Hỏi: Trong niềm tin phải có trí tuệ, nếu niềm tin không có trí tuệ thì sao và nếu có trí tuệ có niềm tin thì sao?
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Trí tuệ và niềm tin đều là hai căn bản của sự tu tập. Khi chúng ta nói về ngũ căn: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và huệ căn thì niềm tin thuộc về tín căn và trí tuệ thuộc về huệ căn. Và 5 căn này cũng còn là 5 sức mạnh mang tánh cách chủ lực để làm căn bản cho thiền định giác ngộ và 5 sức mạnh này cũng tương tự như vậy cũng tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và huệ lực.
Bây giờ câu hỏi được đặt ra, ví dụ chúng ta có niềm tin mà không có trí huệ, có trí huệ mà không có niềm tin.
Trước nhất, trên phương diện thường thức nếu chúng ta chỉ có niềm tin mà không có trí huệ thì quả thật niềm tin của chúng ta không được xác đáng tại vì nó không có căn bản. Đúng ra chữ "niềm tin" là một chữ rất khó nói một cách chính xác. Ví dụ, chúng ta dùng chữ trong tiếng Việt là "tin" và "tín tâm", mặc dầu chữ "tin" dịch từ chữ "tín" ra, nhưng chữ "niềm tin" của chúng ta có thể là người ta nói sao mình tin như vậy thì niềm tin đó không được dùng như người Việt Nam dùng chữ "tín".
Chữ "tín" ở đây, ví dụ ở trong tiếng Anh chúng ta có những chữ believe, chữ faith, và chữ confident.
Chữ "confident" là làm tin tưởng,
Còn chữ "faith" là tin nhưng mà có sự xác thực có căn bản
Còn "believe" là có thể người ta nói thì chúng ta nghe và chúng ta tin theo mà thôi
Do vậy, "niềm tin" mà gọi là "faith", gọi là "confident" là một sự tự tin, một niềm tin tưởng mà tin tưởng đó có cơ sở thì niềm tin đó phải có trí tuệ. Và đặc biệt ở trong trường hợp chúng ta nói đến Tam Bảo chúng ta nói đến là một người Phật tử thì niềm tin luôn luôn rất cần với trí tuệ.
Có trí tuệ mà không có niềm tin thì sao?
Thật ra, ở một phương diện nào đó trí tuệ nếu nói đó là trí tuệ chánh trí thì chánh trí cũng dẫn đến niềm tin. Ví dụ như trí tuệ của vị Tu Đà Hườn là dẫn đến niềm tin bất thối và trí tuệ đó là trí tuệ tạo ra niềm tin. Có rất nhiều người nhờ vào trí tuệ của mình mà phát triển được niềm tin nên chi cái trí tuệ gọi là chánh trí là trí tuệ dẫn đến niềm tin chứ không phải chánh trí dẫn đến không có niềm tin. Dĩ nhiên, có một số trí tuệ thuộc về thế trí viễn thông, có một số trí tuệ chỉ là kiến giải thông thường của đời sống. Thì những thứ trí tuệ này đôi lúc làm cho chúng ta xa lạ với Tam Bảo, làm cho chúng ta xa lạ với lý nhân quả và trí tuệ này không đủ căn bản để đi tới xa hơn trong lãnh vực nội tại.
Bởi vì theo trong kinh thì 5 lực hay 5 căn mà chúng ta gọi là tín, tấn, niệm, định, huệ nó phải quân bình nghĩa là không có cái nào trội quá và không có cái nào kém quá, bởi vì cái trội và cái kém của những thứ này sẽ tạo ra phiền não. Ví dụ như tham, sân rồi hôn trầm, thụy miên, hoài nghi, phóng dật nếu chúng ta chỉ dùng trí nhiều quá thì chúng ta có thể sanh ra sự phóng dật, nếu chúng ta nặng về định quá thì chúng ta có thể sanh ra hôn thụy chẳng hạn. Những thứ đó đòi hỏi chúng ta một sự quân bình nên chi về phương diện thiền định thì 5 căn cần phải quân bình không riêng gì tín căn hay huệ căn mà kể cả tấn, niệm, định tức là những căn còn lại đều phải có sự quân bình. Nhưng ở trên phương diện thường thức bên ngoài thì trí tuệ không có niềm tin là một trí tuệ vô cùng nguy hiểm, nó nguy hiểm ở đây là bởi vì đó là thứ trí tuệ không có căn bản, nó là thứ trí tuệ chỉ làm cho chúng ta đi từ sự hoang mang, sự giao động này đến sự giao động khác và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng xã hội ngày hôm nay là một xã hội phát triển vượt bật về khoa học và kỹ thuật. Nhưng ở tại học đường phần lớn những con người tại các quốc gia kỹ nghệ thì gặp một sự khủng khoảng niềm tin, họ thấy rằng khoa học càng lúc càng làm cho họ bị sụp đổ căn bản về tính lý của tôn giáo. Và bây giờ họ không muốn trở thành kẻ vô thần nhưng họ cũng phải trở thành một kẻ không biết dựa vào đâu, một chỗ trống rất lớn trong đời sống nội tại,
Còn việc có đức tin mà không có trí tuệ thì việc đó chúng ta cũng thấy rất nhiều người là người ta tin thì mình tin, xã hội đưa đẩy chúng ta ra sao thì chúng ta sẽ theo như vậy, chúng ta không có chủ kiến gì rõ ràng, không có sự nhận định, chúng ta cũng rất dễ dàng tự biến mình thành những nạn nhân của những niềm tin không có cơ sở ./.
No comments:
Post a Comment