Monday, January 26, 2015

Ba Con Mắt - Kinh Như Thị Thuyết

Ba Con Mắt - Kinh Như Thị Thuyết - bài 47

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 27-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta nói về một giác quan so với những giác quan khác trong ngũ quan như thính giác là cái biết của tai, khứu giác là cái biết của mũi, vị giác là cái biết của lưỡi, và xúc giác là cái biết của thân, thì thị giác là cái biết của mắt chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng. Con mắt cho chúng ta  một tầm nhìn rất xa thậm chí chúng ta có thể nhìn thấy những vì sao lấp lánh ở trên bầu trời cách chúng ta cả triệu năm ánh sáng, chúng ta cũng nhìn thấy chiều kích ngang và dọc theo trục tung và trục hoành. Và thậm chí chúng ta cũng được biết tới Three-dimensional tức không gian ba chiều, có chiều ngang chiều cao và chiều sâu, và người ta còn nói đến không gian bốn chiều. Nhưng đại để, con mắt cho chúng ta thấy nhiều chiều kích khác nhau của sự vật. Và trên phương diện truyền thông con mắt chúng ta giúp chúng ta rất nhiều. Nụ cười thân thiện hay một ánh mắt lo lắng hoặc vẻ mặt hiền hoà của người thân của mình tất cả điều đó được thể hiện bằng qua cái nhìn của chúng ta. 

Khi đề cập đến mắt, chúng ta thấy cuộc sống có những gắng bó sâu xa liên quan đến mắt của mình, liên quan đến cái gì mình thấy. Chúng tôi muốn nói trong thời gian qua tại chùa chúng tôi có nhờ Sư Chơn Thiện tạc pho tượng Ngài HT Hộ Giác. Ban đầu chúng tôi nghĩ tạc pho tượng này rất đơn giản, mình có khoảng chừng mấy mươi tấm hình chụp chiều thẳng, chiều ngang, và ở trên cao chụp xuống thì có thể tạc được pho tượng. Nhưng khi Sư Chơn Thiện bắt đầu tạc pho tượng chúng tôi mới nhận ra nó đòi hỏi vô số yêu cầu về kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Lấy một ví dụ, hình của HT có hình lúc trẻ, có hình lúc già, có hình lúc khỏe mạnh, có hình lúc đau bịnh, có hình lúc Ngài trầm tư, có những hình lúc Ngài đang sinh hoạt bình thường. Khi đưa ra nhiều tấm hình để lựa chọn một trong những nét đó tạo thành một pho tượng của Ngài thì thật không đơn giản. Và lúc đó chúng tôi nhận ra một điểm là qua ấn tượng hình ảnh chúng ta thấy đi vào trong lòng, đi vào trong sự cảm nhận của chúng ta, thí dụ, khi Sư Chơn Thiện tạc tượng của Ngài Sư chưa bao giờ gặp Ngài, còn chúng tôi gặp Ngài ở trong rất nhiều trường hợp khác nhau và bây giờ bỏ ra một bức hình nào đó giống Ngài, lựa chọn một hình ảnh nào đó trong cả ngàn bức hình của Ngài rồi từ đó tạc lên pho tượng của Ngài thì lại là một yêu cầu không đơn giản. Chúng tôi lấy ví dụ, một hình ảnh trang nghiêm khác với hình ảnh gần gủi từ hòa, hình ảnh của Ngài lúc bệnh khác với hình ảnh lúc Ngài lúc trẻ khỏe mạnh. Nói một cách khác, quả thật ở trong sự nhận thức ở trong sự cảm nhận của chúng ta chỉ ghi nhớ một người rồi chọn ra một hình ảnh gọi đặc trưng gọi tiêu biểu thì hoàn toàn không đơn giản chút nào.

Thế giới chúng ta sống hàng ngày ở chung quanh muôn màu muôn sắc. Tuần lễ trước đây chúng tôi đi đến trại hướng đạo Phật tử Pháp Luân, các em cắm trại kỷ niệm chu niên, cũng  xa lộ đó những thảm hoa bluebonnet loài hoa dại vào mùa xuân của Texas, chúng tôi đã đi và nhìn thảm hoa đó nhiều lần nhưng hôm đó một ngày chúng tôi đi có nhiều công việc, đến đó rồi tất bậc trở về có thể nói rằng nó cho chúng tôi một cảm giác khác hơn nhiều lần trước. Ngày hôm nay khi chúng ta đọc trong kinh điển như kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật Ngài mô tả giây phút khi Ngài giác ngộ và lúc bấy giờ Ngài thấy Ngài biết Ngài hiểu nhân sanh tuệ sanh, thì đặc biệt cái biết do thấy nó trở thành một từ ngữ bắt nhịp giữa cái nhìn liên quan đến thị giác của chúng ta và liên quan đến tuệ giác. Cái thấy chúng ta được nói là một sự nhận diện ở trong một hình thức sơ khai nhất. Lấy ví dụ chúng ta gặp một người cao là như vậy, thấp là như vậy, màu da trắng là như vậy, màu da đen là như vậy, mặt trái xoan là như vậy, mặt chữ điền là như vậy, cái nhận dạng đó liên quan đến thấy và cái thấy đó cũng bao gồm thế giới rất trừu tượng là khả năng nhận dạng đó đầu óc chúng ta mới phân tích cái đó là cái gì, có vai trò như thế nào, nó cần đến sự mổ sẻ phân tích chi li, nhưng sự nhận dạng đầu tiên giúp cho chúng ta phân biệt được cái này khác cái kia, cái này tròn cái kia vuông, cái này nó có hình dạng như vầy v.v... 

