Kinh Người bệnh - Tăng Chi Bộ Kinh - Chương 2
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Budhadhamma, ngày 30-6-2015 Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Đôi khi trong nhiều lãnh vực đặc biệt trên phương diện đạo giáo, trên phương diện tôn giáo tín ngưỡng chúng ta nói điều gì thường hay nói một cách tuyệt đối. Thí dụ, chúng ta có niềm tin vào một ngôi chùa, một pho tượng, hay một đấng thiêng liêng nào chúng ta luôn luôn nói nếu ai tin mà tin một cách tuyệt đối thì họ sẽ được. Nhưng trong thực tế, ngay cả những người rất sùng tín cũng có những người được, có những người không, chứ không phải ai cũng được hết. Và ở trong đời sống chúng ta hàng ngày nói đến thuốc quảng cáo thuốc mình nói cách đó là tốt nhứt. Hầu như đối với chúng ta là tốt tuyệt đối, lúc nào chúng ta cũng nói tốt.
Đức Phật Ngài qua bài kinh này cho chúng ta biết rằng có 3 trường hợp:
- 1. Trường hợp có người bệnh dù được uống thuốc cách nào, dù được chăm sóc cách nào cũng không khỏi bệnh. Chuyện đó có chứ không phải không có, nhưng nếu người nào đó họ lấy thí dụ này để đem áp dụng cho mọi trường hợp thì sai.
Chúng tôi có quen với một vị Sư cũng lớn tuổi, Sư không hút thuốc nhưng khi nghe bác sĩ hay người khác nói về sự nguy hiểm của hút thuốc, Sư hay dẫn chứng: không biết bác sĩ họ nói sao chứ tôi thấy ở VN có mấy ông cụ hút thuốc cả đời, ngày nào cũng hút thuốc nhưng sống 7, 8 chục tuổi. Điều đó cũng có chứ không phải không có, cũng có một vài cá nhân hút thuốc cả đời không sao hết nhưng cũng có những người hút thuốc bị ung thư phổi, bị những bịnh này bịnh kia.
Thì ở đây, Đức Phật Ngài cho chúng ta biết không thể lấy một trường hợp đơn cử để áp dụng cho tất cả.
- 2. Trường hợp thứ hai, có những người bịnh không cần chữa trị không cần thuốc men, nói cách khác người này bịnh nhưng rồi tự hết, không cần tới những việc chăm sóc chữa trị. Điều này cũng có xảy ra chứ không phải không xảy ra. Bên VN chúng ta có câu: "Trời đẻ trời nuôi" hay "Trời sanh voi sanh cỏ". Có nhiều người bị bệnh không ai chăm sóc nhất là những người nghèo, những cô nhi v.v... bệnh thì ráng chịu đựng rồi cũng qua. Điều này có chứ không phải không.
- 3. Trường hợp thứ ba: Một người bệnh được chăm sóc được uống thuốc và nhờ chăm sóc uống thuốc khỏi bệnh. Đức Phật Ngài dạy chính vì người này, chính hạng người thứ ba này nên chúng ta nên chăm sóc, nên cho uống thuốc, nên tìm cách chữa trị cho những người bệnh.
Hai hạng người đầu được tính là ngoại lệ:
- Hạng người bệnh nan y thầy thuốc chạy, vô phương cứu chữa thì hạng người đó có chữa đến đâu cũng không hết thì không nên dùng những người đó làm thí dụ.
- Hạng người thứ hai, hạng người không cần chữa không cần uống thuốc cũng hết thì cũng không nên làm thí dụ.
- Và chính hạng người thứ ba này, do đó khi chúng ta bệnh chúng ta nên uống thuốc, nên được chăm sóc, nên được chữa trị.
Đức Phật Ngài dạy việc trị liệu cũng giống như việc hoằng pháp. Có những người Phật Pháp có nói đến đâu đi nữa họ cũng không thay đổi.
Chúng tôi nhớ, cách đây vài năm có một vị nha sĩ quen với một người quen chúng tôi, đến gặp chúng tôi. Vị này có người vợ rất thương và người vợ chết. Vị nha sĩ đến với chúng tôi đặt vấn đề: "Thầy có biết là vợ con tái sanh ở đâu không?"
Chúng tôi trả lời thành thật là chúng tôi không biết. Và vị này hỏi:
- "Vậy làm sao con biết vợ con sanh ở đâu?"
