Hỏi: Tịnh tướng nếu không như lý tác ý đưa đến tham dục chưa sanh khởi được sanh khởi, đã sanh được tăng trưởng
Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Tịnh tướng ở đây chúng ta nói đến tất cả những gì thuộc về hảo tướng, về mỹ tướng, ví dụ như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc.
Trong lý duyên sinh chúng ta biết nghiệp sanh quả và quả sanh phiền não. Khi nói quả sanh phiền não; quả khổ cũng sanh phiền não mà quả vui cũng sanh phiền não. Một người sanh ra trong đời khi đối diện với cảnh xấu thường chúng ta khởi sanh tâm sân, khởi sanh tâm bất mãn, nhưng nếu chúng ta đối diện với những cảnh tốt và nếu không khéo tác ý sẽ dính mắc. Không phải chỉ riêng đối với những gì rất thô ở bên ngoài như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, mà ngay cả đối với một người tu tập có đôi lúc dính mắc vào những pháp hỉ lạc hay những ấn chứng trong lúc chúng ta thiền định, như vậy cũng là một sự không khéo tác ý. Tại các trường thiền, những vị thiền sư thường nhắc nhở các thiền sinh ở bất cứ hiện tượng gì xảy ra cho dù hiện tượng đó là một dấu hiệu tiến bộ hay dấu hiệu trì trệ, cho dù hiện tượng đó đáng hoan hỉ hay không đáng hoan hỉ thì đối với một người tu tập thiền định cứ tiếp tục và tiếp tục. Chứ không phải cái đó là cái mình cảm thấy thoải mái, cái đó là dấu hiệu tiến bộ và mình dừng lại ở tại đó. Và các vị thường lấy ví dụ trên con đường mình đi có những chỗ rất khập khễnh gồ ghề, có những đoạn đường nóng cháy nhưng lại có những chỗ hoa lành trái ngọt bóng mát cảnh trí hữu tình, nhưng không vì cái đẹp nhất thời đó cái đẹp giai đoạn đó chúng ta bỏ dở cuộc hành trình, chúng ta phải tiếp tục lên đường.
Đối với tất cả chúng ta những người tu tập ở trong cuộc sống phải nói rằng ý thức về chánh niệm là một ý thức vượt thoát, ý thức đó nằm ngoài cả hai cái đẹp và xấu. Khi chúng ta còn nhỏ lớn lên cha mẹ dạy cho chúng ta biết phân biệt cái đẹp cái xấu cái hay cái dở, và đối với Đức Phật thì một lúc nào đó ngay cả một điều rất tốt đẹp một giá trị cao vời hoặc giả một giá trị hết sức chánh đáng nhưng nếu chúng ta dính mắc vào đó thì nó cũng là một sự mắc kẹt. Trong kinh Lõi Cây Đức Phật Ngài dạy một người có thể tự thoả mãn đối với thế giới của mình, thoải mãn với sự thành tựu của mình, thành tựu về thiền định của mình, điều đó cũng là một sự dính mắc, do vậy vị đó tiếp tục lên đường.
Không may cho tất cả chúng ta, chúng ta sống trong cõi trầm luân này chúng ta thường đi từ chỗ nghèo nàn, từ chỗ không có, từ chỗ khổ đau, do vậy bất cứ một sự thay đổi nào dù nó chỉ là một sự thay đổi nhất thời mà nó khả quan hơn tốt đẹp hơn một chút thì chúng ta nghĩ à điều đó là một điều chúng ta có thể thoả mãn được. Và đặc biệt là trên con đường tu tập thiện pháp chúng ta rất dễ thoả mãn với những gì chúng ta gọi là hay là tốt. Ví dụ một người từ trước tới bây giờ chưa bao giờ tu Bát Quan Trai Giới bỗng nhiên được bạn bè giới thiệu đến chùa tu tập Bát Quan Trai Giới cảm thấy hết sức hoan hỉ và họ chỉ mong rằng họ chỉ tu tập bát quan trai giới mãi mãi như vậy hay hoặc giả là một người chưa bao giờ tụng kinh bây giờ chúng ta tụng kinh thì tụng kinh thấy hoan hỉ và lúc nào cũng thấy chuyện tụng kinh đó là quan trọng nó trở thành chủ yếu trong đời sống của mình, chúng ta không nghĩ rằng việc tụng kinh dầu tụng kinh có hay đi nữa nó cũng chỉ là một phần sinh hoạt chúng ta phải đi xa hơn. Ngay cả Đức Phật Ngài dạy rằng một người có đắc chứng những tầng thiền định nếu lấy cái thiền định đó làm cứu cánh thì điều đó cũng trở thành một ngăn ngại.
