Tăng Chi Bộ - Làm bạn với thiện - Như Lý Tác Ý và Giác Chi
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 12-7-2015, Minh Hạnh chuyển biên và biên tập
(Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
(Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta nói đến 2 phần liên quan đến bài học: một là Như Lý Tác Ý, hai là Giác Chi.
Giác Chi là những chi phần hay những yếu tố để thành tựu tuệ giác. Yếu tố thành tựu tuệ giác ở đây chỉ cho Thất Giác Chi.
Thất Giác Chi có: - Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Ðịnh giác chi, và Xả giác chi.
Niệm Giác Chi là khả năng tỉnh táo ghi nhận. Thí dụ, khi mình hướng tâm đến một đối tượng ở thân tâm mình như hơi thở, hoặc bước đi, hoặc cảm thọ thì chúng ta có khả năng nhìn thấy rõ: đây là thọ khổ, đây là thọ hỉ, đây là thọ lạc, đây là thọ ưu, đây là thọ xả v.v... Chẳng những hiểu như vậy chúng ta hiểu được là chúng ta ghi nhận cảm thọ này chưa có bây giờ có là sanh. Và nó có rồi bây giờ chấm dứt gọi là diệt. Thì giống hơi thở vào ra, giống như bước đi, giống như những thao tác lớn nhỏ của chúng ta. Khả năng nhận diện và biết rõ là Niệm Giác Chi.
Trạch Pháp Giác Chi là yếu tố phân biệt không lẫn lộn pháp thiện hay pháp bất thiện, đây là pháp nên thân cận và đây là pháp không nên thân cận .v.v...
Cần Giác Chi là yếu tố tinh tấn. Sau khi mình có khả năng nhận rõ thế nào là thiện thế nào là bất thiện, thế nào là những pháp nên thân cận và không nên thân cận thì mình nên đặt sự nỗ lực ở chỗ nào. Giống như một người làm vườn biết rõ trong vườn cây của mình cây nào nên để và cây nào không nên để, mình đã biết rõ như vậy thì rất tinh tấn, rất tinh cần để chặt những cây không nên để và rất tinh cần để trồng những cây nên làm cho tăng trưởng.
Hỉ Giác Tri là trạng thái hân hoan, trạng thái hoan hỉ. Trạng thái hân hoan là một trong lẽ sống an lạc của một hành giả. Hỉ Giác Tri như một người làm không biết mệt vì lý do thấy công việc mình có kết quả, mình vui với công việc gọi là Hỉ Giác Chi.
Tịnh Giác Chi hay Khinh An Giác Chi là trạng thái nhẹ nhàng, trạng thái không có yếu tố của phiền não, trạng thái an tịnh nhẹ nhàng như một người sống không bị phiền bị lụy .
Định Giác Chi là khả năng tập trung trên một đối tượng và tập trung lâu. Thí dụ mình ngồi niệm hơi thở, mình có thể ngồi niệm hơi thở rất lâu hướng tâm đến điều gì, tâm mình không phải muốn chạy đầu này chạy đầu kia mà nó có khả năng an trú trên một đề mục là Định Giác Chi, chúng ta thường gọi có sự bền bỉ là Định Giác Chi.
Xả Giác Chi là một trạng thái tâm điềm đạm, trạng thái tâm quân bình, trạng thái này giống như một người đã thạo việc, đã thuần thục, do thạo việc nên thuần thục, người này không có những chao đảo, mà đạt đến sự điềm đạm.
