Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.25
xix) Bốn Pháp Uẩn
xxy) Bốn pháp uẩn: Giới uẩn, định uẩn, công đức uẩn, giải thoát uẩn (cattāro dhammakkhandhā — sīlakkhandho, samādhikkhandho, paññākkhandho, vimuttikkhandho).
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 25 tháng 3, năm 2019
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Trong bài học hôm nay nói về bốn pháp uẩn.
Chữ kkhandhā dịch là uẩn.
Chữ uẩn không phải như chúng ta thường nghe trong ngũ uẩn, hay như, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
Chữ uẩn mang hàm nghĩa là một khối, một nhóm, thí dụ như, chúng ta sống trong một trại, ở trong đó có khối hành chánh, khối y tế, khối thông tin văn hóa chẳng hạn thì, những khối này mang hai ý nghĩa:
- Thứ nhất là, trong một khối, ví dụ, khối hành chánh phải có nhiều nhân sự, một khối không thể nào chỉ có một người, một người giữ một quỹ riêng, nhưng, một khối thì có nhiều người trong đó hợp lại thành một khối.
- Thứ hai là, khi chúng ta nói đến khối có nghĩa khối đó không làm việc một mình, thí dụ, khối hành chánh không làm việc một mình, nó phải làm việc với khối thông tin văn hóa, khối tiếp liệu, khối nhân sự, v.v... thành ra tự nó là một khối mà nó liên hệ với các khối khác làm thành một khối.
Và do vậy, khi chúng ta nói về, giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn thì, bốn khối này đi chung với nhau trở thành lộ trình giác ngộ giải thoát, và, chẳng những vậy, mà tự ở trong mỗi một pháp này lại có nhiều thành tố, những thành tố này kết lại thành một kkhandhā, một khối.
Hôm nay, khi chúng ta đề cập đến bốn khối là, giới, định, tuệ, và giải thoát, thì đây là một bản đồ của giác ngộ giải thoát Đức Phật Ngài đã truyền dạy.
Có một lần, chúng tôi đi cùng với một số chư vị Tăng Ni Phật tử về thăm hai động thạch khắc ở Ấn Độ là Ajanta và Ellora, ở tại đó có nhiều bức bích họa về những câu chuyện tiền thân Jàtaka, hay câu chuyện Balamật, Đức Bồ Tát hành bố thí, trì giới, xuất gia, tinh tấn, tu tuệ v.v... Có một vị sư lớn tuổi nói chuyện riêng với chúng tôi là, thấy làm lạ, pháp tu Balamật là pháp tu mang tánh cách dọa dẫm, khi Bồ Tát chưa đắc đạo chứng quả, còn trong sinh tử luân hồi, Ngài tu từ kiếp này qua kiếp khác. Nhưng Bát Chánh Đạo hay Tam Học chính là con đường Đức Phật Ngài truyền dạy cho chúng ta từ tư thế của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác, một vị hoàn toàn giác ngộ. Thì vị Sư lớn tuổi đó nói với chúng tôi một điều: "Cũng hơi lạ tại vì hồi trước tưởng đâu các pháp tu đều giống nhau nhưng kỳ thật Bát Chánh Đạo hay Tam Học là con đường giác ngộ giải thoát mà Đức Phật đề ra, chúng ta không thể đọc cho có, hay xem giống như những pháp khác được".
Thì đặc biệt trong đề tài này nói đến bốn phần đó là, giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn.
Trước nhất, chũ giới ở đây được hiểu như là những nguyên tắc hành trì giúp cho hành giả:
- Một là, không làm các ác nghiệp.
- Hai là, tạo nên khả năng tự chế bản thân.
Giới thì chúng ta nghe có nhiều như là, ngũ giới, bát quan trai giới, sadi giới, tỳ kheo giới. Trên thực tế, trong Bát Chánh Đạo, giới uẩn được nói ở ba phần:
1 - Lời nói hiền thiện.
Chúng ta có giữ dù là, ngũ giới, hay bát quan trai giới, thì căn bản của chữ giới trước nhất là, không làm các ác nghiệp hay làm thương tổn các chúng sanh khác, điều này liên quan đến lời nói hiền thiện, không có những lời nói tạo ra sự tổn hại như là, nói dối, nói độc ác, nói hai lưỡi, nói nhảm nhí vô ích.
2 - Chánh nghiệp
Chánh nghiệp là, những hành động không mang lại bất cứ những tổn hại nào cho chúng sanh khác. Trong kinh đưa ra ba pháp là, không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh. Nhưng, chánh nghiệp còn hàm tàng những ý tưởng khác, thí dụ, không đánh đập, không gây thương tổn cho chúng sanh khác. Chánh nghiệp là hành động của thân.
