Thursday, November 20, 2014

nghiên cứu kinh điển Tam Tạng nên đọc thế nào và bắt đầu từ đâu cho đúng đắn?

Hỏi: Nếu nghiên cứu kinh điển Tam Tạng con nên đọc thế nào và bắt đầu từ đâu cho đúng đắn? - 

(Câu hỏi trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 19-11-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Ở đây, vấn đề chúng ta nghiên cứu Tam Tạng bắt đầu từ đâu cho đúng? Thì điều này mênh mông quá. Bởi vì sao? Một người nghiên cứu với tư cách một học giả phải nghiên cứu cách khác, có phương pháp nghiên cứu. Một người nghiên cứu Tam Tạng để hiểu và thực hành tu tập chúng ta phải nghiên cứu cách khác. Một vị nghiên cứu Tam Tạng kinh điển trong vai trò vị Pháp Sư vai trò Giảng Sư để đi dạy thuyết giảng giáo pháp có cách riêng nghiên cứu khác nữa.

Ở đây, trong ba trường hợp chúng tôi chỉ nói trường hợp rất phổ thông để cho các Phật tử chúng ta được biết việc người Phật tử nghiên cứu kinh điển bắt đầu từ đâu.

Kính thưa qúi vị. Nghiên cứu Tam Tạng kinh điển, trong tạng Luật và tạng Vi Diệu Pháp để mở đường mở lối cho việc tu học về sau được tiến bộ thì không phải người Phật tử chúng ta đầu tiên vào đọc từng bài kinh trong Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng, hay chúng ta đọc qua bộ Pháp Tụ, bộ Phân Tích của tạng Vi Diệu Pháp, và chúng ta càng không cần thiết phải đọc bộ Luật của Tỳ Khưu Ni, Luật Tỳ Khưu Tăng hay Luật Đại Phẩm, Tiểu Phẩm. 

Trước hết Phật tử chúng ta tự hỏi rằng mình là người sơ cơ mới vào trong Phật Pháp thì bây giờ mình phải bắt đầu từ đâu để học Phật Pháp. Người Phật tử chúng ta trước hết phải tự đặt ra ba câu hỏi. 

1) Đạo Phật đã dạy những gì? Tức là đưa đến mục đích gì trong việc tu tập? 

Chúng ta phải tìm hiểu giáo pháp này trước. Khi chúng ta tìm hiểu biết rõ được mục đích của giáo pháp như trong bài kinh Tương Ưng, cái vị Tỳ Kheo bạch hỏi Đức Phật: 

- Bạch Đức Thế Tôn, khi các du sĩ ngoại đạo hỏi chúng con vì mục đích gì các ông sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Samôn Gotama? Các vị Tỳ Kheo đáp rằng: "thưa các hành giả vì mục đích đoạn tận khổ, liễu tri khổ chúng tôi sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn bậc đạo sư chúng tôi".  Các vị Tỳ Kheo mới hỏi Đức Thế Tôn "khi chúng con trả lời như vậy chúng con có trả lời đúng pháp hay không? trả lời như vậy có chống trái lại với tôn ý của Đức Thế Tôn không? 

 Đức Thế Tôn Ngài bảo rằng:

- Này các tỳ kheo các người trả lời như vậy chính xác không có chống trái. Và Đức Phật Ngài xác định: Là vì mục đích liễu tri khổ đoạn tận khổ mà đời sống phạm hạnh này được thực hành". 

Rồi trong một bài kinh khác, Đức Phật Ngài dạy:

 - Này các Tỳ Kheo, xưa và nay Như Lai chỉ dạy về sự khổ và sự diệt khổ.

Chúng ta nắm hai đoạn kinh đó để hiểu rõ mục đích của giáo pháp. 

2) Sau khi hiểu rõ mục đích của giáo pháp chúng ta tìm hiểu thêm là muốn đạt đến mục đích đó phải thực hành những gì? 

Lúc bấy giờ qúi vị đọc những bài kinh Đức Phật Ngài đã dạy trong Trung Bộ Kinh như bài kinh như Kinh Thánh Cầu, hoặc là những bài kinh liên quan đến pháp hành chẳng hạn bài kinh Cẩu Hành Giả, Tê Ngưu Hành Giả. 

Chúng ta nghiên cứu những bài kinh đó, Đức Phật Ngài đã dạy chúng ta những pháp môn để tu tập. Khi chúng ta biết rõ được pháp môn tu tập đó rồi thì chúng ta sẽ thực hành. Bắt đầu chúng ta có trí thức Phật Pháp, trước hết chúng ta hiểu rõ mục đích của sự tu tập này là gì để chúng ta khỏi đi hoang mang tìm hiểu cái này cái kia. 

Có số người nghĩ đi vào chùa để tụng kinh lạy Phật hay để cầu nguyện v.v... Còn khi chúng ta hiểu mục đích giáo pháp này thì chúng ta vững tâm rằng chúng ta đi đến để chúng ta chấm dứt sự khổ đau trong cuộc đời này. 

Và thứ hai nữa chúng ta tìm hiểu về pháp môn tu tập, những pháp môn tu tập nằm rải rác trong kinh Trường Bộ hay Tương Ưng hay Tăng Chi thì qúi vị nên xem các kinh đó trước, nghiên cứu các kinh đó trước để chúng ta biết rõ pháp môn tu tập.

3) Đến giai đoạn thứ ba chúng ta mới bắt đầu tìm hiểu bằng cách nào để mình nắm vững được giáo pháp mà mình không bị sai lạc?

 Ở đây, giai đoạn thứ ba này buộc lòng chúng ta phải học về nội dung của Vi Diệu Pháp về Ngũ Uẩn, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Tứ Diệu Đế. Sau khi chúng ta học thông suốt những điều này rồi thì mới tìm hiểu về diễn trình của tâm pháp, diễn trình của sắc pháp và sự tương quan giữa danh và sắc. 
Sau khi chúng ta nắm vững được nội dung Vi Diệu Pháp rồi thì chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu tạng kinh 5 bộ, chúng ta đọc đến đâu chỗ nào không hiểu thì chúng ta có trí thức Vi Diệu Pháp để giải quyết tất cả. 

Rồi chúng ta học về tạng Luật, nhưng tạng Luật chỉ cần thiết cho đời sống bậc xuất gia thôi, còn người cư sĩ chúng ta nếu cần thì cũng chỉ đọc qua Đại Phẩm, Tiểu Phẩm để chúng ta tìm hiểu đời sống sinh hoạt của Tăng đoàn có liên quan đến người cư sĩ mà Đức Phật Ngài đã dạy để cho cư sĩ chúng ta biết cách khi đi đến tiếp cận với Chư Tăng, chúng ta sẽ hoàn thành trách nhiệm của người cư sĩ không để cho Chư Tăng phạm luật v.v... hoặc là chúng ta có thể giúp đỡ cho Chư Tăng thành tựu được cách sinh hoạt luật lệ mà các vị đó không bị phạm tội. Chẳng hạn như cuộc dâng cúng như thế nào hay trong cách chúng ta hộ độ Chư Tăng như thế nào v.v... 

Đó là phương pháp người cư sĩ chúng ta học Tam Tạng kinh điển là vậy. Còn nếu nói học Tam Tạng để nghiên cứu như một vị học giả, hay nghiên cứu như một vị pháp sư để làm Giảng Sư làm Pháp Sư thì nhiều cách. Ở  trong thời lượng như vầy chúng tôi không thể nói hết được. Chúng tôi xin trả lời một cách đại khái để qúi vị biết là như vậy./.

No comments:

Post a Comment