Hỏi: Chúng ta làm thế nào để thay đổi cái nhìn của nhiều Phật tử Việt Nam là những "tu sĩ nghèo" là kém tài, thiếu phước?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên
TT Tuệ Siêu: Có những người Phật tử bây giờ có cái nhìn đối với vị tu sĩ nghèo, nhất là những vị tu sĩ như là sống đời sống thiếu thốn không phát sanh lợi lộc nhiều và ăn mặc bần hàn rách rướm họ cho rằng như vậy là vị này bất tài thiếu phước.
Nhưng mà, điều đó đúng hay sai, và chúng ta làm thế nào để thay đổi cái nhìn của những người Phật tử này.
Ở đây, thật ra thì cũng không phải là họ nhìn như vậy là sai hoàn toàn. Trước hết là chúng tôi nói tại sao cái nhìn của họ cũng có thể là đúng.
Nếu vào thời Đức Phật, những vị Tỳ Kheo đầu đà hoặc là những vị Tỳ Kheo sống viễn ly, tri túc thị dục với hạnh thanh bạch và ý tưởng quyết chứng đạt quả vị Alahan, cuộc sống thanh bạch là hạnh tỳ kheo thời Đức Phật trông nghèo nàn thì điều đó nếu một người cư sĩ nhìn thấy họ cho rằng những vị tu sĩ họ nghèo nàn là tại thiếu phước là sai. Còn thời nay, tìm hiểu vị tỳ kheo mà nghèo nàn thanh hạnh do sự tri túc thì khó tìm. Ngày nay một số những vị đều có ý thích có được lợi lộc có được danh phận nhưng mà khổ nỗi là các vị không có khả năng các vị đó không có thể là vị tỳ kheo thông suốt kinh điển để có thể hoằng pháp hay là một vị trụ trì một ngôi chùa hay là một vị giảng sư của hội chúng v.v... đủ khả năng, vị đó xuất gia dần dần bị quên lãng vị này có đời sống thiếu thốn thì trong trường hợp này những người Phật tử thời nay khi họ nhìn thấy như vậy thì họ nói rằng những vị tu sĩ nghèo đó là những vị tại thiếu phước, nói như vậy không phải là họ nói sai, họ nói đúng mà đúng với thời bây giờ.
Do vậy, chúng ta không thể làm gì để thay đổi cái nhìn của người Phật tử. Bởi vì nếu chúng ta thay đổi cách nhìn như vậy là chúng ta khuyến khích những vị tu sĩ không siêng năng, không có trí tuệ học Pháp, không phải là bậc đa văn cột trụ rườn cột của giáo pháp cũng không có công hạnh tu tập gì. Chẳng lẽ chúng ta khuyến khích những người cư sĩ đi đến đảnh lễ cúng dường cho các vị đó, như vậy làm cho người Phật tử họ bị mất phước cúng dường họ chỉ được ít phước thôi. Hoặc là không chừng khi chúng ta đã thay đổi cái nhìn của họ khiến cho những người Phật tử này thấy thành phần Tăng sĩ không có trí tuệ sẽ làm yếu kém Phật Giáo và nếu nuôi dưỡng nâng đỡ giúp đỡ họ thì thời gian sau đó họ sẽ rơi vào mai một.
Cho nên chúng tôi nghĩ rằng; chúng ta chỉ giải thích cho những người Phật tử như thế nào là một vị tỳ kheo trung thực chân chánh ở trong Phật Giáo, thế nào là một vị tỳ kheo sống thiểu dục tri túc để cho họ biết họ nhận định một cách chính xác một vị Tỳ Kheo chân chánh họ gặp được để họ không bị nhầm lẫn. Chứ còn nếu mà gặp những vị tu sĩ đi lang thang rồi Phật tử cứ nghe nói rằng những vị Tỳ Kheo rách rướt lang thang như thế này có lẽ là những vị đó sống thanh hạnh rồi cùng nhau cúng dường thì những vị tu sĩ đó được cái đà các vị đó mạn tăng trưởng và không chịu tu tập để thăng tiến. Thì trong trường hợp này chí nguy.
