Hỏi : Có thứ tà kiến nào không thuộc thường kiến và đoạn kiến chăng?
(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp , Chánh Hạnh chuyển biên)
TT Tuệ Siêu : Trong 62 tà kiến, chấp về tà kiến quá khứ có 18 điều năm phần, chấp về vị lai có 44 điều năm phần. Trong đó chúng ta thấy những hình thức tà kiến không thuộc về thường kiến và đoạn kiến. Đó là trường hợp chúng tôi gọi là vô ký kiến hay là ngụy biện. Với một người ngụy biện, tức là nói trườn uốn như con lươn, không nói thẳng vào vấn đề, mà họ luồn lách qua một vấn đề khác, như vậy cũng được xem như là tà kiến. Nói rõ hơn vô ký kiến hay ngụy biện có 4 nguyên do, chúng ta nghe những điều này chúng ta sẽ biết rằng nó không nằm trong thường kiến hay đoạn kiến nhưng cũng kể thuộc về tà kiến bởi vì nó chấp sai.
Vô ký kiến hay là ngụy biện do 4 nguyên do:
1/ Do thấy không có xác thật, vì e vọng ngữ nên nói không xác thật. Có rất nhiều trường hợp trong đời sống chúng ta thường hay vấp phải điều đó tức là vì chúng ta không thấy thật, không biết thật nên chúng ta nói một cách mơ hồ, không đi thẳng vào vấn đề, sợ e rằng mang tiếng vọng ngữ. Cách nói như vậy, nhận thấy không xác thực như vậy, nói thì cũng có lý nhưng xét cho cùng thì là ngụy biện hay vô ký kiến.
2/ Cũng vì do thấy không xác thật, nhưng sợ nếu nói như nói khẳng định mọi người sẽ nói mình chấp, nên nói không quyết định, không có lập trường. Đây cũng là một loại hình tà kiến nhưng thuộc ngụy biện kiến.
3/ Cũng do nhận thấy không xác thật, nhưng vì sợ bị hỏi gạn lại, nên nói không quyết định chắc thật, và cách nói như vậy cũng được xem như một loại hình tà kiến, nhưng không được kể vào thường kiến hay đoạn kiến bởi vì không có sự quyết định.
4/ Cũng do thấy không xác thật, nhưng vì sợ người ta nghĩ rằng mình dốt nên nói cách này hay cách khác cũng bằng cách không quyết định.
Bốn tà kiến này cũng gọi là Bất định kiến. Vì rằng là bất định kiến nên không kể vào đoạn kiến hay thường kiến.
Trong câu hỏi này chúng tôi chỉ trình bày cho thấy rằng quan niệm về tà kiến, thông thường chúng ta hay nói về thường kiến và đoạn kiến là hai tà kiến nhất định, có sự tương phản một cách rõ rệt một cái có và một cái không. Trong bài kinh Phạm Võng khi nói đến 62 tà kiến, có những trường hợp mặc dầu không phải là thường kiến, không phải là đọan kiến nhưng trường hợp đó cũng là tri kiến hoang vu không đúng với sự thật nên cũng được xem là một loại hình tà kiến.
Ở đây nếu phải trình bày hết tất cả những gì được nói đến 62 tà kiến có lẽ chúng ta sẽ không có nhiều thời gian , nên chúng tôi chỉ trưng dẫn ra bốn sự kiện thuộc về vô ký kiến hay ngụy biện hay bất định kiến. Đó là câu trả lời của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment