Sunday, November 26, 2017

Kinh Ngày và Đêm - Tăng Chi Bộ - Chương 6 VIII. - TT Giác Đẳng

Tăng Chi Bộ - Chương 6
VIII. Phẩm A-La-Hán
(X) (84) Ngày và Ðêm

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 21-8-2017

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài kinh này là bài kinh cuối cùng của phẩm Alahán. Alahán là bậc vô sanh, là  Ứng Cúng, là bậc hoàn toàn giải thoát. Trong phẩm này Đức Phật đề cập đến nhiều pháp và những pháp đó cho chúng ta thấy sự tương phản giữa đời sống của bậc giải thoát và đời sống của một phàm phu, đời sống của một người hướng cầu giải thoát và đời sống của một người đang thối đoạ đang đi xuống. Sự tương phản đó cho chúng ta nhiều bài học rất quan trọng về cuộc sống. 

Trong bài học hôm nay, một lần nữa Đức Phật đưa ra 2 hình ảnh tương phản: một là đời sống được thăng tiến trong thiện pháp, hai là đời sống thối đọa trong thiện pháp. Tức là đời sống đi lên và đời sống đi xuống, đời sống có tiến bộ và đời sống bị tổn giảm.

Tựa đề bài kinh là Kinh Ngày và Đêm (Rattidivasa Sutta). Ngày và Đêm là một cách nói như ngày hôm nay chúng ta nói trong 24 giờ trọn cuộc sống của chúng ta bao gồm bất cứ khi nào bất cứ lúc nào các hành hoạt của chúng ta đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ sinh hoạt. Với 6 pháp chúng ta có thể thấy mình đang bị thối đọa và với 6 pháp mình đang được thăng tiến.

Ba pháp đầu tiên, pháp thứ nhất ở trong đó gồm 3 pháp nhỏ, nhưng 3 pháp nhỏ này được xem như là 3 góc của một phiến đá và 3 pháp này đi chung nhau, 

1. Pháp thứ nhất, Gồm nhiều ham muốn, hay phiền lụy và không tri túc

Nhiều ham muốn là mình luôn luôn muốn cái gì tốt nhất, cái gì nhiều nhất, và cái gì hài lòng nhất, cái đó gọi là nhiều ham muốn.

 Ví dụ như đời sống của một người cư sĩ bình thường đi làm việc có tiền mua xe thì mua xe tốt nhất, ở nhà thì nhà tốt nhất, mặc bộ đồ cũng tốt nhất. Cái tốt nhất của mình là mình đạt đến cái gì mình nghĩ rằng có thể hãnh diện nó là đặc biệt là tốt, nhưng đó là đời sống của một người không tu tập một người cư sĩ tại gia một người cư sĩ đi làm.

Một vị xuất gia những cái gì mình xử dụng trong đời sống là của đàn tín cúng dường. Thí dụ họ cúng cho mình một đôi dép thì cũng không thể người xuất gia đòi hỏi một đôi dép phải là tốt nhất, hoặc cúng dường bộ y cũng không thể đòi hỏi bộ y tốt nhất, và nếu cái gì mình cũng mong cầu là được tốt nhất thì ở đây Đức Phật dạy đó là mahaicchā tức là đòi hỏi quá đáng, đòi hỏi nhiều. Đòi hỏi quá đáng, ở đây dịch là nhiều ham muốn 

Maha nghĩa là lớn
 Icchā nghĩa là đòi hỏi

Người ham muốn cái gì cũng nhất, cũng đặc biệt, cái gì cũng là thiệt là tốt thì người đó thường bị bực bội, bị bất mãn (vighàta) tại vì mình muốn nhiều quá mà không được đâm ra bực bội. Có những người phiền hà cả ngày, tâm  không vui vì muốn được cái này cái kia mà không được nên khó chịu. Ví dụ một vị tỳ kheo được vị cư sĩ mang thức ăn đến cúng dường mà nếu thức ăn  không vừa lòng thì nhăn nhó giống như người ta đụng chạm gì đến mình nhưng thực ra chỉ vì món ăn không vừa ý mình làm mình bực bội. Hay là người ta cúng dường bộ y không như mình mong mỏi nó tốt mà nó không tốt mình đâm bực bội, hoặc giả có trăm thứ bực bội thì cái phiền hà phiền lụy  bực bội đó là vighàta.
Và một góc khác của một vấn đề là không có tri túc (asantuṭṭhi) là mình không thoả mãn không hài lòng mình không dễ dàng chấp nhận một cách thoải mái những gì mình có trong tứ vật dụng như y phục, chỗ ở, thuốc men. 

