Thursday, March 7, 2019

Kinh Potthapàda - Phần IV - Ba Thứ Ngã Chấp và Sự Hiện Hữu - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
9. Kinh Potthapàda [bản ngã và linh hồn]

Phần IV: Ba Thứ Ngã Chấp và Sự Hiện Hữu

TT Giác Đẳng giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, phần IV, ngày 24-8-2019.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Cuộc đàm luận của Đức Phật và Potthapàda chúng ta đã thảo luận được 3 phần, hôm nay nói phần cuối của một cư sĩ tên Citta là vị huấn luyện voi, vị này về sau xuất gia.

Ở đoạn đầu bài kinh, nói về cư sĩ Citta nêu lên câu hỏi: “trong ba ngã chấp là   thô phù ngã chấp (chấp ngã lả tự thể vật chất) , ý sở thành ngã chấp (chấp ngã là thành phẩm của tư duy) ,  vô sắc ngã chấp  (chấp linh hồn phi vật chất) phải chăng khi cái nầy có thì hai cái kia không có?  

Chữ thô phù ngã chấp là mình tự nhận cái gì thuộc về ngoại hình "Tôi" là người đẹp, "Tôi" là người sang trọng bởi vì "Tô"i đi chiếc xe mắc tiền sang trọng, "Tôi" là người thời trang bởi vì "Tôi" mặc quần áo hàng hiệu". Ở đây "Tôi" là thô phù chỉ cho cái gì đối lập với cái gì của tâm thức.

Trường hợp, trong đời sống chúng ta, mình chụp một tấm hình đẹp hay mình có một tướng cách như thế này diện mạo thế kia, mình nhận đó là "Tôi". Cái "Tôi" đó thuộc về thân xác, thuộc về vật chất , cái "Tôi" đó thuộc về thô.

Có một cái "Tôi" và cái "Ta" khác gọi là bản ngã liên quan đến ý sở thành. Ví dụ, như "Tôi là một người thông minh", chúng ta nói về sự nghiệp, chúng ta nói về thế giới mình sống, "Tôi là một nhà thơ, tôi là một nhà văn", thì tất cả điều đó là ý sở thành. 

Ý sở thành ở đây tức là sự nhận thức của tâm thức thế giới ở trong đó do tâm biến hiện. Thường là những người chấp vào ý sở thành có hơi trội hơn thay vì chỉ chấp vào diện mạo hay chấp vào xe mình đi, quần áo mình mặc, thì người này lại chấp vào "Tôi" là một nhà thơ có những thi phẩm để lại cho đời hay "Tôi" là một nhà chính trị được quần chúng ủng hộ v.v... những cái đó là một thế giới riêng, thiên địa biệt hữu, một thế giới riêng trong đời này, và trong thế giới riêng đó mình cảm nhận "Tôi" là như vậy, nó đủ tất cả mọi thứ về nhân ngã bỉ thử, mọi thứ về hơn thua v.v......
vô sắc ngã chấp. Còn có một cái "Tôi" nghĩa khác, "Tôi" là một cái gì thuộc về linh hồn, cái đó không thuộc về vật chất, không thuộc về thân, nó là cái gì hằng cửu và nó thuộc về tưởng, tâm thuộc về tưởng về nhận thức, rất là khó xảy ra. Và với 3 điều này, Citta hỏi Đức Phật: Phải chăng khi mình có cái này thì không có cái kia, thí dụ mình nói:

-  "Tôi là một người đẹp"

Thì chấp bản ngã chúng ta chính là ở thân xác chứ không phải là ở linh hồn.

Nếu chúng ta nói cái "Tôi là ở linh hồn" thì chúng ta không chấp vào bản ngã là thân xác. 

Thì Đức Phật Ngài dạy là đúng như vậy, khi cái này có mặt thì cái kia không có tại vì cái ngã có trọng điểm nào đó khi nói về "Tôi" mình đặt trọng điểm ở tại đó. 