Ngày hôm nay chúng ta học về ba con mắt, ba con mắt ở đây là một là nhục nhãn, hai là thiên nhãn, ba là huệ nhãn.

Nhục nhãn là mắt thịt, là con mắt chúng ta có. Thật ra mắt thịt của chúng ta dù ở một người bình thường nhất cũng là cơ phận rất độc đáo. Cơ phận đó cho chúng ta biết, cho chúng ta quan sát, cho chúng ta thấy. Khi chúng ta học về cơ phận của con mắt thấy rằng nó làm một việc hết sức lợi ích cho chúng ta là mở cánh cửa qua đó chúng ta thấy nhiều thế giới ở bên ngoài từ những đường nét kỷ hà học cho đến màu sắc cho đến tính cách của con người. Không có con mắt thịt chúng ta không thấy được đường đi lối về, chúng ta không nhìn thấy ánh mắt thương yêu của mẹ, chúng ta không nhìn thấy được những đóa hoa đẹp nở trong vườn, chúng ta cũng không cảm nhận được sự khác biệt giữa hoàng hôn và bình minh. Đôi mắt đó cho chúng ta thật nhiều nhưng nó cũng làm chúng ta hệ lụy thật nhiều, những cái chúng ta thích, những cái chúng ta yêu thương, những cái chúng ta thù ghét, thậm chí nói như cụ Nguyễn Du "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Có lúc nào đó người ta muốn nhắm mắt, người ta muốn quay mặt không muốn thấy những điều mình không muốn thấy, nhưng mà rồi mình cũng phải thấy. Và con mắt cũng có nhiều nhu cầu. Vì con mắt đó chúng ta bỏ công rất nhiều để sửa chữa nhà cửa chăm sóc khu vườn. Vì con mắt đó chúng ta hết lòng yêu thương người này và chúng ta hờ hững với người kia. Vì con mắt đó chúng ta bỏ ra bao nhiêu tiền để đi du lịch đến nơi có những cảnh đẹp cảnh lạ những cảnh hùng vĩ. Vì con mắt đó chúng ta có nhu cầu đòi hỏi về màu sắc, có người hợp màu vàng, có người hợp màu trắng, có người hợp màu đen. Vì con mắt đó chúng ta có rất nhiều y phục thời trang thay đổi hàng năm, loài người tốn hàng tỉ tỉ tiền bạc cho thời trang cho quần áo cho các vật trang sức. Nói chung thì cái gọi là nhục nhãn hay con mắt thịt cái mà nó rất tầm thường nhưng nó chi phối đời sống chúng ta rất lớn. Tất cả cái thấy và cái biết của mắt của chúng ta đều lệ thuộc vào một thứ đó là nhãn căn hay chính con mắt của mình. 

Đời sống bình thường chúng ta không thấy qúi nhưng khi lớn tuổi mắt mờ, mắt bị cườm phải đi chữa mắt ở bác sĩ chúng ta mới thấy con mắt đó hoạt động rất tinh vi chỉ một chút vấn đề nhỏ như bị cườm chẳng hạn thì chúng ta cần có một chuyên gia nào đó để trả chúng ta lại cái nhìn bình thường, hay khi mắt chúng ta bị cận thị hay viễn thị chẳng hạn cũng cần đến kính cũng cần đến giải phẩu tia laser. Nói chung, con mắt đó cần chúng ta chăm sóc tốt.

