Friday, November 21, 2014

Phải chăng Phật giáo dạy có một linh hồn bất tử?

Hỏi: Phải chăng Phật giáo dạy có một linh hồn bất tử?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú. Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Theo Phật giáo dạy rất rõ ràng là mỗi một con người có hai thành phần đó là thân và tâm, và chúng ta có thể đi xa hơn ở trong lời dạy của Đức Phật dạy về ngũ uẩn; phần thân là sắc uẩn và phần tâm là thọ, tưởng, hành, thức.

Khi nói đến phần tâm là thọ, tưởng, hành, thức. Thì chúng ta nói đến:

- Cảm thọ như vui buồn, không vui không buồn.

- Tưởng tức là chúng ta nói đến trí tính đến kinh nghiệm như tưởng tri, như  chúng ta đề cập đến cái gì mình trải qua nó trở thành một phần tồn đọng lại ở trong tâm tư của mình. 

- Hành là một chủ trương về thiện ác tức là một trạng thái, một chủ kiến của đời sống, cái gì nên làm cái gì không nên làm như thế này hay như thế khác v.v.... chữ hành hiểu rất rộng và hành là cơ sở tạo ra nghiệp báo trong đó có tư tâm sở chúng ta gọi là cetana. 

- Thức là cái biết của các giác quan, ví dụ cái biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Cái biết ở đây là cái biết của thị giác, của thính giác, của khứu giác, của vị giác, của xúc giác là những cái biết chúng ta hiểu là cái biết rất muội lượt nghĩa là nó biết trực tiếp đối với cảnh.

Thì 4 thành phần này thọ, tưởng, hành, thức là kết cấu của cái chúng ta gọi là tâm hay là đời sống nội tại. Đạo Phật giảng đời sống nội tại là như vậy, giảng giải tâm là như vậy, người ta cũng có thể gọi nó là linh hồn nhưng gọi linh hồn bất tử thì là một ý niệm hoàn toàn không có trong đạo Phật, tại vì tâm thức cũng là một cái gì được thành tựu được hiện hữu bởi nhân và duyên và khi nó hiện hữu bởi nhân và duyên thì nó có sanh thì có diệt chứ nó không thể là bất tử được.

 Chúng ta hãy nghiệm một điểm như vầy là cảm thọ và những trạng thái khác ở trong đời sống nội tại của chúng ta nó thay đổi vào buổi sáng vào buổi chiều, những lúc chúng ta ngồi ở trong rơom nghe pháp và những lúc chúng ta mở băng video lên để nghe nhạc thì tâm tư chúng ta hoàn toàn khác nhau. Đạo Phật không phải là một tôn giáo duy vật mà nói rằng vai trò của tâm là xuống hàng thứ yếu mà đạo Phật nói rằng tâm thức có một vai trò chủ vị rất quan trọng nhưng không có nghĩa vì vậy đạo Phật theo giáo lý duy tâm hay duy linh mà nói rằng có một thứ linh hồn bất tử. Người ta chỉ đi từ cực đoan này qua cực đoan khác. Đạo Phật dạy rằng có một trạng thái nội tại chúng ta gọi là tâm hay danh pháp, nhưng những trạng thái của danh pháp dù là thọ, tưởng, hành, hay thức thì tất cả đều tiếp nối, nó là một tiến trình tiếp nối những sát na, hết sanh rồi diệt rồi sanh trong những tiến trình đó, và trong những tiến trình đó thì từng chặp tư tưởng có khi vui, có khi buồn, có khi không vui không buồn, có khi rất muội lượt như tâm hộ kiếp hữu phần và có khi rất sinh động như những trạng thái tâm đối với những cảnh khách quan v.v... 

Phải nói ở đây có hai ý niệm về linh hồn bất tử:

- Một ý niệm đầu tiên là ý niệm đến từ giáo lý thần ngã và gần gủi với đạo Phật nhất đó là Hindu hay còn gọi là Ấn Độ giáo ngày hôm nay, ngày xưa chúng ta gọi là Bàlamôn giáo. Thì Bàlamôn giáo ra đời trước đạo Phật rất lâu và đạo Bàlamôn giáo chủ trương con người là một linh căn và linh căn này được tách rời ra khỏi đại ngã trở thành một linh căn vất vưỡng ở trong kiếp trầm luân này và đến một thời điểm nào đó linh căn sẽ trở về với đại ngã. 

