Hỏi. Sự lựa chọn lành mạnh hay không lành mạnh là trách nhiệm của chúng ta.
Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 24-11-2014, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Có những cách diễn tả rất chuyên môn của Phật Pháp như chúng ta nói xúc thọ tưởng tư v.v... Nhưng chúng ta cũng có thể nói bằng ngôn ngữ thường thức ở bên ngoài. Ví dụ, chữ "xúc" căn bản là sự gặp gỡ giữa căn cảnh và thức. Chúng ta có con mắt, dĩ nhiên không phải cái gì mình thấy đều hoàn toàn do mình làm chủ nhưng nó cũng có sự lựa chọn. Giống như mình vào trong internet thì có hàng trăm hàng ngàn thứ lựa chọn, mình đọc cái gì mình xem cái gì đó là sự lựa chọn của mình. Ngay cả trong đời sống hàng ngày một người Phật tử đi chùa cái gì người ta nghe cũng là do sự lựa chọn, có nhiều người ít thích nghe pháp, có nhiều người ít thích đàm luận Phật Pháp mà thích nghe chuyện thiên hạ, chuyện người này người kia, nghe nhiều thì sanh ra phiền não, đó là sự lựa chọn của mình. Hay hoặc giả thời nay trong việc ăn uống chúng ta ngồi quanh bàn trước mặt có thực đơn, hay buổi sáng vô tiệm McDonald chúng ta cũng có sự lựa chọn những thứ nào nhiều cholesterol, thứ nào ít cholesterol, những thứ nào có lợi những thứ nào không có lợi cho sức khỏe.
Nói chung, thế giới này không phải hoàn toàn được lựa chọn theo ý mình muốn nhưng chúng ta sống ở chừng mực ở sự tương đối nào đó thì chúng ta cũng có sự lựa chọn. Đôi khi có những thứ xem rất vô hại nhưng phải coi chừng. Giả xử như ngày nay người Hoa Kỳ họ bắt đầu ý thức được những phim bạo lực trên TV chiếu nhiều, trẻ em coi nhiều quá thì sanh ra nhiều tội ác ở trong xã hội, có những em còn rất nhỏ 15, 16 tuổi lấy súng của cha mẹ vào trong trường bắn bạn bè của mình bắn những học sinh khác giống như bắn vịt trời mà không biết hệ quả ra sao, cũng vì tuổi trẻ coi những phim bắn giết nhau hoặc chơi những game bạo động, mới nhìn thì không có gì nhưng lâu ngày ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống. Người xưa có câu "bậc trí 3 ngày không đọc sách xem gương thấy mặt xấu xí". Nếu chúng ta không thường tư duy những điều tốt đẹp chúng ta không thường nghĩ tưởng những giá trị cao qúi thì thật sự tâm trí chúng ta có suy sụp có đi xuống. Một điều rất đương nhiên, người ta nói khôn nhờ dại chịu, không ai chịu trách nhiệm cho chúng ta về việc đó hết đặc biệt trong một thế giới có quá nhiều thứ để lựa chọn và khi có nhiều thứ để lựa chọn thì trách nhiệm nằm ở chúng ta rất nhiều vì chúng ta sẽ chọn cái gì mình cảm thấy lành mạnh cảm thấy thích hợp và chúng ta sẽ tránh những gì chúng ta nghĩ ảnh hưởng đến mình nhiều.
Đọc trong Túc Sanh Truyện chúng ta thấy Bồ Tát ngày xưa cho dù Ngài là một vị vua hay một vị thương gia khi Ngài nhìn thấy hệ lụy của sanh tử thì Ngài quyết định từ bỏ để vào rừng sống một mình, đó cũng là sự lựa chọn.
