Kinh Không thỏa mãn - Tăng Chi Bộ
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 17-11-2015
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Người tu tập là người phải đối diện với những phiền não trong tâm tư mình. Trong binh pháp có câu: "Biết người biết ta trăm trận trăm thắng". Chúng ta đối diện với phiền não cũng nên biết rõ cái mạnh của phiền não hoặc cái yếu của phiền não.
Khi nói đến phiền não, một ở trong cơ sở của phiền não đó là sự hưởng thụ và chúng ta nên hiểu sự hưởng thụ đôi khi không phải là cái tội nhưng nếu ở mức độ quá độ đi quá xa thì sẽ trở nên tai hại. Tương tự như ngày hôm nay là thời đại thực phẩm hơi dư thừa, chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ thực phẩm thiếu nên ít nghe người ta nói kiêng cử mà làm sao chỉ có thức ăn thôi, nhưng ngày hôm nay ăn uống nếu không để ý dễ lên cân vì nó tạo ra nhiều chất đường dễ tạo ra nhiều chứng bệnh, do vậy việc ăn uống cũng phải có chừng mực.
Trong cái nhìn của Đức Phật cho chúng ta 3 chuyện chúng ta thường say đắm nghĩa là đi quá xa quá độ và điều này chúng ta phải lưu ý. Chúng tôi có đọc rất nhiều bài viết về điểm này và cũng nhận ra được, đó là, ngày hôm nay trong nghiêng cứu chung ai cũng phải nhìn nhận Đức Phật là bậc Giác Ngộ, những điều Ngài dạy quả thật không có sai chạy chút nào. Và ở đây Đức Phật dạy có 3 điều chúng ta không bao giờ thỏa mãn.
Atitti là không bao giờ đạt đến mức thỏa mãn hoàn toàn.
Chúng ta cứ nói nếu chúng ta được thỏa mãn thì sẽ không đòi nữa, không phải, nó cứ đòi hoài.
1. Thứ nhất, ngủ nghỉ. Thông thường người ta nói "tham ăn mê ngủ". Thấy vậy với cái ăn có thể chúng ta ăn đến mức độ nào đó no, ăn đến mức độ nào đó thì ngán. Nhưng chúng ta phải coi chừng chuyện ngủ nghỉ, cái ngủ nghỉ là một thứ khoái lạc ở trong đời sống.
Trong kinh đề cập đến một điểm rất tế nhị ít có người Phật tử để ý là có 2 thứ phiền não hôn trầm và thụy miên. Phiền não hôn trầm và thụy miên hết sức tế nhị, người thường không phân biệt được điểm này. Dĩ nhiên, người có tu hay không có tu đều phải ngủ nhưng cái ngủ của hôn trầm thụy miên và cái ngủ không hôn trầm thụy miên khác nhau.
Hôn trầm thụy miên là một thứ phiền não, hôn trầm là trạng thái dã dượi, uể oải, buồn ngủ không phấn chấn. Và trạng thái hôn trầm ảnh hưởng từ hai phương diện thân và tâm. Thông thường chúng ta nghĩ trạng thái dã dượi gọi là hôn trầm là do thân mình cần ngủ thì ngủ thôi chứ không có gì gọi là phiền não nhưng kỳ thật khi nội tâm chúng ta thụ động, khi nội tâm chúng ta hướng về chỗ ngủ nghỉ mà bấy giờ chúng ta không cưỡng được.
Khi chúng ta đi hành thiền, những lúc sắp ngồi thiền có hai trạng thái thường phải để ý; một là chúng ta rất phấn chấn mong cho đến ngày ngồi thiền mang tọa cụ lên chánh điện lên thiền đường để ngồi với mọi người. Nhưng cũng có nhiều lúc tới giờ ngồi thiền chúng ta rất ngán, không ngồi thiền thì bị rày, không ngồi thiền các vị thiền sư để ý nhưng ngồi thiền thật ra lúc đó chỉ muốn về cốc để nằm hoặc muốn chung quanh không có người thì mình nằm xuống.