- Rồi chúng ta lại nói đến một quan niệm khác về một linh hồn bất tử, ở đây là một trạng thái tồn tại mà trạng thái tồn tại như một sức sống. Ví dụ như trong thân của chúng ta bằng tứ đại bằng xương bằng thịt này, có thể thân đó có thể bị nắng mưa bị bịnh tật làm cho suy yếu, hoặc giả sẽ bị già bị chết đi. Nhưng cái gọi là đời sống nội tâm của chúng ta thì không có một dấu hiệu gì mà đời sống nội tâm đó sẽ suy thoái sẽ giảm thiểu sức sống dù là một hài nhi sơ sinh, một người trung niên, hay một lão niên và cuối cùng chết đi và sanh một kiếp khác thì mỗi giai đoạn có một trạng thái khác nhau. Ví dụ như trạng thái của hài nhi sơ sinh, trạng thái của một em bé 8, 9, 10 tuổi, trạng thái của một người lớn tuổi, trạng thái tâm của một người già nhưng sức sống nội tại thì sức sống của tâm linh là sức sống đó nó là một sức sống vượt xa sự tồn tại của vật chất. Đối với vật chất thì sự tồn tại chỉ mang tánh cách hạn cuộc là sức khoẻ con người ở chủng loại như vậy, sức khoẻ con người cái thân tứ đại cho phép chúng ta là như vậy nhưng đời sống nội tâm thì rất khó để có thể nói rằng nó sanh diệt suy yếu giống như con người. 

Thành ra quan niệm về linh hồn bất tử là quan niệm của Bàlamôn giáo nhưng đạo Phật có nói đến một sự kiện đó là tâm là một trạng thái mà trạng thái này sức sống của nó, sự tồn tại của nó, và tiến trình sinh tử của tâm vượt xa yếu tố hiện hữu của thể xác của thân. 

Nói một cách khác thì nó tương tự như cái linh kiện chúng ta nạp vào trong máy điện toán và những linh kiện này thì có thể được xử dụng trong máy này hoặc máy khác và khả năng tồn tại của nó lớn hơn tự cái máy. Tại vì tự cái phần gọi là cương liệu của cái máy thấy nó rõ ràng cụ thể, chúng ta có thể rờ, có thể cầm nó được nhưng rồi khả năng để tồn tại của nó rất hạn chế, nó chỉ tồn tại dựa trên một cá thể và nó không có thể tồn tại lâu dài được. 

Nên ở đây, chúng ta có thể quan niệm rằng quan niệm một linh hồn bất tử  không thay đổi cho dù thay đổi qua cảm xúc vui buồn thì quan niệm đó không hề có trong đạo Phật.

Đạo Phật nói đến một trạng thái tâm là danh pháp đó là một trạng thái có sanh có diệt nó là một tiến trình kết nối của nhiều sát na sanh diệt. Nhưng riêng về trạng thái gọi là linh hồn bất tử tức là người ta có thể dùng cái đó để nói đến một trạng thái nội tại mà sức tồn tại nó vượt xa sự tồn tại của thể xác thì điều đó đạo Phật có nhìn nhận. Đạo Phật dạy rằng  sự tồn tại,  khả năng tồn tại của tâm thức lớn và vượt xa tất cả cái gì chúng ta có thể tưởng tượng được. Chúng ta có thể cầm một cái chip của Intel như là Intel Phantom 3 nó có thể lên tới 2.5, 2.8 Megahertz, nhưng trong một tích tắc mà nó có thể xử lý (process  khoảng vài ba triệu dữ kiện (data) thì cái đó vẫn còn rất ít, rất chậm so với khả năng của nội tâm. Hầu như, dầu tâm tư của một đứa bé đi nữa thì khả năng để làm việc để mà process những cái data đó nó vượt xa cái máy chúng ta có ngày hôm nay. 

Nói như vậy để chúng ta thấy rằng đề cập đến tâm thì tâm là một sự hiện hữu chúng ta gọi là mầu nhiệm cũng được nhưng nó vượt xa sự hiện hữu rất hạn chế của vật chất của sắc thân của chúng ta ./.

No comments:

Post a Comment