Chúng tôi trả lời: "ở trong Phật Pháp không nói điều đó, những người tu hành có đắc đạo chứng quả có nhãn thông có khi họ có thể biết được, nhưng mình không biết được điều đó". Thì vị này rất thất vọng và vị này gặp được một số người nói có một ông Thầy có thể soi kiếp, có thể biết được kiếp trước kiếp sau, và ông nha sĩ đi tới ông Thầy đó.
Chúng tôi biết có những người nói họ thấy được người này sanh cõi này, người sanh cõi kia, thì thật sự chúng tôi phải nói riêng trong trường hợp này chúng tôi biết người này tự xưng như vậy chứ họ không thật sự biết, bởi vì chúng tôi biết rõ vị đó, nhưng ông nha sĩ này rất tin và rốt cuộc ông theo làm đệ tử người đó.
Đối với chúng tôi vấn đề không phải người ta có đi chùa hay không đi chùa, theo mình hay không theo mình. Vấn đề là có những trường hợp ở trong cuộc sống chúng ta không giải thích được, có những trường hợp trong cuộc sống chúng ta không tìm ra một giải pháp nào hết, người đó căn tính họ như vậy mình đành chịu, rất khó để chúng ta có thể thay đổi. Giống như một người bị bệnh nan y cho dù nhiều thuốc bao nhiêu chữa trị bao nhiêu thì cái chết cũng đến. Trường hợp này có ở đời, trường hợp này vẫn thường xảy ra trong đời sống của chúng ta, chúng ta không có nên đặt vấn đề mình phải làm được tất cả và mình có sức mạnh vạn năng làm được tất cả, và thậm chí cũng không nên vỗ ngực để xưng thuốc của mình có thể trị tất cả bệnh, vị giáo chủ của mình rất linh ứng có thể mang pháp mầu cho tất cả.
Ở thế gian này không biết bao nhiêu người đã từng tự xưng tự nêu cao tính toàn năng. Nhưng Đức Phật Ngài dạy không có trường hợp đó, nếu có một đấng nào đó một phương pháp nào đó gọi là toàn năng thì thế giới này đã thay đổi rồi, thế giới này vận hành theo nghiệp của chúng sinh, lịch sử nhân loại từ thuở bình minh của nền văn minh cho đến ngày hôm nay trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm và chúng sanh ngày hôm nay vẫn chịu nhiều đau khổ.
Chúng tôi biết có một số tông phái Phật Giáo rất ưa chuộng sự thậm xưng này, nói ra câu gì thì câu đó là được tất cả, tốt tất cả, làm được tất cả. Nhưng mà không, chúng ta nên nhìn nhận sự thật, ngày nay ngay cả những thuốc được xem như tốt, thuốc được xem công hiệu, ví dụ như một số thuốc trụ sinh thì nó cũng có chừng mực nào đó, nó chữa được một số bệnh cho một số người nhưng không chữa được tất cả.
Nhưng mà rồi người bệnh có chứng bệnh có thể chữa được, có những bệnh không chữa được, không phải bệnh nào cũng chữa được. Thì trong trường hợp này việc trị liệu thuốc men chăm sóc người đó thì không có thật sự kết quả.
Ở trường hợp thứ hai có những trường hợp người bệnh không cần thuốc.
Ở chùa chúng tôi có một Phật tử là bác Ba, bác Ba lớn hơn HT Hộ Giác một tuổi, năm nay bác 91 tuổi, bác đặc biệt ghét đi bệnh viện, ghét bác sĩ, ở trong đời bác không uống thuốc do nhờ phước, bị bệnh rồi tự nó qua. Trong khi cô Ba vợ của Bác hễ có đụng chuyện là thuốc men đủ thứ. Mỗi lần nghe chúng tôi bệnh cô Ba mang đến rất nhiều thuốc. Thật sự chúng tôi biết bác Ba biết tánh rất ghét uống thuốc và chúng tôi cũng biết bác sống cho đến ngày này 91 tuổi không đụng tới thuốc và không phải đi gặp bác sĩ là do phước của bác. Nhưng trường hợp của bác không nên là trường hợp đem áp dụng cho tất cả mọi người. Khẳng định là như vậy. Nếu mỗi lần ai bịnh mà nói "oh! uống thuốc làm gì bác Ba không có uống thuốc mà bác cũng hết bệnh" điều đó không thể áp dụng cho mọi người được. Đôi khi có những trường hợp một người có đặc biệt gì đó, có ngoại lệ gì đó như vị Tỳ Kheo Bakkula suốt cả đời sống đến 160 tuổi không có bệnh, suốt cả đời sống đến 160 tuổi không đụng đến thuốc, nhưng đó gọi là một vị vi tằng hữu, vị rất hiếm hoi do phước chứ không thể nào chúng ta đem một người thí dụ cho tất cả mọi người được.