Có một lần chúng tôi tu tập tại một trường thiền ở Thái Lan thời gian ngủ rất ít, đi ngủ lúc 10 giờ tối thức dậy lúc 3:30 sáng và từ 3:30 sáng sinh hoạt cho đến tối. Thật ra thời gian đầu cảm thấy ngủ không đủ, sáng 3:30 thức dậy làm vệ sinh, 4:00 lên chánh điện tụng kinh, chấp tác, rồi đi khất thực, rồi dùng cơm, liên tục cho đến chiều nên thường có ý thích ngủ. Thì ban đầu mình nghỉ đó là hiện tượng về thân tức là thân mình thiếu ngủ thì nó ngủ thôi, nhưng có vài lần chúng tôi đi khất thực chung với vị thiền sư Ngài hỏi "Chúng tôi qua đây có trở ngại gì không?" Chúng tôi thưa với Ngài "Mọi việc rất ổn, chúng tôi rất là an lạc rất là hoan hỉ nhưng dường như vô trường thiền ít có thì giờ để ngủ nên hay buồn ngủ". Thì Ngài lưu ý chuyện buồn ngủ là một thứ phiền não rất lớn. Cuộc sống chúng ta bình thường có những chuyện tham sân si tranh danh đoạt lợi. Chuyện sân si chửi qua chửi lại mình thấy lớn nhưng kỳ thực khi đi hành thiền cái phiền não chi phối mình không phải là chuyện tranh danh đoạt lợi không phải chuyện hơn thua mà chính là hôn trầm thụy miên chính là sự uể oải buồn ngủ.
Trạng thái hôm trầm mang nhiều tánh cách, như là thụ động, làm biếng. Ở đây chúng tôi nói làm biếng nghĩa là mình không có siêng năng. Và một điều chúng ta phải để ý phần lớn người ta bị bịnh sleep disorder (rối loạn giấc ngủ) nghĩa là con người mình hay làm ngược lại, người bị sleep disorder thường lúc mình làm việc thì muốn ngủ và lúc mình cần đi ngủ thì lại trổi dậy muốn làm việc, lên internet tìm cái này cái kia thì mắt sáng, coi phim thì mắt sáng ra nhưng để ngồi thiền để tụng kinh hay ngồi lạy Phật thì tự nhiên lại buồn ngủ người thụ động lại. Trạng thái buồn ngủ lúc đó đa phần đến từ cái mà không có cái gì để cho mình thích thú nó không có cái gì làm cho mình cảm thấy phấn khởi và điều đó có nghĩa chúng ta chưa có được sự phấn chấn đối với cái gì mình đang làm.
Bên cạnh trạng thái dã dượi buồn ngủ của hôn trầm còn có trạng thái khác gọi là thụy miên. Thụy miên nếu dịch cho rõ thì giống như là mê ngủ, mình có ham ăn rồi có mê ngủ, ở trong trạng thái mê ngủ là một cái gì thống khoái cái gì thích thú để mình có thể ngủ chứ không phải ngủ là vì nhu cầu. Chúng ta ngủ là vì nhu cầu là nằm xuống chỉ đơn thuần là ngủ cho vừa phải thôi. Nhưng trạng thái mê ngủ là trạng thái ham ăn mê ngủ tức là hễ ngủ không được là cứ nằm đó hưởng thụ cái ngủ của mình. Chúng tôi nói điều này không biết quí vị có chia sẻ được không nhưng nhiều lúc mang mán đâu đó cái ngủ là một thứ thỏa mãn và người ta muốn tiếp tục ngủ người ta muốn kéo dài giấc ngủ nếu có thể được. Muốn biết trạng thái thụy miên như thế nào thì để ý có những người ngủ chưa đủ chưa thỏa mãn và tiếp tục muốn ngủ nữa trạng thái đó gọi là mê ngủ .
