Hỏi: Nguyên nhân nào đưa đến sự tranh chấp ?
Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Một bài kinh rất nổi tiếng trong bộ Trường Bộ Kinh là kinh Đế Thích Sở Vấn, một lần Đế Thích đến đảnh lễ Đức Phật và Đức Phật Ngài thuyết pháp cho Đức Trời Đế Thích. Trong buổi gặp gỡ này Đức Trời Đế Thích đã đảnh lễ Đức Phật và xin được hỏi câu hỏi là tại sao chiến tranh, tranh chấp, hận thù xảy ra ở giữa loài người và ở trong Chư Thiên trên thế gian này, Đức Phật Ngài giải thích rằng chính do hai pháp ganh tỵ và bỏn xẻn. Ganh tỵ là tâm đố kỵ không vui với sự thành đạt của người khác, người ta giàu hơn mình, người ta đẹp hơn mình, người ta thành công hơn mình thì mình không hoan hỷ, mình cảm thấy bực bội khó chịu. Bỏn xẻn là mình sợ cái gì mình đang có sẽ bị lấy đi, sẽ bị tổn giảm, sẽ bị vơi đi, và chính hai pháp này đã tạo ra vô số máu và nước mắt ở trong lịch sử của nhân loại.
Đạo Phật dạy về hạnh xả ly, hạnh buông bỏ, nếu chúng ta không tu tập hạnh buông bỏ, hạnh xả ly chúng ta chính là nạn nhân của chính mình. Nạn nhân của chính mình là do ganh tỵ và bỏn xẻn, do tỵ hiềm đối với cái được của người khác và do sợ cái mất của mình. Nên chi cả hai điều này dẫn con người vào một cái nhìn, cho dù đó là một viên ngọc và viên ngọc ở trong tay người khác họ cũng không nhận đó là một viên ngọc, và cho dù họ có thể đi tìm thấy những ánh sáng từ một nơi khác thì họ cũng không tìm mà họ chỉ khư khư ôm lấy cái gì mà họ có được.
Ở trong thời đại người ta cổ võ chủ nghĩa tiêu thụ, người ta cổ võ tinh thần làm giàu bản thân thì trường hợp này đã tạo nên không biết bao đau khổ mất mát và những nghiệp hết sức nặng nề. Với một người Phật tử chúng ta tin vào lý nghiệp báo, biết một người tu tập mình khuyến khích họ tu tập phước đức của mình tăng trưởng rất nhiều, nhưng nếu một người phát tâm tu tập chúng ta ngăn cản họ, chúng ta gây trở ngại cho họ quả thật nghiệp bất thiện rất nặng.
Chúng tôi lấy ví dụ, một nhà Sư đang trụ trì một ngôi chùa và nếu một người Phật tử của mình phát tâm muốn đi tu thiền với một vị thiền sư nào đó hoặc quen hay không quen với mình, mình có thể nghĩ người Phật tử này đi tu thiền khi trở về họ không còn đi chùa mình nữa, hay khi trở về họ nghĩ mình không cao siêu như họ nghĩ, hoặc giả họ sẽ phát tâm trong sạch cúng dường, sùng bái vị thiền sư kia nhiều hơn mình. Do vậy mình sẽ cản trở người này, mình nói ra nói vào với họ là vị thiền sư đó không hẳn là vị tốt, vị đó tu chỉ bề ngoài thôi chứ không có thực chất v.v... Như vậy chẳng những mình làm mất đi những lợi ích của người đó mà bản thân của mình tạo một nghiệp rất lớn. Bởi vì một người phát tâm trong sạch muốn tu tập mình ngăn trở không khác gì chúng ta làm một hàng rào để người đó bị giam hãm vào, như người ta có mắt mình bịt mắt người đó lại bản thân của chúng ta sanh ra đời sau chịu nhiều nghiệp rất nặng, chỉ một chút danh lợi trong đời này mà gây ra bao nhiêu cái nghiệp nặng về sau này, có lẽ là một việc không dễ dàng để chúng ta nhận thấy như vậy.
