Sunday, September 22, 2013

Ba loại trí tuệ được Đức Phật đề cập trong kinh điển là gì?

Hỏi: Ba loại trí tuệ được Đức Phật đề cập trong kinh điển là gì?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trí tuệ mà Đức Phật Ngài đề cập đến trong kinh điển Phật giáo, có ba loại trí tuệ:

1. Một là trí tuệ do sự thu thập. Thu thập tức là do sự hấp thụ của chúng ta từ sự giáo dục của gia đình, từ sự giáo dục của cuộc đời. Khả năng hấp thụ này càng rộng lớn thì chúng ta biết, hiểu và có thể ứng xử được trong nhiều trường hợp khác nhau. Sự hiểu biết đó Đạo Phật gọi là Văn Huệ, hay còn gọi là Trí Văn. Trí Văn là do nghe, do học, do sự lãnh hội. Điều này thì cần thiết lắm. Con người chúng ta không ai mà không biết rằng không ai có thể sanh ra đời mà biết hết tất cả chuyện đông tây nam bắc trên dưới, kể cả những vị nguyên thủ quốc gia và kể cả những người nghe nhiều học rộng thì cũng phải nhờ vào sách, báo, tin tức, internet mỗi ngày để biết chuyện đó đây. Nhưng riêng về kiến văn của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của một người bình thường bên ngoài, và ngay cả vị xuất gia mà nếu ở trong kho tàng kinh điển chúng ta có thể tìm thấy được nhiều gợi ý của nhiều sự hướng dẫn cụ thể và nhiều nguồn trí tuệ đối với nguồn kinh điển thì đó là một điều diễm phúc rất lớn. Phải nói rằng người Phật tử có một điểm rất may mắn là chúng ta sống trong một nguồn sống tâm linh không thiếu chất liệu của trí tuệ. Chúng ta có sức hay không có sức để học thôi. Bản thân của anh em huynh đệ chúng tôi những người xuất gia sống dưới mái chùa cũng nhận ra được kinh điển là một kho tàng đồ sộ vĩ đại. Chúng ta nói đến kinh, luật, A Tỳ Đàm, mỗi một bộ, mỗi một ngành, mỗi một môn thì có rất nhiều lãnh vực, có rất nhiều phương diện khác nhau để tìm hiểu. Như vậy sống ở Phật Pháp nếu chúng ta không thấy được nguồn suối vô tận của trí tuệ, của nguồn minh triết, thì điều đó là điều thiệt thòi cho chúng ta.

2. Trí tuệ thứ hai Đạo Phật đề cập đến gọi Tư Huệ. Thật ra về điểm này thì nhiều vị Pháp Sư nhiều người hiểu chữ Tư Huệ là trí tuệ do suy tư. Nhưng chính ra cái can điểm của tư huệ rất là quan trọng, đạo Phật gọi là Yoniso manasikara (như lý tác ý). Yoniso manasikara có nghĩa là chánh tư niệm, hay là suy nghĩ đúng, suy nghĩ một cách thiện sảo, cái suy nghĩ dựa lên trên cái trí tuệ tuyệt vời của chúng ta. Cũng cùng một hoàn cảnh, cũng cùng một sự kiện mà cái nhìn cái hiểu cái sự nhận thức của chúng ta đối với vấn đề khéo hơn trong khi có nhiều người đi đến chỗ bế tắc.

Chúng tôi lấy một thí dụ là ở trong thời gian gần đây, chúng tôi có đọc một bài viết của một nhà kinh tế người Anh nói rằng nền kinh tế của thế giới tăng thịnh ở trong hai thập niên qua có để lại nhiều nhược điểm, có một hệ thống ngân hàng rất cồng kềnh, và nhân dịp khủng khoản kinh tế, tuy rằng thế giới sẽ rơi vào trong những giai đoạn rất chật vật về nhiều phương diện, nhưng nó cũng là một cơ hội tốt để người ta tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng của thế giới vốn đã lỗi thời và vốn tự nó đã nguy hại. Ý tưởng này đã được ông Thủ Tướng Anh ông Gordon Brown cũng ghi nhận. Trong thời buổi kinh tế đang khủng hoảng, ai cũng than thở, cũng cảm thấy khó chịu, cũng không dám nhìn vào vấn đề thì một nhà kinh tế gia cho chúng ta thấy một điều rằng trong hoàn cảnh đó nó cũng có cái lợi, cái lợi biết đâu chúng ta có thể tái tổ chức lại một hệ thống ngân hàng vốn đã lỗi thời đã lạc hậu và đã đang và sẽ là đầu mối đe dọa. 

Thì riêng với đời sống hàng ngày của chúng ta trong cái vui cũng vậy, trong cái khổ cũng vậy, nếu chúng ta khéo nghĩ thì ở đó bao giờ cũng có ánh sáng, cái ánh sáng đó thực là kỳ diệu, thật là màu nhiệm. Thí dụ như những đệ tử của Đức Phật được Đức Phật Ngài dạy rất nhiều lần là nhìn vấn đề một cách sáng suốt mà ngày hôm nay người ta gọi là nhìn vấn đề một cách tích cực hay là lạc quan lúc nào con người mình cũng cố gắng nghĩ vấn đề cho tốt. Nhưng chánh tư niệm là một cái gì rất đặc biệt, nhìn thấy được vấn đề như thế nào mà chúng ta gọi là lạc quan, lạc quan có nghĩa là thay vì người ta nhìn vấn đề càng lúc càng tối tăm, nhìn vấn đề càng lúc càng chồng chất phiền não phía sau, người ta nhìn vấn đề càng lúc càng đến chỗ bế tắc thì một người mà có Yoniso manasikara (như lý tác ý) là biết suy nghĩ, biết thấy, biết nhận thức. Cái nhận thức này lâu ngày cũng trở thành một đặc tính của một bậc thiện trí. 