Về việc này cũng dễ hiểu, trong mỗi cuộc sống đôi khi người ta có những ưu tiên, thí dụ như ở tuổi nào đó người ta có ưu tiên về ngoại hình, ở tuổi nào đó người ta ưu tiên về sự nghiệp, ở tuổi nào đó người ta ưu tiên về tâm tính, mình thấy rất rõ, hay ngay cả trong một ngày nhiều khi chúng ta có thô phù ngã chấp, rồi nhiều khi chúng ta có ý sở thành ngã chấp, có nhiều khi chúng ta có vô sắc ngã chấp. Nhưng khi có cái này thì không có cái kia.

 Đây là điểm vô cùng thú vị, bởi vì chúng ta khi vầy khi khác nên cái ngã đó là một cái ngã mơ hồ, cái ngã đó là cái ngã huyển hoặc, cái ngã đó là không có thật. 

Tại vì sao chúng ta khi vầy khi khác?

Tại vì chúng ta có mặt trong nhiều cảnh giới khác nhau. 

Và ở đây, Đức Phật Ngài lại nêu lên về vấn đề thời gian là mình có mặt trong quá khứ, có mặt trong hiện tại, có mặt trong tương lai. Điều này có nghĩa là một vị Sadi lớn lên làm Thượng Tọa, rồi sau này làm Hoà Thượng, thì nói vị Sadi đó là tu sĩ cũng phải, là Thượng Tọa cũng phải, là Hoà Thượng cũng phải, nhưng 3 cái đó khác nhau, lúc là sadi khác, là Thượng Tọa khác, là Hoà Thượng khác, nếu là cái này thì không phải là cái kia, nếu là cái kia thì không là cái nọ, như vậy cho chúng ta thấy cái tính mơ hồ, chúng ta nắm một cái, chúng ta chụp một góc gọi đó là "Tôi" là "Ta" thì thật sự nó không đúng, cái gọi là "Tôi" là "Ta" theo thường thức nó là một tổng hợp của một tiến trình ở trong đó có xấu, có tốt, có hay, có dở, có nặng, có nhẹ, có lớn, có bé, có lúc thành công, có lúc thất bại.

Nếu chúng ta nhìn thấy cái gọi là "Tôi" là một tổng thể của một tiến trình quá khứ hiện tại vị lai, tiến trình đó có khi là vật thể, có khi chúng ta nói là sự nghiệp, có khi chúng ta nói đến tâm thức, thì như vậy chúng ta thấy khái niệm về "Tôi" vốn là khái niệm rất mong manh rất giả hợp. Như trường hợp chúng ta nói đến sữa, sữa người ta lấy ra từ con bò con dê ban đầu, rồi từ sữa tạo ra curd là một loại giống như yogurt, rồi từ curd tạo ra bơ, rồi nó có một loại chất sánh lại chúng ta gọi là cheese hay còn gọi là pho mai, nói chung chúng ta gọi là dairy product. Thì mặc dầu tất cả là từ sữa nhưng pho mai không phải là sữa, curd không phải là sữa, cheese không phải là sữa, bơ không phải là sữa nhưng nó là sản phẩm của sữa trong từng giai đoạn. Thì như vậy đó là sự chuyển hóa sự thay đổi, đó là sự đắp đổi từ dạng này qua dạng khác, điều này khiến cho chúng ta dễ có những ngộ nhận, bởi chúng ta nghĩ rằng nó đi từ lúc này sang lúc khác, nhưng mỗi thứ đều khác như chúng ta thấy bơ không giống như phô mai, sữa không giống phô mai nhưng tất cả đều từ dairy product nó đến từ một tiến trình.

Trong kinh điển Phật giáo thời xa xưa Đức Phật Ngài đề cập đến giáo lý duyên khởi, giáo lý duyên khởi là một cái gì rất khó hiểu thời bấy giờ, giáo lý duyên khởi mình nhìn thấy là một không phải, mà là hai cũng không phải, chúng ta nói là một là hai cũng không phải mà nó là cùng trong một tiến trình, và nếu chúng ta nhìn kỹ hơn thì nó đúng là một sự kết cấu của nhiều cái. 

Như khi người ta quay phim, bây giờ trong digital gọi là frame, bao nhiêu cái frames thí dụ 30 cái frames trong một giây thì tạo thành hình di động. Một cuốn phim ở Hollywood quay hồi xưa là do nhiều bức hình được chiếu liên tục chiếu nhanh tạo nên một hình thể di động, hình thể di động đó chúng ta gọi là di động nhưng thật sự chỉ là do chiếu nhiều trên một loạt ảnh và những tấm hình đó liên tục làm cho mình có cảm nhận nó di động, đó là một sự khám phá của loài người. 

Thì đời sống của chúng ta cũng vậy, đời sống của chúng ta vốn là một sự kết nối của nhiều tiến trình sanh diệt, Đạo Phật gọi là giáo lý duyên khởi, thành ra không hiểu giáo lý duyên khởi mà chấp thì đã sai mà nói thì càng sai, nói rằng "Tôi" ở trong quá khứ và "Tôi" bây giờ là một thì sai mà nói là hai cũng sai, tại vì cùng là một tiến trình.

 Bài học này đi vào 3 yếu tính quen thuộc và tìm thấy trong đạo Phật.

1 - Yếu tính thứ nhất, tất cả sự hiện hữu là một tiến trình kết nối của sanh diệt là một giòng chảy.

2 - Thứ hai, nếu chúng ta lấy một phần nào đó trong cuộc đời mình mà gọi  là "Tôi" là "Ta" thì hoàn toàn sai. Ví dụ, nhà diễn thuyết nổi tiếng về triết học và tinh thần, ông Krishnamurti khi còn là một đứa bé cũng đúng mà cũng sai tại vì khi là đứa bé thì ông chưa có tư tưởng triết học, sau đó ông Krishnamurti được mời làm hội trưởng hội Thông Thiên Học thì cũng phải, và sau này ông lại có tư tưởng khác, thì tên gọi Krishnamurti là tổng hợp có lúc vầy lúc khác, có khi này khi khác, mình nắm có một thời điểm một mảng đời nào đó, một giai đoạn nào đó mình gọi là nhà triết học Krishnamurti thì hoàn toàn sai, đây là một điểm rất là khó ở trong kinh điển của Phật Pháp.

3 - Thứ ba, điều này liên quan đến đời sống của chúng ta khi nói cái "Tôi" ở quá khứ, "Tôi" đã từng vinh dự như vậy, Tôi" đã từng nhục nhã như vậy, "Tôi" đã từng khổ đau như vậy, và bây giờ khi mình nghĩ lúc đó người ta đã chửi "Tôi", người ta đã hạ nhục "Tôi", người ta đã mắng "Tôi", "Tôi" đã phiền não. Lúc đó là mình phiền não bởi cái "Tôi" của quá khứ, mặc dầu hiện tại thì không có nhưng cái "Tôi" nằm ở quá khứ, mà cái "Tôi" nằm ở trong tương lai, mai mốt "Tôi" sẽ trở thành cái này, "Tôi" sẽ trở thành cái kia. Thật ra cái khó trong kinh sách của Phật Pháp không phải là ở chỗ điều Đức Phật Ngài dạy khó hiểu mà cái khó là dựa trên kinh nghiệm của đời sống chúng ta, chúng ta vốn dĩ thường chấp đây là "Tôi", đây là của "Tôi", đây là "Tự Ngã Của Tôi", bây giờ nói cái chấp đó không đúng tự nhiên mình nghe khó chấp nhận. 