3 - Chánh mạng
Chánh mạng đề cập đến sự nuôi mạng chân chánh. Nuôi mạng chân chánh theo sự hiểu của người xuất gia và, nuôi mạng chân chánh trong sự hiểu của người cư sĩ. Thí dụ, người cư sĩ nuôi mạng chân chánh là, không mua bán thuốc độc, bán khí giới, bán người, bán thú v.v....
Đối với người xuất gia thì, chánh mạng ở đây là, không sống bằng nghề nghiệp, không sống bằng sự gợi ý xin xỏ, chỉ nhận những gì người đàn tín cúng dường trong cái nhận đó ở mức độ Đức Phật Ngài cho phép, thí dụ, cầm bình bát đi vào xóm làng, đàn tín đến chùa phát tâm cúng dường chẳng hạn.
Thì, ba cái, lời nói chân chánh, hành động chân chánh, sự nuôi mạng chân chánh, kết hợp lại thành một pháp là giới uẩn.
Phần giới uẩn
Khi chúng ta đề cập đến giới uẩn. Điều này theo Ngài Tangpulu Sayadaw cho biết, một hành giả khi tu tập phải ý thức một cách trọn vẹn, lời nói, hành động, sự nuôi mạng của mình phải được chân chánh, phải được tốt đẹp, phải được hiền thiện.
Chúng ta quan niệm giới không đơn thuần là một thứ, mà giới như cái ghế có bốn chân, một chân ghế bị ngắn hay, bị hỏng thì ghế không đứng vững.
Tương tự như vậy, ở trong ba pháp đó, đối với hành giả pháp nào cũng quan trọng, thí dụ, ở trong đời sống tu tập của mình, mình đang tu tập, nhưng có ai đến mình cố ý nói lời chia rẽ giữa người đó với một người khác vì bất cứ lý do gì thì, lời nói của mình mới nghe chỉ là lời nói thôi, nhưng sự cố ý đó gây chia rẽ lại ảnh hưởng đến đời sống tu tập, mình không tu tập được.
Hay hoặc giả là, mình trong cuộc sống tu tập mà một món đồ mình sài phát sanh một cách bất chánh do mình trộm cắp hay do sát sanh thì cũng là một điều cản trở không tu tập được.
Hay hoặc giả là, mình ngồi thiền, mình tu tập nhưng sinh hoạt sống hàng ngày bằng nghề bất chánh, ví dụ như là, mình có cửa hàng bán rượu, mặc dù mình bán rượu ai uống say không liên hệ gì đến mình, nhưng do nghiệp bán rượu khiến chúng ta không tu tập tinh tiến được.
Do vậy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng phải đi chung với nhau thành một khối. Khối đó chúng ta gọi là giới uẩn, sự kết hợp nhuần nhuyễn chúng ta gọi là giới uẩn.
Sang phần định uẩn
Có ba phần là, chánh tinh tấn là sự cố gắng chân chánh, chánh niệm là sự tỉnh giác, chánh định là sự tập trung. Ba pháp này đi chung với nhau gọi là samadhi hay định uẩn.
Thành tố thứ nhất của định uẩn là, chánh tinh tấn.
Chánh tinh tấn được hiểu là đặt nỗ lực đúng chỗ. Trong cuộc sống chúng ta có một thứ gọi là sức sống, chúng ta sáng thức dạy dầu không có việc gì đi nữa chúng ta cũng làm một cái gì đó như, quét nhà, lau dọn, bởi vì chúng ta có một sức sống, nếu dựa trên ý chí chúng ta là nghị lực mà đời sống hàng ngày thì chúng ta phải nói là chúng ta có năng lực. Thì điều quan trọng của hành giả tu tập chánh tinh tấn đặt nỗ lực đúng chỗ là, ngăn ngừa ác pháp, tiêu trừ ác pháp, làm cho sanh khởi thiện pháp, và duy trì thiện pháp. Bốn pháp này gọi là thận, trừ, tu, bảo, khuynh hướng này phải mang tánh dứt khoát.
Trong Chú Giải, thí dụ, một người buôn bán đầu tiên họ phải có quan niệm buôn bán phải có lời, và cái lời đắp vào thêm vốn, nhưng nếu họ buôn bán mà họ không có ý niệm về tiền bạc làm sao để từ vốn sanh lời thì họ không thể làm chuyện buôn bán được. Một người hành giả tu tập đối với nghị lực sống bản thân phải có một mục đích, mục đích đó rõ ràng là, làm sao ác pháp càng ngày càng bào mòn và thiện pháp càng ngày càng tăng trưởng.
