Saturday, December 13, 2014

Có pháp nào học để diệt phiền não nóng giận chăng?

Hỏi: Có  pháp nào học để diệt phiền não nóng giận chăng? 

Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú 2003, Minh Hạnh chuyển biên ngày 13-12-2014

 TT Giác Đẳng: Trước khi trả lời câu hỏi cũng lưu ý qúi Phật tử một điều, theo kinh nghiệm  chúng tôi thấy những người tu tập nặng về trí thường đi với sân tâm, họ có nhiều sân tâm. Điều này là điều chúng tôi đề cập nhiều vị thầy những vị trưởng lão khi các Ngài cuộc sống rất đơn giản không có ham muốn không có dính mắc nhiều và khi nặng về pháp học thông thường các Ngài dễ sân. Dễ sân ở đây tức không phải chuyện sân si thô thiển như  chúng ta ở bên ngoài sân si đánh đập hay giết người. Không phải sân si như vậy. Nhưng dễ bực bội dễ phiền muộn bởi vì khynh hướng của những vị này là vị này đúng  vị kia sai, nó rất rõ ràng do cái đúng cái sai nên nhìn thấy những người đệ tử học trò hay những người chung quanh làm những công việc  không được như ý thì có vẻ như  các vị này dễ khởi tâm sân.

 Ý chúng tôi,  con người chúng ta khi tu tập đôi lúc cũng phải để ý tâm sân là một kết quả tự nhiên trong một tiến trình của chúng ta, tiến trình đó là cuộc hành trình của chúng ta khi chúng ta quá chú trọng vào chánh pháp, chúng ta quá chú trọng vào điều gì đúng điều gì sai đôi lúc tâm dung dị của chúng ta lại không có nhiều như  những người sống ở trong cảnh giới nhiều tham ái hoặc giả những người mang tánh cách nặng về xã giao nặng về bề ngoài thì họ dễ có tâm nhu nhuyến hơn mềm mỏng hơn.

Nhưng bây giờ câu hỏi được đặt ra ở tại đây là có pháp nào để diệt trừ tâm sân tâm nóng nảy? Diệt trừ mọi phiền não nóng giận thật sự, diệt trừ sân tâm thật sự chỉ có vị Thánh A Na Hàm mới diệt trừ được tâm sân thật sự, có nghĩa tu tập phải đạt được đến chỗ rốt ráo. Tham sân si là ba  phiền não cột rễ ở trong đời sống chúng ta thì nói đến diệt chắc chắn chúng ta phải đạt đến Thánh quả chúng ta mới diệt được. 

Nhưng trong đời sống hàng ngày thì tâm sân có thể được kềm chế bởi nhiều cách: 

- Cách thứ nhất, thường thấy trong các sách dạy về thiền định như bộ Giải Pháp Đạo hay Thanh Tịnh Đạo. Trong sách ghi nếu mình có khuynh hướng nặng về sân và chúng ta biết chúng ta thường hay sân hận thì chúng ta nên đối xử với mình một cách hợp lý hơn. Ví dụ như  một người nặng về tham được ở trong một am cốc quá đẹp đẽ hay ở nơi có nhiều tiện nghi thì tâm tham sẽ dễ làm cho dính mắc. Nhưng nếu một người nặng về tánh sân thì nên cho họ ở một nơi tương đối được dọn dẹp sạch sẽ đẹp đẽ vén khéo tiện nghi để làm giảm bớt tâm sân của mình. Người thường tắm rửa sạch sẽ mát mẻ cũng làm giảm bớt tâm sân của mình. Mình thường biết được ý tứ của mình thì cũng đỡ tâm sân hơn, nghĩa là mình cứ quan niệm  phiền não là một thứ bệnh, nếu qúi vị bị dị ứng với phấn hoa muốn bớt dị ứng đó thì nếu không chích thuốc được thì chúng ta nên tìm chỗ nào không có loại phấn hoa có thể làm cho mình bị dị ứng. Do vậy, khi chúng ta có phiền não biết mình nặng về thứ đó, chẳng hạn mình nặng về tham, nặng về dục tính, nặng về nhục dục, nặng về sân, hay chúng ta nặng về sự sợ hãi v.v... thì chúng ta nên có cách đối xử thích hợp với mình, cách đối xử làm bớt đi. Qúi vị nào đọc trong Thanh Tịnh Đạo chương nói về tâm giải thoát nói về những carita nói về những căn tánh của con người thì ở trong đó đặc biệt về tánh sân Ngài Buddhaghosa Ngài có một bản tương đối chi tiết nói về làm thế nào nên đối xử với bản thân của mình khi mình nặng về tánh sân. 