Nhưng kỳ thật, trong kinh đưa ra rất nhiều thí dụ, như bài kinh Tệ Túc trong Trường Bộ Kinh, Ngài Kumàra Kassapa đưa ra 2 thí dụ chúng ta nên suy ngẫm:  

1 - Thí dụ thứ nhất. Có một người cầm cái tù và làm bằng vỏ ốc lớn thổi lên âm thanh thì một người khác thấy vậy tìm cách lấy cái tù và đó và đập bể nó để xem âm thanh nằm ở chỗ nào, nhưng khi đập nát cái tù và kiếm không thấy âm thanh, tại vì âm thanh đó vốn là một sự kết hợp giữa hơi thổi vào cái tù và, và có người thổi, biết cách thổi, có hơi thổi xuyên qua cái tù và mới tạo thành âm thanh, nếu chỉ vì muốn kiếm âm thanh mà đập cái tù và ra thì mất đi yếu tố tạo thành âm thanh và không thể tìm âm thanh như vậy. 

2 - Thí dụ thứ hai. Ngài Kumàra Kassapa kể: có một thiếu phụ là vợ lẽ cho một gia đình giàu có, sau đó người vợ và người chồng giàu có đó chết, bấy giờ người ta quy định một thời gian nào đó nhất định để họ chia của, người vợ nhỏ mới nói với những người trong gia tộc là "khoan chia của tại vì tôi đang mang thai, nếu mà qúi vị chia của sớm quá nếu tôi sanh ra con trai thì đứa con trai này phải hưởng phần lớn của tài sản thì đứa con trai đó sẽ thiệt thòi",  nhưng người ta nhất định không đợi, thì thiếu phụ này tự mình mổ bụng để lấy đứa con trai ra thì đứa con trai đó chết và bà cũng chết, tại vì ý tưởng để xác minh đó là đứa con trai cách đó là không đúng cách, đứa con trai đó phải sanh ra đúng thời gian thì đó mới là một đứa con trai thật sự được quyền thừa hưởng gia tài hay không.

Ngài  Kumàra Kassapa đề cập đến 2 thí dụ để nói nên tại sao có những người làm thiện họ không tự nguyện chết để được sanh về cõi trời, Ngài nói như vậy nhưng ở trong đó chúng ta cũng hiểu qua một cái nhìn khác với thí dụ này là một người như thế này người như thế kia phải hội đủ nhiều yếu tố,  không đơn giản một yếu tố mà có được,  ví dụ như tiếng âm thanh của tù và hay là một đứa nhỏ nhận được tài sản nó phải đúng thời đúng lúc và phải đúng cách. 

Giống như trong câu thơ:

-  "kinh sách đốt không tìm ra Xá Lợi, mà chân ngữ xưa vùi dưới lớp tro tàn". 
"Kinh sách đốt không tìm ra xá lợi mà chân ngữ xưa vùi dưới lớp tro tàn"  lời kinh đẹp không phải đem đốt rồi mình đem cúng, đúng ra, những cao siêu trong kinh phải được đọc phải được ngẫm mới tạo thành chân ngữ tạo ra những ý tưởng cao qúi, chứ nếu mình đem ra đốt thành tro rồi làm thuốc uống thì không lãnh hội được ý kinh.

Trong kinh Phật qua lời dạy của Đức Phật lý duyên sinh hay duyên khởi là những pháp sanh ra do nhân do duyên, diệt cũng do nhân do duyên. Và nhân duyên đó từ sát na này sang sát na khác, từ năm tháng này sang năm tháng khác kết thành một tiến trình và trong tiến trình đó chúng ta gọi "Tôi là như vậy"  "Ta là như vậy" nhưng quả thật mình gọi hai cũng không đúng, gọi một cũng không đúng. Như một đứa nhỏ sau này lớn lên là vị tổng thống tuy rằng một người, nhưng không thể gọi là một được tại vì đứa nhỏ tâm thức và thể xác hoàn toàn khác và khi lớn lên làm Tổng Thống tâm tính và thân xác hoàn toàn khác, nhưng mình gọi là hai không được, nói cách nào cũng sai hết.

Như vậy ý nghĩa đoạn cuối bài kinh Kinh Potthapàda cho chúng ta biết nhận thức của chúng ta về ngã, về "Tôi" là ai, "Ta" là ai, vốn thường dựa trên 3 thứ:

1 - Thô phù ngã chấp: là dựa trên vật thể như ngoại hình, như trắng đen, mập ốm, tốt xấu, đi xe này, mặc quần áo kia v.v... chúng ta gọi vật thể.