 Con mắt đó tuy rằng vi diệu, tuy rằng tinh vi, tuy rằng đặc biệt nhưng nó có những hạn chế nhất định. Chúng ta không thể nhìn thấy bóng đêm, chúng ta không thể nhìn thấy quá xa, chúng ta không thể nhìn thấy những vật quá nhỏ. Không có thời đại nào trong lịch sử loài người trước đây có những kỹ thuật cho phép chúng ta nhìn thật xa thật rõ thật li chi những điều chúng ta vốn không nhìn thấy được. Đến thế kỷ thứ 15, 16 khi con người bắt đầu biết dùng kính hiển vi thì chúng ta có thể nhìn thấy được những vật rất nhỏ mắt thường chúng ta không thấy được. Và thế kỷ 20 với những viễn vọng kính đưa ra ngoài thái không như   Hubble hay Chandra chúng ta có thể nhìn thấy những tinh cầu rất xa xôi những thiên hà (galaxy) trước kia con người thấy rất mờ nhạt hay không thấy được. Chúng ta nói đến những tập thể cách trái đất cả hàng triệu năm ánh sáng và trở thành một điều rất thú vị những cái nhìn được giúp đỡ bởi dụng cụ như viễn vọng kính hay kính hiển vi cho chúng ta thấy những vật thể cực xa hay cực nhỏ. Rồi chúng ta lại nói đến viễn vọng kính quang tuyến X có thể cho chúng ta thấy xuyên qua một vật hay một điều gì đó hay cho chúng ta thấy những hình ảnh bình thường chúng ta không thấy được. Thí dụ như bác sĩ có thể chụp hình phổi xem phổi chúng ta không cần phải mổ ra. Thí dụ như qua viễn vọng kính dùng quang tuyến X chúng ta có thể nhìn thấy một thế giới rất xa con mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được. Qua những dụng cụ kính hồng ngoại (Night Vision) chúng ta có thể nhìn thấy ban đêm đối với mắt thường chúng ta chỉ nhìn thấy đêm tối tăm dầy đặc, nhưng đối với những người dùng kính hồng ngoại ban đêm họ có thể thấy được. 

Chúng tôi không có nói tất cả đó là  thiên nhãn.  Thiên nhãn Đức Phật dạy là con mắt của chư thiên nhưng chúng tôi tạm thời so sánh để chúng ta thấy được  cái gọi là con mắt thịt của chúng ta biết dùng những dụng cụ như night vision để có thể nhìn thấy trong bóng đêm, và viễn vọng kính cho chúng ta thấy cái gì đó rất xa hay kính hiển vi cho chúng ta thấy những vật rất nhỏ thì điều đó có nghĩa ở trên thế giới này có những phương tiện, có những cách nhìn thật xa thật rõ như chúng ta thấy ống dòm chẳng hạn, ống dòm đó mình có thể nhìn thấy một sự vật cách chúng ta cả một hai cây số. Chúng tôi có một lần sang bên California đến Channel Islands Park  người ta cho một ống nhòm chúng tôi nhòm thấy một con sư tử mẹ đang đùa giỡn với những con sư tử con cách xa một cây số rưỡi, nói chung chúng ta có thể quan sát qua đó mình không có sợ  làm phiền con sư tử đó và con sư tử đó gây đe dọa cho chính mình. Phương tiện ống nhòm viễn vọng kính hay kính hiển vi hay những phương tiện đó chúng ta có thể tạm hiểu được rằng ở trong đời này có những thứ giúp chúng ta đạt đến kỷ năng nhìn rất xa rất rõ những điều mắt thường chúng ta không có, thì chúng ta tạm dùng cái đó để so sánh với cái chúng ta gọi là thiên nhãn hay mắt của chư thiên. 

Gần đây xe hơi có một phương tiện tuy rất bình thường nhưng lại hữu ích, đó là khi mình lùi chiếc xe lại mình có thể nhìn thấy được phía sau. Trước kia khi lùi xe lại chúng ta phải ngoái cổ về phía sau và chỉ thấy được một phần phía trên cái kính ở phía sau mà thôi, bây giờ người ta gắn vào một cái camera rất nhỏ ở phía sau chiếc xe gần nơi gắn bản số, khi chúng ta lùi chiếc xe  chúng ta có thể nhìn thấy phía sau xe qua màn ảnh trước mặt, nhìn thấy con chó hay đứa nhỏ hay trái banh nằm phía sau chiếc xe, và càng ngày thì chúng ta càng thoải mái với chính con mắt chúng ta có thể nhìn thấy những góc cạnh khuất tầm mắt mà ngày xưa chúng ta không nhìn thấy được. Phương tiện như vậy làm lợi cho chúng ta rất nhiều, bây giờ chúng ta cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi chúng ta lái lùi xe bởi vì chúng ta thấy được phía sau.