Chúng tôi qua những năm tháng tu tập giữa Tăng chúng, chúng tôi cũng gặp rất nhiều những vị như vậy, cho nên quan niệm của chúng tôi là những vị Tăng sĩ không cần phải giàu có sung túc có chùa to Phật lớn nhưng miễn là trong những phút trò chuyện trao đổi đôi ba câu pháp mà vị đó tỏ ra thông tuệ hiểu được kinh điển và có chánh tri kiến thì lúc bấy giờ thì cho dù vị Tăng sĩ này bên ngoài có vẻ là nghèo nhưng chúng tôi rất là trân trọng chúng tôi khuyến khích cho những người Phật tử cúng dường cho các vị đó. Còn đối với những vị mới xuất gia xong không học Pháp, vì số tu sĩ ở tại Việt Nam phần lớn chúng tôi biết được đôi khi khi gặp các vị này lang thang như vậy thì chúng tôi chỉ nhìn bằng tâm xả, nhưng nếu như Phật tử có đến hỏi chúng tôi là những vị này đáng được cúng dường hộ độ hay không thì lúc bấy giờ chúng tôi sẽ giải thích cho họ. Bởi vì ở đây chúng ta vừa phải có tâm từ bi mà vừa phải có tâm kính trọng Giáo Pháp muốn nâng đỡ Giáo Pháp thì không nên vẽ vời thêm nhiều cái cột bị mối mọt như thế. Vấn đề này cũng khó lắm.
Cho nên, để làm được công việc thay đổi cái nhìn của người Phật tử Việt Nam cho rằng những tu sĩ nghèo là thiếu phước thì trong trường hợp này chúng ta phải giải thích phải nhắc nhở cho họ nghe về hạnh tu thiểu dục tri túc thật sự của vị tỳ kheo hiểu Phật Pháp và đồng thời chúng ta phải biết rõ những vị đó vẻ bề ngoài thanh thản thiểu dục là do tri túc hay là kém tài thiếu phước ./.
Hỏi: Chúng ta làm thế nào để thay đổi cái nhìn của nhiều Phật tử Việt Nam là những "tu sĩ nghèo" là kém tài, thiếu phước?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TTGiác Đẳng: Như lời TTTuệ Siêu nói thì quả thật có những tệ nạn là một số các vị Tăng sĩ khi xuất gia rồi không chịu trao dồi khả năng, tăng trưởng kiến thức Phật Pháp và làm phụng sự.
Ở đời người ta nói như vầy: "Có những người nghèo là vì cái hạnh mà cũng có người nghèo vì bất tài". Cũng như có những người ở dơ tại vì họ lôi thôi, nhưng có những người ở dơ tại vì họ không có chú trọng đến việc nhỏ mà chỉ lo đến việc lớn. Chúng tôi nói như vậy không phải là để biện mình chuyện mình ở dơ. Nhưng có những người lúc nào cũng sạch sẽ, thì thật ra đôi khi củng có điểm tốt, nhưng không phải người lúc nào cũng sạch sẽ là người không tốt, đôi khi cũng tốt.
Nói chung, chúng tôi nhớ câu chuyện. Vua Ba Tư Nặc đang ngồi với Đức Phật thì có một số các vị tu sĩ tu khổ hạnh đi ngang và những vị này loả thể thì vua Ba Tư Nặc đứng lên đảnh lễ những vị đó như đảnh lễ vị Alahan thì Đức Phật Ngài dạy là chỉ có bậc Alahan mới biết rõ ai là Alahan.
Hình ảnh đó cũng nhắc cho chúng ta thấy rằng thật sự con người có nhiều khi rất là cực đoan trong lối sống mà sự cực đoan đó không nghĩa là biểu chưng trong giá trị đáng hoan hỉ.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận trong các quốc gia Phật Giáo thì người Phật tử có sự nương nhờ ở chùa với các vị Tăng và với các bậc thiện trí. Do vậy, những vị nào nghèo vì hạnh tu thì người ta cũng biết mà do thiếu phước thì người ta cũng biết. Cũng như có những vị sống sung túc do tà mạn thì người ta cũng biết, sung túc là do phước đức của mình thì người ta cũng biết.
Nên chi. Để có một sự phân biệt cho rõ thì không phải là dễ dàng.
Có một số có khuynh hướng là thái quá. Như là các nhà Sư Tích Lan mà càng có nhiều bằng cấp thì người ta càng hoan hỉ, bằng cấp này bằng cấp kia người ta cho đó là sự thành tựu rất lớn, người ta rất là ngưỡng mộ. Một nhà Sư Tích Lan khi học ra tiến sĩ rồi có những bằng cấp như MB, BA này nọ thì họ cũng viết một loạt phía sau tên của nhà Sư. Chuyện phô trương bằng cấp là chuyện hoàn toàn có thể chấp nhận được ở Tích Lan, về học vị của mình.