2 - Ý sở thành: tức là sự nghiệp, về những gì tạo nên thế giới chúng ta đang sống, tôi là người thành đạt, tôi là người làm chính trị được quần chúng ủng hộ, tôi là người cao sang v.v.... 

3 - Vô sắc ngã chấp, hay là thuộc về tâm thể. Về tâm thể thì mình chấp vật chất thì nó không tồn tại, nhưng chúng ta có một bản ngã về nhận thức (saññā), nhận thức đó tồn tại. 

Đức Phật dạy tất cả pháp do nhân mà sanh, do duyên mà sanh, do duyên mà diệt. Đặc biệt nếu mình nhìn lại thì nó có cái này không có cái kia, và ở trong quá khứ nếu nhận "Tôi" đã từng có trong quá khứ như vậy  thì chẳng lẽ cái đó nó không còn nữa thì mình không còn. Hay là ở trong tương lai tôi là như vậy đó, chẳng lẽ bây giờ tôi không có. Thí dụ như mình nghĩ  trong câu chuyện "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" là một người đi học nghĩ rằng mình đỗ làm trạng nguyên hay thám hoa rồi dọa nạt hàng xóm nhưng thật ra đó chỉ là ảo tưởng thôi. Ở trong tương lai "Tôi" là như vậy, trong hiện tại "Tôi" không là như vậy, nhưng hiện tại không là không có nghĩa một chúng sanh nào đó không có mặt và vì vậy nó tạo nên một giả danh, một tên gọi cho một cuộc đời làm ngã chấp thì đó là một chuyện sai. Đức Phật Ngài dạy bản thân của Ngài vẫn dùng những từ ngữ "Tôi", "Ta", "Như Lai" nhưng Ngài không nhận qua cái nhìn của ngã chấp. 

Chúng tôi nhớ câu chuyện rất cổ điển, nói là cổ điển ở đây là ở trong chùa ở đây là nói nhóm Vi Diệu Pháp, Thầy của chúng tôi đó là HT Tịnh Sự, một lần Ngài kể chuyện về Ngài Jotika một vị cao tăng từ Miến Điện sang dạy A Tỳ Đàm tại Thái Lan,  nhân một lần Ngài tới một nhà cư sĩ giảng về giáo lý vô ngã, gìống những điều chúng tôi giảng nãy giờ: 

- "Tôi là cái này tôi là cái kia nhưng thật sự nó chỉ là ảo giác và cái tôi đó không thật sự ,thành ra mình nên quán tưởng đây không phải của "Tôi", không phải là "Tôi", không phải tự ngã của "Tôi".  

Sau khi giảng xong Ngài đứng dậy, một người cư sĩ chỉ vào cái đãi còn gọi là cái dèm mà Chư Tăng thường đeo, và hỏi 

- "Cái dèm này của vị nào?"

 Ngài trả lời

- "Nó của tôi"

Thì vị cư sĩ nói rằng:

- "Sao lúc nãy Ngài nói rằng không phải của "Tôi", không phải là "Tôi", không phải tự ngã của "Tôi", bây giờ Ngài lại nói là của "Tôi"

Thì Ngài nói "Đó là nói theo thường thức, còn nếu nói theo chân đế thì nó khác." 

Và ở đây, tạo cho chúng ta 2 thế giới, một là thế giới của tri thức và một là thế giới thường tình mà chúng ta nói là nói cho cùng, nói cho tận, nói một cách tuyệt đối. Thì 2 thế giới đó, hai cảnh giới đó có hai ngôn ngữ khác nhau. Đức Phật Ngài vẫn thường dùng ngôn ngữ tục đế ngôn ngữ của thường tình nhưng ở trong ngôn ngữ Ngài xưng là "Như Lai" thì Ngài không chấp có cái ngã. Chúng tôi biết có một vài vị tu sĩ cố gắng để tìm cách giải thích về cái gọi là cái ngã qua lời dạy của Đức Phật "Ta là nơi nương tựa của ta, không ai thương ta hơn mình" rồi có câu nói "Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn v.v.... nhưng thật ra, cách nói đó là một cách nói xuyên tạc lời Đức Phật dạy, chúng ta đọc kỹ câu này ở trong bài kinh này thì Đức Phật Ngài nói rất rõ Ngài cũng dùng những danh từ của thế thường như vậy nhưng Ngài không có chấp cái ngã trong đó.