Bảy yếu tố của tuệ giác là Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi, Cần Giác Chi, Hỉ Giác Chi, Tịnh Giác Chi hay Khinh An Giác Chi, Định Giác Chi và Xả Giác Chi là những yếu tố để làm cho sanh khởi và tăng trưởng tuệ giác. Nó tương tự như ngày nay tại các quốc gia phát triển người ta so sánh những phát minh về khoa học, những phát minh dẫn đầu, chúng ta thấy quốc gia nào có những phát minh dẫn đầu thì quốc gia đó thường có nền kinh tế rất mạnh. Bởi do những phát minh mới tạo ra những sản phẩm mới. Và cái gọi là phát minh lệ thuộc vào nhiều yếu tố từ trường học cho đến môi trường kinh tế cho đến những công trình nghiên cứu, những yếu tố này dẫn đến những phát minh. Thì tương tự như vậy, hành giả sống có được tuệ giác để nhìn thấu triệt, nhìn xuyên suốt vấn đề phải có những yếu tố và những yếu tố này giúp cho hành giả nhận diện, giúp cho hành giả khởi sanh lên tuệ giác, yếu tố đó gọi là Giác Chi.
Trong bài kinh này có gợi ý khác quan trọng là những Giác Chi sanh khởi do Như Lý Tác Ý.
Lấy ví dụ như Niệm Giác Chi hay Trạch Pháp Giác Chi. Như Lý Tác Ý ở đây được hiểu là khả năng nhìn sự việc một cách tích cực hay một cách khôn khéo.
Một thí dụ đơn giản là có nhiều người nói rằng "con không thể ngồi thiền được vì tâm động quá". Khi mình thấy tâm động do đó quyết định tâm động thì không ngồi thiền nữa, đó là cái nhìn không thiết thực. Bởi vì sao vậy? Bởi vì các vị Thiền Sư đều dạy hễ ngồi thiền là tâm phải động mới bắt đầu là vậy, chúng ta là phàm nhân, nhưng chính vì tâm mình động nên cần phải ngồi thiền và khi bắt đầu ngồi thiền mình phải vượt qua một giai đoạn, giai đoạn đó là giai đoạn buồn chán, giai đoạn vật lộn với chính mình, khi vượt qua giai đoạn đó mình mới có thể tiến tới.
Một ví dụ khác, thường thường hành giả tu tập những lúc tâm bị phiền não nhất là hôn trầm thụy miên hay bị buồn ngủ thì mình lấy lý do tâm mình bữa nay không phấn chấn, tâm mình bữa nay không tích cực do vậy mình nghỉ. Nhưng kỳ thật với một người có tu tập hiểu biết thì chính trạng thái tâm tinh tấn hay dã dượt, tâm có định hay không có định đều là đối tượng của chánh niệm. Vấn đề quan trọng không phải mình phải như thế này mới tu tập chánh niệm, phải như thế kia mới tu tập chánh niệm. Mà vấn đề là cái nào cũng là đối tượng của chánh niệm, cái nào cũng là đối tượng để mình ghi nhận. Điều này như vầy là, vị hành giả có khả năng để phát triển chánh niệm ở trong mỗi điều kiện ở trong mọi trạng thái tâm, và vị hành giả không đặt điều kiện mình phải tốt thế này, mình phải an lạc thế kia, mình phải thanh tịnh như thế nọ mới tu tập chánh niệm, tại vì đối tượng của chánh niệm là tất cả, tu tập chánh niệm không đòi hỏi là mình phải tốt như vậy mình mới tu tập chánh niệm, mình không tốt như thế kia mình không tu tập chánh niệm, không phải như vậy, mà tất cả đều là đối tượng của sự tu tập chánh niệm. Cái nhìn đó gọi là cái nhìn Như Lý Tác Ý, cái nhìn tích cực.
Có lần chúng tôi đọc câu chuyện của Khuất Nguyên. Là một người bất đắc chí, khi ông cố gắng đem tài sức để giúp cho cuộc đời, nhưng ông thấy cuộc đời nhiễu nhương người ta sống tranh danh đoạt lợi, và tiếng nói của một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế như ông không có một ảnh hưởng gì xây dựng được. Ông chèo thuyền trên sông Tương định trầm mình tự tử. Lúc đó có một ông lão chèo thuyền đi ngang hỏi Khuất Nguyên: "tại sao ông muốn tự tử?" Ông nói rằng "cả đời đều đục, chỉ mình ta trong, cả đời đều say, chỉ mình ta tỉnh và do vậy ta chọn cái chết". Ông lão nghe nói như vậy tiếp tục bơi thuyền đi và ông lão hát "Sông Tương nước chảy trong veo. Thì ta lội xuống rửa lèo mũ ta. Sông Tương nước đục chảy ra, thì ta lội xuống để mà rửa chân". Nước trong thì rửa lèo rửa mũ tức là mình giặt khăn và rửa cái nón của mình và nước đục thì rửa chân không cớ gì phải giận nước đục nước trong của sông Tương.
