Tuesday, March 4, 2014

Tại sao chiến tranh, tranh chấp, hận thù xảy ra ở giữa loài người ?

Hỏi: Tại sao chiến tranh, tranh chấp, hận thù xảy ra ở giữa loài người ?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Phải nói rằng danh lợi là những gì chúng ta rất dễ bị lôi cuốn, đã có rất nhiều sự chia rẽ ở trong cộng đồng Phật giáo không phải vì y' thức hệ, không phải về chánh kiến, mà đơn thuần vì danh vì lợi mà  thôi.  Có những khi chúng ta nghe những lời nói rất nặng của một cá nhân này đối với một cá nhân khác không phải vì những ân oán cá nhân mà tại vì người ta sợ rằng sẽ mất đi cái họ đang có.

Trong một đoạn kinh rất nổi tiếng trong Trường Bộ Kinh là kinh Đế Thích Sở Vấn, một lần Đế Thích đến đảnh lễ Đức Phật và Đức Phật Ngài thuyết pháp cho Đức Trời Đế Thích.  Đức Trời Đế Thích đã đảnh lễ Đức Phật và xin được hỏi câu hỏi đầu tiên là tại sao chiến tranh, tranh chấp, hận thù xảy ra ở giữa loài người và ở trong Chư Thiên  trên thế gian này, thì Đức Phật Ngài giải thích rằng chính do hai pháp ganh tỵ và bỏn xẻn.  
- Ganh tỵ là tâm đố kỵ không vui với sự thành đạt của người khác, người ta giàu hơn mình, người ta đẹp hơn mình, người ta thành công hơn mình thì mình không hoan hỷ, mình cảm thấy bực bội khó chịu.  
-Bỏn xẻn là mình sợ rằng cái gì mình đang có sẽ bị lấy đi, nó sẽ bị tổn giảm, nó sẽ bị vơi đi.

Chính hai pháp này đã tạo ra vô số máu và nước mắt ở trong lịch sử của nhân loại.

Ở đây, chúng ta một lần nữa tìm thấy được ý nghĩa đạo Phật dậy về hạnh xả ly, hạnh buông bỏ, nếu chúng ta không tu tập hạnh buông bỏ, hạnh xả ly thì chúng ta chính là nạn nhân của chính mình.  Nạn nhân của chính mình là do ganh tỵ và bỏn xẻn, do tỵ hiềm đối với cái được của người khác và do sợ cái mất của mình, nên chi cả hai điều này dẫn con người vào một cái nhìn, cho dù đó là một viên ngọc và viên ngọc ở trong tay người khác thì họ cũng không nhận đó là một viên ngọc, và cho dù họ có thể đi tìm thấy những ánh sáng từ một nơi khác thì họ cũng không tìm mà họ chỉ khư khư ôm  lấy cái gì mình có được. 

Ở trong thời đại người ta cổ võ chủ nghĩa tiêu thụ, người ta cổ võ tinh thần làm giàu bản thân, trường hợp này đã tạo nên không biết bao đau khổ mất mát và những nghiệp hết sức nặng nề.  Với một người Phật tử  chúng ta tin vào lý nghiệp báo, biết một người với tâm thanh tịnh làm các thiện sự mà mình khuyến khích họ thì phước đức của mình tăng trưởng rất nhiều, nhưng nếu một người phát tâm làm phước làm các thiện sự  mà chúng ta chỉ trích chê bai hoặc gây trở ngại cho họ thì quả thật nghiệp bất thiện  cũng nặng lắm chứ không nhẹ, rất nặng. 