 Đối với nhiều người khi luận bàn về ngã, về đây là "Tôi", đây là "của Tôi",  đây là "Tự ngã của Tôi" mang tánh cách triết học và mang tánh cách như tranh luận.  Nhưng kỳ thực đối với một người tu tập thì điều đó là bước đầu để chúng ta thực hành khả năng buông xả.

 Ngài Xá Lợi Phất Ngài dạy nếu có ai chửi mắng thì mình nhớ rằng lời chửi đó là âm thanh, cái nghe đó là nhĩ căn, biết đó là âm thanh là nhĩ thức, sau đó ý suy nghĩ ở trong đó không có "Tôi" không có "Ta".

Trái với nhiều người suy nghĩ rằng mình có ngã chấp thì đời sống mình hãnh diện, mình thấy là mình có, mình thấy "Tôi" như thế này, "Tôi" như thế kia. Nhưng trong cái nhìn một góc cạnh khác của Phật học thì chính cái nhìn đó làm cho chúng ta đau khổ, hầu hết tất cả những đau khổ của chúng ta đều đến từ ngã chấp, và nó là vết thương do có một mũi tên bắn vào, Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên nhổ mũi tên đó thay vì chúng ta lo tìm hiểu do đâu và ai đã bắn mũi tên. 

Thì tại sao Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên nhìn cuộc sống bằng góc cạnh của đau khổ, như Đức Phật dạy rằng "Như Lai dạy về sự khổ", khi mình nhìn bằng góc cạnh của đau khổ thì mình thấy rằng vấn đề chính là giải quyết đau khổ không phải là vấn đề tranh luận là có cái "Tôi", mình bớt đi sự đau khổ. 

Chúng tôi lấy một ví dụ là con người chúng ta ai cũng có được khen hoặc bị chê, và khi người ta khen mình bằng lời đãi bôi, không thật, nhưng mình cũng cảm thấy nở mũi cảm thấy hạnh phúc, nhưng thật ra lời khen đó hư ảo, người ta khen được thì người ta chê được, khi người ta khen khi người ta chê cái gọi là "Ta" thì mình biết rằng có lúc cũng giỏi rồi nhưng cũng có lúc mình dở. Như vậy cái "Tôi" là cái dở, hay cái "Tôi" là cái giỏi, thật ra, nói cho cùng thì lời khen và tiếng chê đó chỉ là cái gì hư ảo là hư danh, và nếu là hư danh mình không nên khoát vào, mình càng nặng lòng thì mình càng khổ. 

Trong đời sống của chúng ta hơn thua nhau một chút, hơn thua nhau một lời, hơn thua nhau trong một khoảnh khắc nó làm cho chúng ta khổ trong nhiều năm tháng. Chúng tôi có nghe một người thống trách giận một người khác vì đã làm việc gì đó xúc phạm đến họ mặc dù người kia bây giờ đã chết vài năm rồi nhưng người này vẫn còn nhắc vẫn còn nhai đi nhai lại và vẫn còn phiền còn giận. Chúng ta thấy một điều với một người học Phật hiểu Phật Pháp thật sự thì người đó đủ khả năng để cảm nhận rằng ngã chấp khiến  chúng ta đau khổ hơn là cho chúng ta được niềm vui, cái đó là cái mình phải thấy đầu tiên.