 Điều đó nghĩa là trong lúc chúng ta sống ở tại đây ở trong thế giới loài người bằng con mắt của loài người nhục nhãn mình hiểu rằng có những giới hạn nhất định, và nếu chúng ta là chư thiên sanh ra do phước sanh ra như phạm thiên sắc giới do năng lực của thiền định thì đôi mắt chúng ta trở nên đặc biệt thù diệu, đặc biệt thù thắng đặc biệt có thể nhìn xuyên thấu nhiều thứ và nhìn thấy thật xa, nhưng mà rồi cho dù chúng ta có thiên nhãn như câu chuyện của Vương Tiễn ở trong chuyện Tàu hay con mắt của Chư Thiên được mô tả trong kinh điển thì cái nhìn những thứ  thật nhỏ thật xa thật là tối nó cũng chỉ cho chúng ta cảnh sắc cho chúng ta một hình ảnh rất sơ khởi của sự vật. Lấy một ví dụ như vầy, trong cuộc sống này nhiều khi chúng ta không thể nhìn sự vật bằng con mắt của chúng ta mà nó đòi hỏi  trí tuệ, nó đòi hỏi đến sự vận dụng của trí não. Về điểm này nó tạo nên một sự tinh tế khác biệt giữa người này và người kia. Chúng tôi lấy một thí dụ, nếu thường đọc sách thường đọc kinh điển thì chúng ta có thể thấy được rằng ở trong thế giới kinh điển quen thuộc đó khi đứng trước một quầy sách cầm cuốn sách lật một vài ba trang chúng ta dễ dàng nhận ra đây là tác phẩm giá trị hay không có giá trị. Nhưng nếu chúng ta không có sự tinh tế thì quyển sách đó giống như những quyển sách khác, có khác chăng là bao bì in đẹp hơn giấy tốt hơn, và chúng ta không có đủ khả năng để nhận định để xác nhận nó có giá trị, hay quyển sách này là quyển sách nên đọc nếu chúng ta ưa thích. 

 Có một lần chúng tôi nói chuyện với Sư Giác Nguyên, Sư rất chuộng đọc sách, Sư than phiền với chúng tôi rằng có người Phật tử nào đó đi ra tiệm sách bỏ rất nhiều tiền mua những sách Sư gọi là thấy mà thương, tức là không biết phân biệt sách nào là sách nên đọc, sách nào là sách thật sự là Phật Pháp có thể khả tín có thể tin được, hễ thấy kinh Phật thì cứ mua nên Sư thấy tội nghiệp nhìn thấy mà thương. Nhưng cũng phải nói để có được sự tinh tế nó đòi hỏi ở căn tính, ở sự lãnh hội, ở sự nhận thức. Chúng tôi nhớ trong kinh nói về những sự việc một vị tỳ kheo ni khi rửa chân nhìn thấy một giọt nước từ bàn chân của mình rơi xuống giòng suối, giọt nước đó nhanh chóng tan biến trong giòng nướcì vị này nhận ra lý vô thường. Hoặc giả một vị vua khi nhìn thấy cây xoài bị sơ xác lá cành bởi vì có nhiều trái chín rồi gặp đoàn thương buôn đi ngang, những người thương buôn này đã nhanh chóng hái những trái xoài trên cây và làm cho cây trở nên sơ xác, vị vua nhận thức ra sự nguy hiểm của ngôi vị của danh của lợi và vị này tìm một con đường xuất trần. Từ những hình ảnh rất quen thuộc rất bình thường trong đời sống một bậc trí bằng con mắt của trí tuệ có thể thấy biết xa hơn thì chuyện đó đòi hỏi đến huệ nhãn hay con mắt của trí tuệ.

Trong kinh Thánh Cầu, Đức Phật bậc Đạo Sư của chúng ta khi Ngài còn là một vị hoàng tử sống trong cung vàng điện ngọc, hầu như cuộc sống nhung lụa của hoàng cung bao phủ lấy cái nhìn của Ngài nhưng Ngài đã tự khởi đi một ý nghĩ bản thân của mình bị sanh già đau chết chi phối, phải chăng điều mình hướng đến đều bị sanh già đau chết chi phối?  Nghĩ như vậy Ngài đã quyết định từ bỏ hoàng cung từ bỏ cuộc sống nhung lụa. Cũng trong bài kinh Thánh Cầu, Ngài đã đi đến hai vị Thầy nổi tiếng là danh sư nhất thời bấy giờ đó là Alarama Kalama và Uddaka Ramaputta cả hai vị này đều có những sở chứng rất cao do đó Ngài học thành tựu được những gì hai vị Thầy đã thành tựu, và rồi hai vị đó rất hoan hỉ mời Ngài ở lại để cùng làm giáo chủ cùng hướng dẫn hội chúng. Nhưng ở trong sự thành tựu mong chóng cao vời và ở trong cương vị của vị giáo chủ không phải là cái gì Ngài hướng đến, không phải là câu trả lời cho muôn loài chúng sinh và rồi Ngài lại lên đường tiếp tục. 