Dĩ nhiên, đó là câu chuyện mang tánh cách giai thoại. Nhưng riêng đối vớì người tu tập Giác Chi thì phải giống như ông lão nói: trời mưa cũng vậy, trời nắng cũng vậy, vui cũng vậy, buồn cũng vậy, tinh tấn hay không tinh tấn, uể oải hay không uể oải, mạnh hay khỏe tất cả đều là đối tượng của chánh niệm, thắp sáng chánh niệm, tại vì chánh niệm nhận thức đây là tâm thiện, đây là tâm bất thiện, đây là tâm có định, đây là tâm không có định, đây là tâm cao qúi, đây là tâm hạ liệt, nó là cái gì đi nữa chỉ ghi nhận thôi và luôn luôn làm công việc của một người đứng ghi nhận chứ không phải một người mặc cả trả giá đôi co hay đòi hỏi việc này việc khác. Chúng ta phải thấy đa số những căng thẳng những phiền hà đến từ thái độ sai lầm của chúng ta.
Ví dụ, chúng tôi làm trụ trì khi có chuyện rắc rồi phiền hà xảy ra chúng tôi bực bội nói rằng mình làm trụ trì đã mệt rồi còn gặp những chuyện này nữa mình bực bội, đó gọi là không Như Lý Tác Ý. Khi làm trụ trì gặp chuyện khó khăn phiền hà mình nói "đây chính là công việc trụ trì phải làm", làm trụ trì mình giải quyết những khó khăn phiền hà, đó là chuyện tự nhiên, nếu không khó khăn không có phiền hà thì không ai cần vị trụ trì, làm trụ trì là phải đối mặt với những chuyện đó gọi là Như Lý Tác Ý , vai trò của mình phải làm, ngồi đó trách móc cằn nhằn để làm gì , để phiền hà thêm chứ không được gì hết. Ở trong tất cả mọi trường hợp, ngồi xuống giải quyết làm được cái gì cần phải làm, không phải gặp khó khăn mình than thở hay cằn nhằn, than thở với ai và cằn nhằn với ai mà là trách nhiệm của mình. Đó là chúng ta gọi là cái nhìn tích cực. Hay chúng tôi lấy ví dụ những vị có trách nhiệm điều hành công việc trong room, có thể là qúi vị vào làm việc có những lúc thiếu người giúp đỡ hay có những chuyện phiền này hay phiền khác rồi qúi vị nói tại sao có nhiều chuyện phiền như vậy, nhưng công việc của tri chúng là gì? công việc của tri chúng là giải quyết những chuyện đó, công việc của tri chúng là mình có mặt để xử lý những chuyện như vậy, nếu không xử lý những việc như vậy đâu ai cần đến mình .
Nói chung, một người tu tập Giác Chi người đó rất cần Như Lý Tác Ý để có thể vượt qua những rào cản, để vượt qua những gì mình nghĩ khó khăn. Nói cho cùng là mình tự đặt điều kiện cho mình, điều kiện tôi không thể làm thế này, tôi không thể tu thế kia, không thể tu thế nọ là bởi vì, tại, bị, là lý do này lý do khác. Đối với cái nhìn Như Lý Tác Ý là cái nhìn phải vượt qua điểm đó.