Chúng tôi nhớ khi sang Hoa Kỳ ở chùa Pháp Vân, thời đó tại thành phố Mona có một chung cư người VN ở gần nhau, có 5, 6 gia đình. Những gia đình này cha mẹ lo lắng con cái hư nên dạy con rất cẩn thận, ngăn đầu này cản đầu kia. Có sự dong rủi là ở trong chung cư đó có một anh thanh niên đi vượt biên 2 anh em, khi qua bên Mỹ người em về ở với bà dì còn anh thanh niên này ở chia phòng với một gia đình người Việt Nam khác. Anh thanh niên này thật ra không tệ lắm nhưng sống theo tiêu chuẩn người Mỹ, có bạn gái người Mexico, anh đi motorcycle-xe gắn máy, người VN lúc bấy giờ nhìn người đi xe gắng máy rất là mạo hiểm, anh chơi trong một băng nhạc để kiếm thêm tiền. Anh là một người với tuổi đời 18, 19 nhưng có cuộc sống người ta ăn chơi kiểu gì thì mình cũng ăn chơi kiểu đó. Những người ở chung quanh chung cư có con nhỏ ai cũng ghét anh này và những người Phật tử đến chùa Pháp Vân nói với chúng tôi là họ rất sợ hình ảnh anh này làm hư mấy đứa con trong nhà, tại vì thanh niên VN mà lái xe gắn máy rồi có bạn gái người Mễ rồi đi chơi băng nhạc rồi đi sớm về khuya một mình, hình ảnh đó có thể dạy hư mấy đứa nhỏ. Về sau này khi chúng tôi về Texas chúng tôi biết anh này vừa đi làm vừa đi học mất nhiều năm sau ra trường là vị bác sĩ về tim. Trong lúc đó thì những đứa con ở trong những gia đình chung quanh cũng nhiều năm có đứa thì học tới nơi, có đứa dang dở, cũng có đứa tốt có đứa xấu. Thì nói chung, chúng tôi biết một điều là anh thanh niên trẻ đó có một điểm rất đáng qui đó là sống một mình và từng trải đủ điều nhưng không hư ruốt cuộc lại hoàn tất việc học của mình một cách vẻ vang, còn nhiều em nhỏ nhiều bạn trẻ ở chung quanh cha mẹ gìn giữ nghiêm ngặt nhưng ruốt cuộc việc học bỏ dang dở lại hư hỏng, thậm chí có một em sau này nhập bọn đi ăn cướp.
Chúng tôi kể chuyện này với ý không phải mình lấy hình ảnh một người để chứng minh con cái không cần cha mẹ dạy, có đứa sống một mình vẫn nên người thí dụ anh thanh niên đó chẳng hạn, chúng ta không thể lấy ví dụ này được. Có là đúng là có. Có những trường hợp những người họ giống như hoa sen sống dưới bùn không bị ô nhiễm, có những người sống trong cảnh tương đối buông thả họ không trụy lạc họ không trác táng. Nhưng điều đó không phải là tất cả, và điều đó cũng không nên là thí dụ cho tất cả, vì nó có ngoại lệ.
Ở đây Đức Phật Ngài đặc biệt đề cập đến trường hợp có những người bệnh được uống thuốc được chăm sóc trị liệu và nhờ vậy người đó hết bịnh và do vậy Ngài nói trường hợp này nên là trường hợp đểáp dụng chung, tức là có bệnh thì nên trị. Hai trường hợp đầu mang tính ngoại lệ. Đó là lý do tại sao chúng ta có bệnh viện, chúng ta có nhà thuốc, mỗi lần thấy ai bệnh chúng ta tìm cách để trị là tại vì dù thế nào đi nữa thì việc trị liệu cũng là việc nên làm, không thể lấy một hai ngoại lệ đầu hay lấy người mà chúng ta nói rằng uống bao nhiêu thuốc cũng không hết hay là không cần thuốc cũng hết, cái đó mình không thể áp dụng được.
