Friday, June 14, 2019

Quá trình tu tập nằm trong tám công đoạn - TT Giác Đẳng

 Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Chương 8 - IX. Phẩm Niệm 


Quá trình tu tập nằm trong tám công đoạn 


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 29 tháng 1, năm 2018

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Trước nhất chúng ta định nghĩa chữ Sati: Dịch theo danh từ Hán Việt là Niệm. Niệm là hướng sự chú ý ghi nhận những gì đang xảy ra và đặc biệt đang xảy ra ở thân và tâm của chính mình, hay ít nhất liên hệ đến thân tâm của mình.

[1] Không có chánh niệm thời chánh niệm tỉnh giác bị hỏng.

Nói một cách khác, chúng ta đang làm một công việc gì, vừa làm vừa nghĩ chuyện này chuyện kia  là mình thất niệm, khi mình vừa ăn cơm vừa coi TV. Hoặc giả chúng tôi vừa ngồi làm việc trong rơom paltalk vừa nghĩ tưởng đến chuyện đi Tích Lan xa xôi và không có để ý đến trước máy như vậy là không tập trung vào công việc, đó gọi là thất niệm. Chúng ta không đem sự chú ý vào ở đây và bây giờ.  

Khi chúng ta nói ở đây và bây giờ là chúng ta nói đến cái gì đang xảy ra hay vừa xảy ra. Chúng ta hiểu trạng thái của thất niệm là tâm chúng ta hay mơ màng nghĩ tưởng đến điều gì đó và nó kéo rời xa thực tại của mình.

Có hai bước rất quan trọng: Một là niệm, hai là chánh niệm tỉnh giác.

1. Niệm

Ví dụ, mình nhìn hơi thở ra vào, mình ghi nhận được những cảm thọ đau nhức hay dễ chịu ở trên thân của mình. Niệm ở đây có nghĩa là khả năng để  theo dõi và ghi nhận những gì đang xảy ra trong tâm thức của mình.

 Trong sự theo dõi ban đầu nếu chúng ta không quen mình cảm thấy rất gượng gạo tại vì đó không phải thói quen của chúng ta. Có thể biết được thế nào là một người có niệm hay không có niệm. Một người có chánh niệm họ thoải mái với hiện tại và họ để tâm vào hiện tại, cái gì họ làm thì làm với trọn vẹn tâm tư của họ. Một người thất niệm là người không huấn luyện mình giữ sự chú ý lấy mình, có nhiều khi đang nói chuyện này mình nghĩ sang chuyện kia, nói trước quên sau, làm chuyện này quên chuyện nọ, khi mình nói chuyện mình cũng nói lạc đề, khi qúi vị thấy người nào đang nói chuyện này sàng qua chuyện khác, hoặc giả trong đời sống chúng ta không đem được sự chú ý vào trong thân tâm của chúng ta ở đây và bây giờ là chúng ta không có niệm, từ sự thiếu niệm đó dẫn chúng ta đến một tình trạng không có chánh niệm tỉnh giác.

2. Chánh niệm và tỉnh giác

Chánh niệm và tỉnh giác là  SatiSampajañña, là một thành quả, đúng ra là một thứ trí tuệ, nó là một thành quả đầu tiên của chánh niệm.

Một người  thường tu tập niệm, như niệm hơi thở, hay niệm oai nghi, hay niệm cảm thọ lâu ngày người đó có một khả năng đặc biệt là biết cái gì mình đang làm, biết cái gì đang nói, biết cái gì mình đang trải qua. 

Ngài Ajahn Chaa có một ví dụ về người có chánh niệm mà lại không có chánh niệm tỉnh giác. (Quí vị nên nhớ hai chữ này dùng hai cách khác nhau). Ví dụ, một vị Tỳ Kheo đi khất thực để ý bước chân, chân mặt bước, chân trái bước, nhưng khi để ý như vậy đi khỏi con đường cần quẹo phải người này không quẹo phải mà cứ đi luôn, cứ lo đến bước chân không để ý chỗ cần quẹo thì đó là có niệm nhưng thiếu chánh niệm tỉnh giác, thiếu SatiSampajañña. 

Chánh niệm tỉnh giác - SatiSampajañña  là mình biết rõ và biết trọn vẹn cái gì mình đang làm. 

Một người có thể dùng chánh niệm theo dõi từng bước chân nhưng khi tới lúc cần quẹo không quẹo họ cứ để ý đến bước chân thì gọi là họ thiếu chánh niệm tỉnh giác. 
Một người ở trong cuộc sống này làm việc gì, làm ở đâu và tâm để đó thì có sự hoàn tất tốt. Chúng tôi thường lấy thí dụ, một người lái xe để ý ở chung quanh họ có những nguy hiểm, biết để ý trên con đường đó vận tốc phải chạy bao nhiêu, để ý trên con đường đó có những chiếc xe đang chạy sát bên hay là họ chạy không quá gần những xe khác tạo nên khoản cách an toàn  khi họ đạp chân thắng, đó mình gọi là SatiSampajañña - chánh niệm tỉnh giác. 