Ỏ đây, Đức Phật Ngài dạy tâm thái mê ngủ không bao giờ thỏa mãn, nếu chúng ta lao vào đó sống với nó càng ngày thì nó càng tệ thêm và không có nghĩa ngủ nhiều là thỏa mãn được mà là chúng ta không thỏa mãn, Atitti có nghĩa không thỏa mãn, cho dù chúng ta ngủ nhiều chúng ta cũng không thỏa mãn được.
2 Điểm thứ 2 Đức Phật dạy sự say sưa rượu không bao giờ cho chúng ta thỏa mãn được. Chúng ta phải để ý.
Say sưa cho người ta có cảm giác, cái vị thì ít nhưng cảm giác say sưa lâng lâng thì nhiều, và nhiều khi cảm giác say sưa của rượu cho người ta đến một cảnh giới mà cảnh giới đó cảm nhận cuộc sống bên ngoài khác đi.
Ví dụ, Nga là một quốc gia có nhiều sự bất công ở trong xã hội, ngày xưa có giai cấp quí tộc và giai cấp nông dân. Người Nga một số lớn những người ở trong giới lao động thợ thuyền làm việc rất cực nhọc, rất khổ, đời sống bị chèn ép đủ thứ và do vậy phần lớn người Nga họ tìm sự khuây khỏa trong men rượu, họ uống rượu rất nhiều, loại rượu Voka là loại rượu người Nga uống rất nhiều. Thì chuyện một người uống rượu bình thường uống một hai ly khác với những người đi làm việc xong về uống gọi là say bí tỉ tức là họ uống không chỉ là một hai chung mà họ uống sao cho người họ đi vào trạng thái say sưa, cái say đó làm cho người ta cảm thấy quên đời, cái say đó người ta cảm thấy ít nhất có giây phút nào đó mình là mình.
Người Việt Nam chúng ta có nhiều chữ để chỉ cho tình trạng này, một người bình thường uống nhiều rượu gọi là say rượu. Nhưng rồi có những người say rượu họ cảm thấy chưa thỏa mãn họ đi vào tình trạng gọi là nghiện rượu. Nghiện rượu là không có rượu thì không được tức là phải uống thường xuyên. Rồi từ nghiện rượu đi đến chỗ nát rượu tức là không có rượu thì tay chân run lẩy bẩy, buổi sáng sớm không có rượu thì con người giống như chết rồi, không có làm gì được. Và khi uống rượu vào với một người nát rượu thì nhà tan cửa nát tức là cuộc sống không bình thường chỉ còn cách là phải đi cai rượu.
Đức Phật Ngài cho chúng ta biết đi vào con đường nghiện ngập rượu là nó hoàn toàn không thể nào thỏa mãn được tận cùng của nó chỉ có một cách phải dùng ý trí để dừng lại, và những người thân phải khuyên để dừng lại, càng lún sâu thì con người càng mất đi khả năng định hướng, mất đi khả năng để làm lại cuộc sống tại vì mình sống trong cái gọi là impregnation tức là trạng thái ngâm tẩm, đắm chìm hưởng thụ một cách quá đáng, hưởng thụ một cách không có chừng mực. Xã hội ngày hôm nay phải nói rằng về điều này lại rất nặng nề, ở Mỹ tai nạn xảy ra do người ta uống rượu lái xe nhiều hơn những tai nạn do những nguyên nhân khác, những ngày lễ người ta đi dự tiệc tùng số người chết lên cao vì chuyện uống rượu lái xe. Nhưng phải nói ở Mỹ mọi người cần lái xe để di chuyển và việc nghiện ngập vấn đề say xưa đã trở thành một thảm họa không phải chỉ cho người lái xe mà cho cả những nạn nhân nữa.