Điều Đức Phật nói ở đây 3 thí dụ này Ngài căn dặn chúng ta nên dùng common sense dùng quan niệm hiểu biết thường thức của chúng ta để nhìn vấn đề.
Để trị bịnh cũng vậy, Phật Pháp cũng vậy, không hẳn Phật Pháp tốt cho tất cả mọi người, có những người mình nói đến đâu đi nữa cũng không lợi ích gì hết, cũng như trường hợp chúng ta có người uống thuốc bao nhiêu cũng không hết nhưng cũng có những người không cần uống thuốc cũng hết, Đức Phật Ngài gọi là có những người tốt tự nhiên, tức là họ không học Phật Pháp, họ không nghe pháp nhưng đời sống họ tốt, chúng tôi cũng gặp nhiều người như vậy, họ không biết Phật Pháp gì hết nhưng họ sống rất tốt rất lương hảo nhưng cũng có đa số người là nhờ vào Phật Pháp mà sự suy nghĩ hiền thiện hơn, đời sống tốt đẹp hơn, và biết đối diện với phiền não một cách khôn khéo hơn nhờ Phật Pháp, vì lý do hạng người thứ ba này mà chúng ta hoằng pháp, chúng ta duy trì Phật Pháp, chúng ta đem Phật Pháp vào đời và mong những người đó được hưởng lợi lạc.
Ba thí dụ được áp dụng với 3 trường hợp này liên quan đến Phật Pháp cho chúng ta thấy có 3 điểm:
1. Điểm thứ nhất: chúng ta sống nên biết, điểm đầu tiên chúng tôi muốn nói có những cái thường lệ và có những cái ngoại lệ. Cái thường lệ ở đây là cái gì thường xảy ra thì chúng ta nên biết và chúng ta sẽ áp dụng. Lấy ví dụ mình lái xe mình nên cẩn thận, không phải nói ai cẩn thận cũng không bị phạt, lái xe cẩn thận không bị tai nạn nhưng cẩn thận vẫn tốt hơn. Cũng có những người lái xe không cẩn thận nhưng họ không bị tai nạn thì mình cũng không thể nói mình đâu cần lái xe cẩn thận có những người lái xe đâu cẩn thận đâu giỏi nhưng họ cũng bình yên. Do vậy chúng ta gọi là có nhiều khi cuộc đời có những cái biệt lệ, hay có những ngoại lệ, và có những cái mang tính thường lệ hay là lệ thường.
2. Điều thứ hai, chúng ta nên niệm cho dù có những giá trị lớn nhưng tất cả chỉ tương đối không nên nghĩ tới tuyệt đối. Nếu chúng ta nghĩ mọi sự vật đều tuyệt đối thì nhiều khi chúng ta có những chê bai công kích, thí du mình bị bịnh một người nào nói uống thuốc tylenol trị được bịnh, rồi mình uống không hết thì mình đả phá thuốc tylenol, thì không phải, có thể nó không hiệu nghiệm với người này nhưng nó hiệu nghiệm với người kia, hiệu nghiệm với trường hợp này nhưng không hiệu nghiệm với trường hợp kia, và có khi dùng thuốc đúng liều lượng thì tốt, khi thuốc không đủ liều lượng thì không tốt và nó không có hiệu quả, thì điều đó chúng ta phải rất cẩn thận. Ngày hôm nay người Mỹ họ có những nghiên cứu sâu rộng hơn chúng ta tại vì để xác định giá trị của một món thuốc người ta phải thí nghiệm rất nhiều lần chứ không phải chỉ thông qua một vài người mà được, và chúng ta nên biết rằng mọi giá trị đều mang tánh cách tương đối, nếu tốt 50% hay 60% cũng là tốt chứ không thể tính 100% được.