Nỗ lực này, tương tự như một hành giả nghĩ mình phải cố gắng tụng kinh, nhờ tụng kinh mình gắng bó với Phật Pháp hơn. Ý nghĩ đó không cần ai nhắc mình mà tự mình cố gắng và cố gắng có mục đích, đó là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn đó có ảnh hưởng thiết thực đến đời sống nội tâm.
Chúng tôi nhớ một lần đi khất thực, đi đằng sau hai vị trưởng lão, một vị trưởng lão là Ngài Ajahn Boosow trẻ tuổi hơn nhưng là vị Giáo Thọ hướng dẫn tu tập, Ngài Ajahn Viradhammo lớn tuổi hơn nhưng là một người đến để thọ giáo tu tập, tại vì mới theo ngài Ajahn Chah sau này, tức là làm trụ trì thời gian dài rồi nghe tiếng nên muốn đến tu. Trong lúc đi khất thực một nhóm 5 người, và chúng tôi đã ở vị trí số ba, hai vị trưởng lão đi trước.
Ngài Ajahn Viradhammo nói với Ngài Ajahn Boosow rằng:
"Tôi có tật rất thích bàn luận, ở trong chùa tôi gặp Chư Tăng tôi thích thảo luận, nhưng tôi nhớ Sư nói "khi hành thiền mà ra ngoài nói chuyện nhiều thì sau đó không tu được", do đó tôi tự nhắc mình là không được nói chuyện, càng giữ im lặng càng tu tập tốt, và tôi phải đặt mình trong tình trạng nhịn nói chuyện."
(nhịn nói chuyện tức là bớt nói chuyện) tại vì nói chuyện thì sự tu tập bị hỏng đi.
Thì Ngài Ajahn Boosow nói: :"sự cố gắng đó là chánh tinh tấn".
Chánh tinh tấn là, cố gắng làm sao để gìn giữ thiện pháp đã sanh được tồn tại và chưa sanh thì được sanh khởi, đối với bất thiện pháp chưa sanh thì không sanh khởi và đã sanh được diệt trừ. Đặt nỗ lực đúng chỗ gọi là chánh tinh tấn.
Thành tố thứ hai của định uẩn là, chánh niệm.
Chánh niệm là, sự tỉnh táo biết rõ những gì diễn ra đối với thân, đối với tâm, nó không muốn biết, không muốn chú ý thì cũng kéo sự chú ý về. Chánh niệm giống như lái xe, mình biết rõ chiếc xe đang chạy được trong điều kiện thời tiết nào, ở trên con đường tốc độ được phép là bao nhiêu, trước mặt và sau lưng còn có xe cộ như thế nào, cái biết đó cần chúng ta có sự tỉnh táo, càng tỉnh táo thì ít gây tai nạn, mà càng quên mình thì càng dễ gây tai nạn. Người ta nói rằng nhiều tai nạn xảy ra hôm nay là do sự quên mình, mà quên mình đó là do vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại, vừa lái xe vừa text chat v.v...
Trong tháng rồi chúng tôi có hai lần, không phải chúng tôi lái xe mà một lần là Sư Bửu Tâm lái xe, một lần nữa vị khác lái xe, đang đi trên con đường của mình thì một chiếc xe truck lớn cắt ngang xe mình, giống như họ không thấy mình, mà quả thật tài xế không thấy mình, cũng may, Sư Bửu Tâm khi lái xe Sư tránh kịp. Thì chuyện lái xe mà tỉnh táo, Đạo Phật gọi là chánh niệm.
Chánh niệm là khả năng tỉnh táo đối với những gì đang xảy ra ở thân ở tâm và đặt biệt ở sự thực hành của mình.
Đối với hành giả thì bất cứ điều gì xảy ra, dù mình tinh tấn hay mình biến nhác, dù hành thiền có tiến bộ hay không tiến bộ, dù thiện hay bất thiện thì nó không phải là vấn đề đôi co mà nó là đối tượng để quán chiếu bằng chánh niệm. Mình biết là hôm nay mình dã dượt, biết hôm nay mình không có phấn chấn, thì biết như vậy thôi, cái biết đó là cái biết của chánh niệm, thấy chỉ biết là thấy, khi nghe chỉ biết là nghe, khi suy nghĩ chỉ biết là suy nghĩ, cái biết đó đặt chúng ta ở trong một vị thế là, hoàn cảnh nào, ở điều kiện nào, chúng ta ghi nhận là biết một cách tỉnh táo, đó là dán sát, biết rõ, ghi nhận biết rõ.