Có người hỏi Ngài Ajahn Chah là "con bận quá con không có thì giờ để ngồi thiền" Ngài hỏi "có thì giờ để thở không?", người đó trả lời "dạ có", Ngài trả lời "có thì giờ để thở thì có thì giờ ngồi thiền được". Đơn giản như vậy, hễ mình muốn chuyện đó thì mình làm được mà mình không muốn thì không làm được. Chúng tôi lấy ví dụ, bây giờ có nhiều người rất thích sài Ipad, rảnh thì giờ là dùng Ipad, vì thích Ipad. Nhưng nếu họ không thích Ipad thì họ nói không rảnh thì giờ để học cách dùng Ipad vì tôi bận lắm bận việc này việc kia tôi không thể đụng vào Ipad. Nhưng nếu mình thích thì tìm mọi giá, mọi thì giờ, mình sẽ học được, và sẽ làm được. Con người mình là vậy, hễ mình đặt trọng tâm ở đó mình quyết tâm làm việc đó thì mình sẽ làm được, mà mình không thấy được cái lợi lạc của nó thì mình không bao giờ muốn dự vào, mà khi mình quyết tâm làm thì cái gì mình cũng làm được, mình phải hiểu như vậy.
Chúng tôi có đọc ở câu chuyện Siddhartha của Hermann Hesse trong câu chuyện Tất Đạt với Kiều Lan. Tất Đạt đưa ra hình ảnh một viên sỏi quăng xuống hồ tự nó sẽ tìm tới đáy, đó là bản chất tự nhiên như vậy. Đời sống một vị Samon khi có một ý hướng rõ ràng của mình thì tự mình biết sẽ làm việc gì. Quan trọng là thái độ của chúng ta, sự nhận thức của chúng ta, mình tu mình hiểu việc gì phải làm. Mình phải hiểu những cái ngăn ngại nó đến từ thái độ của mình, từ cái nhìn của mình, tôi phải có cái này tôi mới làm, phải có cái kia tôi mới làm, tôi có thế này mới hạnh phúc, tôi không có cái kia không hạnh phúc, đó là tự mình làm khó mình, tự mình đặt điều kiện với chính mình, tự mình làm hàng rào cho mình. Và pháp Như Lý Tác ý hay là chánh tư niệm giúp cho chúng ta vượt qua những hàng rào đó, ở đây không phải là chuyện đơn giản.
Chúng ta nghe những câu chuyện như bà hoàng phi Khema, một người rất thông tuệ nhưng qúi trọng sắc đẹp và không bao giờ muốn đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật Ngài đã dùng thần thông cho bà thấy hình ảnh của hai cô thiếu nữ từ tuổi trẻ cho đến tuổi già cho đến khi biến thành tử thi. Lúc bấy giờ bà vượt rào cản trở thành một vị tỳ kheo ni. Thật ra không phải bà không có đủ khả năng để nhận thức ra sanh lão bệnh tử nhưng vấn đề bà có những mặc cảm, mặc cảm đối với sự thật, mặc cảm đối với sự việc. Mặc cảm đó khiến cho mình không muốn nhập cuộc, không muốn lên đường, không mở mắt lớn ra để nhìn sự thật đó. Tất cả những người tu tập đều phải ý thức người cản trở mình nhiều đó là bản thân của mình, người khiến mình không tu được, không an lạc được chính là bản thân mình. Và Như Lý Tác Ý là khả năng để chúng ta thấy được điều đó, Như Lý Tác Ý là khả năng để chúng ta vượt qua điều đó. Đặt lại cái nhìn thôi, trời nắng cũng được, mưa cũng được, siêng cũng được, biếng cũng được, vui cũng được, buồn cũng được. Vấn đề không phải nó là cái gì, vấn đề là mình có thắp sáng được chánh niệm nhìn nó hay không, và luôn luôn mình phải tìm cách vượt qua cái nhìn tiêu cực.