Có nhiều vị tách chữ Sati riêng và chữ Sampajañña riêng. 

Trong thiền ngữ chữ Sati đặc biệt chỉ cho sự tu tập chánh niệm theo dõi hơi thở, theo dõi oai nghi. 

Nhưng khi đạt đến Satisampajañña là sự ghi nhớ biết mình tỉnh táo thì đó là kết quả của niệm. 

Có thể nói thời gian ban đầu khi tu tập chánh niệm chúng ta lúng túng, sống một mình cảm thấy không thoải mái, mình cứ muốn gặp người này người kia, mong muốn được nói, mong được làm cái gì đó. Đặc biệt là bây giờ trong thời gian gần đây có rất nhiều người lên tiếng về trường hợp chúng ta sống trong thời đại bị nghiện internet, nghiện điện thoại cầm tay, đi đâu thay vì mình có thể ngồi xuống nói chuyện tiếp xúc và có thể cảm nhận những gì đang xảy ra chung quanh thì mình cứ vừa ngồi vừa bấm điện thoại hay vô internet mình sống trong thế giới cyber, thế giới ảo. Tương tự như vậy, trong tâm thức chúng ta hàng ngày là làm sao để kéo sự chú ý về với hiện tại, cái gì mình đang làm và cái đó rất quan trọng. 

Ở trong các trường thiền, các vị Thiền Sư thường dạy chúng ta giảm bớt những chi phối khiến tâm chúng ta mơ màng, thí dụ như bớt đọc sách, bớt nói chuyện phiếm, bớt liên lạc đầu này đầu kia, làm sao sống trong một căn phòng giản dị, trong một sinh hoạt cố định hàng ngày để mình phát triển khả năng của niệm vào trong cái gì đang xảy ra với thân tâm của mình. Lúc nào đó mình làm việc cảm thấy chán là mình thiếu chánh niệm. 

HT Nhất Hạnh kể một ví dụ là hồi xưa khi HT chưa niệm về chánh niệm thì HT rất ghét rửa chén, sau này khi có tu tập chánh niệm rồi HT thấy  ngay cả việc rửa chén nó chỉ là rửa chén thôi, nó cũng như bao việc khác, mình không làm việc này thì làm việc kia, đó là một thí dụ rất qúi báu. Khi chúng ta có được chánh niệm chúng ta có sự giữ ý thì công việc ta đang làm chỉ là kéo sự chú ý của chúng ta về cái gì mình đang làm mà mình không có đặt vấn đề làm chừng nào xong, đi khi nào tới, và mình làm việc này nghĩ đến việc kia, tâm mình suy nghĩ lung tung. 

Ngài  Ajahn Sumedho Ngài ví dụ là bây giờ mình leo lên xe lửa mình cầm vali lên thì nó cũng vậy mà nó nặng, đặt vali xuống thì cái vali cũng theo mình đến trạm nhưng mình không phải cầm nó, thì Ngài Ajahn Sumedho Ngài có dùng một thí dụ ở trong đời sống, thí dụ như chúng tôi bay trên một chuyến bay từ Bangkor về Mỹ, chuyến bay dài, còn 3 tiếng nữa chuyến bay mới tới chúng tôi mong cho nó mau tới, nhưng mình quên một điều rằng mình trông cũng vậy, không trông cũng vậy, và chẳng những không trông cũng vậy mà chúng ta còn làm cho mình bị căng thẳng thêm, sự căng thẳng đó do vì chúng ta không thoải mái với cái gì mình đang làm, ở nơi đang làm với trạng thái nào đó, mình mong nó phải như thế này và mong nó được như thế kia.

Chánh niệm thật sự không dễ để diễn tả, công việc của chánh niệm là đối với người có chánh niệm là không phải đi tìm cái gì mình thích, tìm cái gì mình thoải mái, tìm cái gì mình hoan hỉ, cái gì mình chú ý, chánh niệm không phải như vậy, mà chánh niệm là công việc thế nào thì mình biết như thế đó. Không có đặt nặng vấn đề là nó phải thế này hay nó phải thế kia.

 Chánh niệm khó diễn tả trong đời sống của chúng ta, ví dụ, một hành giả buổi sáng sớm thức dậy nghe trong người uể oải, với một người không có kinh nghiệm tu tập chánh niệm tự nhiên họ nghĩ mệt quá mình không nên ngồi thiền, nhưng với một người có kinh nghiệm về chánh niệm thì dùng sự lười biếng sự uể oải đó làm đối tượng để theo dõi trạng thái thân và tâm, ở trong lúc đó tâm mình đang lui sụt, thân mình đang mệt mỏi dã dượi và mình cứ lẳng lặng nhìn vào đó chứ không có phải thế này phải thế khác.