3. Sự không thỏa mãn thứ ba. Đức Phật dạy không bao giờ thỏa mãn đầy đủ đó là nhục dục.
Cái gì cũng vậy, sự hưởng thụ ở mức độ tương đối thì có thể không gây tác hại. Ví dụ, trong cuộc sống con người có nam có nữ, có sự liên hệ giữa nam và nữ. Nhưng một khi con người đã đắm chìm ở trong một thứ gì quá, cũng giống như về vấn đề mê ngủ hay giống như vấn đề nghiện ngập rượu chè thì vấn đề hưởng thụ nhục dục có thể dẫn đến tình trạng quá độ.
Như ngày hôm nay chúng ta nghe nói rất nhiều trường hợp càng ngày con người càng có nhiều cách thỏa mãn mà nó rất bất bình thường nó đi quá xa và vì vậy nó tạo ra không biết bao nhiêu vấn đề của cuộc sống. Cái vấn đề cuộc sống con người đơn giản phải biết nó ở chừng mực nào đó, cuộc sống con người lớn lên ai cũng muốn xây dựng cuộc đời tương đối là ổn. Nhưng chính vì những đam mê và những đam mê không tự chủ được dẫn đến sự đổ vỡ của gia đình dẫn đến sự đổ vỡ của trăm muôn ngàn thứ trong cuộc sống. Ngày nay hơn bao giờ hết con người chúng ta nên hiểu trong sự tự do của một thời đại, trong sự cở mở, trong sự cho phép của truyền thông của internet v.v... thì con người có nhiều phương cách để tìm đến để kích dục và để thỏa mãn dục vọng nhưng thỏa mãn nghĩa là thỏa mãn nhứt thời chứ nó không có gì thỏa mãn mãi mãi được.
Nếu không có đủ ý trí đủ sự hiểu biết dừng lại ở mức độ nào đó thì chúng ta sẽ rơi vào ở trong một giai đoạn hầu như quá lậm, và chúng ta không thể có cuộc sống bình thường, cái cuộc sống gọi bình thường nói theo chúng ta là cuộc sống quân bình là chúng ta tương đối có khả năng sống chừng mực. Cái đó không phải là dễ dàng.
Thì ở đây, Đức Phật dạy chúng ta về 3 điều không thể nào thỏa mãn, Ngài đặc biệt lưu ý nó là những thứ phiền não đến từ sự hưởng thụ và sự hưởng thụ này mang đặc tính ngâm tẩm, chìm đắm, quá lậm trong đó.
Chúng ta đọc giáo lý duyên khởi sẽ thấy một hệ lụy đơn giản là có 6 căn tiếp xúc với 6 cảnh:
- Xúc duyên cho Thọ là do tiếp xúc với các cảnh nên có cảm thọ, và cảm thọ tại đây không đơn giản như chúng ta nói Khổ Lạc Ưu Hi Xả mà cảm thọ ở đây đôi khi có một thứ cảm giác đặc biệt. Thí dụ như một người mê ngủ thích chuyện ngủ nghỉ khi họ nằm xuống họ cảm giác khoái lạc đặc biệt. Rồi một người đam mê về rượu nghiện ngập những dân nhậu chẳng hạn những người say sưa nhậu nhẹt trong cái say sưa đó họ cũng có một cái cảm thọ và cái cảm thọ đó khiến cho họ đắm chìm.
- Nhưng trong cái Thọ đó duyên cho Ái là sự thích thú.
- Nhưng Ái dẫn đến Thủ, Thủ ở đây là sự bám lấy không buông, uống rượu đến mức nghiện rượu hay nát rượu thì có nghĩa không có buông được. Một người đam mê nhục dục dẫn đến sự hưởng thụ nhục dục mà nó đi quá xa tầm thường thì họ không có bình thường nữa họ tạo ra rất nhiều chuyện không cho phép bởi xã hội. Hay một người quá đắm chìm trong ngủ nghỉ có thể họ đánh mất đi khả năng minh mẫn, khả năng phấn chấn để làm những việc khác mà chỉ chìm đắm trong sự ngủ nghỉ.