Nói tóm lại chữ tịnh tướng không khéo tác ý có nghĩa là khi chúng ta đối diện với những tịnh tướng dễ dàng để chúng ta thoả mãn dễ dàng để chúng ta đứng dừng lại. Chúng ta thường không có tri túc đối với những dục lạc nhưng chúng ta rất dễ cảm thấy biết đủ đối với những thiện pháp. Đặc biệt riêng đối với tịnh tướng chúng ta phải rất cẩn thận, với một người tu tập thật sự những trở lực không làm cho chúng ta nhục trí nhiều nó không làm cho chúng ta dừng lại nhiều nhưng những điều chúng ta gọi là thành tựu và những điều chúng ta cảm thấy đáng hoan hỉ thì chính điều đó làm chúng ta dừng lại.
Đức Phật Ngài dạy có nhiều nguyên nhân khiến cho một vị tỳ kheo hay một hành giả không thể đạt đến cứu cánh được, giống như một khúc gỗ có 8 lý do làm nó không thể trôi ra biển cả được, ở trong những lý do đó có thể là vì nó bị tấp vào bên này hay tấp vào bên kia, có thể nó bị mắc cạn, có thể nó bị thúi trong ruột thúi ra, có thể bị người vớt lên, có thể bị phi nhân với lên v.v.... và trong những lý do chúng ta tìm thấy Đức Phật Ngài ví dụ ở đây là có thể chúng ta hoan hỉ với cảnh giới của nhân thiên, tu tập để mong sanh vào cảnh giới nào đó, và thoả mãn với sự mong mỏi đó, hoặc giả chúng ta bị vướng mắc vào cái đẹp nào đó, và một cái gì mình nghĩ rằng cái này là một chỗ mình có thể dừng chân được có thể an trú được và như vậy thì chúng ta dừng lại.
Cho nên đối với một người tu tập chúng ta quan niệm cuộc tu là một hành trình và trên hành trình đó những chông gai trở lực thường không làm cho chúng ta nản trí bằng những sự tiến bộ bằng những thành tụ mang tánh cách giai đoạn. Và một người có trí một người khéo tác ý là phải nhìn thấy tất cả điều đó là cái chúng ta phải để lại một bên để tiếp tục lên đường. Đó là chúng ta nói về chuyện tu tập.
Còn nói chuyện ở trong đời sống hàng ngày thì tất cả những quả lành như trong A Tỳ Đàm nói rằng quả nhãn thức quả thiện, nhĩ thức quả thiện, thiệt thức quả thiện v.v... những điều đó cũng quá đủ để nắm níu chúng ta lại, để vướng mắc chúng ta lại.
Nên chi trong bài kinh Vô Ngã Tướng Đức Phật Ngài đã đưa các vị tỳ kheo ở trong vườn lộc giả từ bậc Thánh Hữu Học sang rốt ráo bên kia bờ giải thoát. Ngài đã dạy những lời dạy rất rốt ráo rằng:
- "Này các tỳ kheo, bất cứ sắc thọ tưởng hành thức nào dù trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa tất cả các pháp ấy cần được nhận thức với chánh trí đó không phải là "ta" đó không phải "của ta" nó không phải "tự ngã" của ta".
Chỉ có một cái nhìn như vậy mới khiến cho chúng ta không bị kẹt lại. Ngay cả khi qúi Phật tử vào trong một rơom nghe pháp mà qúi vị thấy hoan hỉ rồi khởi lên ước muốn rằng những ngày giờ chúng ta an lạc như vầy sẽ xảy ra trong suốt cuộc đời của mình và mình không làm gì khác hơn là chỉ vào rơom để nghe pháp không, thì điều đó nó cũng là trở lực của mình hà huống chi là đối với những dục lạc những sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc của cuộc sống này.
Nên chi ở trong thiền học họ có một câu "move on" là tiếp tục lên đường. Tiếp tục lên đường, chữ tiếp tục coi vậy rất khó hơn là đi truy tìm cái mình thật sự hoan hỉ./.
No comments:
Post a Comment