 Sự đối lập của chánh niệm không phải là đòi hỏi, mà sự đối lập là ngược lại với sự đòi hỏi, ngược lại với sự truy cầu. Sự truy cầu là con người thích nghĩ, thích làm, thích đi tìm cái gì đó mà mình thật sự rất thích, thích đọc quyển sách hay, thích ăn một món ngon, thích làm cái gì đó mình ưng ý. Nhưng với người chánh niệm thì dầu cái gì mình thích hay không thích, như hồi nãy chúng tôi ví dụ với một người tu tập chánh niệm thì công việc rửa chén chỉ là công việc như bao nhiêu công việc khác, mình đứng dậy mình mang chén vào chậu, bỏ xà bông xuống và rửa, và sau khi mình rửa mình làm những gì cần thiết phải làm và trong lúc mình làm bực bội là tại sao mình phải làm cái này, hoặc mình làm sao cho nhanh hay là mình ghét mình không làm nữa. Thì một người khi tu tập chánh niệm rồi họ sẽ không có vấn đề đối với am thất, họ không có vấn đề đối với vị Thầy, họ không có vấn đề đối với những người bạn tu, không có vấn đề đối với thực phẩm khất thực. Điều này rất quan trọng.

Thông thường một hành giả vào tu tập trong trường thiền trong một giai đoạn đầu hành giả thường có tâm đòi hỏi.

Những kỳ vọng, dầu những kỳ vọng rất thầm kín trong lòng, am thất mình tu cảnh chung quanh phải như vậy, thực phẩm mình có được phải như vậy, ông thầy phải như vậy. Nhưng một khi tu tập một lúc tất cả đều là đối tượng của chánh niệm, cái mình thích hay không thích, cái mình thoải mái hay không thoải mái, tất cả đều là đối tượng để mình quan sát chứ không phải là đối tượng để mình phê phán, để mình vật lộn, không phải là đối tượng để tạo ra sự căng thẳng, và cũng không phải là đối tượng để mình làm khổ lấy chính mình.

Chúng ta tập chánh niệm đem chủ ý vào trong đời sống hiện tại, vui cũng được, buồn cũng được, hăng hái cũng được, thụ động cũng được, tất cả là đối tượng của chánh niệm, tất cả đều được chánh niệm ghi nhận. Khi chúng ta tập một thời gian quen như vậy chúng ta không tự mình làm khó mình, tự mình ra điều kiện cho chính minh. Tưởng tượng như vầy, mình đang trên giường bệnh bao nhiêu là ống người ta gắn vào trong người, ống dưỡng khi người ta để vào trong miệng mình rất khó chịu, rồi mình đặt vấn đề là tôi phải thỏai mái để tôi theo dõi chánh niệm, để tôi phát triển chánh niệm thì thật sự là mình đang đặt điều kiện cho chính mình.

Một người có kinh nghiệm tu tập chánh niệm thì trong những giờ phút đó xảy ra như thế nào thì mình biết như vậy, cái cảm giác đó không có thoải mái,  tâm của mình đang bực bội, tâm của mình trong trạng thái căng thẳng, sự bực bội, sự căng thẳng, sự không thoải mái, tất cả đều là đối tượng của chánh niệm ghi rõ. Đây là một trạng thái không dễ để chúng ta theo dõi, bởi vì khi tu tập chánh niệm mình hiểu được một điều rằng chúng ta ít khi lẳng lặng nhìn một sự việc gì chỉ đơn thuần là ghi nhận mà chúng ta thường hay xen vào, hay phê phán, hay muốn nó phải như thế này và đừng như thế kia. Cái tâm muốn nó như thế này và đừng như thế kia thường làm cho chánh niệm của chúng ta không được huân tập. Cái hay nhất chúng ta tập đó là tập lẳng lặng nhìn, trời nắng trời mưa đang xảy ra ở ngoài cửa số mỗi ngày chúng ta lẳng lặng nhìn, không phải nhìn để vui, không phải nhìn để buồn mà nhìn để ghi nhận, đừng chạy theo nó quá nhiều, biết nó xảy ra như vậy.

 Phải mất một thời gian dài để chúng ta có được sự thay đổi về thói quen của mình, cái thói quen đó trong quá khứ nhiều đời nhiều kiếp đó là phê phán đó là can thiệp, muốn như thế này và muốn đừng như thế kia, mà thay vào đó là khả năng lẳng lặng ghi nhận, lẳng lặng theo dõi những gì đang xảy ra đối với thân với tâm ở đây và bây giờ, cái đó chúng ta gọi là chánh niệm. 

Ban đầu khi tu tập chánh niệm mình cảm thấy đó là một thế giới không quen thuộc, một thế giới hầu như thay đổi mọi thói quen của chúng ta. Chánh niệm giúp chúng ta thay đổi thói quen, khi thay đổi thói quen nó khó chịu nhưng một khi chánh niệm tốt rồi sẽ dẫn chúng ta đến một trạng thái SatiSampajañña gọi là ghi nhớ biết mình tỉnh táo.

