Thursday, December 18, 2014

Sống không cảm thọ mới là chân hạnh phúc

Hỏi: Sống không cảm thọ mới là chân hạnh phúc

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 5-11-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Khuynh hướng phần đông chúng ta khi đi xuất gia tu tập thường đặt hy vọng hoặc đòi hỏi. Thí dụ ông thầy đó có cho mình cảm giác ấm áp hay từ ái  không? hoặc giả chỗ ở trường thiền có thoải mái dễ chịu hay không? Hay chỗ đó thức ăn có tốt hay không? .v.v... Thì khi chúng ta nghĩ như vậy khó cho chúng ta tu tập. 

Đa phần những người tu tập tinh tấn nhiều do họ chiêm nghiệm cái khổ ở trong đời sống hiện tại của họ. Thí dụ đời sống hiện tại có quá nhiều khổ từ cái khổ đó họ có một quyết tâm chấp nhận bất cứ những cái khổ nào khác miễn mình thay đổi được cuộc diện thay đổi được hoàn cảnh. Thì do nhờ họ quá khổ với hiện tại nó cho họ sức mạnh để thích nghi, sức mạnh để chấp nhận tất cả những nhỏ nhặt khác. Bởi vì người nghèo họ thường dễ dàng để sống trong nhiều điều kiện khác nhau nhưng một khi chúng ta sống quá tiện nghi quá thoải mái thì chúng ta hay phân vân lựa cái này lựa cái kia và đôi lúc những sự phân vân lựa chọn đó làm cho chúng ta đánh mất đi cơ hội để tu tập. Có câu nói "mình té trên đất chống tay trên đất đứng dạy". Sự khổ, mà mình quyết tâm tựa trên cái khổ để đứng dạy thì con người mình có sức mạnh rất mãnh liệt. 

Cũng có một kinh nghiệm khác liên quan đến cảm thọ chúng ta thường thấy ở trong sự tu tập là nếu chúng ta để ý cho kỹ thì đa phần những cái hào hứng, những cái vui, những cái thích thú là do mới lạ khi quen rồi nó trở lên bình thường. Thí dụ, mình chưa có chiếc xe đó giờ mình có chiếc xe đó ban đầu mình xăm xoi nó nhưng có nó một thời gian tự nhiên nó không có quan trọng nữa, thấy nó bình thường lại. Hay có người họ chưa có công việc đó thì họ tha thiết lắm nhưng khi có rồi họ quen. Thì qua đó mình đọc được tín hiệu của đời sống con người mình dễ dàng chạy theo cái mới. Giống như tâm trạng của Tô Đông Pha nói về : "Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều, Vị đáo bình sinh hận bất tiêu, Đáo đắc hoàn lai vô biệt vị, Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều". Chưa đi thì mong cho đến mà đến rồi thì không có gì lạ, trở lại thì Lô Sơn vẫn là Lô Sơn thôi. Tâm trạng đó chúng ta gọi là một thế giới luôn sống với khao khát, nô lệ cho tham ái, đứng núi này trông núi nọ. 

Bài học về cảm thọ của chúng ta từ cái khổ cũng là bài học mà trên cái lạc cũng là bài học. Chúng ta thấy rằng thấy vậy chứ nó không phải là những giá trị cố định, thấy vậy chứ nó không là giá trị bất di bất dịch.

Cũng có bài học khác rất quan trọng đó là bài học về thọ xả tức là trạng thái thản nhiên không vui không buồn. Thật sự thì thọ xả là một trong những cảm thọ tế nhị nhất và rất khó để chúng ta theo dõi nó nhưng trực tiếp gần nhất của thọ xả là cảm thấy buồn chán, không có gì vui, tâm bình thường. Và khi tâm bình thường sanh ra buồn chán. Buồn chán đổi thành thọ ưu.