Những năm tháng khổ hạnh trắc nghiệm với hạnh ép xác Ngài đã đi đến chỗ tận cùng của phương pháp khổ hạnh, một phương pháp được nhiều Samôn, Balamôn thời bấy giờ xưng tán làm phương pháp tối thượng ở trong sự hiệp thông với Thượng Đế. Và trong sự khổ hạnh tận cùng đó cũng là con mắt trí tuệ Ngài nhận thức đây là một con đường tự hủy làm hao mòn kiệt quệ bản thân. Và rồi, cuối cùng cũng bằng con mắt trí tuệ Ngài tìm ra con đường trung đạo không lợi dưỡng cũng không khổ hạnh. Ở dưới cội Bồ Đề vào một ngày rằm trăng tròn tháng Vesak, Ngài ngồi dưới cội cây trên những mớ cỏ thảm và suốt cả đêm đó bằng định lực bằng năng lực của thiền định một thứ chúng ta tạm gọi rất gần với thiên nhãn, và thậm chí còn vượt xa thiên nhãn của Chư Thiên dục giới, Ngài đã nhớ về nhiều kiếp quá khứ Ngài đã sanh ra ở đâu, là người như thế nào, có sở hành ra sao, cha là ai mẹ là ai, Ngài nhớ từng chi tiết một, và Ngài đã nhớ nhiều nhiều kiếp quá khứ như vậy, quá khứ trở về trở thành một bức tranh sinh động qua đó Ngài nhìn thấy mình đã là như vậy. Và trong canh hai khi nhìn trọn những bức tranh đó Ngài có thể tìm ra những đầu mối tương quan của nhân này, quả này, của hạnh nghiệp này, dẫn đến chỗ tái sanh chỗ kia, Ngài tìm thấy những mấu chốt liên hệ tại sao Ngài đã sanh như thế này, tại sao Ngài sanh thành một chúng sanh như vậy, và tại sao Ngài đã vui như vậy, tại sao Ngài đã khổ như vậy. Những tương quan đó cho Ngài nhìn thấy một hình ảnh khác đó là Sanh Tử Minh một thứ trí tuệ rất rõ về hiện tượng giới, sự tương quan của các pháp. Và canh cuối cùng Ngài đã nhìn thấy rõ mặt mũi của Tanhà của Khát ái, và qua đó Ngài khẳng định một điều đây chính là động lực của tất cả, đây chính là nguyên nhân của luân hồi, và bằng lậu tận minh Ngài đã đoạn tận vô minh và ái dục trở thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác.

Khi đọc những đoạn này chúng ta nhận ra hành trình giác ngộ của Đức Phật là hành trình của tuệ giác của huệ nhãn và điều đó là bài học lớn trong đời sống của chúng ta. 

  Ngày nay, trong khả năng để làm điều gì người ta chia tiến trình làm ba phần: 

1).Phần đầu là thâu thập dữ kiện. Phần thâu thập dữ kiện người ta không cần biết chuyện xảy ra, nó như thế nào, đầu tiên tất cả những dữ kiện đó cần được thâu thập. 
2). Rồi từ việc thâu thập dữ kiện người ta dùng những phương tiện tối tân để phân tích dữ kiện từ những phòng lab (phòng thí nghiệm) đến những chuyên gia. Người ta cho thấy cái này liên hệ cái kia như thế nào. 
3).Và sau cùng người ta đưa đến chuyện xác lập báo cáo về sự việc đó đã ra sao. 

Chúng ta học về điều này chúng ta thấy chuyện sưu tập dữ kiện giống như con mắt của chúng ta ở trong đời sống hàng ngày mình thấy nó như vầy nhưng mình cũng phải xử dụng trí tuệ hay tuệ nhãn để phân tích. Có một điều rất thú vị là cuộc sống của chúng ta hay có trường hợp mình tự gạt lấy chính mình, và khi mình tự gạt lấy chính mình thì rất khó ai có thể giúp cho mình được.