Ngày hôm nay, chúng ta thường nghe nhiều tranh chấp, nhiều lời nói đố kỵ qua lại ở trong cộng đồng Phật giáo về cá nhân này hay cá nhân khác.  Thường thường người ta hủy báng mạ lỵ nhau đơn giản vì danh vì lợi chứ ít khi vì giá trị thực sự.  Quí vị để y' như vầy, những người  sống rất tầm thường ở trong cuộc đời này ít khi họ bị miệt thị, bởi họ không phải là đối tượng để người khác tranh chấp, nhưng những bậc tu tập thanh tịnh tốt đẹp, những bậc danh tăng có tiếng tăm thì thường thường bị đố kỵ bị dèm xiểm rất nhiều, bởi vì có một số cá nhân họ rất sợ những ảnh hưởng của những vị này liên quan đến đời sống của họ và cho dù một số cá nhân  đó có khả năng, có sự tu tập ở trong đời sống đến đâu đi nữa, nhưng thái độ đố kỵ sẽ khiến cho những vị này đánh mất đi cái lợi ích của chính mình và dần dà rơi vào một hoàn cảnh mà chính mình lại đào bứng cái gốc rễ của mình.

Phải nói một điều rằng đối với chánh pháp chúng ta phải bỏ ra rất nhiều thì giờ để chiêm nghiệm để hiểu giá trị của chánh pháp, và trong hoàn cảnh nào thì chúng ta cũng phải thấy được giá trị của chánh pháp trên hết.  Nếu chúng ta hiểu được giá trị của chánh pháp thì những ai phát tâm với chánh pháp, hoan hỷ với chánh pháp, dù rằng chánh pháp đến từ mình hay đến từ bất cứ người nào khác thì chúng ta cũng hoan hỷ. 

Các vị Chư Thiên  sống trong cảnh giới Tusita là Cung Trời Đâu Xuất, phần lớn những Chư Thiên sanh về cõi này là những vị phát tâm trong sạch hoan hỷ đối với chánh pháp, nhìn thấy vẻ đẹp của chánh pháp, cái rực rỡ oai nghi của chánh pháp, và vị này sanh lên cõi trời đâu xuất, tại cõi trời này các vị tiên thường quây quần trong pháp hội, và những pháp hội này được thuyết giảng thường là bởi những vị Bồ Tát sắp chứng quả Vô Thượng Chánh Giác, đây là một cảnh giới rất vi diệu, cảnh giới này được thành tụ là do những người ưa thích chánh pháp.  

Đời sống của chúng ta một trong những điều để chúng ta vượt qua những đố kỵ những bỏn xẻn là chúng ta nên biết làm thế nào để cảm kích chánh pháp thay vì đặt mình trong sự đố kỵ với những người khác. Có thể nói con người thường chuốt lấy những đau thương, những hệ lụy chính mình, không phải vì nghiệp riêng quá khứ, không phải vì hoàn cảnh đưa đẩy bên ngoài mà do chính cái nhìn sai lầm của mình 

 Một lần chúng tôi có nói chuyện với một vị Hoà Thượng, vị HT này nói rằng: con người của mình bình thường rất hiền lành nhưng khi vì danh vì lợi thì cũng có thể làm những việc tày trời là giết cha giết mẹ của mình.  Lời nói đó thật ra không phải quá đáng, chúng tôi nhận thấy rằng có những người Phật tử đi chùa, ban đầu phát tâm rất trong sạch, nhưng sau đó vì một chút phiền phức cá nhân, một chút phiền não mình không dằng xuống được và từ đó họ quay lưng lại chống báng Chư Tăng, chống báng những đạo hữu, chống báng ngôi chùa, thậm trí chống báng lại đạo mình và trong những sự chống báng đó người này tạo vô số điều đạo Phật gọi là phi công đức, những điều phi công đức này đáng lẽ không nên làm tại viì nó không đáng gì với sự phiền giận nhỏ bé của chúng ta mà làm tổn giảm của chúng ta rất nhiều, nhưng bởi vì tự ái cá nhân hay bởi vì sự bất mãn mà mình đặt mình ở trong vị thế ngược lại với những lợi ích của mình thì đây chính là bi kịch của kiếp người.

 Loài người chúng ta rất dễ bị danh lợi chi phối, và khi con người đã mù quán trong danh lợi rồi thì có thể đặt mình trong bất cứ bi kịch nào, kể cả việc tự mình đối lập với những giá trị cao qúi mà mình đã lựa trọn, tự mình làm tổn hại đến bản thân của mình, đào bứng lấy gốc rễ của mình, thì điều này quả là một điều không may. 

No comments:

Post a Comment