 Thì từ thọ xả sang thọ ưu là một nhận thức của chúng ta về phương diện chủ quan nhiều hơn thật sự. Ví dụ, trong đời sống hàng ngày mình cảm thấy khổ quá, ở trong nhà sống với gia đình người thân làm khổ mình, ra làm việc với cộng đồng có bao nhiêu thứ thị phi làm khổ mình, mình đi làm việc công sở có sự cạnh tranh làm khổ mình, mình ao ước đi về một phương trời xa xăm nào đó không có những thứ đó thì mình sẽ hạnh phúc. Nhưng  cũng có những người sống trong hoàn cảnh không có những thứ đó họ cảm thấy nản thấy buồn vô cùng, có nhiều vị sư hoàn tục bỏ cuộc tu tại vì sống trong chùa bình lặng quá. Khi chúng tôi ở Việt Nam, chúng tôi nhớ có hai cảm giác rất nản ở trong lòng, đó là khi chúng tôi xuống chùa Miên ở La bang, cách họ xây cất chùa Miên vào buổi trưa sau khi Chư Tăng độ cơm xong các vị sau khi làm này làm kia một chút thì các vị nghỉ trưa. Giờ Chư Tăng nghỉ trưa toàn bộ trong chùa vắng lặng, những con ve sầu kêu trên  những cây dầu cao, nhìn vào chánh điện có cái gì đó giống như đền miếu cổ vắng không có bóng người. Tuổi thơ hồi còn nhỏ làm sadi mà ở trong chùa Miên buổi trưa sao thấy cảnh đó buồn quá, rất là buồn. Cảnh buồn thứ hai của chùa vào buổi chiều chạng vạng khi mặt trời tắt nắng vào giờ sắp tối đèn chưa lên và chưa đến giờ tụng kinh trong chánh điện, buổi tối tiếng côn trùng kêu ở miền quê âm thanh rất não nùng. 

Thì chúng ta thấy rằng con người mình khó chịu lắm, lúc bình thản thì mình cảm thấy rằng mình buồn chán mình đâm ra mình muốn bận rộn, nhưng khi mình bận rộn thì mình cảm thấy mệt mỏi mình cảm thấy không thích thú cái gì với những tranh đấu hơn thua "cái vòng danh lợi cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong chui vào". Không phải là ở trên thế gian này có hai người, người muốn chạy vô người muốn chạy ra, mà ngay cả bản thân chúng ta lúc chúng ta muốn vô lúc chúng ta muốn ra. Cái đó chúng ta gọi là sự mâu thuẫn nội tại. 

Tương tựa như trong đời mình đi thâu góp rất nhiều thứ đem về chất trong nhà rồi lúc nào đó mình muốn dẹp đi. Thì bày cũng là mình mà dẹp cũng là mình, mình muốn thế này cũng là mình, mình muốn thế kia cũng là mình. Rõ ràng ở trong cuộc sống, cuộc sống là như vậy, chúng ta luôn luôn trăn, trở hầu như mình cảm thấy có chuyện gì quan trọng lắm trong cuộc đời phải làm. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ đa phần nó chỉ là từ bên trái để sang bên phải, bên phải để sang bên trái, trong đem ra ngoài, ngoài đem vào trong, cái ngoài chợ đem về nhà, đem về nhà chán đem bán garage sale bán ngoài chợ, bán cho người khác, nó là như vậy và nếu chúng ta có tu tập, chúng ta có để ý đến thân tâm của mình và chúng ta có nhìn vào cuộc sống của mình thì chúng ta sớm nhận ra rằng tất cả chỉ là một phản ứng dây chuyền của cảm thọ mà thôi, nó thế này nó thế kia và chúng ta không nên quá tin vào nó, tin vào nó thì chúng ta sẽ bị khổ lì, tin vào nó thì chúng ta đôi khi ngơ ngác với chính mình đôi khi mình khổ lì với chính mình, có lúc nào đó nhờ vào trí tuệ mình nhận ra chính mình khổ. 