 Một bài kinh ở trong Tam Tướng Phổ Thông ngày xưa các Ngài thường tụng có câu "nghe lầm ắt nói lại lầm". Có nhiều khi mình thu thập dữ kiện không chính xác mình nói ra không chính xác. Trong tuần lễ vừa rồi chúng tôi có sự kiện xảy ra; là tối thứ Bảy chúng tôi nhận được một message qua điện thoại của HT. Huyền Việt và chúng tôi đọc tin nhắn đó đại khái là HT nói "ngày mai TT. đến hương đạo xin ghé rước tôi đi bởi vì xe của tôi hư rồi, cám ơn TT.", lời nhắn như vậy. Khi chúng tôi nhận tin nhắn đó chúng tôi nghĩ HT. gửi lộn người, có lẽ là HT gửi cho Sư Thường Niệm tại vì Sư Thường Niệm dự định sáng sớm hôm sau Sư đi đến chùa Hương Đạo, chùa của Sư Bửu Đức ở Dallas, do đó chúng tôi đã chuyển tin nhắn này lại cho Sư Thường Niệm và Sư Thường Niệm đã trả lời với HT. là "con đã thay đổi chương trình ngày mai con không đi ". Và sáng hôm sau bản thân chúng tôi trên con đường để đến Austin giữa đường đến trại của đoàn hướng đạo Pháp Luân để làm lễ và nói chuyện với các em rồi chúng tôi trở về. Khi trở về chúng tôi lại nhận được tin nhắn của HT. Huyền Việt nói rằng "sao TT. bữa nay lên làm lễ cho hướng đạo mà TT. không ghé rước tôi đi với". Bấy giờ chúng tôi mới chợt nhận ra rằng message  HT. gửi cho chúng tôi không phải gửi cho Sư Thường Niệm, không phải đi chùa Hương Đạo mà đi làm lễ chỗ hướng đạo nhưng vì gửi không có dấu nên chúng tôi nghĩ sai đi.  Đó là chuyện nhầm lẫn, mình nhận cái message gửi cho mình mà mình lại nghĩ là gửi cho người khác. Chuyện đó rất thường xảy ra ở trong cuộc sống của chúng ta nhất là bây giờ chúng ta hay  gửi tin nhắn không có dấu. Cũng như làm việc trong paltalk chúng tôi cũng có những chuyện rất  buồn cười, bây giờ thì đỡ rồi vì paltalk có thể đánh tiếng Việt, ngày xưa đánh tiếng Việt không được do đó có những vấn đề phải đoán mà khi đoán mò dễ sinh ra nhiều chuyện trục trặc.

 Những điều mình thấy chưa chắc chính xác. Vô số sự việc ở trên đời này mình nói nếu mình không tự mình mắt thấy tai nghe mình không tin, nhưng ngay cả những điều mình mắt thấy tai nghe vẫn làm cho mình hiểu lầm. Tinh thần điềm đạm, một thái độ cẩn trọng, và bằng trí tuệ suy nghĩ,  dùng trí tuệ chúng ta mới thấy được vấn đề. Những người càng tự tin, những người càng nghĩ mình có trí tuệ càng thông minh thì thường hay vấp váp phải vấn đề rất là bình thường. 

Chúng tôi gặp một số người thường hay có sự hiểu lầm về đời sống nhưng họ luôn luôn tin rằng những gì họ thấy là chân lý là đúng hoàn toàn, cho đến khi nào họ sáng mắt ra được thì họ mới thay đổi ý niệm đó, họ quá tin vào chính cái nhìn của họ. Cái gì mình thấy chưa chắc là đã chính xác mình phải đặc biệt rất cẩn trọng về điểm này. Và do vậy chúng ta cần phải có huệ nhãn hay con mắt của trí tuệ. 

Nghe pháp cũng vậy, đọc kinh điển cũng vậy. Chúng ta nên nhớ trong những giờ phút cuối cùng trước khi Đức Phật viên tịch, trong kinh Đại Bát Niết Bàn ghi lại Đức Thế Tôn đã đặc biệt dạy về pháp kính, dạy về 4 điều tất cả chúng ta cần phải để ý: "sau khi Đức Phật Ngài viên tịch nếu mình nghe nói có vị trưởng lão một vị TT. nào đó nói rằng đây là điều Đức Phật dạy thì khoan vội tin khoan vội bỏ,phải đem đối chiếu với kinh và luật". Và ngay cả chúng ta thường vội tin, ví dụ như mình  nói rằng Ngài Ajahn Chah là vị thiền sư nổi tiếng thì học trò Ngài Ajahn Chah nói cái gì ra cũng tin tưởng được. Không hẳn như vậy. Hay người đó học từ Ngài Ajahn Chah là hay. Cũng không phải như vậy. Đức Phật Ngài căn dặn chúng ta rất nhiều lần là "phải đem đối chiếu với kinh với luật", phải đối chiếu thật kỹ. 

Trong kinh Kalama, Đức Phật Ngài cũng cho chúng ta biết chúng ta hay dễ tin vì lời nói đó thuộc về truyền thống thuộc về kinh điển, người nói là người có uy tín, người đó là thầy của mình v.v... Chúng ta nhìn một số yếu tố để khẳng định rằng điều đó là sự thật, nhưng không hẳn là như vậy, ở đây chúng ta cũng phải dùng con mắt của trí tuệ. 

Chúng tôi rất thích một điểm, thời đại chúng ta sống là thời đại của tự do tư tưởng, chúng ta phải đặt lại vấn đề, chẳng những chúng ta có thể đặt lại vấn đề chúng ta còn có phương tiện để nhìn lại vấn đề. Và nhờ vào việc nhìn lại vấn đề chúng ta có thể nhận ra sự việc. 