. Điều thứ ba, trong sinh hoạt cuộc sống chúng ta vẫn làm vẫn thuyết pháp vẫn đem những điều hay tốt đẹp đến cho mọi người nhưng việc đó có kết quả hay không là một chuyện khác. Chúng ta khác với Đức Phật, Đức Phật là một vị Thiên Nhân Chi Đạo Sư Ngài biết được cái gì Ngài làm, có kết quả như thế nào, do đó Ngài làm, còn chúng ta chúng tôi tạm dùng chữ đôi khi cũng như cầu may, mình thuyết pháp có người nghe có lợi ích có người nghe không lợi ích. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không làm, nhưng khi chúng ta làm chúng ta không có nên kỳ vọng phải có kết quả tuyệt đối. Chúng tôi tin vào sự kiên nhẫn vào năm tháng ví dụ như có nhiều người nhiều vị Chư Tăng nói với chúng tôi tại sao mỗi ngày phải vào trong paltalk để tốn 2 tiếng đồng hồ, 2 tiếng đồng hồ đó mình có thể làm nhiều việc khác, ở trong rơom chỉ có chừng đó người mấy chục người họ nghe pháp thì lợi lạc gì. Nhưng kỳ thật chúng tôi nghĩ khác, có nhiều lần chúng tôi tâm sự với qúi vị việc sinh hoạt Phật Pháp ở tại đây đối với chúng tôi cũng giống như việc tụng kinh hay việc tu học, thì thật sự buổi sáng vô paltalk đọc câu Phật ngôn như ngày hôm nay câu Phật ngôn này chúng tôi cũng đã từng đọc rồi nhưng hôm nay nói lại đối với chúng tôi cũng là một điều nhắc nhở, mỗi ngày được nghe lời Đức Phật dạy đối với chúng tôi điều đó là điều rất có phước, và thứ nữa năm dài tháng rộng chúng tôi thấy có một số Phật tử nhờ sinh hoạt ở trong rơom vào nghe pháp nghe tụng kinh nghe thảo luận đối với chúng tôi điều đó là điều rất an lạc, và thật tình mà nói cũng có một số các vị trước kia không tha thiết với Phật Pháp lắm, đi chùa nhiều năm mà không thấy gì nhưng vào rơom sinh hoạt bây giờ lâu lâu các vị gọi chúng tôi để hỏi Phật Pháp, chúng tôi thấy nhờ nghe pháp các vị này thật sự để tâm vào Phật Pháp nhiều hơn thì đối với chúng tôi như vậy là tốt, như vậy là có phần thưởng và như vậy là đủ để chúng ta cố gắng hàng ngày.
Khi chúng ta làm việc mà nghĩ mình thuyết pháp có 50 người vào tham dự 50 người đó có thay đổi hoàn toàn thì điều đó giống như mình mua bán mình tính lời tính lỗ, có 50 khách hàng vào mình phải có 50 số lợi nhuận, thì không có trường hợp đó. Chúng tôi nhớ một nhà thơ nói một câu rất dễ thương:
"Mang óc con buôn đừng làm cách mạng, cuộc dấn thân này đâu có chuyện hơn thua, đường đi danh vọng nhất định là phải sáng, để ý làm chi những con gió sang mùa",
Mang óc con buôn tức là khi mình buôn bán mình tính lời tính lỗ, ở trong việc hoằng pháp chúng ta không tính lời lỗ, chúng ta nhắc lời Đức Phật dạy để cho người và cũng để cho mình, và chuyện người ta nghe lợi ích như thế nào đó là tùy vào căn tính, có những người nghe Phật Pháp giống như mình ăn một bữa cơm, ăn bữa cơm gọi là bổ dưỡng ra sao thì thật ra mình khó nói lắm nhưng có bữa cơm thì đỡ đói, một bữa có bửa cơm nuôi cơ thể một bữa, và điều đó khi nó thẩm thấu vào trong cơ thể mình tạo ra những dinh dưỡng, việc đó là việc chúng ta có thể chiêm nghiệm và không nhất thiết chúng ta phải ăn vô thấy nó bổ liền hay mình ăn vô thấy đời sống mình thay đổi liền v.v... chúng tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta nên kiên nhẫn với việc hoằng pháp từ năm này sang tháng khác, từ thời gian này qua thời gian khác chúng ta cứ tiếp tục và tiếp tục rồi sẽ có kết quả. Chúng ta không nên tin vào cái gì bạo phát bạo tàn.
Hôm Chủ Nhật chúng tôi được mời đi dự một lễ 76 năm khai đạo của Đức Hùynh Giáo Chủ bên Phật Giáo Hòa Hảo. Cư sĩ Nguyễn Anh Dũng là một người chúng tôi rất qúi, anh là hội trưởng của Phật Giáo Hòa Hảo tại Houston, do đó chúng tôi đến dự và trong buổi tham dự này thì có chuyện có thể là kỷ niệm trong đời chúng tôi.