Ở đây, khi chúng ta nói đến "Ái duyên cho Thủ" chúng ta hiểu nó không đơn thuần chuyện đó mình thích hay chuyện đó mình đặc biệt ưa chuộng mà chữ "Thủ" ở đây là một sự đắm chìm, một sự nghiện ngập, một cái gì đó nó quá đà, quá chớn, quá độ. Cái "quá" đó để lại không biết bao nhiêu hệ lụy của đời sống và nó thể hiện thành những hạnh nghiệp chúng ta gọi là "Thủ duyên cho Hữu".
Khi Đức Phật đề cập đến 3 việc ở tại đây không nhất thiết đối với tất cả mọi người đều giống nhau nhưng với người khi đã tự dấn vào những lãnh vực này nên hiểu đôi lúc nó vượt ngoài khả năng tự chủ và nên để ý.
Tại các thiền viện người ta nói sự phấn đấu chống lại chuyện mê ngủ hay buồn ngủ hay ưa thích ngủ nghỉ đôi khi không dễ dàng giống như chúng ta nghĩ. Nhiều người ngồi thiền buồn ngủ có nhiều vị họ để hộp quẹt trên đầu khi ngủ gật hộp quẹt rớt xuống họ thức tỉnh, hay có người dùng cây kim may loại kim may bao bố cầm trên tay lúc buồn ngủ họ lơi ra nó rớt xuống đâm vào lòng bàn tay làm tỉnh thức.
Chúng tôi học cách trấn áp cơn buồn ngủ từ ngài Ajahn Pasanno; ở trong lúc buồn ngủ quá mình rời khỏi am thất của mình tức là chỗ ở của mình trong đêm, nơi am thất mình tu không có điện chung quanh, trời tối ban đêm lúc mình đi nhà vệ sinh hay đi đâu cần có đèn pin, nếu có đèn pin mình mới biết ở dưới chân mình có rắn rít có bồ cạp hay không còn nếu mình đi không có đèn pin buổi tối rất dễ sợ, nhưng buồn ngủ quá mình nhắm hướng đi không cầm đèn thì khi đi như vậy người mình tỉnh lại, đó là một cách.
Chúng ta phải có ý trí, đầu tiên ý thức là những chuyện ngủ nghỉ, say sưa, nhục dục mình hưởng thụ bao nhiêu cũng không đủ, và khi mình biết bao nhiêu cũng không đủ thì mình phải dừng lại ở mức độ nào đó. Giống như ngày hôm nay có nhiều người bị bịnh đi shopping, mỗi khi đi shopping họ cảm thấy hạnh phúc, nhưng một lúc nào đó họ hiểu được đi mua bao nhiêu cũng không thỏa mãn được bắt buộc họ phải dừng lại. Cái ý thức được thắp sáng trong lòng mình "như vậy là vừa đủ rồi, ngưng lại" đó là một điểm chúng ta có thể làm được.
Một việc khác chúng ta có thể làm được, chúng ta có thể hiểu khi mình bị chi phối bởi những thứ đó nhiều quá thì mình không thể làm được chuyện gì khác được. Lấy ví dụ, những lần chúng tôi đi xa đến những nơi sái giờ thì tới giờ sinh hoạt trong room rất buồn ngủ những lúc đó chúng tôi vẫn thường phấn đấu cơn buồn ngủ là đi rửa mặt hay làm việc gì đó và tự nhủ "nếu mình không cố gắng thì ngày hôm sau nó cũng buồn ngủ tiếp tục nó có thể tệ hơn", vì mình cố gắng thì từ từ mình sẽ dành lại được sự tự chủ của mình. Như bây giờ chúng tôi đang rất buồn ngủ vì khác giờ nếu chúng tôi bỏ room không sinh hoạt và leo lên giường ngủ thì ngày mai nó cũng trở lại giống như vậy, tại vì mình chiều nó, cách làm tốt nhất là mình tự phấn đấu tới giờ đó cứ thức cứ làm, đôi khi mở mắt không lên nhưng vẫn cố gắng làm.