Thành tố thứ ba của định uẩn là, chánh định, sự tập trung.
Tập trung là, mình làm việc gì tập trung vào, sự tu tập phải có một hướng đi chúng ta gom vào, chúng ta phải làm đều đặn làm thường xuyên, làm như vậy mới dẫn đến chỗ thành thạo được, bất cứ việc gì trong đời sống này khi mới làm mình ngỡ ngàng, khi ngỡ ngàng thì vụng về, và lúc mình ngỡ ngàng vụng về mình không muốn làm nữa, muốn bỏ cuộc, thì ý nghĩ đó rất nông nỗi, mới làm thì vụng về nhưng tiếp tục và tiếp tục thì sẽ thông thạo, làm lâu ngày chúng ta quen, khi quen thì chúng ta cảm thấy thích việc làm đó. Về pháp học cũng vậy, về pháp hành cũng vậy, bất cứ điều gì, chúng ta mới làm, thí dụ, theo dõi hơi thở cảm thấy khó khăn, cảm thấy bỡ ngỡ, nhưng cứ làm tiếp tục làm như vậy thì một lúc mình sẽ cảm thấy thoải mái với hơi thở, và cảm thấy những giây phút mình ngồi xuống nhìn hơi thở thấy cuộc sống mình thật sự an lạc, đó gọi là chánh định.
Thì cả ba chi phần, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, gom lại gọi là định uẩn hay là những thành tố để tôi luyện nội tâm.
Pháp thứ ba gọi là tuệ uẩn.
Chữ tuệ uẩn, chúng tôi dùng mệnh đề VN thường gọi là, minh tâm kiến tánh. Minh tâm nói lên sự chánh tư duy, kiến tánh là nói lên sự thấy biết bản chất một cách chân thành.
Trong Phật Giáo để chúng ta có thể có cái nhìn sáng suốt, cái nhìn đó phải đến từ một nội tâm thanh tịnh. thí dụ, mình làm việc gì đó trong một tổ chức giáo hội chẳng hạn, làm việc vì tư lợi, vì sự đố kỵ người khác, vì hận thù người khác thì, không bao giờ công việc của mình được chân chánh tốt đẹp. Nó luôn luôn bị vướng vấp cái gì.
Chữ minh có nhiều nghĩa, minh nghĩa là tối, minh nghĩa là sáng.
Chữ minh tâm, ở đây nói đến tâm trong sáng, trong sáng này là không có dục tư duy, không có sân tư duy, không có hại tư duy, cái khả năng nhìn vấn đề không xuyên qua sự ham muốn, không xuyên qua sự bực bội, không xuyên qua sự thù oán, chúng ta gọi là chánh tư duy.
Đa số chúng ta quan niệm tuệ nghĩa là trí, trí tuệ đơn thuần là sự sáng suốt thấy biết, nhưng, trong kinh nói đến trí tuệ còn nói đến yếu tính rất quan trọng đó là chánh tư duy.
Nếu chúng ta để ý, chúng ta thấy trong phần tuệ uẩn, chánh kiến và chánh tư duy đi chung với nhau thì chúng ta phải hỏi tại sao hai pháp đó đi chung với nhau, tại sao chánh tư duy không đặt ở trong định uẩn mà đặt trong tuệ uẩn.
Khi chúng tôi nói thành ngữ "minh tâm kiến tánh", cái tâm phải trong sáng thì cái thấy mới chân thật được. Về điều này chúng ta ít khi để ý đến. Câu nói "giận quá thì mất khôn, ăn no quá mất ngon", giận quá mất khôn, giận nhiều làm giảm mất trí tuệ, tham nhiều giảm mất trí tuệ, hận thù nhiều cũng giảm mất trí tuệ, nó ảnh hưởng, thành ra tâm thanh tịnh có chánh tư duy thì chánh kiến được xác thực.
Chánh kiến tức là thấy sự việc có nhân có quả, đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đến sự diệt khổ, những thứ đó đi chung với nhau, do vậy chánh kiến và chánh tư duy là một khối, khối đó chúng ta gọi là tuệ uẩn.
Sau cùng là, giải thoát uẩn.
Giải thoát uẩn, ở đây theo Đức Phật dạy có hai điều đó là, tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Trong Vi Diệu Pháp, tâm siêu thế có tất cả là 80 tâm gồm, 20 tâm đạo, 20 tâm quả.
20 tâm đạo thì có, tâm đạo sơ thiền, tâm đạo nhị thiền, tâm đạo tam thiền, tâm đạo tứ thiền, tâm đạo ngũ thiền. Nhị đạo cũng 5 tâm như vậy, tam đạo 5 tâm như vậy, tứ đạo 5 tâm như vậy.