Trong buổi lễ họ đề cử 20 người đã học xong chương trình giáo lý Hòa Hảo, họ mời một số quan khách lên trao chứng chỉ trong số đó có chúng tôi lên để trao chứng chỉ. Điều cắc cớ , chúng tôi là người trao chứng chỉ cho hai người Phật tử đã từng đi chùa Pháp Luân chừng hai mươi mấy năm về trước, lúc đó họ gặp chuyện buồn khổ trong gia đình rồi họ đi chùa Pháp Luân. Bây giờ không biết dong rủi sao họ đi theo đạo Cao Đài và người phát chứng chỉ lại là chúng tôi. Đối với chúng tôi hoàn toàn không có vấn đề gì vì mỗi người có duyên của mình có sự đưa đẩy riêng. Nhưng chúng tôi kể chuyện này để qúi vị thấy cuộc sống có muôn ngàn thứ có thể xảy ra, và cô Phật tử nhận chứng chỉ lại đeo bảng tên pháp danh của cô là Từ Nghiêm thì pháp danh đó ngày xưa cô qui y với Ngài Hộ Giác và chúng tôi là người đặt pháp danh cho cô.
Thì chúng tôi thấy một điều như vầy, cuộc sống của thế gian này không phải có người nào đó họ đi chùa nghe pháp rồi thấm nhuần Phật pháp trở thành người Phật tử thuần thành. Cuộc đời đưa chúng ta về muôn vạn nẻo khác nhau, rất nhiều, chúng ta nên hiểu tánh tương đối, dù thế nào đi nữa chúng ta cũng nghĩ đến chuyện một câu Phật ngôn được nói ra và nếu có vị nào đó cảm nhận được hưởng được giá trị của Phật ngôn đó thì ở trong khoản khắc đó cũng quá đủ quá tốt để chúng ta nói chứ chúng ta đừng nghĩ rằng mình giảng bài pháp là có những người họ phải qui y trở thành Phật tử phải thế này phải thế kia. Mình đừng nghĩ như vậy, cuộc sống không có chuyện gì phải nghĩ, chúng ta nên nhẹ nhàng về việc đó.
Đức Thế Tôn Ngài đã từng đi đó đây ở trong châu thổ sông Hằng suốt 45 năm, từ quốc độ này sang quốc độ khác, có những người đệ tử rất trác tuyệt như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Ca Diếp, Ngài Ananda v.v... cũng có những người rất tầm thường và có những người cũng thay đổi như Devadatta. Nói chung, chúng ta gọi hữu duyên. Và dĩ nhiên Đức Phật bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thì có một số lớn các vị vua chúa, một số lớn những bậc trí thức, người hảo tâm theo trở thành đệ tử Phật đã tạo nên giòng lịch sử rạng rỡ cho Phật Giáo ở Ấn Độ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả, cũng có nhiều người rất hờ hững như một người đồ tể ở gần chùa Kỳ Viên ở gần kế bên Phật nhưng suốt đời họ làm đồ tể cho đến lúc chết vẫn vậy, có những người như vua Thiện Giác là thân phụ của công chúa Yasodhara và là thân phụ của Đề Bà Đạt Đa nhưng rồi cũng chết vì sự việc một thái độ bất kính đối với Đức Phật.
Thì thưa qúi vị, cả thế giới này cả cuộc đời này khi chúng ta sống, chúng ta làm, chúng ta đi, chúng ta dấn thân, chúng ta hành động không bao giờ nghĩ rằng tất cả đều phải có kết quả, tất cả đều phải thế này phải thế kia.
Vì sao vậy?
Tại vì có những người bệnh uống thuốc bao nhiêu cũng không hết.
Có những người không cần uống thuốc mà cũng hết.
Và cũng có rất nhiều người nhờ uống thuốc mà hết.
Thì khi chúng ta cho thuốc người khác chúng ta chăm sóc người khác chúng ta nghĩ về hạng người thứ ba. Có nhiều người nhờ chăm sóc mà hết nên chúng ta cứ chăm sóc. Nhưng nếu chăm sóc không hết thì chúng ta phải nên chấp nhận.
Chúng tôi thích kinh điển Đức Phật dạy chúng ta những bài học về sự suy tư trong việc làm, và những điều đó lợi lạc, những điều đó giúp cho chúng ta rất nhiều. Và chính cái nhìn lệch lạc khiến chúng ta đặt để vấn đề quá nặng nề ./.