Nhìn lại 3 pháp này, ham muốn nhiều quá thường dẫn chúng ta đến bực bội khi mà cái gì muốn có mà mình không được, sự bực bội đó sự ham muốn đó nó có góc cạnh khác cho chúng ta thấy rằng chúng ta không có tri túc, một người tri túc là người bằng lòng với cái gì phát sanh đến cho mình, lấy ví dụ như đến giờ ăn cơm ngày hôm đó là một ngày vị thí chủ tương đối nghèo, họ mang thức ăn đạm bạc đến thì mình vẫn ăn và ăn một cách rất ngon lành chứ không chê là tại vì nghĩ rằng người ta có lòng mang đến cho mình và sự cúng dường của họ là sự phát tâm, mình có ăn là hoan hỉ rồi đó là sự tri túc. Hay hoặc giả đời sống mình cái gì mình có mình nên vui với nó. Có những người trong đời sống họ không bao giờ vui với cái gì mà mình có, lúc nào cũng nghĩ cái tốt hơn và đem cái tốt hơn để so sánh và do vậy không vui với cái hiện tại, nhưng đời sống của một vị tu tập nên tập tri túc. Như y áo để mặc, thực phẩm để ăn có ở mức độ nào đó không đói không lạnh như vậy mình cũng hoan hỉ rồi, thì đó là sự tri túc.

Do vậy pháp đầu tiên cho chúng ta thấy có 3 góc cạnh tạo thành hình tam giác, nó giống như 3 góc của một phiến đá là ham muốn quá độ, hay phiền hà bực bội và không tri túc. 

Người không tri túc thì luôn luôn muốn thêm không bao giờ thấy đủ và người không tri túc luôn luôn bực bội những gì mình đã có và 3 pháp này chúng là 3 góc của một phiến đá nó liên kết nhau. 

Đức Phật dạy chúng ta sống một trong những yếu tố của một vị tu tập là dễ nuôi, dễ nuôi là đừng làm khó người khác về cái ăn cái mặc cái ở của mình, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, có ngon ăn ngon, có dở thì ăn dở. Đôi khi chúng ta hay chú trọng đến những gì mình ăn, nhưng thật sự cách mình ăn rất quan trọng, mình ăn như thế nào mà mình không làm phiền hà người khác, không gây khó khăn người khác, ăn thế nào mà nó không phải là chuyện tạo nên vấn đề lớn khiến cho người khác phải nhọc sức về mình. Thật tình mà nói thì thí dụ như chúng tôi xuất gia qúi Phật tử đến chùa qúi Phật tử rất là lo lắng qúi vị tìm cái gì đó thích hợp với Chư Tăng đó là tấm lòng của qúi Phật tử nhưng riêng với đời sống của Chư Tăng thì đúng nghĩa đời sống samôn là một vị khất sĩ không phải là một người lựa chọn, một vị khất sĩ là người sống dễ dãi.