Chúng tôi đã sống qua một thời kỳ rất khó khăn, sau năm 1975, thời đó là gạo châu củi quế, thời đó là cái gì bấp bênh vô định. Nhưng mà vào thời đó anh em huynh đệ chúng tôi có niềm tin rất mãnh liệt. Và cái ơn của vị đó chúng tôi nhớ cho đến cuối cuộc đời của mình, đó là Sư Trưởng, trong lúc khó khăn như vậy thì Sư Trưởng vẫn nhận các giới tử vào chùa, các vị sa di trẻ, và Sư Trưởng thấy rằng trong hoàn cảnh như vậy là một hoàn cảnh có nhiều người tu tập và quả thật Sư Trưởng đã đào tạo được nhiều thế hệ ở trong giai đoạn này trở thành những vị giảng sư những vị pháp sư. Và đối với chúng tôi những năm tháng về sau mà nhìn lại giai đoạn đó thì chúng tôi cho rằng đó là một ở trong những điểm son lớn nhất của cuộc đời Sư Trưởng mà chúng tôi không thể nào quên được. Ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng mà nghĩ như vầy, thay vì thấy bao nhiêu cái bấp bênh vô định bao nhiêu điều trái ý nghịch lòng sanh lo âu phiền não thì thời này là thời cũng tốt để người ta tu tập, và ở thời đó mà mình làm được một việc và cái việc làm đó để lại những kết quả cụ thể, chứ không phải là không có. Thì lối suy nghĩ đó nó là dấu hiệu của một bậc trí sống ở trong nhiều giai đoạn nhiều hoàn cảnh khác nhau của đời sống là một sự thể hiện cho chúng ta thấy rằng biết nghĩ, biết nhận thức và thấy được khía cạnh tích cực của vấn đề thì sẽ có lợi cho chúng ta rất nhiều.

3. Trí tuệ thứ ba mà Đức Phật Ngài dạy đó là trí tuệ đến từ sự tu tập, là trí tuệ này gắn liền với đời sống, trí tuệ này không phải do suy diễn hay do học hỏi mà trí tuệ này đến từ niệm và định, và đó là những trí tuệ rất chắc rất thật. Lấy ví dụ như với một người đã từng sống với hơi thở với tư thế đi, thế đứng, nằm, ngồi của mình, đã từng sống với thân, thọ, tâm, pháp, thì khó có thể nào mà người đó phủ nhận được sự vô thường, khó có thể nào người đó có thể phủ nhận được rằng cuộc sống nó là một kết cấu của nhiều thành phần khác nhau mà chúng ta gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thì những suy nghĩ về vô thường, khổ, vô ngã của người này không giống như bình thường của chúng ta, tại vì những vị đó thật sự thấy, thật sự sống, thật sự là đã biết như vậy. Như ngày hôm qua chúng tôi có ra phi trường rước một vị Hoà Thượng đến từ Nauy, HT sang bên Mỹ cũng năm sáu lần nhưng không bao giờ đến Houston, tại vì có nhiều người nói với HT là Houston là một nơi rất là nghiệt ngã nóng khủng khiếp. Nhưng mà rồi HT cũng thấy có cây sanh cũng có thời tiết mát mẻ. Thì chúng tôi thưa rằng, một năm chỉ có ba tháng nóng thôi chứ không phải lúc nào cũng nóng. Cái chuyện mình nghe người ta nói giả định nó là một lẽ, nhưng mình đặt chân đến đó để tự mình sát chứng lại là một lẽ khác. Chúng ta thường có cái nhìn rất võ đoán, rất là mơ hồ về cuộc sống cho đến khi thật sự chúng ta có mặt ở tại đó. Nếu một người nào học về lý vô thường, khổ, vô ngã mà học cho nghe cho suy tư thì thưa qúi vị nó chỉ cho chúng ta đến một chừng mức nào đó, nhưng mà nếu chúng ta thật sự sống với thiền quán, chúng ta thật sự áp dụng trong đời sống hàng ngày thì vô thường khổ vô ngã nó không phải là cái gì xa lạ mà là cái gì hiển nhiên, hiển nhiên giống như ngày và đêm, hiển nhiên giống như mặt trăng mặt trời, hiển nhiên giống như là hơi thở ra hơi thở vào của chúng ta.

Và bây giờ chúng ta nói đến ba loại trí tuệ đó thì chúng ta trở lại với một phương diện rất sâu kín của trí tuệ, đó là người sống với trí tuệ thì không quan niệm rằng cuộc sống là một sự đưa đẩy may rủi, cuộc sống là một sự ngẫu nhiên, mà cuộc sống là một sự thể hiện của nhân và quả trong đời sống. Ngay cả thí dụ có rất nhiều sự đau khổ của chúng ta, rất nhiều sự phiền não của chúng ta do nhận thức sai lầm, do quan niệm lệch lạc, do quan niệm không chính xác, nhưng chúng ta không nhận như vậy, khi chúng ta khổ thì chúng ta nói tại vợ làm mình khổ, tại chồng làm mình khổ, tại những người chung quanh làm mình khổ, tại hoàn cảnh làm mình khổ, tại đất nước làm mình khổ, tại cuộc đời làm mình khổ, nhưng thật ra cái khổ đó phần lớn nó đến từ cái nhìn của mình.

No comments:

Post a Comment