 Khi mình nói chuyện với một đám đông mình biết cái gì nói và nói một cách vừa phải gọi là chúng ta nói với sự tỉnh táo. Khi nào bất chợt một cái gì thấy phiền lòng đáng lẽ chúng ta phừng phừng nổi giận, phẫn nộ, bực bội chúng ta có thể nhìn được, lẳng lặng có thể nhìn được sự bực bội chính mình thì cái đó chúng ta gọi là chánh niệm tỉnh giác. 

Khi nào chúng ta có thể đi một hành trình dài, mình đã lên xe rồi mọi người đến thì mình cũng đến, và mình không cảm thấy bực bội khi thấy lâu quá, thấy bị kẹt xe nhiều quá, mình cứ ghi nhận gì đang xảy ra thì lúc đó chúng ta tương đối có được SatiSampajañña.

Điều này không phải dễ dàng, một người nói chuyện trước công chúng mà biết rõ người nghe là ai, biết rõ đề tài của mình và nói không lạc đề và mình nói không có đi vào những gì trái ngược lại với quần chúng, cái đó cũng là một sự tỉnh táo.

Chúng ta dùng cái đó để thí dụ trong đời sống hàng ngày của mình có trăm muôn ngàn thứ xảy ra, nhưng từ cái niệm tỉnh giác nó giúp cho chúng ta có được một sự tỉnh táo và sự tỉnh táo trọn vẹn như là mình lái xe mà mình không bị chi phối bởi rượu, không bị chi phối bởi điện thoại, không bị chi phối bởi sự đau nhức trong người, mình lái xe hoàn toàn được sự tỉnh táo.

 [2]Không có chánh niệm tỉnh giác, tàm quý bị hỏng.

Từ sự tỉnh táo đó mình bén nhạy với cái gì nên tránh, trong kinh Phật gọi là  tàm (hiri), quí (ottappam). Một người không có chánh niệm tỉnh giác nói theo danh từ thế gian "điếc không sợ súng", người có chánh niệm tỉnh giác biết cẩn trọng với điều đáng cẩn trọng. 

Chúng tôi nhớ hồi còn ở VN sau năm 1975 chúng tôi đi từ Chùa Thiền Quang, ở thành phố Long Thành về Sàigòn, thường thường lúc đó mua xăng rất khó, người ta bán xăng lậu trong các dãy nhà ở, đôi khi chúng tôi ngồi ở ngoài xe nhìn vô thấy người ta đổ xăng vào trong những trai nhỏ hay bình nhỏ để bán, khu nhà đó là khu gia cư có nhiều người ở tại đó, và người VN hút thuốc nhiều, họ hút thuốc xa khoảng 5, 10 mét. Nhưng thật sự khi chúng tôi qua Mỹ rồi nhớ lại thấy điều đó thấy rất nguy hiểm, xăng để ở trong nhà lỡ nó phát cháy thì nhiều người chết, và xăng xử lý không đúng nhất là có những người hút thuốc ở gần dễ bị bén, thật ra có xăng là mừng rồi mình không cảm thấy sợ việc đó. Chuyện đó chúng ta gọi là "điếc không sợ súng".

 Một khi mình có được sự tỉnh táo biết rõ sự nguy hiểm rồi thì mình phải rất cẩn trọng, sự cẩn trọng đó gọi là sự cẩn trọng do tàm và qúi, tàm và qúi ở đây là khả năng bén nhạy đối với những nguy hiểm, nhiều người không thấy được cái tai hại của sự nguy hiểm đó. 

Ngày xưa thỉnh thoảng chúng tôi đi thăm ruộng với ông ngoại, ông ngoại nói  làm ruộng cần giữ nước, do đó họ đắp bờ đê, nhưng có những con cua hay con chuột làm hang tạo thành lỗ mội, mình phải đi thăm coi chừng, nhiều khi lỗ mội đó rất nhỏ nếu mình không để ý nó làm cạn nước, như vậy mình phải khổ công bơm nước vào trong ruộng. Với tuổi trẻ còn thơ dại chúng tôi xem thường việc đó, có xá gì một cái hang cua hang chuột, nhưng quả thật là ở miền quê thì chính những hang cua hang chuột đó làm vỡ bờ đê và làm mất nước trong ruộng. Một người có kinh nghiệm làm ruộng lâu năm đi thăm ruộng họ biết sợ những hang cua đó, họ phải kịp thời ngăn chặn như thế nào thì tương tự như một người có chánh niệm ý thức được hiểm họa họ chặn lại. 