Môi trường ảnh hưởng chúng ta rất lớn, một khi chúng ta nói môi trường là cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, mình nếm, đụng, tiếp xúc. Khi chúng tôi mới sang Mỹ chúng tôi cứ nghĩ văn hóa này thật sự rất khác văn hóa mình, ở đây cả 100 năm đi nữa mình cũng không thay đổi tại vì một, mình là người Việt Nam nó đã ăn sâu vào trong xương tủy mình rồi, thứ nữa, là một vị tu sĩ trong chùa môi trường đó không ảnh hưởng nhiều. Nhưng khi chúng tôi sống ở đây 5, 7 năm sau khi có giấy tờ quốc tịch, có passport Mỹ thì đi nước ngoài mới khám phá ra mình đã thay đổi nhiều, mình đã bị Mỹ hóa nhiều. Tức là có một số ảnh hưởng cái nhìn của mình nhiều. Việc này đơn giản thôi. Sở dĩ nói đơn giản là vì đời sống tự nhiên mình có dịp tiếp xúc có những tương tác đối với hoàn cảnh ở chung quanh cho dù mình muốn hay không muốn đi nữa. Chúng tôi có quen với một vị Thầy, Thầy tu bên Bắc Tông, vị Thầy này rất ghét Trung quốc vì Trung quốc xâm lăng Việt Nam và vị Thầy này cũng muốn từ bỏ tất cả những gì thuộc Trung quốc, nhưng có thể nói từ nhỏ đến lớn sống ở trong chùa Bắc tông dùng chữ Hán rất nhiều, theo nghi thức Trung quốc rất nhiều, và cái gì Trung quốc cũng thấy đẹp, bây giờ tự nhiên mình không thích không sài đồ Trung quốc nữa thì mình cảm thấy nó thiếu nó vắng cái gì đó. Vị này tâm sự với chúng tôi mặt dầu không thích Trung quốc nhưng từ hình tượng cho đến chữ nghĩa cho đến những văn hóa phẩm đã quen rồi. Vấn đề của chúng ta là quen mà thôi.
Một hiện tượng chúng ta thấy loài người ở trong thế kỷ này có xu thế dời về thành thị và cuộc sống của thành thị đã thay đổi bản chất chúng ta rất nhiều hơn ở nông thôn, sống ở vùng đất mà hoa đồng cỏ nội đã ảnh hưởng đời sống chúng ta mỗi ngày, một nơi mùi của đất thanh khí của bầu trời làm cho chúng ta có được cảm giác rất lạ thì điều đó chúng ta không tìm thấy ở trong cái náo nhiệt của thành thị. Và các nhà tâm lý học ngày nay cũng nhận rằng chính sự phát triển của những khu vực thành thị, những khu vực thị tứ người ta sống giữa đám đông nhưng con người mình cô độc hơn, con người nặng về chủ nghĩa cá nhân hơn, vô cảm đối với khổ đau của người khác.
Chúng tôi nhớ cách đây nhiều năm HT Nhất Hạnh có viết một tác phẩm "Cửa tùng đôi cánh gài". Tác phẩm nói về một người lên non cao tầm thầy học đạo và sau một thời gian hấp thụ được lời dạy của thầy thì sẵn sàng xuống núi và thầy đã trao cho người học trò thành đạt đó một kiếng chiếu yêu. Người này đi du phương trong dân gian dùng kiếng chiếu yêu đó để rọi chiếu người khác để chiếu xem ai là yêu ma. Rồi có một ngày nhớ thầy nhớ bạn nhớ núi và đã trở về núi thì cánh cửa không mở ra để đón tiếp người học trò ưu tú trở về. Và sau đó người này mới phát giác ra khi mình dùng kiếng chiếu yêu chiếu lại chính mình thì mình đã có hơi hám yêu khí quyện trong người. Sau một thời gian lăn lộn với đời thì sự tạp nhiễm là một điều tự nhiên. Câu chuyện đó rất thú vị.
Mỗi chúng ta trong cuộc sống ngay cả khi chúng ta trỉ trích người khác. Trỉ trích người khác là hiếu chiến, là cao ngạo, là ích kỷ. Trỉ trích người khác là sống thế này sống thế kia. Nhưng đôi khi những điều đó vô tình từ từ đi vào trong tâm trí mình và nó trở thành kiểu mẫu mà chúng ta không hay. Và một ngày nào đó mình nhìn lại chính bản thân của mình thì mình không khác hơn cái người mình trỉ trích bao nhiêu hết. Điều đó là một trong những hiện tượng thấy nhiều ở trong cuộc đời.
Thì như vậy, thế giới này chúng ta sống ở chừng mực ở sự tương đối nào đó thì chúng ta cũng có sự lựa chọn. Lựa chọn lành mạnh hay không lành mạnh là trách nhiệm của chúng ta./.
No comments:
Post a Comment