Tuesday, September 17, 2013

Thế nào là trí tuệ lộn ngược?

Hỏi: Thế nào là trí tuệ lộn ngược?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: "Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, một cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn ... không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên ... không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược."

Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ ở với Sư Trưởng, Sư Trưởng có nói một câu là ngay cả một vị giới tử thuyết trình, tức là lên đọc bài soạn sẵn thì Sư Trưởng ngồi lắng nghe và khám phá ở đó có nhiều điều hay để học. Một người có tâm nghe pháp chỉ cần nghe một bài kinh được đọc lên, nghe vị giảng sư nào đó nói một vài điều thì chúng ta cũng có thể học được, quan trọng là sự học hỏi của chúng ta. Có một vài lần chúng tôi đi hành hương với những phái đoàn Phật tử, chúng tôi có nhận ra một điểm này, có những người Phật tử đi đến một khu chợ, như kỳ rồi chúng tôi đến thành phố Mumbai của Ấn Độ, thì người ta dẫn chúng tôi đến một khu nhà ga ở chỗ đó như là một khu chợ trời, trăm muôn ngàn thứ bán các vật lưu niệm của Ấn Độ kể cả các Phật cụ, nhưng có vài Phật tử họ đi một buổi rồi quay về nói ở đây không có gì để mua hết thì chúng tôi cũng nhận rằng mỗi người có nhu cầu riêng. Sau đó có một số Phật tử khác cũng đi cùng chuyến họ lại mua được một số vật kỷ niệm của người Ấn Độ bán ngoài chợ và khi về tới khách sạn thì những người kia nói "tại sao nãy mình đi mà mình không thấy." Cũng đi mà không thấy, và dù có thấy cũng không để ý nhiều. Chúng tôi nhận ra rằng có một lý do rất đơn giản, đó là đa số những người sống tại Âu Mỹ quen đi mua sắm ở những khu shopping có tánh cách gọi là sắp đặt nhất định. Thí dụ như mình cần mua quần áo thì đi đến tiệm chuyên bán quần áo, mình cần mua thức ăn thì đến tiệm chuyên bán về thức ăn và ngay cả những khu shopping có những khu bình dân, có những khu giàu có, và có những khu có tánh cách trang trí và những thứ mà chúng ta dùng như là quần áo giày dép thì nó cũng có phân loại riêng như những Departments Store chẳng hạn. Bằng thói quen đi shopping đó khi qúi vị đi vào chợ trời thì thật sự là khó để shopping lắm, tại vì chúng ta thấy ở đó nó lộn xộn không có thứ lớp gì hết, có những cửa hàng của người Tây Tạng bán Phật cụ tuy gian hàng rất nhỏ nhưng có một số tượng Phật có thể thỉnh được nhưng những vị này hoàn toàn không để ý, chúng ta quen sống ở trong cái nếp nào đó đi qua chỗ xa lạ thì chúng ta không có nhận ra. Thì cũng tương tựa như vậy, một số các vị có thói quen là mình học Phật Pháp thì phải đến chùa ngồi ở trong chánh điện rồi phải có vị Pháp Sư đăng toà thuyết pháp, rồi trong đó phải chuông trống rầm rộ mới gọi là học Phật Pháp. Còn bình thường mà nói một cách rất gọn rất ngắn không bày vẽ mang nặng về hình thức thì chúng ta không để ý. Tuy nhiên nếu chúng ta đi vào trong kho tàng kinh điển của Đạo Phật thì thấy rằng rất nhiều trường hợp, Đức Phật Ngài đã giảng cho những người Ngài gặp dọc đường, Ngài giảng cho những người đến đảnh lễ Ngài, ở trong một bài giảng rất ngắn vậy mà thay đổi tâm tư của người đó. Do đó nếu chúng ta quen thuộc với Phật Pháp thì một quyển pháp nhỏ cũng đáng cho chúng ta lưu tâm chứ không phải là chúng ta cần đến cả bộ kinh điển to lớn. Nhưng thí dụ đầu tiên Đức Phật Ngài thí dụ ở tại đây là trí tuệ lộn ngược nghe cũng thú vị, đầu óc của chúng ta tiếp thu không có khả năng chất chứa để chứa đựng như bình đựng nước bị lộn úp lại, đã bị lộn úp lại thì đâu chứa đựng được cái gì. Chúng tôi nhớ ở trong thiền tông có câu chuyện là đầu óc của một người mà có nhiều sự cố chấp thì giống như một ly trà và đã đầy rồi có chế thêm vào cũng tràn ra, nhưng câu chuyện thí dụ ly trà tràn ra thì chúng tôi nghĩ rằng nó cũng còn có thể chứa ít hoặc nhiều, còn ở đây nói trí tuệ lộn ngược thì nó không chứa được cái gì hết.

No comments:

Post a Comment