 Đức Phật khi là một vị hoàng tử Ngài rời thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) vào ngày trăng tròn thángVesak. Ngày hôm sau Ngài từ giả Channa (Xa Nặc) người hầu của mình,  Xa Nặc đã lên ngựa Kiền Trắc trở về thành Ca Tỳ La Vệ mang những vật trang sức áo mão thì lúc bấy giờ Đức Bổn Sư của chúng ta ngay trong ngày đầu tiên Ngài với chiếc bình bát trên tay đi khất thực trong làng, người ta đặt vào đó những thực phẩm mặn có, ngọt có, ngon có, dở có, sạch có, dơ có, Ngài trở về dưới gốc cây, ở trong đời Ngài từ nhỏ cho tới lớn 29 năm trong khuôn vàng điện ngọc chưa bao giờ Ngài thọ thực những thức ăn gọi là hỗn tạp nhiều thứ nhiều mùi vị khó ăn như vậy và trong kinh diễn tả lúc đó cảm giác lợm giọng muốn mửa, có lẽ Ngài cảm thấy muốn lợm giọng nhưng mà rồi Ngài bằng tất cả nghị lực của Ngài quán tưởng và Ngài tự nhủ với chính Ngài đây là thực phẩm mà Ngài sẽ ăn từ đây cho đến trọn đời. Sự tự nhủ rất đẹp và Ngài đã ăn hết thực phẩm đó. Buổi tối hôm đó Ngài đã ngủ dưới một gốc cây không có người hầu, không có người canh gác, Ngài ngủ như một vị tu sĩ lang thang ở giữa núi rừng không có chỗ nào để trú. Và chúng ta hãy nghĩ Ngài là một ông hoàng chưa bao giờ gót chân son của Ngài đi chân trần bây giờ Ngài đi bằng chân không và Ngài đã sống như vậy cho đến khi Ngài viên tịch, hình ảnh đó nhắc nhở chúng ta một cái gì rất cao cả ở trong một nếp sống mà một khi mình tu tập đó cuộc sống tất nhiên. Ngày hôm nay đôi khi chúng ta đòi hỏi hơi nhiều khi mình vào trong một tu viện, một ngôi chùa hay một thiền viện thì chỗ ăn như thế này, chỗ ở như thế kia. Khi mà sự kỳ vọng nó làm cho chúng ta không dễ nuôi, đời sống đi tu là người ta sống được thì mình phải sống được, người ta sống thế nào thì mình sống thế đó trừ khi trong người có bịnh thì Đức Phật cho phép nên lựa cái gì thích hợp, nên yêu cầu gì thích hợp, nếu chúng ta bình thường thì yếu tố dễ nuôi là một yếu tính quan trọng của đời sống tu tập. 

Và chúng ta nhớ một điều rằng nếu mình không tri túc thì hai pháp khác cũng đi kèm đó là nhiều ham muốn và nhiều bất mãn, mình không hài lòng cái mình có thì lại muốn những thứ khác và muốn không được thì đâm ra bất mãn. Thật ra nó là 3 góc của một phiến đá và 3 pháp đó luôn luôn đi chung với nhau.

2. Pháp thứ hai: có niềm tin. 

Niềm tin tạo cho chúng ta một sự nhắc nhở, mỗi chúng ta đều là phàm phu, mỗi chúng ta đều có những giây phút sống giải đãi, mỗi chúng ta đều có những giây phút bị phiền não chi phối nhưng chính niềm tin đưa chúng ta trở về với những giá trị cao cả. Chúng ta đi vào các ngôi chùa thường đến lạy Phật bằng niềm tin, chúng ta đi vào những nơi tôn nghiêm với sự cung kính bằng niềm tin. Thí dụ, một vị tu sĩ xuất gia hay một vị cư sĩ khi lên chánh điện đó không phải là chỗ mình ngồi nói chuyện phiếm, cũng không phải là nơi mình bàn những chuyện không đâu ra đâu, khi mình lên chánh điện phải biết đó là nơi thờ Phật giữ tâm rất cung kính. Một điều chắc chắn như vầy là nếu chúng ta vào trong chánh điện chúng ta nói những chuyện không đâu ra đâu nhất là gây gỗ trong chánh điện thì lát nữa tại chỗ đó mình qùy lạy Phật tâm mình không thành kính, nhưng nếu chúng ta bước vào trong chánh điện mình nghĩ rằng đây là nơi thờ phượng Đức Phật bằng tất cả sự tôn kính, nói nhỏ lại vừa đủ nghe nếu cần, và ngồi một cách trang nghiêm thì chỗ trang nghiêm đó sẽ làm tâm của chúng ta được trang nghiêm và chúng ta tụng kinh tốt hơn, chúng ta sẽ ngồi thiền tốt hơn tại vì ở đó có niềm tin thể hiện trong đời sống chúng ta là chúng ta có làm phước. Niềm tin ở đây là niềm tin ở tam bảo, niềm tin ở nghiệp báo, niềm tin ở Chư Thiên. 

Ngày hôm nay có nhiều người niềm tin của họ là chuyện gì cũng tin vào phong thủy, không tin vào Tam Bảo, cái gì cũng tin vào thầy bói. Ngay cả chúng tôi sống ở chùa có những người Phật tử vào chùa nhiều khi họ không quan tâm đến cầu nguyện nhiều mà cứ nghĩ đến chuyện làm phong thủy. Nó khổ là niềm tin đó ảnh hưởng chúng ta. Chúng ta phải có chánh tín, chúng ta phải có niềm tin mạnh mẽ ở Tam Bảo, tin ở phước báu, tin ở Chư Thiên và niềm tin đó là một sự nhắc nhở sẽ làm cho chúng ta trở lại với cái giá trị tốt đẹp sau những giây phút giải đãi trong cuộc sống của mình.

Ngài Ajahn Chah và rất nhiều vị Thiền Sư thường nhắc nhở rất kỹ là khi mình lên pháp xá trước khi ngồi thì lạy Phật 3 lạy, và buổi tối chánh điện ở hướng nào thì quay về hướng đó lạy Phật 3 lạy rồi đi ngủ, ở trong phòng tuy chỉ có một mình nhưng sự lạy Đức Phật đảnh lễ Đức Phật thường xuyên làm chúng ta tăng trưởng niềm tôn kính, và điều đó củng cố đức tin của mình. Hoặc giả khi chúng ta trong cuộc sống gặp những khó khăn thay vì mình sợ hãi, khi gặp khó khăn thì mình bực bội bất mãn, hay khi mình gặp khó khăn mình gọi điện thoại mình nói chuyện tâm sự người này người kia, thì chuyện gặp khó khăn với một người có niềm tin việc đầu tiên mình nghĩ đến Tam Bảo.

 Chúng tôi ở với Ngài Hộ Giác thỉnh thoảng nhiều khi gặp những chuyện khó khăn trong đời sống, nhất là làm việc giáo hội, chúng tôi phải nói là làm việc trầy da tróc vẩy chứ không thường và khi làm việc khó khăn như vậy chúng tôi lên chánh điện tụng kinh, và sau khi tụng kinh chúng tôi chia phước đến Chư Thiên, đó là thái độ của niềm tin, chúng ta sống mà không có niềm tin mạnh mẽ thì mình dễ trôi dạt, niềm tin là định hướng cho mình sống, mình tin vào Tam Bảo.

 Ngài Ajahn Sumedho là một tăng sĩ người Mỹ, một điều chúng tôi rất kính Ngài là khi chúng tôi gặp Ngài ở Bangkok Thái Lan, chúng tôi nói chuyện với Ngài là đời sống của chúng tôi có nhiều khó khăn, lúc đó Ngài khuyên Ngài nói khi Ngài qua Thái Lan thời gian đầu Ngài gặp nhiều chuyện đôi khi Ngài không biết làm gì nữa nhưng Ngài cứ niệm câu tam quy:

Buddham saranam gacchami,
Dhammam saranam gacchami,
Sangham saranam gacchami

là 
con về nương tựa với Phật,
con xin nương tựa với Pháp,
con xin nương tựa với Tăng.

Khi gặp khó khăn mình tự nhắc lấy mình là:

 con xin nương tựa Phật
 con xin nương tựa Pháp
 con xin nương tựa Tăng. 

Sự nhắc nhở đó lợi cho mình cảm thấy vững lòng, và khi mình có được niềm tin mạnh mẽ thì đó là năng lực vô hình. Người  biết Phật Pháp, có quy y Tam Bảo mà không xem Phật Pháp Tăng là nơi nương tựa thì thật sự rất đáng tiếc tại vì mình mất đi chỗ tựa rất lớn. Một đứa con còn nhỏ khi gặp chuyện gì nguy hiểm cũng kêu mẹ cha tức là nghĩ tới chỗ nương tựa có cha có mẹ thì bình an cảm thấy ấm áp. Đời sống tu tập cũng vậy, khi gặp khó khăn hãy niệm Tam Bảo.

 Buddham saranam gacchami, 
Dhammam saranam gacchami,
Sangham saranam gacchami

con về nương tựa với Phật,
con xin nương tựa với Pháp,
con xin nương tựa với Tăng.

Trong kinh dạy rằng: con người thường đi đến các cội cây các miếu đền để nương tựa, nhưng những ai nương tựa Phật nương tựa Pháp nương tựa Tăng tìm thấy sự nương tựa cao qúi. Mình tu tập thì phải có đức tin, đức tin rất quan trọng.

3. Pháp thứ ba, có giới hạnh

Đời sống của chúng ta phải có nguyên tắc cái gì mình làm được, cái gì mình không làm được. Những nguyên tắc này dựa trên giới bổn Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta. Cuộc sống không có nguyên tắc thì mình sẽ đi quá lằn ranh, tốt hơn hết là mình sống ở trong một khuôn khổ khả dĩ làm cho mình cảm thấy yên tâm là mình sống như vậy là được. Thí dụ, một người phát nguyện giữ Thập Thiện hay giữ Bát Quan Trai Giới, hay giữ Ngũ Giới chỉ đơn giản một điều mình giữ làm sao khẩu nghiệp của mình không nói dối, không nói đâm thọc, không nói độc ác, không nói nhảm nhí vô ích và nguyện giữ những điều đó  mình cảm thấy lợi ích, đó là nguyên tắc sống đó đời sống giới hạnh mà Đức Phật Ngài dạy rất đẹp. 

Ngài Narada trong quyển Đức Phật và Phật Pháp Ngài chia chữ giới ra 3 cấp độ:

- Cấp độ đầu tiên ở trong 10 pháp balamật, Ngài viết là những nguyên tắc sống như trong kinh Thi Ca La Việt, thí dụ cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ, vợ đối với chồng, chồng đối với vợ, bạn bè đối với nhau, thầy trò đối với nhau, chủ tớ đối với nhau, tăng tục đối với nhau. Những nguyên tắc đó là những nguyên tắc sống và nếu những người sống với những nguyên tắc đó thì cũng là một thứ giới hạnh.

- Cấp độ thứ hai có tánh cách liên hệ đến 3 nghiệp của chúng ta là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp tức là mình tránh xa thập ác. 

Thập ác là:
 Thân thì có 3 không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh
Khẩu không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời độc ác, không nói nhảm nhí vô ích.
Ý không tham ác, sân ác, tà kiến ác.

- Cấp độ thứ ba là giới mình thọ trì như thọ Bát Quan Trai hay thọ Ngũ Giới, Tỳ Kheo Giới v.v... cấp độ thứ ba.

Thì dù ở cấp độ nào đi nữa đời sống mình có một số nguyên tắc mình phải tuân giữ. Chúng tôi nói cách giữ giới rất là đẹp đó là mình chỉ lập tâm không bao giờ nói xấu sau lưng người khác, bực bội thì yên lặng vậy thôi nói ra nói vô thì cũng vậy, không nói xấu, đó cũng là cách để mình tránh nói lời chia rẽ, tránh được nói lời độc ác nói lời nhảm nhí vô ích. Hay là mình nguyện không nói lời độc ác, không nói lời đay nghiến, không nói lời làm cho người khác buồn phiền, mình nên nói lời nói với tâm từ. 

Nói chung, Đức Phật Ngài không có đòi hỏi, Ngài không có điều răn, nhưng Ngài có cho chúng ta biết có nhiều giới hạnh và những thứ giới hạnh đó nếu chúng ta phát tâm thọ trì thì đời sống chúng ta đẹp, nhất là ở trong các thiền viện có thanh qui và thanh qui này các vị thiền sư dạy một người vào trong thiền viện thọ trì những thanh qui này và chấp nhận một cách hoan hỉ thì điều đó là có lòng tự tin.

4 - Pháp thứ tư, có sự tinh cần, có sự cố gắng.

Sự cố gắng ở đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ, nỗ lực đi xa hơn, nỗ lực muốn làm tốt hơn. Thái độ biếng nhác lười biếng trong đời sống là sống cho qua ngày, sống xem như mình có quá dư thời gian không biết làm gì cứ lo ăn lo ngủ rồi thời gian đi qua không làm được chuyện gì tốt để cống hiến thì đời sống biếng nhác nó không đơn thuần là chúng ta không tiến bộ mà bắt chúng ta trả giá rất đắc là những thiện pháp sẽ tổn giảm và những ác pháp sẽ tăng trưởng. 

Về điều này chúng tôi thường nghe một số bậc thầy đưa ra thí dụ một mảnh đất trống nếu siêng năng trồng trọt thì phải dọn đất cho sạch nhưng nếu để miếng đất trống như vậy không có nghĩa là miếng đất trống sẽ nằm yên như vậy, cỏ dại và những cây hoa những dây leo sẽ mọc lên và khi nó mọc lên chúng ta sẽ thấy càng ngày nó càng tệ hại thêm. Ở bên Mỹ về điều này chúng tôi thấy đôi khi một căn nhà bỏ trống bị mục mau hư, thậm chí một cây săng có người buôn bán tự nhiên trông nó bình thường, mình đi ngang qua quanh năm suốt tháng thấy nó bình thường, nhưng nếu cây săng đó bỏ hoang một vài tháng cỏ mọc từ trong những khe hở ximăng, ở trên chỗ có đất, thì chẳng những vậy những bông cỏ theo gió bay lên trên nóc của những cây săng bỏ hoang và mọc cỏ trên đó, còn bình thường nếu cây săng có sinh hoạt cỏ không mọc tại vì có người săn sóc cỏ ở dưới không mọc thì không có bông cỏ bay lên nóc để mọc cỏ ở trên nóc, thường một nơi 5, 7 tháng không được xử dụng tới cảnh rất tiêu sơ hoang tàn tại vì bỏ trống không người coi sóc. 

Đức Phật Ngài dạy trong kinh Pháp Cú  "Kinh không tụng làm nhớp kinh" tức là quyển kinh không tụng thì bụi đóng. Sự biếng nhác bắt chúng ta phải trả giá rất lớn. Ở trong đời sống không ai thiếu tinh cần, không ai trong đời sống biếng nhác mà không bị ác pháp chi phối. Đời sống là một đời sống có nỗ lực, có cống hiến, có cố gắng. Một khi đời sống không có cống hiến, không có cố gắng thì giống như miếng đất mình không xử dụng tới để trống dây leo sẽ mọc, cỏ hoang sẽ mọc, cây dại sẽ mọc, điều đó là điều chắc chắn, không tránh khỏi. 

Riêng trong kinh Pháp Cú, Đức Phật Ngài nói rất nhiều về điều này. Ví dụ Ngài đưa ra hình ảnh "Bậc trí luôn luôn nỗ lực bỏ lại sau lưng con ngựa hèn", con ngựa hèn thì không thể nào tiến tới được tại vì nó không có nghị lực. Hay hoặc giả Ngài dạy những người sống buông thả lười biếng sống như chết rồi tại vì vô vị, họ không trân trọng thời gian, không trân trọng những giây phút mình đã có. Một người tinh tấn thì họ thấy thời giờ mình có, sức khỏe mình có, điều kiện mình có nó luôn là vốn liếng rất qúi để tạo ra những gì tốt đẹp. Còn một người làm biếng thì thân họ dù khỏe thì giờ họ dù có, thậm chí tiền bạc phương tiện họ có nhưng họ lười biếng thì họ thấy những thứ đó là những thứ nặng nề không sài được. Đức Phật Ngài dạy người lười biếng giống như chết rồi, Ngài nói người tinh cần thì họ được bất tử và buông thả thì giống như chết rồi.

5 - Pháp thứ 5, ở đây là pháp có chánh niệm. 

Chánh niệm tức là khả năng thường hướng sự chú ý vào thân tâm mình, biết mình làm gì nói gì và thường sống không có sự quên lãng, một người sống hướng ngoại nhiều quá, một người ít khi nhìn lại thân tâm của mình, ít khi nhìn lại quán chiếu thân tâm của mình, ít có để ý đến cái gì mình đang làm thì thường mình sống trong sự quên lãng. Đức Phật Ngài dùng ở tại đây  muṭṭhassati là sống trong sự thất niệm, sống quên lãng.

 HT Nhất Hạnh có một câu kinh "Nguyện muôn loài chúng sanh, bỏ cõi lãng quên, quay về tâm tỉnh thức" 

Cõi lãng quên là sống quên trước quên sau và quên chính mình là ai. Thường hay có ví dụ là con chó săn mồi, nó chỉ biết chạy để săn mồi, bất chấp nguy hiểm để chạy theo con mồi, nó không biết bản thân của nó là ai.  Ngài Ajahn Chah  có ví dụ về con gà người ta nuôi cho nó lớn, nó cố tình ăn cho lớn rồi người ta làm thịt, nó không biết thân phận nó là ai, nó thích ăn để mập để người ta làm thịt. Đời sống của chúng ta sống trong sự lãng quên, sự lãng quên khác biệt với chữ Buddha hay Phật Đà là bậc tỉnh thức sống là biết mình.

 Ví dụ như mình không tri nhân, tri quả, tri bỉ, tri kỷ, tri thời, tri hội, và tri độ, mình không biết mình là ai và không biết người khác là ai, mình không biết nguyên nhân nào tạo ra quả này và không biết việc làm này tạo ra quả nào, mình cũng không biết thời gian nào thích hợp, mình cũng không biết thời lượng nào thích hợp, mình không biết đám đông nào thích hợp, và mình cũng không biết mình là ai, đó là sống trong sự quên lãng. Người sống biết mình là biết nói vừa chừng, biết nói thích hợp, biết nói những điều thích hợp, biết hành động thích hợp ít khi lỡ lời, ít khi có những việc làm sau này phải ân hận. 

 Khả năng một người có thể sống thường ghi nhớ chính mình đó là phát huy chánh niệm. Thỉnh thoảng ngồi xuống nhắm mắt lại để xem mình đang thở vô hay đang thở ra, thỉnh thoảng ngồi xuống để cảm nhận mình đang vui, đang buồn, đang thoải mái hay không thoải mái hay đang thản nhiên điều này rất hay là khi nào mình có phiền não đang sân hận đang ganh tỵ hay giận dữ thì thay vì chạy theo sự giận dữ đó mình ngồi xuống nhìn vào cảm giác giận dữ đó để mình cảm nhận trọn vẹn là mình đang giận dữ, khi đang bực bội mình ngồi xuống ở một chỗ nào đó yên lặng tập nhìn vào sự bực bội của chính mình coi trạng thái như thế nào điều đó có lợi cho mình hơn là ngồi đó giận ai nhai tới nhai lui mình tìm cách trả đũa hay thù hận họ, mình nhìn lại tâm của mình lúc đó để thấy trạng thái tâm của mình.

Nếu qúi vị chưa quen thì làm thử rất là lợi lạc cho đời sống nó là một trong những yếu tố mà chúng ta gọi là Sati - Chánh Niệm, không phải là mình ráng cố gắng suy nghĩ giải quyết việc ở bên ngoài mà mình nhìn lại trong tâm của mình xem thử coi lúc đó mình đang sống với trạng thái tâm như thế nào, còn nếu bình thường không có chuyện gì thì thỉnh thoảng ngồi xuống coi mình đang thở vô hay mình đang thở ra, điều đó có lợi cho mình, khi nào mình làm biếng hay hào hứng về chuyện gì đó thì mình cũng ngồi xuống lẳng lặng nhìn vào trạng thái đó, cái khả năng nhìn đó nhìn vào hiện tại đó nó khiến cho mình tỉnh táo hơn, mình nhớ nhiều hơn là mình sống trong sự quên lãng, tâm hướng ngoại nhiều quá thì mình quên lãng, sống bận rộn nhiều quá thì mình quên lãng, sống mà ít có phản tỉnh thì mình hay sống trong quên lãng "từ bỏ cõi lãng quên quay về tỉnh thức", đó là sự màu nhiệm của đời sống.

6 - Điều thứ sáu, là trí tuệ

Điều sau cùng Đức Phật dạy là sống với trí tuệ thì thiện pháp tăng trưởng, sống không có trí tuệ thì thiện pháp tổn giảm. Trí tuệ cho chúng ta nhận định đúng phán xét nhân quả. Mình để ý lúc nào tâm của mình có thù hận, có tham lam si mê mà vắng mặt trí tuệ thường cái nhìn của mình phiến diện cái nhìn của mình một chiều mình không thấy được vấn đề.  Con người mà trí tuệ được thắp sáng là khi nào mình bình tâm lại nhìn vấn đề có nhân quả. 

Trong Phật Pháp thì trí tuệ diệu dụng ở điểm yoniso-manasikāra là khéo suy nghĩ hay khéo tác ý gọi là dấu hiệu của trí tuệ. 

Ngài Hộ Giác nói rằng "khi mất cái gì đó mình không tự trách mình không khéo giữ mà tại vì người ta khéo lấy, và khi mình còn cái gì đó mình đừng nghĩ là mình quá giỏi mà là tại vì người khác chưa muốn lấy thôi".

Đời sống mình cũng vậy, cuộc sống gặp những chuyện buồn phiền thay vì  bực tức thì mình suy nghĩ rằng cuộc sống phải có vui có buồn như trời có mưa có nắng đó là vô thường. Hay hoặc giả như Ngài Puna, Ngài cũng dùng trí tuệ để nhìn thấy yoniso-manasikāra khi Đức Phật hỏi Ngài Puna 

- "Nếu những người xứ đó chửi con thì con nghĩ sao

Ngài nói rằng: "Họ còn rất tốt tại vì họ mới chửi thôi chứ họ chưa đánh con".

Trong đời sống ai mà không chào chúng ta chút xíu thì chúng ta bực bộ, họ  làm lơ đi mình giận cũng được nhưng mình nghĩ như vậy là mình không có yoniso-manasikāra, mình nên nghĩ là người ta giận mình thay vì người ta chửi mình mà họ gặp mình họ yên lặng là họ tử tế lắm rồi, và khi họ chửi mình thì mình nghĩ như Ngài Punna rằng cũng may là họ chỉ chửi mình chứ họ có thể đánh mình hoặc nghĩ rằng họ có thể mướn xã hội đen đến giết mình được nhưng họ đã không giết mình, họ không đánh mới chửi mình thì mình nên cám ơn họ. Nói như vậy có vẻ  là quá nhưng thật ra thì nhiều khi chúng ta không ghi nhận thiện chí của chung quanh đối với mình, chung quanh người ta không nói đến mình họ cũng là tốt lắm rồi do vậy cái gọi là khéo suy nghĩ nó là dấu hiệu của trí tuệ là ít nhất là mình nhận ra được khía cạnh tích cực của nó để cho đời sống của chúng ta ít có phiền não, có trí tuệ thì đời sống của chúng ta ít phiền não.

Sáu pháp này Đức Phật Ngài dạy là sáu pháp làm cho thiện pháp tổn giảm hay thiện pháp tăng trường.

 Sáu pháp làm cho thiện pháp tổn giảm là: đối với những nhu cầu chúng ta muốn quá nhiều, bực bội quá nhiều, thiếu tri túc, và trong đời sống hàng ngày thiếu lòng tin, thiếu giới hạnh, biếng nhác, thất niệm và không có trí tuệ, 

Sáu pháp làm cho chúng ta tăng trưởng trong thiện pháp là thiểu dục, ít có phiền lụy, ít có phiền hà, có tri túc, có niềm tin, có giới hạnh, có tinh cần, có chánh niệm và có trí tuệ. 

Đức Phật Ngài dạy những điều này không phải là những điều răn mà là những chìa khóa cho cuộc sống tu tập nếu chúng ta chiêm niệm cho kỹ thì chúng ta thấy rằng những điều này là trực tiếp rất thiết thực liên hệ đến đời sống tu tập hàng ngày của mình. Mong rằng tất cả chúng ta có một cái nhìn làm sao để cho thiện pháp tăng trưởng không bị thiện pháp tổn giảm ./.