Còn ở Đài Loan thì, những vị tu sĩ ở Đài Loan mà càng giàu thì Phật tử càng hoan hỉ, người Hoa ở Đài Loan họ quan niệm rằng người tu sĩ đó giàu vì có phước. Thành ra ở bên đó hầu như những ngôi chùa lớn đều có cơ sở kinh tế tự túc, thậm chí những hệ thống lớn như Phật Quang Sơn hay là Trung Đài Thiền Tự v.v... đều có cơ sở kinh tế lớn. Và các Ngài ở bên đó có vị có thể nói rằng có hàng trăm triệu cũng có, tại vì quan niệm người Đài Loan thì tu sĩ càng giàu thì càng phước.
4. Và nếu qúi vị đến Tây Tạng thì qúi vị thấy rằng những vị Tăng sĩ Tây Tạng càng bày vẽ nghi lễ cúng kiếng càng rồm rà thì Phật tử càng hoan hỉ. Xứ Tây Tạng họ thích nghi lễ rườm rà.
Còn qúi vị sang bên Thái Lan, Chư Tăng Thái Lan có những kiểu cách riêng, ví dụ y thì phải mặc y kiểu đó phải làm như vậy như vậy, ở trong chùa càng khó khăn nhiều, các vị Sư Cả bày ra nhiều việc khó khăn là một kiểu cách riêng. Nếu ở Việt Nam thì đôi khi gọi là lập dị nhưng bên Thái Lan thì xem đó là sự xuất sắc của tông phái của họ.
Nói chung thì, mỗi nền văn hóa có một số những dị biệt, có một khuynh hướng, và mỗi thời đại nó có trào lưu nhất định. Người đời họ nói rằng: trong một quốc gia phát triển thì dân trí phải cao, ở trong một nền đạo mà những tín đồ có kiến thức tốt về giáo pháp thì đạo đó phát triển mạnh.
Chúng ta là người Phật tử nên nắm cái chính yếu cái cơ bản, chúng ta hiểu rõ Phật Pháp được học từ trong kinh điển và từ đó chúng ta có cái nhìn sáng sủa quang đãng đối với thế giới bên ngoài tốt hơn. Còn nếu chúng ta không nhìn những điều đó thì nó trở thành một vấn nạn. Chúng tôi lấy ví dụ là ở Mỹ ngôi chùa nào lớn và thịnh thì những ngôi chùa đó có nhiều đám tang, tức là việc cúng đám rất là nổi bậc, chúng tôi không thấy có ngôi chùa Việt Nam nào ở Mỹ phát triển mà không có cúng đám, và việc cúng đám đó trở thành một lẽ sống huyết mạch của Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại. Bây giờ thì có nhiều Thầy qua bên Mỹ bày đủ thứ chuyện, nghi lễ đám tang càng lúc càng rườm rà. Và Phật tử thỉnh một vị Thầy về làm đám mà họ thấy qúi Thầy tụng kinh ngắn quá hay làm mà không có nghi lễ đặc biệt thế này thế kia thì họ không hoan hỉ, thậm chí họ còn áp dụng những nghi lễ của Tây Tạng như là chết rồi để yên trong 2, 3 ngày không đụng đến v.v... Bây giờ người ta đang chạy theo thời thượng là nghi lễ càng rườm rà thì càng tốt, chùa mà nhiều đám cúng thì đó là chùa thịnh Phật tử. Và thậm chí là có những ngày lễ họ không quan trọng nội dung của buổi lễ mà họ quan trọng hôm đó có nhiều đám tang có những người đến rất là đông là tại vì có 5, 3 cái đám tang nhập lại thì người đến tham dự cũng đầy chánh điện do đó cái nghi lễ đó họ quan trọng nhiều hơn là những hình thức khác.
Thì nói chung, là chúng ta là người tu Phật ở trong mỗi thời đại phải tỉnh táo, chúng ta phải tăng trưởng kiến thức của mình. Người ta nói rằng: "đi tìm cái giá trị chân thật của cuộc đời giống như là ngọc trong đá", đá thì nhiều nhưng ngọc thì ít và người đi tìm cái giá trị chân thật. thì không phải dễ.
Nói chung, dù rằng có Thầy dù rằng có chùa, dù rằng có tông phái nhưng chuyện tu đó là ai khôn thì nhờ mà dại thì chịu, nghe nó phũ phàng nhưng nếu chúng ta không có trí tuệ thì thật sự không ai cứu nổi chúng ta, chúng ta phải cẩn thận về điểm này./.
No comments:
Post a Comment