Ngày hôm nay chúng ta thường nghe nhiều tranh chấp, nhiều lời nói đố kỵ qua lại trong cộng đồng Phật giáo về cá nhân này hay cá nhân khác. Thường thường người ta hủy báng mạ lỵ nhau đơn giản vì danh vì lợi chứ ít khi vì giá trị thực sự. Quí vị để ý như vầy những người sống rất tầm thường ở trong cuộc đời này ít khi họ bị miệt thị, bởi họ không phải là đối tượng để người khác tranh chấp, nhưng những bậc tu tập thanh tịnh tốt đẹp, những bậc danh tăng có tiếng tăm rất thường bị đố kỵ bị dèm xiểm rất nhiều. Bởi vì có một số cá nhân họ rất sợ những ảnh hưởng của những vị này liên quan đến đời sống của họ và cho dù một số cá nhân đó có khả năng, có sự tu tập ở trong đời sống đến đâu đi nữa, nhưng thái độ đố kỵ sẽ khiến cho những vị này đánh mất đi cái lợi ích của chính mình và dần dà rơi vào một hoàn cảnh mà chính mình lại đào bứng cái gốc rễ của mình.
Phải nói một điều, đối với chánh pháp chúng ta phải bỏ ra rất nhiều thì giờ để chiêm nghiệm để hiểu giá trị của chánh pháp, và trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải thấy được giá trị của chánh pháp trên hết. Nếu chúng ta hiểu được giá trị của chánh pháp thì những ai phát tâm với chánh pháp, hoan hỷ với chánh pháp, dù rằng chánh pháp đến từ mình hay đến từ bất cứ người nào khác chúng ta cũng hoan hỷ.
Ở trong số các vị Chư Thiên có một hạng Chư Thiên sống trong cảnh giới gọi Tusita là Cung Trời Đâu Xuất, phần lớn những Chư Thiên sanh về cõi này là những vị phát tâm trong sạch hoan hỷ đối với chánh pháp, nhìn thấy vẻ đẹp của chánh pháp, cái rực rỡ oai nghi của chánh pháp, và vị này sanh lên cõi trời đâu xuất, tại cõi trời này các vị tiên thường quây quần trong pháp hội, và những pháp hội này được thuyết giảng thường là bởi những vị Bồ Tát sắp chứng quả Vô Thượng Chánh Giác, đây là một cảnh giới rất vi diệu, cảnh giới này được thành tụ là do những người ưa thích chánh pháp. Có lẽ trong đời sống của chúng ta một trong những điều để chúng ta vượt qua những đố kỵ những bỏn xẻn là chúng ta nên biết làm thế nào để cảm kích chánh pháp thay vì đặt mình vào thế miệt thị hủy báng chánh pháp.
Ngày hôm nay tất cả Chư Tăng trong cuộc sống hằng ngày từ y áo, cho đến thực phẩm, cho đến tứ sự, cho đến những sự cúng dường khác Chư Tăng có được, những điều đó không phải Chư Tăng có bởi vì tài năng cá nhân của mình, thật ra Chư Tăng có được là nhờ ở Đức Phật nhờ ở sự rạng rỡ của chánh pháp, dù chánh pháp ở thời đại nào đó đã cho cuộc đời một cái nhìn về những nhà Sư như thế nào, và ở trần gian này người ta đã giúp đỡ sao cho Chư Tăng sống như thế nào, thì một người xuất gia hay người cư sĩ khi đến chùa tu tập chúng ta quan niệm rằng cái gì chúng ta có được không phải từ cá nhân của mình mà từ di sản của chánh pháp, không có Đức Phật, không có giáo pháp thì mình không có những điều đó, nên chi bất cứ ai làm cho chánh pháp được hưng thịnh mình đều phát tâm hoan hỷ chứ không nhất thiết gì chúng ta phải đố kỵ với vị này hay chúng ta đố kỵ với vị kia.
Chúng ta rất dễ bị danh lợi chi phối, và khi con người đã mù quán trong danh lợi thì có thể đặt mình trong bất cứ một bi kịch nào, kể cả việc tự mình đối lập với những giá trị cao qúi mà mình đã lựa trọn, tự mình làm tổn hại đến bản thân của mình, đào bứng lấy gốc rễ của mình. Điều này quả là một điều không may.
Do vậy mỗi chúng ta ở trong hàng ngày khi nghe pháp, khi tụng kinh, khi có nhân duyên tu tập cố gắng phát nguyện là đời này và đời sau chúng ta sanh ra đời, thứ nhất là được thân cận bậc thiện hữu tri thức, thứ hai chúng ta có thể có ý thức để cảm nhận cái hay cái đẹp của chánh pháp, và xin cho chúng ta đừng bao giờ ở trong một hoàn cảnh vì danh vì lợi phải gây ra nhiều tổn giảm lớn lao cho bản thân của mình bởi vì những điều đó rất có thể xảy ra ở đời sống của chúng ta.
No comments:
Post a Comment