Có một lần chúng tôi chứng kiến cảnh vị Thiền Sư kêu bốn thiền sinh lên và hỏi "có phải hồi trưa này các vị tụ tập nói chuyện phiếm phải không?" thì những vị đó xin xám hối là có, thì Ngài đuổi ra khỏi thiền viện. Là một vị Sư ở bên Mỹ mới qua chúng tôi nghĩ người ta đi chùa vào trong trường thiền tu  mình mừng lắm rồi, lỗi nhỏ không có chuyện gì đáng, nhưng ở trong lâu ngày chúng tôi thấy trong những đạo tràng, trong những nơi tu tập mà cho phép những lỗ mội đó xảy ra thì nó làm hỏng nhiều thứ. Lấy ví dụ, mình có cố gắng ngồi thiền một giờ, hai giờ, một ngày, hai ngày, rồi có một lúc mình ngồi nói chuyện phiếm luận hay mình làm những chuyện vô ích thì chánh niệm của chúng ta hỏng. Người có tàm qúi là người bén nhạy đối với những nguy hiểm như vậy. 

- Tàm là hổ thẹn,
 - Qúi là ghê sợ

Hổ thẹn và ghê sợ ở đây chỉ cho khả năng bén nhạy đối với những gì nguy hiểm.

 Chữ tàm được ví dụ như người mình dính chút phân mùi hôi mình khó chịu mình tìm cách để rửa cho nhanh. 

Và qúi là thấy lửa mình biết nếu đưa tay vào thì nóng thành ra mình không đưa tay vào. 

(3] Khi tàm quý không có, chế ngự các căn đi đến hủy diệt.

Một người không có sự tàm qúi, do không có sự bén nhạy đó thì họ thiếu khả năng phòng hộ các căn. Phòng hộ các căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nói cách khác là thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, đối với người tu tập đó là những cửa thành hoặc những cửa trong nhà. Chúng tôi ở chùa, trên chánh điện có cửa, tăng xá có cửa, hội trường có cửa nếu cửa nẻo đêm hôm không khóa kỹ có thể người lạ vô có thể xảy ra chuyện này chuyện kia. Hoặc ở trong nhà qúi vị có đồ qúi hay vì an ninh mình phải biết giữ các cửa. Đối với đời sống bình thường chúng ta không thấy nhưng với một vị tu thiền thì những gì mình thấy, mình nghe, mình ngửi,  mình nếm, mình đụng, mình suy nghĩ nó rất dễ dàng tạo nên những chi phối, tạo nên những độ chấn động và những chi phối này làm xáo trộn công việc chúng ta hàng ngày. 

Ngài Ajahn có giảng trong một bài pháp là, có thời gian tu thiền Ngài đã phát nguyện trong ba tháng không nhìn những người phụ nữ, sau khi ra hạ bỗng nhiên Ngài cảm thấy mình đã tích cực trong ba tháng, Ngài trở nên thấy bình thường, và có một người đến cúng dường và đó là một nữ thí chủ, Ngài cũng không nói người đó như thế nào đẹp hay xấu hay thế nào nhưng Ngài nói sau mấy tháng Ngài không nhìn cho tới khi Ngài mở mắt ra nhìn người nữ đó Ngài thấy trong tâm có sự chấn động, sự chi phối rất chấn động. 

Thì ở tại đây, chúng ta hiểu một người muốn định tâm, một người muốn tịnh tâm  luôn hiểu sắc, thinh, khí, vị, xúc là bụi trần, đó là trần cảnh. Chữ "trần" nghĩa là bụi là cái gì làm cho dơ, nếu mình không che đậy kỹ sẽ giống như mình đi đường bụi bám vào mình làm dơ. Chúng tôi sang bên Ấn Độ, xe bus ở Ấn Độ các hành lý vali để phía sau, xe đi một đoạn đường về là hứng đầy bụi, sau này có kinh nghiệm mỗi lần hành lý vali lên xe chúng tôi lấy bao rác bọc lại khi xuống thì tháo bao rác bỏ đi nếu không mình mang nguyên cả vali bụi vào trong phòng làm dơ phòng.

 [4]Khi chế ngự các căn không có, giới đi đến hủy diệt.

Mình tu tập thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, mình hiểu  nó đến rồi nó đi như mây bay gió thổi để lại bụi trần, để lại sự ô nhiễm, để lại những thứ chi phối tâm tư của mình. Do vậy, khi một người có đầy đủ tàm qúi người đó có được một thứ là phòng hộ các căn. Người không có tàm qúi thì không phòng hộ các căn. Sự phòng hộ các căn  là một nền tảng cơ sở, trong kinh gọi là giới, giới ở đây là nguyên tắc là cái gì mình làm và cái gì mình không làm, do có nguyên tắc mình có đủ lòng tự tin. Ngày hôm nay chúng ta sống trong một xã hội đôi khi người ta không đặt những nguyên tắc nhưng ngày xưa, ví dụ như trong xã hội Ấn Độ hay xã hội của các quốc gia Phật Giáo có nhiều người giữ 5 giới hay 8 giới hay sadi giới, ty kheo ni giới là nguyên tắc sống họ tuân giữ, ở tại những nơi khác ngày xưa ông bà có những nguyên tắc trong đời sống không thể bước qua khỏi làn ranh đó được.