Nói chung là chấp  thân kiến thấy "Tôi" là thế này, "Tôi" là thế kia mình nói hay lắm, nhưng kỳ thật ở trong thế giới của người tu tập những điều đó là những vết thương, và những vết thương đó sẵn sàng làm cho mình nhức nhối, làm cho mình đau,  làm cho mình dễ dàng bị tấn công, dễ dàng bị xúc phạm, bị tổn thương. Khi mình đặt mình vào sự dễ dàng bị đau bị tổn thương, và mình bị đau, bị tổn thương thì đó là lỗi của mình, nhưng mình không nhận được đó là tại vì sở chấp.

Nên chi một góc nhìn khác của Phật Pháp vấn đề không phải mình đánh bóng cái "Tôi" cái "Ta" của mình, mà vấn đề là làm sao giải quyết sự đau khổ của cuộc sống. Người ta khen đáng cho mình hãnh diện thì không biết mình hạnh phúc bao nhiêu nhưng chắc chắn nếu mình vui khi người ta khen mình thì lại rất phiền não, khi người ta chê mình và cái phiền não người ta chê mình là cái giá quá đắc. 

Cụ Nguyễn Công Trứ có câu thơ" Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo". Tại vì sống giữa danh lợi gót danh lợi bùn pha sắc xám có bao nhiêu là hơn thua bao nhiêu tranh chấp, đời sống con người mệt mỏi quá chỉ muốn làm cây thông đứng giữa trời mà reo, đó là một cuộc chạy trốn đời sống, tại sao mình chạy trốn cuộc sống? tại vì mệt mỏi quá.

 Đức Phật Ngài không dạy chúng ta chạy trốn cuộc sống, Ngài dạy chúng ta nhìn thấy nó là hư ảo, nếu mình vui được  khi người ta khen thì mình sẽ rất khổ khi bị chê, nếu mình vui được khi giàu có thì mình rất khổ khi bị nghèo, nếu mình vui được khi còn trẻ, mình rất buồn khi mình già. Trong kinh Phật dạy chúng ta nên thường quán mình không thể trẻ mãi rồi có lúc phải già, mình không thể khỏe hoài có lúc mình sẽ mệt, mình không thể sống hoài có lúc mình sẽ chết, mình không thể mãi mãi sống với những người thân yêu mà mình phải chịu cảnh sanh ly tử biệt chia cách với người thân của mình, và mỗi chúng ta có nghiệp riêng của chính mình. Những quán tưởng có tánh cách cân phân là có lúc này, có lúc khác, làm cho tâm của chúng ta nhẹ nhàng, tâm của chúng ta bớt chấp thủ bớt khổ.

Một câu chuyện Đức Phật Ngài dạy trong kinh. Đức Phật có lần hỏi chư Tỳ kheo rằng:

- Này chư tỳ kheo những người quét lá rụng lá vàng ở trong sân chùa Kỳ Viên đem đốt các Thầy có buồn không? 

- Bạch Đức Thế Tôn không, 

- Tại sao không? 

- Tại vì chúng con không nghĩ nó là của ta là tự ngã của ta.

Thì ở đây, Đức Phật cũng dạy tương tự như vậy. 

Đối với chúng ta 3 ý niệm: "Ta" là "của Ta" là "tự ngã của Ta" hạnh phúc thì ít mà khổ thì nhiều, khổ vô tận, đau vô tận, tại vì nó đụng đến cái của "Ta". Một cái ghế để lăn lóc ở sân chùa không ai quan tâm đến nhưng có người lấy đem đi tự nhiên mình giận ai ăn cắp, ai lấy của chùa, mình phiền não "của tôi" "của ta". Cái này rất khó hiểu trong đời sống nhưng chúng ta trả giá cho cái đặng, cái được, cái vui, cái hạnh phúc, Ngài Buddhaghosa nói hạnh phúc đó giống như chó phản chủ, tức là chó quay lại cắn chủ, có những niềm vui nó quay lại cắn mình, niềm vui đó là niềm vui khi hãnh diện cái gọi là "Tôi" "của Tôi" là "tự ngã của Tôi" nó quay lại cắn chúng ta thì chúng ta rất là đau ./.

Hết Bài Kinh Potthapàda

No comments:

Post a Comment