Một vị đắc đạo chứng quả dù vị đó không tu tập thiền thì ngay giây phút chứng thiền tâm cũng tương đương với sơ thiền ở trong tâm đạo đó. Tại vì, sự đắc đạo chứng quả đó là thành tựu cao điểm của hai thứ tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Tâm giải thoát nghĩa là tâm không còn bị chi phối ngăn ngại bởi các triền cái như là, tham dục, hôn trầm, thụy miên, trạo hối và, phóng dật.
Tuệ giải thoát là, khả năng thấy biết rõ Niết-bàn. Nói một cách khác, ở trong tâm đạo và tâm quả, ở trong sự tu chứng luôn luôn có hai pháp đi chung với nhau đó là, tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Thường thường chúng ta nói tâm giải thoát là những thiền chứng, từ sơ thiền cho đến thiền phi tưởng phi phi tưởng của thiền vô sắc. Tuệ giải thoát ở đây tức là trí tuệ vừa thấy được Niết-bàn vừa có khả năng thấy được bản chất thật của các pháp hữu vi. Thì như vậy, không có một vị Thánh nào thành tựu giải thoát mà không có hai pháp này, tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Như chúng tôi nói với qúi vị là, trong Vi Diệu Pháp nói rằng những tâm đạo và tâm quả luôn luôn được đề cập đi với thiền chứng như:
Sơ đạo sơ thiền, sơ đạo nhị thiền, sơ đạo tam thiền, sơ đạo tứ thiền và sơ đạo ngũ thiền.
Nhị đạo sơ thiền, nhị đạo nhị thiền, nhị đạo tam thiền, nhị đạo tứ thiền và nhị đạo ngũ thiền.
Tam đạo sơ thiền, tam đạo nhị thiền, tam đạo tam thiền, tam đạo tứ thiền và tam đạo ngũ thiền.
Tứ đạo sơ thiền, tứ đạo nhị thiền, tứ đạo tam thiền, tứ đạo tứ thiền và tứ đạo ngũ thiền.
Tâm quả cũng vậy.
Bởi vì không có tâm giải thoát nào mà thiếu một trong hai khía cạnh là tâm giải thoát hay là tuệ giải thoát. Như vậy, trở thành một khối, một nhóm gọi là giải thoát uẩn.
Bốn pháp, giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn và, giải thoát uẩn, mỗi một chi pháp tự nó là một nhóm, tự nó là một khối, nhưng, bốn pháp này cũng kết hợp lại thành một khối, giống như, chúng ta nói năm uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn và, thức uẩn, thì sắc uẩn không phải chỉ có một sắc mà có nhiều sắc trong đó, thọ uẩn cũng vậy. Nhưng, sự hiện hữu của chúng sanh là sự kết hợp của các uẩn, tại các uẩn tự nó đã là một tổng hợp, nó kết hợp nhiều thứ.
Hồi xưa chúng tôi có nghe HT Tịnh Sự nói "giống như một bàn ăn, ở trên bàn ăn có nhiều món, món a, món b, món c, nhưng ở trong mỗi món, nó không phải đơn thuần, dù là, món mặn, món ngọt, nó cũng là sự kết hợp của nhiều thứ như, gạo bánh, gia vị, nước v.v... hợp lại thành một bữa ăn".
Vì thời lượng hôm nay có giới hạn, nên chúng ta không đi sâu vào phương diện pháp hành, nhưng nếu chúng ta ở gần các vị thiền sư dạy pháp hành thì các vị sẽ dạy chúng ta hiểu tính cách cân phân từng phần của, giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, không thể xem những thứ này là một pháp mà đơn cử một pháp được.
Đôi khi chúng ta nghe nói đạo Phật có 84 ngàn pháp môn thì pháp môn nào cũng tu tập như "con đường nào cũng dẫn đến La Mã", nên mình chỉ cần tập trung một pháp môn thôi. Nhưng mà kỳ thật thì, việc tu nó không phải riêng rẽ một pháp môn như vậy. Và sự tu giống như chúng ta đi học phổ thông bên ngoài phải có nhiều môn học, có môn học về nhân văn, có những môn học về khoa học và trong mỗi môn học thì có nhiều chi tiết khác nữa, chúng ta không thể nói học một thứ mà gọi là học được, kiến thức phổ quát chúng ta phải có đi kèm với kiến thức chuyên môn, thí dụ như vậy .
Chúng tôi xin được kết thúc bài học hôm nay về bốn pháp uẩn./.