Cái quan trọng ở trong cuộc sống là cái ý trí của mình, mình phải tin vào ý trí mình hơn là tin vào phiền não. Nếu mình không tin vào ý trí thì mình sẽ bị phiền não sai xử. Những lúc cảm thấy con người mình yếu đuối hay cảm thấy con người mình không có nhuệ khí không có sự tinh tấn lúc đó mình tự đặt câu hỏi là ý trí mình ở đâu. Mình sống mà không có sự phấn đấu thì đời sống mình sẽ lui sụt, và mình thấy rất rõ cuộc sống phải có sự phấn đấu với những phiền não.
Đức Phật dạy tại đây, khuynh hướng của con người là muốn thỏa mãn sự ham mê ngủ nghỉ, ham mê say sưa trong rượu, ham mê trong nhục dục nếu chúng ta không đủ trí tuệ và không đủ ý trí nói mình phải dừng lại ở mức độ nào đó nó vừa phải, không nên đi quá đà, không nên đi quá xa, vì càng đi thì càng lún sâu, càng lậm, và càng lậm thì chúng ta sẽ mất hết tất cả thứ khác, không có khả năng tự chủ, không có khả năng làm việc nữa. Thì thường là những con người không phấn đấu một lúc nào đó tự nhiên mình không còn là mình nữa, mình không tự chủ được nữa, và nó sẽ đi quá đà.
Do vậy, rất cần để chúng ta nói với chúng ta rằng những thứ đó nó không bao giờ thỏa mãn mình, không bao giờ thỏa mãn, bao nhiêu cũng không đủ.
Có lần chúng tôi ngồi nghe một vị cư sĩ, người này tương đối rất thành công ở trong công ăn việc làm, thấy người ta mở nhà hàng cũng muốn mở nhà hàng, và vị này mở 4,5 nhà hàng và nhà hàng nào cũng thành công và cứ làm và cứ thấy tiền vô. Tiền vô là một lẽ nhưng người thì cực, làm nhà hàng thì cực. Có một đêm người đó ngủ nằm suy nghĩ tuy mình làm thành công trong việc kiếm ra tiền mình thỏa mãn nhưng mình làm một lúc mình quên vợ quên con, quên gia đình, quên đi chùa, quên Phật Pháp, vị này ngày xưa có tu ở chùa Ngài Hộ Giác, và bây giờ vị này nói mình không thể chạy theo hoài được có một lúc nào đó mình phải dừng lại. Đó là thắp sáng ý trí của mình. Con người mình cứ chạy đuổi theo danh lợi hơn thua. Riêng cuộc sống nội tại thì mình có những thứ hưởng thụ mình nghĩ mình sẽ đến chừng mực nào đó nhưng mà nó cũng không thỏa mãn được.
Thì Đức Phật dạy chúng ta phải bừng dậy phải trội dậy như trong kinh kể về vị tướng Santati ông là một danh tướng của vua Ba Tư Nặc đi đánh giặc chiến thắng và trên đường trở về ông ngồi trên thới voi trong niềm kiêu hãnh của vị tướng thắng trận khải hoàn trở về, Đức Phật Ngài đã độ ông cho ông thấy được niềm kiêu hãnh đó đối với ông là cao điểm mà ông cảm thấy trân trọng nhất trong cuộc đời đó là kiêu hãnh của cái chiến thắng nhưng mà điều đó không dẫn đi về đâu hết.
Cuối cùng chúng ta phải nói rằng thì nó như vậy đó, đến lúc mình cảm thấy nó không có đủ khả năng để dừng lại thì chúng ta phải đẩy mạnh ý trí của mình bằng trí tuệ bằng ý thức của mình. Ở trên đời này hơn nhau hay không hơn nhau là người biết dừng lại, hơn nhau hay là thua nhau ở chỗ là người có chừng mực hay không? Khả năng chừng mực mà biết vừa phải không phải dễ dàng.
Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với quí Phật tử trong buổi sinh hoạt ngày hôm nay./.
No comments:
Post a Comment