(5] Khi giới không có, với người thiếu giới, chánh định đi đến hủy diệt.

 Người có giới thanh tịnh dựa trên sự phòng hộ các căn, và do có giới thanh tịnh như vậy sự tu tập nội tại của vị đó được thiết lập chánh định samma samadhi. Chữ samma samadhi ở đây một phần có nghĩa là chánh định, một phần chúng ta hiểu đó là sự tu tập nội tại, trong tiếng Anh gọi là mental culture development. Ở đây sự tu tập nội tại cần đến cơ sở của giới, cần nội tâm của vị đó ổn định. Khi niệm không có, định không có, và tinh tấn không có, thì vị đó thiếu nội lực thiếu samadhi. Samadhi là cốt tủy căn bản của đời sống tu tập. Thường thường ông bà chúng ta có câu "tu tâm dưỡng tánh" là ăn hiền ở lành, nhưng khi nói đến samadhi trong đạo Phật là giới học, định học, tuệ học. 

(6]Khi chánh định không có, tri kiến như thật đi đến hủy diệt.

Chữ samadhi gồm 3 yếu tính: tập trung là định, sự tỉnh táo là niệm,  sự tinh tấn. Ba điều đó là định. Có định như vậy vị này thành tựu Yathābhūtaṃ ñāṇa dịch là tri kiến như thật là một thứ trí tuệ chấp nhận thực tại, nó như vậy thì chấp nhận nó như vậy.  Trong kinh nói tri kiến như thật là mình không đòi hỏi những cái vô lý trong cuộc sống. 

Một giòng sông có đẹp thật, nhưng nó không phải cái mình đòi, dĩ nhiên có những cảnh rất lãng mạn, người ta nói nhà thơ Lý Bạch đã từng yêu vầng trăng mà lao mình xuống giòng sông để chụp lấy. Hoặc giả, ở trong đời sống chúng ta mơ ước về một cái gì đó vĩnh hằng, miên viễn, vĩnh viễn của tình yêu, của sự nghiệp, của danh vọng, của tuổi trẻ v.v... Những mơ ước đó là thiếu tri kiến như thật.
Tri kiến như thật ở đây là cái gì vô thường chấp nhận nó là vô thường, cái gì bất toàn chấp nhận nó là bất toàn, cái gì vô ngã chấp nhận nó là vô ngã, cái gì bất tịnh chấp nhận nó là bất tịnh, nó như thế nào thì chấp nhận như thế đó gọi là tri kiến như thật. 

Để hiểu điều này mình có thể nói con người chúng ta sống khi có nhiều chuyện không như ý xảy ra khiến mình bực bội, hay có nhiều chuyện thay đổi mình cũng bực bội, có nhiều chuyện không theo ý muốn làm mình bực bội, sự bực bội đó là kết quả của sự đòi hỏi, sự đòi hỏi là "nó phải như thế này, nó không như thế kia" nhưng bằng sự tu tập nội tại mình hiểu sắc uẩn mình không điều khiển được nó, thọ uẩn mình không điều khiển được nó, tưởng uẩn mình không điều khiển được nó, hành uẩn mình không điều khiển được nó, thức uẩn mình không điều khiển được nó.

Đức Phật hỏi: "Này Chư Tỳ Kheo, sắc uẩn là thường hay vô thường?"

Chúng ta chuyển câu này thành một câu rất thường thức, tức là như thân của mình có giữ yên như vậy hoài không, nó có khỏe hoài không, cái thân của mình có trẻ đẹp hoài không? 

Chư Tỳ Kheo nói "Bạch Đức Thế Tôn, sắc uẩn là vô thường". 

Tức là cái trẻ đẹp không dừng lại một chỗ, cái mạnh khỏe nó không dừng lại một chỗ mà nó sẽ thay đổi đối lập lại.

Và Đức Phật dạy rằng:

- "Những gì vô thường là khổ hay vui"?"

 Nói cách khác, cái gì không đứng yên một chỗ nó có hoàn hảo không? Nó không đứng yên thì không hoàn hảo được. Cái gì trong cuộc đời này mà mỏng manh, có cái gì trong cuộc đời này mà nay đổi, mai thay, chúng ta không gọi là hoàn hảo. Ví dụ như một người bạn tốt một lúc nào đó họ không tốt với mình nữa thì có hoàn hảo không? Chiếc xe tốt chạy một lúc rồi không chạy được nữa thì nó còn tốt hay không? Thân khỏe một lúc rồi lại không khỏe nữa thì nó làm sao? Do vậy Chư Tỳ kheo trả lời:

 "Bạch Đức Thế Tôn, cái gì vô thường là khổ".

Đức Phật dạy: " Cái gì vô thường là khổ, biến hoại theo lẽ thường, thì có nên cho là cái đó là của "Ta" " là Ta" là "tự ngã của Ta" chăng?" 

Là "Ta", là "Tôi" là "cái ngã của Tôi" tức là cái sở hữu của tôi và cái tự ngã  là mình so sánh với người khác, mình cao hơn, đẹp hơn, nói cách khác đó là ngã sở chấp và mạn thùy miên.

Chư Tỳ Kheo:" Bạch Đức Thế Tôn, chẳng nên".

[7] Khi tri kiến như thật không có,yễm ly bị hỏng.

 Thì ở đây, một trong những thành tựu đối với người tu rất quan trọng, đó là Tri kiến như thật - Yathābhūtaṃ . Sự thật như thế nào mình thấy nó như vậy.  Chúng ta thích vẽ vời, thích tô hồng chuốt lục, vẽ rắn thêm chân, muốn đòi hỏi thế này, đòi hỏi thế kia, và thế gian này mơn trớn ru ngủ, nhất là ngày hôm nay mình sống với quảng cáo, khi họ giới thiệu với chúng ta một sản phẩm nọ muốn nói đến một sự hoàn hảo, một sản phẩm ưng ý thì họ muốn nói lên là cái đó là tối hậu, cái đó không thể nào có cái khác tốt hơn được. Nhưng, tất cả đều một thời, cái đó nó tốt một lúc rồi một lúc không tốt. Hoặc giả vật đó mình thích một lúc rồi một lúc mình không còn thích nữa. Và hành giả tu tập phải có khả năng để thấy tri kiến như thật.

Thế giới thay đổi, thế giới nội tâm của chúng ta thay đổi, cái món đó bữa nay ngon có thể mai nó không ngon, cái món ngon đó bữa nay mình thích có thể mai mình không còn thích. Một người nào đó mình thấy khả ái bây giờ nhưng mai mốt không còn khả ái nữa. Đời sống con người cái gì mình cũng đinh ninh, cái gì mình cũng đòi hỏi, cái gì mình cũng sống bằng sự tưởng tượng là nó sẽ mãi mãi như vậy nhưng kỳ thật thì chúng ta không chấp nhận cái thực tại đó. 

Một người mà có thể sống thoải mái với thực tại, chấp nhận sự thực tại. Ví dụ chấp nhận thực tại là trời nóng thì mình biết là trời nóng, trời mưa biết là trời mưa, mình sống ở đây thì có khi nóng khi lạnh khi mưa, trời là như vậy, mình không bực bội, nhưng có những người thích trời nắng không thích trời mưa, khi có trời mưa thì đâm ra bực bội "sao bữa nay tự nhiên mưa" đó là tại mình không chấp nhận sự thật.
Việc chấp nhận sự thật rất quan trọng với một hành giả tu tập. Tại trường thiền Wat Nong Phra Poon, Thái Lan, người ta có để cái bảng viết tiếng Anh và tiếng Thái:

"Đối với người tu tập không phải là tìm cách để mình suy nghĩ những ý tưởng cao cả, hay mình trở thành một ông Thánh, mà quan trọng nhất là sự thật như thế nào mình chấp nhận nó như vậy".

Sự thật như thế nào chấp nhận như vậy. Chúng ta thường muốn mình phải là con người cao thượng, mình phải thế này mình phải thế kia, mình chứng đạo này chứng quả kia, nhưng mình không có chấp nhận thân mình có thay đổi, tâm mình thay đổi, cảm thọ thay đổi, sự  thay đổi như thế nào nó là như vậy,  sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nó như vậy, một người tu tập phải thấy được tri kiến như thật, Yathābhūtaṃ ñāṇa nghĩa là với trí tuệ sáng suốt thấy nó như thế nào thì nó như thế ấy.

Chúng ta có một người rất thân rồi người thân mất đi mình khổ. Chúng tôi tu ở trong chùa ở gần Ngài HT Ngài tám mươi mấy tuổi, Ngài già Ngài bịnh và Ngài mất, bây giờ đôi lúc đi trên con đường khi xưa chúng tôi thường đi với Ngài chúng tôi cảm thấy trong lòng nao nao, tại vì mình không chấp nhận sự thật cuộc sống nó phải là như vậy. Hoặc giả khi đến Kushinagar, Ấn Độ chúng tôi nhớ hình ảnh của các vị đệ tử Phật khi Đức Thế Tôn Ngài viên tịch chúng tôi thấy rằng những vị sống với Đức Thế Tôn như Tôn Giả Ananda chẳng hạn khi Đức Thế Tôn Ngài tịch thì cảm nhận sự mất mát rất to lớn là bởi vì một khi chúng ta chưa có chứng đắc quả thành toàn thì chúng ta không thoải mái với sự thay đổi, tại vì trong đó mình có sự đòi hỏi nó phải như thế này đừng như thế kia.

