Tuesday, September 3, 2013

Có thể nói về Duyên Hành Paccayo trong Phật Pháp mà không cần biết về kết cấu hỗn hợp của tâm hay không?


HỏiCó thể nói về Duyên Hành Paccayo trong Phật Pháp mà không cần biết về kết cấu hỗn hợp của tâm hay không?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Ngày 23-7-2013, Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính)

TT Tuệ Siêu:  Ở trong kinh điển, trong Phật Pháp khi chúng ta nói đến Duyên Hệ, kết cấu hỗn hợp của tâm, chúng ta không cần biết đến kết cấu đó như thế nào. Ở đây, chúng ta nêu lên ít nhất 4 duyên, còn nhiều lắm, nhưng chúng tôi chỉ nói duyên đại thôi, còn duyên tiểu, duyên lớn để chỉ cho tâm, cấu trúc tâm có rất nhiều, nhưng ở đây nói duyên lớn như Câu Sanh Duyên, tức ám chỉ cho bốn danh uẩn trợ nhau một trợ ba, ba trợ một, hai trợ hai, một trợ ba như thọ uẩn, tưởng uẩn, ba trợ một rồi hai, thọ tưởng trợ cho hành thức hoặc hành thức trợ thọ tưởng, đó là hai trợ hai, cho nên khi chúng ta nói Câu Sanh Duyên sahājāta paccaya thì chúng ta biết rồi chứ không cần biết kết cấu hỗn hợp như khi học Vi Diệu Pháp. 

Một duyên nữa cũng là duyên lớn, chúng ta gọi là Hỗ Tương Duyên aññamañña paccaya, tức là ở đây nói như vậy để chúng ta biết rõ trong một sát na tâm bốn danh uẩn hỗ trợ lẫn nhau, ví dụ như Thọ uẩn trợ cho Tưởng uẩn sanh lên, Tưởng uẩn cũng trợ cho Thọ uẩn sanh lên, Thọ, Tưởng trợ cho Hành, Thức. Hành, Thức cũng trợ cho Thọ, Tưởng. Bốn danh uẩn trợ nhau, hỗ tương nhau cũng giống như ghế bốn chân, một chân này nâng đỡ cho ba chân kia, ba chân kia nâng đỡ cho chân này, hai chân trước nâng đỡ hai chân sau gọi là hỗ tương duyên, đó là thứ hai. 

Còn duyên đại thứ ba chúng ta gọi là sampayutta paccayo, tức là Tương Ưng Duyên, bởi bốn danh uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc về danh pháp, cho nên danh pháp tương ưng nhau cũng giống như nước với sữa, hay nước với đường, khi sữa hòa tan trong nước thì chúng ta biết rằng, nước nhờ có sữa nên nó màu trắng và ngọt, sữa nhờ có nước mà trở thành thức uống loãng, hòa tan được, nếu không có nước thì sữa không hòa tan được.

Nên ở đây, chúng ta phải hiểu Tương Ưng Duyên, tức bốn danh uẩn tương ưng lẫn nhau, nói như vậy, một người có học Vi Diệu Pháp là hiểu chứ không cần nêu sự kết cấu, và thêm Hiện Hữu Duyên, rồi Bất Ly Duyên. Hiện Hữu Duyên cũng mô tả về tâm, bốn Danh Uẩn trợ nhau bằng cách đồng có mặt với nhau cũng giống như khi người ta đặt cái bàn xuống, thì bàn có bốn chân, bốn chân phải đồng hiện hữu, đồng có mặt với nhau thì nó mới nâng đỡ nhau được, mà có hiện hữu tức có bất ly (avigata paccayo).

Đó là ý nghĩa chúng tôi trả lời một cách đại khái về câu thảo luận nói về Duyên Hệ trong Phật Pháp, không cần biết đến kết cấu hỗn hợp của tâm, chúng ta có thể nói như vậy được. Chúng ta mô tả tâm sanh lên thì trong đó có Câu Sanh Duyên, Hỗ Tương Duyên, Tương Ưng Duyên, Hiện Hữu Duyên, Bất Ly Duyên. Như vậy với những duyên đó chúng ta đủ nói tâm có sự kết cấu với nhau rồi. Chúng tôi xin được trả lời câu hỏi này như vậy. 

No comments:

Post a Comment