và không để nó chi phối bởi thành kiến, định kiến, chủ kiến của mình. Như trường hợp Đức Phật Ngài dạy rằng đối với một kẻ vô văn phàm phu khi đối chiếu với thế giới này, thế giới này gồm có địa đại phong đại, hoả đại, thủy đại, thế giới này từ cõi thấp đến cõi cao từ Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, Thắng Giả v.v... và khi kẻ phàm phu đối diện với điều đó thì lại liên tưởng đến một thái độ gọi là lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này. Khi lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này là cái nhìn của chúng ta về cuộc sống khi nghe một tin tức hay đi ngắm cảnh chúng ta đặt vấn đề rằng cái này là của ta, là ta, là tự ngã của ta, cái này là miền Nam, miền Trung, miền Bắc, cái này là người Đông Phương, người Tây Phương, cái này thuộc về dân tộc của mình, cái này không thuộc về dân tộc của mình v.v... Cái đó gọi là lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này. Nhưng với một người nhìn thế giới này nó ra sao nhận nó như vậy không để nó bị chi phối bởi những định kiến thành kiến như vậy mà người đó có thể đến rất gần với cái gọi là thực tính của các pháp thì điều này gọi là "thắng tri". "Thắng tri" tức là một cái biết mà cái biết đó hoàn toàn nó ra sao thì chúng ta nhận nó như vậy. Như một câu nói rất giản dị của Đức Phật dành cho Bahiya:
"khi con thấy chỉ biết là thấy, khi nghe biết là nghe, cái biết đó nó phải được huân tập và nó phải có một tâm định cao để có thể liên tưởng, để có thể nghĩ đến, để có thể nhận ra đối tượng mà không có một thành kiến định kiến gì".
Chúng tôi xin nhắc một điểm là chữ "thắng tri" cũng có thể dùng ở đây tương tựa như chữ "liễu tri". Chữ "liễu tri" ở đây là nhìn thấy biết và biết một cách chân tướng xác thực. Ví dụ, chúng ta biết sự thật qua tướng của Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.
Và sở dĩ gọi là "liễu tri" bởi vì nhìn một cách thấu triệt.
Sở dĩ gọi là "thắng tri" tại vì cái biết này cũng còn có khả năng đoạn diệt được phiền não nên chi cái biết này gọi là thắng tri hay gọi là liễu tri.
"Tưởng tri" là cái bình thường ở trong đời sống của chúng ta, sự hấp thụ của chúng ta thuộc về quá khứ có khi tốt hay xấu. Nhưng riêng về cái gọi là "thắng tri" thì điều đó là một cánh cửa của sự giải thoát và đó là một điều phải có trên cái đạo lộ dẫn đến giác ngộ ./.
No comments:
Post a Comment