Khi chúng tôi còn nhỏ chúng tôi thường tìm những đoạn kinh mình nghĩ là chân lý hoàn toàn, thí dụ như một câu kinh: "Ân Đức Pháp - Svākkhāto bhagavatā dhammo". 

Chúng tôi có biết vị nào đó, vị tiền bối nào đó đã dịch câu đó một cách rất sai nhưng đời sau cũng dùng tới: 
"Svākkhāto bhagavatā dịch là Tam Tạng Pháp Bảo của Đức Thế Tôn đã khẩu truyền y theo chánh pháp".
 "Dhammo là pháp chánh có 9 hạng : 4 đạo, 4 quả và 1 Niết-bàn". 

Mới tụng mình nghĩ rằng điều đó đúng hoàn toàn, thì Tam Tạng khẩu truyền y theo chánh pháp bốn đạo bốn quả, câu đó thật sự rất đơn giản:
 "Svākkhāto bhagavatā dhammo - Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết". 
Ngài khéo thuyết ở đây là Ngài thuyết theo phương pháp  theo trình độ văn lễ cụ túc. 
Chữ Dhammo là chủ từ. Chúng tôi cũng không biết tại sao người ta tách ra Svākkhāto bhagavatā  là một, rồi dhammo là một. 

Hay hoặc giả chuyện rất đơn giản khi chúng ta đọc câu kinh Pháp Cú: 

"Tâm dẫn đầu các pháp,
 Tâm làm chủ tâm tạo tác
 Nếu với tâm ô nhiễm
 Nói năng hay hành động
 Thì khổ não sẽ theo ta
 Như xe theo chân con vật kéo. 
Tâm dẫn đầu các pháp
 Tâm làm chủ tâm tạo tác
 Nếu với tâm thanh tịnh
 Nói năng hay hành động
 Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình
 Đó là hai câu kinh Pháp Cú kệ 1 và 2. 

Nhưng vấn đề chúng ta nói ở tại đây là "Tâm dẫn đầu các pháp". Pháp là gì? 
 Mạch văn cho chúng ta rất rõ nếu với tâm thanh tịnh nói năng hay hành động, nếu tâm ô nhiễm nói năng hay hành động. Mình nói năng hay hành động cũng là một phần của pháp, khổ não sẽ theo ta hay hạnh phúc sẽ theo ta. Như vậy đối với tất cả hành động và đối với tất cả quả, quả vui hay quả khổ, tâm thiện hay tâm bất thiện, hành động thiện hay hành động bất thiện quả vui hay khổ đều do tâm tạo nên. Chữ tâm đứng đầu các pháp. Chữ pháp rất rõ. Chữ pháp ở đây bao gồm hành vi thiện ác. Pháp đó bao gồm quả vui và quả khổ. Chữ đó rất đơn giản,  Đức Phật nói là tất cả do tâm tạo. Nói cách khác là nói luôn cả một câu chuyện bắt nguồn từ tâm của chúng ta.

 Ý Đức Phật nói như vầy: Chữ Pháp đó là câu chuyện và nguyên cả câu chuyện về một vị y sĩ chữa mắt cho một người, sau đó người bệnh đã sáng mắt đã hết bịnh nhưng người đó giả bộ chưa hết bịnh để không trả tiền. Vị y sĩ đó cảm thấy bị gạt nên giận và pha thuốc cho người này nhỏ lần cuối và người này bị mù luôn. Sau vị y sĩ này sanh lên trở thành một vị tôn giả có tên là Cakkhupàla. Vị này tu tập rất tinh tấn nhưng bị mù. 

Hình ảnh của một vị Alahán bị mù mắt, Đức Phật Ngài nói ngay cả câu chuyện đó, câu chuyện một người bị mù do hành động như vậy nó bắt nguồn từ tâm bất thiện. Đơn giản vậy thôi. "Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tâm tạo tác, nếu với tâm ô nhiễm, nói năng hay hành động, khổ não sẽ theo ta, như xe theo chân con vật kéo". Ngay cả câu chuyện đó bắt nguồn từ tâm của mình.

Nhưng hồi nhỏ chúng tôi học thấy lạ lắm, không biết người nào đem ra bản sớ giải nói rằng "tâm dẫn đầu các pháp tức là tâm dẫn đầu các tâm sở". Thật ra chúng tôi thấy không có lý: "tâm thì đồng sanh với các tâm sở mà sao gọi là tâm dẫn đầu tâm sờ được.(cetasikas) . Nhưng các vị khẳng định nó phải như vậy. Hồi nhỏ thì chúng tôi không dám cãi điều đó, và các vị nói là  sớ giải nói là trong kinh ghi như vậy. Nhưng sau này học thì chúng tôi thấy rằng có những điều mình cũng phải xét lại. 

