Thảo luận. Thế nào gọi là chánh tín, thế nào gọi là tịnh giới, thế nào là thiện thí, thế nào trí tuệ trong Phật Pháp?
Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 5 tháng 1 năm 2018
Minh Hạnh chuyển biên
TT Tuệ Siêu giảng:
- Niềm tin, đối với người thường không hiểu biết Phật Pháp niềm tin của họ cũng có chứ không phải là không nhưng niềm tin đó không phải là chánh tín.
- Việc giữ giới, người không học hiểu Phật Pháp họ chấp trì những giới như giới cấm thủ chẳng hạn, điều đó không những không đem lợi ích trong tương lai mà còn đưa đến thối đọa bởi vì nó rơi vào tà kiến.
- Bố thí, một người bố thí, không hiểu bố thí như thế nào có quả báo lớn có lợi ích lớn thì người đó làm cũng như không có làm.
- Trí tuệ, nói đến trí tuệ không phải một người thông minh có kiến thức uyên bác mà gọi là trí tuệ lợi ích trong tương lai.
Ở đây chúng tôi nhân câu hỏi này cũng chia xẻ với quí Phật tử.
Vấn đề niềm tin.
Chúng ta có 4 niềm tin thuộc về chánh tín:
1. Một là chúng ta tin về nhân.
2. Hai là chúng ta tin về quả của nhân
3. Ba là chúng ta tin mỗi chúng sanh có biệt nghiệp.
4. Bốn là tin vào sự giác ngộ của Đức Phật để chúng ta sẵn sàng tin giáo pháp và Tăng chúng.
1 Tin về Nhân
Tin nhân tức là khi có sự việc gì xảy ra người đó tin chắc rằng vụ việc này ắt phải có nguyên nhân và cố tìm ra nguyên nhân mà xảy ra sự việc đó chớ không có mỗi mỗi một chút lại đổ thừa do trời thưởng trời phạt.
2. Tin vào quả
Tin vào quả là những khi mình hành động thiện hoặc ác, hành động thiện tin rằng hành động này sẽ đưa đến quả an vui còn hành động ác sẽ đưa đến quả khổ, chúng ta tin vào quả như thế. Hoặc chúng ta tin vào hậu quả của hành động, khi mình làm việc gì đó bị phóng dật suy nghĩ đến chuyện khác không tập trung thì chúng ta biết hậu quả của việc đó sẽ đưa đến sự thất bại. Chúng ta đi trên đường trơn trợt tâm cứ suy nghĩ đến chuyện đâu đâu không chú ý từng bước chân, không đi chậm trên con đường trơn trợt đó thì như vậy hậu quả sẽ trợt té. Tức là phải biết hành động này sẽ đưa đến quả nào, mình phải biết như thế.
Người tin quả làm việc rất cẩn thận. Ví dụ, một người hút thuốc xong họ không ném tàn thuốc còn đang cháy vào một xó vách hay đi ngang qua một khu vườn khu rừng họ không ném tàn thuốc còn đang cháy đó xuống dưới đất vì nghĩ rằng chính do nhân này có thể đưa đến hậu quả gây hỏa hoạn v.v...
3. Tin mỗi chúng sanh có biệt nghiệp
Tin mỗi chúng sanh có nghiệp riêng là chúng ta tin ở đời này chúng sanh vui hay khổ mỗi chúng sanh phải lãnh chịu quả nghiệp người đó tự tạo trong đời quá khứ, bởi vì:
"Kammassakā māṇava, sattā kammadāyādā kammayonī kammabandhū kammappaṭisaraṇā.
Chúng sanh là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng là quyến thuộc, nghiệp là chỗ y cứ.
Chúng ta tin tưởng điều đó, niềm tin đó là niềm tin chân chánh, chúng ta tin vào sự giác ngộ của Đức Phật, tin vào diệu năng của giáo pháp, tin vào sự thanh tịnh của tăng chúng.
4. Niềm tin Đức Phật, Tăng Chúng, giáo pháp.
Cũng vậy, ở đây, có những người tự nhận mình theo đạo Phật, nhưng trên thực tế họ không hiểu Đức Phật là ai, họ chỉ biết đi đến chùa thắp hương qùy lạy Phật rồi cầu nguyện, họ không hiểu được Đức Phật Ngài là ai Ngài giác ngộ những gì và Ngài đã dạy điều nào, họ không biết. Tin Phật như vậy không hiệu quả, không phải là người Phật tử chân chính
Tin giáo pháp là chúng ta tin vào những lời dạy của Đức Phật là "thiết thực hiện tại có hiệu năng hướng thượng" đi vào giáo pháp chỉ nương tựa vào giáo pháp như chúng ta nương tựa lời chỉ dẫn của một vị trưởng đoàn còn bước đi là phải do chính mình. Đức Phật Ngài tuyên bố:
"Như Lai là vị chỉ đường sự nỗ lực phải do chính các ngươi - "Akkhaataaro tathaagataa Tumhehi kicca.m aatappa.m"
Chúng ta phải tin giáo pháp tin như vậy chứ không phải là đến chùa tìm hiểu bài kinh nào bài chú nào đọc cho linh hiển cho ứng hiệu để ngăn ngừa tai ương v.v... chúng ta không tin giáo pháp theo kiểu đó được.