- Đặc điểm thứ hai, chúng ta có thể làm giảm bớt lòng sân của mình là nên phát triển sự an lạc, nên phát triển tâm hỉ. Sự an lạc tức là chúng ta nên tập nhìn vấn đề trong cái nhìn chỉ nghĩ đến cái gì tốt đẹp nhất. Ví dụ, thay vì chúng ta đòi hỏi công việc đó phải hoàn hảo hay chúng ta thường có thái độ một sự đòi hỏi rất cao đối với những người chung quanh mình thì bây giờ chúng ta hãy nghĩ kể ra họ cũng còn tốt họ đã làm được chừng đó công việc hơn là chúng ta cầu toàn hơn là chúng ta đòi hỏi công việc toàn hảo thì chúng ta sẽ đỡ tâm sân đi. 

Có thể nói rằng tập để cảm nhận, tập để cảm kích không phải là một chuyện dễ, nó tùy theo cách nhìn của chúng ta. Nếu qúi vị làm cảnh sát thì đa số những gì qúi vị nhìn là qúi vị nhìn người ta đã làm gì để phạm pháp, nếu qúi vị là một nhà thơ thì  qúi vị nhìn cái gì để tìm thi hứng, nếu qúi vị là một hoạ sĩ thì qúi vị thường nhìn một cái gì đó khả dĩ  tạo cho qúi vị những đường nét màu sắc mà qúi vị muốn đem vào trong tranh. Thì chúng ta, thỉnh thoảng có đôi khi một người nặng về tánh sân chúng ta hay tìm nhìn vào cái gì đó làm cho chúng ta phật ý chúng ta nên điều chỉnh cái nhìn một chút thay vì chúng ta nhìn cái gì làm chúng ta phật ý thì chúng ta nhìn cái gì làm cho chúng ta cảm kích được người khác. 

Có thể nói rằng những người chung quanh mình không ai quá xấu cũng không ai quá tốt. Ý chúng ta muốn nói về cái không ai quá xấu không ai quá tốt là thường thường có một số điểm của họ đáng để phê bình nhưng một số khác cũng đáng để chúng ta cảm kích. Con người thường là một sinh vật rất dễ thương, có những người chúng ta để ý cho kỹ thì họ có nhiều thiện chí nhiều khả năng và nhiều sự đóng góp rất tích cực đáng để cho chúng ta chú  ý. Do vậy nếu chúng ta thường có tánh sân thì chúng ta nên học để cảm kích cái đẹp của người khác, cố gắng để ghi nhận cái hay của người khác. Chúng tôi biết có những người suốt cả cuộc đời của họ sống với một người vợ hay sống với những người con, sống với những người bạn, họ biết rằng người vợ mình tốt đó, họ biết rằng những người con của mình cũng ngoan đó, và họ biết rằng người bạn của mình cũng là những người đối xử với mình thành thật đó nhưng họ lại thường trỉ trích và trỉ trích lâu ngày thành thói quen. Ví dụ, dọn một bữa cơm lên món gì cũng ngon hết nhưng có một dĩa nước chấm không được ngon thì lấy dĩa nước chấm ra làm điều để nói hơn là khen những món khác. Thì bây giờ chúng ta thay đổi một chút xíu việc này thì việc này nó cũng sẽ làm chúng ta giảm đi tâm sân.