Do vậy, kinh Đại Bát Niết Bàn Đức Phật dạy khi mình nghe pháp nào đó từ một vị TT vị Trưởng Lão nói thì mình cũng phải đem đối chiếu với Kinh với Luật chứ không phải mình nghe như vậy rồi mình tin. 

Chúng ta thường bị bịnh nghe tin đồn rồi sao đi chép lại. Trong kinh Túc Sanh Truyện ( Jataka) có câu chuyện ngụ ngôn, con thỏ nghe một tiếng như tiếng rạn nứt nó hốt hoảng nói rằng trái đất sắp sụp, nó bỏ chạy đến nói với con vật khác là đang có động đất trái đất sắp sụp thế giới này sắp bị hủy diệt, con vật khác chạy kiếm con vật khác nữa để nói là trái đất đang bị động đất và sắp bị hủy diệt, rồi cuối cùng tin này đến một con sư tử, con sư tử bình tỉnh hỏi lại là "bạn nghe chuyện đó từ đâu?" Con này nói rằng đã nghe từ con kia, con kia nói nghe từ con nọ, rồi cuối cùng tới con thỏ đó. Sư tử mới hỏi rằng: "bạn thấy cái gì mà bạn nói trái đất sắp sụp?" Con thỏ nói có âm thanh như vậy, đến điều tra thì nó chỉ là trái cây rơi xuống đất thôi. 

Chúng ta thường như vậy, chuyện sắp tận thế và chúng ta sống chờ thời mạt pháp  và chờ vị Phật tương lai ra đời thì thật sự không có cơ sở gì trong kinh điển nói như vậy, nhưng người ta nói riết, người này nói qua người kia nói lại, và tạo ra tin đồn sắp tận thế. Sự hù dọa như vậy có ảnh hưởng rất lớn. Nhưng nếu mình tìm trong kinh điển không nói đến chuyện đó. Nhưng chúng ta quên bẳng đi, cứ nghe người này nói người kia nói. Và trong trường hợp mình gặp những chuyện khó khăn chuyện phiền phức cứ mở miệng ra là nói "nay thời mạt pháp,  sắp tận thế đến nơi". Đức Phật luôn luôn căn dặn chúng ta phải cẩn trọng, phải đem đối chiếu Kinh Luật rõ ràng. 

Có vô số vấn đề trong đời sống những con người nghĩ rằng mình càng thông minh thì đôi khi mình tự mình đào cái bẫy giăng chính mình, rất dễ dàng để mình tự gạt chính mình và mình tự xập bẫy chính mình, tại vì mình đặt mình ở trong thế như vậy. 

Do vậy khi chúng ta nói về ba con mắt ở đây chúng ta tạm hiểu như vầy: nhục nhãn hay là con mắt thịt đó là con mắt của chúng ta, con mắt đó cho chúng ta thấy được màu sắc âm thanh nhìn ở trên màn ảnh v.v... nhưng con mắt đó có giới hạn.

Khi mình nói thiên nhãn là con mắt Chư Thiên sanh lên với nhiều phước báu. Nhưng trong đời sống hàng ngày mình có thể hiểu được là chúng ta cũng có những phương tiện như ngày hôm chúng ta có thể nói chuyện với người ở thật xa qua Tango hay nói chuyện và nhìn mặt nhau qua facetime, chúng ta nhìn thấy qua màn ảnh TV, qua những hình ảnh từ vệ tinh v.v... Những điều đó cho chúng ta thấy xa hơn vượt ngoài khả năng của chúng ta, nó không phải là thiên nhãn nhưng mà nó cũng là phương tiện rất là đáng thán phục như là thiên nhãn. 

Sau cùng, huệ nhãn là con mắt của trí tuệ, nó chính là con mắt tất cả chúng ta phải có, Đức Phật gọi đó là con mắt thù thắng. 

Có huệ nhãn thì cho chúng ta nhìn thấy phần ẩn khuất ở phía sau hơn là chỉ nhìn thấy mặt nổi bề ngoài. 
Có huệ nhãn thì cho chúng ta biết ràng sự việc nó như vậy nhưng chưa hẳn là như vậy. 
Có huệ nhãn nó cho chúng ta thấy được những chiều kích của quá khứ của tương lai. 
Có huệ nhãn chúng ta mới nhìn thấy xuyên qua những sự vật ở bên ngoài để thấy rằng đây là thực tướng của các pháp không phải là "Ta" không phải là "Của Ta" không là "Tự Ngã Của Ta". 
Có huệ nhãn chúng ta mới thấy được đây là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. 

Tất cả những điều đó là một bài học lớn ở trong cái nhìn, cái thấy, cái biết của chúng ta. Mong rằng những lời dạy của Đức Phật sẽ giúp cho chúng ta thắp sáng tuệ giác ./. 

No comments:

Post a Comment