Chúng ta phải tin hiệu năng hướng thượng. Giống như khi bị bịnh chúng ta đến gặp bác sĩ cho chúng ta thuốc uống chúng ta phải tin vào công hiệu của thuốc làm theo lời căn dặn của bác sĩ thì mới hết bịnh chứ chúng ta không thể nào đi đến nhờ ông bác sĩ làm cho mình hết bịnh nói suông như vậy là chúng ta sẽ không bao giờ hết bịnh, chúng ta phải uống thuốc biết kiêng cử những gì bác sĩ dặn cũng như chúng ta tin vào giáo pháp để thực hành chứ không phải tin vào giáo pháp là tin vào những bài kinh tụng có uy lực.
Tin vào Tăng chúng. Chư tăng không phải là những vị giáo sĩ trung gian để đem lời cầu nguyện của mình đến Đức Phật được, Chư Tăng không phải là những vị làm công việc đó.
Những vị sống đời sống xuất gia đã đạt đến quả vị giải thoát là bản thân của vị đó do sự thực hành theo giáo pháp Đức Phật. Những vị sợ hãi sự sanh tử luân hồi xuất gia sống theo giáo pháp của Đức Phật học pháp và hành pháp, đi hoằng pháp thay mặt Đức Thế Tôn để truyền dạy giáo pháp gìn giữ giáo pháp tồn tại.
Chúng ta không nên đi đến gặp các vị Tỳ Kheo nhờ các vị Tỳ Kheo vì nghĩ rằng Tăng có oai lực cho nên Tăng tụng kinh cầu an hay cầu siêu thì sẽ ứng nghiệm. Nếu có niềm tin như vậy thật sự không phải là niềm tin nơi Tăng chúng.
Cho nên chúng ta tin Tam Bảo, chúng ta phải có niềm tin chân chính là:
Chúng ta tin Đức Phật là tin sự giác ngộ của Đức Phật.
Tin giáo pháp là tin vào hiệu năng của chánh pháp.
Tin Tăng chúng là sự thanh tịnh của Tăng chúng.
Để từ đó chúng ta mới làm phước bố thí cúng dường, chúng ta có nhiều phước báu.
Sự trì giới
Đức Phật Ngài dạy có người giữ giới giống như kẻ ngoại đạo, có người giữ giới như kẻ chăn bò và có người giữ giới như bậc Thánh.
Giữ giới như kẻ chăn bò là thọ trì 5 giới 8 giới rồi giữ làm sao trong ngày và đêm đó hay trong thời gian đó không phạm vào 5 giới 8 giới đó nhưng họ không biết rõ lợi ích của giới và không biết rõ cái gì làm nền tảng cho giới.
Thí dụ, như tu tâm từ bi hay sống chánh mạng hoặc sống tri túc thiểu dục hoặc chúng ta thích thú pháp chân thật này chúng ta trao dồi trí tuệ. Những điều đó cần thiết cho giới được thanh tịnh, nhưng người này không hiểu, họ chỉ giữ giới cho đừng phạm năm điều đó thôi còn những phiền não tham sân si mạn nghi tà kiến họ không tu tập.
Cho nên những người ở ngoài miệng thì nói giữ giới nhưng trong tâm họ sân nhiều, họ có thể nổi sân lên đánh đập mắng chửi người khác, hỏi tại sao tu giữ giới mà lại sân như vậy thì họ nói rằng đánh đập không phải là sát sanh, họ mắng chửi không phải là nói dối. Những người như vậy gọi là giữ giới như người chăn bò đếm đủ 8 con hay 5 con dẫn đi ăn chỗ này chỗ kia, sáng đem đi chiều đem về đếm đủ trả cho chủ bò để lãnh tiền.
Giữ giới như kẻ ngoại đạo, là giữ giới còn theo tà kiến chấp sai hiểu lầm giáo pháp của Đức Phật. Đa phần người Phật tử giữ giới bị rơi vào tà kiến, thí dụ đơn giản một điều thôi, mặc dầu chúng ta giữ giới nhưng thay vì chúng ta nghĩ mình không sát sanh thì quả phúc này mình sẽ được sự may mắn an vui không bị tai hại không bị rủi ro, nhưng đàng này người Phật tử đôi khi miệng thì giữ giới nhưng khi họ muốn xuất hành họ muốn đi chỗ này chỗ kia họ cũng coi ngày giờ tốt xấu, thành thử như vậy chúng ta không có giữ giới
Người Phật tử chúng ta giữ giới như thế này:
- Chúng ta suy nghĩ vị A La Hán trọn đời không hành động sát sanh luôn sống với tâm từ bi, ta sẽ noi gương vị Alahán ta sẽ không sát sanh có tâm từ bi với chúng sanh loài hữu tình.