Người sống Như lý Tác Ý họ có nhiều điều tốt. Bà Visàkhà cùng người tì nữ đến chùa nghe Đức Phật thuyết pháp, bà giao cho nàng tì nữ giữ áo của bà, trong lúc đó nàng tì nữ cũng mải mê nghe pháp khi về để quên cái áo thì bà dặn trở lại để tìm nếu còn đó thì lấy về, nếu Chư Tăng đã đụng tới rồi thì bà sẽ cúng dường Tam Bảo chiếc áo đó. Khi trở lại biết Tôn Giả Ananda đã cất rồi bà quyết định bán chiếc áo và dùng số tiến bán chiếc áo để xây ngôi chùa về sau này gọi là chùa Đông Phương Tự. Và thay vì trách móc cô tì nữ thì bà Vishaka lại xây chùa xong cám ơn người tì nữ đã tạo cơ hội cho bà làm phước. Thật ra trong hoàn cảnh nào cũng vậy, nhiều khi chúng ta để ý chút xíu chúng ta thấy rằng nó không có tệ giống như chúng ta nghĩ, nó vẫn có yếu tố tích cực. Người ta nói chuyện gì cũng có hai mặt của nó, mặt trái mặt phải và chúng ta muốn nhìn mặt nào là cái nhìn của chúng ta.
Khi ở gần Ngài Hộ Giác có nhiều lần chúng tôi thấy người Phật tử bị tai nạn xe cộ họ đến nói với Ngài: "Con bị đụng xe nguyên cả cái cản phía sau bị hư xui quá, bạch Ngài" , Ngài nói: "Thật ra mình bị đụng xe mà xe hư còn mình không sao là mừng là rất là may mắn, nếu bị thương tích hay bị gì thì phiền nữa". Thì chúng tôi tin rằng lời Ngài nói không phải là chuyện xã giao mà là thái độ tích cực, chiếc xe đụng rất nặng, chiếc xe bị hư hại mình bình yên thì mình nên hoan hỉ với điều đó. Hay hoặc giả là ở trong cuộc sống của chúng ta có nhiều khi qúi Phật tử đi chùa làm phước có những chuyện phiền, có lý do này lý do khác, người này làm vừa ý người kia làm không vừa ý, nhưng việc mình vẫn cứ làm và nhiều khi làm mệt như vậy mình có công quả thêm thì mình làm đó là thái độ tích cực.
Chúng tôi luôn tin cái nhìn tích cực hay còn gọi là Như Lý Tác Ý như lời Đức Phật dạy ở đây đó là làm cho những thiện pháp tăng thịnh và làm cho các ác pháp suy giảm. Như Lý Tác Ý giúp cho chúng ta nhìn ở một góc cạnh tốt nhất lợi thế nhất chúng ta gọi là thế thượng phong để nhìn vào vấn đề. Nếu chúng ta muốn thắng được giặc phiền não chúng ta phải chọn cái thế thượng phong, thế thượng phong cho phép những thiện pháp của chúng ta có điều kiện tốt. Mình chưa ra quân mà mình nhìn vấn đề bi quan quá thì thật ra nó làm nản lòng tất cả mọi người. Và đặc biệt trong trường hợp sự tu tập của mình nếu mình cứ nhìn một cách tiêu cực thì sẽ nản.
Khi chúng tôi làm việc chúng tôi nhận ra một điều ở trên đời này chỉ có hai hạng người, một hạng người có cái nhìn tích cực và hạng người có cái nhìn tiêu cực. Hạng người tích cực thì trong khó khăn nào họ cũng cố gắng nhập cuộc, cố gắng tìm cái gì đó để làm, tìm một đạo lộ để giải quyết sự bế tắc. Người tiêu cực thì lúc nào cũng than vắn thở dài, người tiêu cực lúc nào cũng nản lòng thối trí. Cuộc đời đã khổ rồi gặp họ còn khổ nhiều hơn nữa, chúng tôi gặp nhiều người là cuộc sống đã mệt rồi gặp họ còn mệt thêm nữa, luôn luôn họ muốn chúng tỏ rằng họ thấy được những cái mệt. Nhưng thật ra mình không cần, cái mình cần không phải là mình bươi móc thêm chuyện buồn phiền, cái mà mình cần mình nhìn làm sao tìm ra một ngõ ngách nào đó để khai thông, cái mình cần là làm sao có cái nhìn tích cực nhìn xuyên thấu ./.