- Điểm thứ ba. Dĩ nhiên là Đạo Phật dạy phát triển tâm từ, làm sao để tâm từ chúng ta được tăng trưởng thì chúng ta giảm bớt lòng sân của mình rất nhiều. Tâm từ là tâm mong mỏi người khác được an lạc một cách vô điều kiện, chúng ta chỉ nghĩ rằng mong cho người khác được an lạc mà không cần biết đó là người đó là người đồng chủng tộc đồng màu da hay người thân hay không thân với mình. Ví dụ, chúng ta sắp đi ngủ thay vì để ý nghĩ vẩn vơ thì chúng ta dành một vài phút để tâm niệm rằng:
 "Nguyện cho con được an lạc, nguyện cho những người chung quanh được an lạc, nguyện cho những người không thân được an lạc, nguyện cho những người thù nghịch được an lạc, nguyện cho tất cả chúng sinh được an lạc". 

Hay khi thức dậy khi mở mắt ra thì cũng nên nghĩ đến: 
 -  "Sabbe satta avera hontu- nguyện cho tất cả chúng sanh đừng có oan kết".
-  "Sabbe satta sukhita hontu - nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc" 

 Nếu chúng ta đi ngủ, khi  chúng ta mở mắt ra chúng ta tâm niệm như vậy. Khi chúng ta mở cửa nhà hay chúng ta đóng cửa nhà "nguyện xin cho tất cả chúng sanh được an lạc", khi chúng ta mở cửa xe đóng cửa xe "nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc"  thì lâu ngày từ bi ám thị đó làm cho chúng ta nuôi dưỡng được tâm lành là mong mỏi cho mọi người được an lạc cho pháp giới chúng sanh được an lạc đó là tâm từ. 

Có thể nói rằng khi đề cập đến phiền não  chúng ta chỉ diệt được phiền não khi nào chúng ta thành tựu thánh quả được. Nói như vậy không có nghĩa là trước khi thành tựu thánh quả chúng ta không có một phương pháp khả dĩ có thể giảm thiểu những phiền não, chúng ta có thể làm được việc đó bằng sự khéo léo của mình nhưng hơn hết và trên hết là chúng ta phải có ý thức rất lớn rất rõ về phiền não nội tại của mình.

- Chúng tôi xin chia sẻ một điều sau cùng, đó là Ý Thức Chánh Niệm, nó tự có khả năng hoán chuyển phiền não rất  hữu hiệu. Ý thức chánh niệm là gì ? Là nếu mình có tâm sân và mình đem tâm sân đó đặt nó phía trước làm đề mục đối tượng của chánh niệm thì ý thức đó, chánh niệm đó tự nó nó hoá giải được sân tâm của mình hơn là chúng ta vật lộn hơn là chúng ta ra lệnh cho mình đừng sân nữa. Chánh niệm là khả năng ghi nhận. Giả  xử như  nghe ai nói một chuyện gì làm một chuyện gì đó chúng ta nổi giận phừng phừng thay vì phản ứng liền chúng ta nên trở về phòng tìm một nơi yên tịnh ngồi trên một chiếc ghế như  chúng ta đang làm việc, tập hít vào thật sâu, thở ra thật chậm, và sau vài ba hơi thở như vậy, cố gắng ghi nhận rằng mình đang sân , chỉ ghi nhận như vậy  đừng có cãi vả với nó, đừng nói nó là tốt xấu, chỉ biết mình đang sân thôi và ngồi như vậy cho đến khi nào mình cảm thấy rằng tâm sân đó lắng dịu xuống một chút rồi hãy đứng dạy. Hay là chúng ta đang ngồi mà chúng ta sân thì chúng ta đứng dạy. Khi chúng ta đứng chúng ta sân chúng ta thay đổi oai nghi. Cách ghi nhận như vậy lâu ngày chúng ta sẽ thấy rằng chánh niệm có khả năng hoá giải tâm sân một cách rất hữu hiệu, hóa giải phiền não rất hữu hiệu nhưng nó đòi hỏi kinh nghiệm của chúng ta rất nhiều ./.

No comments:

Post a Comment