- Vị Alahán trọn đời không hành trộm cắp Ngài sống chánh mạng ai cho cái chi thì dùng cái nấy không có lấy của không cho v.v... thì như vậy ta sẽ theo gương của vị Alahán để giữ giới tránh xa trộm cắp.
Thì khi chúng ta thấy và biết được điều lợi ích của sự giữ giới các bậc Thánh đã thanh tịnh hành động đó thì chúng ta sẽ noi gương theo đó để giữ giới làm cho mình cũng được thanh tịnh. Chúng ta giữ giới và có tác ý như vậy gọi là giữ giới thanh tịnh.
Về bố thí
Có người bố thí vì:
1 - thương mà bố thí,
2 - vì ghét mà bố thí,
3 - vì si mê mà bố thí,
4 - vì sợ hãi mà bố thí,
5 - vì để mong cầu có quả báo sanh thiên mà bố thí,
6 - vì họ bố thí để giữ truyền thống gia đình,
7 - bố thí vì nghĩ rằng khi bố thí tâm ta sẽ được an vui rồi họ cho,
8 - có người bố thí vì họ nghĩ chúng sanh tâm bị cấu uế do bỏn xẻn keo kiết cho nên vị đó bố thí xả tài với tác ý suy nghĩ là sẽ làm tư cụ cho tâm, làm trang điểm cho tâm để cho tâm được trong sạch yên vui thì người đó bố thí.
Trong 8 sự bố thí chỉ có hai sự bố thí thứ 7 và thứ 8 là bố thí làm cho tâm an vui, bố thí để làm tư cụ cho tâm thì hai cách bố thí này là chân chính, còn những bố thí kia không phải là thiện thí.
Bố thí tại vì thương ai đó mình đem cho chứ không phải là tâm muốn dứt sự bỏn xẻn. Không phải là thiện thí
Buổi sáng ra gặp người ăn xin đứng ngay cửa giận quá bây giờ đuổi thì họ không đi họ ngồi lì đó thì thôi cho đại cái gì đó để họ đi cho rồi chứ ngồi án trước cửa không buôn bán được. Đó là vì giận mà bố thí. Không phải là thiện thí
Thì như vậy trong cách bố thí chúng ta cũng phải suy xét, bố thí làm sao cho lợi ích.
Còn nhiều cách bố thí tốt đẹp Đức Phật Ngài dạy chẳng hạn như:
- Chúng ta bố thí bằng lòng tin,
- chúng ta bố thí bằng sự trân trọng người thọ thí,
- Chúng ta bố thí vì hợp thời,
- Chúng ta bố thí những vật qúi trọng không phải là vật quăng bỏ.
- Chúng ta bố thí chúng ta nhìn về tương lai đó là những pháp bố thí của bậc chân nhân mà chúng ta cần phải thực hành theo đó là thiện thí.
Về đến trí tuệ .
Người Phật tử hiểu về trí tuệ ở đây là sự hiểu biết thuộc về chánh kiến, không phải là người khôn ngoan đối đáp hay có đầy đủ mưu mẹo sách lượt để thắng hoá người khác, mà là chúng ta hiểu biết trí tuệ đem đến lợi ích tương lai phải là trí tuệ của chánh tri kiến.
Trí tuệ của chánh tri kiến thì chúng ta nên xem lại bài kinh Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya. 9. Kinh Chánh tri kiến (Sammàditthi sutta) do Tôn Giả Sariputta (Xá-lợi-phất) giảng cho các vị Tỳ Kheo nghe. Một người hiểu biết pháp thiện và hiểu biết được căn thiện gọi là chánh kiến, hiểu biết pháp bất thiện là thế nào, hiểu biết căn bất thiện là thế nào gọi là chánh kiến.
Một người hiểu biết được những pháp chẳng hạn như chúng sanh duy tồn nhờ vật thực, cái gì là vật thực, cái gì là tập khởi của thức ăn, cái gì là sự đoạn diệt của thức ăn, cái gì là con người đưa đến sự đoạn diệt của thức ăn.
Hay là chúng ta hiểu biết về Tứ Đế đây là khổ, đây là Nhân Sanh khổ, đây là Sự Diệt Khổ và đây là Con Đường Đưa Đến Sự Diệt Khổ, có trí tuệ biết rõ như vậy có lợi ích đưa đến kết quả trong tương lai nếu chúng ta chưa đắc đạo quả thì nên tu tập như vậy.
Cho nên ở đây dầu chúng ta là người giàu hay người nghèo, là người trí thức hay người bình dân, người học nhiều hay người học ít, điều đó không cần thiết không phải là trí tuệ quan trọng. Mà cái trí tuệ của chánh tri kiến là hiểu được những pháp để thực hành đưa đến sự tốt đẹp an vui đó mới là trí tuệ cần, là trí tuệ quan trọng.
Ở đây chúng tôi cũng chỉ xin chia sẻ với qúi vị một cách tóm tắt để chúng ta có thể theo đó thực hành cho tốt ./.
No comments:
Post a Comment