Có lẽ nhiều người cho rằng chuyện Kiều xuất sắc nhất đó là văn chương.  Người ta nói tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh nguyên gốc của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân là một tiểu thuyết rất bình thường nó không hẳn là dở nhưng nó không phải là tuyệt tác. Và qua ngòi bút của cụ Nguyễn Du chuyển sang tác phẩm chuyện Kiều đã cho chuyện Kiều những cái đẹp, đẹp của ngôn ngữ, đẹp của thơ do sự tài hoa của cụ Nguyễn Du. Nhưng đặc biệt nhất của chuyện Kiều và có lẽ chúng ta phải nói thêm đó là vấn đề tâm lý, người ta gọi là "tài mệnh tương đố", tức là một người có tài và một người sống có tài và sống với số mệnh nghiệt ngã. Thúy Kiều là một người tài sắc vẹn toàn nhưng đối diện với số mệnh hay đối diện với túc nghiệp quá khứ thì lại có nhiều mâu thuẫn. Ở đây người ta nói yếu tố tâm lý. Chúng ta có thể đọc chuyện Kiều để thấy ở trong đó có rất nhiều chuyện nhân quả về cảm thọ và những cảm thọ này là bài học lớn ở trong đời sống. Thí dụ như câu "đánh liều nhắm mắt đưa chân để xem con tạo xoay vần về đâu". Đến lúc nào đó mình muốn buông tay không muốn phấn đấu nữa, không muốn đứng dậy không muốn biết, tại vì số mệnh nghiệt ngã quá mình cố gắng rất nhiều rồi mình thất bại, mình cố gắng rất nhiều rồi lại đi vào vòng luẩn quẩn, mình cố gắng rất nhiều rồi mình lại không làm gì khác được thôi thì bỏ cuộc xuôi tay. Nhưng có những đoạn như "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Những câu nói đó không hẳn chỉ là triết lý hay về đạo học mà trên phương diện tâm lý cũng có giá trị rất lớn là có những người rất có tài có khả năng nhưng cái tâm của họ không sáng cái trí họ không đặt đúng chỗ và cái hoài bão họ không đủ cao rộng thì có tài cũng thật sự nó chỉ là một phần thôi. 

Chúng tôi muốn nói đến một điểm, một điểm cực kỳ quan trọng là không riêng về mặt đời mà đạo cũng vậy, cảm thọ cho chúng ta thật nhiều tức là có vị ngọt nhưng cảm thọ làm chúng ta điên đảo hơn nhiều, Đức Phật gọi là "Sự Nguy Hiểm". Và nếu chúng ta nghĩ đến sự xuất ly của cảm thọ thì chúng ta sẽ thấy rằng khó tưởng tượng lắm, mình mong mình được sống bằng cảm thọ nhưng Ngài Xá Lợi Phất Ngài dạy rằng "chính trạng thái không cảm thọ mới là thực sự hạnh phúc". Ngài muốn nói đến Niết-bàn nhưng lời dạy đó không phải dễ tiêu hóa, bài học đó tương tựa như một người luôn gánh một gánh nặng trĩu ở trên vai bây giờ họ đặt gánh nặng xuống được họ cảm thấy thoải mái.

Cuộc sống đối với gò bó thì chúng ta thấy rằng sống mà cảm thọ, sống mà không vui buồn thương ghét, Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ. Cuộc sống mà chợt vui chợt buồn thật là một gánh nặng, đặt nó xuống thì mình hạnh phúc. Phải vượt qua trạng thái như Ngài Xá Lợi Phất Ngài nói "chính không cảm thọ mới là chân hạnh phúc mới là Niết-bàn", chúng ta mới thấy câu đó không dễ để chúng ta nhận thức được vì chúng ta rất khổ với cảm thọ nhưng chúng ta vẫn ôm chầm lấy nó chúng ta lại gìn giữ nó và chúng ta vẫn sống dở chết dở với nó. Tại vì sao vậy? Tại vì chúng ta chưa đủ khả năng để nhận chân ra rằng có cảm thọ, chúng ta lầm lẫn  "đây là ta", "đây là của ta", "đây là tự ngã của ta". Nhưng thực tế thì nó không phải là "ta" "không phải là của ta" "không là tự ngã của ta" do đó chúng ta khổ ./.

No comments:

Post a Comment