[8] Khi yểm ly không có giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt.

Một người có được tri kiến như thật, vị đó đạt đến một trạng thái nhàm chán hay yểm ly. Lấy ví dụ, một người thích đánh bài, không đánh bài cảm thấy buồn và trạng thái không đánh bài thì buồn nếu chúng ta là người không đánh bài mình thấy kỳ, vì không đánh bài thì thoải mái chứ sao lại buồn, nhưng người đó lại buồn, đến lúc nào đó người này cai được cờ bạc rồi nhớ lại chuyện ngày nào tuần nào cũng vô sòng bài casino ngồi thấy nó chẳng hạnh phúc gì hết. Hoặc chúng tôi nghe nói người VN bây giờ nhậu nhẹt nhiều, có những người chúng tôi biết họ nhậu một thời gian rồi bị bịnh bây giờ họ nhớ lại chuyện nhậu nhẹt thấy không vui mà thấy chán quá. Thì sự yểm ly là mình thấy được mặt mũi thật của sự việc đó rồi mình không còn thích thú với nó nữa, mình không còn đam mê nữa cái đó chúng ta gọi là yểm ly.

 Yểm ly dẫn đến giải thoát, tức là ly tham không còn cột trói không bị dính mắc nữa. Giải thoát là cắt đứt khỏi các kiết sử. 

Kết luận:

Thì ở đây, chúng ta thấy hành trình tu tập của một người tu Phật, mục đích tối hậu là chúng ta không còn bị ràng buộc bởi các kiết sử, ràng buộc bởi thế giới nột tại và thế giới ngoại tại. 

- Trong kinh dùng chữ giải thoát, nhưng muốn đạt đến giải thoát vị đó phải có đủ khả năng buông bỏ đạt đến bình thản chúng ta gọi là yểm ly.

- Muốn có khả năng buông bỏ vị đó phải có sự hiểu biết là tri kiến như thật, sự thật nó như thế nào mình chấp nhận nó như vậy.

- Muốn có được tri kiến như thật vị đó phải có tu định, tu giới. 

- Khi chúng ta nói giới định là hai phần và phần ở phía sau thuộc về tuệ. Thấy  như thật, thấy nhàm chán, yểm ly thuộc về tuệ.

Để có được định, chúng ta phải có giới, giới được xây dựng bởi phòng hộ các căn, phòng hộ các căn được xây dựng bởi tàm qúy, tàm qúy được xây dựng bởi chánh niệm tỉnh giác, và chánh niệm tỉnh giác được tạo thành bởi tu tập chánh niệm, đó là một tiến trình tu tập. 

Thì ở đây, trong bài học này chúng ta trình bày để hiểu ý nghĩa bài kinh, nhưng một khi một hành giả vào trong trường thiền hay một nơi tu tập thì mình thấy rõ ràng rằng đây là những khía cạnh nội tại mà mỗi người phải tự thấy, tự biết ,và tự tôi luyện, tự vật lộn mỗi ngày. 

Nếu chúng ta nói rằng cả một quá trình tu tập nằm ở trong tám công đoạn này thì cũng đúng như vậy, có khi mình nói là giới định tuệ là mình nói nói ngắn, đại khái nằm ở trong tám công đoạn này, và hành trình tám công đoạn thì không ai làm giùm cho chúng ta, chúng ta phải tự làm lấy, mình phải tự biết lấy, không ai sống kế bên mình để nhắc mình về chánh niệm tỉnh giác, hay tàm qúi, hay về ly tham, về yểm ly, tất cả điều đó đều do công phu tu tập của mỗi người, và tất cả đều là những bước khi tu tập chúng ta cần phải quan tâm.

Như ở đây Đức Phật Ngài có đưa cho chúng ta thí dụ về một cái cây phát triển được nuôi lớn như thế nào thì đời sống tu tập không phải là điều mơ hồ trong Phật Pháp. Thật ra ngày hôm nay khi chúng ta nói đến tu nhiều lúc chúng ta nói về âm đức, nói về phước duyên là chúng ta nói mơ hồ. Nhưng khi Đức Thế Tôn còn tại thế sự tu tập là cái gì rất thực rất rõ ràng, tuy là tiệm tiến nhưng từng bước một và trong mỗi bước như vậy là một phương pháp. Ngài Na Tiên nói rằng một điểm quan trọng nhất của Phật Pháp đó là dạy chúng ta về phương pháp, Phật Giáo không ca ngợi những giá trị luân lý đạo đức, mà Phật Giáo dạy chúng ta những phương pháp tu tập, như tu tập lòng từ, tu tập tâm bi, tu tập giới, tu tập trí tuệ. Thì ở đây, bài kinh này cũng dạy chúng ta những phương pháp dẫn đến giải thoát được đề cập ở trong bài kinh này tuy rất ngắn nhưng lại là những lời hướng dẫn rất cụ thể rõ ràng.